• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Sau cuộc luận chiến, tiếng tăm của Kumalajiba lan truyền khắp nơi, đến đâu cậu ta cũng được người dân vây quanh, tung hoa chúc tụng và chỉ cần được chạm tay vào vạt áo của cậu là ai nấy mặt mày hớn hở, ý chừng rất thỏa nguyện. Ngay cả một giáo viên nhỏ bé như tôi cũng được thơm lây. Lúc ra phố, dân chúng trong kinh thành đều đặt vào tay tôi đủ thứ lễ vật nào là dầu thơm, các loại thịt, hoa quả... Đám lính tráng từng bắt giam tôi, nay gặp mặt là kính cẩn cúi chào. Và đặc biệt, chiến thắng của Kumalajiba đã giúp cho công việc khảo sát của tôi được tiến hành hết sức thuận lợi, tôi không gặp phải sự đề phòng hay ngăn cản nào cả.

Hơn mười ngày nữa trôi qua, tôi bấm ngón tay, vậy là chỉ còn khoảng chục ngày nữa, Kumalajiba sẽ kết thúc thời gian thuyết giảng Phật pháp ở đây, sau đó chúng tôi sẽ lên đường đi Khâu Từ. Hơn một tháng ở lại Wensu, không một chỗ nào tôi chưa từng đi đi lại lại ba lần, vì vậy tôi thực sự mong mỏi ngày khởi hành đi Khâu Từ.

Khi được hỏi: “Nếu có kiếp sau, ông muốn được sinh ra ở đâu”, nhà nghiên cứu lịch sử người Anh Arnold Joseph Toynbee đã trả lời rằng: “Tôi muốn được sinh ra ở Khâu Từ, vùng đất thuộc Tân Cương ấy, hai nghìn năm về trước từng là nơi giao thoa của rất nhiều nền văn hóa và dân tộc”. Sau khi đọc câu trả lời này, tôi đã rất khao khát được tìm hiểu về Khâu Từ: âm nhạc Khâu Từ, Thiên Phật động Kizil, sách của H.Bower, di chỉ Subash và cả nhân vật nổi tiếng nhất nhất Khâu Từ - hòa thượng Kumarajiva! Không biết ngài Toiynbee sẽ nghĩ gì nếu biết rằng ước mơ của ngài sắp được tôi biến thành hiện thực?

Thế là tôi kết thúc buổi lên lớp tiếp theo với tâm trạng đặc biệt phấn chấn. Tôi đã giảng cho Kumalajiba về “Luận ngữ”. Những cuốn nhập môn như “Tam tự kinh” tôi không có sách trong tay, mà cũng chưa thuộc hết và điều đáng ngại hơn cả là, tôi không nhớ “Tam tự kinh” ra đời vào thời đại nào. Để đảm bảo tính an toàn của trật tự lịch sử, tôi quyết định chỉ giảng những cuốn ra đời trước thời Hán. Và cuốn đầu tiên, tất nhiên là “Luận ngữ”, sau đó đến “Kinh thi”, rồi đến “Tả truyện” và “Chiến quốc sách”. Tôi hy vọng tiền học phí từ nay đến khi khởi hành đi Tràng An sẽ đủ để tôi chi tiêu trên đường.

Vừa ra khỏi cửa, Kumalajiba bỗng nhiên quay lại:

- Ngày mai quốc vương sẽ đến, chúng ta phải ra đón ngài, cô cùng đi nhé!

Tôi vẫn chưa hết hưng phấn với kế hoạch đi Khâu Từ, nên hơi bất ngờ:

- Quốc vương đến đây làm gì vậy?

- Đến đón mẹ con tôi.

Sao kia? Vua của một nước mà phải đến tận nước khác đón mẹ con họ, không thể tin nổi! Tôi vội túm lấy tay cậu ta kéo lại:

- Cậu nói đi, rốt cuộc cậu là ai? Vua Khâu Từ là cha cậu phải không? Cậu là thái tử? Nếu không phải vậy thì vì sao nhà vua lại phải vượt ngàn dặm xa xôi đến tận đây đón cậu.?

Kumalajiba kéo lại tay áo đang bị tôi nắm chặt, lắc đầu:

- Cô đừng nói như vậy, tôi không phải thái tử. Vả lại, Khâu Từ cách đây có ba trăm dặm, đâu phải ngàn dặm xa xôi gì, hơn nữa, danh tiếng và xuất thân...

- Đều không tồn tại chứ gì? Tôi biết cậu sẽ nói vậy mà!

Tôi ngắt lời Kumalajiba. Cậu càng không nói thì tôi càng tò mò. cậu ta không nói thì sẽ có người khác nói. Khả năng tiếng Tochari của tôi không còn a, b, c, i, t như trước nữa đâu nhé!

Tôi cười tinh nghịch, chắn trước bậc cửa:

- Chúng ta hãy ôn tập lại tiếng Tochari. Mẹ tôi tên là... ba tôi tên là..., anh trai tôi tên là...

Cậu ta thở dài thườn thượt:

- Thôi được, không giấu cô nữa, để cô phải đi tìm hiểu bên ngoài, chi bằng tôi nói cho cô biết.

Kumalajiba chớp chớp đôi mắt tinh anh nhìn tôi, chậm rãi nói:

- Tôi không phải thái tử. Đức vua Khâu Từ là cậu ruột của tôi, mẹ tôi vốn là công chúa, bà là em gái của ngài.

Vậy ra họ đúng là hoàng thân quốc thích, dòng dõi cao quý, chả trách lúc nào trên người họ cũng toát lên nét vương giả.

- Vậy còn cha cậu?

- Ông là người Thiên Trúc (Ấn Độ), lẽ ra ông sẽ là người kế thừa ngôi vị, nhưng ông đã từ bỏ để xuất gia. Ông đã vượt qua dãy núi phía đông và tìm đến Khâu Từ. Đức vua mời ông làm quốc sư, rồi gả em gái, tức mẹ tôi cho ông.

Khoan đã, sao tôi nghe câu chuyện này quen quá! Chắc chắn tôi đã đọc ở đâu đó rồi. Một tia sáng vụt lên trong đầu tôi:

- Cậu còn có một người em trai, đúng không?

Cậu ta gật đầu:

- Kém tôi ba tuổi.

- Mẹ của cậu vốn không biết tiếng Phạn, nhưng khi mang thai cậu, bà đột nhiên biết nói thứ ngôn ngữ này, đúng không?

- Đó chỉ là tin đồn. Mẹ tôi học tiếng Phạn từ cha tôi.

- Vậy, có phải, bảy tuổi cậu đã theo mẹ xuất gia, chín tuổi đến Kashmir và gì nữa, Gandhara và Ka.. gì đó. Âm này khó viết quá!

Tôi nhớ lại từng địa danh một cách khó nhọc.

- Kabul?

- Đúng rồi!

- Lên chín tuổi, tôi cùng mẹ đến Kabul, tại đó tôi đã theo học Phật giáo Tiểu Thừa.

- Vậy, cậu... cậu... cậu là...

Tôi không nói tiếp được nữa, tôi đã biết cậu ta là ai! Tôi gõ mạnh vào đầu, sao tôi có thể phạm một sai lầm lớn như vậy chứ!

Các bạn, sau nhà Tần đến nhà Hán, đúng không? Cậu ta từng nói, Trung Nguyên hiện do vua nhà Tần/Thanh cai quản, nhưng lại luôn nói với tôi về người Hán, tiếng Hán. Nếu lúc này đang là thời đại nhà Tần trong chữ Tần Thủy Hoàng, thì vì sao cậu ta lại gọi tôi là người Hán? Cậu ta vừa nhắc đến chữ: “Tần” thì tôi lập tức mặc định đó là triều đại nhà Tần hiển hách trong lịch sử. Hơn nữa, xưa nay chúng tôi đã quen với việc tự nhận mình là người Hán, nên tôi hoàn toàn quên mất rằng, cách gọi đó xuất phát từ thời kỳ thịnh trị của vương triều nhà Hán trong lịch sử? Thế nên, một nghiên cứu sinh chuyên ngành lịch sử là tôi đây đã phạm phải một sai lầm không thể tha thứ.

Tất nhiên, không thể là đời nhà Thanh, vì khi đó Khâu Từ đã trở thành quá vãng hơn một nghìn năm. Nếu vậy, trong lịch sử Trung Quốc, còn triều đại nào được gọi là nhà Tần không?

Có đấy! Nhà Tiền Tần của Phú Kiên Kiến và nhà Hậu Tần của Diêu Trưởng Kiến, thực ra tiền tố “Tiền” và “Hậu” là do người đời sau thêm vào để phân chia hai giai đoạn, còn tại thời điểm lúc bấy giờ, người ta chỉ gọi là nhà Tần. Điều đó cho thấy, sự thật là tôi đang có mặt ở thời kỳ Ngũ Hồ thập lục quốc. Tức là tôi đã trở về thời đại lịch sử sớm hơn năm trăm năm so với dự tính ban đầu, kết quả là, ở bên một nhân vật lịch sử vĩ đại suốt mấy chục ngày mà tôi không hề hay biết.

Người đó chính là cháu ngoại của vua Khâu Từ ở Tây Vực thời Thập lục quốc, một thần đồng với chỉ số IQ 200, một hòa thượng với huyết thống cao quý được mọi người sùng kính, một thanh niên tuấn tú với dung mạo thoát tục, người được đám sinh viên ký túc xá khoa lịch sử chúng tôi mệnh danh là hòa thượng vĩ đại nhất trong lịch sử, còn có thể là ai khác nữa?

Sách “Tấn thư” chép rằng: “Có lần ngài thuyết giảng kinh Phật tại chùa Thảo Đường, nhà vua, triều thần cùng với hơn một ngàn cao tăng đang cung kính lắng nghe, Kumarajiva đột nhiên bước xuống, đến gần vùa Diêu Hưng và nói: Có hai đứa bé cứ nhảy múa trên vai ta, hãy ban cho ta một thiếu nữ. Diêu Hưng lập tức ban cho Kumarajiva mười cung nữ, ngay sau đó, một trong số các cung nữ đã hạ sinh hai con trai”.

Tôi đã vô cùng ngỡ ngàng khi đọc đoạn sử này. Quả là có một không hai. trong lịch sử, không ít hòa thượng bị lên án bởi có liên quan đến chuyện tình ái. Hòa thượng Biện Cơ - trợ thủ dịch thuật kinh Phật đắc lực nhất của Huyền Trang từng có quan hệ tình ái nhiều năm với công chúa Cao Dương - người mà vua Đường Thái Tông sủng ái nhất. Nhưng mối quan hệ đó chỉ diễn ra lén lút, giấu giếm. Sau khi vua Đường phát hiện ra, Biện Cơ đã bị chém làm đôi.

Nhưng đối với câu chuyện của Kumarajiva, với việc ngài công khai đòi hỏi sắc dục trong bối cảnh trang nghiêm như vậy, thì dù ở góc độ tôn giáo hay luận thường đạo lý, đều khiến người ta cảm thấy khiếp sợ. Đó là thái độ bất chấp giới luật, ngang nhiên thể hiện dục vọng của mình, xưa nay chưa ai dám làm như vậy. Diêu Hưng tặng ngài cả mười cung nữ và ngài đã vui vẻ tiếp nhận. Ngài không sống trong thiền viện như các tăng sĩ khác mà ở nhà riêng và có người cung phụng. Ngài sống sung túc với vợ con như những người bình thường khác. Vậy mà lòng tôn kính của người đời đối với ngài không hề giảm đi. Thậm chí, hậu thế còn hết lời ca ngợi ngài, tiếng tăm của ngài truyền ra tận nước ngoài. Một hòa thượng như vậy, chẳng phải là nhân vật vĩ đại trong lịch sử hay sao?

Nhớ lại cuộc bình xét ở ký túc xá, khi đó sáu bạn đã nhất trí bầu chọn Kumarajiva, dịch giả kinh phật nổi tiếng thời Thập lục quốc là “hòa thượng vĩ đại nhất trong lịch sử”.

- Cậu... cậu... cậu chính là Kumarajiva! Cậu là Kumarajiva ư? Trời ơi, cậu chính là Kumarajiva! Cậu chính là nhân vật lịch sử lừng lẫy đó!

Tôi bối rối đến không thốt được lên lời, đầu óc choáng váng, tâm trí rối bời. Giống như là đột nhiên bạn gặp được thần tượng của mình vậy! Chuyến đi này quả không tồi chút nào, tôi lại có cớ để tự hào với chúng bạn khi trở về rồi!

Một cốc nước đặt ngay trước mặt tôi, một mảnh khăn ướt thấm nhẹ trên trán. Tôi ngẩng lên và bắt gặp trong đôi mắt như hồ nước thu ấy vẻ lo lắng không giấu giếm:

- Trán cô hơi nóng, hình như cô bị cảm lạnh. Ngày mai tôi sẽ căn dặn người làm sắc thuốc cho cô.

Tôi nhìn thấy hình ảnh tay chân mình run rẩy phản chiếu trong đôi mắt như hai vực nước sâu hun hút ấy.

Sau khi uống nước, tôi trở nên bình tĩnh hơn. Ngượng ngùng nở nụ cười ngây ngô:

- Tôi vô ý quá!

Cậu ta cũng cười:

- Tôi chưa từng thấy Ngải Tình như vậy bao giờ. Mà cô luôn miệng gọi tôi là Kumarajiva, đó có phải tên tiếng Hán của tôi không?

Tôi gật đầu. Kumalajiba là tên tiếng Phạn của cậu ta, Kumala chính là Kumara. Nhưng còn Jiba thì sao lại biến thành Jiva được nhỉ? Không biết ai đã dịch tên của Kumarajiva sang tiếng Hán, nhưng rõ ràng nghe hay hơn tên Kumalajiba mà lâu nay tôi thường gọi. Sở dĩ tôi không nhận ra cậu ta chính là pháp sư lừng danh Kumarajiva, là vì tôi đã nhầm lẫn thời đại lịch sử. Thêm nữa là vì, phát âm của từ “Jiba” và từ “Jiva” rất khác nhau. Nên tôi đã không biết người ngày ngày ở bên mình chính là dịch giả kinh Phật hàng đầu Trung Quốc, người được xếp ngang hàng với sư phụ Huyền Trang.

Tôi hỏi cậu ta về ý nghĩa của tên gọi Kumarajiva trong tiếng Phạn, thì được trả lời rằng, Kumara là họ của cha cậu, nghĩa là “đồng tử” (cậu bé). Jiva là tên mẹ cậu, nghĩa là “thọ” (nhiều tuổi). Bởi vậy ý nghĩa tên gọi của cậu trong tiếng Hán là “đồng thọ” (cậu bé già dặn). Đặt tên con cái bằng cách ghép họ của người cha và tên của người mẹ vốn là phong tục của người Ấn Độ xưa, cũng có lúc tên gọi còn được đưa thêm vào một số ý nghĩa khác nữa, do đó, tên của người Ấn Độ thời xưa rất dài. Chả trách khi đọc sách lịch sử Phật giáo, tôi không thể nào nhớ nổi tên của các vị cao tăng Tây Vực và Ấn Độ. Thực sự là rất dài và rất khó đọc.

Tôi biết cha cậu là Kumarayana, còn mẹ cậu là Jiva, những tên gọi vốn đã rất quen thuộc đối với người Hán. Tăng sĩ Tây Vực và Ấn Độ đều dùng tên gọi thông thường, khác với cách dùng pháp hiệu của các nhà sư Trung Nguyên.

Kumarajiva đặt tập giấy nháp trước mặt tôi và đề nghị:

- Cô có thể viết tên gọi tiếng Hán của tôi vào đây được không?

Tôi nắn nót từng nét một: Ku- ma- ra- ji- va.

Cậu ta ngắm nghía tỉ mỉ, đọc lại một lượt, rồi ngước lên nhìn tôi, khuôn mặt rạng rỡ niềm vui:

- Hay! Kumarajiva. Nếu là tên gọi do Ngải Tình đặt, thì từ nay về sau tên tiếng Hán của tôi sẽ là Kumarajiva!

Tôi giật mình ngẩng lên, bắt gặp đôi mắt trong sáng tràn ngập ánh cười đang nhìn mình. Tôi bỗng hốt hoảng, thần trí mất tập trung, cứ bay bay tận đâu đâu. Không có tài liệu nào ghi lại thông tin về người đã đặt tên tiếng Hán cho cậu ta, không lẽ người đó là tôi? Tên gọi mà tôi đọc được ở thế kỷ XXI hoàn toàn trùng khớp với tên gọi mà tôi đặt cho cậu ta 1650 năm về trước. Điều đó có nghĩa là, việc tôi vượt thời gian đến đây và gặp gỡ Kumarajiva đều là sự tất nhiên ư? Điều này có mối liên quan, logic gì? Tôi chỉ là du khách đi bên lề lịch sử, hay tôi đã gia nhập vào thời đại này một cách hoàn toàn tình cờ?

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK