Cừu Thiên Xích cười gằn lên một tiếng, vung chưởng lên nghênh chiến; ngay khi đó, Quách Tỉnh đã vung tay ra cứu đôi chim, chàng lập tức mở ngay thế “Chiến Long Tại Dã”, bắt buộc Cừu Thiên Xích phải tự cứu mình. “Bình” một tiếng vang lên, hai chưởng đụng độ nhau; Quách, Cừu đôi bên đều bắn xuyên ra mỗi người khoảng bốn năm thước.
Châu Bá Thông lúc này thấy rắn và cóc đã chạy tán hết, tinh thần lão khôi phục lại ngay; chỉ nghe lão quát lên một tiếng lớn, dồn hết toàn lực ném mạnh ba con cóc lớn trên tay sang phía Cừu Thiên Xích. Mụ ta vội vung “Thiết chưởng” ra chống đỡ, nào hay mụ ta bị trúng bẫy của Châu Bá Thông.
Thì ra ngọn chưởng của mụ ta đánh trúng ngay bụng cóc, máu me nước tanh văng đầy mặt mũi mụ ta. Mụ vốn là người ưa sạch, nay bị Châu Bá Thông chơi khăm vậy, mụ ta suýt mửa. Châu Bá Thông tay quăng cóc ra, miệng đã quát ngay :
- Sao? Mụ ăn cướp! Mùi cóc này cũng ngon đấy chứ?
Vừa nói Châu Bá Thông vừa dùng thế “Thái Ất quyền pháp” và “Cửu Âm chân kinh” bửa ngay hai thế lạ sang mụ Xích Tâm động chúa, bả vai cánh tay mặt của mụ lại bị trúng chưởng của Châu Bá Thông; tính gộp lại, trước sau Cừu Thiên Xích đã bị trúng ba đòn của Châu Bá Thông.
Mụ ta biết mình không phải địch thủ của Châu Bá Thông, “Xà Ma trận” nay đã bị phá vỡ, nếu cứ đánh tiếp xuống chắc chắn là mất mạng như chơi, rút lui là thượng sách hơn cả; nên sau khi trúng đòn mụ ta đã nhân cơ hội vèo mình ra ngoài, lăn nhanh ngay hai vòng, đứng dậy bỏ chạy vào khu rừng rậm luôn.
Quách, Châu không ngờ kẻ nổi danh như mụ Xích Tâm động chúa lại thình lình bỏ chạy như vậy. Châu Bá Thông quát tướng om sòm :
- Mẹ kiếp, đánh không xong bỏ chạy hả? Có mau quỳ xuống cộc đầu lạy ta ba lạy không?
Nói xong tính đuổi theo, nhưng đám nữ binh hấp tấp ào tới cản lối. Châu Bá Thông bỗng cười ha hả, đưa tay ra chụp ngay hai nữ binh, giơ bổng ngay lên không, chực quăng sang đám nữ binh đang ào tới.
Nào hay nơi rọ tre đeo trên lưng của hai nữ binh vẫn còn sót lại một con rắn độc, lúc lão giơ bổng lên rắn rớt ngay ra; Châu Bá Thông hồn bay vía tán, thất thanh kêu rú lên :
- Eo ơi!
Đoạn quăng “bịch” ngay hai nữ binh xuống đất, co giò lo chạy chối chết.
Châu Bá Thông bỏ chạy, Quách Tỉnh không làm sao ngăn giữ kịp. Lúc này đôi chim điêu bay là ngay xuống bấu mổ hai nữ binh tơi bời; cả đám thấy oai hùng của đôi chim dữ dằn quá độ, ai nấy kinh hãi ôm đầu bỏ chạy tán loạn. Quách Tỉnh cũng chẳng buồn đuổi theo mụ Cừu Thiên Xích, chàng lo đuổi theo Châu Bá Thông nhưng thân pháp Châu Bá Thông quá nhanh, chớp mắt đã vô tung tích. Quách Tỉnh kêu mỏi cổ khản tiếng mà vẫn bặt tiếng lặng im.
Quách Tỉnh không biết tính sao, chàng liền lên Vân Long sơn lần thứ hai; nhưng khi lên tới nơi thấy vắng tanh, không một mống người nào, chàng lấy làm lạ tự lẩm bẩm :
- Mụ Cừu Thiên Xích đi đâu mất kia? Không lý bỏ luôn sào huyệt để trốn sao?
Quách Tỉnh vừa nghĩ vừa lo đi sâu vào trung tâm sào huyệt. Chợt chàng thấy một lá cờ tung bay phất phới liền nhặt đá đánh đứt dây cờ, lá cờ bay rớt xuống đất. Quách Tỉnh cầm lên xem, thấy đề chữ rằng:
“Gửi cho hai tặc “Già và trẻ”
Nay ta tạm chịu thất thế, nên đành di cư sào huyệt đi một nơi khác; nhưng các ngươi chớ vội tưởng bở, thế nào ta cũng tái chiến với hai ngươi, xem lúc đó các ngươi còn có thể xưng hùng xưng bá trong hai ngón võ học “Song Thủ Hỗ Bác” và “Hàng Long chưởng” nữa không. Mong sớm đến ngày hội ngộ!
Cừu Thiên Xích cẩn bạch”
Thì ra mụ Xích Tâm động chúa đã cố ý lưu chữ lại để rút lui cho có thể diện. Thủ hạ đều chạy sạch ráo hết, lều trại bỏ trống lại, kể ra đã trừ được một đại hại cho địa phương, đáng lý Quách Tỉnh phải mừng mới phải? Nhưng đằng này chàng lại nghĩ khác, cho rằng nghĩa vụ của mình còn chưa tận hết. Chàng vẫn ấm ức tiếc rẻ, phần Châu Bá Thông và Long Ngưu đều không rõ đi về đâu, thành ra tâm tình càng trở nên cụt hứng. Sau khi ngẩn ngơ một hồi, chàng đành buồn bã xuống núi.
Quách Tỉnh về đến xóm chài, hội cùng với “song điêu” và bảo mã, tiếp tục cuộc hành trình hướng về hướng Bắc; đầu óc lúc này của Quách Tỉnh hỗn độn vô cùng, đi cầu cứu vô kết quả, về với hai bàn tay trắng, hai là bị lạc Châu Bá Thông; chàng lủi thủi đi suốt từ Nam của Giang Tây tới Trường Lãnh của Đức An huyện, chợt Quách Tỉnh như sực nhớ ra một việc: “Chà! Suýt nữa mình quên mất, mẹ con Nam Cầm và Dương Qua đều ở Trường Lãnh, nay không biết hoàn cảnh họ ra sao?”. Thế là chàng quyết định lại thăm.
Nhưng khi đến cửa ngôi nhà của Nam Cầm chàng không khỏi giật mình: Nhà hoang vắng tanh, bàn ghế bụi đóng lớp lớp. Chàng lấy làm lạ: “Kìa! Mẹ con nàng đi đâu? Lạ thật!...”
Chàng rảo bước ra phía vườn sau, chợt chàng giật nẩy mình với sự cảnh trước mắt. Một ngôi mộ mới xuất hiện trước mặt chàng với dòng chữ trên bia:
“Dương môn liễu tẩu Nam Cầm chi mộ”
Trước đầu mộ còn một bệ đất làm để thắp nhang. Quách Tỉnh thất kinh rằng: “Trời... Nam Cầm đã tạ thế, nhưng còn con nàng đã đi đâu?...”
Quách Tỉnh nghĩ lại tất cả những kỷ niệm xưa kia, chàng nhòa hết với mọi cảnh trước mắt. Quách Tỉnh đã ứa lệ anh hùng! Không biết chàng đứng trước mộ Nam Cầm bao lâu nữa. Chợt một tiếng quái lạ vang lên trên không, bỗng một con chim to lớn xấu xí xuất hiện trên không. Chàng thầm nghĩ: “Gần đây đâu có núi lớn nào, không hiểu loại chim điêu xấu xí này từ đâu lại, không lẽ nó có ý do thám mình sao? Để mình thử nó xem”. Nghĩ vậy chàng lượm ngay cục đá, vận dụng “Đạn Chỉ thần công” đánh vung lên về phía chim điêu.
Nào hay chim điêu tránh ngay ngón đòn, đồng thời nó xù hết lông trên mình, từ trên đâm nhảy xuống người Quách Tỉnh. Chàng đã đề phòng trước, lập tức nhảy lùi ngay về sau, dùng ngay “Hàng Long chưởng” đánh chim; nào hay con chim này tinh khôn vô cùng, né tránh đòn đánh rất khéo léo, chớp mắt trận đánh giữa người và chim đã trên ba mươi đòn mà vẫn chưa đàng nào chiếm được ưu thế. Ngay lúc này, thình lình đôi chim điêu của chàng nhào ngay vào trận để hợp lực với chủ nhân, chớp nháy hai chim nhỏ một chim lớn lo quây quần với nhau.
Trận chiến của ba chim điêu kéo dài hơn bốn tàn nhang, cuối cùng con lớn xấu xí đã bỏ cuộc, vỗ cánh bay về một ngọn núi đằng xa.
Quách Tỉnh lên tiếng nói với đôi chim cưng của mình :
- Các con chớ vội hớn hở, ta xem con chim xấu xí ấy thế nào cũng có chủ, vậy hai con hãy đưa ta đến ngay sào huyệt của nó đi, để tránh lối thù oán không đâu sau này.
Đôi chim như hiểu ý chủ, chúng kêu vài tiếng rồi tung cánh bay về hướng Đông nam dẫn đường trước, Quách Tỉnh thúc ngay “bảo mã” theo sau.
Không đầy nửa tàn nhang, “bảo mã” đã đưa Quách Tỉnh đến một ngọn núi; đôi chim điêu kêu lên một tiếng, bay tuốt về phía hang núi, chàng vội thúc ngựa theo sau; khi đến trước hang cốc, thấy một tảng đá lớn sừng sững trước mắt, bề rộng ba thước, dài hơn một trượng, mặt đá nhẵn láng, trên đề ba chữ lớn “Vô Địch Cốc”. Quách Tỉnh lấy làm lạ: “Sao sơn cốc này lại gọi là “Vô Địch cốc”, không lẽ người chủ trong sơn cốc này quả là người vô địch giới võ lâm sao? Nếu không sao lại đề tên cốc hiên ngang kiêu ngạo như vậy?”
Quách Tỉnh lại gần, nhìn kỹ hai hàng chữ, mỗi chữ to bằng nắm tay, và chàng lẩm nhẩm đọc :
- “Tung hoành ba mươi năm dư, sát tận khấu thủ, bại tận anh hùng, thiên hạ càng vô địch thủ, nay vẫn ẩn cư nơi thâm cốc, với tử vi là vợ, với thần điêu làm bạn. Ôi ôi, bình sanh muốn gặp một địch thủ cũng chẳng dễ gì, cô liêu buồn thảm thật, nên ta đành mệnh danh cốc này là “Vô Địch cốc”, kể cũng chẳng ngoa gì!”
Phía trước chót đề tên: “Kiếm Ma Độc Cô Cầu Bại”. Quách Tỉnh xem xong cái tên dài sáu chữ này đâm ra băn khoăn, chàng đọc đi đọc lại hoài mấy lượt, trong lòng lâng lâng một cảm giác là lạ. Người này tự hiệu “Vô địch”, khỏi cần nói cũng biết bản lãnh uyên bác vô cùng; hiệu xưng “Kiếm Ma”, có lẽ là tay kiếm cự phách lắm; tên gọi “Cầu Bại”, chắc là đã đánh hết các tay anh hùng trong thiên hạ, nhưng vẫn chưa ai thắng nổi, như vậy đủ biết tâm tình người này buồn đến mức độ nào. Thảo nào người ta lại dùng toàn những tên hiệu lạ lùng vậy.
Quách Tỉnh nghĩ vậy, chàng quyết tâm vào thám hiểm “Vô Địch cốc” một chuyến để bái yết vị dị nhân tự xưng là “Cầu Bại”. Thế là chàng sửa sang áo xống chỉnh tề, ung dung bước vào hang cốc.