Tin Yasa đi xuất gia bắt đầu được loan truyền trong giới bạn hữu của chàng.
Bốn người bạn thân nhất của Yasa là Vimala, Subahu, Punnaji và Gavampati, một hôm rủ nhau tìm tới vườn Lộc Uyển.
Trên đường đi, Subahu nói:– Nếu Yasa chịu đi tu, thì ông thầy của Yasa phải là một người rất giỏi và giáo pháp của ông ta phải là một giáo pháp thâm diệu.
Tôi biết Yasa ít phục ai lắm.Vimala trả lời:– Không chắc như thế, có thể là Yasa bốc đồng đi tu một thời gian mà thôi.
Sáu tháng hay một năm sau anh chàng hoàn tục cũng chưa biết chừng.Gavampati nói:– Anh Vimala coi thường Yasa quá.
Tôi thấy tánh Yasa trầm lặng và anh ta thường suy nghĩ chín chắn lắm.Bốn người vào gặp Yasa.
Yasa đem các bạn mình tới giới thiệu với Bụt.
Yasa bạch:– Lạy Bụt, bốn người bạn này của con đều là những người tốt.
Xin Bụt đem lòng thương mở mắt cho họ thấy được con đường giải thoát.Bụt ngồi nói chuyện với các chàng trai trẻ.
Vimala ban đầu còn có vẻ hồ nghi nhưng càng nghe Bụt nói chàng càng thấy thấm.
Cuối cùng Vimala đề nghị với các bạn xin Bụt cho cả bốn chàng xuất gia theo Yasa.Bốn chàng trai trẻ quỳ xuống chắp tay cầu Bụt để được xuất gia.
Thấy cả bốn người đều nhiệt thành và thiết tha, Bụt ưng thuận.
Người giao cả bốn chàng cho khất sĩ Kondanna dạy dỗ.Bạn bè cũ của vị khất sĩ Yasa đông có tới hàng trăm người.
Tin Yasa và bốn người bạn thân đi tu chẳng mấy chốc mà đã được truyền ra khắp chốn.
Hơn một trăm hai chục người đã tập họp về nhà của Yasa và cùng rủ nhau đến vườn Lộc Uyển để thăm hỏi.
Họ đều là những người trai trẻ, tuổi từ hai mươi tới ba mươi.
Đó là vào một buổi sáng đẹp trời.
Nghe tin họ đến thăm, khất sĩ Yasa ra đón họ tận ngoài cổng.
Thầy thuật cho họ trường hợp đi xuất gia của mình và nói với họ về Bụt.
Cuối cùng, thầy đưa tất cả một trăm hai mươi người bạn vào yết kiến người.Một trăm hai mươi người trẻ vây quanh, Bụt bắt đầu nói chuyện về con đường thánh thiện, có khả năng đưa tới sự diệt khổ và đem lại an lạc.
Người kể sơ lược về thân thế và hành trình tìm đạo của người, và nói đến chí nguyện cứu người giúp đời của tuổi trẻ.
Một trăm hai mươi người trai trẻ ngồi nghe Bụt một cách say mê.
Cuối cùng, năm mươi người trong đám đông đó xin phép được ở lại xuất gia tu đạo.Trong số bảy mươi chàng thanh niên còn lại, có nhiều người cũng muốn xuất gia, nhưng họ còn kẹt bổn phận gia đình; người thì có cha, người thì có mẹ, người thì có vợ và con.Yasa thỉnh Bụt chấp nhận lời thỉnh cầu của năm mươi người bạn.
Bụt bằng lòng.
Rất sung sướng, Yasa bạch với thầy:– Ngày mai, con xin Bụt cho con được về nhà con để khất thực.
Con sẽ có dịp nói chuyện với song thân con về việc cúng dường y mới và bát mới cho những vị tân khất sĩ.Tại vườn Lộc Uyển, từ hôm đó ngoài Bụt đã có cả thảy sáu mươi vị khất sĩ.
Bụt ở lại vườn Lộc Uyển thêm ba tháng nữa để dạy dỗ và hướng dẫn đại chúng xuất gia.
Trong thời gian ấy hàng trăm vị cư sĩ đã đến Vườn Nai để xin Bụt chấp nhận cho làm đệ tử cư sĩ.Bụt dạy các vị khất sĩ về phép quán niệm hơi thở, quán niệm về thân thể, về cảm giác, về tri giác, về tâm ý và về đối tượng của tâm ý.
Người cũng dạy phương pháp quán chiếu tự tính duyên khởi của vạn hữu trong thế giới hiện tượng.Phép duyên khởi là một phép quán rất quan trọng trong công trình tu tập.
Vạn vật nương vào nhau để phát hiện, tồn tại rồi ẩn diệt; chính vì nương vào nhau nên mọi vật mới có thể có mặt và vì vậy trong cái một có cái tất cả, và cái tất cả cũng không thể có mặt nếu cái một không có mặt.Phép quán duyên khởi này là cánh cửa, do đó người tu thoát được ra khỏi sinh tử.
Phép quán duyên khởi cũng có công năng phá trừ những định kiến lâu đời như định kiến vũ trụ đã được một nguyên do đầu tiên sinh khởi, dù nguyên do đó là một vị thần linh hay là một chất liệu làm căn bản cho hiện hữu như đất, nước, lửa hay là không khí.Với tình thương, với ý thức trách nhiệm của một bậc thầy, cũng như của một anh cả, Bụt chăm sóc và dạy dỗ sáu mươi vị khất sĩ một cách tận tình.
Người lại giao phó cho năm người đệ tử đầu trách nhiệm dìu dắt các vị khất sĩ mới học.
Kondanna dìu dắt hai mươi vị.
Bốn người khác, Bhaddiya, Vappa, Mahanama và Assaji, mỗi người dìu dắt mười vị.
Đại chúng bước những bước rất vững và mạnh trên con đường tu học.Khi thấy phần lớn các vị khất sĩ dưới sự hướng dẫn của mình đã có được bản chất và tư cách của những người hành đạo, Bụt tập hợp đại chúng và nói:– Các vị khất sĩ, xin hãy nghe tôi nói.
Chúng ta là những con người tự do, không vướng bận và không bị ràng buộc vào bất cứ một cái gì.
Quý vị đã biết đường đi.
Quý vị hãy tinh tiến dũng mãnh bước trên con đường ấy.
Quý vị có thể rời khuôn viên Lộc Uyển.
Hãy đi như những con người tự do để mang ánh sáng của đạo tỉnh thức đến tận những chốn hang sâu hố thẳm.
Đi để gieo rắc hạt giống giải thoát và giác ngộ.
Đi để đem an lạc đến cho con người.
Quý vị hãy dạy đạo lý giải thoát, nền đạo lý đẹp đẽ từ đầu đến cuối, từ hình thức cho đến nội dung.
Nhân gian sẽ thừa hưởng được công trình hoằng pháp của quý vị, còn tôi, tôi cũng sẽ lên đường.
Trong ít lâu nữa, tôi sẽ đi về phương Đông.
Tôi muốn về thăm cội Bồ Đề và các em bé ở thôn Uruvela, và sau đó tôi sẽ về thăm một người bạn tri kỷ ở Rajagaha.Các vị khất sĩ nghe theo lời Bụt dạy.
Một số lớn khoác y và mang bát lên đường hành hóa.Chỉ còn mươi thầy ở lại vườn Lộc Uyển với Bụt.Nhưng từ mấy tháng nay, tại hai vương quốc Kasi và Magadha, nhiều người đã nghe nói tới Bụt và các đệ tử của người.
Họ nghe nói có một vị hoàng tử dòng họ Sakya đi tu đã thành đạo và đang giảng dạy tại vườn Lộc Uyển gần thành Baranasi.
Nghe tin này nhiều vị sa môn từng tu tập lâu ngày mà chưa đạt ngộ được gì rất lấy làm phấn khởi.Từ nhiều địa phương khác nhau họ tìm về Isipatana.
