“Muội là con di nương, không so được với biểu tỷ - là điểm trọng yếu nơi đầu tim của cữu phụ. Nghe nói Lặc Đan vương muốn tác thành cho những tiểu vương tử có mặt tại Bách Hoa yến với nữ tử tiểu thư danh môn Đại Trịnh. Hiện tại bệ hạ đang tìm kiếm, tuyển chọn một loạt các tiểu thư trong kinh thành. Người trong nhà muốn ta lấy danh nghĩa tiểu thư của chủ mẫu, đi hoà thân, các trưởng bối cảm thấy chỉ như vậy mới có thể lấy công chuộc tội, có thể bảo vệ Ngô gia an toàn.”
Tiểu Viện thoáng kinh ngạc, nàng vẫn luôn ngưỡng mộ những người có người nhà, người thân, nhưng không ngờ cái gọi là đại gia tộc, lại làm ra hành động máu lạnh, vô tình đến thế, đúng là khiến người khác nghẹn lời.
Không ngờ Ngô Phàm Vân một lòng trèo cao, lại bị gia tộc đang tâm bán đi, rơi vào kiếp hoà thân nơi đất khách quê người, đối mặt với tương lai thê thảm, mù mịt. Tiểu Viện kìm lòng không đặng cảm thấy có chút thương tiếc.
Tuy nàng chán ghét con người dung tục, thực dụng của tiểu cô nương này, nhưng đến cùng Ngô Phàm Vân cũng chỉ là một cô gái trẻ còn non dại, không được dạy dỗ, chỉ bảo. Thứ gọi là hào môn thế gia đến cùng cũng chỉ là nơi lương bạc vô tình, tham lam lợi ích, chẳng có nửa phần hơi ấm tình người.
Trong chốc lát, Tiểu Viện không biết phải làm thế nào để giúp nàng ấy giải quyết khó khăn, nàng thoáng cau mày, ánh mắt buồn bã, bất lực nhìn về phía Trịnh Lan.
Ngô Phàm Vân càng nói càng chìm vào cảm xúc đau khổ, thê lương, bất tri bất giác nấc lên nghẹn ngào. Trịnh Lan thấy tiểu nữ tử ngu ngốc này khiến người trong lòng mình buồn bã, lại càng muốn đuổi nàng ta đi càng sớm càng tốt. Dường như nhớ ra điều gì đó, đôi mắt chàng lướt qua một tia giảo hoạt, nói với Ngô Phàm Vân: “Về việc hòa thân, đã có ứng viên được lựa chọn, không phải là ngươi.”
Tiểu Viện và Ngô Phàm Vân đều kinh ngạc nhìn về phía Trịnh Lan.
Trịnh Lan cảm thấy mệt mỏi nhất là gặp phải nữ nhân sướt mướt, lập tức nhẹ nhàng đứng dậy, không coi ra gì, thong thả đi thẳng ra khỏi phòng khách, bộ dạng chàng khoan thai nhưng bước chân vững vàng, vạt áo bên người nhịp nhàng bay lên như sóng cuộn, trong mắt Ngô Phàm Vân đây chính là khí chất tử tiêu sái, khí độ của một nam tử lỗi lạc, bản lĩnh.
“Những lời tỷ phu nói vừa rồi là sự thật sao?”
Đến khi lấy lại tinh thần, Ngô Phàm Vân mới hiểu ra ý tứ câu nói Trịnh Lan ném lại trước khi đi, nàng ta như được hưởng ân xá, trừng mắt nhìn Tiểu Viện, hét lớn: “Không phải muội! Không phải là muội! Đã có người đi hoà thân rồi! Là ai? Tỷ biết không!”
Tiểu Viện lắc đầu, Ngô Phàm Vân thấy thế cũng không hỏi nữa, vui sướng lau nước mắt, nhịn không được khẽ mỉm cười: “Chỉ cần không phải là muội là được! Cần gì quan tâm kia là ai?”
Có vẻ đã giải tỏa được căng thẳng, Ngô Phàm Vân lại trở lại thành tiểu cô nương dung tục, hám lợi, vứt cả thể diện, dán sát vào người Tiểu Viện vẻ mặt tính toán, thần thần bí bí hỏi: “Biểu tỷ, có phải điện hạ sắp trở thành Thái tử không? Hiện giờ trong kinh đều xôn xao tin tức này. Nếu như điện hạ trở thành Thái tử, vậy chẳng phải biểu tỷ sau này sẽ là Hoàng hậu hay sao?”
Tiểu Viện cảm thấy dở khóc dở cười, cô nương này đúng là dễ dàng khiến người khác không có thiện cảm nổi. Dù Lý Tú Dung lời lẽ sắc sảo, tâm tư sâu sắc nhưng lại không khiến người khác thấy chán ghét mà ngược lại mỗi lần nói chuyện đều làm người đối diện thêm một phần kính nể, muốn gần gũi, thân thiết. Còn Ngô Phàm Vân, thiếu nữ… có thể nói là tục không còn thuốc chữa.
Nhưng Ngô Phàm Vân dường như không hiểu được điều ấy, lại tiến lại gần hơn, nói ra một câu không còn thuốc chữa hơn: “Biểu tỷ, nếu như sau này tỷ phu trở thành Hoàng Đế, đương nhiên muốn hậu cung phong phú, trăm hoa đua nở. Tỷ tỷ một bước lên mây rồi, đừng quên dìu dắt muội muội này nhé!” Sau đó ý vị thâm trường cúi đầu, gương mặt ửng hồng, khẽ chớp chớp mắt đầy chờ mong nhìn Tiểu Viện.
Tiểu Viện nhướn mày, đột nhiên nhớ tới lý do vừa rồi tại sao nàng ta khăng khăng muốn Vạn Gia mời cả Trịnh Lan tới xem mình khóc lóc, thì ra muốn chàng thấy cảnh lê hoa đái vũ mà động lòng thương tiếc.
Tiểu Viện thầm thở dài, cảm thấy thế gia, quý nữ cũng chỉ đến thế. Không phải ai cũng là cô nương uyên bác, đoan trang, long lanh như ngọc chạm giống Lý Tú Dung.
Giờ phút này Tiểu Viện không muốn nói thêm nửa câu với Ngô Phàm Vân, khách sáo vài lời, thì sai người tiễn nàng ta về. Ngô Phàm Vân hí hửng tạ ơn, như thể người vừa rồi khóc rống trước cổng vương phủ và nàng ta là hai con người hoàn toàn khác nhau.
Tiểu Viện rảo bước, chậm rãi đi về hậu viện trên tay ôm cuốn hoạ trục Lý Tú Dung tặng.
Nàng ngẩng đầu, trời cao trong xanh, mây trắng bồng bềnh, nhưng hiện tại tiết trời đã vào đông, không tránh khỏi thời tiết có chút giá lạnh. Mùa đông ở đế đô không dễ dàng chịu được. Còn chẳng bằng nơi bốn mùa ấm áp tựa trời xuân như Hàng Nam. Tiểu Viện có chút nóng ruột, muốn mau chóng trở về quê nhà. Kinh thành mặc dù phồn hoa phú quý, vương phủ nguy nga rộng lớn, nhưng cũng chẳng có mấy người. Tiểu Viện sợ lạnh, không thích những chốn hoang vắng, cho nên nàng không thích nơi này.
Trịnh Lan đang ở Vân Hương Nguyệt Ảnh chờ Tiểu Viện, chàng thảnh thơi ngồi trên ghế cầm Hạc Lệ trên tay, tỉ mỉ thưởng thức, thấy Tiểu Viện bước tới, chàng khẽ mỉm cười. Hải Thăng đứng hầu ngoài cửa, thấy cảnh này, cậu ta cảm thấy kể từ ngày đại hôn dường như điện hạ càng lúc càng tươi cười nhiều hơn. Nếu cẩn thận quan sát, sẽ cảm thấy mỗi thời điểm lại có sự khác biệt rõ rệt.
“Điện hạ sao lại tự tiện cầm đồ của ta thế?” Tiểu Viện cười đi qua, đỡ lấy cây tỳ bà, cẩn thận đặt vào hộp tử đàn.
“Thật nhỏ mọn, giờ đến cả nhìn cũng không cho ta nhìn sao?”
Trịnh Lan lòng vui vẻ, Tiểu Viện trước đây đã từng có ý nghĩ trả lại cây đàn cho chàng.
“Điện hạ miệng vàng lời ngọc, đồ đã tặng ta đương nhiên là của ta rồi.” Tiểu Viện trở tay đưa cuộn tranh cho Trịnh Lan, giọng điệu nửa giận dỗi, nửa trêu chọc: “Còn bức hoạ này giá trị liên thành, vẫn nên để người cao quý như điện hạ giữ là hơn. Ta không phải danh môn khuê tú gì cả, có mắt như mù, nhìn không ra trân bảo, sợ chẳng may bất cẩn làm hỏng làm cháy, thì đáng tiếc lắm.”
Trịnh Lan vòng tay ôm nàng vào ngực, nhìn cái miệng nhỏ sắc sảo, xéo sắc không tha ai của nàng, bật cười, thấp giọng nói: “Ái phi thích nói mỉa như thế từ khi nào thế?”
“Người xưa có câu: gần mực thì đen.”
Tiểu Viện còn định nói vài câu mỉa mai chàng, nhưng ngẩng đầu thấy ánh mắt khó có thể lý giải của Trịnh Lan.
Tiểu Viện dễ dàng bị ánh mắt mê ly ấy hút hồn, nàng rũ mi, gương mặt ửng hồng, sau đó là nụ hôn dài triền miên.
Cổ kề cổ, tóc mai quyến luyến quấn vào nhau, bên ngoài đang là giữa trưa, ánh nắng vàng rực rỡ tràn qua khung cửa sổ, xuyên qua rèm cửa màu tím rọi vào trong phòng, Tiểu Viện nhẹ nhàng đẩy chàng ra, bàn tay vô thức chạm lên đôi môi ướt át, nguýt Trịnh Lan một cái: “Giờ đang là buổi trưa đó.”
“Thì?” Trịnh Lan nắm chặt bàn tay thon, kéo tới trước mặt, đầu lưỡi nhẹ nhàng vân du thăm dò mu bàn tay trắng nõn, mịn màng của giai nhân. Má Tiểu Viện đỏ ửng, lần nữa đẩy chàng ra: “Đừng quậy nữa.”
Trịnh Lan làm bộ phục tùng, khẽ mỉm cười một cái, buông Tiểu Viện ra. Không phải chàng không dám ân ái thê tử giữa thanh thiên bạch nhật, mà là bản thân chàng không cảm thấy sốt ruột, hay nóng vội, đặc biệt trong chuyện tình cảm giữa hai người.
Hai ngày nữa họ sẽ cùng nhau xuôi nam, chàng không khỏi ôm nhiều mộng tưởng với tương lai, hoa tiền nguyệt hạ, có nàng bầu bạn, có rượu ngon bên mình, đời chẳng mong cầu thêm gì nữa.
(*) Hoa tiền nguyệt hạ – 花前月下 – huā qián yuè xià (trước hoa dưới trăng, chỉ những nơi nam nữ tỏ tình, nói chuyện tình yêu
Đêm đến, Đế đô xuống lệnh nghiêm cấm người ra vào thành, cạnh bờ tường thấp của một toà lầu, trong góc tối ít người để ý, một nam tử lặng lẽ ẩn mình nghe ngóng tình hình xung quanh. Bởi vì tránh quan binh kiểm tra nên hắn ta không thể ra khỏi thành giờ này.
Hai gã canh phu đi tới, vì còn chưa tới giờ làm việc, cho nên ngồi xuống tán gẫu chút chuyện trên trời dưới bể.
“Nghe chưa, đang có lệnh xét nhà Tả tướng đại nhân đấy.”
“Đúng vậy. Nhưng đoán chừng bệ hạ chỉ là nhất thời tức giận. Nào có tiền lệ khai đao với thế gia vọng tộc. Huống hồ nữ nhi của Tiền đại nhân hiện nay lại là ái phi của vị quý nhân kia. Không lâu nữa nàng ta chính là Hoàng hậu Đại Trịnh.”
Người còn lại vẻ mặt sững sờ, thấp giọng khuyên nhủ: “Nè nè hoàng trữ đâu phải chuyện chúng ta có thể hồ ngôn loạn ngữ. Thái tử mới bị phế truất. Tình hình hiện tại nhạy cảm, mấy kẻ dân đen như chúng ta đây tốt nhất đừng nghị luận nữa.”
Chẳng mấy chốc trời đã về đêm, hai kẻ gõ mõ cầm canh quay lưng mỗi người rời đi một hướng. Một tên phụ trách hướng Thành Nam, tay còn lại thì đi theo con đường về phía Thành Bắc, vừa gõ mõ, vừa hô to: “Trời đã về khuya, cẩn thận củi lửa…”
Kim Tam lặng lẽ nhìn hai gã cầm canh rời đi, Kinh thành rốt cuộc cũng chìm vào đêm tối bất tận, gã đề thân bay lên mái hiên. Ban ngày gã đã cẩn thận thăm dò rõ ràng đường đi lối lại trong phủ Tiền Trọng Mưu, hiện tại vận nội lực, đề khinh công, đạp ngói, thân thủ như bay, nhanh chóng đi tìm mẹ gã.
Phủ Tiền Trọng Mưu đã dán giấy niêm phong, còn có hai thị vệ cao to lực lưỡng đứng gác ngoài cổng. Kim Tam biết không thể lỗ mãng xông vào, bèn chờ đến nửa đêm dùng khinh công, lợi dụng trời tối, gió lớn dễ dàng ẩn thân để lẻn vào phủ. Nhưng gã cũng biết, Tiền phủ đã bị kê biên tài sản được một thời gian, mẹ gã bị giam nhốt trong địa lao Tả tướng phủ, chỉ sợ hiện tại lành ít dữ nhiều.
Đến lúc gã âm thầm lẻn được vào nơi giam giữ Kim bà bà, sờ lên vết khắc trên vách tường lúc này mới thở phào một hơi nhẹ nhõm.
Bên trên khắc một loại ấn ký giang hồ, đại ý Kim bà bà báo cho con trai mình đã an toàn.
Kim Tam thầm tính toán, ước chừng thời điểm Tiền gia bị xét nhà, Kim bà bà đã thừa dịp tình thế hỗn loạn để đào tẩu, vì phòng ngừa con trai về tìm mình, bà nhanh trí để lại mấy ký hiệu này. Dựa theo thời gian, giờ này đại khái Kim bà bà đã về tới hang ổ Thiên Lăng Sơn.
Kim Tam đề thân, bay vút lên không trung, chẳng mấy chốc đã dùng khinh công lẻn được ra khỏi thành đi thẳng về hướng nam, đến Thiên Lăng Sơn.
Từ đế đô tới Thiên Lăng Sơn phải băng qua huyện Lâm Hà. Trên đường đi Kim Tam trộm cướp tiền của đám công tử thế gia làm lộ phí, sau đó dùng ngân lượng mặc cả với thuyền thương buôn, ngồi thuyền của bọn họ xuôi kênh đào đi thẳng xuống phía nam.
Thuyền cập bến ven sông huyện, đội thương buôn cần bổ sung lương thực và đồ dùng thiết yếu, nhóm người làm việc trên thuyền cũng xuống chợ mua ít đồ dùng.
Thời gian ở Trạm Vương phủ, các vết thương trên người Kim Tam gần như đã khỏi hoàn toàn, còn được trả tự do, nhìn lại cảm thấy mình tương đối may mắn. Nhưng tới Lâm Hà, trở lại chốn xưa, những ký ức ngày trước đột nhiên ùa về.
Nhất là buổi tối, thương thuyền neo tại bến cảng ngày trước ba người hợp mưu hành nghề dùng sắc tống tiền. Sóng nước lấp lánh, dập dềnh, thuyền hoa chập chờn đèn đuốc lung linh, trên thuyền, lấp ló sau màn sa mỏng, là hình bóng thiếu nữ xinh đẹp mong manh, như gần như xa, khiến lòng gã dâng lên niềm nhớ mong khắc khoải người con gái không thể chạm tới, chỉ có thể nhung nhớ trong giấc mơ.
Kỳ thực trên đường đi, nghe đám thuyền phu nhà ở kinh thành nói chuyện phiếm, thi thoảng sẽ nhắc đến biến động nơi triều đường, về cơ bản Kim Tam đã biết được căn nguyên việc Tiểu Viện bất ngờ trở thành vương phi. Đơn giản là Tiền đại nhân ám độ trần thương, thay xà đổi cột. Kim Tam đã quen với việc lừa gạt kẻ khác, thì ra đại quan nhất phẩm cũng xài chiêu này, thậm chí còn chẳng cao tay bằng đám giang hồ bọn họ.
(*) Ám độ Trần Thương – là kế thứ 8 trong 36 kế, đại loại hơi giống giương đông kích tây.
Chỉ là trời xui đất khiến, Tiểu Viện và gã đã không còn duyên gặp lại.
“Ha ha, Tam ca, huynh thất thần gì thế? Đây chính là ven sông Lâm Hà!” Lăn lộn trên thuyền một thời gian, Kim Tam thi thoảng hoặc chơi xúc xắc, hoặc uống vài ba bữa rượu với đám thuyền phu, tự nhiên thành bằng hữu. Trong đó có một kẻ tên Thiết Trụ thấy gã nhìn về phía sông Lâm Hà thất thần, bèn cầm theo vò rượu, chân nam đá chân xiêu, đi tới kéo gã đứng dậy, rời khỏi thuyền.
“Làm gì thế?” Kim Tam rút tay ra, trừng mắt nhìn Thiết Trụ đã say khướt.
“Ha ha, huynh đệ, nhìn huynh không lớn tuổi lắm. Có phải chưa từng thử qua hương vị nữ nhân, đúng không? Huynh có khi không biết, thuyền kỹ ở ven sông huyện Lâm Hà này là tuyệt vời nhất! Huynh đệ trên thuyền thèm thuồng mấy ngày chỉ để chờ giây phút cập bến huyện Lâm Hà đi phóng túng một phen. Ít tiền thì tìm nữ tử nhà dân xung quanh, rủng rỉnh thì lên thuyền hoa lăn lộn với các nương tử, ha ha đừng nghĩ nhiều. Đi nào. Chúng ta dẫn huynh đi hưởng lạc.”
(*) Ám Độ Trần Thương nghĩa là “Ngầm vượt con đường Trần Thương”. Đây là mưu kế phát xuất từ một câu chuyện lịch sử thời Hán Sở Tranh Hùng. Chuyện kể rằng: Lưu Bang sau khi chạy thoát khỏi sự thống trị của Hạng Vũ, đem quân tiến vào Tứ Xuyên. Quân sư Trương Lương sai người đốt phá hết con đường cất bằng gỗ duy nhất xuyên qua triền núi, mà ta gọi là sạn đạo. Việc đốt sạn đạo này nhằm đề phòng Hạng Vũ đuổi theo và cũng ngầm tỏ cho Hạng Vũ biết rằng Lưu Bang không muốn trở về chiếm lãnh miền Đông của Hạng Vũ nữa. Nhưng sau khi binh hùng tướng mạnh, Lưu Bang muốn đoạt lại sơn hà, bèn sai Hàn Tín đánh quân giữ ải của Hạng Vũ là Chương Hàm.
Hàn Tín cho hàng trăm người sửa sang sạn đạo, khiến cho Chương Hàm không lo đề phòng, vì cho rằng con đường này phải mất cả mấy năm mới sửa sang lại được. Nhưng đâu ngờ đó là âm mưu của Hàn tướng quân! Hàn Tín đã tìm ra một con đường tắt Trần Thương xuyên qua núi, dốc toàn lực tấn công bất ngờ, khiến cho Chương Hàm trở tay không kịp. Từ trận chiến này, quân của Lưu Bang từng bước đưa Hạng Vũ đến đường cùng, buộc phải tự sát ở Ô Giang. Lưu Bang giành lại giang sơn nhà Hán. Mấy trăm năm sau mưu kế này lại được sử dụng một lần nữa, khiến cho Lưu Bị mất Kinh Châu và đưa đến cái chết oan nghiệt của Quan Vũ, người em kết nghĩa của Lưu Bị. Lưu Bị khi còn chạy trốn Tào Tháo, không chỗ dung thân, đã mượn Kinh Châu của Tôn Quyền để làm bàn đạp. Nhưng rồi khi mạnh lên thì quên, không chịu trả, lại cử đại tướng Quan Vân Trường trấn giữ với binh hùng tướng mạnh. Tôn Quyền căm giận lắm, sai Lã Mông thống lãnh quân đội chiếm lại Kinh Châu. Lã Mông là một đại tướng lừng danh, khiến Quan Vũ lo ngại, bèn lập nhiều phong hỏa đài đề phòng ở bờ sông, sẵn sàng báo động nếu có địch tấn công. Bỗng dưng Lã Mông cáo bệnh, lui về Giang Châu, cử Lục Tốn lên thay. Lục Tốn là một chàng thư sinh, kinh nghiệm hành quân chưa có. Nghe tin ấy, Quan Vũ khinh miệt thằng nhóc con Lục Tốn, không còn quan tâm đến chuyện đề phòng, ngày đêm lo ăn nhậu thoải mái. Ngờ đâu đó là kế “Ám Độ Trần Thương” của đại tướng họ Lã. Khi Lã Mông âm thầm trở lại, lãnh đạo cuộc tấn công mãnh liệt xé nát đồn lũy Quan Vân Trường. Kinh Châu hỗn loạn, mất về tay Tôn Quyền. Và đầu của Quan tướng quân rơi giữa trận mạc. Đặc điểm của mưu kế nầy là biểu lộ bên ngoài giả, ẩn tàng cái thật bên trong, làm mê hoặc đối phương, làm cho đối phương lơ là phòng bị, rồi bất ngờ đột kích.