Thời gian này là lúc bận rộn thi giữa kì.
Vì tôi muốn ở lại học viện nên cần giữ vững thành tích chính quy, qua giữa kì đúng là khá khổ cực. Khoa nghệ thuật của La Hoàn Khởi cũng cần có tác phẩm gì đó, ngày nào cũng đi sớm về trễ.
Nghĩ kĩ lại, dù đang cùng ở dưới một mái nhà nhưng phải đến nửa tháng rồi chúng tôi không ăn cơm cùng nhau, mặc dù với tư cách chỉ là bạn cùng phòng thì không ăn chung mới là bình thường.
Tôi nghĩ chờ khi chúng tôi xong đợt này là có thể hẹn nhau ăn cơm.
Kết quả là buổi tối có chút bất ngờ.
Đội bóng chày trường tôi thắng trận đấu giao hữu, đi thẳng vào trận đấu vòng tròn quốc gia, bên đại lễ đường có một đống người đang ăn mừng. Tôi vốn không muốn góp vui trong đám người nhưng lại nghĩ đến việc đi trả sách thì đường từ lễ đường tới thư viện khá gần, thế nên tôi chọn đi con đường gần đó.
Tôi đi qua đám người, thấy dây giày tuột, tôi nghĩ tới chỗ rẽ sẽ buộc lại sau, chẳng ngờ chưa tới ngã rẽ đã bị người ta giẫm phải, tôi kêu một tiếng rồi ngã xuống, rất bất hạnh lăn lông lốc xuống cầu thang.
Chân tôi đau đến chết lặng, có cảm giác cổ chân bị thương rồi. Cũng may là xung quanh nhiều người, mọi người ba chân bốn cẳng đưa tôi tới phòng y tế. Bác sĩ nói là rách dây chằng, cổ chân tôi giờ cũng đã sưng vù, bác sĩ phải dùng đá lạnh để chườm. Lúc nãy chưa thấy đau, bây giờ vừa đặt đá lên, tôi đau tới mức lập tức kêu “Oái” một tiếng. Bác sĩ dùng băng vải cố định, nói đây không phải vấn đề nghiêm trọng, chỉ gần vận động ít, tĩnh dưỡng là được.
Bên phòng y tế mượn cho tôi một cái xe lăn, tôi cười khổ, cũng may là đường dành cho người tàn tật ở nước ngoài rất tiện, tôi cứ một mình đi một đường, kể ra cũng thoải mái.
Đến nhà trọ, tôi phải lên dốc, mất bao nhiêu sức lực mới có thể tới trước cửa, đang đắc ý thì gặp La Hoàn Khởi và Hắc Địa. La Hoàn Khởi ngơ ra, Hắc Địa hoảng hồn:
– Anh sao đấy?
Tôi xua tay:
– Không để ý, ngã lăn quay một phát.
La Hoàn Khởi lắp bắp:
– Xương… gãy rồi?
– Rách dây chằng.
– Rách dây chằng là gì? Xé rách như nào?
Cậu ấy ngồi xổm xuống, nhìn chân tôi.
Tôi chỉ đành tốt bụng nhắc:
– Phần cạnh đầu khớp xương bị rách, mắt em có phải X-quang đâu, không thấy được.
Cậu ấy quay lại nói với Hắc Địa:
– Tao không đi với mày nữa, mày xem, anh Nhuận thành thế này rồi đây, lát nữa rồi nói chuyện sau.
Hắc Địa cũng thông cảm, gật đầu tạm biệt.
La Hoàn Khởi rất nghiêm túc:
– Thương gân động cốt một trăm ngày. Thời gian này em chăm sóc anh.
Tôi cười:
– Không đến mức ấy, hai ba tuần là đi lại được rồi.
Cậu ấy rầu rĩ ừ một tiếng, đẩy tôi vào thang máy.
Không biết La Phú Quý bị đả kích cái gì mà cứ im lặng không nói. Buổi tối cũng không thấy có ý tưởng nấu ăn mới nào, cậu ấy chỉ gọi cơm bên ngoài thôi.
– Em biết anh vẫn chê đồ em nấu có mùi lạ. Anh bị thương, không thể ép anh được nữa.
Cậu ấy miễn cưỡng cười.
Tôi không muốn làm phiền cậu ấy thêm, vội ăn rồi về phòng.
Đang định chuyển từ xe lăn lên giường thì La Hoàn Khởi đẩy cửa vào, vòng cánh tay dưới nách tôi, nửa dìu nửa tha tôi lên giường, sau đó cực kì tiêu sái để lại cho tôi một bóng lưng rồi đi ra.
Này này, cậu hẵng lấy di động, ipad các thứ cho tôi chơi đã chứ, tôi ngồi trên giường buồn chán lắm!
Nhưng hết cách, cậu ấy đi quá dứt khoát, tôi không kịp giữ lại.
Chân nhoi nhói đau, đúng là không ngủ ngay được.
Tôi nghe có tiếng mở cửa nhà. La Hoàn Khởi ra ngoài, khi về đã hơn một giờ đêm, đúng lúc tôi đứng dậy đi vệ sinh. Cằm cậu ấy có vết thương, quần áo cũng xộc xệch.
Tôi phải cảm thán đây quả là một tên trẻ trâu. Ai mà như cậu ta, đã học đại học rồi còn ngày ngày ra ngoài đánh nhau? Rõ ràng là chuyện chỉ có bọn trẻ trâu cấp hai mới làm.
Cậu ấy về, thấy tôi chưa ngủ thì ngạc nhiên, nhìn cửa nhà vệ sinh, hỏi:
– Cần giúp không?
Tôi lắc đầu, đang muốn nhảy lò cò về phòng, lại nghĩ cứ nhảy nhảy thế thật mất mặt, đúng là tiến thoái lưỡng nan. La Hoàn Khởi ngồi xuống salon, ngửa người ra sau, tôi nghe thấy tiếng cậu ấy thở mạnh nhưng còn có cả tiếng sụt sịt. Cậu ấy vừa khóc.
Tôi khẳng định tâm lí cậu ấy cũng chỉ mới cấp hai thôi.
Có lẽ cậu ấy… có vấn đề gì đó về tâm lí chăng?
Chúng tôi ở chung gần ba tháng, tháng thứ nhất là thời gian cọ xát, chúng tôi không thể nói là quen thuộc nên tôi không dám chắc cậu ấy có từng khóc chưa, nhưng từ sau hôm Trung Thu cho tới giờ, hai tháng nay cậu ấy khóc rất nhiều. Hơn nữa còn cần người dỗ. Một nửa số lần là vì vài việc cỏn con, ví dụ như cậu ấy đã ném mấy bộ quần áo vào máy giặt, áo khoác màu đậm phai ra, cậu ấy giận đến mức ném hết quần áo xuống đất, sau đó tựa vào máy giặt, khóc. Lại như cậu ấy vẽ mà không pha được màu ưng ý, thế là cũng đỏ mắt. Toàn những phiền toái nhỏ thôi, thế mà phản ứng của cậu ấy luôn mãnh liệt, nếu là người khác gặp phải những vấn đề đó, chẳng ai khổ sở tới mức khóc cả. Một nửa só lần còn lại thì là tình huống khó hiểu, ví như bây giờ, già nửa khả năng là cậu ấy sẽ không muốn nói nguyên nhân. Nhưng cậu ấy lại cần người hỏi han, nếu không hỏi, cậu ấy sẽ khóc tiếp. Không phải kiểu khóc gào lên, mà là kiểu khóc đầy áp lực ấy.
Khi trước thấy cậu ấy khóc, tôi đều coi cậu ấy như trẻ con, dỗ dành, chuyển lực chú ý đi nơi khác, vỗ vỗ, cũng không mất bao lâu để cậu ấy từ mây đen hóa trời quang.
Tôi từng biện hộ rằng có lẽ người có tố chất nghệ thuật sẽ nhạy cảm hơn, tôi thấy tranh cậu ấy vẽ đẹp, thiết kế đẹp, đa phần là các bức vẽ trừu tượng, tinh tế có màu sắc rất đậm. Cậu ấy được cưng chiều lớn lên, lúc khó chịu có giống trẻ con là việc không tránh khỏi.
Nhưng bây giờ, tôi bỗng cảm thấy được một khả năng, có thể cậu ấy có vấn đề tâm lí. Người cậu ấy cần không phải tôi, mà là một bác sĩ tâm lí.
Mỗi khi cần an ủi, người cậu ấy cần không phải tôi. Cậu ấy chỉ cần một người, còn tôi là người gần cậu ấy nhất. Hiểu rõ điểm này, tôi có chút nản lòng.
Tôi chịu đựng mỗi bước đi như giẫm lên đao, đau đớn đi về phía cậu ấy.
Tôi muốn an ủi cậu ấy.
– Anh đừng cử động. Đừng lại đây. Ít nhất là hôm nay, đừng lại đây.
Giọng cậu ấy khàn khàn.
Tôi dừng lại. Tôi chưa bao giờ nghĩ cậu ấy không cần tới sự an ủi của tôi.
Đèn treo đa giác mờ ảo. La Hoàn Khởi yên lặng ngồi trên ghế. Tôi đứng đó, nhìn, không biết phải làm gì. Chúng tôi nghe tiếng thở của đối phương.
Tôi đi chân trần, cảm thấy lạnh thấu xương.
Cuối cùng, tôi thỏa hiệp, đi vào phòng ngủ. Một đêm trắng.
Chúng tôi bắt đầu chiến tranh lạnh.
Điều này thật kì quái.
Tôi cảm thấy chiến tranh lạnh là cực hình của những người thân thiết dành cho nhau. Tôi và La Hoàn Khởi không thân tới mức có thể xảy ra chiến tranh lạnh, thế nhưng sự tình phát triển luôn nằm ngoài tầm với của con người.
Buổi sáng yên tĩnh, buổi chiều im lặng. Có ngày yên lặng đầu tiên, sẽ có ngày thứ hai. Hôm nay, giờ học của chúng tôi không giống nhau, buổi sáng cậu ấy có lớp, tôi thì không, lúc trưa hình như cậu ấy không có ý định về giúp tôi, tôi đành tự mình lăn xe ra cửa, kết quả vừa qua tiệm thuốc dưới lầu thì gặp Trà Trà. Trà Trà lúc này mới biết chuyện tôi gặp tai nạn, lập tức nhiệt tình giúp đỡ, đẩy xe cho tôi.
Trên đường này có một quán cafe ngoài trời rất được. La Hoàn Khởi thường mua cafe và đồ ăn ở đây về. Lúc đi ngang qua, tôi vô tình nhìn vào, thấy cậu ấy và hai người tóc vàng đứng cùng nhau, có vẻ rất thân. Tôi biết một người trong số đó, là Niel, chơi không phân nam nữ, nổi danh đa tình, từng có mấy câu chuyện đáng sợ về cậu ta được kể lại như là dùng gậy bóng chày nhét vào cơ thể bạn gái chẳng hạn, vậy nên người không quan tâm chuyện kẻ khác như tôi cũng đại khái biết đến cậu ta.
La Hoàn Khởi có vẻ quen với cậu ta, hơn nữa là loại thân quen bạn bè. Thậm chí nhìn vẻ mặt, Niel có vẻ biết cách làm cậu ấy vui.
Trà Trà vẫn nói với tôi về hoạt động Lễ Tạ Ơn nhưng chưa nghĩ ra nên làm cái gì, mong tôi lúc đó có thể đi lại được.
Tôi đồng ý.
Trà Trà nói:
– Cậu bạn cùng phòng cực đẹp trai của cậu kìa! Lễ Tạ Ơn cậu ấy có tới được không? Hoạt động lần trước có đăng ảnh lên diễn đàn, nhiều cô gái nhìn ảnh hai cậu đều hối hận vì không đến!
Tôi cười có lệ:
– La Hoàn Khởi chắc không tới đâu. Thật ra cậu ấy có vẻ ưa tiệc Âu hơn. Cái kiểu tiệc tối như cho trung niên của cậu, chắc gì cậu ấy đã thishc.
– Chúng ta có thể đổi thành tiệc Âu mà! Cậu ấy không tới thì tiếc lắm.
– Nói sau đi.
Vài ngày đầu là chiến tranh lạnh, vài ngày sau thì không biết là ai đang trốn tránh ai.
Vết thương trên mặt La Hoàn Khởi đã lành, tôi cũng dần không cần tới xe lăn. Thật ra lúc đầu thầy y tế bắt tôi ngồi xe lăn là do sợ tôi vừa bị thương, sẽ làm vết rách nghiêm trọng hơn thôi, lúc hồi phục rồi, tôi thấy xe đẩy thật phiền nên bỏ luôn. Tuy tôi đi chậm nhưng ngày nào cũng sẽ đi giày thể thao tới thư viện và phòng thí nghiệm.
Lòng tôi còn nặng nề nhưng chẳng có chỗ trút. Tôi không biết là vì sao, mọi thứ đều làm tôi không ngừng nhớ tới câu chuyện với Chu Châu. Tôi và Chu Châu học cấp ba khác nhau, sau hơn một năm không nói chuyện thì chia tay. Đương nhiên lòng tôi khi ấy chẳng rung động là bao nữa. Có một ngày, một cô bạn trong lớp đột ngột hỏi tôi có phải thích nam không. Tim tôi thịch một cái, vẫn làm bộ bình thường, hỏi:
– Ai nói bừa thế?
Cô ấy nói là Ngô Tâm Bối.
Tôi mới nhớ ra, Ngô Tâm Bối là lớp trưởng. Tôi giả vờ mình rất giận:
– Nói bừa, tớ với bạn trai cậu ấy tuyệt giao, chắc là giận chó đánh mèo thôi, cậu đừng truyền tin lung tung.
Sau đó, tôi gọi cho Chu Châu, lòng bàn tay tôi ướt mồ hôi, hỏi xem có phải cậu ta kể chuyện của tôi cho Ngô Tâm Bối không. Cậu ta ừ, hùng hồn nói:
– Mày dám nói ra chẳng lẽ mày còn sợ người khác biết? Mày làm chuyện kinh tởm chẳng lẽ không dám thừa nhận?
Tôi cố mãi, chẳng thể nói lời nào. Cuối cùng, tôi nói:
– Tôi làm chuyện kinh tởm gì với các cậu? Các người tự hỏi lòng mình đi, ngoại trừ nói thích cậu, tôi làm gì? Vì tôi là nam nên cảm tình của tôi không đáng được tôn trọng sao?
Chu Châu đáp:
– Mày như thế là biến thái, biết không? Biến thái thì biến thái một mình, hoặc tìm một biến thái khác!
Tôi nghĩ hình như lời ấy thành tiên tri.
Sáng sớm nay, Trà Trà mượn vở tôi. Tôi bảo cô ấy tới phòng trọ lấy. Lúc tôi mở cửa cho cô ấy thì La Hoàn Khởi dậy, còn ngái ngủ. Tôi không để ý lắm, dù gì lúc nào cậu ấy mới dậy, vẻ mặt cũng khó chịu cả. Trà Trà rất hưng phấn, cứ nói phải chụp ảnh cậu ấy, tôi nói thầm rằng chụp cứ chụp, kết quả đồ ngốc này chụp lén còn quên tắt tiếng, tôi nghe tách tách. Trà Trà càng hoảng, cũng may cô ấy phản ứng nhanh, lúc La Hoàn Khởi quay lại thì lập tức kéo lấy tôi, giả vờ đang selfie.
– Không được, góc khi nãy không được, chụp lại!
Tôi thấy sắc mặt La Hoàn Khởi tệ hơn.
Ừm, có thể cậu ấy nhận ra rồi? Dù sao thì Trà Trà diễn lố quá,
Trà Trà cầm vở đi.
La Hoàn Khởi gõ cửa phòng tôi.
Tôi ngẩng đầu.
– Này, em nhớ trong thỏa thuận có điều khoản là không được tùy tiện đưa người lạ về mà?
– Chỉ là không đưa về qua đêm, cũng không nói là không đưa người lạ tới nhà. Hơn nữa Trà Trà không phải người lạ, em biết mà.
Tôi cố gắng bình tĩnh trả lời.
– Em không biết. Trà Trà là cái tên quái quỷ gì, Trà xanh biểu (1) hay là Tra Tra? Anh còn muốn để cô ta qua đêm?
Cậu ấy khinh thường.
– Em nói chuyện chú ý đi, Trà Trà là bạn anh.
– Anh có ý gì? Anh nghĩ em gây sự?
– Không phải à?
Cậu ấy sẵng giọng, gân trên cổ nảy lên.
Thật ra cậu ấy thế này rất đáng sợ.
Tôi nghĩ một lát, đáp:
– Anh với em chỉ là quan hệ bạn cùng nhà thôi, nói là bạn bè cũng miễn cưỡng. Anh không có nghĩa vụ quan tâm tới tâm tình em 24/24. Em khó chịu, cáu giận, anh đồng ý dỗ em, đó là lòng tốt của anh, nhưng anh không phải người em gọi là đến, đuổi là đi, anh không thu phí dịch vụ, nếu em muốn tìm một người có thể vỗ lưng cho em, an ủi em, em không cần phải tìm ai cả, cứ tìm bác sĩ tâm lí. Hiểu chứ?
Hình như cậu ấy muốn đánh nhau rồi, nắm tay siết rất chặt. Tôi nghĩ cậu ấy sẽ không nói chuyện nữa, bỗng dưng, cậu ấy nhìn thẳng vào mắt tôi:
– Vậy phải làm thế nào để anh bên em 24/24?
Tôi vừa bực vừa buồn cười:
– Em chỉ cần một người hầu 24h thôi, ở đâu chẳng có? Cần gì tìm anh, anh có việc của mình, không thể ở bên em 24/24, anh không phải bảo mẫu em thuê về.
Lời còn chưa dứt, tôi đã thấy cậu ấy đỏ mắt, tôi nghĩ thầm: “Thôi xong, lại sắp khóc rồi. Em không thể dùng mãi một chiêu như thế được”.
Nhưng lần này cậu ấy mím môi, cố gắng kìm nước mắt. Tôi thấy mắt cậu ấy ầng ậc nước nhưng không rơi lệ.
Cuối cùng, tôi chịu thua. Tôi thở dài, rút giấy ăn đưa cho cậu ấy. Cậu ấy đứng im, nhìn tôi chằm chằm, hình như muốn nhìn cho tới lúc tôi bị đóng đinh lên tường. Nhưng cậu ấy khóc cũng đẹp, hệt như một hoàng tử trên sân khấu, bạn biết cậu ấy sai, nhưng bạn cứ mềm lòng.
Tôi chỉ đành lau nước mắt cho cậu ấy. Bỗng cậu ấy ôm tôi:
– Đừng lơ em đi. Không còn ai để ý tới em nữa rồi, mẹ em cũng mặc kệ em, anh đừng như thế.
– Không phải em còn có bạn à?
– Khác, họ với anh không giống nhau.
Khác ở đâu? Tôi không rõ. Tôi nghĩ bản thân La Hoàn Khởi cũng không hiểu. Tôi chẳng hỏi nữa. Nếu dùng nửa đời còn lại của mình để đổi lấy vị trí một người bạn khác biệt trong lòng cậu ấy, liệu có đáng không, tôi cần nghĩ kĩ. Đầu óc tôi hỗn loạn cho nên tôi quên mất mẹ cậu ấy đã qua đời từ sớm rồi, làm thế nào mà để ý cậu ấy được nữa? Cũng quên luôn chuyện cậu ấy cần sớm tìm một bác sĩ tâm lí.
____________
(1) Trà xanh biểu: kĩ nữ
(2) Tra Tra: đồ khốn (tra)