• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Đám thích khách Thích Thiếu Thương vừa mới rời đi, mọi người lập tức bao vây Trần Niệm Châu.

Bọn họ cũng không vội bắt Trần Niệm Châu lại.

Bởi vì ai cũng nhìn thấy biến hóa sau đó, thích khách này trở giáo phản bội, giết chết thích khách ám sát thánh thượng, do đó hộ giá có công, rất có thể từ đây sẽ được vạn tuế gia tin tưởng. Vì vậy không có mệnh lệnh của thánh thượng, bọn họ cũng không muốn là người đầu tiên xung đột với tên quý nhân không rõ lai lịch này.

Mặc dù không ra tay, nhưng cao thủ đại nội vẫn bao vây Trần Niệm Châu, ít nhất không để cho hắn lại có cơ hội ám sát hoàng thượng.

Đây là phương pháp không “mạo hiểm” nhất.

Đạo làm quan là không nên làm người đi đầu, cũng không nên làm kẻ đi sau, luôn phải biết đi trước một bước, đoán trước tiên cơ, nhưng cũng không nên đi quá “nhanh”, quá “trước”, nếu không lỡ may tranh phong thất bại, trở thành chốt thí, lợi không bằng hại; cũng không thể đi quá “chậm”, quá “lạc hậu”, nếu không người khác chờ phong quan tiến chức, còn ngươi chỉ chờ ăn cám.

Đây là “đạo làm quan” đương thời.

Những “tâm phúc bên cạnh hoàng thượng” này dĩ nhiên đều hiểu được “pháp tắc không đổi” trong quan trường.

Nhưng pháp tắc trên đời không chỉ có điều này.

Pháp tắc làm người cũng không chỉ có một loại.

Giống như pháp tắc khế ước sinh tử tình nghĩa giữa Trần Niệm Châu và Thích Thiếu Thương, những người này lại không hiểu được.

Cho nên bọn họ chỉ có thể làm “quan”, không thể làm hiệp khách.

Làm hiệp khách thì có gì tốt?

Trần Niệm Châu chưa từng nghĩ đến, hắn chỉ đang làm.

Trong lúc “làm”, hắn chỉ nghĩ đến một tình cảnh trong quá khứ, đó là lúc Thích Thiếu Thương còn đang chạy trốn.

Lần đó Thích Thiếu Thương chạy trốn tới trấn Đường Lang, bị người của Thái Kinh, Vương Phủ, Phó Tông Thư phái đến truy sát. Thích Thiếu Thương đang muốn kiên cường nghênh chiến, nhưng Trần Niệm Châu lại khéo léo dùng kế, ngầm vượt Trần Thương, khiến những kẻ đuổi giết Thích Thiếu Thương chạy sai phương hướng.

Trần Niệm Châu sở dĩ có thể dễ dàng làm được chuyện này, bởi vì hắn là người của Thái Kinh, lúc đó đang được phái đến trấn Đường Lang tìm kiếm ôn lương ngọc. Ôn lương ngọc, còn có tên là ngọc khuê, nghe nói là kỳ trân hiếm thấy thời kỳ đầu Đông Hán lưu lại. Thái Kinh nghe được liền muốn có nó, bèn phái đám người Trần Niệm Châu đến địa phương cưỡng ép chiếm đoạt, do đó lại phân mỏng lực lượng truy kích Thích Thiếu Thương.

Lúc đó Thích Thiếu Thương rất kinh ngạc, không hiểu vì sao Trần Niệm Châu lại ngầm giúp mình.

Trước khi xảy ra chuyện huynh đệ Cố Tích Triều mà y tín nhiệm nhất phản bội, y luôn luôn tin người thì không nghi ngờ; thế nhưng, một khi vì tin người mà khiến cho trại hủy người mất, lưu vong chân trời, y khó tránh khỏi hoài nghi người khác.

Có điều, sau đó y biết được “thân thế” của Trần Niệm Châu, mới hiểu rõ ngọn nguồn.