Nhìều người đã sung sướng được nghe Bụt thuyết pháp và đã phát nguyện sống đời xuất gia dưới sự chỉ dạy của người.Các vị khất sĩ học trò của Bụt đi hoằng hóa mọi nơi cũng đã bắt đầu đưa về vườn Lộc Uyển rất nhiều thanh niên muốn được xuất gia.
Số lượng học trò xuất gia của Bụt vì vậy lại tăng lên rất chóng.Một hôm Bụt tập họp đại chúng lại.
Người nói:– Các vị khất sĩ! Tôi nghĩ rằng tôi không cần trực tiếp làm lễ thọ giới xuất gia cho tất cả những ai muốn sống đời sống phạm hạnh theo con đường tỉnh thức.
Nếu bất cứ ai muốn xuất gia đều phải về vườn Lộc Uyển gặp tôi, thì điều đó sẽ gây ra nhiều bất tiện.
Điều bất tiện thứ nhất là các thầy phải bỏ dở công việc hoằng hóa để đưa người giới tử về tận đây.Điều bất tiện thứ hai là người giới tử không được thọ giới ngay tại chỗ cư trú của mình với sự có mặt của bạn bè và những người thân thuộc, trái lại phải đi đường dài có khi mất cả mười mấy ngày mới tới được đây.Điều bất tiện thứ ba là tôi bị bắt buộc ở tại đây mãi mãi.
Tôi cũng là một con người tự do như quý vị, và tôi cũng muốn được tự do đi đâu thì tùy ý tôi.
Vì vậy tôi nghĩ rằng các thầy có thể làm lễ truyền giới xuất gia cho những giới tử nào hợp đủ điều kiện, và làm lễ ngay tại địa phương hành đạo của mình.Đại đức Kondanna đứng lên chắp tay:– Lạy Bụt, như vậy thì xin Bụt dạy cho chúng con phương pháp làm lễ xuất gia cho người phát tâm tu học để chúng con có thể làm lấy khi trường hợp xảy ra.Bụt nói:– Thì quý vị đã từng thấy tôi làm lễ xuất gia cho nhiều ngườirồi.
Quý vị cũng có thể làm như thế.Vị khất sĩ Assaji đứng dậy trình bày:– Lạy Bụt, nhân cách của Bụt rất lớn, thành ra người không cần phải có nghi thức rườm rà, nhưng đối với chúng con, một nghi thức tối thiểu để sử dụng trong lúc làm lễ xuất gia rất là cần thiết.
Sư huynh Kondanna, xin sư huynh đề nghị một nghi thức đi.
Có Bụt ở đây, người sẽ chỉ dạy cho chúng ta thêm.Khất sĩ Kondanna im lặng một lát để suy nghĩ, rồi ông lên tiếng:Lạy Bụt, theo con thì việc trước tiên là phải cho người giới tử cạo sạch râu tóc.
Sau đó, giới tử được dạy cho cách mặc áo cà sa.
Khi mặc cà sa vào rồi, giới tử phải vạch trần vai bên phải ra theo nghi lễ và quỳ xuống trước mặt vị khất sĩ truyền giới.
Vị khất sĩ này bây giờ là đại diện cho Bụt, vì vậy, giới tử quỳ xuống dưới chân người là phải.
Chắp tay lại thành búp sen, giới tử đọc:“Con về nương tựa Bụt, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời này.
Con về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết.
Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức”.
Lặp lại ba lần như vậy thì giới tử trở nên một vị khất sĩ trong giáo đoàn của Bụt.
Lạy Bụt, con mạo muội đề nghị như thế, không biết con có phạm vào lầm lỗi nào không?Bụt dạy:– Nghi thức thầy đề nghị hay lắm.
Vậy tôi xin xác định với đại chúng; quý vị đọc ba lần tam quy dưới chân một vị khất sĩ thì có thể trở nên một vị khất sĩ.Đại chúng hoan hỷ tuân theo lời Bụt dạy.Sau đó mấy hôm, vào một buổi sáng đẹp trời.
Bụt khoác áo,cầm bát, một mình rời khỏi vườn Lộc Uyển.
Người hướng về phương Nam, tìm lối vượt sông Hằng để đi về vương quốc Magadha..
Danh Sách Chương: