Lão nhân nhìn Bạch Thiếu Huy từ từ hỏi :
- Các hạ muốn lão phu động thủ chăng?
Lão nhân là người hoàn toàn xa lạ, bình sinh chàng chưa hề gặp gỡ lần nào, đã không quen không biết tức nhiên không oán không thù, tại sao lão hỏi chàng như thế?
Chàng khẽ cau mày thầm nhủ :
- “Chung quy cũng tại Hoa đại cô không chịu nói rõ cho ta biết đến để làm gì, ta sẽ gặp những ai! Thành ra bây giờ ta còn biết làm sao nhận định được những người này là thân hay thù? Ta phải có thái độ nào đối với họ?“
Lão nhân áo xanh thấy chàng không đáp, hừ nhẹ một tiếng :
- Các hạ đã nghĩ kỹ chưa?
Bạch Thiếu Huy vòng tay :
- Lão trượng là ai?
Lão nhân lạnh lùng :
- Các hạ không cần phải hỏi cả! Hãy đưa hai tay chịu trói, miễn cho lão phu xuất thủ là hơn!
Bạch Thiếu Huy dù trầm tĩnh đến đâu, cũng phải mất bình tĩnh trước cái vẻ hách của lão nhân, chàng nhướng cao đôi mày bật cười sang sảng :
- Đưa tay chịu trói? Lão trượng cho rằng sự việc rất đơn giản như vậy sao?
Lão nhân áo xanh hừ một tiếng :
- Nếu vậy là các hạ muốn cho lão phu phải động thủ?
Bạch Thiếu Huy trầm giọng :
- Ít nhất tại hạ cũng phải biết danh hiệu của lão trượng chứ!
Lão nhân bĩu môi :
- Bình sinh lão phu không hề xưng tên họ với ai cả!
Soạt!
Cánh tay lão đưa lên thanh trường kiếm sau lưng đã ra khỏi vỏ, mũi chong thẳng Bạch Thiếu Huy lão hét :
- Các hạ rút vũ khí cầm tay ngay.
Bạch Thiếu Huy điềm nhiên chắp hai tay sau lưng ung dung thốt :
- Tại hạ bình sinh có một quy củ bất di bất dịch, cái quy củ đó là chẳng hề dùng đến vũ khí đối với bất kỳ ai mà tại hạ chưa rõ lai lịch thân phận.
Câu nói tỏ rõ cái cuồng ngạo mà chàng cố ý biểu hiện để khiêu khích lão nhân, trả lại cái hách của lão, xem dưới mắt không người.
Lão nhân áo xanh chớp ngời ánh mắt, bật cười khanh khách :
- Các hạ cho rằng lão phu chưa xứng đáng cho các hạ phải dùng vũ khí? Hay lắm! Hay lắm!
Cánh tay hữu vươn ra, vậy mà thanh trường kiếm vẫn rít gió như thường. Mũi kiếm khẽ rung một chiếc móng bạc ngời lên, lão hét to :
- Lão phu muốn chứng tỏ cho các hạ biết rằng những người không có lai lịch thân phận vẫn lợi hại như thường!
Cánh tay hữu của lão nhích động nhanh hơn một chút, chiếc móng bạc lớn dần ra, cổ tay gặc xuống chiếc móng bạc chúi đầu xuống theo, nhắm đúng Thiên linh cái của chàng.
Bạch Thiếu Huy giật mình lùi nhanh một bước cao giọng thốt :
- “Nguyệt Khởi Hoa”?! Lão trượng là một cao thủ phái Hoa Sơn?
Đến lượt lão nhân áo xanh giật mình, sắc mặt lão càng nghiêm lạnh hơn lão trầm giọng :
- Tiểu tử! Nhất định đêm nay người phải chôn xác ở chốn này!
Lão bước tới tay vung lên. Trong chớp mắt lão đã phát xuất đúng tám chiêu kiếm.
Kiếm pháp của lão linh diệu vô tưởng, so với đao pháp của hai đại hán hơn bốn bậc.
Tám nhát kiếm của lão bức bách Bạch Thiếu Huy phải lùi lại hơn bốn bước.
Đúng như Bạch Thiếu Huy nêu lên, lão nhân áo xanh sử dụng kiếm pháp của phái Hoa Sơn, có cái tên là Thái Bạch kiếm pháp. Thái Bạch kiếm pháp gồm nhiều bộ, mà bộ do lão nhân sử dụng có tên là Thập Bát Bàn khoái kiếm, có mười tám chiêu thức đúng như cái tên của nó.
Sở dĩ chàng nhận ra được, là nhờ Tiết thần y truyền thọ lại cho chàng những môn công hỗn tạp do lão góp nhặt qua mỗi lần trị bệnh cho hầu hết những nhân vật trên giang hồ.
Thập Bát Bàn khoái kiếm là một môn tuyệt học trấn sơn, người trong phái Hoa Sơn không thể khinh suất sử dụng bất cứ trong trường hợp nào.
Trong võ lâm có những môn học mà suốt đời người ta không mang ra sử dụng, bởi không có dịp, bởi không thể khinh thường sử dụng, cho nên người có căn cơ tu vi thâm hậu rồi, bắt buộc lắm mới lấy võ công giải quyết nhiều vấn đề chứ không ai múa may nhảy nhót vì một cái hứng nhất thời cả!
Thì giờ đây giữa chàng và lão nhân áo xanh, không có thù không có oán, tại sao lão dùng một môn học phi thường đối phó với chàng? Lão quyết hạ sát chàng chăng? Tại sao lão làm một việc vô lý như vậy được? Lão hiếu sát thành tánh à?
Bất giác chàng nổi giận hét to :
- Lão trượng tưởng giở đến Thập Bát Bàn khoái kiếm rồi làm gì nổi tại hạ à?
Đột nhiên chàng phóng ra một chỉ phong, điểm đúng vào cổ tay cầm kiếm của lão nhân, chỉ phong vút đi rít một tiếng khẽ!
Lão nhân giật mình vội thu kiếm về đảo một vòng, nhảy tạt qua một bên giương mắt nhìn Bạch Thiếu Huy gằn giọng :
- Tiểu tử! Ngươi học đâu ngón Xuyên Vân chỉ đó?
Bạch Thiếu Huy cười nhẹ :
- Còn lão trượng? Lão trượng học đâu kiếm pháp Thập Bát Bàn khoái kiếm?
Lão nhân áo xanh nổi giận hét to :
- Tiểu tử vô lễ! Sẽ chết với ta!
Lão lướt tới liền theo câu nói, thanh trường kiếm loang loáng chớp ngời, khí thế mãnh liệt hơn trước.
Lão nhân đã sử dụng đến chiêu cuối cùng của Thập Bát Bàn khoái kiếm, loại kiếm pháp này càng sử dụng đến những chiêu sau cùng, càng lợn hại vừa nhanh vừa độc, vừa mạnh.
Vì không mấy phòng bị, Bạch Thiếu Huy không phản ứng kịp thời chàng phải lùi lại.
Nhưng lùi lại là chàng chuẩn bị rồi, chàng bật cười ha hả :
- Lão trượng chỉ có Thập Bát Bàn khoái kiếm thôi à? Còn một nhát thứ mười chín nữa chăng?
Chàng vừa cười vừa thốt, vừa vung tay trả chưởng. Lần này chàng giở chưởng pháp Phục Hổ của phái Nga My, sử dụng cái chiêu thức có tên là “Hoành Khảm Hổ Yêu”.
Lạ lùng thay chàng chỉ đánh ra một chưởng mà gió rít vù vù, gió chưởng cuốn đi trong một độ tròn rộng lớn, rồi tập trung vào thanh trường kiếm của lão nhân.
Lão nhân không ngờ Bạch Thiếu Huy mới ngần ấy tuổi mà công lực thâm hậu đến nhường ấy.
Sợ gió chưởng quét qua, đánh bạt trường kiếm vuột tay, lão nhân vội thu về, toan lướt tới trở lại, phản công.
Nhưng Bạch Thiếu Huy đã có chủ trương rồi, chàng không để cho lão có đủ thời giờ xuất chiêu phản công, tay hữu đánh ra rút về, thì tay tả tiếp tục đánh tới, tay tả rút về thì tay hữu lại đưa ra, đôi tay giao chuyền như thoi dệt.
Đã lùi về là thất thế, chưa kịp vững chân chưởng phong của Bạch Thiếu Huy lại bay vút tới với khí thế của kẻ thừa thắng, lấy cái thắng thế đầu tiên làm đà, tự nhiên phải mạnh phải ác.
Lão nhân lúng túng thấy rõ.
Chẳng những lão lúng túng vì thất thế, mà còn vì chưởng pháp của Bạch Thiếu Huy.
Chàng dùng hầu hết các loại chưởng pháp trong võ lâm, như Lưỡng Nghi chưởng của phái Võ Đương, Kim Cang chưởng của phái Thiếu Lâm, Phục Hổ chưởng của phái Nga my, Phi Vân chưởng của phái Hành Sơn, và Đường Lang chưởng của Đường Lang môn.
Dĩ nhiên mỗi chiêu thức đều có cái độc đáo của nó, làm nổi bật đặc điểm của môn phái đã luyện ra nó. Chỗ độc đáo đó phải là người trong môn phái mới khai thác triệt để nhưng Bạch Thiếu Huy sử dụng vẫn linh diệu như thường và lại có phần linh diệu hơn chính người trong phái.
Lão nhân áo xanh luôn luôn bị bức thoái, thanh trường kiếm trong tay lão kể như thừa, vứt đi thì thành tay không, mà giữ lại thì không sử dụng được.
Vừa lúc đó có tiếng nói của một nữ nhân vang lên :
- Tuyên hộ pháp dừng tay! Vị thiếu niên đó chính là Bạch hộ pháp đó!
Lão nhân nhảy ra khỏi vòng chiến, cao giọng hỏi :
- Bạch hộ pháp! Bạch hộ pháp là hắn?
Bạch Thiếu Huy quay đầu nhìn lại, thấy Lục Châu tỳ nữ của Tường Vân đứng bên cội cây cách độ ba trượng.
Bạch Thiếu Huy điểm một nụ cười, hướng sang lão nhân :
- Tại hạ là Bạch Thiếu Huy!
Lục Châu cũng điểm một nụ cười tiếp nối :
- Bạch hộ pháp vâng lệnh phu nhân mà đến, chỉ vì các vị chưa ai biết mặt ai, thành ra sự nhầm lẫn, đưa đến cuộc ác đấu với nhau.
Lão nhân vội vàng vòng tay tạ lỗi :
- Lầm! Lầm tuốt! Lầm tại hạ! Xin Bạch huynh thứ cho nhé!
Bạch Thiếu Huy đáp lễ :
- Lão ca bất tất phải quá lời! Không biết nhau thì tự nhiên phải có những việc như vậy, lỗi gì đâu mà tha thứ chứ!
Lục Châu thong thả bước tới trước mặt Bạch Thiếu Huy nghiêng mình khẽ cúi đầu :
- Cô nương tôi xin mời Bạch hộ pháp vào miếu! Bạch hộ pháp hãy theo tôi!
Bạch Thiếu Huy giật mình nghĩ thầm :
- “Hoa đại cô đã biết là Tường Vân có mặt tại đây à? Nàng đã biết vậy sao lại còn sai ta đến đây? Ta gặp Tường Vân để làm gì?”
Lục Châu thốt xong đã bước đi trước rồi!
Bạch Thiếu Huy vòng tay chào lão nhân :
- Tại hạ xin tạm biệt các hạ!
Lão nhân đáp lễ :
- Bạch huynh tự tiện! Mình còn gặp nhau mà!
Chàng liền bước theo Lục Châu.
Con đường đi qua khá rộng, lát đá trắng chạy dài dưới tàng cây rậm, cành lá giao chuyền kín bít, dù giữa ban ngày ánh dương quang cũng không thể soi lọt.
Bạch Thiếu Huy vừa đi vừa suy nghĩ tìm hiểu lý do sự có mặt của Tường Vân ở tại đây, cũng như cái dụng ý của Hoa đại cô bảo chàng đến Bát Giác miếu.
Còn lão nhân kia thực sự là ai?
Chừng như nóng biết sự tình, mà chàng cố suy nghĩ mãi cũng không hiểu nổi, Bạch Thiếu Huy buột miệng thốt :
- Lục Châu cô nương à! Tuyên hộ pháp có phải là người của phái Hoa Sơn không?
Lục Châu quay đầu lại lườm chàng :
- Tướng công dùng lối xưng hô đó, tôi không dám nhận đâu. Tôi là hạng tiểu tỳ, tướng công cứ xem như kẻ dưới tay, có bổn phận hầu hạ người trên. Nếu có việc cần đến tiểu tỳ cứ gọi ngay tên là đủ.
Nàng dừng lại điểm một nụ cười nói tiếp :
- Bạch tướng công có nhãn lực rất cao, nhìn qua là nhận ra ngay lai lịch, xuất xứ của đối tương liền. Tuyên hộ pháp chính là vị sư đệ của Chưởng môn nhân Hoa Sơn pháo đó!
Bạch Thiếu Huy kinh hãi thầm nghĩ :
- “Sư đệ của Chưởng môn nhân Hoa Sơn phái? Tại sao lão lại khuất thân làm nô lệ cho Bách Hoa cốc? Lão có uống Duyệt Phục đơn không?”
Chàng hỏi :
- Tuyên hộ pháp thuộc đàn nào?
Lục Châu đáp :
- Tổng hương đàn. Tất cả các Hộ pháp đều thuộc Tổng hương đàn nhưng do Thanh Loan đàn quản trị. Còn Bạch tướng công do phu nhân phái đến Thanh Loan đàn, thân phận cao hơn các Hộ pháp của Tổng hương đàn một bậc.
Bạch Thiếu Huy gật đầu :
- À ra thế! Nhưng tại Thanh Loan đàn, có tất cả mấy vị Hộ pháp?
Lục Châu cười mỉm :
- Chỉ có mỗi một mình tướng công thôi!
Bạch Thiếu Huy lại hỏi :
- Còn lại Tổng hương đàn?
Lục Châu nhẩm tính một chút :
- Đại khái độ vài mươi vị, tiểu tỳ không được rõ lắm.
Họ đã đến gần miếu rồi.
Lục Châu quay người lại :
- Cô nương tôi ở phía hậu điện, nơi dãy nhà hướng Đông, xin Bạch tướng công vào đó.
Nàng nói xong thẳng tiến vào miếu, bước vào.
Bạch Thiếu Huy đảo mắt quan sát qua địa thế, nhận ra Bát Giác miếu được dựng sát vách núi, chiếm một địa diện không rộng lắm, gồm hai dãy nhà tiền điện và hậu điện.
Miếu có vẻ tiêu điều vô cùng, sơn tróc loang lổ, nơi thì rêu phong bụi bám, nhện giăng. Thần tượng hương án lệch hẳn vị trí. Có lẽ đã lâu lắm rồi không ai đến đây dâng hương hiến quả, nên mùi ẩm mốc bốc lên nồng nặc.
Theo chân Lục Châu, Bạch Thiếu Huy bước qua tiền điện, chàng nhìn ra phía trước, bên kia sân lộ thiên, nơi hành lang thấp thoáng có bóng nhiều người.
Nơi đầu phía tả nhà hậu điện, có bóng đèn le lói chiếu ra ngoài.
Lục Châu bước gấp về phía đó, đến bên song cửa nghiêng mình trình :
- Bạch tướng công đã đến.
Bên trong có tiếng thốt vọng ra :
- Thỉnh Bạch hộ pháp vào đi!
Âm thinh đó đúng là của Tường Vân.
Lục Châu day lại Bạch Thiếu Huy :
- Cô nương tôi thỉnh dạy tướng công vào!
Nàng bước tới mở cánh cửa ra, rồi nhường lối cho Bạch Thiếu Huy.
Tường Vân ngồi trên chiếc ghế, tỳ chỏ lên thành, chõi tay vào má, có vẻ suy tư. Trông thấy Bạch Thiếu Huy nàng liền đứng lên điểm nụ cười :
- Vừa rồi nghe báo cáo là bên ngoài miếu có một thiếu niên vận áo xanh hành tung khả nghi tôi ngờ ngay là Bạch tướng công cho nên Lục Châu ra đấy thử xem, may thay lại đúng là tướng công.
Bạch Thiếu Huy đã nghĩ sẵn những câu đối đáp trên con đường vào đây nên không do dự thốt :
- Tại hạ không thuộc đường giao thông tại địa phương cho nên lạc bước tận vùng núi sâu rừng rậm này. Có ngờ đâu giữa chốn hoang vu lại gặp cô nương!
Tường Vân cười nhẹ :
- Vất vả trong đêm khuya giữa rừng núi, chắc tướng công cần phải nghỉ ngơi một lúc. Xin mời tướng công ngồi cùng chung trà nóng cho ấm lòng.
Lục Châu đã mang trà ra.
Ngồi tại chỗ Bạch Thiếu Huy nghĩ mãi. Hoa đại cô không nói rõ cho chàng biết mục đích đến Bát Giác miếu như thế nào. Giờ đây đối diện với Tường Vân chàng phải có thái độ ra sao?
Nếu không có mục đích rõ rệt thì nàng bảo chàng đến đây làm gì? Chàng phải ở lại bao lâu? Bọn Vương Lập Văn lưu lại vùng đá loạn đợi chàng mãi làm sao được? Nếu sáng ra chàng không trở lại đó thì họ lại lo sợ vô cùng, có thể họ sẽ liều lĩnh mà đến tận miếu này cũng nên, bởi Kim Nhất Phàm biết rõ đường đi lối bước qua vùng.
Chàng nâng chung trà mơ màng xuất thần.
Tường Vân nhìn thoáng qua chàng dịu giọng hỏi :
- Dọc đường Bạch tướng công có gặp trở ngại gì không?
Bạch Thiếu Huy giật mình cố giữ bình tĩnh lắc đầu :
- Chả có gì trở ngại cả. Cô nương lo sợ có việc gì xảy đến tại hạ chăng?
Tường Vân gật đầu :
- Nhưng hiện tại tướng công bình an vô sự đến được nơi đây rồi thì còn lo gì nữa?
Bạch Thiếu Huy lấy làm lạ, vội hỏi :
- Chắc có lý do gì quan trọng lắm, nên cô nương mới phải lo lắng như vậy chứ?
Tường Vân gật đầu :
- Như Bạch tướng công đã hiểu, xuất cốc lần này, là tôi vâng lịnh phu nhân truy tầm bọn Vương Lập Văn, đồng thi hành công tác này, có cả Tử Vi đàn chủ, Bạch Linh đàn chủ. Ngoài ra còn có Thanh Loan đàn chủ xuất lĩnh bọn cao thủ trong Tổng hương đường, phân tán mỏng quanh vùng, tùy thời tiếp ứng lẫn nhau. Mới đây, phu nhân lại ra lịnh hễ thấy người nào khả nghi nào là cứ giết chết luôn, không cần tra hỏi. Tôi nghĩ Bạch tướng công đơn thân độc lực, còn quanh quẩn trong phạm vi lục soát của bọn tôi, mà người trong Thanh Loan đàn và Tổng hương đường lại không biết mặt tướng công, nếu chạm mặt với nhau, khó tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra.
Nàng dừng lại một chút rồi tiếp :
- Đêm nay, Thanh Loan đàn chủ lại thông báo trong thuộc hạ hai khẩu hiệu, nếu trong khi tuần sát, nếu gặp kẻ khả nghi hỏi khẩu hiệu mà không đáp đúng, thì đúng là kẻ nghịch rồi, cứ giết, phải giết cho kỳ được!
Bạch Thiếu Huy giật mình thầm nghĩ :
- “Có lẽ Hoa đại cô biết trước điều này, nên bảo ta đến đây để tìm hiểu hai khẩu hiệu đó chăng?”
Chàng thừa cơm hỏi :
- Hai khẩu hiệu đó như thế nào?
Tường Vân đáp liền :
- Lưu Vân Mãn Hà Nhạc, Hoa Ảnh Thương Dao Đài.
Bạch Thiếu Huy ngầm ghi trong tâm não hai câu đó, đoạn hỏi tiếp :
- Theo lời cô nương, thì đêm nay là phiên của Thanh Loan đàn chủ chỉ huy cuộc tuần sát?
- Chẳng những đêm nay thôi. Phàm một khi rời Bách Hoa cốc, tất cả mọi sự đều do Thanh Loan đàn chủ chủ huy, còn Tử Vi đàn chủ, Bạch Linh đàn chủ và tôi bất quá chỉ phối hợp hành động, chứ không quyết định được điều gì.
Bạch Thiếu Huy thầm nghĩ :
- “Thì ra mọi thực quyền đều ở trong tay Thanh Loan đàn chủ!”
Tường Vân tiếp nối :
- Cứ theo báo cáo của Thiên Long đường chủ, thì tại vùng phụ cận Lư Hoa thành, có bọn Ma giáo xuất hiện sau một thời gian dài vắng bóng trên giang hồ. Bạch tướng công có nghe nói đến Ma giáo chăng?
Bạch Thiếu Huy lắc đầu :
- Tại hạ chưa thu thập được bao nhiêu kinh nghiệm trên giang hồ, nên kiến thức còn hẹp lắm!
Tường Vân trầm ngâm một chút :
- Thực ra từ bao lâu nay, Ma giáo chưa có hành động nào tỏ ra quá tàn ác, nhưng chúng là những tổ chức kỳ bí, chúng chuyên luyện tà thuật, cho nên võ lâm chính phái không thích giao du với chúng, gọi chúng là bọn Bàng Môn Tả Đạo.
Bạch Thiếu Huy thở dài :
- Tại sao lại có sự phân chia chính phái và tà phái? Chánh và tà cũng đồng một gốc võ học mà ra, có khác gì đâu? Người trong chánh phái, có phải là hoàn toàn tốt cả đâu? Xấu tốt là do con người, đâu phải do là chánh phái mà thành danh? Tại hạ nghĩ, sự phân chia đó có tác dụng gây tổn thương hòa khí giữa võ lâm đồng đạo thôi!
Tường Vân sáng lên... nhìn Bạch Thiếu Huy cười nhẹ :
- Bạch tướng công muốn biện hộ cho Ma giáo đấy hẳn!
Vì cảm khái nhất thời, Bạch Thiếu Huy phơi lộ can trường phần nào, chừng nghe Tường Vân trách khéo như thế hết sức hãi hùng, vội thốt khỏa lấp :
- Tại hạ chỉ bằng vào đồng đạo lập luận, chứ có biết Ma giáo là tổ chức nào đâu mà biện hộ?
Tường Vân chưa kịp đáp, bỗng bên ngoài có tiếng động vang lên. Tiếng động không lớn lắm, song nghe rất rõ vì khung cảnh im ắng vô cùng, đến một chiếc lá rơi cũng có thể nghe lọt.
Lục Châu khẽ quát :
- Ai?
Một giọng già từ bên ngoài đáp lại :
- Lão phu Tần Quý Lương có việc khẩn cấp báo cáo với sứ giả!
Tường Vân cất tiếng :
- Tần đường chủ cứ vào...
Trong thoáng mắt một bóng người lách qua cửa tiến vào. Bóng đó dĩ nhiên là Tần Quý Lương một lão nhân trọc đầu, vận áo màu tro sắc mặt nghiêm nghị.
Vừa trông thấy Bạch Thiếu Huy lão nhân giật mình sửng sốt. Nhưng lão lấy lại bình tĩnh ngay, vòng tay nghiêng mình cúi chào Tường Vân :
- Thuộc hạ tham kiến sứ giả!
Tường Vân đứng lên đáp lễ, điểm một nụ cười thốt :
- Tôi xin giới thiệu với Tần đường chủ, vị này là tân Hộ pháp Bạch Thiếu Huy vừa được lệnh của phu nhân sai phái xuất ngoại công tác.
Nàng quay sang Bạch Thiếu Huy tiếp nối :
- Còn đây là lão hiệp Tần Quý Lương, Đường chủ Thần Oai đường, một trong ba bị Đường chủ ngoài Bách Hoa cốc.
Bạch Thiếu Huy đã biết rõ lão trong lần gặp gỡ tại tòa cỏ miếu ngoài thành Kỳ Dương, chàng đứng lên vòng tay chào :
- Hân hạnh được biết Tần đường chủ. Tại hạ từng nghe danh Đường chủ...
Tần Quý Lương vội chặn.
- Bạch hộ pháp quá khen! Từ nay lão phu còn nhờ Bạch hộ pháp chỉ giáo trong nhiều việc đấy!
Tường Vân ngồi xuống, hai người cùng ngồi theo.
Tường Vân hỏi :
- Tần đường chủ đã phát giác ra điều gì lạ?
Tần Quý Lương trình :
- Thuộc hạ tiếp được tin của Nam Cung thống lãnh, do bồ câu trắng mang đến cho hay bọn Ma giáo đã rời Hùng Nhĩ sơn, đi về hướng Nhạc Hy Tử, hiện tại Nam Cung thống lãnh đã bám sát theo chúng, giám thị từng cử động, nhờ thuộc hạ xin chỉ thị nơi sứ giả.
Tường Vân trầm ngâm một chút :
- Đầu canh một tôi có cho bồ câu mang về cũng tin Ma giáo tái nhập giang hồ xin phu nhân định đoạt. Trước khi tiếp nhận chỉ thị của phu nhân, chúng ta không thể làm gì khác hơn là theo dõi chúng, nếu chúng chưa chạm đến ta thì ta không nên vọng động.
Đến bây giờ Bạch Thiếu Huy mới thán phục Hoa đại cô liệu việc như thần.
Nàng tiên đoán khi chưa có lệnh của phu nhân quyết chẳng khi nào bọn thuộc hạ dám vọng động.
Tần Quý Lương do dự :
- Nam Cung thống lãnh có cho biết đối phương gồm những tay có võ công trác tuyệt, riêng bọn Ngũ lộ trưởng lão thì toàn là những nhân vật thượng đẳng trên giang hồ, người bên ta vừa ít lại vừa kém tài hơn.