Sếp tôi ngồi bên cạnh, thở dài:
- Đừng nghĩ ngợi lung tung nữa. Quay về hãy tập trung học cho tốt, tháng Bảy tốt nghiệp rồi, em cũng nên suy tính tìm việc đi thôi.
Tôi ậm ừ đáp lại, đặt tay lên cốc nước sưởi ấm, mắt vẫn không rời khung cửa.
Suốt ba tháng sau khi trở về, tôi chỉ nằm trên giường. Bác sĩ bảo may mắn thay tôi đã về kịp lúc, muộn chút nữa sẽ không cứu được cánh tay. Hai chiếc ba lô Northface khổng lồ khoác sau lưng đã giúp tôi giảm thiểu rất nhiều sự va chạm khi tiếp đất, nên cánh tay đã không phải chịu thêm tổn thương nào cả. Họ đã phẫu thuật cắt bỏ phần thịt đã thối rữa, kích thích phần da thịt mới tái sinh. Dù vậy, cánh tay của tôi không còn được linh hoạt như trước nữa. Đây phải chăng là cái giá phải trả cho việc thay đổi lịch sử?
Tôi báo cáo chi tiết tình hình sức khỏe, sau đó tiến hành kiểm tra toàn thân, kết luận rút ra là mức độ nhiễm phóng xạ sau bốn lần vượt thời gian của tôi đã vượt mức cho phép. Sức khỏe của tôi hiện nay không đảm bảo để có thể tiếp tục tham gia dự án này nữa. Tôi đã thử thuyết phục họ cho tôi “vượt” một lần nữa. Nhưng tôi thậm chí đã không qua nổi cửa ải của sếp chứ đừng nói đến nhóm chuyên gia. Sếp bảo tôi phải tĩnh dưỡng, kiên trì uống thuốc mỗi ngày để đẩy hết độc tố tích tụ ra ngoài. Tôi còn trẻ, sếp không muốn tôi để lại di chứng về sau.
Sếp vẫn không nguôi dằn vặt, nghe nói đã khẩu chiến kịch liệt với nhóm nghiên cứu, sau đó, giận dữ rút khỏi dự án. Thầy bảo tôi từ nay đừng nghĩ đến việc vượt thời gian quái quỷ gì nữa, trường tôi đã cắt đứt quan hệ với dự án này rồi. Chờ khi sức khỏe của tôi tương đối bình phục, thầy sẽ đưa tôi quay lại trường. Tất nhiên là tôi đã được trao một phần thưởng không nhỏ, đủ để tôi sống dư dật mấy năm liền không cần làm việc. Nhưng tôi chỉ cảm thấy ảo nảo khi nhận cuốn sổ tiết kiệm đó.
Về trường ư? Đã bao lâu rồi tôi không đến trường? Tôi nghỉ học nhiều như thế, liệu có theo kịp không? Thầy động viên tôi nói rằng, sẽ giúp tôi chuyện bài vở. Hai chiếc ba lô nặng trịch mà tôi mang về có giá trị vô cùng to lớn. Cuốn sổ ghi chép của tôi và rất nhiều thư tịch độc nhất vô nhị khác đều cần được nghiên cứu chi tiết. Tôi giao nộp mọi thứ, chỉ giữ lại chiếc khăn lụa của Atala của Rajiva, mấy chiếc khăn tay cậu ấy đặt vào tủ đồ của tôi và miếng ngọc bội hình sư tử của Pusyseda.
Sự nghiệp “vượt thời gian” của tôi sẽ kết thúc ở đây ư? Kể từ lúc bắt đầu tham gia khóa học nghiên cứu sinh, tôi rất ít khi đến lớp, mà chỉ quẩn quanh bên dự án vượt thời gian này. Hai mươi hai tuổi chuẩn bị thử nghiệm, hai mươi ba tuổi vượt thời gian thành công, hai mươi tư tuổi trở về với thương tích đầy mình. Hơn hai năm qua, tôi đã chỉ sống trong ảo mộng? Nếu không có chiếc khăn tay Atala và miếng ngọc bội hình sư tử đó, tôi không dám tin mình đã từng sống, từng hít thở và từng yêu ở thế giới cổ đại cách đây 1650 năm về trước... Trong giấc mộng Trường Sinh ấy, rốt cuộc, tôi là Trương Sinh hay tôi là hồ điệp?
Tôi trở về là sự kiện lớn của trường. Bạn bè cũ của tôi, sau một thời gian dài không liên lạc, khi gặp lại tôi, ai nấy đều mắt tròn mắt dẹt. Buổi tối hôm đó, các bạn đã tổ chức một bữa tiệc nhỏ cho tôi ở quán karaoke. Chúng tôi vui chơi, hát hò đến tận hai giờ sáng. Hai giờ sáng ư? Tôi uể oải hé mắt, đã lâu lắm rồi tôi mới lên giường đi ngủ sau mười giờ.
Phải mất rất nhiều thời gian để làm quen với thực tại, rất nhiều thứ khiến tôi trở nên bỡ ngỡ.
Như thể trải qua bãi nương dâu, vật đổi sao dời vậy. Thì ra kinh tế đang lạm phát, giá bánh bao trong nhà ăn của trường tăng vọt. Thì ra thị trường cổ phiếu không còn là cây tiền của một vài người như lúc trước mà đã trở thành canh bạc của rất nhiều người. Thì ra, giá dầu đã tăng, chả trách các thầy cô đều chuyển sang đi xe buýt của trường, thậm chí có thầy cô còn không ngại cưỡi xe đạp BMW đến lớp. Thì ra, đang sốt phim “Sắc giới”, xem để học về cấu tạo cơ thể. Và chủ đề được bàn tán sôi nổi nhất là sang năm, chính phủ sẽ hủy nghỉ lễ mồng Một tháng Năm.
Các bạn nữ trong ký túc xá đều đã có người yêu. Màn đêm vừa buông xuống là ai nấy trang điểm xinh đẹp rồi rộn ràng kéo nhau đi hết. Căn phòng ký túc xá thường chỉ còn lại mình tôi vào những ngày cuối tuần, những người khác chỉ trở về với nụ cười hạnh phúc vào sáng sớm hôm sau.
Các bạn đều cảm thấy tiếc cho tôi, vì nếu tôi không mất tích lâu như vậy, chắc chắn bây giờ đã có bạn trai rồi. Buồn thay, mấy bạn nam trong lớp nghiên cứu sinh từng có ý với tôi, đều không đủ kiên nhẫn. Tôi cười trêu lại, tớ mà không biến mất thì đã không đến lượt các cậu.
Ra phố mua sắm cùng các chị em, ai nấy đều chê tôi lạc hậu, không cập nhật gu thời trang mới. Không phải tôi lạc hậu, mà là thế giới này biến đổi quá nhanh. Đôi lúc, tôi thấy nhớ da diết thế giới thuần khiết ấy, không gian trong lành, thanh sạch, không ồn ào ấy, cuộc sống điền viên đạm bạc, tiết tấu chậm rãi, khoan thai ấy, bầu trời trong vắt, nho và dưa gang ngọt lịm cùng những con người thuần phác, chân chất ấy.
Đôi lúc bước đi trên đường phố, bỗng nhiên quay lại nhìn, hình như tôi vừa thấy bóng dáng cao gầy, cô độc ấy thấp thoáng giữa dòng người tấp nập, tôi đuổi theo, nhưng đó lại là một người tôi không quen biết. Đôi lúc nghe thấy một giọng nói trầm ấm, ngọt ngào văng vẳng bên tai, tôi nỗ lực tìm kiếm, nhưng kết quả luôn là nỗi thất vọng ngập tràn xen trong những lời xin lỗi vì đã làm phiền. Một mình lang thang, đưa mắt dõi tìm bốn phía, rồi đột nhiên sụp xuống bên vệ đường, bật khóc nức nở, mặc cho bao nhiêu người trên phố chăm chú nhìn tôi với vẻ kinh ngạc. Con người thời hiện đại đã luyện cho thần kinh của mình vững như gang thép trước mọi tình huống. Bởi vậy, khóc chán, tôi lại lau nước mắt và tiếp tục bước đi, chưa khi nào tôi nhận được một lời hỏi han của ai đó trên đường.
Thì ra, cô đơn không phải cảm xúc bẩm sinh mà nó được hoài thai từ giây phút bạn đem lòng yêu một ai đó.
Chiếc lá là đôi cánh không thể bay.
Đôi cánh là chiếc lá chao giữa lưng chừng trời.
Có thể thiên đàng không là ảo tưởng, nhưng từ lâu em đã lãng quên mình học cách bay lên như thế nào.
Cô đơn là niềm hân hoan của một người.
Ồn ảo là nỗi cô đơn của nhiều người.
Yêu nhau là luôn đi bên nhau, nhưng em đã lãng quên thuở có anh ở bên.
Một mình nấu ăn, một mình lang thang, một mình đọc sách, một mình viết thư, một mình trò chuyện, tâm tình.
Nhưng tâm hồn dường như đã trôi về tận phương trời xa xôi nào, em không thấy rõ. Và em biết rằng, em không chỉ để mất anh.
Tôi đã nghe đi nghe lại ca khúc “Chiếc lá” này không biết bao nhiêu lần trong màn đêm tịch mịch. “Tâm hồn dường như đã trôi về tận phương trời xa xôi nào, em không thấy rõ. Và em biết rằng, em không chỉ để mất anh”. Mỗi khi nghe đến câu hát này, nước mắt tôi lại trào ra. Em vẫn cảm nhận được nụ hôn ngọt ngào ấy, nhưng chúng ta đã mất nhau rồi. Em đã đánh mất những gì? Một mối tình ư? Không, em đã đánh mất cả con tim mình...
Tôi về nhà ăn tết, nhìn thấy vết sẹo trên tay tôi mẹ đã rất xót xa, nhưng tôi nói dối rằng mình bị ngã. Ăn tết xong, như thường lệ, bố mẹ tổ chức sinh nhật tuổi hai mươi lăm cho tôi vào ngày mồng mười âm lịch, tôi thổi nến và ăn bánh ngọt. Vị bơ béo ngậy của miếng bánh khiến tôi bất giác nhớ những bức vẽ của Rajiva. Không biết bây giờ cậu ấy còn vẽ tôi nữa không? Không đúng, không đúng, làm gì có “bây giờ”. Mọi thứ liên quan đến cậu ấy, với tôi, đều đã là quá khứ.
Ăn tối xong, tôi quay lại trường, mọi người đang bận bịu tìm việc làm. Chuyên ngành của tôi, tốt nghiệp ra trường không dễ xin việc. Ở lại trường làm giảng viên, xin vào viện nghiên cứu hoặc viện bảo tàng đều không phải những công việc kiếm ra tiền. Bạn bè tôi, nhiều người không đủ kiên nhẫn, đã xin vào làm thư ký hoặc nhân viên kinh doanh của một công ty nào đó. Chủ đề “tương lai” được mọi người bàn tán hết sức sôi nổi mỗi khi nhóm họp, chỉ mình tôi là không có chút hứng thú nào với chủ đề ấy. Luận văn về “Thiên Phật động Kizil” của tôi đã làm dấy lên những cuộc tranh luận sôi nổi trong giới học thuật. Thầy hướng dẫn khuyên tôi nên ở lại trường, vừa làm luận án tiến sĩ vừa dạy học. Tôi không nhận lời ngay vì còn muốn trải nghiệm cuộc sống “một mình nấu ăn, một mình lang thang, một mình đọc sách, một mình viết thư, một mình trò chuyện, tâm tình”.
Thời gian chầm chậm trôi qua, những lúc buồn chán, tôi thường lên mạng đọc tiểu thuyết viết về đề tài “vượt thời gian”, nhưng tôi chỉ chọn những truyện thật buồn cười. Ví như “Nàng vượt, chàng cũng vượt”, “Khi nàng gặp chàng”, “Khi nàng X gặp chàng Y”, “Tôi là cụ nội của...”. Đọc xong, tôi cười ngất, thành tâm chúc phúc cho những cô gái vượt thời gian trở về thời cổ đại và tìm được hạnh phúc của mình, họ may mắn hơn tôi rất nhiều! Tôi đã học được cách lãng quên như thế.
Tháng Tư giục giã tôi vác ba lô lên đường. Tôi đã không chọn đến Tân Cương vì sợ bản thân không kìm chế nổi sẽ lại tìm đến Kucha. Tâm trạng của tôi khi phải đối diện với khung cảnh tiêu điều, hoang phế 1650 năm sau, sẽ không thể là sự bình tĩnh như khi đi khảo sát vào thời gian trước đó. Vẫn không gian ấy, nhưng cách biệt là 1650 năm thời gian. Yêu nhau nhưng không được ở bên nhau, tôi sẽ hóa điên nếu phải chịu đựng nỗi dày vò ấy. Bởi vậy, tôi đã chọn đi Tây Tạng, nơi mà tâm hồn tôi có thể tìm được sự thanh thản, lắng đọng.
Tôi men theo tuyến đường cao ốc nam Tứ Xuyên – Tây Tạng, xuất phát từ Thành Đô, ngang qua Nhã An, Khang Định, đến Litang, lòng bồi hồi tưởng nhớ vị Đạt Lai đời thứ sáu của Tây Tạng – Tsangyang Gyatso. Những câu thơ của ông: “Hỡi cánh bạc trinh trắng/ Cho ta mượn đôi cánh/ Chẳng muốn đến nơi xa/ Chỉ dạo chơi Litang” đã khiến cho địa danh này nên thơ hơn, hữu tình hơn. Ngắm nhìn đỉnh núi Nyaga hùng vĩ và thảo nguyên Maoya mênh mông, bát ngát trên độ cao bốn nghìn so với mực nước biển, sự khoáng đạt của không gian bao la khiến người ta trong phút chốc, quên đi mọi ưu phiền.
Khi ngang qua Markham, Bome Bay, chỉ cần đưa máy lên “tách” một cái là bạn sẽ có được một tấm ảnh tuyệt đẹp, khung cảnh biến thiên phong phú đến nỗi có thể khiến bạn nghẹt thở. Khi bóng dáng cung điện Potala thấp thoáng phía xa xa, tôi biết mình đã đặt chân tới vùng đất thánh – Lhasa.
Trên đường đi, tôi đã gặp gỡ và kết bạn với rất nhiều bạn trẻ, chúng tôi đồng hành qua mỗi chặng và tuân thủ luật “chia đầu người” hết sức bình đẳng. Đến chặng tiếp theo, chúng tôi chia tay nhau và mỗi người lại tiếp tục nhập vào một nhóm khác. Các bạn trẻ đam mê du lịch đều là những người hiểu biết tương đối rộng, nên chúng tôi có rất nhiều chuyện để nói. Thường thì trong những chuyến đi như vậy, các bạn nam nữ sẽ tự động kết thành đôi. Bạn nữ cùng phòng với tôi đã từng có một đêm không về. Nhưng thứ tình yêu lữ hành ấy đến nhanh mà đi cũng vội, rất ít người giữ được liên lạc với người kia sau khi trở về.
Tôi cùng một nhóm các bạn trẻ mới quen tại nhà trọ Thanh Niên ở Lhasa đến một quán bar trên đường Bắc Kinh Đông. Mọi người uống rượu rồi hào hứng chơi trò “thật lòng và mạo hiểm”. Lúc đầu tôi tham gia rất sôi nổi, nhưng khi đọc những câu hỏi trong mục “thật lòng” thấy hầu hết đều liên quan đến “Sex” còn trong mục “mạo hiểm” phần lớn là “Kiss”, thì tôi bỗng thấy mất hứng.
Đến lượt tôi phải trả lời thật lòng, một chàng trai trẻ người Bắc Kinh hỏi tôi:
- “Lần đầu” của cô diễn ra khi nào, ở đâu và cảm giác ra sao?
Tôi thở dài, ngượng ngập đáp:
- Tôi vẫn chưa.
Những tràng cười rộ lên, mấy cậu thanh niên nhìn tôi như muốn ăn tươi nuốt sống, thậm chí có người còn bông đùa, nói rằng có thể giúp tôi.
Tôi tìm cách trốn khỏi quán bar đó. Không hiểu giới trẻ bây giờ họ nghĩ gì nữa. Trong mắt họ, những người ở tuổi tôi mà chưa có kinh nghiệm về chuyện đó giống như người ngoài hành tinh vậy. Trào lưu hiện nay là tình yêu và tình dục thời đại đồ ăn nhanh. Vội vàng, gấp gáp, ăn chẳng kịp nhai. Tôi tôn thờ tình yêu truyền thống và liệu người đàn ông mà khi muốn hôn cũng phải ngập ngừng hồi lâu mới dám cất lời hỏi tôi “có được không” ấy có còn tồn tại hay không? Hay là, ở thế kỷ XXI này, kiểu tình yêu đó đã trở nên quá ư hiếm hoi?
Tôi sẽ không tham gia những buổi tụ tập quán bar quán rượu như thế nữa. Sự ồn ào, thác loạn ấy chẳng phải chính là nỗi cô đơn của một nhóm người hay sao? Còn tôi, tôi chọn cách cô đơn một mình, hân hoan một mình. Nửa đêm lang thang trên đường phố Lhasa, bầu trời đêm trong vắt tựa pha lê, ngàn vì sao lấp lánh, lơ lửng trên đỉnh đầu, tưởng như chỉ cần đưa tay lên là có thể chạm tới. Còn rất ít thành phố mà ở đó bạn có thể thỏa sức chiêm ngưỡng bầu trời đêm tuyệt đẹp như thế này. Tôi lại nhớ bầu trời đêm huyền hoặc như thế ở quốc gia cổ đại trên vùng ốc đảo tươi xanh trong sa mạc ấy.
Trước mỗi pho tượng trang nghiêm trong đền Jokhang, trong cung điện Potala và trong đền Drepung, tôi đều học theo người Tạng quỳ lạy thành kính. Những lúc tiếng tù và vang lên, tôi lại giật mình, toàn thân run rẩy, khoảnh khắc ấy, cảm giác như linh hồn mình đang bay đến tận phương nào. Kết thúc hàng trăm lần hành lễ, quỳ lạy, tôi chợt hiểu ra, dù tôi có trốn chạy tới đâu, cũng không thể thoát khỏi mối tương tư đã bám rễ nơi tâm hồn mình.
Khi tôi quay lại trường, anh bạn học trên một khóa đã đến tìm tôi, anh ta hiện đang làm việc trong viện nghiên cứu khảo cổ. Phải một lúc lâu sau anh ta mới thốt ra được lời tỏ tình với tôi. Và tôi, lập tức nhận lời. Khuôn mặt đỏ bừng của anh ta khiến tôi nhớ đến vẻ điềm tĩnh, tự tại của người ấy...
Tôi không muốn biện minh gì cả, rằng tôi không thể tiếp tục chịu đựng nỗi cô đơn ư, rằng tôi vẫn luôn nhớ nhung người đó ư. Lý do tôi nhận lời tỏ tình của anh bạn cùng trường rất đơn giản: bởi vì anh ta là con người của thực tại, mà dù thế nào, tôi cũng phải sống trong thực tại ấy...