Mẹ được đưa vào bệnh viện, sốt cao cuối cùng đã hạ, vết thương trên trán cũng băng bó kĩ, nhưng bị kiểm tra ra ung thư vú.
Lúc có kết quả, tôi không nói cho mẹ biết.
Nhưng có lẽ mẹ đã đoán được, mẹ dịu dàng tinh tế vậy mà, gả cho ai cũng tốt, nhưng lại trời xui đất khiến gả cho tên cặn bã như bố.
Mẹ không ở trong bệnh viện lâu lắm, sau khi hoá trị một lần, mẹ mặc kệ lời can ngăn lén trở về nhà.
Mẹ như đã đỡ hơn nhiều, trên gương mặt nhợt nhạt cũng xuất hiện huyết sắc. Kể từ khi bố vào tù, mẹ cười nhiều hơn hẳn.
Vẫn là ván giường cũ nát kia, mẹ dọn dẹp nó lại sạch sẽ, nằm trên đó mỗi ngày. Đôi khi mẹ có tinh thần, cũng sẽ cầm kim chỉ khâu quần áo cũ của tôi.
Tôi lại lần nữa nhặt ước mơ của tôi về, tôi muốn thi đậu trường đại học tốt nhất, tôi muốn cùng mẹ có một tổ ấm.
Mọi thứ dường như đã bắt đầu bước vào quỹ đạo đúng.
(Bảy)
Mùa xuân năm 2013, một buổi chiều rực rỡ nắng vàng, tôi xách hộp giữ nhiệt đẩy cửa nhà ra.
Kẽo kẹt, ván cửa thường xuyên phát ra tiếng kêu không thoải mái.
"Mẹ, con được phát trợ cấp, chúng ta cải thiện bữa ăn, uống..."
Tôi vui vẻ gọi mẹ, nhưng không nhận được tiếng trả lời như mọi khi.
Trong một nháy mắt, tôi như đoán được điều gì, nước mắt tuôn rơi không thể kiểm soát.
Hộp giữ nhiệt rơi xuống một tiếng "cạch", thịt gà hầm mềm và canh gà thơm lừng đổ đầy đất.
Trong tay mẹ nắm chặt lọ thuốc ngủ trống trơn, tóc chảy kĩ càng, thay một bộ đồ nửa mới, khoé môi mỉm cười.
Mẹ nằm yên trên giường, yên lặng đi vào giấc ngủ vĩnh hằng.
Thuốc ngủ là mấy ngày trước mẹ bảo buổi tối không ngủ được mới mua, tôi cố tình cất vào tủ khoá, nhưng mẹ vẫn tìm ra.
Đúng rồi, mẹ dịu dàng tinh tế vậy mà, sao không phát hiện được chứ?
Mẹ ơi, mẹ yêu con vậy mà, cớ gì lại để con không còn nhà nữa?
Trong tay mẹ cầm một tờ giấy, nét chữ vốn đẹp đẽ lại viết xiêu xiêu vẹo vẹo.
Tôi cầm tờ giấy lên, sợ nước mắt của tôi nhoè đi nét chữ.
Hán tự đơn giản, nhưng tôi đọc đã trăm lần vẫn không hiểu được.
"Niệm Niệm, mẹ xin lỗi."
Tại sao phải nói xin lỗi?
"Mẹ muốn nhìn con tốt nghiệp cấp ba, đỗ trường đại học tốt, kết hôn, sinh con... Mẹ vốn nên cùng con đi chặng đường phía trước, nhưng đau quá con ạ."
"Hãy cho mẹ ích kỷ một lần, xin lỗi con."
Trên tờ giấy mỏng có vệt nước mắt đã khô, đây là nước mắt của mẹ.
"Đáng ra không nên chọn trưa hôm nay từ biệt, làm con chẳng ăn được bữa trưa."
"Đây là lựa chọn cuối cùng của mẹ, xin lỗi. Chặng đường còn lại con chỉ có thể tự mình đi tiếp. Mẹ mãi mãi yêu con, sau này cũng sẽ có người yêu con giống như mẹ vậy."
"Kiếp sau vẫn làm mẹ của con."
Nhìn nụ cười trên môi mẹ, cuối cùng tôi vẫn gào khóc.
"Không sợ, không sợ... Niệm Niệm... Không sợ, có mẹ, là có nhà."
Năm 17 tuổi, tôi mất đi mẹ, tôi chẳng còn nhà.
(Tám)
Cậu họ đã giúp tôi an táng mẹ.
Cậu nói cậu chứng kiến mẹ lớn lên thành một cô gái xinh đẹp, lại bị bố mẹ cố chấp gả cho tên côn đồ như bố.
Tôi nói, cậu ơi, cho con một mái nhà với.
Vòng khói trên đỉnh đầu cậu lượn lờ rồi tan đi, ánh mắt cậu nhìn tôi chứa thương hại xen lẫn xét nét.
Tôi nói, cậu ơi, con học giỏi, cũng có thể chịu khổ.
"Bé Niệm, không phải cậu nhẫn tâm, con phải hiểu cho nỗi khổ của cậu."
Cậu hút thuốc, từ từ nhả vòng khói, đầu mày chau thành dây thừng.
Tôi nói, cậu ơi, con chỉ cần một mái nhà, con làm con trai của cậu, chờ cậu già rồi, con sẽ chăm sóc cậu thật tốt.
Tôi thề trước mặt cậu, nhất định sẽ học hành chăm chỉ, xuất sắc nổi trội, sau đó hiếu kính cậu.
Tôi xin cậu mười lần, lần thứ mười cậu cuối cùng đã thở dài đồng ý.
Một người công nhân như cậu, có vợ con phải nuôi, cậu chịu thu nhận tôi là xuất phát từ thiện ý, là thấy tôi tội nghiệp. Tôi cảm kích cậu.
Thương hại là trạng thái bình thường, thậm chí là đức tính. Tôi ghét ánh mắt thương hại của người khác, nhưng không thể không chấp nhận bố thí và xót thương của họ. Dẫu sao, sẽ chẳng có ai yêu tôi vô điều kiện như mẹ.
Về "nhà", nghĩa là có người ở trong "nhà" đợi tôi, trông tôi, yêu tôi.
Nhưng giờ đây, tôi chỉ cần một nơi có thể gọi là "nhà".
Tôi muốn sống tiếp.
Vì vậy tôi nói với cậu:
"Cậu ơi, cậu tìm cho con một công việc đi, con bớt thì giờ cũng có thể kiếm chút tiền, phụ chi phí trong nhà."
Sau khi cậu nghe, mắt toả sáng, điếu thuốc Trung Hoa trên tay cũng không cần dập tắt nữa. Không nói một lời, kéo dép lê đi tìm quản đốc của các cậu, tối hôm đó liền dẫn tôi đi bê gạch.
Nhân tính chính là như thế, một người vừa lương thiện, vừa xấu xa.
Hơn nữa, đó là tiền, là mệnh căn của con người, là hạnh phúc của kẻ theo chủ nghĩa vị kỷ. Chúng tôi không tài nào thoát khỏi nó.
Kể từ đó, tôi vào làm ở công trường của cậu, bê gạch, thép đại loại, một ngày có thể kiếm 20 tệ.
Tuy rằng người nhà cậu không chào đón tôi, chị họ luôn nhổ nướt bọt vào cơm của tôi, nhưng tôi vẫn có "người nhà".
Tôi chờ mong có thể có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Như mẹ đã nói trong thư, rồi sẽ có một ngày, tôi sẽ có một ngôi nhà chân chính thuộc vệ mình, sẽ có người yêu tôi.
__