• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

tháng Hai, hồi VII

Lưu ý: Những chú thích mũ (*), được giải thích trực tiếp dưới đoạn (vì ngắn); hoặc chú thích ngoặc vuông [1], được giải thích kỹ lưỡng cuối chương, thuộc về mình. Còn những số khoanh tròn như ①, thì thuộc về tác giả (được đề cập trong mục "Tác giả có điều muốn nói"). Những chương gần đây dày chú thích (đặc biệt chương này), hy vọng rằng không ảnh hưởng đến trải nghiệm đọc của các bạn.

;

Trước mặt các nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia khác nhau, một bản báo cáo chi tiết về sổ ghi chép của Reilly Ron, thông tin từ cuộc điều tra bên lề của nhân viên tình báo và lời giải thích bổ sung từ đội ngũ chuyên gia vật lý, đã biến một "thứ" kỳ lạ thành ngôn ngữ dễ hiểu, giúp các chính trị gia chỉ cần thoáng nhìn cũng nghiệm ra sự nhiệm mầu của nó.

Reilly Ron đã thể hiện tài năng phi thường của mình từ khi còn là một đứa trẻ sáu tuổi. Trong vòng chín năm, ông đã giải quyết gọn gàng những nghiên cứu mà người khác phải mất gần hai mươi năm mới có thể hoàn thành từng bước. Và chính vì thế, ông có dư dả thời gian để định hướng sự nghiệp khoa học của mình trong số hằng hà lĩnh vực muôn màu muôn vẻ.

Hiện tại mọi người đã biết, rằng ông dành ba năm và trải qua nhiều lần tìm tòi trước khi lựa chọn vật lý vũ trụ.

Nhưng ít ai biết lý do thực đằng sau lựa chọn của ông – có lẽ vì thích, họ coi đó là điều hiển nhiên. Chỉ là họ không biết, bên cạnh bộ óc mà vạn người ngưỡng mộ, ông cũng sở hữu một trái tim ủy mị nhạy cảm.

Mặc dù chưa từng trải nghiệm mặt tối của xã hội, nhưng tính thấu cảm trong Reilly Ron phát triển tốt đến mức khiến ông mắc kẹt trong chính cơn giận và nỗi bất lực của mình. Từ người già neo đơn vật lộn kiếm sống trên phố, từ sản phẩm giả kém chất lượng của dân buôn bán vô lương tâm; cho đến nỗi thống khổ của giai cấp bị áp bức, định kiến xã hội đối với phụ nữ; kẻ giàu đi hưởng thụ, miệng chê nghèo lười biếng; chính quyền hống hách, dân trí ngu dốt; đủ loại tàn sát trong lịch sử đang xảy ra ở bán cầu bên kia... Những chuyện tưởng như chẳng liên quan đến Reilly Ron, lại khiến ông chạnh lòng vô cớ.

Trên thế giới đầy rẫy xung đột và đối lập, hầu như chuyện nào cũng có thể mang đến những bi kịch thương tâm. Trái tim nhạy cảm của Reilly Ron luôn khiến ông đặt mình về phía bị tổn thương nhiều nhất, để rồi chẳng biết làm gì hơn, là thất vọng về chính con người.

Đôi khi ngán ngẩm, không muốn nhìn loài người ngày càng sa đọa, ông sẽ ngồi tưởng tượng về tương lai của nhân loại. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta chỉ quan tâm đến bản thân, nào rảnh rỗi đoái hoài đến con người. Do đó, tài nguyên ngày càng cạn kiệt, vũ khí nhiệt áp không ngừng được ra lò; giống như hai đường thẳng đang tiệm tiến, khi chúng giao nhau, đó sẽ là ngày tận thế của loài người.

Reilly Ron khát khao tìm ra con đường giải thoát nhân loại khỏi vòng quay lịch sử đen tối. Và dường như, khoa học kỹ thuật chính là lối tắt khả thi nhất.

Ông chọn vật lý vũ trụ từ trong hàng trăm lĩnh vực khoa học công nghệ, bởi theo ông, phần lớn những cuộc chiến tranh của loài người đều vì tài nguyên. Sau nhiều năm tranh đoạt, dân số vẫn tăng lên, cũng như người nghèo và các quốc gia cần tiêu thụ những tài nguyên tốt hơn vì mục đích sinh tồn. Chẳng qua, sẽ có bao nhiêu người sở hữu của cải tình nguyện hy sinh bản thân? Một ngày nào đó, tài nguyên của Trái Đất cũng đến hồi cạn kiệt. Trong dòng lịch sử, các cuộc chiến tranh không chỉ nhằm tranh giành tài nguyên, mà còn "thanh lọc" phần dân số dư thừa. Nhưng, sự ra đời của loạt vũ khí khủng khiếp đó, đã khiến những cuộc chiến ngày nay chỉ còn là "ngõ cụt".

Trước khi "kết thúc", tìm thêm tài nguyên bên ngoài Trái Đất và di dời chiến trường của con người vào không gian, có lẽ là giải pháp tối ưu nhất.

Tuy nhiên, vũ trụ quá đỗi nguy hiểm, quá đỗi rộng lớn, ngay cả ánh sáng cũng phải chào thua trước nó. Càng khám phá vũ trụ, ta càng cảm thấy con người sao quá tầm thường; và những vũ khí có thể quét sạch hàng chục triệu người đối với vũ trụ, lại kém xa uy lực của những đợt sóng địa chấn khi thiên thạch va chạm.

Song song đó, việc khai thác mỏ khoáng sản từ các hành tinh gần Trái Đất đã khiến con người đủ bất lực, cung không đủ cầu. Reilly Ron dần dà nhận ra, rằng dẫu thông minh tài trí đến đâu, dẫu có đi đầu trong lĩnh vực vật lý vũ trụ, ông cũng không thể tìm thấy lối thoát cho loài người chỉ bằng chính sức mình. Sự thật phũ phàng này, khiến ông càng trở nên bi quan.

Cho đến một ngày.

Reilly Ron đã tìm thấy tín hiệu sóng hấp dẫn (*) rất yếu nhưng vô cùng đặc biệt trong dữ liệu do tàu thăm dò không gian mới nhất gửi về. Nó kỳ lạ hơn nhiều so với sóng hấp dẫn từ kết quả hai lỗ đen sát nhập hay sao neutron (*), mà con người đã phát hiện. Nó không rõ ràng, khiến người ta dễ cho rằng máy dò có vấn đề hoặc do ảnh hưởng từ bụi vũ trụ. Nó cũng không có nguồn sóng hấp dẫn tương ứng, thậm chí về mặt lý thuyết cũng chẳng thấy mô hình nguồn bùng nổ.

(*) Sóng hấp dẫn (gravitational wave): là những dao động nhấp nhô bởi độ cong của cấu trúc không-thời gian thành các dạng sóng lan truyền ra bên ngoài từ sự thăng giáng các nguồn hấp dẫn (thay đổi theo thời gian), và những sóng này mang năng lượng dưới dạng bức xạ hấp dẫn.

(*) Sao neutron: là một dạng trong vài khả năng kết thúc của quá trình tiến hoá sao.

Nếu bất cứ ai sử dụng sóng hấp dẫn đột ngột này như sóng (hấp dẫn) nguyên thủy nhằm xác minh tính đúng đắn của mô hình vũ trụ lạm phát [1], hẳn phải thất vọng. Bởi chỉ cần nghiên cứu kỹ thêm, có thể thấy sóng hấp dẫn đó rất "tươi", không cũ, cũng không xa. Nó chẳng phải là tàn dư được tạo ra từ thuở vũ trụ sơ khai và lan rộng đến hiện tại. Tuồng như nó, chỉ mới vừa xảy ra. Nhưng trong phạm vi có thể quan sát, máy dò không phát hiện gì mới; những ngôi sao và hành tinh bình thường kia không đủ tạo ra sóng hấp dẫn này.

Do đó, nếu không có Reilly Ron, đại đa số các nhà quan sát thiên văn đã bỏ qua tín hiệu này như một dạng sai số trong nghiên cứu. Và thực tế thì, Reilly Ron cũng vậy, ông cũng từng gạt nó sang một bên.

Ba năm sau, Reilly Ron nộp đơn xin mượn máy gia tốc hạt lớn (LHC). Người phụ trách LHC là một trong những bạn học của ông; cũng là người hâm mộ trung thành của Thuyết dây và tính đa chiều, ông ta luôn hy vọng có thể sử dụng LHC để nhằm khám phá các chiều phụ. Reilly Ron ở đó gần hai năm, trong thời gian này ông vô số lần nghe bạn cũ đề cập đến các thí nghiệm liên quan: [2] Các mảnh vỡ được tạo ra do cú va chạm trực diện giữa các proton đang chuyển động cao, có thể bị đẩy ra khỏi các chiều vĩ mô thông thường, rồi bị ép vào một chiều khác (các mảnh vỡ có thể là hạt trọng lực hoặc graviton*). Nếu điều này xảy ra, chúng sẽ mang theo năng lượng; và kết quả là, máy dò tìm của ta tất phát hiện một số năng lượng đã bị mất đi sau vụ va chạm. Tín hiệu mất năng lượng này cung cấp bằng chứng mạnh mẽ cho sự tồn tại của các chiều phụ.

(*) Graviton: Một hạt hạ nguyên tử được phỏng đoán là lượng tử của lực hấp dẫn. Graviton có spin bằng 2. Nó quá nhỏ để tìm thấy trong phòng thí nghiệm (trích chú thích từ sách "Các thế giới song song" của Michio Kaku (2015), NXB Thế Giới).

"Lời sấm truyền" của vị bạn học những văng vẳng bên tai ông suốt ngày, đến nỗi sau khi rời khỏi đó, Reilly Ron vẫn ám ảnh về chúng.

Mất năng lượng, tương đương với sự biến mất của graviton.



Thuyết dây cho rằng vũ trụ chúng ta đang sống thực chất là một màng ba chiều [3], và có nhiều hơn một màng ba chiều trong không gian cao chiều, thậm chí có thể nói là rất nhiều, rất nhiều, vô cùng vô tận. Sở dĩ graviton biến mất, vì trong lý thuyết dây, lực hấp dẫn là một dây đóng, và các lực khác là dây mở [4]. Chỉ có chuỗi khép kín mới có thể bay ra ngoài màng, và đi đến chiều không gian phụ.

Reilly Ron chợt nghĩ, nếu hai tấm "màng ba" ở đủ gần sẽ xảy ra tương tác hấp dẫn, vậy phải chăng từ đó cũng sinh ra sóng hấp dẫn?

Vào lúc ấy, tín hiệu sóng hấp dẫn đặc biệt bị ông cho vào quên lãng thình lình xuất hiện trong dòng suy nghĩ hiện tại. Tuy nhiên, nếu hai "màng ba" đủ gần để tạo ra tương tác, hoặc chúng có thể hình thành một dạng cân bằng liên tục, giống như Trái Đất quay quanh Mặt Trời bởi lực hấp dẫn của nó, thì theo cách này, sóng hấp dẫn cũng sẽ được tạo ra liên tục, cho phép chúng ta phát hiện bất cứ lúc nào; hoặc va chạm, nhưng hai vũ trụ va chạm, thì chẳng còn là chuyện đùa.

Mặt khác, tín hiệu ấy chỉ thoáng qua, nom như hai màng ba chiều chớm gần lại và vừa đủ tạo ra một tia hấp dẫn; sau đó, chúng bị lực khác đẩy ra xa để tránh số phận hai vũ trụ cùng chết.

Vì những ý tưởng có vẻ xa vời này, Reilly Ron đã rơi vào trạng thái điên cuồng vì các vũ trụ song song, lẫn việc thám hiểm không gian chẳng nhìn thấy tương lai. Ông đã chuyển trọng tâm sự nghiệp khoa học, sang nghiên cứu về các vũ trụ song song theo nhiều cách tiếp cận khác nhau. Sau cùng, ông dừng ánh mắt của mình vào cách diễn giải cơ học lượng tử ở Nhiều Thế Giới.

Vũ trụ song song trong cơ học lượng tử, không giống như vũ trụ song song trong Thuyết dây. Bất kể các vũ trụ song song trong Thuyết dây được tạo ra như thế nào, thì bản thân chúng cũng tồn tại trong không gian nhiều chiều; chúng khác với các vũ trụ song song còn lại về hằng số vũ trụ, do đó cũng khác về mặt vật chất. Chúng là những vũ trụ độc lập (nhưng nếu tồn tại đủ nhiều vũ trụ song song, vẫn có khả năng xuất hiện một vũ trụ giống hoàn toàn với vũ trụ chúng ta).

Trong cơ học lượng tử, có nhiều cách giải thích về sự khác biệt giữa các hàm sóng của thế giới vi mô và vĩ mô. Để minh họa, ta có thể lấy một ví dụ đơn giản về phương trình sóng Schrödinger trứ danh: một hạt có thể rơi vào điểm A hoặc điểm B, và một phần nhỏ khả năng rơi vào điểm C. Đây là tính bất định; nhưng một khi đo được, vậy nó chắc chắn sẽ rơi vào một điểm. Cách tiếp cận Copenhagen giải thích điều này như sau: [5] Khi đo lường hoặc quan sát, hàm sóng của một hạt sẽ ngay lập tức sụp đổ tại tất cả trừ một vị trí; phạm vi các vị trí có thể có của hạt được chuyển thành một kết quả xác định.

Tuy nhiên, vì phương trình Schrödinger không cho phép hàm sóng sụp đổ đột ngột, nhà vật lý lịch sử Everett bèn đề xuất một cách giải thích khác: [6] Bất kỳ sự kiện nào được coi là có thể xảy ra bởi cơ học lượng tử (nghĩa là tất cả những kết quả mà cơ học lượng tử gán cho một xác suất khác không), đều thực sự phát sinh trong thế giới riêng biệt của họ. Trong một vũ trụ, hạt "hạ cánh" tại điểm A; trong vũ trụ thứ hai, hạt dừng tại điểm B; trong vũ trụ khác, hạt dừng tại điểm C – đây là "nhiều thế giới" trong cách tiếp cận Nhiều Thế Giới đối với cơ học lượng tử.

Reilly Ron đã thấy lời giải thích về sóng hấp hẫn từ cách tiếp cận Nhiều Thế Giới của Everett kết hợp với màng ba chiều của Thuyết dây. Nếu vào thời điểm đó, tình cờ xuất hiện một vũ trụ song song trong đa thế giới của cơ học lượng tử, tách ra dưới dạng một "màng ba", thì khi bắt đầu "tách", cả hai đã ở rất gần nhau trong không giao cao chiều, do đó mới sinh ra sóng hấp dẫn. Và bởi vì một số hiệu ứng cơ học lượng tử, chúng trở nên hoàn toàn độc lập.

Reilly Ron quyết định đào sâu giả thiết này, về mặt lý thuyết, những vũ trụ song song đó có thể được tìm thấy thông qua cách tiếp cận Nhiều Thế Giới. [7] Đổi lại chúng ta phải chấp nhận rằng các vũ trụ liên tục chia tách ra thành hàng triệu nhánh (Một số người cảm thấy khó hiểu làm thế nào để theo dõi tất cả các vũ trụ đang sinh sôi nhanh chóng này. Tuy nhiên, phương trình sóng Schrödinger tự động làm điều này rồi. Chỉ cần lần theo sự phát triển của phương trình sóng, lập tức ta có thể tìm thấy tất cả các nhánh đông đúc của sóng này).

Vì thế, Reilly Ron đã dày công nghiên cứu phương trình Schrödinger, với sự giúp đỡ của nền khoa học kỹ thuật thời đại, và siêu máy tính có thể tính toán hàm sóng trạng thái đa hạt tương đối. Trong quá trình nghiên cứu, ông không ngừng cải thiện giả thiết sơ bộ mà mình lập ra. Và khi thiết bị hiện có của con người chẳng còn giúp được ông, ông đã phải thiết kế những cỗ máy cần thiết cho quá trình nghiệm chứng.

Chính ở giai đoạn này, Reilly Ron bắt đầu lừa gạt quỹ tài trợ nghiên cứu khoa học, và sử dụng tất cả kinh phí đáng lẽ phải dùng cho khám phá vũ trụ vào nghiên cứu riêng ông. Reilly Ron không xin tài trợ cho chính cuộc thực nghiệm, vì ông biết mình chẳng thể đưa ra bằng chứng thuyết phục, hết thảy chỉ là ý tưởng bất chợt lóe lên.

Reilly Ron đã tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc; sau khi danh tiếng dần giảm sút, bôn ba hai nước vẫn không tiến triển bao nhiêu, ông vẫn chưa nản chí. Vì khi đã hoàn toàn thất vọng về loài người, hoàn toàn thất vọng về việc cứu rỗi nhân loại, ông đã mất đi năng lượng tích cực của mình. Điều ông muốn bây giờ, chỉ là tìm ra nguồn gốc của sóng hấp dẫn từng đi ngang cuộc đời ông.

Cũng trong giai đoạn này, ông đã phát hiện tín hiệu sóng hấp dẫn đặc biệt đó thêm ba lần nữa từ máy dò vũ trụ. Một mặt, điều này khiến Reilly Ron tin rằng sóng hấp dẫn ấy tuyệt nhiên không phải một lần nhầm lẫn; nhưng mặt khác, số lần phát hiện quá ít, nó không phù hợp với tính vô hạn của Đa Thế Giới trong cơ học lượng tử.

Nhưng Reilly Ron vẫn quyết định bắt đầu với thông tin do sóng hấp dẫn mang lại, kết hợp cả với phương trình Schrödinger đã chiếu sáng cuộc đời ông. Và rồi, tất cả chúng làm cho thực nghiệm của Reilly Ron trở thành một bước đột phá chưa từng có, song dữ liệu phản hồi thu được lại có điểm khác biệt với dữ liệu ước tính theo giả thiết.

Sự nhầm lẫn của Reilly Ron đã truyền cảm hứng cho một thứ khác. Vẫn là cơ học lượng tử, vẫn là cách tiếp cận Nhiều Thế Giới, nhưng nay đã đi kèm với một câu hỏi: Từ góc độ không gian đa chiều, mọi kết quả đều có thể xảy ra. Vậy xác suất có còn ý nghĩa? Dẫu sao đi nữa, xác suất có thấp đến đâu nó cũng xảy ra trong một vũ trụ riêng biệt khác.

Để trả lời câu hỏi này, [8] có ý kiến cho rằng độ cao sóng không bằng nhau trong cách tiếp cận Nhiều Thế Giới, ngụ ý có một số thế giới ít chân thực hơn, hoặc ít ý nghĩa hơn những thế giới khác.

Và Reilly Ron đã lấy cảm hứng từ lập luận gây nhiều tranh cãi và không rõ ràng trong lịch sử vật lý này, để sửa đổi một vài thông số và tiến hành tái thực nghiệm. Lần này, kết quả sau cùng trùng khớp với dự đoán của Reilly Ron – lý thuyết của ông hoàn toàn có ý nghĩa về mặt toán học.

Như thế, nguồn gốc của sóng hấp dẫn bí ẩn kia đã được giải thích đầy đủ.

Sóng hấp dẫn bắt nguồn từ vũ trụ song song, nhưng chúng không phải màng ba chiều thuần túy, cũng chẳng phải đa vũ trụ thuần túy của cơ học lượng tử, mà... Reilly Ron đặt tên cho nó là vũ trụ song song yếu.

Vũ trụ song song yếu là một khái niệm mới do Reilly Ron đưa ra dựa trên khái niệm mạnh-yếu của Strong AI và Weak AI, chỉ những thế giới ít thực tế và ít ý nghĩa hơn. Ngược lại nó, hẳn nhiên là vũ trụ song song mạnh.

Một mô tả đơn giản như sau: hãy tưởng tượng trong thí nghiệm cơ học lượng tử, một hạt có xác suất rơi vào điểm A cao hơn, hàm sóng rơi vào điểm B cao hơn, nhưng xác suất rơi vào điểm C lại thấp hơn.

Khi quan sát viên quan sát kết quả cuối cùng, hạt trong vũ trụ nơi người nọ đang đứng rơi vào điểm A, đồng thời vũ trụ song song mạnh bị tách ra và hạt rơi vào điểm B. Không có sự khác biệt nào giữa vũ trụ song song mạnh và vũ trụ nơi người quan sát tọa lạc ngoài trừ điểm rơi của hạt.

Đồng thời, nó sẽ phân tách thành một vũ trụ song song yếu – nơi hạt rơi vào điểm C với xác suất thấp. Và vũ trụ này về cơ bản giống với "nguyên vũ trụ", song sẽ có một điểm khác biệt nho nhỏ. Đó là vũ trụ song song yếu không có bất kỳ quan sát viên nào, có nghĩa: mặc dù hạt rơi vào điểm C, nhưng không một ai trông thấy nó rơi tại đó.

Điều này giải thích rằng từ quan điểm của không gian đa chiều, xác suất là vô nghĩa, vì mọi thứ sẽ xảy ra. Nhưng đối với bản thân quan sát viên mà nói, xác suất vẫn có ý nghĩa nhất định không thể phá vỡ. Một chuyện có xác suất thấp xảy ra trong một vũ trụ khác, nhưng không có người quan sát nào trông thấy nó – đối với họ, đó là một vũ trụ ít thực tế và ít ý nghĩa hơn. Có thể dùng một câu nói hài hước để mô tả cho trường hợp này: nếu vấn đề không giải quyết được, thì hãy giải quyết người tìm ra vấn đề.

Vũ trụ song song mạnh là "một loại" có tính ổn định, trong quá trình phân tách có thể do tác động của vật chất tối [9], phản vật chất [10] hoặc một số vật chất tồn tại trong không gian cao chiều đã tiến hành bù trừ lực hấp dẫn với vũ trụ này, nên không sinh ra sóng hấp dẫn, hoặc không có sóng hấp dẫn nào được công nghệ của con người phát hiện ra.

Còn vũ trụ song song yếu, so với vũ trụ này, thiếu khối lượng của người quan sát; tính ổn định và cân bằng bị phá vỡ, phần khối lượng bị thiếu có thể chuyển hóa thành dạng dây năng lượng. Tại thời điểm phân tách – tương tác hấp dẫn với vũ trụ theo thang thời gian Planck, gây ra các gợn sóng trong không-thời gian, tức sóng hấp dẫn, sau đó cùng tồn tại với vũ trụ trong không gia đa chiều theo quy luật của Nhiều Thế Giới trong cơ học lượng tử.

Sự tồn tại của vũ trụ song song yếu cũng có thể giải thích cho nghịch lý Fermi (*), nghĩa là: nếu có những nền văn minh khác tiên tiến hơn trong vũ trụ, tại sao họ không đến Trái Đất? Vũ trụ chúng ta đang sống có lẽ cũng là một vũ trụ song song yếu, các nền văn minh phát triển chỉ để lại những "vật chết" mà thiếu "người quan sát sống", cho đến một ngày nọ, một tia sét đánh vào dung nham trên bề mặt trái đất, mang đến sự nảy mầm của những cái mới (Các chuyên gia nói thêm rằng, nếu ngày 32 là một vũ trụ song song yếu, thì theo thông tin chúng ta thu thập được, rõ ràng định nghĩa quan sát viên trong không gian đa chiều là tất thảy sự sống có hệ thần kinh, phản ứng được với các kích thích từ môi trường).

(*) Nghịch lý Fermi: là sự trái ngược rõ ràng giữa những ước tính cao về khả năng tồn tại của các nền văn minh ngoài Trái Đất và sự thiếu hụt bằng chứng hay sự liên hệ với những nền văn minh đó.

Tất nhiên, có một giới hạn nghiêm ngặt đối với phạm vi xác suất thấp tạo ra vũ trụ song song yếu, và giá trị cụ thể chỉ được tìm ra sau nhiều cuộc thử nghiệm của Reilly Ron. Nhưng ông không ghi vào sổ, người đời sau cũng khó mà biết. Đối với loại vũ trụ nào có thể được tạo ra dưới xác suất của phạm vi và các kết hợp khác, ngay cả Reilly Ron cũng không còn sức để tiếp tục nghiên cứu. Ông chỉ có thể dành hết tâm huyết cho vũ trụ song song yếu gần với khoa học nhân loại nhất, trong sinh mệnh hữu hạn của mình.

Reilly Ron lấy làm vui mừng với việc phát hiện ra vũ trụ song song yếu. Ông tuy chưa có cách nào trực tiếp đo lường, cũng như chẳng thể can thiệp, song lý thuyết mà ông nghiên cứu nhiều năm đã làm sáng tỏ sự tồn tại của nó. Đó là một thế giới song song vô hình, nhưng có thật.

Dựa trên điều này, Reilly Ron đã ôm một tâm nguyện vĩ đại khác. Ông sẽ tiếp tục nghiên cứu về vũ trụ song song yếu, bởi ông đã trông thấy cơ hội cho loài người chung sống hòa bình nơi đó.

Nếu không tồn tại quan sát viên (trong vũ trụ song song yếu), hơn nữa tất cả vật chất khác còn hoàn toàn giống nhau, vậy có nghĩa vũ trụ kia "vô chủ", ai chiếm cũng được. Nếu có thể "chặn" vũ trụ song song yếu khi tương tác hấp dẫn xảy ra tại thời điểm phân tách, liệu có để lại một ít vật chất trong vũ trụ đó không? Ví dụ như kim loại, dầu mỏ, đất đai màu mỡ, thực phẩm, nước ngọt, sản phẩm nhân tạo đắt tiền và bất cứ thứ gì khác mà con người cần, chẳng phải như thế sẽ giải quyết được vấn đề cạn kiệt tài nguyên của Trái Đất sao? Nếu tài nguyên đã không thể tái tạo, nếu đã khó khai thác bên ngoài không gian với công nghệ hiện tại, vậy tại sao ta không lấy chúng trong vũ trụ song song yếu?

Ở một góc độ nào đó, điều kiện hình thành vũ trụ song song yếu tương đối khắc nghiệt. Nhưng trong cơ học lượng tử, xét về mặt khách quan, đó vẫn là một con số vô hạn, tức tài nguyên cũng vậy, sẽ vô cùng vô tận. Nó phụ thuộc vào việc con người có thể "chặn" tài nguyên hay không, và cái giá phải trả cho việc ấy là bao nhiêu. Nếu phí bỏ ra đắt hơn giá trị tài nguyên, vậy quả tình cái mất nhiều hơn cái được.

Reilly Ron quyết định đi theo hướng này, ông muốn thiết kế một thiết bị có thể chặn các tài nguyên của vũ trụ song song yếu. Ông đặt tên cho nó là Đập Lượng Tử – vâng, cực kỳ sống động, ông ví nó như một con đập ngăn nước, trách cho chảy ra biển khơi.

Xem xét rằng trong thuyết dây, chỉ một chuỗi khép kín như lực hấp dẫn mới có thể thoát khỏi màng và di chuyển trong không gia đa chiều, ý tưởng ban đầu về Đập Lượng Tử cũng đến từ lực hấp dẫn, sử dụng trường ứng suất (*) để xây dựng một kênh hấp dẫn trong hai vũ trụ sắp phân chia, cho phép chuỗi mở đại diện cho vật chất đi qua, đạt được sự chặn lại. Và điều tuyệt vời nhất là chỉ cần Reilly Ron thiết kế một Đập Lượng Tử, khi vũ trụ song song yếu phân tách, nó cũng sẽ tồn tại một Đập Lượng Tử ở thế giới bên kia – theo cách này, về mặt lý thuyết, ông có thể điều khiển cả hai Đập, vô hình trung làm giảm độ khó của việc chặn lại.

(*) Ứng suất: còn gọi là sức căng, là đại lượng biểu thị nội lực phát sinh trong vật thể biến dạng do tác dụng của các nguyên nhân bên ngoài như tải trọng, sự thay đổi nhiệt độ, v.v.



Cũng rất đơn giản để hai Đập Lượng Tử riêng biệt phối hợp, miễn là chúng được kết nối với thí nghiệm xác suất và một bộ chương trình chứa hàm if, có thể tạo ra các nhánh chương trình theo nhiều điều kiện khác nhau. Kết quả trong phạm vi xác suất cao được sử dụng làm điểm kích hoạt nhánh chương trình của Đập Lượng Tử trong vũ trụ này, đồng thời kết quả xác suất thấp được dùng làm điểm kích hoạt cho nhánh chương trình khác của Đập Lượng Tử trong vũ trụ song song yếu, để ngay cả khi không có ai thì Đập Lượng Tử vẫn vận hành theo chương trình do Reilly Ron thiết kế.

Tuy nhiên, xác minh về mặt lý thuyết sự tồn tại của vũ trụ song song yếu và suy ra phương pháp đánh chặn là một chuyện, muốn thực sự "ra lệnh" cho nó lại là chuyện khác.

Tệ hơn nữa, uy tín của Reilly Ron vào thời điểm đó gần như giảm xuống đến mức bằng không, sẽ chẳng một ai sẵn lòng đầu tư vào ông trong thời gian gần. Vả lại, Reilly Ron không có ý định sử dụng thuyết vũ trụ song song yếu hòng đổi lấy sự ủng hộ – nhiều người có thể cho rằng nó quá lố bịch, nhưng chắc chắn vẫn tồn tại cá nhân ủng hộ ông tiếp tục nghiên cứu sau khi được khảo sát cẩn thận.

Phải công nhận rằng vũ trụ song song yếu và Đập Lượng Tử quá đỗi khủng khiếp và có tính ảnh hưởng sâu rộng, Reilly Ron không muốn bị cá nhân hoặc chính phủ nào kiểm soát hoàn toàn trước khi công nghệ thành thục, ông muốn mình mang lại lợi ích cho toàn nhân loại, đặc biệt là những người dưới đáy xã hội, không có quyền lên tiếng.

Khi sự nghiệp vĩ đại của Reilly Ron gặp phải "nút thắt cổ chai", một nhân vật quan trọng khác đã xuất hiện. Đó chính là con trai ông, Ackerman Ron.

Sự ra đời của Ackerman Ron là một tai nạn do cuộc bùng nổ hormone khi Reilly Ron còn trẻ. Mặc dù đã cưới cô gái nọ, để nàng ta sinh con và chăm lo cho nàng một cuộc sống đủ đầy, nhưng Reilly Ron – người bị ám ảnh vởi nghiên cứu khoa học và cố gắng cứu vớt nhân loại, hiển nhiên chẳng phải là một người chồng và người cha tốt.

Ackerman đã sống dưới ánh hào quang vĩ đại của cha từ khi còn nhỏ, đó là khi những đứa trẻ đồng trang lứa bảo rằng "người mà tớ ngưỡng mộ nhất là Reilly Ron", anh có thể nhẹ nhàng bâng quơ nói "Reilly Ron là cha tớ". Do vậy, tuy rằng hiếm khi gặp cha, song anh vẫn rất kiêu hãnh về người cha của mình, và thầm hạ quyết tâm tiếp bước theo ông.

Tuy nhiên, khi Ackerman trở thành một chàng trai trẻ có thể tự quyết tương lai cho mình thì thay vào đó, cha anh bắt đầu bị chỉ trích, ánh hào quang của nhà-khoa-học-vĩ-đại-chưa-từng-có này dần phai nhạt, ông chẳng còn tỏa sáng giữa hàng triệu triệu người nữa. Vợ bỏ ông mà đi, không phải vì lý do ngoại cảnh, đơn giản chỉ vì không cảm nhận được tình yêu và sự quan tâm từ chồng. Bà một mình nuôi con, và nhiều khi bà tự hỏi rằng: liệu mình đã làm tròn trách nhiệm của người vợ hay chưa? Bà không mắc nợ ai, bà có quyền theo đuổi hạnh phúc của mình.

Hình tượng người cha vĩ đại dần dần sụp đổ, và một ngày khi Ackerman không ghìm được chất vấn cha mình, Reilly Ron đã bộc bạch nom như người đàn ông trung niên nghèo mạt.

Rằng: "Cha có thể làm gì được đây? Cha chỉ cần tiền thôi, con ạ."

Ông trông hèn mọn, bất tài, hoàn toàn khác hẳn với hình ảnh mà báo đài đưa tin.

Trái tim Ackerman gần như tan nát, anh không biết cha mình muốn làm gì với số tiền khổng lồ đó. Nhưng bằng tất cả tình yêu còn sót lại, anh quyết định lao đầu vào kiếm tiền cho ông. Ackerman từ giã sự nghiệp khoa học mà anh cũng xuất sắc để theo đuổi công việc kinh doanh, cũng như tận dụng tối đa chỉ số IQ thừa hưởng từ cha. Song song đó, những người bạn và học trò của ông cũng lần lượt vươn tay giúp đỡ. Họ đã trao cho Ackerman cơ hội độc quyền tự do xử lý, bao gồm công nghệ động cơ với mức tiêu thụ năng lượng thấp, hình dạng khí động học, nhiều loại hợp kim vừa nhẹ vừa bền, vật liệu sợi, và các chương trình thông minh tiên tiến, v.v.

Những bằng sáng chế này đã đưa Ackerman dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất ô tô, đồng thời chiếm lĩnh thị trường rộng lớn với khả năng cạnh tranh công nghệ cao mà không tốn nhiều chi phí nghiên cứu phát triển. Lấy đây làm điểm khởi đầu, tiền đẻ tiền, và rồi anh tiếp tục thâm nhập vào ngành cơ khí, sau đó tiếp xúc với các sản phẩm điện tử tinh vi. Đương lúc Reilly Ron hoàn toàn bị người dân dán mác "táng gia bại sản", Ackerman đã biến mình thành một trong những người giàu nhất thế giới.

Thoạt tiên, anh chỉ tham gia vào những ngành đó, vì hầu hết bạn bè và học trò của cha đều công tác trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và khoa học vật liệu, ít nhất cũng có "người đỡ đầu" cho anh. Về sau, Reilly Ron muốn xây một Đập Lượng Tử, đâm ra cần lượng lớn kim loại quý, vật liệu tiên tiến và một loạt tài nguyên bị kiểm soát chặt chẽ bởi nhiều quốc gia khác nhau. Vừa khéo, những sản nghiệp của Ackerman có thể được dùng như một kênh ngụy trang để thu hút mớ tài nguyên này.

