• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Trong Dục Khánh cung, thái tử đang đứng viết chữ trước cửa sổ. Anh em họ ngay từ lúc biết cầm đũa là đã biết cầm luôn bút, từ đó tập thành thói quen viết chữ mỗi ngày.

Mỗi khi gặp chuyện gì cần suy xét, ngồi ngẩn ngơ một chỗ để rồi sẽ có người bước lại quan tâm, dần dà hình thành trong thái tử đam mê viết chữ. Hiện giờ y viết chữ còn nhiều hơn cả lúc ở thư phòng. Hồi ấy là bài tập, phiền không để đâu cho hết. Giờ lại là một thú ưa chuộng, chưa thể nói là ham thích, nhưng đã không sống thiếu nó được nữa rồi.

Cõi lòng thái tử chất bao tâm sự: chuyện chỗ hoàng thượng, chỗ huynh đệ, đại thần, thái tử phi, chuyện của bản thân mình, nhiều lắm. Điều khiến y phải nghĩ ngợi ngay lúc này đấy là những người anh em mà mỗi ngày qua đi, y lại không biết phải đối đãi ra sao.

Đại a ca đã càng ngày càng thêm sốt ruột. Từ lúc Bát a ca xông xáo nhảy ra, hình như Đại a ca cũng dần bị ảnh hưởng. Phúc tấn của Nạp Lan Minh Châu bị đâm, chừng như hoàng thượng có ý muốn bù đắp cho ông ta. Gần đây dẫu ở ngoài ải song ngài cũng không quên dặn trong chỉ rằng phải chiếu cố cho Nạp Lan Minh Châu, thêm việc Bát a ca tựa hồ cũng thực sự dần được hoàng thượng trao lòng tin cẩn, họa chăng do biểu hiện của y tại phủ Nạp Lan Minh Châu quả tình làm hoàng thượng hài lòng, thành ra dạo này cứ thấy y chạy qua phủ Dụ Thân vương* suốt.

*Anh trai Khang Hi đế, là người anh em được nhà vua kính trọng nhất.

Cả đám huynh đệ họ chưa bao giờ dám gần gũi quá mức với tông thân họ hàng. Như trường hợp của Đại a ca và Nạp Lan Minh Châu, y và Sách Ngạch Đồ đây dù sao hẵng còn chút ít quan hệ mẫu tộc, nhưng ấy cũng chỉ tại ỷ được hoàng thượng nhắm một mắt, mở một mắt mà bỏ qua cho thôi.

Kỳ thực, ít nhiều gì y cũng hiểu được thủ đoạn của hoàng thượng. Ban đầu, hoàng thượng chỉ cần y và Đại a ca giúp ngài tập hợp sức mạnh. Y là con ruột của nguyên hậu*, đại diện cho dòng thừa tự mà người Hán coi trọng nhất. Đại a ca là Ba Đồ Lỗ* của tộc người Mãn. Y và Đại a ca một Mãn một Hán, vừa có thể trở thành cánh tay của ngài, song lại cũng có thể kìm kẹp lẫn nhau.

*Nguyên hậu: người vợ chính thức đầu tiên của vua.

*Ba Đồ Lỗ: một danh hiệu vinh dự của người Mãn Châu thời Thanh, mang nghĩa "anh hùng", "dũng sĩ".

Nạp Lan Minh Châu và Sách Ngạch Đồ nhờ xuất phát từ cùng một lý do, mới chọn đứng về cạnh họ.

Khi y và Đại a ca dần trưởng thành, y cố nhiên là người thừa kế ngai vàng; còn Đại a ca trẻ tuổi vũ dũng, ra dáng một Ba Đồ Lỗ oai phong hơn hoàng thượng. Bằng không thì, vì sao hoàng thượng kiên quyết thân chinh đi bắt Cát Nhĩ Đan suốt ba năm liền? Mục đích của ngài là muốn chứng tỏ mình mạnh hơn Đại a ca. Mà với y, cớ gì ngài vẫn chẳng chịu buông, để cho y dự việc chính trị?

Bởi tại ngài sợ Hán thần sẽ tụ lại bên ngài nhiều hơn, và họ sẽ cho rằng vị thái tử được tiếp thu Hán học từ bé đến lớn này tốt hơn hoàng đế người Mãn là ngài.

Vậy nên quãng thời gian trở lại đây, hoàng thượng càng lúc càng rộng rãi hẳn.

Thái tử viết chữ, một nét cười vương bên khóe môi. Thái giám đứng hầu trước bàn liếc qua khóe mắt, chắc thái tử điện hạ đặc biệt thích bức chữ này?

... Nên là, phận làm thái tử đây, có phải y nên tàn bạo một chút, để dễ bề phối hợp với hoàng thượng hơn chăng?

Viết xong nét cuối, y thẳng thừng vò nát tờ giấy chữ, sau đó nhẹ nhàng ném xuống đất, liền nhìn thấy tên thái giám đương trải giấy, mài mực trên bàn dè dặt cúi gằm đầu, như thể chẳng dám nhìn vào mắt y.

Nhóm thái giám ở Dục Khánh cung luôn trong tình trạng bị giết một tốp rồi sẽ lại thay tốp khác, người hầu hạ bên y không có một ai hầu được quá mười năm. Mà lần nào hoàng thượng cũng phán rằng họ "dạy hư thái tử".

Ha ha...

Y hiểu nơi đây là hoàng cung, từng ngọn cỏ, từng cái cây ở chốn này đều là của hoàng thượng. Y sống trong cung của hoàng thượng, người hầu bên cạnh cũng là hạ nhân của hoàng thượng.

Thái tử coi như không thấy tên thái giám cạnh mình, như trong phòng chỉ có mỗi mình y.

Y xua tay ngăn thái giám trải giấy, đoạn tự mình trải ra một tờ mới, đổi bút khác, trầm ngâm một hồi lâu, rồi mới đặt xuống nét bút đầu tiên.

Hiện tại, hoàng thượng đã lần nữa tìm cho Nạp Lan Minh Châu và Sách Ngạch Đồ một công việc mới, ngài muốn biến hai người này thành chiếc đèn, hòng xem có bao nhiêu kẻ có mắt không tròng lao đầu về họ như con thiêu thân. Y và Đại a ca tựa miếng mồi câu cá, hay cục thịt rữa thu hút giòi bọ, để thử xem sẽ có bao nhiêu người quên đi mất hoàng thượng đang ngồi ngay trên đầu mình, mới giờ nào mà đã vội vã gọi lập tân quân.

Bát a ca chẳng qua là một con chó con, ném ra ngoài cho sủa điên một trận, hòng dẫn dắt thêm nhiều người nữa lại gần mà thôi.

Thái tử cầm bút, đưa ngón tay thử ngòi bút, cứ thấy hơi lem nhem, tòe ngọn. Thái giám đứng bên vội hỏi: "Điện hạ, bút này không dùng được ạ?"

"Phiền phức." Thái tử nói, đặt bút xuống bàn, "Ngòi bút chưa hơ nóng, đổi cây khác."

Thái giám mở hộp bút, thái tử lấy một cây ra, thái giám nhanh nhảu thắp một ngọn đèn bưng qua. Thái tử dí sát ngòi bút vào ngọn đèn, vài sợi lông dài nhú ra, chưa kịp để gần đã nhanh chóng sém lửa quăn tít, hóa thành tàn tro.

Lão Bát... đệ đang bảo hổ lột da* đấy...

*Gốc: 与虎谋皮 (Dữ hổ mưu bì), câu thành ngữ này có nghĩa là bàn định với con cáo hoặc con hổ để lột da chúng. Nay thường dùng để ví về những việc bàn luận việc phải hy sinh lợi ích của đối phương, thì nhất định không thành công.

Tháng mười một, tổng quản Hải Lạt Tốn của Nội vụ phủ qua đời. Mà Dụ Thân vương từ nửa năm trước đã xin cáo bệnh, hoàng thượng có lẽ thấy cái tên Bát a ca vẫn chưa thật sự nóng bỏng tay, bèn hạ chỉ cho y lên tạm thay chức tổng quản Nội vụ phủ.

Vượt mặt cả mấy vị a ca lớn tuổi hơn, Bát a ca nhỏ tuổi nhận lệnh, lòng dạ cũng không tránh khỏi nỗi bất an.

Trong phủ Bát a ca, y và phúc tấn Quách Lạc La thị ngồi đối mặt, lặng im không ai nói gì.

Quách Lạc La thị thuở bé tuy lớn lên tại An vương phủ, song lúc a mã của nàng ta bị chém đầu, ngạch nương chết bệnh, nàng ta đã là đứa trẻ biết ghi nhớ mọi chuyện quanh mình. Chỉ trong một đêm cả nhà chết hết, hoàn cảnh ấy khiến nàng ta từ nhỏ đã lập chí quyết không để mình thua kém đấng nam nhi. Vả lại, An vương phủ kia cũng chẳng phải chốn rực rỡ gấm hoa gì, từ ngày được chỉ làm phúc tấn của Bát a ca, cuộc sống của nàng ta đã dễ thở hơn rất nhiều. Thế nên đối với nàng ta, Bát a ca không khác nào một khúc gỗ trôi ngược dòng, để nàng ta bám lấy và tuyệt không muốn buông tay.

Khéo là Bát a ca cũng không ghét bỏ gì tính nết ấy của nàng ta. Mẹ đẻ Vệ thị của y tuy có nhan sắc, song lại chẳng có một gia thế tương xứng. Huệ phi chưa từng giấu giếm y điều gì, ngay từ lúc y còn nhỏ, Huệ phi đã cho y gặp Vệ thị, cũng dặn người kể lại hết cho y mọi thứ về Vệ thị, bao gồm xuất thân và cái nhìn của mọi người trong cung với bà.

Huệ phi làm vậy chính vì muốn nói với y rằng: Biết mình đứng ở đâu, về sau mới biết nên đi về đâu.

Kể từ đó, tất cả những gì về thân mẫu đã trở thành một tảng đá lớn đè chặt trái tim y, cũng là thứ đã tiếp thêm dũng khí để y tiến bước về phía trước. Y biết sau khi sinh hạ y, mẹ ruột của y vẫn luôn rất được hoàng thượng sủng ái, nhưng lại không còn sinh thêm đứa con nào nữa. Y biết mỗi lần hầu hạ hoàng thượng xong, mẹ ruột y đều phải uống cạn một bát thuốc đắng.

Một thời gian rất dài y không tài nào chấp nhận nổi sự thiên vị và khắc nghiệt mà hoàng thượng dành cho bà. Thậm chí đôi lúc y còn nghĩ: liệu có phải ngay từ đầu hoàng thượng đã mong y là một cách cách? Nếu y là cách cách, liệu có phải Vệ thị sẽ có cơ hội thăng lên một bậc hay không? Và sẽ không phải làm một thứ phi chẳng có phẩm cấp gì cho đến tận hôm nay? Biết đâu, bà sẽ được cho phép sinh thêm đứa con nữa?

Dùng thứ thuốc kia trong thời gian dài khiến Vệ thị phải chịu hết mọi cơn giày vò, cứ mỗi tháng đến kinh là sẽ đau chết đi sống lại. Sau nữa, bà mắc phải căn bệnh thường gặp ở phụ nữ: nhiều khi kinh nguyệt lặn mất tăm suốt ba, năm tháng liền; mà một khi nó đến, thì phải kéo dài những nửa tháng ròng. Những lúc này, Huệ phi sẽ ban cho thuốc bổ máu, sai người nấu cho bà uống.

Khi rốt cuộc hoàng thượng không sang nữa, đến y cũng phải nhẹ nhõm thở phào. Sủng ái kiểu này thôi thà chẳng cần. Huệ phi cũng không kìm được lòng mà an ủi Vệ thị, "Nay đã có những người trẻ hầu, muội cũng được khoan khoái hơn." Nụ cười buồn rầu nở trên môi Vệ thị lúc ấy nay vẫn vẹn nguyên trong ký ức của y.

Vào lúc mà y hãy chưa quá hiểu chuyện, y từng ngỡ rằng biểu cảm khi ấy của bà là do bà vẫn đang nhớ hoàng thượng. Song Vệ thị bảo với y rằng, "Ta tuy còn lưu luyến ân sủng của hoàng thượng, nhưng..." Nửa câu sau bà không nói ra lời, y cũng hiểu rồi.

— nhưng không muốn bị đối xử như một món đồ chơi tiếp nữa.

Nhớ lại ngày trước, lòng Bát a ca lại dâng trào một niềm căm phẫn buốt lạnh. Cảm giác bất lực này phần nhiều hơn là cho mình, dẫu hiện tại hoàng thượng chỉ muốn lợi dụng y, y cũng phải cắm đầu nhảy xuống không được chùn bước.

Quách Lạc La thị nhìn y, yên lặng đẩy chén trà nóng tới trước mặt y.

Bát a ca hoàn hồn, gạt tách trà sang bên, cầm lấy tay nàng ta: "Đừng lo, ta không sao."

Quách Lạc La thị nói: "Thiếp không lo. Ngay người Hán cũng nói phải liều thì mới ăn được nhiều, người Mãn chúng ta đi săn còn phải thận trọng tính đến trường hợp đụng trúng lũ sói. Từ đó thấy rằng, chẳng có chuyện gì ở đời vừa cho con người ta được yên ổn, vừa cho cả ích lợi. Huống chi, dù chàng có an phận biết điều, cũng chưa chắc sẽ được một kết cục tốt. Cứ như a mã ngạch nương thiếp kia, chết có oan không? Chẳng qua chỉ là hai ngàn lạng bạc, còn chẳng đáng giá bằng một bức tranh trong thư phòng của hoàng thượng kìa."

"Đừng nói nữa." Bát a ca khẽ vỗ mu bàn tay nàng ta.

Quách Lạc La thị lườm y một cái, "Nói với chàng, thiếp sợ gì."

Bát a ca cười bất đắc dĩ, hôn lên tay nàng ta, thoắt cái đánh bay mọi ý thù địch tản ra từ người Quách Lạc La. Nàng ta nhìn y bằng ánh nhìn dịu dàng như nước, "Chàng tốt với thiếp đến thế, thiếp còn lâu mới nhường chàng cho kẻ khác. Nhà Ái Tân Giác La các chàng sợ vợ chết khiếp, chàng thì không được vậy đâu."

Bát a ca ngắm nghía bàn tay nhỏ bé, mềm như không xương của nàng ta, cười bảo: "Thế phải làm sao đây? Giờ ta sợ nàng chết khiếp."

"Đúng là chỉ khéo ba hoa!" Quách Lạc La cười, nhéo cánh tay y một nhát.

"Nói thật, chàng chưa nghĩ đến chuyện giờ phải làm thế nào ư? Thiếp thấy hoàng thượng thích nhất là chơi chiêu này, thái tử và Đại a ca thời ấy còn chói lọi hơn chàng bây giờ, cảnh ngộ của họ ngày hôm nay chính là số mệnh sau này của chàng đấy." Quách Lạc La nói. Từ khi a mã ngạch nương nhắm mắt xuôi tay, ngày nào nàng ta cũng miệt mài suy ngẫm chuyện này, cũng nắm khá rõ các loại tin tức trong An vương phủ. Qua lời nói và thái độ của hoàng thượng, nàng ta cũng đoán ra phần nào mánh khóe hoàng thượng sử dụng.

Bát a ca nói giọng thờ ơ: "Hoàng thượng đã "ân chuẩn" cho ta kết bè kết phái rồi, ta đương nhiên phải "thấu hiểu ý trên" chứ."

"Mấy đứa nhỏ như lão Cửu ngày nào cũng la lối đòi ra cung, mai ta đi đón chúng nó đến nhà chơi một ngày, nàng hãy thu xếp tiếp đãi chúng đi." Y nói.

Quách Lạc La thị cười nói: "Việc này có gì khó? Một đám a ca choai choai thôi, thích chơi gì còn cần phải nói à?"

Hôm sau, Tứ a ca ở ngay trong phủ nghe tin Bát a ca gióng trống khua chiêng đi đón Cửu, Thập, Thập Tam, Thập Tứ a ca về phủ y chơi. Thập Nhị a ca đã sang chỗ thái hậu nên không theo kịp.

Từ hồi tiếp quản công việc ở Nội vụ phủ, Tứ a ca là người có tình cảnh xấu hổ nhất trong số các a ca lớn. Trước đó vì phải lo chuyện phủ đệ cho mấy a ca, chàng ngâm mình trong Nội vụ phủ hết hai năm; nay Thất a ca Bát a ca dựng phủ, Đại a ca và Tam a ca cơi nới phủ, chỉ có mỗi chàng mệt sống dở chết dở là còn chưa thèm nói, giờ đến cả việc của Nội vụ phủ cũng chẳng tới tay chàng nữa rồi.

Ha ha... chàng không muốn làm nô tài đâu, ấy mà ngay đến nô tài cũng không được làm luôn à?

Dù cho ngày xưa tình cảm huynh đệ còn khá, Tứ a ca cũng vẫn cứ thấy như Bát a ca đang nhặt của hời từ chàng vậy.

Lúc ở A Ca Sở, chàng chỉ thấy Bát a ca là một đứa em trai hiểu chuyện, có lòng cầu tiến. Giờ bị Bát a ca tung liên tục cho mấy quả ngỡ ngàng, ngoài khiến chàng giật mình thấy như Bát a ca đã vụt trường thành chỉ trong một đêm, mặt khác... cũng cảm thấy lúc trước quả tình không nhận ra đứa em này lại tài tình đến vậy.

Tuy hoàng thượng đã trao cho cây thang, nhưng y có thể leo được vừa nhanh vừa giỏi thế cũng gọi là bản lĩnh.

Ít nhất thì nếu hoàng thượng cho chàng cây thang ấy, Tứ a ca không chắc liệu mình có làm được tốt như Bát a ca không. Chàng chắc chắn sẽ do dự, giữa thái tử, Đại a ca, Dụ Thân vương, Nạp Lan Minh Châu, chàng cũng sẽ không thể nào vẹn toàn mọi mặt được.

Tứ a ca phải thừa nhận một điều, rằng đôi khi chàng nghĩ thói cao ngạo của mình có hơi vướng bận.

Khi cần kiêu, chàng ắt sẽ kiêu. Mà lúc chẳng cần kiêu, thì chàng không nên kiêu thật.

Bát a ca không hề giấu giếm ai về việc mình mời khách lại nhà chơi. Tứ a ca không biết nên xử trí ngay kiểu gì, chỉ đành định đợi xem những huynh đệ khác sẽ làm sao.

Vậy nhưng điều làm chàng ngạc nhiên ấy chính là các huynh đệ nhất loạt giả ngu.

Thậm chí Đại a ca còn gửi một con nai sống đến làm đồ ăn cho mấy đứa em. Tam a ca cử hai người kể chuyện tới. Thấy vậy, Tứ a ca bèn sai người lên phố tìm vài món điểm tâm bình dân gói lại đưa qua đó. Ngũ a ca gửi cho hai gánh mía; Thất a ca không biết làm sao, đành gửi hai sọt cam theo.

Sau khi Bát a ca đãi các em xong, Tứ a ca ở trong phủ nghĩ ngợi vài ngày, cuối cùng vẫn quyết vào cung gặp Thập Tứ a ca.

Dầu sao cũng là huynh đệ ruột thịt, Bát a ca rõ là một hố lửa, chàng không muốn Thập Tứ a ca nhảy vào trong lửa. Song chưa nói với nhau được dăm câu, hai huynh đệ đã cãi cọ.

"Ta chỉ muốn tốt cho đệ! Đệ chẳng biết gì đã theo nó, đệ có từng nghĩ cho ngạch nương chưa?" Tứ a ca giận dữ đập bàn nói.

"Đệ khỏi cần huynh làm gì tốt cho đệ!" Thập Tứ a ca tức đỏ gay cả mặt, người nhảy bật lên, giận đến độ lắp bắp: "Huynh huynh huynh... huynh nhắc ngạch nương mà không biết xấu hổ à? Huynh có biết đã bao lần ngạch nương khóc vì huynh chưa?"

Nhắc tới Đức phi, Tứ a ca xìu hẳn, "Chuyện này đệ không hiểu đâu, không được nhắc lại nữa."

"Không hiểu gì? Mỗi huynh hiểu chắc? Vậy sao huynh cứ như con rùa rụt đầu ấy? Bát ca có chí khí thế! Người ta liều hơn huynh! Huynh dám không? Huynh dám không?" Không phải Thập Tứ không hiểu một tí gì, chỉ là vinh quang của Bát a ca rành rành ngay đấy, mà cảnh sa sút của Tứ a ca cũng chẳng giấu được ai, để một người thoạt trông như kẻ thua đến dạy nó người thắng sai chỗ này chỗ kia, dĩ nhiên là nó không phục.

Mặt Tứ a ca trắng bệnh ra vì tức, hừ lạnh một cái rồi phất tay áo bỏ đi.

Hiếm khi chứng kiến anh ruột mình trong bộ điệu mất phong độ như thế, Thập Tứ a ca đứng ở cửa chẳng biết có nên đi ngăn lại không. Chỉ một thoáng nó ngập ngừng, Tứ a ca bước vùn vụt, nhoáng cái đã khuất bóng.

"Hừ." Thập Tứ a ca bực bội ngồi xuống. Nhưng những lời Tứ a ca cố ý nhắc nhở nó đã mọc rễ trong lòng nó, nó nghĩ bụng: Thế ta bèn ngoài mặt vào hùa với họ, chứ không theo họ thật là được chứ gì?

Thập Tam a ca lần đầu vì thấy số đông mới góp theo một chân, sang lần thứ hai thì có rủ rê kiểu gì cũng làm ngơ. Ngũ a ca muốn khuyên can Cửu a ca, nhưng khi đi nhờ Nghi phi, Nghi phi lại nói: "Việc này cả ta và con đều không được nhúng tay." Bà gọi y lại gần, nhỏ giọng bảo, "Ta cũng không thích lão Cửu làm thế, nhưng chính vì như vậy, con và ta mới không thể xen vào được."

"Chẳng lẽ cứ để mặc nó theo lão Bát sao ạ?" Ngũ a ca tái mặt.

Nét lạnh lùng hiếm hoi xuất hiện trong giọng nói của Nghi phi: "So với người khác, nó cũng đâu thiếu một cái đầu. Nếu nó cam lòng nhảy vào bể lửa, lẽ nào ta còn phải liều cả mạng mình lẫn mạng con để kéo nó về ư? Mỗi người có một mệnh riêng, ta sinh nó, nuôi nó, nhưng mai sau nó muốn đi con đường gì, ta không can vào được."

Ngũ a ca lẩm bẩm: "Ngạch nương..."

Nghi phi nhìn y, giọng trầm trọng: "Lúc còn bé xíu con đã bị ẵm đi, lên mười tuổi chẳng biết nói lấy một câu tiếng Hán, đi học ở thư phòng lần nào cũng đứng chót, con đã thấy ta nói đến một câu nào chưa?"

Chưa hề. Vì chuyện này mà hồi bé y còn từng trách Nghi phi thiên vị Cửu a ca.

"Vậy bây giờ con định làm sao?"

Bây giờ? Ngũ a ca không rõ.

Nghi phi tựa người về đằng sau, thản nhiên nói: "Hoàng thượng là vậy đấy, con càng thiếu sót, người sẽ càng nhớ kỹ lấy con. Bát a ca hiện giờ trông thì như là đang lôi kéo bọn lão Cửu về để bành trướng thanh thế cho nó, nhưng con cứ chờ xem, ngày sau bất kể Bát a ca có ngã đau cỡ nào, hoàng thượng cũng sẽ không đụng vào một ngón tay lão Cửu đâu."

Ngũ a ca bỗng chốc hiểu ra.

"Nhưng, nếu con theo ta kéo lão Cửu lại, thì lại là một chuyện khác." Một cung phi cầm phượng ấn, một a ca đã lớn, cùng nhau kéo lão Cửu ư? Ha ha, chỉ e lúc đó khỏi cần đến Bát a ca, hoàng thượng đã nuốt chửng lão Cửu luôn rồi.

Người trong cung này, ai mà không hiểu?

Trong Vĩnh Hòa cung, nghe bảo Tứ a ca chạy vào cãi một trận ra trò với Thập Tứ a ca, Đức phi thở dài: "Cái đám này, không đứa nào để ta đỡ lo được."

(còn tiếp)

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK