Một hôm công nương Yasodhara thỉnh Bụt, đại đức Kaludayi và thầy Nagasamala tới thọ trai ở cung điện riêng của mình.
Bà cũng đã mời hoàng hậu.
Sau buổi cúng dường, bà đã thỉnh Bụt và hoàng hậu đi ra ngoại thành thăm những xóm nghèo nơi bà đã làm việc cứu tế xã hội trong những năm qua.
Các thầy Kaludayi và Nagasamala cũng cùng đi với người, Rahula cũng được đi theo Bụt.Khi Bụt tới nơi, người thấy trẻ con tập hợp đông có tới hàng trăm đứa, thì ra công nương Yasodhara đã triệu tập chúng từ những xóm làng quanh đó.
Chỗ tập hợp là gốc cây hồng táo năm xưa, nơi mà Bụt đã ngồi thiền định lần đầu lúc người mới lên chín tuổi.
Mới đó mà hai mươi bảy năm trời đã trôi qua.
Cây hồng táo đã lớn lên gấp bội.
Yasodhara cho Bụt biết là những đứa trẻ Bụt gặp năm xưa nay đã là những người chủ gia đình.
Những đứa trẻ mà Bụt được gặp cách đây tám năm bây giờ cũng đã trở thành những chàng trai cao lớn và những cô gái duyên dáng.
Phần lớn bọn trẻ mà Bụt gặp hôm nay đều từ bảy tới mười hai tuổi, hầu hết là con cái nhà nghèo.Bọn trẻ đã được bà Yasodhara dạy cách đón mời Bụt.
Khi thấy Bụt tới, chúng bỏ cuộc chơi, đứng dậy, dàn thành hai hàng để Bụt có lối đi tới gốc cây hồng táo.
Nơi đây chúng đã đặt một cái ghế đặc biệt cho Bụt ngồi.
Chúng đã trải chiếu để mời những vị quan khách khác như bà Gotami, Yasodhara, và các thầy đi theo Bụt.Bụt rất hài lòng được ngồi giữa bầy trẻ và giảng dạy giáo pháp cho chúng.
Người nhớ những buổi tập họp của bọn trẻ em nhà nghèo ở Uruvela.
Người kể cho các em nghe về chú bé chăn trâu tên Svastika và cô bé mang sữa tên Sujata.
Người dạy các em về cách nuôi dưỡng lòng thương yêu và mở rộng tầm hiểu biết.
Người lại kể cho các em nghe câu chuyện tranh nhau con chim thiên nga giữa người với Devadatta hồi người mới lên bảy tuổi.
Bọn trẻ con được nghe giảng dạy bằng những câu chuyện hấp dẫn này rất lấy làm vui sướng.Cuối cùng Bụt bảo Rahula ra ngồi trước mặt người, rồi Bụt kể cho tất cả các em bé nghe một câu chuyện tiền thân.
Người kể:“Ngày xưa có một chàng trai trẻ tên là Megha, thông minh, đức hạnh, hiếu thuận và học giỏi.
Chàng sống ở miền chân núi Hy Mã Lạp Sơn.
Chàng muốn đi về miền đồng bằng để học hỏi thêm.
Không có tiền, nhưng chàng cũng can đảm ra đi.
Chàng mang theo một cái gậy, một cái nón, một cái bình đựng nước uống và một chiếc áo choàng.
Trên con đường về kinh đô mỗi ngày chàng ghé lại làm việc cho những nhà nông dân bên đường để được có cơm ăn, và để tiếp tục đi nữa.
Có khi chàng còn được trả tiền.
Khi đến thủ đô Divapati, chàng đã để dành được năm trăm đồng trong túi áo.Vào đến cửa thành chàng thấy dân chúng đang mở hội rất vui.
Chàng không biết người ta đang mở hội ăn mừng việc gì nên có ý muốn tìm người để hỏi.
Vừa lúc ấy có một cô thiếu nữ xinh đẹp, mặt mày thật sáng sủa, đi ngang.
Cô cầm trong tay một bó sen.
Bó sen có tất cả bảy bông sen hàm tiếu.
Chàng hỏi cô:– Có việc gì vui mà dân chúng mở hội thế cô?Thiếu nữ đáp:– Chắc anh không phải là dân địa phương cho nên mới không biết hôm nay dân chúng mở hội gì.
Số là hôm nay tại thủ đô Divapati có một bậc giác ngộ xuất hiện tên là Dipankara.
Ngài là bó đuốc soi đường cho tất cả chúng sanh.
Ngài là con của vua Areimat, đã đi tu và đã thành đạo.
Đạo của ngài sáng chói cả thế gian.
Hôm nay, để mừng ngài, dân chúng tại đây mới mở hội.Nghe nói có một vị giác ngộ xuất hiện trên thế gian, Megha rất lấy làm sung sướng.
Chàng rất muốn được cúng dường ngài, được tới làm lễ ngài và học đạo với ngài.
Chàng hỏi cô thiếu nữ:– Cô mua bảy bông sen này bao nhiêu tiền thế, thưa cô?Thiếu nữa đưa mắt nhìn người con trai lễ phép và có dáng dấp thông minh.
Nàng trả lời:– Em chỉ mua có năm bông thôi.
Hai bông kia là của em đem theo.
Em hái hai bông ấy ở ao nhà.Megha nói:– Vậy năm bông kia cô mua bao nhiêu, thưa cô?– Em mua hết năm trăm đồng.Megha khẩn khoản cầu xin thiếu nữ để lại cho anh ta năm bông sen ấy để anh có thể có hoa đem cúng Bụt Dipankara.
Thiếu nữ không chịu.
Nàng nói:– Em mua để cúng Bụt chứ không phải để bán lại.Megha hết lòng khẩn khoản.
Anh nói:– Cô cúng dường hai bông cũng được rồi mà.
Xin cô vui lòng cho tôi lại năm bông để tôi cũng có dịp được cúng dường bậc giác ngộ với.
Thưa cô được gặp một bậc giác ngộ trên đời là quý hóa lắm.
Tôi quyết tâm cùng đi với cô để tới gặp ngài.
Tôi muốn được học hỏi đạo lý do ngài chỉ dạy.
Nếu cô vui lòng nhượng cho tôi năm bông hoa ấy, tôi sẽ nhớ ơn cô suốt đời.Thiếu nữ nhìn xuống đất, không nói.Megha lại năn nỉ:– Nếu cô cho tôi mua lại năm bông hoa, tôi sẽ làm bất cứ điều gì cô sai bảo để trả ơn cô.Thiếu nữ không dám ngửng đầu lên.
Hai người im lặng đi bên nhau rất lâu.
Cuối cùng cô lên tiếng:– Anh ơi, không biết tại vì duyên nợ nào từ những kiếp trước mà khi gặp anh, em đem lòng thương anh liền.
Em đã gặp nhiều người con trai, nhưng chưa bao giờ trái tim của em rung động như hồi nãy khi em mới gặp anh.
Em muốn tặng không cho anh năm bông sen này để anh cúng đức giác ngộ, nếu anh hứa với em là trong kiếp này cũng như trong những kiếp khác em được làm vợ của anh, hoài hoài và mãi mãi.Nàng nói một mạch những điều trên, và nói xong nàng thấy gần như hụt hơi.
Megha im lặng một lát rồi nói:– Cô là người rất dễ mến.
Và cô lại là một con người rất chân thật.
Mới đầu gặp cô, tôi cũng thấy có cảm tình với cô ngay, nhưng tôi là người có chí tu đạo giải thoát.
Cưới vợ thì bị ràng buộc, làm sao sau này tôi có được tự do mỗi khi có dịp ra đi tìm đạo?Thiếu nữ nói:– Anh cứ hứa với em đi.
Em xin nguyện rằng mỗi khi anh muốn ra đi tìm đạo thì em sẽ không dám tìm cách ngăn cản anh.
Trái lại, em sẽ tìm cách giúp anh thực hiện được hoàn toàn chí nguyện.Nghe thiếu nữ nói như thế, Megha vui vẻ nhận lời.Hai người tìm tới đức giác ngộ Dipankara.
Quần chúng đông đảo đang vây quanh ngài.
Thấy sắc diện của vị đạo sĩ Dipankara, Megha biết ngay đó là một bậc giác ngộ chân thực.
Chàng rất sung sướng.
Chàng phát nguyện phải tu học cho đến khi đạt tới quả vị giác ngộ cao tột như đức giác ngộ này.
Chàng muốn tiến tới gần để dâng lên Dipankara năm bông sen, nhưng quần chúng vòng trong vòng ngoài đang vây phủ lấy ngài, chàng không tài nào tiến tới được.
Cuối cùng chàng dùng hết sức của hai cánh tay chàng tung năm bông hoa sen vào cho đấng giác ngộ.
Lạ thay, cả năm bông sen đều bay tới và rơi đúng vào trong hai cánh tay ngài.
Megha thấy thế mừng rỡ.
Chàng biết là lòng thành của chàng đã cảm ứng được đấng toàn giác.
Vừa lúc ấy thiếu nữ trao cho chàng hai bông sen còn lại, ra hiệu cho chàng tung vào cho Bụt.
Chàng nhận hai bông hoa và tung lên.
Mầu nhiệm thay, cả hai bông hoa này cũng đều rơi vào giữa tay đức giác ngộ Dipankara.Vừa lúc ấy, đức toàn giác Dipankara lên tiếng gọi người cúng dường hoa sen tới bên cạnh ngài.
Quần chúng hé lối cho Megha đi vào.Megha cầm tay thiếu nữ kéo nàng theo đến trước mặt Bụt, Megha và thiếu nữ quỳ xuống.
Đức giác ngộ Dipankara nói với Megha:– Ta biết được tâm thành của con.
Ta cũng biết rằng con có chí lớn muốn tu học để đạt tới quả vị giải thoát và cứu độ cho loài chúng sanh.
Con hãy an lòng.
Ta biết con sẽ trở nên một bậc giác ngộ hoàn toàn trong tương lai.Rồi nhìn thiếu nữ đang quỳ bên Megha, ngài nói:– Còn con, trong kiếp này và trong những kiếp tới con sẽ là người bạn đường của Megha.
Con hãy nhớ lời nguyện của con, lo tác thành cho chí hướng của chồng mà không tìm cách ngăn cản chàng mỗi khi chàng ra đi tìm đạo.Megha và thiếu nữ rất cảm xúc được nghe lời dạy chỉ bảo của bậc toàn giác.
Từ đó về sau, cả hai người đều chăm chỉ tu học theo đạo lý giải thoát của đức giác ngộ Dipankara.”– Các con nghe không, từ kiếp ấy về sau, trong kiếp nào chàng Megha và cô thiếu nữ cũng đều được gặp nhau và cũng đã trở nên vợ chồng, và mỗi khi người con trai đến tuổi ra đi tu đạo, người con gái lại tìm cách giúp đỡ người con trai.
Chẳng bao giờ nàng tìm cách cản ngăn chí nguyện của chàng.
Vì vậy, chàng rất biết ơn nàng.
Cho đến một kiếp nọ, chàng thực hiện được chí nguyện lớn của chàng và trở thành một bậc giác ngộ, sáng suốt không kém gì bậc giác ngộ Dipankara kiếp trước.Các con nên biết: tiền của và danh vọng không phải là những vật quý nhất trên đời.
Tiền của và danh vọng có thể tiêu tan rất mau chóng, chỉ có sự hiểu biết và lòng thương yêu mới thật sự là những gì quý nhất trên đời.
Có hai thứ ấy thì chắc chắn là con người có hạnh phúc.
Chàng Megha và cô thiếu nữ đã sống hạnh phúc với nhau trong nhiều đời nhiều kiếp, đó cũng nhờ hai người đã có sự hiểu biết và lòng thương yêu.
Đã hiểu và đã thương thì không có gì mà ta không thực hiện được trên cõi đời này.Yasodhara chắp hai tay trước ngực hướng về phía Bụt.
Bà rất cảm động về câu chuyện tiền thân này.
Bà biết tuy Bụt kể chuyện này cho bọn trẻ nghe nhưng người cũng đã kể chuyện này với bà.
Bụt đã nói lên lời cảm ơn của Bụt đối với bà một cách tế nhị.
Bà cảm động đến muốn khóc.
Hoàng hậu Gotami nhìn bà.
Hoàng hậu cũng hiểu lời Bụt như bà hiểu.
Bà đặt một bàn tay lên vai người con dâu.
Rồi bà lên tiếng nói với lũ trẻ:– Các con biết chàng Megha trong tiền kiếp xa xưa đó là ai không? Chính là Bụt đấy.
Trong kiếp này, chàng đã thành một bậc giác ngộ sáng suốt hoàn toàn, và các con có biết cô thiếu nữ trong tiền kiếp xa xôi đó là ai không? Đó chính là lệnh bà Yasodhara của các con vậy.
Nhờ lệnh bà có hiểu biết cho nên lệnh bà đã không ngăn cản thái tử Siddhatta.
Thái tử đã đi tu và đã thành đạo.
Các con nên cảm ơn lệnh bà.Bọn trẻ đã sẵn có lòng quý mến Yasodhara từ lâu.
Nay nghe hoàng hậu nói, chúng đều hướng về bà chắp hai tay lại trước ngực và cúi chào bà rất kính cẩn.Thấy cảnh tượng ấy, Bụt rất vui.
Người đứng dậy, và cùng các đại đức Kaludayi và Nagasamala trở về tu viện..
Danh Sách Chương: