Hôm nay là ngày đã hẹn trước với Nga phi, Lã thị trình sổ con cho tổng quản thái giám, rồi ngồi kiệu đến Trữ Tú cung. Nga phi nửa nằm trên ghế nghỉ ngơi, thai này của nàng mang còn vất vả hơn Hoàng hậu, cả ngày tâm thần không yên, đứa nhỏ đã bảy tháng nhìn vẫn thực nhỏ. Nga phi vẫn luôn không dám ăn vặt, sợ dễ dàng trúng kế của Hoàng hậu, chỉ có mỗi khi Lã thị đến thăm mang theo đồ vật mới dám ăn.
Lã thị biết con gái khổ sở, đợi sau khi hành lễ, Nga phi cho cung nữ lui xuống, thị bèn lấy thực hạp mở ra, bên trong là thịt khô, xí muội cùng vài món điểm tâm nữ hài tử thích ăn. Nga phi ăn một chút, bèn nhỏ giọng hỏi thị: "Mẫu thân, chuyện ta nói lúc trước, đã tìm được người hay chưa?"
Nga phi không muốn làm ra hành động ngu xuẩn, thế nhưng mấy hôm nay ả cứ liên tục nằm mơ, mơ thấy Hoàng hậu dùng một chén tổ yến đưa ả xuống địa ngục, rồi lại mơ thấy mình sinh ra một cục máu, bị Hoàng hậu cho là yêu phi, loạn côn đánh chết. Lương Phi Nga luôn cảm thấy Hoàng hậu sắp không nhẫn nhịn nổi rồi, sáng nay khi ả đi thỉnh an Hoàng hậu còn nhìn ả rất lâu, đôi mắt phượng kia như nhìn một kẻ sắp chết.
Nga phi lo lắng đứa trẻ mình sinh ra sau Hoàng hậu, hoặc đứa trẻ không phải là nam, thế thì Tĩnh An hầu phủ không còn cơ hội để trở mình. Hoàng đế sắp trở thành chốt thí rồi, bây giờ chỉ có thể tìm cách diệt trừ con của Hoàng hậu mới là thế cục tốt nhất, thế nhưng Khôn Ninh cung bên kia, Nga phi có lòng mà không có lực. Thế lực Vi gia quá lớn, Tĩnh An hầu phủ vất vả mới gài được một cung nữ vào Khôn Ninh cung, nhưng nhiều năm qua cũng chỉ là một cung nữ vẩy nước quét sân, không tiếp xúc được gì với Hoàng hậu, muốn hại Hoàng hậu, căn bản là si tâm vọng tưởng.
Lã thị nắm tay con gái, lo lắng nói: "Không phải mẫu thân không muốn tìm, người thì có rồi, nhưng thật sự có thể làm sao? Phụ thân con bên kia không quá đồng ý, việc này nếu để lộ ra, cả Lương gia sẽ phải chịu liên lụy!" Dù gì việc thay mận đổi đào, lẫn lộn huyết mạch ở Hoàng thất cũng là tối tối kỵ, nếu bị phát hiện ra, cung phi kia không nói, cả gia tộc chắc chắn sẽ gánh tai ương.
Nga phi cắn răng đáp: "Đây là biện pháp phòng hờ thôi. Trong mắt Hoàng hậu sắp không dung nổi nữ nhi rồi, nữ nhi cũng chỉ muốn tìm một đường sinh cơ..."
Lã thị kề tai Nga phi, hạ giọng đến cực thấp: "Nói đến Hoàng hậu, mẫu thân tìm được một vị cao nhân... bản lĩnh thần thông thực sự, không gì không làm được, chuyện của Hoàng hậu không ngờ cao nhân lại có biện pháp."
Nga phi không quá đồng ý, thế nhưng đến lúc nguy cấp rồi, cọng rơm cứu mạng nào cũng muốn bám lấy, vội vã truy hỏi: "Là cách gì, mẫu thân cũng biết, Khôn Ninh cung bên kia thật sự là con ruồi cũng bay không lọt, mấy tháng rồi nữ nhi luôn tìm cách, nhưng thực sự quá khó!" Cả Hoàng đế cũng không thể làm được gì Hoàng hậu, đừng nói là ả ta.
Lã thị kề sát tai Nga phi thì thầm, Nga phi trong lòng còn hoài nghi thế nhưng không khỏi một phen mừng rỡ như điên, thầm nhủ nếu việc này thành công rồi ả còn gì phải e ngại nữa!
Hai canh giờ sau mẫu tử hai người mới chuyện trò xong, Nga phi sửa sang lại áo xống, ra lệnh cho ma ma thiếp thân: "Ngươi đi một chuyến đến cung Kim Long, mời Hoàng thượng đến đây, nói rằng bổn cung vừa được thân mẫu mang cho ít quà quê, muốn cho Hoàng thượng nếm thử."
Ma ma vâng dạ rồi rời đi.
**
Ngày hôm đó Nguyễn Tông mặt mày xanh mét vội vã bái kiến Vi trạch. "Đại nhân, có chuyện không tốt rồi, đêm qua ở Thanh Châu một nhóm người khác tộc tập kích đoàn đội của Chung đại nhân!"
Vi Thái phó cau mày: "Chung Yến sao rồi?"
Nguyễn Tông vội vã báo cáo: "Chung đại nhân bị thương nhẹ, không đáng kể. Đối phương có khoảng một trăm người, đều là tử sĩ, hơn phân nửa là tiết tử, tìm thấy trên thi thể hình xăm của dị tộc, trước hết nghi ngờ là bộ lạc Chẩm động thủ. Kinh Di Hàm trúng một mũi tên, đã tạm thời giữ được mạng thế nhưng vẫn luôn không tỉnh, Chung đại nhân nghi ngờ trên tên tẩm thuốc độc mà chúng ta không biết! Có khả năng Kinh Di Hàm sẽ chết trước khi về đến kinh đô!"
Sắc mặt Vi Bắc Lâu không tốt, Kinh Di Hàm vẫn chưa chịu khai ra hết tội của gã, chắc hẳn vì nghĩ đối phương sẽ đến cứu mình, nhưng không ngờ bên kia lại ngoan độc như vậy, trực tiếp lấy mạng gã. Kinh Di Hàm chắc chắn có nắm giữ gì đó, nếu không vì sao gã lại tự tin rằng đối phương sẽ cứu gã chứ? Hoặc là bên kia đã tìm được vật chứng đó rồi, Kinh Di Hàm trở nên không quan trọng nữa... Không thể nào, con cáo già Kinh Di Hàm sẽ để đối phương dễ dàng tìm thấy sao?
Vi Bắc Lâu lập tức hạ mật thư với Bình Vũ tướng quân: "Nguyễn Tông, xem ra phải trông cậy vào ngươi rồi, ngươi giúp ta truyền lời với tổ phụ: Đóng cửa thành Cao Mật, mang vũ binh tuần tra thật kỹ, điều tra xem kĩ phủ Thái thú, lần theo dấu vết trước đây của Kinh Di Hàm. Hẳn là có chứng cứ quan trọng mà chúng ta đã bỏ qua... Còn nữa, toàn bộ gia quyến của họ Kinh phải được canh chừng cẩn mật, tuyệt đối không để một ai trốn thoát... nếu cần thiết, cứ giết hết."
"Còn nữa, Chung Yến bên kia bị thương không quá nặng chứ?"
Nguyễn Tông lắc đầu: "Vẫn còn ổn, không ảnh hưởng đến xương cốt. Chỉ là thương thế của họ Kinh không thích hợp để di chuyển nữa, Chung đại nhân đã cho đóng quân tại thành Kim Xuân."
Vi Bắc Lâu thở dài: "Ngươi sửa soạn hành trang xuất phát đi, ta sẽ cho ba trăm kỵ binh hộ tống, lại nói... mang theo Trúc Lĩnh cùng đi đến Thanh Châu trước đi."
Nguyễn Tông hơi khó hiểu vì sao mình phải mang theo tiểu tư thân cận bên người Thái phó theo, nhưng vẫn đáp ứng, hành lễ cáo lui.
Trúc Lĩnh được Vi Bắc Lâu thông báo cho thì lập tức trở về gói ghém hành lí, cả tay cũng run rấy, từ lúc nghe tin Chung Yến bị thương, đường về bị trì hoãn, y không thể khắc chế chính mình sợ hãi được. Cho dù Nguyễn đại nhân có bảo thương thế Chung Yến không đáng ngại, y cũng không ngăn được mình tưởng tượng rồi thương tâm.
Một canh giờ nữa Nguyễn đại nhân sẽ xuất phát, hiện tại mình phải kiên cường lên mới được, Trúc Lĩnh cố nén nước mắt, tiện tay vơ mấy bộ quần áo, đem thêm kim sang dược, gói thành bao nhỏ.
Mặc Ngọc không biết từ lúc nào đã đứng ở cửa phòng y. Nơi nghỉ ngơi của các nô tài trong Phỉ Đào viên nằm rất gần nhau, từ lúc Trúc Lĩnh về phòng cứ thất thần gây ra không ít động tĩnh, cửa phòng cũng quên đóng nên Mặc Ngọc tới xem.
"Có việc gì sao, nhìn sắc mặt đệ không tốt lắm..."
Trúc Lĩnh lấy tay quẹt lung tung vài cái trên mặt, không trả lời câu hỏi của Mặc Ngọc mà nói ngược lại: "Mặc Ngọc tỷ, đệ phải đi Thanh Châu rồi, về sau việc của đệ đành phiền toái tỷ thay lão gia phân ưu vậy."
Mặc Ngọc không đành lòng nhìn y buồn bã như vậy, nhưng biết chuyện của lão gia không phải là chuyện nô tài có thể vọng ngôn bàn bạc, bèn không hỏi nguyên cớ nữa... Chỉ là nàng có chút xuất thần.
Khi Trúc Lĩnh đi rồi, nàng tự nhiên tiếp nhận phần chạy việc vặt cho lão gia. Nữ tử ra ngoài làm việc dễ bị người khinh thường, nàng thay nam trang, tóc buột gọn gàng, gương mặt không quá nữ tính nay lại càng anh khí nhẹ nhàng. Cả Vi Bắc Lâu nhìn thấy cũng buột miệng bảo: "Anh hào tử khâm, thanh thanh tử bội, ngươi mặc nam trang có khí phách hơn nhiều, trước giờ là ta tầm mắt hẹp hòi!"
Mặc Ngọc cúi đầu đáp vâng, chỉ có nàng mới biết, vì sao chính mình lại muốn thay đổi.
Có một mỹ nhân, cầu mà không được, trong lòng khát vọng, nhớ nhung thành cuồng. Dẫu chỉ là chút đỉnh, chỉ mong mình được xứng với nàng, tiến gần hơn về phía nàng.
**
Trúc Lĩnh cùng gia nhập đoàn đội của Nguyễn thượng thư, bởi vì gấp rút chạy đi nên không dùng xe ngựa, mọi người đều trực tiếp kỹ mã phi nước đại, tốc độ vô cùng nhanh.
Trúc Lĩnh biết cưỡi ngựa nhưng không thuần thục lắm, cuối cùng đành nhờ một vị tiểu tướng mang theo. Ngồi trên lưng ngựa xóc nảy, tiểu tướng quân yên sau thì thân thể cao lớn chèn ép chỗ ngồi, Trúc Lĩnh cảm thấy nửa thân dưới sắp tê liệt thành không phải của mình nữa rồi, thế nhưng y vẫn cắn răng nhẫn nhịn.
Vì tốc độ di chuyển gấp nên ba ngày sau đã đến biên giới Thanh Châu, dọc theo sông Cửu Sắc đi thêm 100 dặm nữa sẽ đến thành Kim Xuân, nơi đoàn người Chung Yến đang đóng quân.
Lần này đi Nguyễn Thượng Thư không chỉ mang theo mật hàm, còn đem theo vài đại phu giỏi để xem cho Kinh Di Hàm. Mấy ngày qua với Trúc Lĩnh trẻ tuổi còn đỡ, chứ Hoàng đại phu tuổi tác cũng lớn rồi mà còn chịu dày vò, vừa xuống ngựa đã vịn gốc cây ói ra mật xanh mật vàng. Trúc Lĩnh vội vã lấy túi da đựng nước ra cho ông súc miệng.
Hoàng đại phu thở không ra hơi nhận nước từ tay Trúc Lĩnh: "Đa...đa tạ Trúc tiểu ca..."
Trúc Lĩnh chỉ biết động viên: "Hoàng đại phu cố lên, chỉ còn mấy chục dặm nữa là đến rồi, trước ngồi xuống nghỉ ngơi một chút đi. Ta đi lấy lương khô cho ông..."
Tiểu tướng quân dẫn đội nhìn sắc trời, bảo với Nguyễn thượng thư: "Muốn đi tiếp phải vượt núi, trời lại sắp tối rồi, chắc chắn không qua kịp, hay đêm nay cứ dựng trại nghỉ tạm ở đây đi."
Nguyễn Tông là văn nhân, biết đọc sách thánh hiền bày mưu đặt kế, với những việc này cũng không rõ ràng, tiểu tướng bảo sao thì nghe vậy. Tiểu tướng quân nhận được sự đồng ý thì ra lệnh tướng sĩ nghỉ ngơi tại chỗ, bọn họ có đem lương khô, bánh bột ngô theo, bèn lấy ra ăn lót dạ.
Địa điểm chọn để đóng quân là gần một cánh rừng nhỏ, gần sông Cửu Sắc. Tiểu tướng quân tên là Vi Hà, là người của Vi gia, cháu họ của Vi Thái phó. Vi Thái phó luôn không hòa thuận với Vi gia, những người họ Vi cũng không dám quậy phá ương ngạnh gì ở chỗ hắn. Vi Hà này là tự bản thân cố gắng leo lên đến chức Chánh đô úy ngũ phẩm, cầm trong tay được ba trăm cấm quân. Vi Bắc Lâu chỉ là không đề bạt Vi gia, còn chuyện tự thân bọn họ phấn đấu leo cao được đến đâu thì không ngăn cấm. Vi Hà cũng là một tướng lĩnh trẻ có tài năng, dù chức quan không cao nhưng làm việc rất tận tụy.
Trúc Lĩnh nhiều ngày đã không được nghỉ ngơi tốt rồi, y lấy tay nải làm gối, nằm trên cỏ khô gần đống lửa. Cho dù đã sang tháng ba, ngủ ngoài trời buổi đêm nhiều sương vẫn lạnh lẽo. Các tướng sĩ biết y là người nhà của quan binh, nhượng cho y nằm giữa để ấm áp hơn. Bởi vì gấp rút lên đường nên hành trang vô cùng gọn nhẹ, không có mang theo lều bạt này nọ, binh sĩ chỉ cầm theo một tấm vải vừa lót thân vừa làm chăn.
Trúc Lĩnh lim dim chìm vào giấc ngủ thì nghe có tiếng quát: "Cảnh giác! Có địch tập kích!" Chưa kịp hoàn hồn xem là có chuyện gì đã bị tiểu binh bên cạnh ném bọc đồ chặn lại, binh ca nói: "Tiểu huynh đệ nằm yên, ngươi và các đại phu tuyệt đối không được chạy loạn, cứ nằm đó lấy chút đồ vật che lại, kẻ địch có mang theo cung tiễn!"
Xa xa có tiếng Vi Hà gào lớn: "Bảo vệ Nguyễn đại nhân! Người đâu, bày thuẫn trận!"
Trúc Lĩnh nghe lời dặn, không dám ngẩng đầu dậy. Tiểu binh bên cạnh vội vã dập lửa, trong đêm tối ánh lửa là nơi thu hút mắt nhìn nhất. Các binh lính vây thành một vòng tròn, bảo vệ ba đại phu cùng Trúc Lĩnh ở giữa. Đột nhiên vòng vây hé mở ra, Nguyễn Tông bị Vi Hà ném vào trong. Vi Hà lấy cung tên từ tay thủ hạ, lạnh giọng: "Giết hết thích khách, không lưu người sống!" trong tình trạng thích khách muốn lấy mạng Nguyễn đại nhân, tuyệt đối không cần lưu con tin làm gì, phải giết nhanh thắng nhanh, không cho kẻ địch cơ hội phản kích.
Đến tập kích có khoảng trăm người, đêm tối không nhìn rõ đường, Vi Hà lại cho dập hết lửa, thích khách không bắn được tên, đành phải rút chủy thủ. Binh lính Trần quốc đột nhiên liền chiếm ưu thế, cận chiến một bên dùng gươm, một bên dùng dao nhỏ, bên nào có lợi hơn liền lộ rõ, chẳng mấy chốc đã dọn sạch một đám thích khách.
Phe kẻ địch một phen rối loạn, giữa bóng đêm đột nhiên vang lên một tiếng huýt dài, tiếng đập cánh phành phạch vang lên trong đêm, một con cú mèo to lớn dị thường bay đến. Dưới ánh trăng mỏ nó lóe lên sắc nhọn, nó rít lên một tiếng chói tai, lao đến tấn công người đang dẫn đầu chém giết – Vi Hà!
Vi Hà trở tay không kịp bị nó dùng móng vuốt cào một nhát, đằng xa có người thét bằng tiếng dị tộc: "#$@%!"
Ở đây trừ Nguyễn Tông không ai nghe hiểu, Nguyễn Thượng thư giật mình, vội bò dậy nói: "Là người bộ lạc Chẩm!"
Người Chẩm kia dường như là kẻ chỉ huy, thấy không chiếm được chỗ tốt gì, liền ra lệnh rút lui. Người Chẩm xưa nay giỏi nhất là tác chiến trong rừng, sử dụng cung tiễn gỗ. Họ vừa rút quân vào rừng, Vi Hà không cho quân truy kích. Ban đêm không nhìn rõ đường, quân lính Trần quốc lại không giỏi đánh du kích như người Chẩm, sợ rằng phải thua thiệt.
Đợi khi tất cả trần ai lạc định, trời đã dần sáng rồi. Mọi người cả đêm không ngủ được, cũng không dám ở lại, phong trần mệt mỏi tiếp tục chạy đi.
Vi Hà trên đường đi cố ý cưỡi ngựa gần Nguyễn Thượng thư cùng bàn bạc, Vi Hà cau mày: "Nguyễn đại nhân, có chắc hôm qua tập kích là người Chẩm không?
Nơi này cách địa phận của bộ lạc Chẩm mấy ngàn dặm..."
Nguyễn Tông không dám khẳng định: "Bổn quan cũng biết là khó tin, thế nhưng hôm qua người lên tiếng đúng là tiếng Chẩm. Nếu thật sự là người Chẩm... vậy thì không ổn."
Chỉ cách có mấy ngày, đã phát hiện 200 người Chẩm, còn nằm sâu trong lãnh địa Trần quốc. Người Chẩm giỏi nhất là ẩn nấp trong sơn lâm, lãnh địa Trần quốc còn rộng lớn, nhiều núi hoang, nếu người Chẩm trốn vào đó, thật sự rất khó để phát hiện. Thái phó nếu nghe được tin này hẳn là sẽ tức giận. Nguyễn gia kì thật không thể quản nổi người Chẩm vượt núi trốn vào biên giới Trần quốc, thế nhưng nếu sự việc không thể giải quyết, sợ rằng sẽ phải chịu khiển trách nặng nề.
Bởi vì đêm qua người Chẩm rút lui vào núi, vì bảo đảm sự an toàn của Nguyễn Tông và các đại phu, Vi Hà quyết định không truy kích, một mặt gửi thư cho Thái Thú Thanh Châu nhờ điều binh tiêu diệt, một mặt chuyển hướng đi thành dọc theo sông Cửu Sắc.
Phong trần vất vả đến cuối ngày, bọn họ cũng đến được thành Kim Xuân.