Trần Niệm Châu vốn là người Quảng Đông Phật Sơn, cha của hắn là Trần Lễ từng được hoàng hậu Vương thị của Tống Huy Tông tin tưởng coi trọng, giao cho trọng trách, lúc trước đã từng can gián hoàng đế.

Triệu Cát mặc dù đa tài đa nghệ, nhưng bản tính gần gũi tiểu nhân, thích người nịnh hót, lại hoang tưởng tự đại, cho nên đám nịnh thần như Thái Kinh, Chu Miễn, Đồng Quán, Lương Sư Thành mới có thể thân cận, lại liệt đám đám nhân sĩ trung hiền như Tô Thức, Tư Mã Quang, Văn Ngạn Bác một trăm lẻ chín người vào bia gian đảng. Hoàng hậu Vương thị vốn thực hành tiết kiệm, thấy Triệu Cát xa xỉ cực độ, lại không phân trung nịnh, liền năm lần bảy lượt khuyên nhủ. Triệu Cát chẳng những không nghe, dưới cơn nóng giận còn không thèm gặp mặt hoàng hậu.

Trần Lễ mặc dù là quan nhỏ, nhưng hoàng hậu có ơn tri ngộ với y. Y xét thấy quốc sự trễ nãi, trung lương đi hết, vì vậy cũng liều chết can gián chủ. Chuyện này lại chọc giận Thái Kinh.

Thái Kinh liền bày mưu cho Đồng Quán, mưu hại Trần Lễ “ngầm thông Hạ Liêu, nhiễu loạn lòng quân”, đày đến Úc Lâm. Chưa đi được nửa đường, Trần Lễ không chịu nổi hành hạ, chết thảm trên đường.

Một nhà Trần Lễ cũng vì vậy lụn bại và diệt vong, con gái bị chia cho các gia đình lớn làm nô tỳ. Nam nhân chỉ có một mình Trần Niệm Tổ, ôm lòng báo thù, muốn khôi phục danh dự của Trần gia, cho nên lấy tên giả là Niệm Châu, gia nhập làm môn hạ Thái Kinh.

Thái Kinh cũng là người cẩn thận, môn hạ gia nhập đều trải qua sàng lọc tuyển chọn kỹ càng. Nhưng không biết vì sao, có thể là do Trần Niệm Châu dùng trầm hương sư tử tổ truyền của Trần gia hối lộ, tổng quản “Sơn Cẩu” Tôn Thu Bì luôn khôn khéo thận trọng lại dường như không phát giác lai lịch của Trần Niệm Châu, để hắn trở thành môn hạ của họ Thái. Bởi vì Trần Niệm Châu nhạy bén khéo léo, cho nên cũng dần dần được trọng dụng.

Nhưng được trọng dụng cũng vô dụng, hắn vẫn không đến gần được Thái Kinh.

Cho dù đến gần được cũng vô dụng, bởi vì Thái Kinh luôn luôn cẩn thận, bên cạnh lúc nào cũng có cao thủ.

Hắn không giết được Thái Kinh, không báo thù được cho cha, không làm rạng rỡ được cửa nhà, không rửa được mối nhục.

Hắn từ nhỏ đã được giáo huấn, biết rằng vinh dự còn quan trọng hơn so với sinh mạng. Không báo được thù, không rửa được hận, cả đời hắn chỉ có thể làm nô tài người ở của Thái Kinh.

Cho nên hắn căm hận, rất hận.

Cho đến khi hắn nhìn thấy Thích Thiếu Thương, kỳ quái là lại sinh ra suy nghĩ “người này có thể hoàn thành tâm nguyện của ta”.

Hắn thậm chí hi vọng được cống hiến cho Thích Thiếu Thương, không tiếc quên mình phục vụ.

Hắn cố ý khiến cho bộ hạ của Thái Kinh đuổi sai phương hướng, cũng nói cho Thích Thiếu Thương biết thân thế của mình. Thích Thiếu Thương tuy chỉ là một gã giang hồ lãng hiệp, chủ nhân một trại, nhưng trước giờ cố gắng chuyên cần, cũng biết rất rõ chuyện của triều đình, dĩ nhiên cũng có nghe nói đến Trần Lễ là một vị quan tốt ấm ức mà chết. Khi đó y thấy Trần Niệm Châu buồn bã chán nản, liền an ủi:

- Ngươi yên tâm, sẽ có một ngày, ngươi chẳng những có thể báo đại thù, còn có thể làm vinh dự tổ tông, làm rạng rỡ cửa nhà.

Trần Niệm Châu nghe vậy rất phấn chấn, nắm chặt tay Thích Thiếu Thương nói:

- Ngươi có thể giúp ta chuyện này không?

Thích Thiếu Thương chỉ nói:

- Nếu như giúp được ngươi, ta nhất định sẽ giúp.

Khi đó Trần Niệm Châu lẩm bẩm nói:

- Ta vẫn luôn ở trong Thái phủ làm trâu làm ngựa, làm người cũng không có ý nghĩa nữa. Ta chỉ chờ một ngày báo thù rửa nhục cho cha. Nếu như ngươi có thể thành toàn cho ta, chỉ cần có chỗ hữu dụng thì cứ gọi ta, ta sẽ lập tức đi chết.

Lúc ấy hắn còn lấy ra một bộ kinh thư, hai tay đưa cho Thích Thiếu Thương, cung kính nói.

- Đây là yên huyết kim cương bát nhã ba tuế mật kinh do Long Thụ Bồ Tát chép lại, ta đưa cho ngươi. Ngươi hãy dâng tặng cho đương kim hoàng thượng, hắn ham thích vật quý như mạng, nói không chừng có thể đặc xá cho ngươi.

Thích Thiếu Thương cầm kinh lật ra, biết là kim cương bàn nhược kinh, trong lòng kinh ngạc. Phật độ chúng sinh, có rất nhiều phương tiện pháp môn, ít nhất có đại thừa bát tông và tiểu thừa nhị phái, nhưng đại thừa phật pháp mới là phật môn cuối cùng của phật pháp. Đại thừa pháp cuối cùng, tuy cửa Phật mênh mông, nhưng trước sau vẫn dùng lợi mình lợi người làm gốc. Trong các phương tiện pháp môn, vẫn luôn dùng lục ba la mật làm gốc; trong lục ba la mật, lại dùng bàn nhược ba la mật làm căn bản. Do đó bàn nhược chính là trung tâm của đại thừa phật pháp. Thích Thiếu Thương biết Trần Niệm Châu đã đưa cho mình bảo vật hiếm thấy. Trong kinh điển phật môn, kim cương kinh có địa vị đặc biệt. Trong đại bàn nhược kinh, Phật đã từng nói tất cả các pháp đều thu vào trong bàn nhược kinh, do đó bàn nhược là quan trọng nhất trong các kinh. Mà kim cương kinh lại là kinh quan trọng nhất trong bàn nhược, thu hết tinh hoa đề cương lĩnh ngộ, cho nên đọc hiểu kim cương kinh cũng giống như đọc hết đại đàn nhược kinh. Thậm chí có thể nói, nếu lĩnh ngộ được kim cương kinh, cũng giống như lĩnh ngộ mười hai bộ giáo điển của Tam Tạng.

Do đó từ thời Tống, mọi người đều đọc và tin vào kim cương kinh, nguyên nhân là như vậy.

Kim cương kinh có nhiều người tu luyện, không hề hiếm thấy, nhưng quyển sách này là của Long Thụ Bồ Tát, đây chính là kỳ trân dị bảo.

Thích Thiếu Thương không nhịn được hỏi:

- Kinh văn này hiếm thấy, không biết ngươi từ đâu có được?

Trần Niệm Châu nói:

- Ta phụng chỉ đến khu vực này vơ vét kỳ trân dị bảo, lục khắp chùa cổ phật tự, không tìm được ôn lương ngọc, lại tìm thấy quển sách Long Thụ yên huyết kim cương bàn nhược kinh này. Ta thấy dâng tặng cho cẩu hoàng đế, tặc thừa tướng kia thật không đáng giá. Ta tặng nó ngươi, xem như báo đáp ngày sau ngươi giúp ta làm rạng rỡ tổ tiên cửa nhà, hi vọng ngươi nhận lấy.

Thích Thiếu Thương nghe vậy, dĩ nhiên là thầm than hoàng đế và một đám đồng đảng vây cánh kia, chỉ vì một khối thanh khuê (tức ôn lương ngọc) mà khiến cho dân gian chao đảo. Trần Niệm Châu đã có thể lục ra bản “yên huyết kim cương bàn nhược kinh”, những kỳ bảo dị trân khác bị hủy trong tay người càng không biết có bao nhiêu.

Trong lòng hắn tức giận, không nhịn được nói:

- Đây là thứ mà ngươi tìm được, ngươi hãy mang theo mà dùng đi.

Trần Niệm Châu nói:

- Ta từng xem qua, nhưng lại thiếu một chút ngộ tính, đọc không hiểu, cũng đoán không ra. Thích đại hiệp sức lĩnh ngộ cao hơn ta nhiều, hay là cứ nhận lấy đi.

Thích Thiếu Thương vẫn kiên quyết từ chối:

- Là vật của ngươi, ta không thể lấy. Huống hồ trong lòng ta lúc này không có phật tính, chỉ có sát tính, ngươi cho ta cũng vô dụng.

Trần Niệm Châu nghe vậy cũng rất đồng cảm:

- Ta cũng thế. Trong lòng ta lúc này chỉ muốn báo thù, rửa hận, còn có danh dự của Trần gia ta. Kim cương kinh gì đó, đừng nói là kinh văn, ngay cả tên kinh ta cũng không hiểu được, còn đọc kinh gì.

Thích Thiếu Thương cười nói:

- Chuyện này lại không phải. Ngươi là bị lửa hận thiêu đốt, nhất thời che lấp mắt sáng tâm nhãn. Nhiệm vụ của kinh phật tới thế gian, chính là để mở mang cho chúng sinh giác ngộ tri thức và kiến giải của phật. Dùng thân thành phật, tức là chúng sinh đều thành phật. Thành phật có rất nhiều con đường, rất nhiều phương tiện pháp môn, kinh phật là thứ ghi chép những trí tuệ và kiến giải này. Có điều, chỉ riêng phần được dịch thành văn tự tiếng Trung đã có đến bảy trăm bốn mươi sáu quyển, có thể thấy mênh mông rộng lớn như thế nào. Mà trong đó đại bàn nhược kinh do Đường Huyền Trang dịch lại có sáu trăm quyển, chia làm tứ xử thập lục hội, hai trăm sáu mươi lăm phẩm. Cái gọi là tứ xử, là phân ra bốn địa phương và quan niệm khác nhau để giảng giải. Cái gọi là thập lục hội, là phân ra mười sáu bậc giải thích, mà bộ kim cương kinh này chính là hội thứ chín trong đó, hơn nữa còn là một hội rất quan trọng.

Trần Niệm Châu nghe cái hiểu cái không, chỉ hỏi:

- Vậy tại sao lại gọi là kim cương kinh?

Thích Thiếu Thương thấy mình đã mở đầu đề tài, vì vậy cũng nói tiếp:

- Phật đà mỗi khi viết một đoạn kinh văn, còn chưa xong thì đều có đệ tử hỏi y tên kinh. Như pháp hoa kinh, hoa sản kinh, bàn nhược kinh, a hàm kinh đều như thế. Cái gọi là kim cương kinh, là do Tu bồ đề hỏi phật đà: “thế tôn, kinh này đặt tên là gì, chúng ta theo đuổi cái gì”. Phật đà trả lời: “kinh tên là kim cương bàn nhược ba la mật, dùng cái tên này để theo đuổi”. Đây chính là nguồn gốc cái tên kim cương kinh.

Trần Niệm Châu cười khổ nói:

- Kim cương kia là gì? Ta vẫn không hiểu.

Thích Thiếu Thương học thức uyên bác, tuy không đặc biệt nghiên cứu phật lý, nhưng y đọc nhiều sách vở, ham học không chán, hơn nữa có thể xem qua là nhớ, lập tức nói:

- Theo kinh phật nói, Đế Thích Thiên cắt đứt bầu trời, có một loại bảo vật gọi kim cương, cầm nó chiến đấu với A Tu La, không trận nào không thắng. Kim Luân Vương trong truyền thuyết Thiên Trúc, thất bảo trong tay y có một bảo tên là kim cương luân bảo, hướng về mặt nào đều có thể khiến cho quốc độ khác thành tâm thành ý quy thuận y. Ý nghĩa của kim cương chính là kiên cố sắc bén. Phật thường dùng “kim cương” để giảng pháp giảng người, giống như thường nói kim cương tam muội, kim cương lực sĩ, kim cương chàng chính là như vậy.

Trần Niệm Châu như hiểu mà không hiểu:

- Kim cương… kinh kia, lại giải thích ra sao?

Thích Thiếu Thương thao thao bất tuyệt nói:

- Kim cương không chỉ có đặc tính kiên cố sắc bén, suy ra nghĩa rộng còn là trong suốt, giống như bảo thạch rực rỡ, tinh khiết vô cùng, dù ở nơi dơ bẩn cũng không bị ô uế. Trong phật nghĩa, độ cứng của kim cương được ví như “thực tướng bàn nhược”, bởi vì các pháp thực tướng là tùy duyên bất biến, ràng buộc không ngừng. Sự sắc bén của kim cương được ví như “quan chiếu bàn nhược”, bởi vì quan chiếu chặt chẽ, do đó không gì không phá được. Độ sáng của kim cương được ví như “văn tự bàn nhược”, bởi vì văn tự ngôn từ có thể mở mang trí tuệ, từ không biết ý thức trở nên được khai sáng. Kim cương có thể cắt đứt chấp niệm hư vọng cứng nhất, sắc nhất, mạnh nhất, nhỏ nhất, hơn nữa có thể cắt đứt hoàn toàn. Kim cương kinh có đại nghĩa sâu xa như vậy.

Lần này Trần Niệm Châu cười nói:

- Đại nghĩa như thế, chẳng trách kẻ đần độn như ta không hiểu được. Hay là ngươi nhận lấy kinh này đi!

Thích Thiếu Thương vẫn kiên quyết từ chối:

- Đừng nói mình đần độn. Một khi khai sáng thì sẽ thông suốt tỉnh ngộ, cho dù là một cành cây ngọn cỏ cũng có thể thành phật. Một khi bỏ đồ đao xuống, chính là thành phật.

Trần Niệm Châu nói:

- Đây chẳng phải là nói, người người thành phật, phật và chúng sinh không có phân biệt sao?

Thích Thiếu Thương nói:

- Bồ tát và chúng sinh vốn cũng không khác biệt. Ngộ rồi, chúng sinh chính là bồ tát; kẻ mê, bồ tát chính là chúng sinh. Cho nên bồ tát chúng sinh vốn là một thể, không có khác biệt, ngươi nói đúng rồi.

Trần Niệm Châu cười khổ nói:

- Ta nói đúng rồi? Vậy ta cũng có ngộ tính rồi. Thế nhưng ta lại không thể bỏ đồ đao xuống, ta phải dựa vào đồ đao này để báo thù. Nếu như ngộ phật rồi ngay cả thù cũng không muốn báo nữa, vậy ta thà chết còn tốt hơn, còn ngộ phật cái gì?

Thích Thiếu Thương mỉm cười, thở dài nói:

- Ngươi thật sự là bị lửa thù khói hận che lấp, nhưng ta cũng như vậy. Ngươi muốn khôi phục danh dự gia đình, còn ta muốn lấy lại uy danh. Hiện giờ ngươi đưa ta kim cương kinh, không bằng đưa ta kim cương bảo kiếm. Kim cương kinh có thể giải quyết sống chết đại sự, bài trừ tự tính vọng kiến (1). Nhưng chấp niệm của ta chính là báo thù rửa hận, ta không muốn phá, cũng không muốn trừ, ta sống chỉ là để báo thù. Chân chính ngộ phật, thành phật thì phải đoạn tuyệt tất cả tửu sắc tài khí, vứt bỏ danh lợi quyền dục của thế gian. Đó vốn là những thứ của ta, ta chưa từng hưởng thụ nó, vì sao phải vứt bỏ tất cả những sự vật vốn thuộc về nhân gian này?

Nói đến đây, y cảm thấy hơi kích động:

- Nếu như mượn danh nghĩa tu phật, lại không từ việc xấu, vọng niệm không trừ, cũng không giữ giới, tửu, sắc, tài, quyền, danh, lợi các loại đều có, mọi chuyện đều dính, còn tự xưng là cao tăng tiên đạo, chuyện này ta không làm. Không tu tâm hành thiện, lại không phải phật. Ta đã thành, đã bại, hôm nay vẫn suy sụp. Ta còn muốn thành đại công, lập đại nghiệp, ta không từ bỏ, cũng không hết hi vọng. Bảo ta đọc kim cương kinh, trừ bỏ tất cả? Không bằng cho ta một thanh kim cương kiếm, ta muốn chém hết đầu kẻ thù, thủ cấp kẻ địch.

Lần này Trần Niệm Châu nghe đến ngẩn người, một lúc sau mới nói:

- Xem ra, kinh này ta đọc không thông, ngươi cũng tạm thời không dùng được, không bằng…

Khi đó Thích Thiếu Thương trấn tĩnh lại, chỉ nói:

- Hay là ngươi trước tiên cứ giữ xem đi!

Sau này Thích Thiếu Thương lưu vong bất định, chạy trốn đến không ít địa phương. Cho đến khi y nhờ nắm giữ bí mật thân thế của hoàng đế, uy hiếp ngược lại Triệu Cát, khiến thiên tử này khai ân đặc xá, để y xây dựng lại Liên Vân trại, báo được đại thù. Trong đủ loại tình tiết này, Thích Thiếu Thương vẫn giữ liên lạc mật thiết với Trần Niệm Châu, cùng với bốn, năm bằng hữu sinh tử mà y quen biết trong quá trình chạy trốn.

Có lẽ, có một ngày, sẽ dùng được…

Có lẽ, có một ngày, mọi người sẽ cùng tác chiến…

Quả nhiên.

Ít nhất, Trần Niệm Châu chính là dùng vào chuyện này, trong hành động lần này.

Trần Niệm Châu chờ ngày này đã lâu.

Hắn vẫn ở trong Thái môn, nhưng lại không thể tiếp cận Thái Kinh, không thể giết được kẻ thù này.

Cho nên hắn cũng không thể lấy lại thanh danh gia đình, làm rạng rỡ cửa nhà.

Hắn vẫn chờ đợi ngày này.

Hắn cuối cùng đã chờ được Thích Thiếu Thương tái xuất giang hồ, làm chủ võ lâm kinh sư.

Lúc này hắn liền đứng ra, tự đề cử mình.

Hắn đưa kim cương kinh cho Dương Vô Tà, chỉ cần Dương Vô Tà truyền đạt một câu, một vấn đề của hắn cho Thích Thiếu Thương.

- Thời gian đã tới chưa?

Hắn vẫn luôn chờ đợi câu này.

- Tới rồi.

Hắn cuối cùng đã chờ được.

Ngay vào tối nay.

Chú thích:

(1) Tự tính chỉ cái tính nằm sau mọi hiện tượng, cái ngã. Theo quan điểm đại thừa, tất cả mọi sự đều không có tự tính, vô ngã, tức là không có một cái gì chắc thật, riêng biệt đứng đằng sau các trình hiện. Điều đó không có nghĩa sự vật không có thật, chúng hiện diện nhưng chúng chỉ là dạng xuất hiện của tính Không, tự tính là tính Không. Đây là quan điểm trung tâm của tư tưởng Bát-nhã ba-la-mật-đa và Trung quán.

Vọng kiến là tất cả đều không thực hữu, khẳng định tồn tại đều là vọng kiến, trái ngược với “chân như” (chân tướng bất biến của mọi hiện tượng).

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK