• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Đến bây giờ ông ta mới vừa đưa ra kết luận cho câu chuyện đã xảy ra cách đây hơn ba mươi năm, những người trong nhà ai nấy cũng đều rúng động, mặc dù ai cũng thắc mắc nhưng không dám mở miệng hỏi.

Phương Triệu Nam đưa mắt nhìn quanh một vòng, lòng thầm nhủ:

“Nhà sư này có lẽ là người có thân phận cao nhất trong của Thiếu Lâm, ở đây toàn là hậu bối của ông ta, trong lòng dù cho có điều thắc mắc cũng không dám hỏi, xem ra hôm nay chỉ có mình mới có thể nhiều lời được, ông ta là người đức cao vọng trọng, mình hỏi dù có sai, ông ta cũng không nổi giận”. Thế rồi mới ho nhẹ một tiếng nói:

“Lão tiền bối hãy thứ cho vãn bối phóng túng, chả lẽ lão tiền bối vừa mới nghĩ thông được chuyện ba mươi năm trước?”.

Nhà sư già ấy nói:

“Đúng vậy, lão tăng mới vừa nghĩ ra, ba mươi năm nay ta đã trách lầm La Huyền”.

Phương Triệu Nam nói:

“Lời của lão tiền bối ẩn chứa huyền cơ, câu nào chữ nào cũng khiến cho người ta cảm thấy cao thâm khó lường”.

Nhà sư già ấy đột nhiên quắc mắt, ánh mắt sáng lấp lánh nhìn thẳng vào mặt Phương Triệu Nam nói:

“Thời hạn xuất quan của lão rất ngắn, vốn không nên nhiều lời, nói những chuyện chẳng có liên quan, nhưng thí chủ hỏi như thế khiến cho lão tăng nhớ lại chuyện xưa ...”.

Phương Triệu Nam nói:

“La Huyền còn sống hay đã chết có liên quan đến đại cuộc của võ lâm hôm nay ...”.

Nhà sư ấy lại thở dài, cắt lời Phương Triệu Nam, ông ta nói tiếp:

“Lúc ấy lão tăng cảm thấy tức giận khi nhìn những chữ để lại trên vách núi, lão tăng rất tức giận cho nên không tìm kiếm ông ta nữa, quay về chùa không lâu thì cùng với sư đệ lập một lời hoằng nguyện bế quan ba mươi năm, lão tăng không hề nắm chắc sự thành bại của chuyện này. Trưởng lão các đời trong chùa tuy có chuyện bế quan, nhưng thời hạn dài nhất cũng không vượt quá mười năm, lão tăng lập lời hoằng nguyện này một nửa là vì bị La Huyền khinh miệt, lão tăng nghiên cứu bảy mươi hai loại tuyệt kỹ của bổn tự trong vòng ba mươi năm, khi khai quan sẽ khiêu chiến La Huyền. Nay nghĩ lại La Huyền lúc ấy không chịu gặp ta, thực sự có nỗi khổ, ba mươi năm bế quan tịnh tọa, lòng tranh giành đã hết, nhưng cái giận tức thời ấy đã khiến cho lão nạp hiểu hơn một tầng nữa võ học của bổn phái ...”.

Phương Triệu Nam thầm nhủ:

“Té ra nhà sư này tọa thiền ba mươi năm là vì La Huyền ...” chỉ nghe nhà sư tiếp tục nói:

“Lão tăng về chùa thì bắt đầu bế quan, hoàn toàn không biết những thay đổi trong võ lâm, nhưng người có thể khiến cho ba mươi sáu đệ tử hộ pháp không ai trở về, còn Đại Phương sư điệt thì lại mất tích, trên đời này chỉ có võ công của La Huyền, dù không phải bản thân ông ta thì chắc chắn cũng là đệ tử đích thân ông ta truyền thụ ...”.

Phương Triệu Nam khen rằng:

“Lão thiền sư phán đoán như thần, Nhạc chủ Minh Nhạc quả thật là đệ tử đích truyền của La Huyền”.

Đại Bi thiền sư ngẩng đầu nhìn sắc trời, thời gian đã không còn sớm nữa, ông ta lên tiếng:

“Đại Phương sư huynh đã mất tích ở Minh Nhạc, đệ tử lo lắng không yên về chuyện này, không biết phải xử lý thế nào, mong sư bá hãy chỉ cho một con đường sáng”.

Nhà sư già ầy trầm ngâm một lúc rồi nói:

“Nếu Nhạc chủ Minh Nhạc quả thực là đệ tử đích truyền của La Huyền, chuyện này phải thận trọng, La Huyền là một bậc nhân tài nhưng cũng là một kẻ kiêu ngạo. Lão nạp xưa nay luôn mong muốn gặp được người này ...” ông ta dường như biết rằng mình đã ra ngoài đề, ngập ngừng một lát rồi nói:

“Đại Phương là một bậc nhân tài kiệt xuất của phái Thiếu Lâm ta, dù chuyện riêng chuyện công, ta và sư thúc các người vẫn tọa thiền chưa xong, không thể đích thân điều tra, các ngươi lại e rằng không đủ sức”.

Đại Ngu thiền sư nói:

“Đại Phương sư đệ là người có thành tựu cao nhất trong số các đệ tử ...”.

Nhà sư râu dài đầu nhẵn bóng chợt chen vào nói:

“Tình thế trước mắt không phải là tìm tung tích của Đại Phương sư điệt, mà e rằng người trong Minh Nhạc sẽ tự động kéo đến chùa Thiếu Lâm chúng ta ...”.

Đại Bi thiền sư nói:

“Sư thúc nói rất phải, đệ tử cũng lo lắng chuyện này, Đại Phương sư huynh đã mất tích ở Minh Nhạc, bọn đệ tử không bằng Đại Phương sư huynh, tự biết không đủ sức gánh vác mọi chuyện trong chùa khi xảy ra chuyện”.

Nhà sư đầu nhẵn bóng chậm rãi quay mặt lại, hạ giọng nói với nhà sư râu tóc bạc phơ như tuyết:

“Chuyện sống chết của Đại Phương sư điệt có thể chờ cho ngày chúng ta xuất quan rồi điều tra, nhưng sự an nguy của chùa Thiếu Lâm thì không thể không giới bị ...” giọng nói chợt trở nên rất nhỏ, rất khó nghe.

Nhà sư râu tóc bạc phơ nói:

“Đừng mạo hiểm, La Huyền vẫn chưa đổi nết, há chẳng phải khéo quá hóa vụng hay sao?”.

Nhà sư đầu nhẵn bóng nói:

“Bốn mươi năm đã trôi qua, có lẽ y đã đổi nết”.

Nhà sư đầu bạc vẫn lắc đầu:

“Tiểu huynh xưa này luôn cho rằng giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”.

Nhà sư đầu trọc nói:

“Ngoài điều đó ra, không biết sư huynh còn có cách gì hay, giữ được cơ nghiệp ngàn năm của Thiếu Lâm chúng ta?”.

Nhà sư tóc bạc chớp mắt, ánh thần quang lấp lánh:

“Sư đệ, đệ hãy tiếp tục ngồi thiền quang, kế thừa đại chí, tiểu huynh sẽ ở lại trong chùa, chống lại kẻ cường địch ...”.

Nhà sư đầu nhẵn bóng nói:

“Làm sao được, sư huynh đã ngồi thiền quang sắp xong, võ học của Thiếu Lâm sẽ nhờ sư huynh phát dương quang đại, nếu sư huynh ở lại trong chùa, bao nhiêu công sức lúc trước sẽ trôi theo dòng nước mà lại còn có thể tẩu hỏa nhập ma. Nếu sư huynh gặp điều bất hạnh, không những đó là tổn thất của Thiếu Lâm chúng ta mà cả võ lâm e rằng cũng gặp hiểm nguy, nếu sư huynh cứ kiên trì ý kiến của mình, vậy thì tiểu đệ sẽ ở bên ngoài chờ kẻ cường địch ...”.

Nhà sư tóc bạc trầm ngâm một hồi:

“Năm xưa đại sư huynh đã tốn rất nhiều công sức để dụ Nam Bắc Nhị Quái vào chỗ mai phục, nhốt ở sau núi, đại sư huynh cũng bị trọng thương mà qua đời, nay chúng ta tự tiện thả Nhị Quái, há chẳng phải nghịch ý với đại sư huynh hay sao. Huống chi Nhị Quái tuy bị cầm tù nhưng võ công vẫn chưa hết, một khi thoát ra thì ai có thể hàng phục được bọn chúng, cái nguy hại lúc đó e rằng không thua Minh Nhạc”.

Hai người nói đến chuyện mấy mươi năm trước, Đại Ngu, Đại Bi đều chẳng hiểu gì cả.

Nhà sư đầu nhẵn bóng thở dài:

“Nếu Nhị Quái còn giữ tính hung tàn như ngày trước, bọn chúng chẳng thể nào chịu đựng nổi sự dày vò mấy mươi năm, canh ba đêm mai tiểu đệ sẽ đích thân đến nơi giam giữ Nhị Quái xem cho rõ ràng. Nếu bọn chúng có lòng hối cải, đệ sẽ thả ra, một khi cả hai người vẫn giữ tính hung tàn năm xưa thì cứ để bọn chúng sống suốt đời trong chốn tù ngục”.

Nhà sư râu tóc bạc phơ tựa như không muốn tranh cãi với sư đệ của mình, thì thầm nói:

“Thôi được! Nhưng đệ đang luyện tập đến chỗ quan trọng, không nên tự tiện hành động, nếu đi hãy bảo Đại Ngu sư điệt đi cùng!”.

Đại Ngu thiền sư chắp tay trả lời:

“Đệ tử kính tuân pháp dụ, nhưng không biết Nam Bắc Nhị Quái bị cầm tù ở đâu?”.

Nhà sư râu tóc bạc phơ đột nhiên cho tay vào áo rút ra một mảnh khăn, nói:

“Mảnh khăn này chính là bản đồ nơi cầm tù Nhị Quái”.

Đại Ngu thiền sư cung kính nhận lấy rồi cho vào trong áo.

Nhà sư đầu trọc nhẵn bóng nói:

“Nam Bắc Nhị Quái võ công rất cao, đã bị cầm tù mấy mươi năm nay, có lẽ bọn chúng cũng đã biết hối cải, nhưng cũng có thể sẽ khiến cho hai người trở nên hung ác hơn, lúc đó phải cẩn thận”.

Nhà sư râu tóc bạc phơ nói tiếp:

“Trong mảnh khăn có một chiếc chìa khóa vàng dùng để mở ổ khóa bằng đồng ở đó, nếu hai kẻ này đã đổi tính thì hãy sắp xếp cho họ ở trên Tàng Kinh lâu, khi có kẻ cường địch đến thì họ sẽ ứng phó. Còn ở trong điện thì xếp thành một trận La Hán, sau đó chọn đệ tử đời ba có võ công tương đối cao chia thành mười nhóm, mỗi nhóm do một đệ tử đời thứ hai xuất lãnh. Nhưng khi thấy không chống cự nổi thì hãy lui vào trận La Hán, một mặt sai người đến nơi này dùng phương pháp Kích Tiết Truyền Âm báo tin ...” ông ta hơi ngập ngừng rồi lại nói tiếp:

“Đại Bi sư điệt có thể chủ trì sự biến hóa của trận La Hán, kẻ địch mạnh như thế nào cũng không dễ phá trận, tuy không thể khắc địch chế thắng, nhưng cũng có thể tự bảo vệ, còn tung tích của Đại Phương sư điệt đợi ta và Giác Phi sư thúc của các ngươi tọa thiền xong thì sẽ điều tra tiếp”.

Đại Bi thiền sư nói:

“Đệ tử xin ghi nhớ lời sư bá”.

Nhà sư ấy chợt phất ống tay áo nói:

“Thời gian đã hết, ta không thể ở lại đây nữa, các ngươi hãy lui về”.

Các nhà sư đều quỳ phục xuống đất, hạ giọng đọc Phật hiệu.

Phương Triệu Nam nén không được lòng hiếu kỳ, chàng hé mắt nhìn. Chỉ thấy hai nhà sư chậm rãi đứng dậy, bước về phía trước, bước đi lảo đảo như không có sức, khi đến chỗ cánh cửa tròn thì đột nhiên biến mất. Hai nhà sư đi đã rất lâu, mọi người mới ngừng đọc Phật hiệu. Đại Bi thiền sư đứng dậy trước, nói:

“Các vị sư huynh sư đệ, hai vị sư trưởng đã trở về Thiền quang, chúng ta cũng nên rời khỏi chốn này cho sớm để khỏi quấy nhiễu đến hai vị sư trưởng”.

Các nhà sư đều đứng dậy nhẹ bước lui ra khỏi căn nhà lá, Phương Triệu Nam đi ở sau cùng.

Khi sắp ra khỏi cổng, chàng đột nhiên nghĩ rằng phải cài cổng lại, quay lại, dưới ánh sao, tự nhiên thấy một bóng người lẩn vào một căn nhà ở bên phải. Phát hiện bất ngờ ấy khiến cho Phương Triệu Nam giật mình, hầu như lạc giọng kêu lên.

Đại Đạo thiền sư thấy Phương Triệu Nam ngừng lại, đứng ở cánh cổng tre, lòng sinh nghi bước lại hỏi:

“Sao Phương thí chủ không đi?”.

Phương Triệu Nam tỉnh táo trở lại, cười rằng:

“Căn nhà lá này có người hộ quan cho hai vị lão tiền bối không?”.

Đại Đạo thiền sư lắc đầu:

“Theo bần tăng biết, nơi này không có người hộ quan, sao? Phương thí chủ đã phát hiện được điều gì đáng nghi?”.

Phương Triệu Nam trầm ngâm một hồi rồi nói:

“Chúng ta đi thôi!”.

Đại Đạo thiền sư biết chàng mình mang tuyệt kỹ, trong lòng không dám coi thường chàng, tuy sinh nghi nhưng cũng không tiện hỏi. Té ra Phương Triệu Nam e rằng mình hoa mắt, khi nói ra thì các nhà sư Thiếu Lâm sẽ đi tra xét, nếu tìm không ra điều gì cả thì càng khiến cho người ta chê cười, nhưng lại không yên tâm, đi được mấy bước thì quay mặt lại hỏi:

“Đây là nơi quan trọng, sao không sai người canh giữ, thật quá sơ ý”.

Đại Đạo thiền sư nghe chàng toàn hỏi đến chuyện này, nghi ngờ càng nhiều hơn, nhưng bề ngoài thì tỏ vẻ chẳng mảy may để ý, chỉ mỉm cười trả lời:

“Nơi đây tuy không có người canh giữ, nhưng chẳng ai dám đến, mấy mươi năm nay chưa bao giờ có chuyện gì xảy ra”.

Phương Triệu Nam nói:

“Nhưng lúc này tình thế đã khác, cần phải cẩn thận hơn mới phải”.

Đại Đạo thiền sư điềm nhiên cười:

“Phương thí chủ đừng quá lo lắng, trong vòng một trăm trượng đã là nơi cấm địa của bổn tự, các con đường dẫn đến đây đều đã được khóa chặt, dù cho có cánh cũng khó bay qua”.

Phương Triệu Nam kêu ồ một tiếng, không hỏi nhiều nữa lòng thầm nhủ:

“Chả lẽ mình thực sự hoa mắt?”.

Lúc này sắc trời đã đến canh bốn, sao trời lẩn dưới áng mây khuya, sắc trời càng ảm đạm hơn.

Phương Triệu Nam đã được coi là khách quý của chùa Thiếu Lâm, Đại Bi thiền sư đích thân dắt một tiểu hòa thượng đưa chàng về đến phòng rồi nói:

“Phương đại hiệp ngàn dặm đến báo tin, lão nạp cảm kích không nguôi, đã mấy ngày đêm vất vả không được nghỉ ngơi, lão nạp không quấy nhiễu nữa”. Rồi ông ta chắp tay lui ra.

Tiểu hòa thượng châm đèn rồi cũng im lặng lui ra, xoay người nhẹ nhàng đóng hai cánh cửa.

Phương Triệu Nam cảm thấy mệt mỏi, liền tắt ngọn đèn trên bàn rồi nằm xuống giường, nhưng lăn qua trở lại chàng cũng khó ngủ, trong lòng cứ nhớ đến bóng người ở trong căn nhà lá. Cáng nghĩ càng cảm thấy không ổn, lòng thầm nhủ:

“Nếu mình hoa mắt thì không sao, vạn nhất nếu quả thực có người lẩn vào trong nhà lá, hai vị lão tăng chắc chắn sẽ bị người ta ám toán, không thể coi thường chuyện này, dù cho có bị người ta chê cười cũng không thể đứng yên mà nhìn”. Thế là chàng bước xuống giường chạy thẳng về phía nơi ở của Đại Bi thiền sư.

Đêm đã khuya, mọi người đều đã ngủ, tòa thiền viện Thiếu Lâm nổi danh thiên hạ nằm yên trong đêm tối. Băng qua hai lớp đình viện, đến trước phòng phương trượng, nhưng chàng thấy trong phòng tối om, Đại Bi thiền sư tựa như cũng đã ngủ sớm. Phương Triệu Nam do dự một hồi, chàng đưa tay gõ nhẹ vào cửa hai cái. Trong phòng vẫn im lặng, chẳng có tiếng trả lời. Phương Triệu Nam tằng hắng một tiếng rồi nói:

“Lão thiền sư đã ngủ chưa?”.

Trong phòng vẫn không có tiếng trả lời, rõ ràng Đại Bi thiền sư không có ở trong phòng phương trượng, với võ công của ông ta, nếu có ở trong phòng thì không đến nỗi ngủ say như thế.

Chuyện này tuy nhỏ nhưng khiến cho Phương Triệu Nam cảm thấy rất thắc mắc.

Chàng hối hận lúc nãy tại sao không kể cho Đại Bi thiền sư biết mọi chuyện, dù cho mình có hoa mắt thực sự thì cũng chẳng qua chỉ bị chê cười mấy câu, nay chàng cảm thấy rất lúng túng. Bởi vì, ngoại trừ Đại Bi thiền sư, chàng chẳng biết nơi ở của những người khác, nửa đêm canh khuya, chàng không thể chạy bừa khắp nơi được.

Chàng im lặng suy nghĩ hồi lâu, càng nghĩ càng cảm thấy chuyện này rất nghiêm trọng, trước mắt thời gian rất quý báu, nếu cứ chần chừ, nói không chừng sẽ gây ra họa, ý nghĩ ấy lướt qua, chàng phóng thẳng tới căn nhà lá. Trong lòng chàng rất lo lắng, trong chốc lát đã đến mảnh rừng trúc vây quanh căn nhà, trên đường chẳng gặp ai ngăn cản. Chàng không đủ thời gian suy nghĩ nữa, tung mình vọt lên cánh cổng tre.

Hàng rào tre ở bên ngoài căn nhà lá không biết đã được làm từ bao lâu, đa số đều đã mục nát, Phương Triệu Nam bước chân quá mạnh, cây tre đã gẫy ngang, Phương Triệu Nam chúi người xuống, chàng vội vàng đề chân khí lộn người lên không một vòng rồi hạ xuống đất.

Chàng đưa mắt nhìn vào, ba căn nhà lá vẫn đóng kín, không hề có điều gì khác lạ, lòng thầm nhủ:

“Tám phần là mình đã hoa mắt, may mà chưa kinh động đến người trong chùa ...” chợt chàng nhớ lại lời của Đại Đạo thiền sư, trong vòng một trăm trượng đều là nơi cấm địa trong chùa Thiếu Lâm, xung quanh đều có người canh gác, tại sao mình chạy đến đây mà lại không có ai ngăn cản? Sự thuận lợi bất ngờ ấy rõ ràng không bình thường? Phải chăng các nhà sư trong chùa Thiếu Lâm đã âm thầm giới bị, cố ý để cho mình vào trong cấm địa rồi quan sát hành động của mình? Nếu không thì các nhà sư canh giữ xung quanh đều đã bị ám toán ... suy nghĩ một hồi, chàng cảm thấy không nên ở lại đây lâu, chàng xoay người bước đi, được mấy bước thì lại cảm thấy không xong, lòng thầm nhủ:

“Mình đã đến đây, sao có thể im lặng rút lui, chi bằng vào xem thử căn nhà bên phải để giải nỗi thắc mắc trong lòng”. Thề rồi chàng quay đầu bước về phía căn nhà bên phải.

Căn nhà này cũng giống y như hai căn nhà bên cạnh, chỉ có điều trên cửa có ổ khóa. Phương Triệu Nam nhíu mày, thầm nhủ:

“Nếu muốn vào bên trong chắc chắn phải phá khóa trước ...” chàng đưa tay chạm vào ổ khóa, nhưng lại rút tay về, bước đến bên cánh cửa sổ, đưa tay đẩy nhẹ lập tức cánh cửa bật ra, một mảng bụi bay ra.

Chàng thò đầu vào nhìn, chỉ thấy tối om, trong lòng thầm nhủ:

“Không biết nơi đây ẩn chứa bí mật gì của chùa Thiếu Lâm, nếu mình tự tiện xông vào, không biết có hậu quả gì ...” chàng tuy biết nơi đây là cấm địa không nên xông vào, nhưng bóng người ấy cứ lẩn quẩn trong đầu, chàng do dự một hồi rồi cuối cùng đề khí tung mình vọt vào trong cánh cửa sổ. Chàng còn nhớ bụi phủ đầy căn nhà lá ở giữa, chỉ cần bước hơi mạnh một chút thì lập tức bụi sẽ tung bay mù mịt, lần này chàng đã cẩn thận hơn. Vừa vọt vào trong nhà, chàng lập tức đề khí giữ vững thân người, chậm rãi hạ xuống đất, hai chân chưa kịp chạm xuống mặt đất thì đột nhiên cảm thấy một luồng kình lực lao vào mặt. Trong lúc gấp gáp, Phương Triệu Nam múa chưởng tiếp lấy luồng kình lực ấy. Luồng chưởng lực này rất mạnh mẽ, Phương Triệu Nam bị đánh thối lui đến hai ba thước. Đối phương một đòn đã đắc thủ, chưởng thứ hai tiếp tục đánh tới, tiếng kính phong vù vù vang lên trong tai. Phương Triệu Nam vừa múa chưởng chống lại, vừa quát lớn:

“Ai dám đột nhập vào cấm địa của chùa Thiếu Lâm?” tiếng quát ấy khiến cho tình thế thay đổi, đối phương lập tức ngừng lại không đánh nữa.

Trong phòng tối mịt không thể nào thấy rõ được, chỉ thấy một bóng đen phóng ra ngoài, chàng chỉ thấy người ấy đã che kín mặt mũi. Phương Triệu Nam sợ trúng ám toán, vọt người thối lui ra ngoài, chờ đợi kẻ địch. Nhưng khi bóng người ấy ra đến cửa thì đột nhiên giở tay kéo mạng che mặt, thì ra đó là Đại Ngu thiền sư. Phương Triệu Nam ngạc nhiên, thế rồi ôm quyền làm lễ nói:

“Té ra là lão thiền sư, chả trách nào chưởng lực hùng mạnh, vãn bối suýt tí nữa không chống đỡ nổi”.

Đại Ngu thiền sư quắc mắt nhìn Phương Triệu Nam rồi nói:

“Phương thí chủ nửa đêm canh khuya đến nơi hoang vắng này, không biết có gì dạy bảo?”.

Phương Triệu Nam xua tay cười:

“Lão thiền sư đã hiểu nhầm”.

Đại Ngu thiền sư nói:

“Nếu lão nạp vẫn còn hiểu nhầm thì đã không ngừng tay”.

Phương Triệu Nam nói:

“Lão thiền sư phải chăng đã nghe Đại Đạo thiền sư bảo rằng tại hạ đêm nay sẽ đến dò thám?”.

Đại Ngu nói:

“Dù Phương thí chủ có giỏi biện bạch như thế nào, đêm nay nếu không nói rõ ra cũng khó giải mối nghi ngờ trong lòng lão nạp”. Ông ta ngập ngừng rồi lại nói:

“Không giấu gì thí chủ, ba căn nhà lá này đều có người canh giữ, Đại Bi sư đệ đang ở trong căn nhà ở chính giữa ...”.

Phương Triệu Nam cười nói:

“Sớm biết các vị phòng thủ nơi này nghiêm ngặt, tại hạ đã không đến nơi vi phạm cấm kỵ của quý tự mạo hiểm đến chốn này”.

Đại Ngu thiền sư lạnh lùng nói:

“May mà thí chủ vào căn nhà bên phải trước, nếu vào căn nhà chính giữa, chỉ e đã sớm đầu lìa khỏi cổ”.

Phương Triệu Nam thấy vẻ mặt của ông ta thì biết ông ta đã hiểu nhầm mình, thế rồi mới cười rằng:

“Lão thiền sư lại hiểu nhầm, ý của vãn bối nói nếu sớm biết quý tự đã canh phòng nghiêm ngặt, vãn bối không cần lo lắng nữa ...” thế rồi chàng mới kể lại mọi chuyện đã thấy.

Đại Ngu thiền sư nhíu mày:

“Nếu Phương thí chủ chịu cho Đại Bi sư đệ biết chuyện lúc đó, e rằng đã không như thế này”.

Phương Triệu Nam nghe khẩu khí của ông ta thì biết ông ta vẫn chưa tin lời mình, thế rồi mới thở dài:

“Trong đêm tối chỉ thoáng nhìn qua, trong lòng thực sự không nắm chắc lắm, lại khiến cho mọi người trong quý tự đi điều tra, không những quấy nhiễu đến sự thanh tu của hai vị lão tiền bối mà còn trở thành trò cười cho mọi người. Huống chi Đại Đạo thiền sư đã bảo xung quanh đây đều có người canh giữ, lỡ có kẻ cường địch đột nhập vào cũng khó thoát”.

Đại Ngu thiền sư nói:

“Đã như thế, Phương thí chủ tại sao lại một mình đến đây?”.

Phương Triệu Nam nói:

“Sau khi suy nghĩ kỹ, vãn bối càng cảm thấy không xong, dù cho vãn bối mắt hoa bị người ta chê cười cũng không thể vì điều đó mà hại đến hai vị cao tăng tiền bối, cho nên mới đến đây điều tra cho rõ ràng”.

Đại Ngu thiền sư nói:

“Phương thí chủ dù cho có nói câu nào cũng từ gan ruột, lão nạp cũng khó tin hết”.

Phương Triệu Nam thấy giải thích lòng vòng một hồi mà vẫn chẳng được gì, trong lòng cũng có ý giận, cung tay nói:

“Nếu lão thiền sư đã không tin, vậy vãn bối cũng chẳng còn cách nào nữa”. Thế rồi quay đầu bước đi, đi được mấy bước thì xoay lại nói:

“Lão thiền sư đã tra xét ba căn nhà lá chưa?”.

Đại Ngu thiền sư lạnh lùng đáp:

“Không phiền Phương thí chủ lo lắng, bọn chúng tôi đã sớm tra xét kỹ càng nhưng vẫn không hề thấy dấu vết của kẻ địch”.

Phương Triệu Nam ngửa mặt nhìn trời, suy nghĩ một hồi rồi lẩm bẩm:

“Mình thực sự đã hoa mắt ...”.

Đại Ngu thiền sư tiếp lời:

“Nếu không phải Phương thí chủ hoa mắt, vậy thì lão nạp đa nghi”.

Phương Triệu Nam chợt nghiêm mặt kiên quyết nói:

“Giờ đây nhớ lại, mọi chuyện đã xảy ra rành rành, tại hạ không thể nhìn lầm được”.

Đại Ngu thiền sư nói:

“Trời không còn sớm nữa, Phương thí chủ hãy quay về nghỉ ngơi! Ngày mai hãy nói tiếp cũng không muộn”.

Mấy câu ấy chính là lời đuổi khách, Phương Triệu Nam cũng không thể nào đứng lại ở đó nữa, thế là chàng xoay người chạy ra ngoài.

Khi đi ngang qua cây tùng có con vượn trắng ngồi, chàng chợt nghe có tiếng cười rất nhỏ truyền vào trong tai. Tiếng cười rất kỳ quái, tựa như có người nén không được thì bật cười, nhưng lại không dám cười, dùng tay che miệng, chàng không khỏi giật mình, ngừng bước lại, ngẩng đầu nhìn lên, chỉ thấy có con vượn trắng vẫn ngồi trên chạc ba của cây tùng, phía bên trên thì cành lá xum suê, trong đêm tối chẳng thể nào thấy gì được.

Đại Ngu thiền sư thấy Phương Triệu Nam chạy đến chỗ gốc tùng thì đột nhiên ngừng lại, trong lòng rất tức giận, cao giọng nói:

“Trên cây tùng là nơi vượn tiên của tệ tự nuôi dưỡng tọa hóa, Phương thí chủ ...” ông ta vừa nói vừa chạy tới. Phương Triệu Nam bị Đại Ngu thiền sư mỉa mai mấy lần trong lòng cảm thấy bực bội lắm, thế là chàng trả lời lại ngay:

“Hiện giờ có kẻ cường dịch đang ở trên cây tùng, hừ! Chỉ một nơi nhỏ bé mà tất cả các cao thủ trong chùa Thiếu Lâm không điều tra được nơi ẩn thân của kẻ cường địch ...”.

Lúc này, Đại Ngu thiền sư đã chạy đến gốc tùng, ông ta nghe thế thì ngạc nhiên nói:

“Cái gì? trên cây có kẻ cường địch?”.

Phương Triệu Nam đã nói ra, trong lòng tuy không nắm chắc lắm, cũng chỉ đành đánh liều nói tiếp:

“Đúng vậy, trên cánh cây um tùm kia quả thực có cường địch đang ẩn thân!”.

Đại Ngu thiền sư nói:

“Lão nạp không tin!” đột nhiên ông ta đề chân khí, phóng vọt lên cây tùng.

Phương Triệu Nam nhìn Đại Ngu thiền sư phóng vọt lên cây, trong lòng cảm thấy không yên. Chàng nhủ thầm:

“Nếu lúc nãy âm thanh đó không phải là tiếng cười, trên cây không có kẻ địch, bọn họ càng hiểu nhầm mình hơn ...” khi ý nghĩ ấy lướt qua, đột nhiên nghe một tiếng hự vang lên, Đại Ngu thiền sư đang phóng vọt người lên đột nhiên như gặp một luồng áp lực rất lớn, thân người rơi xuống. Đà rơi rất nhanh, ngỡ rằng ông ta không thể khống chế được mình.

Phương Triệu Nam nhích gót chân, xoay người thật nhanh, trong khoảnh khắc đã đỡ lấy thân người Đại Ngu thiền sư, hạ giong hỏi:

“Lão thiền sư đã trúng ám toán?”.

Chỉ thấy Đại Ngu thiền sư hít một hơi, đứng dậy mặt lộ vẻ áy náy, nói:

“Bọn lão nạp suýt tí nữa đã hiểu nhầm Phương thí chủ, trên cây tùng quả thực có cường địch, lão nạp không đề phòng đã bị người ta đẩy ra một luồng ám kình trúng vào ngực, trong nhất thời không giữ được khí ở Đan Điền cho nên người rơi xuống ...” trong lúc nói thì ông ta không ngừng nhíu mày, rõ ràng đã bị nội thương.

Phương Triệu Nam hạ giọng nói:

“Lão thiền sư hãy nghỉ ngơi một lát, tại hạ lên xem thử ...”.

Đại Ngu thiền sư nói:

“Phương thí chủ tốt nhất đừng động thủ với người trên cây tùng, nếu không sẽ làm hư hỏng di thể của vượn trắng”.

Phương Triệu Nam hạ giọng vâng một tiếng, ngầm đề chân khí một chưởng hộ thân, một chưởng chờ địch, chàng tung người vọt lên trên cây tùng. Vừa mới chạm vào lá tùng chợt chàng cảm thấy một luồng tiềm lực mạnh mẽ tuyệt luân từ trong tán cây phóng ra. Phương Triệu Nam đã chuẩn bị trước, chàng múa chưởng vỗ ra tiếp lấy chưởng ấy. Nhưng chàng đang ở trên lưng chừng, không thể nào ra hết toàn lực, nguồn lực đạo của đối phương đánh ra lại rất mạnh mẽ, vừa tiếp lấy chưởng ấy, chàng lập tức cảm thấy nhói tim, luồng kình khí phách không từ trên giáng xuống, đẩy chàng bay đến bảy tám thước.

Đại Ngu thiền sư vừa vận khí điều tức vừa nhìn lên cây tùng, thấy Phương Triệu Nam đến gần tán cây tùng thì bị đánh rơi xuống, ông ta vội vàng chạy tới hỏi:

“Phương thí chủ có bị thương không?”.

Phương Triệu Nam nói:

“Không sao, vãn bối đã sớm chuẩn bị, nhưng võ công của người ấy cao hơn vãn bối”. Chàng vừa nói với Đại Ngu thiền sư, mắt vừa nhìn chăm chú lên tán cây tùng, đề phòng người ấy bỏ chạy. Đại Ngu thiền sư nghe chàng nói thẳng ra thằng công lực của mình không bằng đối phương, không hề có ý giấu giếm, trong bụng có thiện cảm với chàng. Ông ta hạ giọng nói:

“Y núp trên cây tùng, khi động thủ chúng ta sẽ thua thiệt, nhưng nếu người này có thể vượt qua các trạm canh gác vào nơi cấm địa, ngoài võ công cao cường, chắc chắn rất có cơ trí, dù thế nào cũng không thể để y chạy thoát”.

Phương Triệu Nam nói:

“Ý của đại sư là ...”.

Đại Ngu thiền sư đột nhiên vỗ hai tay vào nhau ba lần. Tiếng vỗ tay vang lên trong đêm tối, ở nơi hàng rào, trong bụi cỏ đột nhiên có mười bảy mười tám nhà sư đứng dậy. Toàn thân họ đều mặc đồ đen, có người tay cầm thiền trượng, có người lưng cắm giới đao, họ mặc đồ như thế cho nên lúc vào Phương Triệu Nam không nhận ra được. Chàng nhủ thầm:

“Té ra ở đây đã có nhiều cao thủ mai phục, chả trách nào khi phát hiện ra kẻ cường địch, ông ta không hề lo lắng”.

Chỉ nghe Đại Ngu thiền sư hạ giọng nói với các nhà sư Thiếu Lâm:

“Trên cây tùng có kẻ cường địch, các người hãy canh giữ xung quanh cây tùng, nếu y không rời khỏi cây tùng, các người cứ mặc kệ y, chỉ cần đề phòng đừng để y thoát khỏi là được”.

Các nhà sư tuy ngạc nhiên nhưng không ai hỏi kỹ rút ra binh khí, hai người một nhóm đứng bao vậy cây tùng lại.

Té ra Đại Ngu thiền sư suy tính sâu xa, thấy trời đã sắp sáng, đối phương lại là kẻ cường địch hiếm thấy trong đời, nếu để y bỏ chạy trong đêm tối thì là một chuyện rất đáng tiếc. Ông ta vừa ra lệnh cho các nhà sư bao vây cây tùng, vừa âm thầm vận khí điều tức chờ đợi cao thủ trong chùa ra.

Lúc đầu Phương Triệu Nam còn thắc mắc, nhưng sau một hồi suy nghĩ thì lập tức hiểu ý của Đại Ngu thiền sư, chàng nhủ thầm:

“Đúng là gừng càng già càng cay, nhà sư già này không cho đệ tử biết chuyện mình đã bị thương khiến cho họ phải kinh sợ, cũng không ra lệnh cho các nhà sư ra tay bao vây gốc tùng lại để kẻ cường địch không nổi lòng chốn chạy. Nay kẻ cường địch đã bị bao vây trùng trùng, nếu thời gian cứ kéo dài ra thì tình thế của y sẽ càng bất lợi, kẻ này võ công dù có cao cường hơn nữa cũng không thể một mình chống lại các cao thủ trong chùa Thiếu Lâm, đến khi trời sáng, muốn thoát khỏi vòng vây thì càng khó khăn hơn ...” chàng đang suy nghĩ thì có ba bóng người lướt tới.

Phương Triệu Nam nhìn kỹ lại, thấy đó đều là các cao tăng thuộc hàng chữ Đại trong chùa Thiếu Lâm, ngoại trừ Đại Đạo hòa thượng, còn có hai người trong giám viện là Đại Nguyên và Đại Chứng hòa thượng.

Lúc này người trên gốc tùng vẫn giả vờ không biết, chỉ có gió thổi vào lá tùng, đêm tối vẫn tĩnh lặng như thường.

Đại Đạo hòa thượng đột nhiên tiến về phía trước, hạ giọng nói với Đại Ngu thiền sư:

“Người của chúng ta đã đông, kẻ này dù có võ công cao cường cũng không thể thoát khỏi vòng vây, chi bằng trước tiên buộc y xuống rồi hãy nói”.

Đại Ngu thiền sư chợt phất tay phải, hai hạt niệm châu bằng gỗ đàn bay ra như điện, cắm thẳng vào cây tùng, chỉ nghe lá tùng rung rinh, hai hạt niệm châu như cát chìm xuống đáy biển.

Đại Ngu thiền sư thấy kẻ cường địch nhẹ nhàng tránh được hai hạt niệm châu, cười lạnh một tiếng nói:

“Kẻ này nếu không phải ngụy trang trà trộn vào, chắc chắn đã biết con đường bí mật dẫn đến đây, cho nên né tránh được chúng ta!” ông ta trầm tư một lúc rồi nói:

“Nếu tiểu huynh suy đoán không lầm, y đã chọn cây tùng làm nơi ẩn thân, người lại mặc y phục cùng màu với lá tùng, cho nên chúng ta không thể nhận ra ...” ông ta nói rất lớn, tựa như có ý để cho người trên cây tùng nghe. Ông ta ngập ngừng một hồi rồi hạ giọng nói:

“Ba vị sư đệ hãy chuẩn bị, kẻ địch vừa xuất hiện thì lập tức đuổi theo không rời, đừng để cho y chạy thoát”.

Đại Đạo thiền sư biết Đại Ngu sắp thi triển thủ pháp ném niệm châu, buộc kẻ cường địch xuất hiện, vội vàng nói:

“Sư huynh ...”.

Đại Ngu gật đầu mỉm cười, nói:

“Ta biết ...” rồi phất tay phải, một viên niệm châu phóng ra, một tiếng gió rít lên, xuyên thẳng về phía cây tùng, vài chiếc lá chậm rãi rơi xuống. Đại Ngu thiền sư sau khi đánh ra viên niệm châu ấy thì ngừng lại một lúc lâu rồi mới phóng ra một viên nữa. Lúc này, đêm tối đã lui dần, trời còn tờ mờ sáng, chỉ một lát nữa thôi, sắc trời sẽ sáng bừng, người trên cây tựa như không hề lo lắng.

Nửa khiến cho Phương Triệu Nam có chút nghi ngờ ... đang lúc suy nghĩ, chàng chợt nghe một tiếng quát thật lớn vọng ra từ căn nhà ở giữa, một bóng người phóng vút ra như tên bắn. Căn nhà ở giữa chính là nơi hai vị cao tăng ngồi tọa thiền, Đại Ngu, Đại Nguyên, Đại Chứng thấy thế đều không khỏi giật mình ... ngay lúc ba nhà sư đang bàng hoàng, một bóng người từ trên tán cây um tùm đã phóng vút ra, bay lướt qua đầu ba nhà sư, hạ xuống cách đó hơn một trượng.

Phương Triệu Nam quát lớn, phóng vọt người lên thi triển thân pháp Bát Bộ Đăng Không đuổi theo. Chàng đang lúc gấp gáp, quên rằng công lực của mình không đủ thi triển loại khinh công này, sau khi phóng vọt người lên mới cảm thấy không đủ lực, thế là đè một ngụm chân khí lên Đan Điền, toàn lực đuổi theo. Chỉ nghe tiếng áo quần phần phật, các nhà sư đều vượt qua chàng, phóng xa đến hơn ba trượng, hạ xuống trước mặt của bóng người ấy.

Không ai có thể suy nghĩ nhiều trong tình thế này, chàng giở tay vỗ ra một chưởng. Người ấy mặc một bộ trường sam che kín từ đầu đến chân, chỉ chừa ra đôi mắt, nhưng bộ dạng trông rất mảnh khảnh. Vừa thấy chưởng thế của Phương Triệu Nam dữ dội như thế, người ấy né qua bên trái, thối lui đến ba bước, thân pháp ấy trông rất quỷ dị, nhẹ nhàng, tựa như đã từng thấy ở đâu đó.

Người ấy sau khi né được một chưởng thì tay trái giở lên, một luồng chỉ phong phóng tới bên chàng. Phương Triệu Nam thầm vận chân lực, lại vỗ ra một chưởng nữa, một luồng tiềm lực giáng thẳng tới ngọn chỉ phong. Hai luồng tiềm lực chạm vào nhau, lập tức một tiếng ầm thật lớn vang lên. Phương Triệu Nam cảm thấy luồng chỉ lực của đối phương rất mạnh mẽ, chưởng vừa rồi của chàng không thể nào chặn được luồng lực đạo của đối phương, chàng đành phải thối lui hai bước, hóa giải luồng ám kình của đối phương ... Trong khoảnh khắc này, bọn Đại Ngu, Đại Nguyên, Đại Chứng, Đại Đạo cũng đã đuổi tới, bao vây người ấy. Ngoài trừ Đại Ngu thiền sư, tất cả đều rút ra binh khí. Bóng đen phóng ra từ căn nhà ở chính giữa thấy đồng bọn bị chặn lại, thế là dừng lại, bước sải tới. Đại Ngu thiền sư đánh ra hai chưởng, miệng nói:

“Thí chủ đã dám đến chùa Thiếu Lâm, xâm nhập vào cấm địa của chúng tôi, tại sao không dám cho người ta thấy mặt?”.

Người áo xanh ấy vẫn chưa kịp trả lời, chợt nghe Đại Chứng thiền sư hừ lạnh một tiếng, đột nhiên lách qua một bên. Té ra người áo đen ấy âm thầm bước tới điểm một chỉ về phía Đại Chứng thiền sư. Đại Chứng quay đầu lại đã điểm một chưởng, nào ngờ đối phương đã phòng bị, tay trái điểm ra tiếp. Đại Chứng thiền sư không kịp đề phòng, bị luồng chỉ phong của đối phương đánh trúng vào cánh tay phải, lập tức thối lui đến hai bước.

Người mặc áo xanh đột nhiên lách người, bước ra ngay chỗ trống mà Đại Chứng thiền sư vừa tránh ra, phóng thẳng tới chỗ người áo đen rồi cả hai cùng vọt người, nhảy ra xa đến hai ba trượng.

Đại Ngu thiền sư thấy kẻ cường địch sắp bỏ chạy, trong lòng lo lắng, phất ống tay áo một cái, người phóng vút lên không, rồi quay lại đẩy ra một chưởng về phía Đại Nguyên thiền sư.

Phương Triệu Nam thấy thế thì thất kinh, vội vàng kêu lên:

“Lão thiền sư sao ...”.

chàng vốn định nói sao cả người của phe mình mà cũng không nhận ra, nhưng nói được một nửa thì Đại Nguyên thiền sư cũng đẩy chưởng phải ra ở trước ngực. Chợt thấy thân người của Đại Ngu thiền sư đang ở trên không đột nhiên gia tăng tốc độ, trong chớp mắt đã phóng ra đến bốn năm trượng, hạ xuống sau lưng ở hai người ấy.

Phương Triệu Nam lúc này mới hiểu ra rằng, Đại Ngu thiền sư đẩy chưởng về phía Đại Nguyên thiền sư là có ý muốn mượn lực của ông ta để gia tăng tốc độ của mình.

Đại Ngu thiền sư tựa như đã mất đi tốc độ vốn có của mình, hai chân vừa hạ xuống đất thì lập tức quát lớn một tiếng, chém ra một chưởng. Người áo đen và người áo xanh không hề quay đầu chỉ đột nhiên nhảy vọt qua hai bên. Đại Ngu thiền sư tựa như đã sớm đoán được rằng chưởng này đả thương đối phương, khi chưởng phải chém ra, tay trái đã nắm sẵn mấy viên niệm châu, trong khi hai người ấy vọt ra hai bên, bốn viên niệm châu trong tay trái bay vút về phía hai người ấy.

Người mặc áo đen đột nhiên quay đầu phất tay, một luồng ánh sáng bạc lóe lên, chỉ nghe hai tiếng bốp bốp hai viên niệm châu bị cây trủy thủ trong tay đánh rơi.

Người mặc áo xanh thì đột nhiên vung hai tay, vọt người lên, hai viên niệm châu bay lướt nhưng cũng trong lúc này, Phương Triệu Nam đã cùng Đại Chứng, Đại Nguyên bước tới, Phương Triệu Nam ra tay trước tiên, chàng vươn tay phải chụp về phía cổ tay trái của người áo đen. Người áo đen giả vờ không biết, đợi đến khi tay phải của Phương Triệu Nam sắp chạm vào cổ tay của y thì đột nhiên xoay người, chụp lại vào cổ tay của Phương Triệu Nam. Đòn đánh ra của hai người rất đơn giản, nhưng kỳ ảo lạ thường, Phương Triệu Nam lách tay hơi chậm lại, mu bàn tay đã bị luồng chỉ phong của người áo đen đánh trúng, đau đến nỗi nhíu mày, thối lui hai bước. Đại Chứng thiền sư tay cầm binh khí đứng một bên nhìn, thấy Phương Triệu Nam thối lui, quát lớn một tiếng rồi nói:

“Phương thí chủ hãy mau lui để cho lão nạp ...” cây phương triệt sản trong tay ông ta đánh ra một chiêu Hoành Tảo Thiên Quân quét về phía eo của người ấy.

Lực tay của họ vốn đã hơn người, cú đánh này càng dữ dội hơn, chỉ nghe tiếng xoạc xoạc, một cuộn ngân hồng hình vòng cung lóe lên. Người áo đen hừ một tiếng, đột nhiên cúi người về phía trước, lướt tới bụng Đại Chứng thiền sư, cây trủy thủ trong tay sáng lấp lánh.

Đại Chứng thiền sư nếu không thâu lại binh khí thì có thể đả thương được đối phương, nhưng cây trủy thủ của đối phương cũng sẽ cắm vào lòng ngực ông ta.

Tình thế buộc Đại Chứng thiền sư đành phải thâu lại binh khí, nhảy vọt ra phía sau. Người mặc áo đen thừa thế phóng vọt lên cao đến hai trượng, người đang ở trên không trung, đột nhiên xoay một vòng đẩy xéo xuống, khi trồi lên hụp xuống mấy lần thì người đã búng ra đến ba trượng. Người mặc áo xanh cũng đã thoát khỏi vòng vây của bọn Đại Đạo thiền sư, chạy tới bên cạnh người áo đen, lại cùng chuẩn bị ra tay.

Đại Ngu thiền sư thấy hai người ấy sử dụng toàn khinh công thượng thừa, đệ tử dưới trướng của mình không theo kịp, người càng đông thì càng cản trở tay chân. Ông ta lập tức cao giọng nói:

“Đại Nguyên sư đệ hãy kiểm tra nơi này, điều động người cố thủ, Đại Chứng, Đại Đạo theo ta truy bắt kẻ địch”.

Nhà sư đức cao vọng trọng này rõ ràng đã nổi giận, ông ta giật lấy một cây thiền trượng trong tay đệ tử đứng bên cạnh rồi phóng vọt lên, đuổi theo hai người ấy.

Đại Chứng, Đại Đạo một người cầm trong tay phương tiện sản, một người thì cầm hai cây giới đao, chạy sát theo sau Đại Ngu thiền sư.

Phương Triệu Nam hơi do dự, hạ giọng nói với một nhà sư bên cạnh:

“Đại sư phụ, cho tại hạ mượn binh khí”.

Chàng tuy nói khách sáo, nhưng kỳ thực đã đưa tay ra, vừa nói xong thì đã giật cây giới đao trong tay của hòa thượng ấy. Hòa thượng ấy trong lòng vẫn còn đang nghĩ có nên cho chàng mượn binh khí hay không. Chợt cảm thấy cổ tay tê rần, cây đao đã rơi khỏi tay, quay đầu lại nhìn thì Phương Triệu Nam đã phóng vút lên trên không, đuổi sát theo sau Đại Ngu thiền sư.

Người áo xanh và người áo đen tựa như không muốn ra tay với các nhà sư nữa, đồng thời cũng hiểu rõ địa thế ở xung quanh, hai người cứ chạy về hướng Tây Bắc.

Ba nhà sư Đại Ngu, Đại Chứng, Đại Đạo tuy dốc hết sức đuổi sát theo sau nhưng không thể nào đến gần hai người một bước, cả đôi bên vẫn cách nhau đến hai ba trượng.

Còn Phương Triệu Nam thì cách bọn Đại Ngu thiền sư đến một trượng.

Đại Ngu thiền sư thấy hai người chạy về hướng có ít đệ tử trong chùa canh giữ, nhưng đó lại là một tuyệt lộ.

Sáu bóng người đuổi sát theo sau cứ như sao băng lướt qua bầu trời, tiếng quần áo bay phần phật trong gió, Đang chạy, Đại Chứng thiền sư đột nhiên cao giọng niệm một tiếng Phật hiệu, âm thanh ấy vang vọng khắp nơi. Tiếng Phật hiệu chưa dứt thì đột nhiên ở bên đường có bóng người xẹt tới, bốn nhà sư trung niên mình khoác cà sa, tay cầm thiền trượng đứng dang ngang ra chặn đường lại.

Hai kẻ bịt mặt khinh công trác tuyệt, đang chạy rất nhanh, thấy bốn nhà sư vừa mới xuất hiện thì hai người ấy đã đến sát. Chợt thấy hai người đồng thời giở tay phải lên, ba nhà sư đã lập tức té ngửa xuống, người cuối cùng đứng tương đối xa, tựa như vẫn chưa bị đánh trúng, cây thiền trượng trong tay quét ra một chiêu Lực Tảo Ngũ Nhạc.

Nhưng tốc độ của hai người ấy rất nhanh, ông ta vừa mới quét thiền trượng lướt qua, cho nên trượng ấy không thể chặn được hai người, nhưng tốc độ của họ cũng bị giảm xuống, Đại Ngu thiền sư đột nhiên chống mạnh cây thiền trượng xuống đất, mượn lực phóng vọt lên.

Nhà sư mình khoác cà sa ấy không thấy ba đồng môn của mình đã ngã xuống đất như thế nào, cũng không thể ngăn cản được kẻ địch, trong lòng rất áy náy, cao giọng nói:

“Đệ tử ...” y vừa nói ra hai chữ, Đại Chứng, Đại Đạo đã lướt qua người y. Phương Triệu Nam đi ở sau cuối, hạ giọng nói:

“Mau đưa những người bị thương vào chùa chữa trị”. Khi chữ cuối cùng vừa nói ra, người đã cách nhà sư ấy hơn hai trượng.

Lại nói Đại Ngu thiền sư thi triển tuyệt học của Thiếu Lâm là thân pháp Lăng Phong Phi Độ, đề khí lên Đan Điền, mượn lực phóng vút lên cao đến hai ba trượng.

Ông ta lập tức bổ cây thiền trượng trong tay, mượn sức gió, chân chưa kịp điểm xuống đất thì đã phóng ra xa đến tám chín trượng nữa. Khi hạ xuống đất thì chỉ còn cách kẻ địch một trượng. Lúc này, mọi người đã rời khỏi chùa Thiếu Lâm, chạy đến con đường núi gập ghềnh. Đại Chứng, Đại Đạo khinh công kém hơn sư huynh, tuy đã dốc hết kinh lực trong toàn thân nhưng cũng không thể nào rút ngăn thêm một bước. Lướt qua hai đỉnh núi, thế núi bắt đầu thay đổi, một ngọn núi cao vút chắn ngang đường.

Đại Ngu thiền sư cao giọng nói:

“Các ngươi đã đến đường cùng, nếu không chịu dừng lại, đừng trách lão nạp phóng ám khí”.

Cả hai người ấy nào chịu nghe, chạy vào bên trái của ngọn núi. Đại Ngu thiền sư thầm giảm tốc độ, chờ đợi Đại Chứng, Đại Đạo đuổi lên. Ông ta hạ giọng nói:

“Ở bên phải là đỉnh núi cao, không dễ leo trèo, nhưng vẫn còn có đường, còn ở bên trái cách đây năm dặm có một vực sâu trăm trượng, rộng đến bốn năm mươi trượng, khinh công của hai người ấy dù có giỏi cũng khó vượt qua. Các đệ hãy đi chậm lại điều tức một lát để dưỡng khí chốc nữa lại động thủ, tiểu huynh đi trước một bước ngăn chặn không cho bọn chúng bắc dây treo”.

Khi ba người đang đối đáp, Phương Triệu Nam đã đuổi tới nơi, nghe hết những lời của Đại Ngu thiền sư, chàng cao giọng nói:

“Đại sư phải cẩn thận, võ công của hai kẻ này tựa như là người trong Minh Nhạc”.

Đại Ngu thiền sư lắc đầu:

“Thí chủ yên tâm, lão nạp tự tin có thể ...” lúc này, ánh sáng bắt đầu tràn khắp nơi, cảnh vật càng lúc càng rõ. Phương Triệu Nam ngẩng đầu nhìn sắc trời, ở phía trước chỉ có một sơn cốc, hai bên là vách núi thẳng đứng. Ở cuối sơn cốc có vài bóng người. Thế rồi mới nói với hai nhà sư:

“Lệnh sư huynh đã động thủ với cường địch, chúng ta hãy mau đuổi theo”.

Thế rồi chàng gia tăng cước lực phóng nhanh về phía trước. Đây là nơi hiểm trở vô cùng, thế núi hai bên đột nhiên đến đây thì đứt hẳn, tựa như bị một chiếc rìu bén ngót chặt ra, vực sâu trăm trượng thì cản đường ở phía trước. Hai bên núi chỉ rộng có hai ba trượng, ở dưới đất thì có rất nhiều loại quái thạch, ngoại trừ chạy ngược trở lại, muốn sống thì chỉ đành liều mạng.

Mặt trời đã bò lên, hàng vạn tia sáng xua tan đi màn đêm, dần dần lan ra khắp sơn cốc.

Đại Ngu thiền sư cầm cây thiền trượng múa ra hàng ngàn trượng ảnh, trong trượng có kèm theo tiếng gió, tấn công người mặc áo đen.

Người mặc áo đen cũng múa tít thanh kiếm, dùng những chiêu số nhẹ nhàng quỷ dị để chống lại màn trượng ảnh trùng trùng của Đại Ngu thiền sư, dù thế công của Đại Ngu thiền sư có lợi hại đến mức nào, y vẫn có thể hóa giải được.

Người mặc áo xanh thì đứng đối diện với vực sâu, hai tay chắp sau lưng, tựa như đang nghĩ ngợi để tìm một lối ra từ tuyệt địa, không hề để ý đến cuộc ác đấu ở sau lưng. Vừa nhìn thì cứ tưởng Đại Ngu thiền sư đang quét dọc, nhưng không phải như thế.

Người mặc áo đen tuy bị cuốn vào trong màn trượng, nhưng không hề thấy bại trận, y vẫn cứ múa kiếm tỉnh như không, rõ ràng đối phương vẫn chưa hết toàn lực.

Đại Chứng thiền sư hạ giọng nói với Đại Đạo thiền sư:

“Sư đệ hãy giúp tiểu huynh một tay”. Ông ta nói một tiếng, múa cây phương tiện sản xông lên. Người mặc áo đen ấy chỉ để lộ đôi mắt, thấy Đại Chứng thiền sư múa sản xông lên, tay trái lấy ra một thanh trủy thủ, thanh kiếm trong tay đánh ra một chiêu Thừa Long Dẫn Phục gạt được thanh thiền trượng của Đại Ngu thiền sư, y lật tay chém xéo về phía Đại Chứng thiền sư, một luồng hàn quang xẹt lên, đâm vào huyệt Phong Chấn, Đại Chứng thiền sư vội vàng thối lui hai bước đỡ kiếm thế, múa sản phản công trở lại, liên tục đâm ra ba sản, một màn tinh quang xẹt tới. Té ra món binh khí của ông ta quá dài, nếu bị người áo đen áp sát tới thì không thể nào thi triển được. Đại Ngu thiền sư sắp bị y áp sát tới. Quả nhiên người áo đen bị Đại Chứng thiền sư cho một sản, buộc phải thối lùi đến ba bước. Người áo đen vừa thối lui, Đại Ngu thiền sư đã phát huy uy lực của cây thiền trượng trong tay, một chiêu Quân Lâm Đại Địa từ trên bổ xuống uy mãnh như dời núi lấp biển.

Đại Chứng thiền sư múa sản trợ chiến, buộc người áo đen thối lui ba bước, cũng trong khoảnh khắc này, Đại Ngu thiền sư đã lấy lại thế thượng phong. Người áo đen bị một chiêu Quân Lâm Đại Địa của Đại Ngu thiền sư uy hiếp, không dám dùng binh khí chống đỡ nữa, lại nhảy vọt ra sau. Đại Ngu thiền sư tay cầm ngang thiền trượng chậm rãi tiến về phía trước, mặt mũi trang nghiêm. Phương Triệu Nam để ý thấy chiêu số của người mặc áo đen tựa như đã nhìn thấy ở đâu đó nhưng trong nhất thời chàng lại nhớ không ra.

Vì ba bốn trượng ở phía sau lưng người mặc áo đen là vực sâu trăm trượng, y chậm rãi bước lùi về phía sau, rõ ràng là để vận khí điều tức, không hề có ý bó tay chịu trói, thế phản công càng dữ dội hơn. Còn người áo xanh đứng quay lưng về bọn họ, mặt hướng xuống vực sâu đột nhiên xoay người lại, đôi mắt sáng quắc, nhìn thẳng vào bọn ba người Đại Ngu thiền sư, chậm rãi bước tới. Người mặc áo đen thì ngừng lại, hai người đứng sánh vai với nhau tựa như có ý cùng kháng địch.

Đại Chứng, Đại Đạo thiền sư chạy tới đứng hai bên Đại Ngu. Cả hai bên cách nhau sáu bảy thước đang thủ thế chờ địch thủ. Người mặc áo đen và người mặc áo xanh vì che mặt cho nên không thể thấy được thần sắc, nhưng ánh mắt của hai người ấy tựa như đang rất chú ý, cả hai bên đều biết đã gặp phải cường địch, không ai dám có lòng coi thường. Đại Ngu thiền sư trầm giọng nói:

“Hai vị võ công không kém chắc không phải là hạng vô danh”.

Người mặc áo đen và người mặc áo xanh đều không thèm để ý đến lời nói của Đại Ngu thiền sư. Đại Ngu thiền sư nói:

“Hai ngươi có điếc không?”.

Người mặc áo đen và người mặc áo xanh vẫn không hề để ý đến lời mắng của đối phương, bốn ánh mắt cứ nhìn thẳng vào người ba nhà sư. Đột nhiên người mặc áo đen giở thanh kiếm tiến lên phía trước, ánh hàn quang lấp lánh, từng đóa kiếm hoa lấp lánh, từng đóa kiếm hoa vẽ ra đâm về phía ba nhà sư. Tất cả đều phải múa tít thanh kiếm trong tay chống đỡ. Trượng ảnh, sản quang hòa vào với hai thanh giới đao sáng lấp lánh trong tay Đại Đạo thiền sư.

Ánh sáng rộng hơn cả trượng, biết chặn đường rút lui.

Các nhà sư Thiếu Lâm cùng một môn phái hiệp thông với nhau, chiêu này không những có thể chống cự lại kiếm thế của đối phương mà còn ngăn không cho đối phương phá vòng vây. Cũng trong chiêu này, ba nhà sư Thiếu Lâm đã dùng đến tám thành công lực. Kiếm hoa của người áo đen tán loạn, một tràng tiếng binh khí giao nhau kêu lên loảng xoảng, đột nhiên vọt ra sau, hạ xuống chỗ cũ đứng sánh vai với người áo xanh, tư thế chẳng hề thay đổi tí nào.

Đại Ngu thiền sư rúng động trong lòng, thầm kinh:

“Võ công bình sinh hiếm thấy, hai vị sư trưởng không biết có bị hại hay không, Đại Bi sư đệ sao chẳng thấy động tĩnh gì khi kẻ cường địch xông ra khỏi căn nhà, xem ra lành ít dữ nhiều ...” nghĩ đến đây, một cảm giác căm giận dâng lên trong lòng.

Ngọn lửa phục thù mãnh liệt cùng với cảm giác trách nhiệm đối với việc duy trì chuyện của sư môn khiến ông ta mau chóng quyết định, thế là ông ta lấy chiếc chìa khóa cùng với tấm bản đồ của nhà sư râu tóc bạc phơ giao cho Đại Đạo thiền sư. Ông ta nói:

“Sư đệ hãy trao chìa khóa, bản đồ cho Đại Bi sư đệ”.

Đại Đạo thiền sư trong nhất thời không hiểu tâm ý của sư huynh, vẫn nhận lấy hai món ấy rồi hỏi:

“Đi ngay bây giờ?”.

Đại Ngu nói:

“Đi ngay bây giờ, nếu không gặp Đại Bi sư đệ thì hãy trao hai món này cho giám viện thủ tọa Đại An sư đệ”.

Đại Đạo tựa như đã hiểu ra dụng ý của Đại Ngu, trong lòng chợt nhói lên, ông ta buồn bã nói:

“Sư huynh cớ gì phải ...”.

Đại Ngu thiền sư nhíu mày, gằn giọng nói:

“Không được nói nhiều, đi mau!”.

Đại Đạo thấy sư huynh lộ vẻ giận dữ, không dám nói nhiều nữa, chỉ đành chắp tay nói:

“Tiểu đệ kính nhận pháp dụ của sư huynh”. Rồi đột nhiên xoay người chạy đi mất.

Đại Ngu thiền sư đưa mắt nhìn theo bóng dáng của Đại Đạo, ông ta hơi mỉm cười, vẻ mặt căng thẳng đột nhiên biến mất. Tựa như trong chốc lát, ông ta đã hoàn thành tâm nguyện cả đời mình, trên đời chẳng có nỗi khổ sinh ly tử biệt của đời người cũng không thể làm cho ông ta lo lắng tí nào. Ông ta múa cây thiền trượng trong tay, hạ giọng nói với Đại Chứng:

“Sư đệ hãy lui ra, ta phải coi thử võ học của Thiếu Lâm chúng ta có xứng với danh xưng Thái Sơn Bắc Đẩu trong võ lâm hay không ...”.

Ông ta cười lớn một hồi rồi nói tiếp:

“Trong hàng chữ Đại của chúng ta, võ công của Đại Trí sư huynh là cao nhất, nhưng huynh ấy đã mất mạng khi truy sát ả yêu phụ che mặt. Đại Phương sư đệ hơi kém Đại Trí sư huynh nay mất tích trong Minh Nhạc, lão nạp trên không bằng thành tựu của sư huynh, dưới kém sư đệ một bậc, nhưng ta phải xem mấy mươi năm siêng năng luyện tập võ học Thiếu Lâm rốt cuộc đã có được bao nhiêu thành tựu, sư đệ hãy để ta đối phó với bọn chúng, không được ra tay giúp đỡ”.

Lời nói của ông ta nghe rất ôn hòa, nhưng ý rất kiên quyết, từng chữ từng câu đều như chém đinh chặt sắt. Ông ta là người rất ôn hòa, tuy đã có lòng liều mạng, nhưng không hề mắng chửi đối phương.

Đại Chứng hạ giọng nói:

“Tiểu đệ kính nhận từ mệnh của sư huynh”.

Đại Ngu cao giọng ngâm rằng:

“Linh dược chỉ trị bệnh không chết, cửa Phật không độ người vô duyên”. Rồi tay cầm ngang thanh thiền trượng, bước sải tới.

Đại sư ấy đã coi cái chết như trở về, một lòng quyết cứu nhân độ thế, phong độ quang minh lỗi lạc của ông ta đã khiến người áo đen tựa như hoảng sợ, đôi mắt của y lấp lánh, nhìn thẳng lên người Đại Ngu thiền sư.

Tay phải cầm thanh kiếm đẩy lên trước ngực, tay trái cầm thanh trủy thủ gác lên thanh kiếm, y chậm rãi bước tới, mỗi bước thì người hơi rung rung.

Khi hai bên cách nhau khoảng bảy tám thước thì đều ngừng lại.

Phương Triệu Nam thấy hai người đều đã tập trung công lực của toàn thân, khi lao vào nhau sẽ lập tức biết được sự tồn vong, đó là lối đánh hiếm thấy trên võ lâm, cho nên trong lòng chàng rất kinh hãi. Chàng thầm nhủ:

“Đại Ngu thiền sư là một bậc cao tăng trong chùa Thiếu Lâm, mình phải ngăn cản lối đánh liều mạng này ...” thế rồi lập tức quát lớn một tiếng tung người vọt lên. Một chiêu Phong Lôi Giao Kích như điện xẹt đ

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK