Chính miệng Tứ a ca dặn nàng: "Cửa thư phòng đã khóa, chìa khóa sẽ đặt ở chỗ nàng. Nếu có việc truyền tin về đột xuất cần lấy đồ gì ở thư phòng, nàng hãy tự mở khóa vào lấy, đừng nhờ người ngoài."
Phúc tấn trịnh trọng vâng lời.
Nếu tiền viện đã vào tay phúc tấn, hậu viện nghiễm nhiên không phải nói nữa rồi. Từ đại ma ma trở xuống, đứng trước phúc tấn, mọi người ai nấy đều quy phục. Sau hai năm được gả vào phủ, rút cuộc phúc tấn cũng được phen nở mặt nở mày, không còn là một phúc tấn bù nhìn, để bọn ma ma tùy ý khua tay múa chân nữa.
Kể từ ngày nàng vào, đại ma ma khi nào cũng hiện diện như một bực tôn Phật, lắm lúc phúc tấn cũng cảm thấy như bà ta đang cười nhạo mình. Sau khi ra cung dựng phủ, đám ma ma này ỷ là người từ trong cung ra, là người được Nội vụ phủ phân công đến, đâm ra có phần coi khinh nàng.
Vì Tứ a ca, nên phúc tấn không lần nào chấp nê với bọn bà già này; a hoàn hồi môn của mình bị người khác ngó lơ, nàng cũng làm như không thấy. Song thực chất, phúc tấn chưa bao giờ là quả hồng mềm mặc người bóp nặn.
Nàng chỉ cho rằng trước hết mình cần giành được sự tín nhiệm của Tứ a ca. Khi trong cung nàng hành xử quá nóng vội; hiện giờ Tứ a ca ra ngoài, ký thác tiền viện cho nàng, đây chính là cách chứng minh hiệu quả nhất. Có sự ủng hộ của Tứ a ca, đại ma ma chẳng cũng phải cúi mình theo ư?
Trang ma ma và ba bà ma ma khác cũng đều chủ động giao sổ sách mình giữ lại cho phúc tấn, thiện phòng ở nội viện không còn kiểu một tháng mới chịu giao một lần nữa. Mà hễ lúc nào phúc tấn hỏi đến, họ đều nhanh nhảu trình bày rốp rẻng cho nàng nghe. Và không còn để phát sinh những chuyện cách cách không ăn cơm ở hậu viện, mà mãi tận một tháng sau mới phát hiện nữa.
Khi phúc tấn được thở phào một hơi dài thì cũng là lúc Lý Vi nhận thấy hướng gió của hậu viện đã thay đổi. Bấy giờ nàng mới sực nhớ ra lời Tứ a ca nhắc nhở trước khi đi, tự mình trải nghiệm đúng là nghiêm trọng hơn trong tưởng tượng nhiều mà.
Nhưng phúc tấn có ý muốn cho từng người trong hậu viện cảm nhận rõ sự tồn tại của mình, thì sao có thể để người ta bỏ qua nàng được? Đến Lý Vi cũng thấy tần suất xuất hiện của phúc tấn dạo gần đây đúng là hơi dày đặc hơn thường ngày.
Ngọc Bình cẩn trọng bước vào, nói với nàng: "Cách cách, người bên phúc tấn sang hỏi sáng nay Nhị cách cách đã bú sữa mấy lần, dùng nước mấy lần, có đi tiểu hay chưa..."
Đáng nói là chẳng buồn đến hỏi Lý Vi, mà đi hỏi thẳng nhũ mẫu, sáng một lần tối một lần, gió mặc gió, mưa mặc mưa.
Theo lý mà nói thì phúc tấn chỉ đang nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ quan tâm đến giống nòi của Tứ a ca thôi, nhưng Lý Vi luôn không sao tránh nổi cảm giác như bị người ta vả lên mặt. Người trong tiểu viện cũng thấy vậy, dạo này có vẻ nóng nảy hẳn ra.
Tiểu viện vốn là một hệ thống hình thành riêng biệt. Nay cấp trên thường xuyên phái người xuống dạo một vòng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền uy của Lý Vi trong tiểu viện, làm vậy sẽ khiến người dưới thấy rằng lời nói của nàng đã không còn tác dụng gì nữa.
Lý Vi nói: "... Phúc tấn cũng chỉ lo cho Nhị cách cách thôi."
Nàng có cấm phúc tấn hỏi được không?
Nếu không được, vậy cần gì vì tí chuyện cỏn con ấy mà chống đối phúc tấn.
Phúc tấn đang giết gà dọa khỉ ấy thôi, con gái Tống cách cách giờ hãy còn đặt nuôi ở chỗ phúc tấn đấy.
Lý Vi gọi cả Ngọc Bình và Triệu Toàn Bảo lại, dặn họ phải để mắt sít sao đến người trong tiểu viện. Và chuyển nôi của Nhị cách cách sang phòng nàng, nhũ mẫu cũng qua theo luôn.
"Nay a ca đi vắng, không cần phải e ngại gì. Cứ nói để Nhị cách cách ở riêng ta không an tâm." Lý Vi nói.
Ngọc Bình lập tức dẫn người đi chuyển hết đồ đạc của Nhị cách cách sang đây, nhũ mẫu và ma ma hầu cận Nhị cách cách cũng xem như không thấy gì. Người trên đánh nhau, họ không ham dây vào. Nếu phúc tấn bất mãn, thì người ấy hãy đi mà tự xử với Lý cách cách đi.
Thế nên, buổi tối lúc Thạch Lựu lần nữa đến tiểu viện, vào căn phòng ban đầu Nhị cách cách ở lại thấy bên trong đã dọn trống hoác trống huơ, không còn bọn nhũ mẫu đâu nữa cả. Nàng ta quay đầu nhìn Ngọc Thủy, ngờ đâu Ngọc Thủy ngày thường trước mặt Lý Vi tẩm ngẩm như hũ nút, khi này miệng mồm lại xoen xoét đáo để.
Ngọc Thủy tủm tỉm bảo: "Tỷ tỷ hãy ngồi đây một lúc, tôi đi gọi nhũ mẫu vào."
Tiểu viện to có từng này, Thạch Lựu cũng chỉ kinh hãi một thoáng, bấy giờ vừa liếc mắt đã đoán được Nhị cách cách ở đâu. Nhưng Lý cách cách với phúc tấn là nô tài, với nàng ta lại là chủ tử. Phòng của người ấy, người ấy chưa gọi thì Thạch Lựu tuyệt không dám xông vào.
Thạch Lựu bèn cười đáp: "Phiền muội muội quá, ta ngồi đây chờ vậy."
Ngọc Thủy đi ra, trước khi đi có bảo Ngọc Hạ dâng trà hầu hạ. Ngọc Hạ năm nay mười hai, người dong dỏng cao không giống đứa con nít. Nó bưng trà lên song không đi ngay, chắp tay đứng cạnh cười hiền hòa: "Tỷ tỷ có việc gì cứ giao cho tôi."
Trà vừa được dâng lên ít lâu, nhũ mẫu đã bước ra, cũng nét mặt tươi cười, nói: "Thạch Lựu cô nương đến đấy à? Hôm nay đã cho Nhị cách cách bú sáu lần, mỗi canh giờ một lần."
Thạch Lựu lại hỏi thêm những điều khác rồi mới rời khỏi, trước đó còn bảo Ngọc Hạ chuyển lời, nếu Lý Vi có rảnh, xin nể mặt nàng ta, thưởng cho một lần gặp: "Ta cũng muốn khấu đầu trình chủ tử."
Ngọc Hạ nhận lời, bảo nhũ mẫu ngồi với Thạch Lựu, rồi chạy đi hỏi Ngọc Bình.
Ngọc Bình cười khẩy: "Hôm qua đến đây sao không thấy cô ta bảo khấu đầu trình chủ tử?"
Trong phòng, Lý Vi đương khom người trước nôi chơi đùa với con gái, nghe xong bèn bảo: "Không có gì, để cô ta đợi đấy, ta thay quần áo xong sẽ gặp."
Lý Vi gặp Thạch Lựu ở nhà chính. Nàng mặc bộ y phục gặp khách, chải đầu tóc gọn gàng, gài không sót một chiếc trâm nào, ngay ngắn ngồi trong gian nhà. Thạch Lựu tiến vào, hành lễ, cho dậy, chuyện trò, không sót một thủ tục nào.
Hoàn tất các bước xong, Lý Vi không nói trăng nói sao với nàng ta thêm nữa, bưng chén trà lên thổi, nói: "Ngọc Bình, lấy chiếc hà bao ra đây cho Thạch Lựu tỷ tỷ của ngươi đi." Lại cười nói với Thạch Lựu, "Chỉ là ít đồ mọn thôi, cầm lấy mà chơi."
Ngọc Bình tiễn Thạch Lựu ra khỏi tiểu viện mới trở về, từ đầu chí cuối luôn giữ thái độ rất mực thỏa đáng. Luận ra thì nàng ta là cung nữ xuất thân từ cuộc tiểu tuyển, là bậc dân lành đứng đắn, khác hẳn hạng người đến cả danh tính tổ tiên cũng không giữ lại được như Thạch Lựu.
Quay về tiểu viện, thấy trong phòng phúc tấn có người, Thạch Lựu bèn về buồng trước. Vào buồng mở hà bao ra, bên trong chẳng phải vàng bạc tiền hào gì, mà là một đôi khuyên tai mã não, chân khuyên làm từ đồng thau trộn vàng, ánh sắc vàng óng chói lòa lấp lánh.
Lý Vi thích hạt mã não, từ lúc còn ở Lý gia đã thích dùng mã não để chế ra những khuyên tai, chuỗi hạt. Sau khi vào cung, mã não chất lượng càng nhiều hơn nữa, trữ cả một núi to oành. Trong đó những hạt có màu sắc không đủ tinh khiết đều sẽ chia cho đám a hoàn như Ngọc Bình, cho họ cầm về đeo. Đôi Thạch Lựu được cho gắn hạt màu trắng thuần pha chút xám.
Thạch Lựu đặt trong tay ngắm nghía một hồi, rồi vẫn cất vào. Khuyên tai đẹp đấy, nhưng nàng ta không thể đeo. Một là vì phúc tấn; hai là do ban nãy ở chỗ Lý cách cách, nàng ta thấy trên người Ngọc Bình, Ngọc Thủy, Ngọc Hạ đều có mã não, dễ thấy là những món đồ Lý cách cách thích, mới chia cho họ dùng. Nếu nàng ta đeo lên, ngộ nhỡ người khác kháo nhau rằng nàng ta thông đồng với người trong phòng Lý cách cách thì biết làm sao?
Buông một hơi thở dài nặng nề, lúc nãy cách Ngọc Bình và Ngọc Thủy đối đãi với nàng ta không thể nói là không khách sáo, nhưng trong sự khách sáo ấy luôn lẫn vào một thứ gì khiến nàng ta không tài nào dễ chịu được. Từ trong cung ra tới phủ, họ đi theo phúc tấn, ai nấy đều thấu suốt tỏ tường, trong bọn đầy tớ cũng phải chia ra thành các bậc tam, lục, cửu. Hạng bán mình làm nô tỳ như nàng ta, trước nay luôn phải chịu sự khinh miệt của người Bao y.
Có điều nếu phúc tấn muốn nâng đỡ họ, họ đâu thể nào mãi tỏ ra hèn nhát với chủ tử được. Không bàn hậu quả làm vậy sẽ khiến chủ tử thấy rằng mình đã nhìn lầm người, chứ ai mà chẳng thèm muốn được trở nên nổi trội hơn hẳn mọi người?
Bao y các người xem thường bọn ta, nhưng người các người phục vụ lại là nô tài, người bọn ta hầu hạ mới là chủ tử.
Lúc Thạch Lựu về, Phúc ma ma đã để mắt tới. Trước kia bà ta sẽ gọi Thạch Lựu lại hỏi thăm, nhưng giờ thì không. Đến khi phúc tấn xử lý xong mọi việc, gọi Thạch Lựu vào, bà ta mới đứng cùng nghe với phúc tấn.
Chuyện của Nhị cách cách thì đơn giản, Lý cách cách có ngu ngốc cỡ mấy cũng sẽ không bỏ mặc luôn cả đứa con gái duy nhất của mình. Phúc tấn sai người đi hỏi mỗi ngày như thế, cái nhất là để chứng tỏ mình luôn hết lòng hết dạ, thứ đến là hỏi cốt cho người ở hậu viện nhìn. Nên nàng nghe hết là thôi, qua loa cho xong chuyện được rồi.
Nhưng Thạch Lựu trình xong lại không đi, mà nhỏ giọng thưa chuyện Lý cách cách chuyển Nhị cách cách sang phòng mình.
Thoạt tiên trong phòng mọi tiếng bặt đi. Phúc ma ma và Thạch Lựu đều quan sát sắc mặt phúc tấn. Phúc tấn ung dung nói: "Vậy cũng khá tốt, không có ai để trông, bọn nhũ mẫu và ma ma hầu hạ chưa chắc sẽ không làm biếng. Lý cách cách đã muốn làm thế, thì mặc ý nàng ta vậy."
Thạch Lựu lui xuống, Phúc ma ma hầu phúc tấn dùng bữa, rửa mặt. Trước khi ngủ thấy bốn bề vắng lặng, Phúc ma ma bèn nói với phúc tấn điều mình đã suy nghĩ suốt cả tối nay.
"Bà bảo chuyển Nhị cách cách sang đây luôn à?" Phúc tấn kinh ngạc hỏi.
Phúc ma ma nói: "Hiện giờ a ca vắng nhà, người phải trông nom hai cách cách, đương nhiên cho chuyển Nhị cách cách vào đây vẫn hơn. Chưa nói cái khác, chỗ này của người thứ gì cũng là hạng tốt nhất, Nhị cách cách vào thì được hưởng phúc chứ sao."
Phúc tấn lâm vào trầm tư.
Điều Phúc ma ma nói cũng có căn cứ chứ chẳng phải nói bừa. Ba cách cách trong hậu viện đều xuất thân như nhau, chỉ mỗi Lý cách cách là nổi bật nhất. Lúc nàng ta không nảy ý đối chọi với phúc tấn thì còn đỡ, nhưng một khi đã có lòng ấy rồi thì khó mà áp chế được. Trước kia ngày nào Tống cách cách cũng sang chỗ phúc tấn ra vẻ nịnh hót, còn Lý cách cách sang được dăm ba hôm lại không thấy ló mặt đến nữa.
Chính từ lúc đó, Phúc ma ma đã thấy Lý cách cách không phải hạng người yên phận.
Song mãi vẫn không thấy nàng ta phạm phải sai lầm lớn lao gì, cũng biết điều kiêng dè phúc tấn, có khi còn cố tình tránh sủng. Nhưng chuyện hôm nay lại khác, rõ là từ ngày có con rồi, Lý cách cách đã không còn phục tùng như thế nữa.
Cử Thạch Lựu đi thăm Nhị cách cách là ý của phúc tấn, mới đi có một ngày, nàng ta đã sốt sắng chuyển Nhị cách cách về phòng mình. Trông kiểu gì cũng có vẻ như đang "đả lôi đài" với phúc tấn.
Ý Phúc ma ma là nhân lúc Tứ a ca đi vắng, không ai làm chỗ dựa cho Lý cách cách, hãy tranh thủ lúc này được thế tốt, đánh cho nàng ta phục, đánh cho nàng ta quỳ, thế mới không còn dám tự cao tự đại với phúc tấn.
Dĩ nhiên phúc tấn hiểu. Nhưng trước khi Tứ a ca đi, đã thương lượng xong xuôi tất thảy, lại bất ngờ để Trương Bảo ở lại, còn đặc cách cho hắn vào hậu viện ở.
Như thế là trợ uy cho nàng, sợ nàng không đàn áp được đám lọc lõi của Nội vụ phủ ư? Hay là... hòng quan sát nàng, phòng tránh nàng lại làm ra chuyện gì quá giới hạn?
Chắc chắn Tứ a ca biết khi chàng đi rồi, nàng sẽ làm gì, chàng cũng ủng hộ việc nàng chèo chống cả phủ đệ vào lúc này. Nhưng chưa chắc chàng đã bằng lòng cho nàng giở thủ đoạn để đối phó với nhóm cách cách. Chàng mong nàng áp đảo được hạ nhân trong phủ, chứ không phải các cách cách hầu hạ chàng.
Thú thực thì cả ba cách cách đều không phải kẻ ham gây sự. Duy có Lý thị là đặc biệt hơn một chút. Song vì bản thân nàng không phải người thích tranh giành nhốn nháo, nên hai người mới luôn được yên ổn vô sự. Nàng không muốn động chạm đến Lý thị, đoán chừng Lý thị cũng không muốn chọc vào nàng. Hôm nay nàng ta làm giá với Thạch Lựu như thế, ắt là vì Nhị cách cách đây.
"Tứ a ca vắng nhà, trong phủ vẫn phải ổn định nữa là hơn." Phúc tấn nói. Đây không phải lúc để nàng đấu đá lục đục với Lý thị, khoan nhắc tới chuyện danh tiếng có bị xấu đi hay không, vì chuyện này mà đánh mất lòng tin khó khăn lắm mới tạo dựng được ở nơi Tứ a ca thì thực là không đáng.
Phúc ma ma còn muốn khuyên thêm, phúc tấn lên tiếng phản đối: "Ta biết ma ma một lòng vì ta. Nhưng có điều này ma ma cần nhớ, ta được gả cho a ca của Ái Tân Giác La, mà nơi đây là a ca phủ."
Buổi nói chuyện đã dọa Phúc ma ma một phen nên trò.
Còn một điều nữa mà phúc tấn chưa nói. Ấy là nếu chọc Lý thị nổi máu lên thật, hai người phải đương đầu gay gắt với nhau, thì nàng sẽ thắng chắc, nhưng ắt là cũng thắng một cách thảm hại.
Thừa nhận việc mình không dám đối kháng trực diện với một cách cách vì sợ nàng ta, đây quả không phải cảm giác dễ chịu gì đối với phúc tấn.
Nhưng vẫn cứ hơn là đánh xong mới nhận ra đánh không lại.
Hôm sau, phúc tấn đã nghe nói Lý cách cách mời Võ cách cách sang tiểu viện của mình.
Ngày trước Võ thị bợ đỡ Lý thị, nhưng chưa lần nào thấy Lý thị đón nhận phiếu bầu của người ta. Mà chỉ là cô đến, tôi chẳng ngăn, cô không đến, tôi cũng chẳng gọi. Võ thị tất nhiên đâu thể mặt nóng dán mông lạnh hoài được.
Nay Lý cách cách vươn tay, Võ cách cách nhất định sẽ đứng về chung bè.
Vậy phúc tấn mới hay, một Lý thị luôn nhượng bộ nhũn nhặn trong ấn tượng của nàng hóa ra cũng có một mặt cứng rắn như thế. Vả mặt Thạch Lựu còn chưa đủ, vừa hôm sau đã kéo bè kéo cánh rồi.
Rốt cuộc là thế nào?
Những biến chuyển to lớn trong phong cách của Lý Vi chẳng những khiến phúc tấn chú ý, mà ngay cả Phúc ma ma cũng nao nao theo. Trong mắt bà ta, Lý cách cách không còn giả vờ giả vịt nữa! Suốt mấy đêm liền bà ma ma già trằn trọc thâu canh, trong mơ ngập tràn những cảnh tượng phúc tấn bị Lý cách cách đè đầu cưỡi cổ, con trai cũng do Lý cách cách sinh, Tứ a ca chỉ tin vào mỗi Lý cách cách, đám người theo phúc tấn như bà ta không ai được kết cục tốt đẹp, bà ta còn bị đuổi cổ về nhà.
Phúc ma ma luôn sợ Lý cách cách đến lạ thường, cho rằng con người này là một mối họa ngầm tai hại của phúc tấn, nên khi nào cũng muốn dìm nàng ta xuống, mong ngóng một ngày Tứ a ca hết sủng ái nàng ta. Xưa kia lúc Lý cách cách "khôn khéo giả, nham hiểm thật", bà ta cứ lo người này tung chiêu ngầm hãm hại phúc tấn, nói nhăng cuội về phúc tấn trước mặt Tứ a ca. Lúc đó bà ta đã nghĩ nếu không có Lý cách cách thì tốt quá rồi.
Nhưng Lý cách cách của khi ấy dù gì vẫn chưa để lộ tâm thái muốn tranh quyền đoạt thế. Nàng ta cứ làm bộ thế thôi, đã đủ khiến Phúc ma ma thấp thỏm ngày ngày. Giờ nàng ta sinh được cách cách, lại nhân khi Tứ a ca vắng phủ, bắt tay với Võ cách cách, thế là định làm gì?
(còn tiếp)