- Tiểu thư ơi, tiểu thư.
Cái Lúa gân cổ gào to.
Ngọc Bích giật mình mở mắt. Nàng bực bội quát:
- Cha mày, gọi gì như gọi đò thế?
Cái Lúa nghe thấy giọng nói của nàng. Nó vội vàng chạy tới, vừa thở vừa nói:
- Tiểu thư ơi, ông gọi tiểu thư về ăn cơm ạ.
Ngọc Bích vươn vai đứng dậy. Nàng quay qua hỏi nó:
- Ông nội với ông ngoại còn ở nhà tao không?
Cái Lúa nhanh nhảu đáp:
- Hai cụ đang chuẩn bị ngồi xuống mâm cơm rồi ạ. Tiểu thư về nhanh kẻo bị ông mắng ạ.
Ngọc Bích chán nản đáp lời:
- Biết rồi.
Lúc Ngọc Bích về tới nhà thì mọi người đã ngồi đầy đủ ở xung quanh mâm cơm.
Ngọc Bích chào hỏi người lớn rồi đi rửa mặt, rửa tay. Xong xuôi, nàng mới đi lên nhà chính. Nàng vừa tháo dép, chưa cả kịp ngồi xuống chiếu đã nghe thấy một tiếng "hừ" đầy khinh bỉ.
Ngọc Bích bỏ ngoài tai thái độ đầy khinh miệt của ông nội. Nàng so đũa cho mọi người. Sau đó lễ phép cất giọng mời cơm:
- Con mời ông nội, ông ngoại ăn cơm ạ. Con mời bố mẹ ăn cơm ạ.
Tiếp đó, ông Thắng bà Nga cũng lên tiếng mời cơm hai vị trưởng bối.
Ông ngoại Ngọc Bích tươi cười nói:
- Rồi, rồi, ăn cơm thôi.
Ông nội nàng cũng gật đầu, tiếp lời:
- Ăn cơm.
Trên bàn ăn của các gia đình có học thức có một quy định bất thành văn, đó là khi ăn cơm không được nói chuyện, hạn chế phát ra tiếng và ăn một cách chậm rãi, nhẹ nhàng.
Mâm cơm đủ đầy, ngon ngọt được bày sẵn ở trước mặt. Nào là gà luộc, thịt heo rừng nướng, miến ngan, rau muống xào tỏi, lại thêm một bát nước rau dầm sấu cùng món chè bưởi dùng để tráng miệng. Ngon ngọt nhường ấy, song Ngọc Bích lại cảm thấy nàng ăn đồ ăn giống như đang nhai rơm rạ, không thể cảm nhận được bất cứ mùi vị nào.
Và tự dưng nàng thấu hiểu ý nghĩa của hai câu ca dao:
"Dọn cơm chống đũa ngồi nhìn/ Mảng sầu người nghĩa, thất tình quên ăn."
Ngọc Bích ăn được non nửa bát cơm đã cảm thấy no bụng. Nàng đặt chiếc bát trống không xuống, lễ phép thưa:
- Dạ thưa ông nội, ông ngoại, bố mẹ, con thôi ạ.
Ông ngoại nàng thấy vậy liền hỏi:
- Cháu gái ông sao lại ăn ít thế nhỉ? Đang tuổi ăn tuổi lớn phải ăn mạnh lên chứ.
Ngọc Bích cười cười trả lời ông cụ:
- Dạ con ăn no rồi ạ, con xin phép lên phòng ạ.
Ông Thắng bà Nga đau lòng con gái, nhưng có ông nội đang ngồi trên bàn cơm nên họ cũng không tiện nhiều lời.
Bà Nga mở miệng giải vây cho nàng:
- Chắc sáng ăn quà chợ nên giờ không ăn nổi cơm có đúng không? Thôi lên phòng nghỉ trưa đi.
Ngọc Bích nói "vâng ạ" rồi quay người đi.
Song nàng vẫn nghe được tiếng ông nội càm ràm ở phía sau:
- Anh chị lại nuông chiều nó.
...
Ngọc Bích nằm trên những chiếc lá sen được xếp ngay ngắn thành một chiếc giường nhỏ. Hương sen thanh khiết lởn vởn quanh chóp mũi nhỏ xinh của nàng.
Ngọc Bích run run hàng mi dài, nàng chậm chạp mở mắt ra. Trước mặt là đầm sen bát ngát, mênh mông, sắc hồng sắc xanh xen lẫn với nhau, nét đẹp thanh cao mà mộc mạc, dễ dàng khiến người rũ bỏ tạp niệm, thành tâm yêu thích.
Bất chợt một giọng nói dịu dàng chẳng quen chẳng lạ vang lên bên tai Ngọc Bích:
- Trưa hè hây hẩy gió Nồm đông,/ Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng./ Lược trúc lỏng cài trên mái tóc,/ Yếm đào trễ xuống dưới nương long./ Đôi gò Bồng Đảo hương còn ngậm,/ Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông.
Những câu thơ trên vốn dùng để miêu tả nét đẹp thanh tân của người thiếu nữ. Nhưng chẳng hiểu sao khi những dòng thơ đó được rót vào tai Ngọc Bích, nàng lại cảm thấy lời thơ mang đầy ý tình sắc, ít nhất trong hoàn cảnh hiện nay là vậy.
Ngọc Bích giật mình quay đầu lại. Vành tai khẽ chạm phải đôi môi hồng thắm kia, đỏ ửng.
Khuôn mặt cùng khoé môi ngậm cười của Thanh Vân hiển lộ trong tầm mắt của nàng.
Ngọc Bích cả người cứng ngắc, chân tay luống cuống không biết đặt đâu cho phải.
Trái ngược với nàng, Thanh Vân lại như một người sành sỏi từ lâu, ánh mắt chị cong cong, dính chặt vào người nàng.
Đôi bàn tay chị nhẹ nhàng đưa ra đằng sau, cởi bỏ tấm yếm đào - vật che thân duy nhất ngoại trừ chiếc váy đụp dưới thân của Ngọc Bích.
Vẫn là bàn tay dày dặn với lớp chai mỏng ở dưới ngón tay ấy, mơn trớn từng tấc da thịt của nàng.
Ngọc Bích khó hiểu xen lẫn chờ mong. Nàng hiểu tại sao mình khó hiểu, nhưng chẳng rõ tại sao lại chờ mong.
Thiếu nữ trên lá sen khó chịu vặn vẹo cơ thể, đôi gò bồng đảo hồng hào cũng theo đó mà đung đưa.
Thanh Vân cười mỉm nhìn nàng, cánh môi đào chậm rãi đưa lại gần...
Ngọc Bích ngồi bật dậy. Cơ thể khó chịu, tê ngứa không chịu nổi. Nàng với tay ra đằng sau sờ lưng, ẩm ướt những là mồ hôi.
Ngọc Bích nghĩ lại những chuyện xảy ra trong giấc mơ.
Thật...thật là xấu hổ. Tại sao nàng lại mơ một giấc mơ như thế cơ chứ?
Ngọc Bích hoang mang vò đầu, tự biến đầu mình thành một chiếc tổ quạ danh xứng với thực.
Nàng chán nản cất giọng gọi:
- Con Lúa đâu?
Cái Lúa đang ngồi chơi cỏ gà ở gần cửa phòng Ngọc Bích. Nó ngay lập tức đáp lời:
- Dạ.
Cái Lúa chạy vào phòng của Ngọc Bích, hỏi:
- Tiểu thư có việc gì sai em vậy ạ?
Ngọc Bích vuốt lại tóc cho thẳng rồi nói:
- Mày đi chuẩn bị nước tắm cho tao đi. Mát mát một chút.
Cái Lúa hỏi lại:
- Tiểu thư muốn tắm ạ? Trưa nắng mà tắm là dễ bị cảm lắm đó tiểu thư.
Ngọc Bích đang sẵn bực bội trong người, nàng gắt gỏng:
- Cần mày dậy tao à? Rồi mày có đi chuẩn bị không? Hay cứ đứng đấy?
Cái Lúa biết tiểu thư không vui, nó "vâng" một tiếng rồi lanh lẹ chuồn đi.
***
Ngọc Bích bước ra khỏi phòng tắm.
Thau nước mát mẻ dội trôi đi hết thảy ưu phiền. Quả nhiên tắm xong cơ thể cùng tâm hồn trở lên thư thái hẳn.
Ngọc Bích cố quên đi những hình ảnh tình sắc trong giấc mơ thiếu nữ hồi ban trưa.
Nàng ngồi xuống chiếc bàn gỗ trong phòng sách, định dùng những câu răn dậy của các bậc hiền triết để gột rửa tâm hồn đã bị "nhúng chàm" của mình.
Ấy vậy mà khi tờ giấy trắng phau được trải lên mặt bàn một cách thẳng thớm, những dòng chữ nắn nót dần xuất hiện trên tờ giấy ấy lại là:
"Rắn đứt đầu, rắn hãy còn bò/ Chim đứt cánh, chim hãy còn bay/Từ ngày xa bạn tới nay/ Cơm ăn chẳng đặng, nằm hoài tương tư."