Quách Tỉnh lúc này đâm do dự, muốn vào bừa nhưng lại không dám, tính lui thì lại tiếc; đang lúc tiến thoái lưỡng nan, chợt nghe song điêu kêu inh ỏi trên không, chàng chợt nghĩ ra một kế và cười thầm ngay: “Rõ mình ngốc thật, đã không thể nào vào thạch trận, bộ mình không biết cưỡi điêu bay ngang qua sao?”
Nghĩ vậy chàng lập tức huýt sáo gọi chim điêu bay xuống, để cưỡi vượt ngay qua thạch trận.
Nào hay đôi chim điêu đã vì tuổi già sức yếu, sau khi cõng Quách Tỉnh bay được lối năm trượng thình lình đuối sức hạ thấp và quăng luôn Quách Tỉnh vào thạch trận; may nhờ thân pháp chàng nhanh nhẹn, thân hình vừa tuột khỏi lưng chim chàng vội dùng ngay thế “Ngọa Khán Xảo Vân” (Khéo nằm ngắm mây) để giữ thăng bằng cho thế ngã, lọt ngay vào một khe đá, may mà không bị thương gì, nhưng cũng do đó mà chàng bị vây luôn trong thạch trận, duy chỉ có cách vài trận, chàng đã không tìm ra lối thoát.
Nhưng vốn xưa nay là con người bình tĩnh, càng lúc tình thế gay go, chàng càng không rối trí. Quách Tỉnh đã không đi lung tung, chàng ngồi yên một chỗ, cốt chờ cho song điêu nghỉ lấy sức cho khỏe rồi lại tiếp tục hành trình. Con chim điêu đánh rớt chủ nhân lúc này sà ngay xuống tính cứu chủ nhân tiếp tục cuộc hành trình; nào hay khi cách mặt đất còn lối bốn năm thước, thình lình “vèo” một tiếng, một viên đá đánh trúng ngay ngực chim điêu; chỉ thấy chim điêu như bị người ta điểm huyệt, hai cánh rũ xuống và rớt “bịch” ngay xuống đất.
Quách Tỉnh thấy vậy cả kinh, không ngờ đối phương chỉ dùng một hòn đá nhỏ mà đã ngang nhiên chế ngự được linh đêu của mình, lối đánh này quả thật cao hơn nhạc phụ mình gấp mấy lần. Chàng lo chim điêu bị chết, vội tung mình vượt qua, ôm ngay cổ chim điêu kêu gọi :
- Cưng bị thương có nặng không? Đau lắm không?
Chưa dứt lời, con chim điêu thứ hai vồ ngay xuống. Quách Tỉnh thấy vậy hoang mang, bất giác thất thanh kêu gọi: “Coi chừng cưng!”, nhưng trong cơn tóe lửa đó, một hòn đá khác đã bay nhanh đến, khiến con này cùng chung số phận với bạn nó, lăn nhào ngay xuống đất, hết vùng vẫy.
Quách Tỉnh cả kinh, thầm nghĩ: “Đây là lối đánh gì kìa? Không lẽ là lối điểm huyệt sao? Chim không làm gì có huyệt đạo, mà có đi nữa đâu có giống loài người được?”
Chàng vôi khám xét cùng mình đôi chim điêu, nhưng nào có phát hiện thương tích nặng đâu, chỉ thấy toàn bộ lông chúng run lên như mắc cơn rét. Quách Tỉnh thấy vậy càng hoang mang kinh hãi.
Chàng vội cất tiếng nói vọng ra phía ném đá :
- Vị tiền bối nào trong cốc vậy? Quách Tỉnh vô tình tạt qua quý địa, đồng thời đọc những chữ thích trên tảng đá, lấy làm lạ nên mới mạo muội bước vào cốc. Nhưng hoàn toàn bởi tính hiếu kỳ thúc đẩy, quả thật không có ý gì với lão tiền bối, xin tiền bối tha lỗi và cho tại hạ được ra khỏi thạch trận.
Nói xong, Quách Tỉnh tưởng đối phương thế nào cũng lên tiếng, nào hay tứ bề đều im lặng như tờ. Chàng cố gắng chờ cả đỗi, tuyệt vô tăm hơi, trong lòng nổi giận âm thầm, lại lớn tiếng nói :
- Kính thưa lão tiền bối! Dù cho đệ tử có tội mạo phạm đến ngài đi nữa, cũng mong ngài bao lượng hải hà, đâu có lý nào đi vây kẻ vãn bối như vậy?
Quách Tỉnh vừa dứt lời, phía sau lưng chàng “vụt” một tiếng, một viên đá bay tới, bắn thẳng về phía “Não Hộ huyệt” của chàng. Quách Tỉnh hoảng kinh người, vội thụp ngay đầu xuống; nhưng viên đá quái đản vô cùng, khi còn cách Quách Tỉnh lối ba thước, chợt nó chợt nhiên biết rẽ lối quay ngang qua thân chàng rồi rớt trên mặt đất gần đó, tóe lên những đom đóm lửa.
Quách Tỉnh như chợt hiểu ra, lên tiếng ngay :
- Xin đa tạ tiền bối đã chỉ đường lối!
Dứt lời chàng không do dự, lập tức tung người nhảy theo vào khe đá.
Vào đến giữa trung tâm, lại một viên đá thứ hai rớt ngay về một khe đá khác, Quách Tỉnh cả mừng, biết chắc được vị dị nhân đang dẫn lối, chàng vọt nhảy ngay đi. Cứ thế Quách Tỉnh nhảy tới đâu có đá “chỉ lộ” tới đó; liên tiếp đi qua đến mười “cửa ải” chẳng bao lâu, Quách Tỉnh dời khỏi đám đá rối loạn, trước mắt chàng bỗng hiện ra gò đất cao lối mươi trượng trở lại, chính giữa là một sơn động nhẵn nhụi, đen tối và sâu thăm thẳm. Quách Tỉnh ngạc nhiên, chàng thầm nghĩ: “Không lý nào dị nhân tên gọi Độc Cô Cầu Bại lại ở nơi đây chăng?”
Đang lúc Quách Tỉnh mải suy đoán, phía sau thạch động bỗng vùn vụt bay lên hai bóng đen, chàng cả kinh vội tung mình về phía sau nhìn lại, thì ra song điêu của mình, chúng đã tung cánh bay vọt lên không kêu la rối lên. Lúc này chàng càng khâm phục lối ném đá điểu chim của dị nhân, bèn cung kính cúi mình vái về phía cửa động rằng :
- Đệ tử vừa rồi mạo phạm đến thần điêu của lão tiền bối, sự thật là đều do vô tình cả, xin ngài rộng lượng thứ lỗi... Đệ tử càng mong ngài hiện thân để đệ tử được chiêm bái tôn nhan, được vậy thật là tam sinh hữu hạnh cho đệ tử...
Chàng vừa lễ phép nói xong, thình lình một tiếng cười bật lên phía Quách Tỉnh, gần như sát ngay cạnh chàng, Quách Tỉnh giật thót mình; bỗng có tiếng quát theo :
- Tiểu tử! Cấm không được quay đầu! Hãy đỡ kiếm!
Vụt một luồng gió lạnh toát thổi ra, hình như một mũi kiếm đang đâm nhanh về phía gáy chàng.
Quách Tỉnh nghe vậy quả nhiên không dám quay đầu. Chàng biết rằng nếu quay đầu, yết hầu mình sẽ thủng ngay vì lưỡi kiếm của dị nhân. Chàng vội cúi khom người với thế “Phiến Thông Bối” (quạt gãi sau lưng) nhẹ nhàng tránh khỏi đường kiếm. Ngay lúc đó, bên tai Quách Tỉnh lại nghe :
- Thủ đoạn giỏi đấy! Vậy tiếp thêm chiêu nữa!
