- Hoàng huynh! Lão nạp tạm chia tay bây giờ vậy, quan tài ngọc thạch của tôn phu nhân hiện còn trên bờ đảo, Hoàng huynh nên tìm chỗ nào mai táng đi, miễn lại “xúc cảnh sinh tình” thêm buồn.
Hoàng Dược Sư gật đầu, rồi đưa mọi người ra bến bờ đảo, kẻ ở lại người lên thuyền, sau vài câu căn dặn thường tình.
Trên đường về mọi người chuyện trò hàn huyên về cuộc đời của Hoàng đảo chủ, có thể nói là ai nấy đã cứu hồn mình trong cửa tử ra, nhất là trận đánh trên bờ đảo, Ngư, Tiều, Canh, Độc đều rùng mình khi nhắc đến.
Nhất Đăng đại sư thở dài nói :
- Con người của Hoàng Dược Sư tuy bước vào cảnh tà, thực họ cũng có nỗi khổ tâm của họ, vì thế họ đã đâm ra chán ghét đời, nên nhiều lúc có vẻ hờ hững lơ đãng với thiên hạ! Nhưng dù sao cũng còn có tính hiệp nghĩa, không đến nỗi tàn ác như Âu Dương Phong, dẫu chết mà vẫn không giác ngộ, vậy kỳ này chúng ta ở Thất Tinh ô chờ đợi họ vậy.
Chiếc thuyền con lênh đênh suốt một ngày một đêm, mới thấy đất liền xuất hiện, khi tấp vào bờ hỏi ra mới hay đây là địa giới Ninh Ba, mọi người lên bến, nhắm hướng Tây mà tiến bước về Lâm An. Từ Ninh Ba về Lâm An không đầy trăm dặm đường, suốt dọc đường về, có thị trấn và thôn trang, đúng là một khu đông dân nhộn nhịp và sầm uất.
Một hôm họ đi đến một thị trấn cách Lâm An không đầy ba mươi dặm ai nấy cảm thấy đói bụng, Nam Cầm đòi vào thị trấn kiếm gì ăn, mọi người đồng ý và kéo nhau vào thị trấn.
Kha Trấn Ác bỗng nhiên nói rằng :
- Ý! Ai cãi nhau đằng kia nghe quen tay lắm!
Có lẽ không ai thính tay bằng kẻ mù, vì người mù tâm trí luôn yên tịnh, nên âm thanh đối với họ rất nhạy cảm, họ dễ nhận sự kiện quanh họ!
Nam Cầm lập tức hỏi ngay :
- Kha đại hiệp, phải chăng là giọng nói của Khưu đạo trưởng?
Nàng vì nóng lòng cứu con, nên tưởng đâu Khưu Xứ Cơ đã cùng đồng môn đến trước đây.
Kha Trấn Ác rằng :
- Không phải! Chúng mình cứ vào thử trong thị trấn xem thì rõ ngay.
Đoàn người đi theo sau Kha Trấn Ác. Tay cầm thiết trượng, Phi Thiên Biển Bức Kha Trấn Ác chống gậy tiến thẳng vào, sau khi xuyên qua ba bốn phố, đến ngay một cửa tiệm bán toàn các đồ sành sứ chum, vãi, lu, chậu v. v... cất giọng nói ngay :
- Người quen ấy chính ở nơi đây!
Nam Cầm nhìn vào cửa tiệm “Ngõa điếm” thấy một đám người bu đông chật ních, Nam Cầm nhón chân nhìn qua từ đám đầu lô nhô, thì ra trước cửa tiệm những đồ sành bị bể vỡ tứ tung lang tàng, mấy người làm lao nhao lên, một người béo phì có lẽ là chủ tiệm mặt méo mó đang khóc dở, lên tiếng nói :
- Loạn rồi! Loạn! Lão tặc già cố ý hà hiếp chúng ta, ở xứ này có vương pháp đàng hoàng... hãy gọi ngay lý chánh lại đây, bắt người này đưa giải ra quan phủ!
Trên quày bàn, một ông già trông đầy vẻ khôi hài, râu mày trắng phơ, ngồi chễm chệ co chân lên, tay ôm đầu gối, thần sắc thản nhiên mặc cho lão béo gào bới inh ỏi, cười nói :
- Muốn đi thưa quan sao? Hay lắm, ta đã mặc cả vời ngươi, nhưng ngươi không chịu buôn bán với ta, thử hỏi coi lỗi quấy về ai? Vậy chúng ta cùng lên quan phủ phân bua xem.
Nhất Đăng đại sư nhìn kỹ người này bất giác “ồ” lên một tiếng, ông già này không ai xa lạ chính là Lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông!
Từ ngày luận kiếm Hoa Sơn lần thứ hai, Châu Bá Thông chỉ sợ Anh Cô đến quấy nhiễu, tái tiếp tiền duyên, nên mới phiêu bạt nay đây mai đó, hôm nay khéo lại đến Lục Hòa trấn đây. Tuổi tuy già nua, nhưng tâm tính vui nhộn như trẻ nhỏ, quà không hổ dành với ngoại hiệu “Lão Ngoan Đồng”.
Khi Châu Bá Thông tạt ngang cửa tiệm buôn đồ sành sứ, gặp đúng lúc cửa tiệm này đang bày bán những hình trẻ con nho nhỏ bằng sành và sứ. (Đồ sành sứ của Vô Tích vốn nổi tiếng bên tàu, nhất là những mẫu tượng bằng sứ được chế tạo khéo léo tinh xảo, trông linh động không khác người sống thật vậy). Châu Bá Thông đứng xem say mê những hình người nho nhỏ đẹp mắt ấy, bản thân Châu Bá Thông đả ăn mặc lôi thôi lếch thếch, tướng mạo chẳng khác gì nhà quê mới ra tỉnh!
Lão béo ngồi nơi chưởng quày thấy vậy mới lên tiếng dõng dạc :
- Này lão kia, lão có mua gì không? Nếu không thì đi chỗ khác mà xem, đừng có đứng đây án cửa hàng người ta như vậy!
Nào ngờ câu nói của lão béo chủ tiệm đã khiêu gợi tính nghịch của Lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông, Lão Ngoan Đồng rủa thầm trong bụng: “Thằng phệ chết toi này dám khi người, để ta cho ngươi nếm chút thủ đoạn”!
Châu Bá Thông đã quyết ý phá phách lão chưởng quày, bèn nói :
- Lẽ dĩ nhiên là ta mua đồ rồi, này chưởng quày thế những đồ sứ của quý tiệm đây bán bao nhiêu một cân?
Mấy tên giúp việc nghe vậy đều bịt miệng cười :
- Những đồ sành sứ xưa nay đều bán theo từng món khác biệt của nó, nào có ai đi hỏi mua bằng cân lượng bao giờ đâu.
Lão chưởng quày béo phệ cho rằng Châu Bá Thông là tên nhà quê ngốc nên chẳng cần đắn đo nói ngay :
- À! Những đồ sứ trong tiệm chúng tôi bán với giá mười quan tiền một cân, ông thích cái gì cứ việc lấy đi.
Châu Bá Thông “ồ” một tiếng xong nói :
- Mười quan một cân sao. Không đắt, không đắt!
Mấy người làm trong tiệm nghe Châu Bá Thông nói vậy, đều ôm bụng cười, vì một cái chum sành ít nhất cũng nặng mười cân, một cái chậu ít nhất năm cân, nếu Châu Bá Thông mua theo lối cân, tệ nhất cũng phải tốn đến trăm quan tiền một cái chum sành, ba bốn chục quan tiền một cái chậu, thực ra những loại hàng này chỉ đáng có vài quan tiền mà thôi.
Có thể nói là lão béo chưởng quày đã chơi khăm đến mức cao độ! Nào ngờ Châu Bá Thông ung dung bước ngay lại phía để chum, đưa tay nhắc ngay một cái lớn giơ ngược lên, dùng ngón tay búng ngay đáy chum “cạch” một tiếng văng ngay ra, nói với lão béo chưởng quày :
- Bây giờ ta không mua theo cân nữa, ta chỉ mua mảnh bể này thôi, mảnh sành này chắc cao tay lắm là cân được một tiền năm phân, vậy đáng bao nhiêu tiền? Nói mau!
Lão chưởng quày nằm mộng cũng không ngờ rằng Châu Bá Thông lại chỉ mua có chút mảnh sành bề ấy, với sức nặng chỉ có một tiền năm phân, còn chưa đáng giá nữa đồng điếu, nhưng cái thiệt hại trước mắt là chum lớn của mình đã bị thủng đáy, trở thành phế vật, làm sao bán được nữa. Chính lão chưởng quày tính chơi khăm Châu Bá Thông nào ngờ lại bị Châu Bá Thông xỏ đau như thế! Bất giác trợn mắt đớ họng.
Chưa kịp nói thì Châu Bá Thông lại nhắc thêm hai chậu sành thảy ngay xuống đất, cả hai đáy chậu đều thủng lỗ, rớt văng ra hai mảnh sành nhỏ, Châu Bá Thông nhặt hai miếng nhỏ ấy tỉnh bơ nói :
- Này chưởng quày, hãy cân luôn hai miếng này nữa tính hết cả xem tôi phải trả bao nhiêu tiền?
Lão chưởng quày thấy thủng thêm hai chậu sành, vậy đâu còn bán cho ai được nữa, bất giác nổi cơn lôi đình quát tháo :
- Ê lão kia! Người tới mua đồ hay phá tiệm vậy?
Châu Bá Thông “ý” một tiếng nói :
- Á, ra quý tiệm có lệ bắt khách hàng phải mua đúng cân chứ không bán theo một lượng một tiền hả? Được được được! Ta sẽ chọn thêm ít hàng nữa cho đủ cân vậy.
Dứt lời “tách” một tiếng, một chum nguyên lành khác bị bể. Mấy tên gia nhân trong tiệm ra ngăn cản, Châu Bá Thông giơ tay đẩy cả đám ngã chúi về sau, rồi Châu Bá Thông lại lên tiếng :
- Ta mua thêm cho đủ cân, đứa nào dám lại ngăn ta coi?
Thế là Châu Bá Thông nhảy nhót như chim sáo trong lồng, hết bên này sang phía nọ, chớp mắt đập hết luôn mười mấy cái chum, và lượm vu vơ những mảnh vụn chất đống lại, nói là mua đúng một cân, thực ra trong tiệm lúc này đã tổn thất quá nặng nề, lão chủ phệt ra không khác nào như người câm ăn phải “Hoàng liên” (một vị thuốc rất đắng) có miệng nhưng không biết nói sao!
Châu Bá Thông đòi sành vụn theo ý, nên lão một hơi quất bể hết sáu chiếc chum dành, chín cái chậu, tiệm buôn đã tổn thất bảy tám chục quan tiền. Nhưng Châu Bá Thông chỉ đưa có bạc chục mà thôi.
Lão chưởng quày béo tức gần bốc khói trên đỉnh đầu. Lão vội rời ngay quày tiền chạy tới nhắm thộp ngay ngực Châu Bá Thông, Lão Ngoan Đồng vung hai tay lên gạt, thân hình mập ú của lão ngã dúi mũi xuống giơ khu lên trời.
Châu Bá Thông lại quát :
- Ngươi nói tiệm ngươi ít nhất một cân hàng mới bán, vậy ta đã mua như thế không được sao? Bộ còn muốn ta mua thêm nữa sao?
Mấy tên gia nhân hồn phi phách lạc, đành năn nỉ ỷ ôi với Châu Bá Thông rằng :
- Thưa lão gia! chưởng quày chúng con không biết cách ăn nói, nên xúc phạm đến ngài, ngài là kể đại nhân quân tử không nên trách hạng tiểu nhân chúng con. Nếu ngài không thương tình mà còn đòi mua thêm một cân mảnh sành như thế, chắc có lẽ bọn con phải dẹp gấp cửa tiệm này! Xin ngài tội nghiệp cho!
Châu Bá Thông cất tiếng cười hả hê!
Lão Ngoan Đồng nhảy chồm lên quày co chân ôm gối rồi chỉ ngay chưởng quày mắng :
- Lão heo mập ú kia! Lão gia chẳng qua đứng cửa tiệm xem một chút, thế mà ngang nhiên hách dịch tác oai tác phúc. Khi ta đòi mua hàng, ngươi dám cả gan trêu chọc ta, nếu không cho các ngươi bài học, chắc ngươi tưởng là những dân quê ra tỉnh, đều là người dể ăn hiếp cả chăng?
Thì ra lão chưởng quày này không phải là chủ tiệm, mà chỉ là viên quản lý, nay chum vại bể nát tổn thất như vậy nhất định chủ tiệm sẽ bắt mình đền, và lão làm sao đền cho nổi.
Miệng hô hoán inh ỏi bắt người, và khi Nhất Đăng đại sư đến nơi, cũng là lúc đôi bên cãi nhau đến mức cao độ tưng bừng.
Nam Cầm hỏi đầu đuôi câu chuyện với người bên cạnh mới biết Châu Bá Thông cố trêu lão chưởng quày, suýt cười lên tiếng luôn.
Còn Nhất Đăng đại sư, ngầm vận ngay “Nhất Dương chỉ” rẽ hai bên tả hữu, nói cũng quái lạ trong gần hai chục người đứng xem náo nhiệt ấy, đều bị chia ép ra hai phía, làm như có bức tường vô hình ngăn đôi đám người vậy.
Nhất Đăng đại sư ung dung bước thẳng ngay vào tiệm. Ông chắp tay lên ngực lớn tiếng nói rằng :
- Kìa Châu huynh, vẫn mạnh giỏi đấy chứ? Sao lại đi gây gổ với loại người tạm nhạp này cho mệt hơi vậy?
Từ ngày gặp mặt Nhất Đăng đại sư trong dịp luận kiếm lần thứ hai tại Hoa Sơn, Châu Bá Thông biết ngay vị hòa thượng này chính là vì vua của nước Đại Lý (Vân Nam ngày nay) gọi Đoàn hoàng gia, nay Châu Bá Thông thấy Nhất Đăng đại sư đến bất giác thất kinh, vì bỗng Châu Bá Thông nhớ đến vụ mình tư thông với Lưu quý phi xưa kia tại Vương cung Đại Lý, tự mình cảm thấy ăn năn vô cùng với Đoàn hoàng gia. Nay thấy đối phương gọi minh, lập tức nhảy tuột ngay xuống đất, co giò lo rời ngay “ngõa điếm” để tránh phải chuyện trò đối đáp với Nhất Đăng đại sư.
Ngư, Tiều, Canh Độc bốn đệ tử thấy Châu Bá Thông đánh nước chuồn, cùng nhau tiến nhanh chặn ngay rằng :
- Châu lão anh hùng khoan đi đã!
Châu Bá Thông cả giận rằng :
- Lão Ngoan Đồng này muốn đi là đi, ai dám ngăn cản ta.
Dứt lời đấm ngay một quyền về phía Ngư phủ. Ngư phủ vội giơ tay tính gạt, nào hay Châu Bá Thông đã dùng ngọn tuyệt học “Kháng Long Hữu Hối” tay đối thủ vẫn còn chưa tiếp xúc với đối thủ, Châu Bá Thông đã cúi nhanh đầu xong bừa sang phía Tiều phu và Nông phu. Tiều Canh hai người vội giở ngay “Tiên Thiên công” ra mỗi người đưa ra một chưởng, hạ thấp ngay xuống phí ngực của Châu Bá Thông, vì quá thấp Lão Ngoan Đồng vô kế khả thi, đành vung luôn hai tay giải gỡ, tay trái dùng ngay thế “Không Sào Vô Điểu” trong “Kháng Long Hữu Hối” ra chịu đỡ cánh tay của Nông phu mượn xảo dụng kình, với lực chọi lực “bịch” một tiếng, Nông phu bị đẩy bật vào đám đông người đang hiếu kỳ xúm xem phía sau, tay phải dùng lối “Thất ất quyền” trong “Niêm tự quyết” đẩy bung luôn Tiều phu ra bảy tám bước!
Châu Bá Thông vừa tính tung mình bay vào quất đấu họ. Bất ngờ Nhất Đăng đại sư từ phía sau giơ ngay tay mặt ra, túm ngay vạt áo sau lưng của Châu Bá Thông, Lão Ngoan Đồng cuống hoảng lên rối rít kêu tướng :
- Trời ơi! Mau buông ra! Tôi đang mắc bệnh tháo dạ! Ối ối!... Tôi vãi thối ra bây giờ... mau buông tay ra!...
Nhất Đăng đại sư ngạc nhiên rằng :
- Châu huynh!
Châu Bá Thông gắt gỏng lên :
- Châu huynh với Châu đệ cái gì, mau mau buông tay ra không, ta vãi thối ra đây bây giờ!... Người ta mắc bệnh tháo dạ mà cứ đùa ác vậy!...
Nhất Đăng đại sư đành buông tay, Châu Bá Thông nhân cơ hội chuồn nhanh như làn khói.
Nam Cầm lên tiếng :
- Đại sư, vị Châu lão gia chạy mất rồi.
Nhất Đăng đại sư lúc này mới hay mình bị Châu Bá Thông đánh lừa, đành lắc đầu thở dài :
- Suốt đời Châu Bá Thông làm chuyện gì cũng rắc rối tứ tung lăng tăng, chẳng đâu vào đâu, tuổi tác đã già nua như vậy mà vẫn tính nào tật nấy đáng tiếc!...
Châu Bá Thông vốn là cao thủ võ lâm, võ công không thua gì Âu Dương Phong, hơn nữa lại thuộc làu “Cửu Âm chân kinh” ngoại trừ Quách Tỉnh ra, có thể nói Châu Bá Thông là nhân vật thứ hai có thể khắc trừ nổi Tây Độc, nhưng tiếc cái Lão Ngoan Đồng vừa gặp Nhất Đăng đại sư xuất hiện đã như gặp rắn dữ, chỉ sợ trốn không kịp, khiến nỗi Nhất Đăng đại sư vô cùng buồn tiếc.
Bốn đệ tử Ngư, Tiều, Canh, Độc tính truy tầm theo Châu Bá Thông Nhất Đăng đại sư xua tay rằng :
- Người ta đã không muốn gặp chúng mình, có đuổi theo cũng chẳng ích gì, chúng mình quay về Thất Tinh ô cho rồi.
Lúc này những người xem náo nhiệt tại nơi tiệm buôn đồ sành, thấy Châu Bá Thông đã đi, ai nấy đều tản mác ra về, chỉ thương hại thay cho lão béo chưởng quay chẳng thu được đồng điếu bồi thường nào của Châu Bá Thông. Chỉ còn nước than trời kêu đất là xui xẻo.
Sau khi ăn uống, đoàn người cùng Nhất Đăng đại sư rời khỏi Lục Hòa trấn, nhắm hướng Thất Tinh ô tiến phát.
Không đầy nữa ngày, họ đã về đến thôn Thất Tinh ô. Nam Cầm về đến nhà tinh thần buồn rầu hẳn.
Nhất Đăng đại sư lên tiếng :
- Tần cô nương, cô cứ việc ở nhà nghỉ cho khỏe sức đi! Phàm việc gì cũng chớ nên hấp tấp nóng nảy, Hoàng đảo chủ và Khưu đạo trưởng đã nhận lời là ba tháng sau sẽ lại giúp cô về việc tìm con vậy cô an tâm mà chờ họ.
Nam Cầm hấp tấp hỏi :
- Nếu vậy đại sư và mấy vị cao túc của ngài sẽ đi đâu?
Nhất Đăng đại sư cười rằng :
- Lão nạp vốn là hòa thượng của cửa Phật, đâu tiện ở chung đây trên hai tháng trường như vậy, nhất là đối với tai tiếng kỳ dị của người bản thôn ở đây. Vậy cô cứ yên chí, đến lúc đó tôi sẽ trở lại.
Nam Cầm nghe vậy đỏ mặt, tuân lời và đa tạ ngay, Nhất Đăng đại sư khuyên nhủ thêm rồi ra đi.
Sau khi Nhất Đăng đại sư ra đi, Nam Cầm sống qua ngày bằng lối khâu vá, thời gian lờ lững trôi qua, chớp mắt đã mười mấy ngày. Một hôm Nam Cầm dậy lo cơm nước để ra ruộng làm, bỗng nghe két một tiếng cửa mở, có hai đứa trẻ lớn chạy vào, hai đứa trẻ này vốn ở thân cận, thường chơi quen với Dương Quá, lúc này tay mỗi đứa cầm một vật vàng ối nói với Nam Cầm :
- Thưa Tần đại cô, xem này.
Thì ra trong tay hai đứa trẻ, mỗi đứa cầm một nén vàng, ít nhất trên hai lạng một nén, người trong thôn sinh hoạt nghèo và chỉ đủ ăn, đến như những nén bạc cũng khó thấy thế mà hai đứa trẻ ở đâu mà có bốn nén vàng như vậy.
Nam Cầm ngạc nhiên vô cùng hỏi :
- Kìa ai cho hai cậu thế? Hay là bắt được ngoài đường?
Hai đứa trẻ đồng thanh dịu giọng trả lời :
- Thưa Tần đại cô, nén vàng này không phải bắt được đâu, mà của một vị bá bá cho chúng cháu, và người này đã hỏi thăm chúng cháu Dương tiểu ca đã về đây chưa!
Nam Cầm thất kinh hỏi :
- Vị bá bá nào vậy?
Hai đứa nhỏ lại kể :
- Ấy chính là vị bá bá râu ria đầy mặt, ăn mặc lôi thôi, mà hôm trước đã đụng gãy mấy cây táo trong vườn đó!...
Nam Cầm thất kinh rằng :
- Trời ơi đó là Tây Độc Âu Dương Phong!
Thì ra hai đứa nhỏ sang sớm vào rừng lượm củi, đang lúc loay hoay, bỗng có tiếng sáo rẽ ngay phía sau lưng chúng vội quay đầu nhìn lại, đã có một người đứng đó tự bao giờ, mà chính ông già đã phát điên trong rừng táo trước đây nhưng chuyến này diện mạo quái nhân khác hẳn chuyến trước, mặt mũi hết lem luốt máu me, quần áo cũng đàng hoàng, trên tay lại cầm cây trượng thép, trên cây trượng có đôi rắn vi vẩy óng quấn quýt, hết bò lên lại trườn xuống, chúng thấy ông già điên quái dị rùng rợn kinh người, cả hai hết hồn hết vía lùi dần về phía sau.
Quái nhân này chính là Tây Độc Âu Dương Phong, thấy hai đứa trẻ run sợ như vậy, một trận cười như chảo vỡ vang lên liên hồi, thình lình tiếng cười im bặt, mắt quắc ngược lên, lớn giọng quát :
- Này ta hỏi! Thằng bé họ Dương phải là bạn hai đứa bây không? Nó đã về đây chưa?
Cả hai đứa nhỏ tái mặt, đứng run như thằn lằn đứt đuôi, khá lâu chúng mới miễn cưỡng lắc nổi chiếc đầu trên cổ ấp úng :
- Nó... nó... chưa về đây ạ!...
Âu Dương Phong nghe nói Dương Quá chưa về, bất giác ngẩn ngơ, chợt lại cười ngất ngưởng, lấy ra một nén vàng đưa ngay ra ngay trước mặt hai đứa nhỏ nói :
- Hai đứa bây phải ngoan tao mới cho chúng bay cái này, sau này tao chuyện gì trong thôn chúng bây phải trả lời cho đúng, cấm chẳng được nói láo, biết không.
Hai đứa trẻ không ngờ gặp quái nhân rộng rãi như vậy cả hai đều lè lưỡi kinh hoàng, Âu Dương Phong bẻ nén vàng thành hai, vứt ngay xuống dưới chân hai đứa nhỏ rồi nói :
- Đó, mỗi thằng một nửa, cầm lấy đi.
Nói xong xách xà trượng quay thân đi tuốt luôn.