Những nghi vấn xung quanh cái chết của Viện sĩ và Hoa hậu
Căn phòng nằm ở phía sau một vườn hoa rộng lớn, nó được những bụi trúc đào cao trồng xung quanh che khuất. Địch công ngồi xuống chiếc ghế bành đặt trước một tấm bình phong trên đó vẽ những bông hoa mận. Ông ra hiệu cho Tào Phan Tề ngồi xuống chiếc ghế đặt cạnh chiếc bàn tròn, nơi mà người quản lý của Phong đặt khay trà và một đĩa trái cây.
Căn phòng nơi đây rất yên tĩnh, tiếng ồn ào duy nhất chỉ là tiếng vỗ cánh của những con ong bay lượn trong những khóm hoa trúc đào màu trắng.
Tào Phan Tề kính cẩn chờ đợi quan án bắt đầu cuộc trò chuyện. Sau khi nhấp vài ngụm trà, Địch công niềm nở nói:
- Ta nghe nói ngươi là một người yêu thích văn học. Việc kinh doanh rượu và cuộc sống gia đình có ảnh hưởng đến sở thích này không?
- Tôi may mắn có một người quản lý nhiều kinh nghiệm, thưa đại nhân. Tất cả các khách hàng của tôi thường xuyên giao dịch với cửa hàng rượu và nhà hàng nên tôi không cần phải quản lý. Và vì tôi chưa lập gia đình nên cuộc sống gia đình của tôi khá đơn giản.
- Cho phép ta đi thẳng đến chủ đề chính của cuộc trò chuyện, ông Tào. Ta muốn nói với ngươi, trong sự tin tưởng, là ta nghi ngờ rằng cái chết của Viện sĩ và Hoa hậu đều do bị sát hại.
Ông nhìn chăm chú vào gương mặt của Tào khi nói ra điều này, nhưng gương mặt của nhà buôn rượu không hề thay đổi. Ông ta bình tĩnh hỏi:
- Đại nhân giải thích thế nào khi thực tế trong cả hai trường hợp đều không có ai bước vào phòng ?
- Ta không biết! Nhưng ta không thể giải thích được trường hợp của Viện sĩ, người trong năm đêm liên tiếp ngủ với những người phụ nữ khác nhau, đột nhiên lại trở nên si mê điên cuồng Hoa hậu và tự tử chỉ vì cô ta không đáp lại tình yêu của mình! Và ta cũng không hiểu tại sao Hoa hậu, khi tự bóp cổ mình lại không để lại dấu vết của những móng tay dài và nhọn của cô ta trên da cổ. Có những điều xảy ra mà mắt chúng ta không nhìn thấy, ông Tào.
Khi thấy Tào lặng lẽ gật đầu, quan án nói tiếp:
- Bây giờ ta chỉ có một số giả thuyết mơ hồ. Ta nghĩ rằng việc tự tử của cha ngươi mà ta nghe nói là cũng xảy ra tại Căn Phòng Đỏ, và thực tế nó cũng tương tự như trường hợp của Viện sĩ, có thể cung cấp một đầu mối. Ta biết rằng nếu nhắc lại vấn đề này sẽ gây ra cho ngươi một sự đau đớn, nhưng… Ông hạ thấp giọng nói của mình.
Tào Phan Tề không trả lời, ông chìm sâu vào suy nghĩ. Cuối cùng ông ta dường như đã có một quyết định. Ông ngước nhìn lên và lặng lẽ nói:
- Cha tôi không tự tử, thưa đại nhân. Ông bị ám sát. Cái chết của ông đã phủ một đám mây đen tối lên toàn bộ cuộc sống của tôi, đám mây này chỉ có thể biến mất sau khi tôi thành công trong việc tìm kiếm kẻ sát nhân bẩn thỉu và đưa hắn ra trước công lý. Một đứa con sẽ không đội trời chung với kẻ đã giết cha mình.
Ông dừng lại. Nhìn thẳng về phía trước ông nói tiếp:
- Khi việc đó diễn ra tôi chỉ là một đứa bé mười tuổi. Tuy nhiên, tôi nhớ từng chi tiết nhỏ, và nó lặp đi lặp lại hàng ngàn lần trong những giấc mơ của tôi trong những năm tiếp theo. Cha tôi rất yêu quý tôi, đứa con trai duy nhất của ông, và đích thân dạy tôi học. Vào buổi chiều chết chóc đó ông dạy tôi môn lịch sử. Vào lúc hoàng hôn ông nhận được một tin nhắn và nói với tôi ông phải đi đến Căn Phòng Đỏ trong khách điếm Thiên Phúc. Sau khi ông ra đi, tôi lấy cuốn sách mà ông vừa đọc và tìm thấy cây quạt xếp của ông trong đó. Tôi biết cha tôi rất quý cây quạt này nên tôi chạy theo để đưa nó cho ông. Tôi chưa bao giờ đến khách điếm này trước đây nhưng người quản lý biết tôi và bảo tôi cứ đi thẳng vào Căn Phòng Đỏ.
Tôi nhìn thấy cánh cửa khép hờ, bước đến và nhìn vào Căn Phòng Đỏ. Cha tôi đang nằm sóng soài trên chiếc ghế bành đặt phía trước cái giường, ở bên phải căn phòng. Qua khoé mắt, tôi nhìn thấy một người mặc chiếc áo choàng dài màu đỏ đứng ở góc trái. Nhưng tôi không để ý đến người đó, tôi há hốc miệng nhìn chằm chằm vào bộ ngực đầy máu của cha tôi. Tôi chạy đến gần ông và thấy ông đã chết. Một con dao nhỏ găm sâu vào bên trái cổ họng của ông. Trong sự choáng váng vì kinh sợ và đau đớn, tôi quay lại tìm người đang đứng trong phòng để hỏi xem điều gì đã xảy ra nhưng người đó không còn ở trong phòng nữa. Tôi vội vã chạy ra khỏi phòng để tìm một người nào đó, nhưng trong hành lang tình cờ đầu tôi bị va vào một cây cột hay vào tường và tôi ngất đi. Khi tôi tỉnh dậy thì thấy đang nằm trong phòng ngủ của tôi, ở biệt thự mùa hè của gia đình trong vùng núi. Người giúp việc nói rằng tôi bị bệnh và mẹ tôi đã đưa tất cả gia đình về đây sống vì hòn đảo đang có dịch bệnh đậu mùa. Bà nói thêm là cha tôi đã ra đi trong một chuyến hành trình dài. Vì vậy, tôi nghĩ tất cả những chuyện vừa xảy ra chỉ là một cơn ác mộng tồi tệ. Nhưng những chi tiết khủng khiếp của nó vẫn còn khắc sâu vào tâm trí của tôi.
Ông mân mê tách trà đang cầm trong tay và uống cạn, sau đó tiếp tục:
- Sau này, khi tôi lớn lên tôi nghe mọi người nói rằng cha tôi đã tự tử sau khi tự giam mình vào Căn Phòng Đỏ. Nhưng tôi biết rằng cha tôi đã bị ám sát và tôi đã nhìn thấy kẻ giết người sau khi hắn thực hiện hành động tội ác. Sau khi tôi chạy ra khỏi căn phòng, tên tội phạm đã khoá cửa lại và chạy trốn. Hắn đã ném chìa khóa vào phòng qua cánh cửa sổ vì tôi nghe nói là chìa khóa được tìm thấy trên sàn nhà, bên trong cánh cửa.
Tào thở dài. Ông đưa tay lên dụi mắt và nói tiếp với giọng mệt mỏi:
- Sau đó, tôi bắt đầu kín đáo thực hiện cuộc điều tra. Nhưng mọi nỗ lực đều dẫn đến ngõ cụt. Trước tiên là mọi hồ sơ về vụ án đều bị mất. Thẩm phán lúc đó của Tần Hoài, một người khôn ngoan và năng động, đã nhận ra rằng các nhà thổ chính là nguyên nhân gây ra sự lây lan nhanh chóng bệnh đậu mùa. Ông đã kêu tất cả các kỹ nữ dọn ra khỏi nhà và thiêu huỷ toàn bộ các nhà thổ. Văn phòng của toà án gần đó không may cũng bắt lửa và các hồ sơ đều bị cháy trong ngọn lửa. Tôi đã tìm hiểu và biết rằng cha tôi đã si mê một kỹ nữ tên là Thanh Ngọc, vừa được bầu chọn làm Hoa hậu của đảo. Cô rất xinh đẹp, theo như người ta nói lại cho tôi biết, nhưng cô bị nhiễm bệnh ngay sau cái chết của cha tôi và qua đời vài ngày sau đó. Tòa án đã kết luận là cha tôi tự sát bởi vì Thanh Ngọc từ chối tình yêu của cha tôi. Một số người có mặt tại phiên tòa khi thẩm phán hỏi Thanh Ngọc, ngay trước lúc cô bị bệnh, đã nói lại cho tôi biết Thanh Ngọc đã trả lời là cô ta đã nói với cha tôi vào ngày hôm trước khi cha tôi qua đời là cô không chấp nhận đề nghị mua lại cô của ông vì cô đã yêu một người đàn ông khác. Thật không may là thẩm phán đã không hỏi tên của người đàn ông đó. Ông chỉ hỏi lý do tại sao cha tôi lại đi đến Căn Phòng Đỏ để tự tử, và cô ta trả lời có lẽ là do cô ta và cha tôi thường xuyên gặp nhau tại đó.
Tôi nghĩ rằng động cơ của kẻ giết người có thể là do ghen tuông nên đã tìm hiểu danh tính của những người có liên quan. Tôi biết được vào thời điểm đó có hai người đàn ông khác cũng si mê Thanh Ngọc. Phong Đại, lúc đó khoảng 24 tuổi và ông chủ tiệm đồ cổ Ôn Nguyên khoảng 35 tuổi. Ôn Nguyên đã kết hôn được tám năm mà vẫn chưa có con, mọi người xầm xì là ông ta đã mất khả năng của người đàn ông, và một trong những gái giang hồ cho biết rằng ông ta tìm thấy khoái cảm một cách gián tiếp thông qua việc sĩ nhục và hành hạ phụ nữ. Ông ta ve vãn Thanh Ngọc chỉ vì muốn khẳng định mình là một người đàn ông thanh lịch trong giới thượng lưu. Phong Đại, một người đàn ông độc thân đẹp trai, có một tình yêu sâu sắc với Thanh Ngọc. Người ta nói rằng ông muốn cưới Thanh Ngọc làm người vợ chính của mình.
Tào ngừng lời, ông nhìn với cặp mắt vô hồn vào bụi cây trước mặt. Địch công tình cờ quay đầu lại nhìn vào bức bình phong vì ông nghe thấy một âm thanh xào xạc phía sau nó. Ông lắng tai nghe ngóng nhưng âm thanh không còn nữa. Ông nghĩ rằng đó là do tiếng lá khô rụng xuống. Tào sau đó đã tự chủ lại, nhìn quan án với đôi mắt u sầu của minh ông tiếp tục:
- Có những tin đồn mơ hồ là chính Phong Đại đã giết cha tôi. Nói rằng Phong chính là người đàn ông mà Thanh Ngọc yêu thích, họ nói Phong đã gặp cha tôi tại Căn Phòng Đỏ và đã giết chết cha tôi sau một cuộc tranh cãi dữ dội. Ôn Nguyên úp mở về chuyện đó và nói rằng ông ta biết được sự thật. Nhưng khi tôi ép ông ta chứng minh, ông ta nói rằng Thanh Ngọc biết rõ điều đó nhưng đã xác nhận nguyên nhân của vụ tự sát để bảo vệ Phong. Ông ta còn nói thêm là đã nhìn thấy Phong trong công viên phía sau Căn Phòng Đỏ vào thời điểm cha tôi bị chết. Do đó tất cả các sự kiện đều như nhằm vào Phong.
Tôi thực sự bị sốc khi đi đến kết luận này, thưa đại nhân, Phong là người bạn tốt nhất của cha tôi và sau khi cha tôi chết đi ông trở thành người cố vấn tin cậy của mẹ tôi. Khi mẹ tôi mất đi và tôi đến tuổi trưởng thành, Phong giúp đỡ tôi tiếp tục việc kinh doanh của cha tôi, ông luôn luôn là một người cha thứ hai của tôi. Chẳng lẽ ông chính là người đã giết chết cha tôi và sau đó giúp đỡ cho gia đình nạn nhân chỉ vì hối hận ? Hay đó chỉ là những lời đồn ác ý từ kẻ thù của Phong là lão Ôn Nguyên? Vì vậy tôi bị những nghi ngờ này giày vò trong suốt những năm qua. Tôi phải gặp Phong hàng ngày, thưa đại nhân. Tất nhiên tôi không bao giờ cho ông ta biết sự nghi ngờ khủng khiếp của tôi. Nhưng tất cả thời gian tôi luôn quan sát ông ta, chờ đợi một lời nói hay cử chỉ nào đó chứng minh ông ta là kẻ đã giết chết cha tôi. Tôi thực sự không thể…
Giọng nói của ông vỡ òa ra và ông vùi mặt vào hai bàn tay.
Địch công vẫn im lặng. Ông nghĩ rằng ông vừa nghe thấy một lần nữa những âm thanh mơ hồ phía sau bức bình phong. Lần này nó giống như tiếng sột soạt của lụa. Ông chăm chú lắng nghe. Nhưng tất cả lại trở nên yên tĩnh, ông nghiêm trang nói:
- Ta rất biết ơn khi ông nói ra tất cả những điều này, ông Tào. Trường hợp này rất giống với vụ tự sát của Viện sĩ. Ta sẽ nghiên cứu cẩn thận tất cả các tình tiết liên quan. Tại thời điểm này ta chỉ muốn hỏi ông một vài vấn đề. Đầu tiên là tại sao thẩm phán lúc đó lại quyết định trường hợp đó là tự tử? Ông nói rằng ông ta là một quan chức khôn ngoan và có thẩm quyền. Ông ta chắc chắn phải nhận ra, như sau này ông đã nhận ra, mặc dù căn phòng bị khóa nhưng chìa khóa cũng có thể được ném vào phòng qua cánh cửa sổ hay được đẩy vào phòng qua khe cửa bên dưới.
Tào nhìn lên. Ông uể oải trả lời:
- Vào thời điểm đó thẩm phán quá bận rộn vì bệnh dịch đậu mùa, thưa đại nhân. Người ta nói rằng người chết như rạ, những xác chết nằm chất đống bên đường. Mối quan hệ giữa cha tôi và Thanh Ngọc lúc đó đã quá nổi tiếng nên sau khi nghe cô ta tuyên bố, ông ta vội vàng đón nhận lấy điều đó và cho nó là nguyên nhân của vụ tự tử.
- Khi ông kể lại sự việc khủng khiếp xảy ra thời thơ ấu – quan án nói tiếp – ông nói rằng khi ông bước vào Căn Phòng Đỏ thì chiếc giường nằm phía bên phải của ông. Tuy nhiên, hiện nay nó lại đang ở sát bức tường bên trái. Ông có chắc chắn ông thấy nó ở bên phải?
- Chắc chắn, thưa đại nhân! Khung cảnh đó không bao giờ phai mờ trong tâm trí của tôi. Có lẽ người quản lý đã di chuyển đồ nội thất trong căn phòng sau đó.
- Ta sẽ nhìn lại nơi đó một lần nữa. Một câu hỏi cuối cùng. Ông chỉ liếc qua người mặc chiếc áo choàng màu đỏ, nhưng ông có thể cho biết đó là một người đàn ông hay phụ nữ?
Tào lắc đầu thất vọng.
- Tôi không thể, thưa đại nhân. Tôi chỉ nhớ đó là một người cao lớn và mặc một chiếc áo choàng màu đỏ. Tôi đã cố gắng tìm kiếm xem có người nào mặc chiếc áo choàng như thế xuất hiện tại thời điểm đó ở trong hoặc ngoài khách điếm Thiên Phúc nhưng vô ích.
- Đàn ông rất hiếm khi mặc trang phục màu đỏ – Địch công trầm ngâm nhận xét – và một cô gái chỉ mặc chiếc áo màu đỏ duy nhất một lần, đó là vào ngày cưới của họ. Vì vậy ta có thể kết luận kẻ thứ ba xuất hiện trong phòng là một cô gái điếm.
- Đó cũng chính là những điều tôi đã nghĩ đến, thưa đại nhân! Tôi đã cố hết sức tìm hiểu xem Thanh Ngọc có khi nào mặc một chiếc áo màu đỏ không. Nhưng chưa từng có ai nhìn thấy cô ta mặc áo màu đỏ, cô ta thích màu xanh vì đó là tên cô ta.
Tào lại rơi vào sự im lặng. Ông vân vê ria mép sau đó nói tiếp:
- Tôi đã rời xa hòn đảo này khá lâu, tôi không biết phải tìm kiếm đầu mối nào để có thể giải quyết điều bí ẩn này. Tôi cũng cảm thấy rằng bằng cách tiếp tục việc kinh doanh mà cha tôi đã xây dựng nơi đây, tôi đang tiếp tục thực hiện ít nhất là một phần của sự hiếu thảo của tôi. Nhưng tôi thấy cuộc sống ở đây rất khó khăn, thưa đại nhân. Phong luôn đối đãi tốt với tôi và ông ta…
Ông đột nhiên vỡ òa ra. Sau khi liếc nhanh quan án, ông tiếp tục:
- Bây giờ ngài đã hiểu tại sao tôi không thể toàn tâm toàn ý cho sở thích văn học của tôi, nó chỉ là một nỗ lực nhằm giải thoát, thưa đại nhân. Một sự giải thoát khỏi sự hoài nghi, và nó thường hành hạ tôi…
Ông liếc nhanh sang chỗ khác, rõ ràng ông rất khó khăn để tự kiềm chế bản thân. Để thay đổi chủ đề, Địch công hỏi:
- Ông có nghĩ đến những ai có thể căm ghét Hoa hậu hiện tại, Nguyệt Thu, đến mức có thể giết chết cô ta?
Tào lắc đầu. Ông trả lời:
- Tôi không quan tâm đến cuộc sống sôi động về đêm nơi đây, thưa đại nhân, và tôi chỉ biết Hoa hậu qua những mối quan hệ xã giao thông thường. Cô ta gây ấn tượng cho tôi như là một người phụ nữ nông nổi và hay thay đổi, nhưng gần như tất cả các kỹ nữ đều như thế hoặc cũng gần như thế do đặc thù của nghề nghiệp mà họ không may mắn phải làm. Cô ta rất nổi tiếng và cô ta thường xuyên tiếp khách, có thể thực tế là mỗi đêm. Tôi nghe nói rằng trước khi cô ta được bầu chọn làm Hoa hậu cách đây vài tháng cô ta khá tự do với những người hâm mộ cô ta. Tuy nhiên, cô ta chỉ ngủ với người bảo trợ đặc biệt, những người nổi tiếng và giàu có, họ phải tán tỉnh cô ta rất lâu trước khi cô ta đồng ý. Nhưng những mối quan hệ đó không phát triển xa hơn, theo như tôi biết, và tôi chưa từng nghe nói có ai định mua lại cô ta. Tôi đoán rằng cái lưỡi sắc bén của cô ta đã làm những khách hàng ngần ngại. Viện sĩ dường như là người đầu tiên mua lại cô ấy. Nếu có một ai đó căm ghét cô ta lý do chắc phải là ở quá khứ, trước khi cô ta đến hòn đảo này, đó là điều chắc chắn.
- Tôi hiểu. Tôi sẽ không làm mất thời gian của ông nữa, ông Tào. Tôi sẽ ở lại đây một lúc để uống cạn tách trà của tôi. Xin vui lòng nhắn với ông Phong là tôi sẽ đến văn phòng của ông ta.
images
Địch công gặp kẻ nghe trộm
Ngay sau khi Tào đã bỏ đi khá xa, quan án đứng lên và bước đến nhìn phía sau bức bình phong. Cô gái đang nấp ở đó thốt ra một tiếng kêu thảng thốt. Cô vội vã liếc nhìn xung quanh sau đó nhìn về hướng cầu thang dẫn đến các bụi cây dâu phía sau căn phòng. Địch công nắm lấy tay cô và kéo cô ra khỏi đó, ông hỏi một cách nghiêm khắc:
- Cô là ai và tại sao lại nghe trộm chúng tôi nói chuyện?
Cô cắn môi và ngước nhìn quan án với vẻ giận dữ. Cô có một khuôn mặt thông minh với đôi mắt to tròn và đôi lông mày cong vút. Cô để tóc dài và búi thành một búi tóc. Chiếc áo gấm hoa màu đen may theo kiểu đơn giản nhưng nó rất hợp với thân hình thanh mãnh và quyến rũ của cô. Cô chỉ đeo một đôi bông tai, một sợi dây chuyền bằng cẩm thạch màu xanh lá cây và khoác một chiếc khăn choàng cổ màu đỏ. Cô giật tay mình ra khỏi tay quan án và rít lên:
- Đó là một sự trả thù của gã đàn ông họ Tào! Làm sao mà hắn dám vu khống cha tôi! Tôi ghét hắn!
Cô dậm mạnh đôi chân nhỏ nhắn của mình trên sàn nhà.
- Bình tĩnh nào, cô Phong! – Địch công nói cộc lốc – Hãy ngồi xuống và uống một tách trà.
- Tôi không cần! – cô ngắt lời – Tôi chỉ muốn nói cho ông nghe một lần và chỉ một lần này thôi, là cha tôi chẳng dính dáng gì đến cái chết của Tào Quang. Hoàn toàn không dính dáng, ngài nghe chưa? Hoàn toàn không dính dáng gì cả chứ không phải như cái con cóc già ghê tởm buôn đồ cổ đã vu khống. Và ngài nói giùm với cái gã họ Tào là tôi không bao giờ muốn nhìn thấy hắn ta một lần nữa, không bao giờ! Và tôi yêu Khởi Vu Phổ, tôi sẽ kết hôn với anh ta càng sớm càng tốt mà chẳng cần tên họ Tào hay bất cứ ai làm mai mối! Đó là tất cả!
- Thật là ấn tượng! – quan án nói nhẹ nhàng – Tôi dám cá rằng cô đã cho Viện sĩ một trận nhớ đời với cái lưỡi của cô!
Cô định bỏ đi, nhưng khi nghe những lời vừa rồi cô dừng lại và nhìn quan án với ánh mắt rực cháy, cô gằn giọng hỏi:
- Ý ông là gì?
- Phải – Địch công dịu dàng nói – vụ va chạm trên sông là lỗi của các thuyền phu của Viện sĩ và nó làm cho cô về nhà chậm trễ mất một đêm, phải thế không? Tôi thấy rằng cô không phải là một cô gái quá rụt rè nên tôi nghĩ là cô đã cho Viện sĩ một bài học nhớ đời.
Cô hất đầu ra sau và khinh khỉnh nói:
- Ngài hoàn toàn sai! Ông Lý đã xin lỗi tôi như một quý ông lịch thiệp và tôi chấp nhận lời xin lỗi của ông ta.
Cô vội vã bước xuống bậc thềm phía trước và biến mất trong những khóm hoa trúc đào.