Tiếp đó “Soạt” một tiếng, mũi kiếm lại đâm ngay phía cổ chàng. Thế đánh nhanh không thể nào tả, Quách Tỉnh không còn thì giờ đâu để quay đầu nhìn địch thủ, chàng đành gập nhanh mình theo thế “Hàng Long chưởng pháp”, tránh luôn ngón đòn thứ hai. Thình lình, tiếng người ấy quát: “Trúng”. Chuyến này mũi kiếm xỉa thẳng xuống hạ tam lộ của Quách Tỉnh, khiến Quách Tỉnh không kịp hít hơi; chàng cuống lên và sực nhớ đến môn “Kỳ môn ngũ hành chuyển” của bố vợ Hoàng Dược Sư, chàng lập tức chuyển nhanh bộ pháp, từ bên mặt quay vèo sang trái, khiến cho hai đùi của mình lướt khỏi ngay làn kiếm của đối phương. Quách Tỉnh liên tiếp né một hơi ba đường tuyệt kiếm, và dùng hết ba môn học của Châu Bá Thông, Hồng Thất Công, Hoàng Dược Sư; đối phương thấy vậy nhảy bung về sau, cười lớn tiếng :
- Tiểu tử giỏi đấy! Ngươi đã liên tiếp né được ba đòn liên hoàn kiếm của ta, kể như đã cừ lắm, vậy hãy quay đầu lại đi!
Quách Tỉnh tuy né được ba đòn ác liệt, nhưng lòng chàng vẫn kinh sợ vô cùng, bởi dù sao cuộc thử này chứng tỏ đối phương hoàn toàn thao túng tính mạng mình trong tay.
Quách Tỉnh quay mình lại, chỉ thấy cách nơi mình đứng khoảng ba trượng một người già mặc áo bào màu xám tro, tuổi đã hoa giáp, nhưng râu vẫn đen nháy, trên tay cầm một cây cổ kiếm màu tim tím, thần sắc và lối ăn mặc trông chẳng khác nào như một vị tiên người ta thường vẽ trong tranh. Chàng lập tức cúi mình lễ phép rằng :
- Dám hỏi lão tiền bối phải chăng là sơn chủ sơn cốc này? Đệ tử Quách Tỉnh lạc đường vào bảo sơn, cúi xin lão tiền bối xá tội đường đột cho...
Người già cười khanh khách một hồi, xong đưa kiếm chỉ ngay Quách Tỉnh nói :
- Thế ngươi đã xem những chữ trên tảng đá ngoài động chưa? Chính ta là người đã khắc trên đó. Ngươi đã ăn hiếp con súc sanh chim điêu của ta, đâu phải là anh hùng hảo hán. Thôi thôi! Hãy mau lại ăn thua đủ với ta xem!
Quách Tỉnh nghe mấy câu nói này thì cả kinh. Thì ra ông già trước mặt mình đây là Độc Cô Cầu Bại, đã gọi là “Cầu Bại” chắc chắn võ công cao cường không thể nào tả được, mình làm sao có thể địch với hạng cao nhân kỳ dị này? Chàng vội tươi tỉnh cười nói :
- Kính thưa tiền bối, võ công đệ tử còn nông cạn lắm, đâu dám ngang nhiên so đấu với ngài... xin...
Quách Tỉnh chưa dứt lời, Độc Cô Cầu Bại đã ngước mày lên quát :
- Khách sáo làm gì! Hãy đỡ kiếm đây!
Dứt tiếng ánh tím nhoáng lên, một đường bảo kiếm đưa ngay về tim Quách Tỉnh.
Trong một khoảng cách hơn ba trượng xa, thế mà nháy mắt thân Độc Cô Cầu Bại đã vèo ngay tới trước mặt Quách Tỉnh, thân pháp nhanh hết chỗ nói; chàng hoảng người kinh hãi, vội dùng thân pháp “Không Minh quyền” nhoáng mình vèo tránh; chỉ nghe bên tai vang lên “Rầm” một tiếng dữ dội, thì ra một tảng đá lớn cách sau lưng chàng chừng ba thước đã bị phạt đứt làm đôi, lối chém đá trông chẳng khác nào như dao chém đậu hũ, tảng đá không hề văng một mảnh vụn nào, xem vậy đủ rõ nội lực của đối phương cao cường tinh thuần đến độ tuyệt đỉnh ghê gớm.
Quách Tỉnh toát mồ hôi lạnh, xưa nay chàng chưa hề gặp một kình địch nào lợi hại như vậy, chàng vội lớn tiếng :
- Thưa tiền bối! Đệ tử nào phải địch thủ của ngài đâu, tiền bối hà tất cố ép khó đệ tử như vậy; nếu ngài không tin lời nói của đệ tử, Quách Tỉnh này chỉ còn nước quỳ xin lỗi ngài!
Độc Cô Cầu Bại lạnh lùng rằng :
- Ta ẩn cư nơi “Vô Địch cốc” đã suốt ba mươi hai năm nay; trong thời gian này chỉ có bốn mươi bẩy cao thủ võ lâm vào cốc đây tỉ thí võ với ta, và chính ngươi là người thứ bốn mươi tám đã vào đây, nhưng chưa có ai lại ngốc nghếch như ngươi, tại sao vậy hả?...
Quách Tỉnh đỏ gay mặt nói :
- Đệ tử quả thật bản lãnh kém cỏi, đâu dám so lẽ phân bì với tiền bối. Xin người bớt nổi cơn thịnh nộ cho đệ tử nhờ...
Chàng chưa dứt tiếng, bóng tím đã nhoáng vù lên, toàn thân Độc Cô Cầu Bại đã tiến sát, vung chưởng nhắm ngay mặt Quách Tỉnh đánh sang. Quách Tỉnh tuy khiêm tốn, nói bản lãnh kém cỏi, nhưng dù sao lối tự phòng vệ vốn là bản năng hiển nhiên của con nhà võ, chàng lập tức vặn mình né tránh, lập tức mở ngay thế “Thời Thặng Lực Long” tung mình nhẹ nhàng tránh đòn. Độc Cô Cầu Bại bỗng cười ha hả :
- Tiểu tử! Bản lảnh ngươi không đến nỗi tệ đâu, đừng nên tự ti mặc cảm như vậy chứ. Cứ thẳng tay đi!
Quách Tỉnh ngượng ngùng, áy náy nói :
- Tiền bối quá khen, chẳng qua ngài đã quá nương tay đấy thôi!
Độc Cô Cầu Bại lạnh lùng :
- Ngươi đã đủ bản lãnh đánh bại con chim ưng của ta, bộ chim điêu của ta nể tình nương trảo của nó sao? Vậy ta hỏi ngươi môt câu, trong năm mươi năm trở lại đây, trong giang hồ đã có những nhân vật nào nổi tiếng? Có ai là kẻ vô địch trong thiên hạ chưa?
Quách Tỉnh đáp :
- Những người đã sớm nổi danh ấy, không ngoài các nhân vật như: Bắc Cái Hồng Thất Công, Đông Tà Hoàng Dược Sư, Tây Độc Âu Dương Phong, Nam Đế Đoàn vương gia, ngoài những người có thể liệt vào hàng anh hùng như Thiết Chưởng bang chủ Cừu Thiên Nhẫn, con người vô địch trong thiên hạ chỉ có thể suy tôn là Toàn Chân giáo chủ Vương Trùng Dương mà thôi.
Độc Cô Cầu Bại lạnh lùng rằng :
- Đông Tà, Tây Độc, Bắc Cái, Nam Đế, võ công của họ ta đã từng thấy, chẳng có gì gọi là bảnh lắm; còn Vương Trùng Dương thì chính ta đã có lần đến Chung Nam sơn tìm qua một lần, nhưng không gặp, lần thứ hai tìm lại thì lão đã tạ thế, thành ra rút cục cuộc thí võ bất thành.
Quách Tỉnh nghe xong cả kinh, bụng nghĩ thầm: “Vị Độc Cô tiền bối này khẩu khí hách dịch ghê, ngang nhiên không coi tứ đại cao thủ vào đâu, lại còn muốn tỷ thí võ công với kẻ thứ nhất trong thiên hạ Vương chân nhân!...”
Độc Cô Cầu Bại hình như đã đoán ra ý niệm của Quách Tỉnh, cười nói :
- Này tiểu tử! Bộ ngươi cho ta nói phét và coi rẻ tất cả hào kiệt anh hùng trong thiên hạ sao?... Thôi được, hãy theo ta lại đây!
Nói xong, đưa tay chụp ngay áo Quách Tỉnh, khẽ níu một cái, toàn thân Quách Tỉnh bị kéo và lôi hẳn vào phía hang cốc.
Quách Tỉnh càng kinh ngạc hết sức, chàng cố vận sức để vùng vẫy nhưng không sao nổi, đành chân cao chân thấp bước theo đà níu kéo của Độc Cô Cầu Bại đi thẳng về đáy cốc.
Nếu từ bên ngoài nhìn vào, “Vô Địch cốc” chẳng khác nào một “tử cốc”, nghĩa là gần như không lối thoát, nhưng trong cốc hoàn toàn khác hẳn; chẳng bao lâu Quách Tỉnh bị kéo vào phía sau.
Chỉ thấy một khu cây cối u nhã,không khí mát mẻ, bụng chàng thầm khen cảnh sắc ở đây thơ mộng thật, hèn gì vị Độc Cô tiền bối lại chọn một nơi như thế này để ẩn cư, có thể nói là một nơi tận hưởng an nhàn của tuổi già. Cả hai đi được chừng năm sáu dặm, phía cuối cốc xuất hiện một tảng đá lớn, trông không khác nào như một bình phong lớn của thiên nhiên. Ngay giữa tảng đá lớn ấy, lại nhô hẳn ra một tảng đá khoảng tám trượng vuông, trông tựa như một cái bình dài. Mặt đá có khắc ba chữ “Thí Kiếm Đài”. Quách Tỉnh nghi ngờ thầm: “Sao ông ta lại lấy nơi đây làm “Thí Kiếm đài” kìa?”.
Đến nơi vách đá, chợt Độc Cô Cầu Bại quay ngay đầu lại rằng :
- Này tiểu tử! Ngươi có thể lên trên mỏm đá này không? Hãy xem ta đây!
Dứt tiếng, ánh kiếm màu tím nhoáng và một tiếng cắm đến “phập” vào núi, sâu hơn nửa thước, chợt thấy Độc Cô Cầu Bại tung mình nhảy vèo lên, trong khi đó ông ta lại rút kiếm ra và cắm đường thứ hai, rồi lại tung mình theo đà găm kiếm, cứ thế chớp mắt ông ta đã lên cao trên mười trượng. Quách Tỉnh nhìn theo lối leo vách núi mà thán phục vô ngần.
Chính ra lối leo vách của Độc Cô Cầu Bại cũng chẳng khác gì các môn khinh công như “Đăng Bình Độ Thủy”, hay “Nhất Diệp Độ Giang” là mấy. Trong ba lối: Khinh công, nội công, khí công đều phải dung hòa cho thật khéo, thiếu một trong “ba công” này là hỏng chuyện.
Không đầy nửa tàn nhang, Độc Cô Cầu Bại đã ngang nhiên leo hết vách đá hơn sáu mươi trượng cao, và hiên ngang đứng trên “Thí Kiếm đài”.
Sau khi lên trên, Độc Cô Cầu Bại hú lên một tiếng hào hùng, rồi mới nhìn xuống dưới chân vách núi sâu thăm thẳm nói lớn với Quách Tỉnh :
- Tiểu tử! Ngươi cứ việc lên đây đi! Nếu lên được trên bình đài này, ta sẽ tặng cho ngươi một món quà xứng đáng, có thể có ích suốt đời cho ngươi là khác.
Quách Tỉnh tuy leo trèo khó khăn nhưng nếu mình không lên thì tỏ ra mình quá kém cỏi; chợt một linh cảm đến với chàng, chàng sực nhớ đến ngọn tỷ thư (dao găm) của Khưu Xứ Cơ đã cho mình, thầm mừng rằng: “Sao mình không bắt chước theo lối leo của người ta? Người ta làm được, mình cũng phải ráng làm cho kỳ được”.
Nghĩ xong, Quách Tỉnh quyết ý, hít ngay một hơi chân khí vào Đan Điền, rút ngay tỷ thư ra, mượn sức găm ngay lên vách, tung vọt mình lướt theo đà lên. Chàng bắt chước theo đúng kiểu của Độc Cô Cầu Bại nhưng có khác là mở thế với “Kiến Long Tại Điền”, mượn sức chấn động của chưởng lực để vọt thân hình lên. Chớp mắt chàng đã học mót lối leo vách của Độc Cô Cầu Bại, chớp mắt chàng đã nghiễm nhiên leo khỏi trên mười mấy trượng.