Lần này, không có Thời Chung đi theo, tương đương với việc cô phải một mình gánh chịu bất cứ khổ đau cay đắng nào.
Hiện giờ mẹ của Nhậm Tư Đồ đang ở trong căn nhà mà ông ngoại cô để lại trước khi qua đời. Căn nhà ấy nằm trong một khu phố cũ kĩ, đã nhiều năm Nhậm Tư Đồ không về lại nơi đây. Sau khi đi lạc đường, gõ nhầm nhà thì cô cũng đến trước cánh cửa đang đóng chặt này.
Trước khi gõ cửa, Nhậm Tư Đồ chần chừ khoảng nửa phút đồng hồ. Lỡ như sau khi gõ cửa, ra mở lại là một người xa lạ thì sao? Cô lại gõ nhầm nhà, vậy nên làm thế nào?
Hoặc lần này cô không gõ nhầm cửa nữa nhưng sau khi mở ra, nghênh đón cô là gương mặt lạnh lùng băng giá của mẹ thì cô phải làm sao đây?
Khi Nhậm Tư Đồ còn đang do dự thì có tiếng bước chân nhẹ nhàng vang lên. Tiếng bước chân ấy càng lúc càng gần với tầng lầu mà Nhậm Tư Đồ đang đứng. Cô nhìn xuống thông qua khe hở giữa các bậc thang, nhìn thấy mái tóc hoa râm của chủ nhân tiếng bước chân ấy thì trong nháy mắt người như nín thở.
Cuối cùng, tiếng bước chân dừng lại ở tầng mà Nhậm Tư Đồ đang đứng. Nhậm Tư Đồ nhìn người mẹ đang đứng trước mặt mình.
Cổ họng Nhậm Tư Đồ chợt nghẹn lại, im lặng vài giây mới có thể nói thành tiếng: “Mẹ…”
“Con về đây làm gì?”
Chỉ một câu năm chữ thôi cũng đủ để khiến Nhậm Tư Đồ hoàn toàn không thể nói gì được nữa.
Tư Đồ Phương Ngọc vòng qua người Nhậm Tư Đồ, đi thẳng tới trước cửa căn nhà, lấy chìa khóa mở cửa. Nhậm Tư Đồ nhìn hành động của mẹ mình, thầm cười khổ. Bà đang định đi thẳng vào nhà, đóng cửa lại, bỏ cô ở ngoài sao?
Nhậm Tư Đồ không còn cách nào khác, đành nói nhanh trước khi mẹ mình đi vào nhà đóng cửa lại: “Mẹ, con sắp kết hôn rồi.”
Bàn tay đang cầm chìa khóa của Tư Đồ Phương Ngọc hơi khựng lại, cơ thể cũng cứng đờ. Sau một hồi im lặng kéo dài, Tư Đồ Phương Ngọc mới quay lại, mặt vẫn không có bất cứ biểu cảm nào, nói với Nhậm Tư Đồ: “Vào nhà ngồi một lát đi.”
Cuối cùng thì Nhậm Tư Đồ cũng ý thức được rằng mình đột nhiên đến đây chính là một sai lầm. Có đứa con gái nào kết hôn mà phải đi mời mẹ mình tham dự, còn mời bằng thiệp không? Nếu quan hệ giữa hai mẹ con có thể cải thiện được thì đã sớm thay đổi rồi, đâu cần phải chờ tới ngày hôm nay…
Tay Nhậm Tư Đồ hơi cứng nhắc, nhưng vẫn nhanh nhẹn rút tấm thiệp mời từ trong túi xách ra. “Hôn lễ được tổ chức vào thứ Sáu tuần sau, mẹ có thời gian thì tới, còn nếu không có thời gian thì… thôi vậy.”
Nhậm Tư Đồ đưa tấm thiệp cưới qua.
Tư Đồ Phương Ngọc nhận lấy nhưng vẫn không nói tiếng nào. Nhậm Tư Đồ thở phào một hơi, ít nhất thì tấm thiệp của mình không bị trả lại. Cô nhìn tấm thiệp có viền màu vàng kim, còn tỏa hương thơm trên tay mẹ mình, không có dũng khí để ngước mắt nhìn vẻ mặt của bà lúc này, cho nên thu ánh mắt lại rồi quay đầu định đi.
Mãi đến khi Nhậm Tư Đồ đã bước xuống hai bậc thang thì Tư Đồ Phương Ngọc mới chịu lên tiếng: “Nó là người như thế nào?”
Nhậm Tư Đồ chợt dừng bước.
Cô nên trả lời câu hỏi này thế nào đây? Thời Chung là người thế nào? Người tốt? Người lãng mạn chu đáo, thỉnh thoảng ngang ngược? Người có lòng dạ thâm sâu, khiến người ta rất khó mà nhìn thấu?
Nhậm Tư Đồ quay đầu lại, cười với mẹ mình một nụ cười rạng rỡ. “Nếu con còn tin rằng trên đời này sẽ có một người đàn ông yêu thương con cả đời thì chắc chắn đó là anh ấy.”
Cô dám chắc mẹ mình sẽ không tin vào những lời này. Nhậm Tư Đồ nhìn thấy môi bà khẽ nhếch lên thành một nụ cười mỉa mai. Vẻ mặt của bà như đang nói với cô rằng: Làm gì có tình yêu nào kéo dài cả đời chứ? Đúng là mơ mộng hão huyền…
Có lẽ trong khoảnh khắc mẹ cô xuất giá, có lẽ sau khi cô ra đời, vào giây phút bố mẹ cô dùng họ của mình kết hợp lại đặt thành cái tên Nhậm Tư Đồ cho cô, mẹ cô cũng từng tin tưởng rằng tình yêu có thể kéo dài đến suốt cuộc đời này.
Chỉ có điều, cuối cùng thì mơ ước vẫn phải thất bại trước thực tế…
Nhậm Tư Đồ cũng không hy vọng có được sự chúc phúc của mẹ. Không đợi nụ cười châm chọc trên môi Tư Đồ Phương Ngọc biến mất, Nhậm Tư Đồ đã cất bước đi nhanh xuống lầu.
Nhưng cô không biết rằng, sau khi cô đi, Tư Đồ Phương Ngọc cứ đứng ngẩn người trước cánh cửa mở toang, tay nắm chặt tấm thiệp cưới. Cuối cùng, bà kéo sợ ruy băng cột tấm thiệp ra, rút phần thiệp mời bên trong, nhìn dòng chữ “Kính gửi mẹ” được viết tay nắn nót trên đó thì bà nở nụ cười vui vẻ, nhưng bà vừa cười vừa rơi nước mắt. Cười một cách lặng lẽ, sau đó cũng khóc một cách lặng lẽ.
Cứ lẳng lặng đứng đó khoảng mười lăm phút, Tư Đồ Phương Ngọc cẩn thận đưa tay lau nước mắt rơi trên thiệp cưới, sau đó cất tấm thiệp, quay người bước vào nhà.
Tư Đồ Phương Ngọc rửa mặt xong, bắt đầu sắp xếp rau củ vừa mua về. Năm ấy, bà luôn bận rộn với công việc nên không biết nấu ăn, cũng không có ý định đi học nấu ăn. Con gái đã mười mấy tuổi mà số lần được ăn những thứ bà nấu chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí chưa hết một bàn tay. Nhưng bây giờ, Tư Đồ Phương Ngọc không chỉ biết lựa chọn những loại rau củ tốt nhất mà tài nấu ăn đã có thể làm thỏa mãn khẩu vị của các em học sinh trong trường khuyết tật. Hôm nay bà đã ở cả ngày trong ngôi trường mà mình từng công tác. Học sinh của bà từng dùng ngôn ngữ cơ thể để gọi bà là hiệu trưởng, còn bây giờ, bọn trẻ đều đổi cách xưng hô gọi bà là bà nội, khiến người ta không thể không cảm khái rằng thời gian trôi qua quá mau. Nhưng bất luận thời gian có trôi qua thế nào thì những gì bà đã dành cho những đứa trẻ kia vẫn nhiều hơn những gì bà dành cho con gái mình. Nhậm Tư Đồ vẫn không có cơ hội ăn những món mà bà nấu…
Ngồi trong phòng khách, đang nhặt dở rau thì bên ngoài đột nhiên vang lên tiếng gõ cửa khiến Tư Đồ Phương Ngọc giật mình. Sau khi ngẩn người trong giây lát, bà vội vàng đứng dậy, lau sạch tay rồi bước nhanh ra mở cửa.
Xưa nay, khách đến thăm bà cực kỳ hiếm hoi. Bây giờ lại lúc các gia đình chuẩn bị ăn cơm tối nên ngoại trừ cho rằng Nhậm Tư Đồ quay trở lại thì Tư Đồ Phương Ngọc thực sự không nghĩ ra còn có ai đến thăm mình vào giờ này.
Tư Đồ Phương Ngọc không còn mặt mũi, không có can đảm, không biết nên đối mặt thế nào với đứa con gái từng bị bà làm tổn thương đến thế… Cho dù nó là con gái bà.
Khi Tư Đồ Phương Ngọc mở cửa ra, nhìn thấy gương mặt hoàn toàn xa lạ trước cửa thì lòng cảm thấy nhẹ nhõm hay là mất mát, bà cũng không biết nữa. Bà còn chưa kịp nghĩ rạch ròi thì chàng trai trẻ trước mặt bà đã lên tiếng trước: “Cho hỏi bác là bác Tư Đồ phải không ạ?”
Tư Đồ Phương Ngọc nghi hoặc nhíu mày, không khỏi đánh giá chàng trai trẻ trước mắt mình, cẩn thận nắm chặt cửa không chịu buông rồi gật đầu.
Người kia thấy bà gật đầu, liền nói tiếp: “Vậy là con không tìm lầm rồi. Chào bác, con là chồng của Đồ Đồ, tên là Thời Chung.”
“…”
Thời Chung liếc mắt nhìn vào trong nhà. “Cô ấy có ở bên trong không ạ?”
Tư Đồ Phương Ngọc nhìn Thời Chung thật cẩn thận như để đánh giá anh. Chàng rể này hoàn toàn khác hẳn với những gì bà tưởng tượng. Ấn tượng đầu tiên của bà về anh chính là không tốt. Đàn ông còn trẻ, có triển vọng, diện mạo tuấn tú thì mãi mãi không thể dính dáng tới mấy chữ “thật thà, an phận”. Cho dù bản chất của người đàn ông này có tốt thì những cám dỗ mà anh ta phải trải qua chắc chắn cũng sẽ nhiều hơn người bình thường, giống như Nhậm Hiến Bình năm đó…
Tư Đồ Phương Ngọc thôi không nghĩ vẩn vơ nữa, mất công nhớ tới cái tên của người đó là lại hận tới nỗi phải nghiến răng. Bà mời Thời Chung vào nhà và hỏi ngay: “Con gái tôi đã đi rồi. Sao hai người không cùng đi với nhau. Nó đã đi khỏi đây mà cậu cũng không biết à?”
Ngụ ý rất rõ ràng: vợ chồng trẻ, tình cảm mặn nồng mà như thế sao?
“Hôm nay con có việc bận, làm xong thì mới chạy vội sang đây được. Con chỉ lo lái xe mà quên gọi điện thoại cho Đồ Đồ, hỏi cô ấy xem có còn ở chỗ bác không.”
Tư Đồ Phương Ngọc nghĩ ngợi rồi không hỏi tiếp nữa. Bà dẫn Thời Chung đến bên sofa, mời anh ngồi rồi bắt đầu cuộc trò chuyện: “Cậu bao nhiêu tuổi rồi? Là người ở đâu?”
“Con và Đồ Đồ cùng tuổi. Con là bạn học cấp ba của cô ấy, cũng là người ở đây.”
Vừa nghe Thời Chung nói là bạn học cấp ba thì bộ dạng căng thẳng đề phòng của Tư Đồ Phương Ngọc cũng thoáng dịu lại. Từ quan hệ bạn bè phát triển thành người yêu đúng là sẽ bền vững hơn. Quen biết nhau từ hồi cấp ba, ít nhất cũng coi như hiểu rõ về đối phương.
Giọng của Tư Đồ Phương Ngọc cũng trở nên ôn hòa hơn rất nhiều: “Tôi đi rót cho cậu ly nước.”
Khi Tư Đồ Phương Ngọc từ trong bếp bưng nước đi ra thì Thời Chung đã ngồi trên sofa và nhặt rau giúp bà.
Thấy chàng trai trẻ này nhặt rau còn gọn gàng, nhanh nhẹn hơn mình thì Tư Đồ Phương Ngọc không khỏi nhướng mày. “Xem ra cậu cũng biết nấu ăn phải không?”
“Hơn mười tuổi con đã biết nấu ăn rồi, không cần biết ngon hay dở, chỉ cần no là được.”
“Nhỏ như thế mà đã phải nấu cơm…” Tư Đồ Phương Ngọc cụp mắt nghĩ ngợi. “Bố mẹ cậu quá bận công việc nên không có thời gian chăm lo cho cậu hay là vì cậu còn có em phải chăm sóc.”
“Dạ phải. Một là vì con còn có đứa em gái, hai là bố mẹ con cũng không có thời gian lo cho con.”
Có lẽ lần đầu tiên khi con rể tới thăm nhà thì đã định là sẽ trở thành đại hội tra khảo nên Thời Chung cũng trong né tránh vấn đề. Tư Đồ Phương Ngọc ngẫm nghĩ câu trả lời của anh xong thì hỏi sâu thêm một bước nữa: “Vậy hiện giờ bố mẹ cậu… vẫn còn khỏe cả chứ?”
“Sức khỏe của bố con rất tốt, về phần mẹ của con thì… con không rõ tình hình của bà gần đây cho lắm. Con và bà ấy đã không liên lạc với nhau từ rất lâu rồi.”
“Sao lâu rồi lại không liên lạc với nhau?”
“Bà ấy lấy chồng khác và ra nước ngoài rồi.”
“Vậy… bà ấy cũng không tham dự hôn lễ của các con sao?”
“Có lẽ là thế.”
Tư Đồ Phương Ngọc tạm thời không nói gì nữa, hiển nhiên là việc chàng rể có một gia đình không hoàn chỉnh đã khiến bà cảm thấy e ngại.