Ngoài ra, có một số thứ mà ngay cả Ackerman cũng không mua được; khi đó, bạn bè và học trò của ông sẽ giúp đỡ, bằng cách tiết kiệm từ các dự án nghiên cứu của họ và tuồn ra ngoài. Reilly Ron chỉ tiết lộ phần nổi của tảng băng lý thuyết cho những người hằng tôn trọng và ngưỡng mộ ông, họ thậm chí không biết về khái niệm vũ trụ song song yếu, nhưng vẫn cung cấp sự trợ giúp lớn nhất cho Reilly Ron.

Cứ thế, ở những nơi mà chính phủ không hay, dưới sự che chở của tập đoàn Ackerman, một mạng lưới bao trùm toàn thế giới đã được xây dựng. Chúng liên tục vận chuyển các nguồn tài nguyên khác nhau, và cuối cùng hội tụ tại hòn đảo xa xôi nằm trên 81,5° Kinh Đông.

Điều kỳ diệu trên hòn đảo ấy chẳng phải do một mình Reilly Ron tạo ra, mà còn có cả Ackerman và toàn bộ nhân viên trong tập đoàn của anh, cũng như những người nay đã khuất, bộ phận nhỏ học sinh sinh viên vẫn khăng khăng kiên trì, nhóm bạn bè đông đảo của họ, học trò của nghiên cứu sinh, những người dân bình thường làm đúng vai trò nộp thuế cho quốc gia... Và tập thể khổng lồ này, đã mất nửa thế kỷ để tạo ra phép màu ấy.

Mặc dù chẳng ai biết kế hoạch hoàn chỉnh ngoại trừ Reilly Ron, chẳng ai biết rằng ý tưởng ban đầu phải bị từ bỏ vì quá nhiều khó khăn, họ đã đi theo một hướng mới.

Chính hướng đi mới này đã dẫn đến sự xuất hiện của ngày 32.

Sau mười năm nghiên cứu độc lập, Đập Lượng Tử đã được đổi mới từ thế hệ này đến thế hệ khác, và Reilly Ron rốt cục nhận ra, việc chặn tài nguyên từ vũ trụ song song yếu vào thời điểm hiện tại là thiếu thực tế. Vấn đề lớn nhất ở đây, rằng ông muốn làm không chỉ vì Trái Đất vắng bóng người trong vũ trụ song song yếu, mà vượt ra ngoài không gian ba chiều không bao gồm thời gian, đứng ở chiều không giao cao hơn, như Thượng Đế, thực hiện các thao tác cắt lớp cực kỷ tinh xảo trên "màng ba". Ngay cả khi tất cả những gì ông cần chỉ là một mẩu sắt nhỏ, thì Reilly Ron cũng đang thách thức toàn bộ vũ trụ.

Ông thất bại, thất bại rất nhiều lần. Ngay từ đầu ông không cách nào định vị địa cầu trong vũ trụ song song yếu, dẫu sao cũng chẳng ai biết vũ trụ song song yếu và vũ trụ này cùng tồn tại dưới hình thức nào. Quan hệ giữa hai bên không phải một đối một, mà là một mối quan hệ trừu tượng, một kết nối đa chiều. Về sau, vấn đề này đã được giải quyết bằng cách cải thiện Đập Lượng Tử, biến Đập Lượng Tử trong vũ trụ song song yếu thành một điểm neo.

Ông dần phát hiện ra tài nguyên mà mình cần là quá nhỏ ở cấp độ vũ trụ, Đập Lượng Tử không thể chặn chúng một cách chính xác. Những nỗ lực làm đi làm lại của ông, chẳng khác nào đang dùng lưới đánh cá để bắt vi khuẩn. Và yêu cầu Đập Lượng Tử ngăn chặn thứ gì đó có ý nghĩa tồn tại hơn đối với vũ trụ, tương đương với việc yêu cầu một con kiến di chuyển hành tinh, nó vốn dĩ không thực tế.

Thu hoạch duy nhất của Reilly Ron là từ thông tin phản hồi của Đập Lượng Tử, ông đã suy luận rằng mình chỉ có thể can thiệp mỗi xung điện trong vũ trụ song song yếu, đó là trường dòng điện bất ổn được tạo ra bởi tụ điện hoặc nguồn điện không liên tục. Nhưng nó chẳng giúp được gì cả.

Ông đã ngót nghét chín mươi, tư duy tuy vẫn linh hoạt nhưng thể lực đã không tốt như trước, ông biết mình có thể chết bất cứ lúc nào. Ông cũng biết, rằng con trai ông dẫu giàu có đến đâu cũng khó có thể giúp ông lấy được những tài liệu quý giá bị chính phủ các nước quản lý chặt chẽ để tiếp tục thực nghiệm. Tài nguyên của thế giới những có hạn, và ông hiển nhiên là người nhận thức rõ điều này. Ông đã dành cả cuộc đời để cố thoát khỏi xiềng xích của tài nguyên, nhưng sau rốt, ông vẫn bị mắc kẹt trong khốn cảnh này.

Chừng như vì tuyệt vọng, thậm chí bất lực sau những lần tuyệt vọng, mới sinh ra ý tưởng cuối cùng trong cuộc đời Reilly Ron. Ông muốn rời khỏi thế gian đã cho mình quá nhiều ràng buộc, chẳng qua nó không mang ý nghĩa tử vong. Cái ông muốn là được vũ trụ song song yếu mang đi, trở thành chủ nhân của thế giới vô chủ kia.

Ông đã dành cả đời nhằm chứng minh rằng không thể khiến vũ trụ song song yếu giữ lại một thứ gì đó, nhưng điều đó đâu có nghĩa ông chẳng thể dùng Đập Lượng Tử gửi thứ gì đó vào vũ trụ song song yếu. Đặc biệt là con người, nói một cách chính xác, là những người quan sát. Không phải sự tồn tại của vũ trụ song song yếu thừa nhận tầm quan trọng to lớn của người quan sát ư?

Người quan sát sẽ có ảnh hưởng nhất định đến thí nghiệm ở mức độ lượng tử, nó cho thấy quan sát viên có thể được mô tả bằng ngôn ngữ vật lý và toán học. Vào lúc xế chiều của cuộc đời, Reilly Ron lại một lần nữa dồn hết tâm huyết vào việc suy ra phương trình người quan sát. Và lần này, ông đã thành công.

(Các chuyên gia bổ sung: Theo tình hình ngày 32 cho thấy, phương trình người quan sát do Reilly Ron suy ra chưa đủ chính xác. Phương trình của ông chỉ giới hạn ở con người – có lẽ bao gồm cả người ngoài hành tinh thông minh, song lại ngoại trừ những sinh vật có hệ thần kinh như động vật. Chẳng qua, phát minh của ông đã quá vĩ đại rồi.)

Reilly Ron nhập phương trình người quan sát vào Đập Lượng Tử. Ông đã tính toán tỉ mẩn, về lý thuyết, vũ trụ song song yếu có thể mang đi quan sát viên. Ông còn quyết định dẫn theo số ít người, vì sinh mệnh đang leo lắt như ngọn nến sắp tắt, Reilly Ron cần một ai đấy thừa kế toàn bộ di sản của mình. Ông đã thêm một con số vào phương trình người quan sát, đó là mười vạn. Ông cũng kết nối một thiết bị mới trong Đập Lượng Tử, có thể bao bọc ông, để chắc chắn đưa ông vào vũ trụ song song yếu.

Mười vạn người sẽ theo ông đến thế giới mới – những người này là ngẫu nhiên, họ sẽ được tận hưởng một Trái Đất hòa bình thịnh vượng; sẽ xây dựng lại một xã hội tươi đẹp, cũng sẽ đoàn kết và hợp tác vì một tương lai xán lạn hơn. Họ sẽ thúc đẩy thuyết vũ trụ song song yếu của ông, cho đến khi khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên nơi đây. Đây là một chốn không tưởng, mọi người đều bình đẳng, không cần phải chiến đấu vì quyền lợi của mình. Nhưng ông sẽ không nói với mười vạn người kia chuyện gì đã xảy ra, biết đâu họ lại oán giận ông?

Vì lý tưởng đẹp đẽ đó, Reilly Ron đã thêm một vài giả thiết vào Đập Lượng Tử. Chẳng hạn như thông qua sự giao thoa của các xung điện, để thống nhất thời gian trong Internet của vũ trụ song song yếu: Mỗi tháng có ba mươi hai ngày, tuyệt đối bằng nhau; mọi nơi sẽ cùng một giờ – tính theo 81,5° Kinh Đông nơi ông ở (sở dĩ lựa chọn thời gian không tồn tại này, vì ông chẳng muốn có người cảm thấy ưu việt hơn vì tự cho rằng thời gian của mình phù hợp với vũ trụ song song yếu). Dẫu sống ở phía nào địa cầu, cũng chẳng còn sự khác biệt nữa; mặc dầu đó chỉ là sự đồng nhất từ máy móc, nhưng Reilly Ron vẫn tin rằng đây sẽ là một khởi đầu tốt đẹp.

Ở 81,5° Kinh Đông vào ngày 31 tháng 5 năm ngoái, Reilly Ron đã kích hoạt thế hệ Đập Lượng Tử cuối cùng.

Không có chuyện gì xảy ra. Đối với Reilly Ron, nó đúng là vậy.

Hệt như vũ trụ giễu cợt con kiến, sức mạnh cá nhân trước mặt nó quá ư tầm thường. Reilly Ron vẫn chưa hiểu tường tận về vũ trụ song song yếu, dẫn đến một sơ suất nhỏ khiến kết quả cuối cùng khác với những gì ông hình dung: Ông không bị cuốn vào nó, thay vào đó bị loại trừ bởi tính ngẫu nhiên của vật lý lượng tử. Ông đã nghĩ rằng, thí nghiệm của mình thất bại một lần nữa. Quả là một cú đả kích trí mạng. Trong tuyệt vọng, Reilly Ron phá hủy hết thảy dữ liệu trong Đập Lượng Tử, rồi đập nát cỗ máy đó, sau thì chính thức đổ bệnh.

Trong một thời gian dài, ông nằm trên giường bệnh không nhận ra mình ra là ai. Mỗi khi tỉnh dậy, trên người ông phải treo đủ loại thiết bị y tế nhằm duy trì sự sống. Đôi mắt sáng đã hoàn toàn mờ đi, ông chẳng quan tâm đến bất cứ điều gì nữa. Nếu không nhờ nỗ lực cứu sống trong tuyệt vọng của Ackerman, có lẽ ông đã chết từ lâu.

Cặp cha con này – những người bị mắc kẹt trong nỗi đau cùng cực của họ, đã bỏ lỡ sự kiện ngày 32 càn quét khắp nơi trên Trái Đất.

///



Tác giả có chuyện muốn nói:

Lại đến phân đoạn tác giả thao thao bất tuyệt rồi đây, cốt yếu do nội dung chương này hơi "khoa học viễn tưởng" so với cốt truyện trước. Nhưng với tư cách là một sinh viên nghệ thuật thuần túy, tôi cảm thấy mình cần phải giải thích chút xíu thôi.

1. Nội dung trong ngoặc vuông (editor bỏ ngoặc vuông, thay bằng in nghiêng) được đánh số thứ tự đều trích từ tài liệu tham khảo. ①②③⑤ lần lượt được trích từ P110, P235, P248 và P274 (sách xuất bản TQ)trong The Hidden Reality của Brian Greene; và ④ được trích từ P124 trong Các thế giới song song (Parallel Worlds) của Michio Kaku. Các lý luận khác cũng được tham khảo từ nhiều đầu sách khoa học phổ biến sau đây: The Hidden Reality, Parallel Worlds, Đa vũ trụ là gì, Thượng Đế tung xúc xắc. Về sau nếu không phải trích dẫn trực tiếp, tôi sẽ không chú thích nữa. Khái niệm vũ trụ song song yếu là do tôi dựng lên.

2. Khi viết áng văn này, là tôi tự nghĩ thiết lập thế giới trước, sau đó mới dựa theo thiết lập để tìm kiếm những cách giải thích khác nhau. Điều này dẫn đến việc tôi sử dụng những lý thuyết khoa học khi cần thiết, nói thế nào nhỉ, kiểu như thoạt nhìn có vẻ hợp lý nhưng nhìn kỹ chắc không nhất quán. Ví dụ ngày 32 nhé, để hoàn thành thiết lập thế giới này, tôi đã kết hợp hai thuyết vũ trụ song song khác nhau: thế giới màng của Thuyết dây và Nhiều Thế Giới của cơ học lượng tử. Về phần nó có được phép kết hợp trong vật lý hay không, tôi xin chịu thua. Mong quý độc giả vui lòng bỏ qua cho những điểm thiếu chính xác.

3. Cũng do thiếu kiến thức khoa học, tôi đã áp dụng thủ thuật lảng tránh về chi tiết và số liệu, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cảm nhận thực tế của các bạn độc giả. Sẽ có phân đoạn giải thích mơ hồ, thực thực ảo ảo. Năng lực có hạn, một lần nữa mong quý độc giả bao dung.

4. Nội dung chương này hơi nhiều, gần một vạn chữ cơ. Tôi cũng chẳng biết mình đã giải thích rõ ràng chưa, các bạn có hiểu điều tôi muốn nói không? Nghĩ tới nghĩ lui, tôi thấy mình cần phải mô tả đơn giản lại chút xíu. Sự việc thế này: Reilly Ron đã phát hiện ra vũ trụ song song yếu thông qua tín hiệu sóng hấp dẫn đặc biệt ⇒ Ông muốn chặn tài nguyên của vũ trụ song song yếu và xây dựng một Đập Lượng Tử ⇒ Việc chặn thất bại, ông thay đổi suy nghĩ, lập ra phương trình người quan sát ⇒ Ông muốn đưa mười vạn người vào vũ trụ song song yếu độc lập ⇒ Vô tình, ông không vào, mà người khác vào.

Vẫn còn một số giải thích về ngày 32, sẽ được cập nhật trong chương tiếp theo.

;

[1] Sóng hấp dẫn liên quan gì đến sự lạm phát vũ trụ? Để giải thích cho câu hỏi này, mình nói sơ lại về "sóng hấp dẫn". Theo thuyết tương đối, một vật có khối lượng tồn tại trong không gian sẽ làm cho không-thời gian bị cong đi và tạo ra trường hấp dẫn xung quanh nó. Khối lượng càng lớn thì độ cong không-thời gian càng lớn; và khi vật thể chuyển động trong không gian, độ cong này cũng sẽ thay đổi tương ứng với sự thay đổi vị trí của vật.

Khi vật thể chuyển động có gia tốc, sẽ làm cho độ cong này thay đổi có gia tốc và phát ra sóng hấp dẫn lan truyền ra bên ngoài với tốc độ bằng tốc độ ánh sáng.

Theo thuyết Big Bang, vũ trụ trải qua một thời kì lạm phát, giãn nở gia tốc tại thời điểm một phần của giây sau Big Bang. Trong khoảng thời gian cực ngắn đó, vũ trụ (cùng với vật chất trong đó) giãn nở khủng khiếp theo hàm mũ, và do đó phát ra những gợn sóng trong cấu trúc không-thời gian – đó là sóng hấp dẫn nguyên thủy. Mặc dù sóng hấp dẫn nguyên thủy này vẫn đang lan truyền trong vũ trụ nhưng cho đến nay, tín hiệu vẫn rất yếu, khó có thể ghi nhận một cách trực tiếp.

Sự phát hiện sóng hấp dẫn nguyên thủy có thể giải thích nhiều thứ, nhưng ý tưởng hiện nay được quan tâm nhiều nhất là khả năng chứng minh cho vũ trụ lạm phát.

"Khẩu súng bốc khói cuối cùng sẽ xác nhận hay bác bỏ kịch bản lạm phát chính là các "sóng hấp dẫn" đã sinh ra trong thời khắc của vụ nổ lớn. Các sóng hấp dẫn này, cũng giống như nền vi sóng, vẫn còn dội lại trong khắp vũ trụ và trên thực tế có thể được tìm thấy bởi các thiết bị dò sóng hấp dẫn" – trích trang 138, Các thế giới song song của Michio Kaku (2015), NXB Thế Giới.

[2] Dịch từ bản gốc The Hidden Reality của Brian Greene, trang 111: "... Debris created by head-on collisions between fast-moving protons can be ejected from our familiar large dimensions and squeezed into the others (where, for reasons we'll get to later, the debris would likely be particles of gravity, or gravitons). Were this to happen, the debris would carry away energy, and as a result our detectors would register a little less energy after the collision than was present before. Such missing energy signals could provide strong evidence for the existence of extra dimensions."

[3] Hạt điểm được gọi là "màng không", vì chúng vô cùng nhỏ, không có kích thước; một dây được gọi là "màng một", vì nó là vật thể một chiều được xác định bằng chiều dài; "màng hai" giống như bề mặt của quả bóng, được xác định bằng chiều dài và rộng; còn vũ trụ là "màng ba", gồm chiều dài, rộng và cao (Michio Kaku, 2015).

[4] Có lẽ là nói đến thuyết nguyên bản dựa trên công thức Veneziano miêu tả những gì được gọi là Thuyết siêu dây kiểu I. Thuyết kiểu I dựa trên các dây mở (dây có hai đầu), và cách dây đóng (dây tròn).

[5] Dịch từ bản gốc The Hidden Reality của Brian Greene, trang 234: "The Copenhagen approach to quantum mechanics envisions that when measured or observed, a particle's probability wave instantaneously collapses at all but one location. The range of possible positions for the particle transforms into one definite outcome."

[6] Dịch từ bản gốc The Hidden Reality của Brian Greene, trang 245: "... (that is, all those outcomes to which quantum mechanics assigns a nonzero probability), is realized in its own separate world. These are the "many worlds" of the Many Worlds approach to quantum mechanics."

Đây là cách tiếp cận thứ hai, được phát triển bởi Hugh Everett (học trò của Wheeler). Everett đã thảo luận về khả năng con mèo có thể tồn tại đồng thời ở hai trạng thái sống và chết, nhưng trong hai vũ trụ khác nhau (...) Trên thực tế, tại mỗi mối nối lượng tử, vũ trụ chia làm đôi, thành một chuỗi các vũ trụ phân chia không dứt. Trong kịch bản này, tất cả các vũ trụ đều có thể có, mỗi vũ trụ đều là thật như các vũ trụ khác. Con người sống trong mỗi vũ trụ ấy có thể mạnh mẽ phản đối rằng chỉ có vũ trụ của họ là hiện hữu, còn tất cả vũ trụ khác chỉ là tưởng tượng hay giả tạo. Ưu điểm của diễn giải này là chúng ta có thể bỏ qua điều kiện về sự sụp đổ của hàm sóng. Các hàm sóng không bao giờ sụp đổ, chúng tiếp tục phát triển và liên tục chia tách thành các hàm sóng khác (Michio Kaku, 2015).

[7] Trích nguyên văn trong sách Các thế giới song song của Michio Kaku (2015), NXB Thế Giới.

[8] Dịch từ bản gốc The Hidden Reality của Brian Greene, trang 273: "Some proposals suggest that in the Many Worlds approach, unequal wave heights imply that some worlds are less genuine, or less relevant, than others."

[9] Vật chất tối (dark matter): vật chất vô hình, có trọng lượng nhưng không tương tác với ánh sáng. Vật chất tối thường được tìm thấy trong các quầng khổng lồ xung quanh các thiên hà. Nó nhiều hơn vật chất thông thường tới 10 lần. Vật chất tối có thể đo được gián tiếp vì lực hấp dẫn của nó uốn cong ánh sáng sao, hơi giống như cách mà thấu kính uốn cong ánh sáng. Vật chất tối, theo các dữ liệu mới nhất, chiếm tới 23% của tổng hàm lượng vật chất/ năng lượng của vũ trụ. Theo thuyết dây, vật chất tối có thể được tạo ra từ các hạt hạ nguyên tử, như neutralino, tương ứng với các thăng giáng cao hơn của siêu dây (Michio Kaku, 2015).

[10] Phản vật chất (antimatter): là thứ ngược lại với vật chất. Phản vật chất, lần đầu tiên được P. A. M. Dirac dự đoán là tồn tại, có điện tích ngược lại với vật chất thông thường, sao cho các phản proton có điện tích âm và các phản electron (các positron) có điện tích dương. Cho đến nay, phản hydro là phản nguyên tử phức tạp nhất đã được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Tại sao vũ trụ của chúng ta được tạo ra chủ yếu từ vật chất chứ không phải phản vật chất, vẫn là một bí ẩn. Nếu vụ nổ lớn đã tạo ra cả hai loại vật chất với lượng bằng nhau, thì chúng sẽ tiêu diệt lẫn nhau, và chúng ta sẽ không tồn tại (Michio Kaku, 2015).

Hết chương 90

Editor: Cíu tôi cíu tôi...

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK