Tôi nghĩ tôi đã được định sẵn sẽ sống một cuộc sống bình thường, thậm chí những khi một mình, tôi thường nghĩ về bản thân mình như vậy. Tôi có bố mẹ bình thường, đương nhiên trong mắt người khác có thể họ là một cặp đôi không bình thường. Trong những tin đồn, bố tôi được người ta gọi là cậu hai nhà họ Lộ. Nghe qua có vẻ chẳng có gì, nhưng ở Yên Xuyên được danh xưng như vậy cũng đủ chứng minh gia thế và địa vị một người. Mẹ tôi từng được báo giới nhắc đến như một “truyền kỳ cô bé Lọ Lem”, lý do mẹ tôi bước chân được vào nhà họ Lộ là gì, đến nay vẫn là một điều bí ẩn. Dĩ nhiên, đối với tôi thì họ chỉ là một đôi vợ chồng hết sức bình thường, thậm chí chẳng có gì thú vị, bởi giữa họ không có tình cảm mãnh liệt, cãi nhau cũng chưa từng.
Tôi luôn cảm thấy người lớn rất buồn cười, họ lúc nào cũng cho rằng trẻ con chẳng biết gì, bố mẹ tôi không ngoại lê. Chẳng hạn như, khi tôi mười bốn tuổi, bố mẹ vẫn nghĩ tôi là một đứa trẻ chẳng hiểu chuyện. Ngồi trên ghế xem tivi cùng bố mẹ, khi thấy có cảnh hôn nhau, bố mẹ lập tức nhìn tôi bằng ánh mắt kỳ lạ. Tôi thật sự không muốn phá hỏng hình ảnh của mình trong mắt bố mẹ, nhưng người thật việc thật tôi đã từng chứng kiến thì phim ảnh có gì lạ, tôi và các bạn học còn xem rất nhiều phim thần tượng như vậy, đương nhiên tôi nhận xét những cảnh đó là nghệ thuật. Bố mẹ tôi nhất định rất ít đọc báo, chẳng phải bây giờ báo chí toàn nói trẻ con thời nay phát triển sớm ư? Kỳ thực tôi cảm thấy đó là điều đúng nhất mà cánh nhà báo ăn no rảnh rỗi ngồi viết. Về chuyện tôi đã trông thấy người ta hôn nhau, đương nhiên tôi không nói cho bố mẹ biết. Yêu sớm chẳng phải chuyện gì ngạc nhiên, đương sự là một học sinh cấp ba lớn hơn tôi ba tuổi, tuy nhiên bọn họ không duy trì được bao lâu. Tôi chỉ tò mò muốn biết yêu đương có cảm giác gì thôi.
Mẹ nói tôi giống bố nhất. Tôi chỉ cười. Tôi không thích nói, càng không thích bầu không khí nhạt nhẽo giữa bố mẹ. Tôi luôn cảm thấy người phụ nữ như mẹ không biết đã xui xẻo cỡ nào mới gặp phải bố tôi. Còn bố tôi thì chẳng phải một người đàn ông tốt, với thân phận như vậy, ở bên ngoài bố tôi làm gì ai mà biết được? Tôi không mấy thân thiết với bố mẹ, bởi vì cuộc sống mà tôi nghĩ đến hoàn toàn khác với họ, tôi muốn đi khắp nơi, cùng người mình yêu ngao sơn ngoạn thủy, và người ấy nhất định không được kìm kẹp tôi.
Anh trai tôi là Lộ Duyên Xuyên, nghe mọi người trong nhà nói vì anh ấy mà bố tôi bị đem ra làm trò cười mãi. Khi mẹ tôi chuẩn bị được đưa vào phòng sinh, bố tôi lo lắng đến nỗi run cả người, bị các chú đồng loạt chê bai “kém cỏi”. Đến tận bây giờ, chú tư vẫn lôi chuyện đó ra để trêu chọc bố tôi. Bố tôi chỉ cười nhạt, nói rằng vì đấy là chuyện cười duy nhất của bố tôi nên mọi người nhớ mãi, còn chú tư có hàng tá chuyện nực cười nên mọi người chẳng thèm nhớ cho mệt. Chú tư thích tôi nhất, còn thím tư lại thích mẹ tôi, suốt ngày dụ dỗ mẹ tôi đi chơi.
Ở nhà, tôi thích nhất là nhìn bố dạy dỗ anh trai. Tôi luôn cảm thấy sự nghiêm nghị của bố khiến bố càng thêm đẹp trai, những lúc bình thường cũng vậy. Tôi thật không chịu nổi người khác lúc nào cũng một vẻ mặt, mà bố tôi lại là người như vậy.
Anh trai tôi thường xuyên bị la rầy. Dù anh rất tài giỏi nhưng vẫn chưa đủ, bố tôi là một người nghiêm khắc thậm chí có phần cổ hủ. Nếu tôi có con, tôi sẽ không quản lý chúng mà cho chúng tự do sống theo cách mình muốn, gia nghiệp hay trách nhiệm là cái khỉ gì chứ? Đương nhiên số đông mọi người không đồng tình với suy nghĩ đó của tôi nên tôi cũng chẳng nói nhiều.
Anh trai lớn hơn tôi mười tuổi, ngoài việc anh hay mua cho tôi mấy thứ đồ con gái thích thì chúng tôi không quá thân thiết, khoách cách tuổi tác khá lớn mà. Tôi cũng chẳng muốn giao lưu gì nhiều với anh ấy. Người mà anh kính trọng nhất là bố. Tôi nhớ rõ một lần nhận xét không hay về bố, đã bị anh trai làm mặt lạnh. Chúng ta đều có quyền lên tiếng cơ mà? Sau khi biết mình và anh trai không thuộc cùng một chiến tuyến, tôi cũng chẳng thèm để ý tới anh ấy nữa. Về sau, tôi không có thêm chút cảm tình nào với ông anh trai này.
Tôi có một cô bạn học tên Nhậm Khanh Khanh. Phần vì ở lớp khá khép mình nên tôi không có nhiều bạn thân. Nhậm Khanh Khanh là bạn nữ duy nhất chơi với tôi. Cô ấy vô cùng xinh đẹp, có thể đoán được mai này trưởng thành nhất định sẽ trở thành “hot girl”. Tuy tôi không đến nỗi nào nhưng khi đi bên cạnh một Nhậm Khanh Khanh thùy mị dịu dàng, tôi trở thành cô gái lạnh lùng.
Tôi rủ Nhậm Khanh Khanh về nhà mình chơi vài lần, cô ấy và anh trai tôi nói chuyện khá hợp nhau. Nhậm Khanh Khanh thường hỏi về anh trai, nếu so ra, có lẽ cô ấy còn giống em gái của Lộ Duyên Xuyên hơn tôi.
Có một lần sau khi Nhậm Khanh Khanh chơi ở nhà tôi về, tôi trêu anh trai: “Anh và nó thân nhau cứ như hai anh em vậy”.
Tôi thấy sắc mặt anh trai thay đổi. Đúng là kỳ lạ, tôi không thích kiểu gia đình này chút nào, chịu ràng buộc, chịu khống chế, nhưng mọi cảm xúc đều thể hiện rõ trên nét mặt khiến người khác đọc được một cách dễ dàng. Nếu một cô gái mười bốn tuổi có thể xuống tay, vậy thì anh trai hai mươi tư tuổi của tôi cũng chỉ cách “cầm thú” một bước chân mà thôi.
Không rõ có ai biết được sự bất mãn của tôi đối với gia đình này, xã hội này, nền giáo dục này không? Tôi nghĩ mình có thể hiểu được nỗi lòng của những người lựa chọn tự sát, họ không có gì lưu luyến trên cõi đời này cả. Những người còn sống thì đang nỗ lực tránh né tai vạ, người gặp vận xui thì đau khổ khóc lóc.
Năm mười tám tuổi, lần đầu tiên tôi bị mẹ đánh. Tôi không đi du học, không học cấp ba, không học đại học. Mẹ tôi dùng tay đánh vào lưng tôi. So với anh trai, tôi luôn khiến mẹ phải lo lắng, nhưng mẹ không hề nói câu: “Biết con khó dạy bảo thế này, thà không đẻ con ra còn hơn!” Mẹ thậm chí còn chẳng nỡ tát tôi một cái, anh tôi luôn bảo tính mẹ tôi vốn hay mềm lòng.
Tôi bị nhốt trong nhà hai ngày, nhưng suy nghĩ ban đầu vẫn không thay đổi. Đêm thứ hai, cửa được mở ra, bố tôi đứng ngoài cửa, không mở đèn nên tôi không nhìn rõ nét mặt bố, chỉ giống như một pho tượng lặng im.
“Đi làm chuyện con muốn làm, nhưng không được tiêu một đồng nào của nhà.”
“Vâng.”
Tôi mang theo hành lý ra khỏi nhà không buồn ngoảnh đầu lại. Tôi biết mẹ đang khóc, biết bố đứng đó lặng lẽ nhìn theo bước chân tôi. Những câu nói an ủi mẹ của bố nhỏ dần sau lưng tôi.
Ngày ấy, tôi mười tám tuổi.
Bây giờ, tôi đã hai mươi tư, đứng trong sảnh lớn của sân bay.
Mấy năm qua, tôi bôn ba khắp nơi, từ Cửu Trại Trâu đến Lệ Giang, từ Quý Châu đến Tứ Xuyên… Tôi gặp nhiều loại người, làm việc tại cửa hàng thời trang, tôi gặp khách hàng và những sinh viên tốt nghiệp chưa tìm được việc làm; đến vùng núi xa xôi, tôi biết rất nhiều học sinh còn thiếu thốn quần áo, học hành… Những đứa trẻ không có nhà để về, những người nông dân nhọc nhằn bán mặt cho đất báng lưng cho trời trên mảnh đất cằn cỗi…
Tôi từng lên núi cao, xuống biển rộng, vào rừng sâu… mấy năm qua, tôi đã từng đi nhiều nơi, từng chứng kiến nhiều thứ, từng làm nhiều việc.
Giờ đây, tôi đã trở lại Yên Xuyên, cố hương của mình.
Sáu năm rồi, tôi đã ra đi sáu năm.
Nghe biết bao nhiêu bài sơn ca, ngắm nhìn biết bao cảnh non nước tráng lệ, lại chẳng để vào tai lời cha mẹ căn dặn.
Đi qua bao nhiêu núi đồi, bao nhiêu bình nguyên, cũng chẳng bằng đi vào lòng cha mẹ.
Rốt cuộc tôi đã chịu quay về.
Những điều xấu xí vẫn luôn tồn tại, dù ở đất nước này hay bất cứ nơi nào trên thế giới, tôi sẽ che mắt mình lại, sẽ chỉ chuyên tâm vào hạnh phúc của mình.
Ngồi chờ ở sân bay không lâu nhưng tôi có cảm giác cả thế kỷ đã trôi qua.
Bố lái xe đến đón tôi. Đến phút chót, tôi vẫn còn cứng đầu, là bố gọi điện bảo tôi về nhà. Mẹ tôi hằng tháng vẫn âm thầm gửi tiền cho tôi, tôi không động đến dù chỉ một đồng. Sự cẩn thận của mẹ có lẽ là thừa, nếu bố tôi không nhắm mắt làm ngơ thì mẹ tôi cũng chẳng làm vậy được.
Hôm nay là hôn lễ của anh trai tôi. Người đàn ông ba mươi tư tuổi rốt cuộc đã chịu kết hôn.
Tôi ngồi vào con xe màu đen do bố lái. Bố tôi vẫn phong độ khỏe khoắn như xưa, nhưng một sợi tóc bạc lẫn trong mái tóc đen khiến mắt tôi đột nhiên ngấn nước. Bố tôi dù sao cũng không phải pho tượng, rồi bố sẽ già đi, chẳng qua tôi đã nghĩ bố quá mức kiên cường.
Bố nhìn tôi, nói: “Tươi tỉnh cái mặt lên, anh con biết con về nên muốn ra đón, nhưng nó là chú rể, không thể vắng mặt”.
“Hóa ra con cũng có sức nặng vậy cơ ạ?” Tôi cười cười.
Giọng nói của bố, hóa ra đã trở nên trầm lắng đến vậy.
Hôn lễ của anh tôi không hề khoa trương ầm ĩ, vừa giản dị vừa ấm áp. Anh kết hôn với Nhậm Khanh Khanh - cô gái kém anh mười tuổi, anh đã đợi người con gái ấy suốt mười năm, rốt cuộc đã đợi được đến ngày cô trở thành cô dâu của anh.
Nhìn hai người họ, mắt tôi ướt nhòa.
Thật ra, hạnh phúc luôn luôn hiện hữu, chỉ cần chúng ta sẵn lòng tin tưởng.
Nhậm Khanh Khanh mặc chiếc váy cưới trắng như tuyết, mỉm cười ngọt ngào với chú rể của mình. Tôi như trông thấy cảnh tượng của nhiều năm trước, cô gái chăm chú nhìn chàng trai đánh dương cầm, gương mặt đỏ ửng, khi chàng trai ngoảnh đầu lại, hai ánh mắt họ chạm nhau, nhất kiến chung tình.
Anh tôi trong lúc mời rượu mọi người đã tìm cơ hội ra đứng cạnh tôi. Anh cười với tôi, cơ hồ giữa chúng tôi không hề có khoảng cách sáu năm qua. Anh kéo tôi ra đứng cạnh cửa sổ sát sàn. Ngoài kia, bố mẹ tôi ngồi bên nhau tình cảm như một đôi tình nhân trẻ. Ánh chiều tà chiếu vào người họ, hình ảnh đẹp như một cảnh phim nào đó. Mẹ tôi khẽ dựa đầu vào vai bố. Hai người, một cuộc đời.
“Em biết vì sao anh có thể kiên trì đến cùng không?” Anh trai tôi nhấp một ngụm rượu. Gương mặt anh rất giống bố, mang nét điềm tĩnh ôn hòa của bố. Anh nheo mắt: “Anh tưởng tượng đến niềm hạnh phúc giống bố mẹ, nên một mực kiên trì”.
Nhìn anh trai, tôi đột nhiên hiểu ra.
Trong nhà luôn sẵn sàng một bàn cơm, trước khi kim đồng hồ điểm bảy giờ tối, luôn có một người đàn ông xách cặp trở về.
Trên đời này có vô vàn định nghĩa về hạnh phúc, một trong số đó chính là: Người phụ nữ ở nhà chuẩn bị bữa cơm thật ngon, người đàn ông đúng giờ trở về nhà.
Yên ổn, mới là hạnh phúc nhất.
HẾT