• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Mùa thu năm 1667, lần đầu tiên trong Thanh Sử Cảo một thí sinh đỗ trạng nguyên lẫn bác học hồng từ.  Hôm đó Khang Hi thiết đãi yến tiệc trong cung Càn Thanh.  Cửu Dương bèn ngồi kiệu theo một công công vào cung Càn Thanh.  Cung Càn Thanh nằm ở phía Bắc cố cung, là cung điện lớn nhất trong nội sảnh của nội triều tam cung.  Khi kiệu phu khiên kiệu đến Càn Thanh môn, công công lấy ra một tấm lệnh bài, hai tên lính gác Càn Thanh môn không dám chậm trễ, liền mở hai cánh cửa Nhật Tinh và Nguyệt Hoa.  Cửu Dương xuống kiệu, theo công công đi qua khoảng sân rộng hướng đến cung điện có mái hai tầng, xây trên bệ đá cẩm thạch trắng.  Công công dẫn Cửu Dương đến một căn phòng trong cung Càn Thanh, phía trước cửa phòng đặt hai pho tượng rùa và hạc, cả hai đều được đúc bằng đồng, trên cửa phòng treo tấm bảng khắc hàng chữ Văn Uyên các, phía dưới khắc hàng chữ nhỏ Trung Thực Công Khai.  Công công mở cửa phòng ra, giữa phòng đặt chiếc bàn trước tấm màn rồng, trên tấm màn rồng là bức đại tự Chính Đại Quang Minh.  

- Nô tài tham kiến Bảo Hòa điện đại học sĩ.

- Học sinh bái kiến đại học sĩ. 

Cửu Dương và công công quỳ bái chào một người mặc đồ quan, tuổi khoảng lục tuần, mặt mày hồn hậu, tay cầm cuộn giấy đứng dưới bức đại tự Chính Đại Quang Minh.  Cửu Dương nghe công công nói ba chữ Bảo Hòa điện, biết người này là quân cơ đại thần Trương Đình Ngọc, chủ biên bộ chính sử Minh sử.  Cửu Dương nhớ Sách Ngạch Đồ và Tân Nguyên đã từng nói ở kinh thành Trương Đình Ngọc thông thạo Tống Nho.  Nho giáo thâm ảo khó hiểu, những bậc tiên hiền đã đọc qua quả cũng không ít bậc trí giả thông thiên triệt địa, nhưng trước giờ vẫn không ai có thể quán thông được toàn bộ những gì viết trong sách hơn Trương Đình Ngọc.  

- Tân khoa trạng nguyên, ngài đã đến - Trương Đình Ngọc cúi người đỡ cánh tay Cửu Dương dậy, nói - Mời đứng lên!

Đoạn, Trương Đình Ngọc quay sang bảo công công đã hết việc rồi có thể đi ra.  Công công vâng mệnh lập tức ra ngoài hành lang.

Cửu Dương vòng tay xá Trương Đình Ngọc một cái, nói:

- Tạ ơn đại nhân.

Trương Đình Ngọc tươi cười:

- Hoàng thượng có việc chưa bàn xong với Phủ Viễn tướng quân và Sách thị lang đại nhân, lệnh cho bản quan tới trò chuyện với Lí Tài trước, ngài và hai vị đại nhân sẽ đến sau.  

Cửu Dương nói:  

- Hôm nay học sinh được bệ kiến hoàng thượng, Trương đại nhân, Sách thị lang đại nhân và Phủ Viễn tướng quân thật là vinh dự cả đời của học sinh. 

Trương Đình Ngọc đương nhiên biết Lí Tài chẳng phải tên thật của Cửu Dương.  Trương Đình Ngọc vốn biết Cửu Dương là người Tiêu Phong mời đến giúp Khang Hi, nay lấy tên Lí Tài để tham gia cuộc thi và đạt chức trạng nguyên, cho nên sau khi nói một câu khách sáo với Cửu Dương, Trương Đình Ngọc cười khà khà nói:

- Các bài dự thi năm nay bản quan đã xem qua, ngoài cái bài dài ba mươi trang giấy ca ngợi công đức tam mệnh đại thần ra, đặc biệt là Ngao Bái, khiến gã rất thích thú, còn một bài luận văn nữa, viết rất là hay, bài luận văn đó so với tuổi tác của Lí Tài quả thật không hề đơn giản. 

Cửu Dương nghe nhắc hai bài viết của chàng nhất là bài dài ba mươi trang giấy tâng bốc Ngao Bái lên chín tầng mây xanh, cũng buồn cười cho cái chức tân khoa trạng nguyên và bác học hồng từ của mình nhưng chàng vẫn cúi đầu lễ phép trả lời Trương Đình Ngọc:

- Học trò thấy thật hổ thẹn, đã múa rìu qua mắt thợ.  Trương đại nhân là người rất được hoàng thượng trọng dụng, lại nổi tiếng khắp nơi là nhà uyên bác, ở Giang Nam học trò đã từng nghe danh đại nhân là người am hiểu văn chương, thơ từ, đa dạng phong phú, bậc nhất trong cung.  Còn học sinh thì kinh nghiệm thư quán còn non kém nên hai bài văn vừa qua chỉ là bịt mắt sờ voi mà thôi.

- Trọng dụng gì đâu, ha ha ha! - Trương Đình Ngọc cười lớn nói - Chẳng qua là dốc lòng phụng sự chủ nhân mà thôi.

Trương Đình Ngọc nói đoạn, tiến lại đứng sát vào Cửu Dương, hạ giọng nói vào tai Cửu Dương:

- Cám ơn Lí Tài đã nói mấy lời cả nể với lão phu, nhưng lão phu tự biết sức mình chẳng có bao nhiêu, không làm sao sánh bằng Tần viện trưởng của Hắc Viện Hàng Châu được, hôm nay, chính lão phu mới là người múa rìu qua mắt thợ!

Cửu Dương nghe Trương Đình Ngọc thay đổi cách xưng hô, lại nghe Trương Đình Ngọc gọi đích danh chàng, chắp tay định nói mấy câu khiêm nhượng nhưng Trương Đình Ngọc không cho chàng cơ hội, nói:

- Nhờ ngài xem dùm lão phu bức tranh hoa mai này, nếu ngài từ chối là không nể mặt lão phu!

Trương Đình Ngọc dứt lời, chẳng cần biết Cửu Dương có đồng ý hay chăng, mở cuộn giấy đang cầm trong tay ra.  

Cửu Dương thấy từ chối không tiện, nói với Trương Đình Ngọc:

- Bản thân học sinh tài hèn sức mọn nhưng nếu Trương đại nhân sai bảo thì học sinh chỉ đành cung kính bất như tòng mệnh.  

Nói rồi ngắm bức tranh hoa mai.

Trong khi Cửu Dương ngắm bức tranh, Trương Đình Ngọc lặng lẽ quan sát Cửu Dương.  Trong bức tranh hoa mai này Trương Đình Ngọc đã cố tình vẽ một vài nét không được hoàn mỹ cho lắm trên thân cây mai. 

- Ngài thấy ra sao? - Trương Đình Ngọc nheo mắt hỏi Cửu Dương - Cứ tự nhiên nhận xét, bức tranh của lão phu phải dùng thời gian ba tháng mới vẽ xong đó.

Cửu Dương nhìn qua bức tranh một lượt, quan sát, quan sát, và quan sát thêm nữa, cố lắng nghe những phản ứng chủ quan của mình một cách càng khách quan, càng trung tính, càng tốt.  Đôi mắt chàng cuối cùng dừng lại ở mấy đóa hoa, cân nhắc một chốc rồi đáp:

- Theo như sự hiểu biết nông cạn của học sinh về các loại tranh hoa thì bức tranh hoa mai này vô cùng diễm lệ, bài thơ ở góc phải bức tranh có phong độ Hán Đường.

Trương Đình Ngọc phá ra cười, đưa tranh cho Cửu Dương cầm, nói:

- Ngài không cần khách sáo, cứ xem lại một lần nữa rồi tự nhiên nhận xét giùm lão phu.

Cửu Dương cầm bức tranh hoa mai, ngắm thêm một lần rồi gật gật đầu:

- Lúc nãy học sinh nói không hề quá chút nào, mấy năm nay, học sinh ở trong viện cô nhi, được dịp ngắm hoa mai nở quanh bờ sông, quả thật mai ở miền Nam của học sinh không thể nào bì bằng hoa mai miền Bắc, miền Bắc có nhiều chỗ quanh năm đều trổ hoa.  Trương đại nhân sinh ra và lớn lên ở đây, vừa mở mắt đã làm quen với mai, nên nét bút của đại nhân có khí khái hơn các họa sĩ miền Nam vẽ về hoa mai. 

Trương Đình Ngọc nghe câu trả lời rất khéo của Cửu Dương, nói cám ơn, xong lại hỏi:

- Đối với những bài thơ về mai không biết ngài thích nhất là bài nào?

Cửu Dương cuộn bức tranh lại trả Trương Đình Ngọc, đáp: 

- Học trò thích nhất bài “Mai hoa dị lạc” của Trương đại nhân, học trò thuộc nằm lòng bài thơ đó, ngoài bài đó đại nhân còn sáng tác năm tập thơ hoa nữa, bài nào cũng hay như nhau.

Cửu Dương dứt lời chậm rãi đọc một đoạn trong bài thơ Mai hoa dị lạc cho Trương Đình Ngọc nghe:

- Mai hoa dị lạc hương mãn đầu

Mai hoa tận lạc hương mãn túc

Trị khổng liêu chi tâm khổng khai

Hoa trương trật nhật trang tì lai

Hương thấu tâm trung bì cốt hóa

Bất tri di ngã, hoàng di mai

Trương Đình Ngọc cười xòa, cầm bức tranh, nói:

- Thời gian trôi qua như tên bắn. Bài thơ đó lão phu viết lúc đến Yên sơn dạo chơi, ở Yên sơn mùa xuân mai mọc kín sườn đồi, tới nay đã hơn chục năm trời không ngờ vẫn còn người ngâm lại bài thơ cũ rích này.

Cửu Dương nói:

- Bài thơ “Mai hoa dị lạc” được lưu truyền rộng rãi trong các tập thơ hoa, học trò yêu thích mai cũng vì đọc được bài thơ đó của Trương đại nhân, hai câu cuối của bài thơ “bất như sinh tác mộc lan nê, trường dư mai hoa tán hồn phách” là hai câu thơ học trò cực kỳ yêu thích.

- Nói như vậy - Trương Đình Ngọc đặt tay lên vai Cửu Dương, hỏi - Ngài cũng như lão phu là những người ưa thích thiên nhiên?

Cửu Dương gật đầu:

- Vâng, năm xưa học sinh ở Tung sơn, cả ngày nghiên cứu kinh văn, xong, không có chuyện chi làm nên đã mò mẫm xem các tập thơ hoa, vừa ngồi trên núi vừa ngâm thơ, trên đời này đúng là không gì sánh bằng có thể ngồi ngâm thơ giữa thiên nhiên.

Trương Đình Ngọc nói:

- Không biết ngài bắt đầu học hành từ khi nào?

Cửu Dương nói:

- Năm học sinh bốn tuổi có người bà con đưa học sinh tới chùa Thiếu Lâm ở Tung sơn gởi cho một vị đại sư để học võ công, lúc người bà con và vị đại sư trò chuyện với nhau, học sinh đã trèo qua hàng rào nhìn vào tàng thư các xem các chú tiểu học.  Vị đại sư ngó thấy học sinh thích thú muốn đi học nên đã sắp đặt một ghế để học sinh vào học.

Cửu Dương nói tới đây thì tiếng Ung công công vang lên the thé ngoài sân, sau bốn tiếng “hoàng thượng giá lâm” là Khang Hi bước vào thư phòng.  Tiêu Phong đi phía sau Khang Hi, rồi tới Sách Ngạch Đồ đi sau Tiêu Phong.  Ung công công khép cửa Văn Uyên các, đứng chầu bên ngoài hành lang.

Trương Đình Ngọc và Cửu Dương quỳ làm lễ thỉnh an Khang Hi, sau đó chào Sách Ngạch Đồ và Tiêu Phong.  Khang Hi đi đến ngồi sau chiếc bàn phía dưới bức đại tự Chính Đại Quang Minh, cho Cửu Dương và Trương Đình Ngọc miễn lễ.  Từ khi bước vào Văn Uyên các Khang Hi đã sớm quan sát nét mặt Cửu Dương, tuy rằng trước giờ nghe những lời Tiêu Phong nói về người đàn ông này nhưng Khang Hi vẫn chưa mấy tin, Khang Hi thật sự muốn thấy thực lực của Cửu Dương ra làm sao mà người như Tiêu Phong lại dám đứng ra dùng tánh mạng đảm bảo là người có bản lĩnh thông thiên triệt địa, có thể thống suất quần thần, thống lĩnh tam quân đánh dẹp Ngao Bái.

Khang Hi nghĩ vậy, nên cặp mắt vẫn không rời khỏi mặt Cửu Dương, vừa ngồi xuống đã cất giọng hỏi ngay:

- Tân khoa trạng nguyên của năm nay tên là Lí Tài à?  Khanh nói trẫm nghe hai từ này có nghĩa là như thế nào?

- Khởi bẩm hoàng thượng – Cửu Dương nói – Tên này vốn là của Tân Nguyên cách cách nghĩ ra cho học sinh, cách cách nói chữ “lí” dùng để chỉ lí trí còn “tài” nghĩa là chỉ tài ba.

Khang Hi gật đầu, sau đó lại hỏi:

- Cái tên rất hay, hôm nay Lí Tài gặp trẫm có hồi hộp hay không vậy?

Lúc Khang Hi đi vào Văn Uyên các Cửu Dương cũng có quan sát diện mạo và dáng đi của Khang Hi, thấy đó là một thiếu niên với vẻ mặt vô cùng tinh anh, mi mắt thanh tao, nói chung là rất có uy nghiêm và phong độ của bậc đế vương.  Cửu Dương ngẫm nghĩ rất nhanh, trả lời Khang Hi:

- Khởi bẩm hoàng thượng, học sinh đương nhiên hồi hộp, vì bất kỳ người nào diện kiến thiên nhan cũng phải hồi hộp.

Khang Hi nhìn sang Tiêu Phong, mỉm cười.  Tiêu Phong cũng cười đáp trả, trong lòng Tiêu Phong rất phục thái độ chừng mực của Cửu Dương, mặc dù lúc trước Cửu Dương là một đương gia.  

Khang Hi tiếp tục nói:

- Vì sao phải hồi hộp?  Lẽ nào Lí Tài cảm thấy trẫm rất uy nghi, sợ trẫm chăng?

Cửu Dương nói:

- Khởi bẩm hoàng thượng, chỉ có bạo chúa mới thích người ta sợ, còn tự cổ minh quân luôn muốn thiên hạ phục mình.  Hoàng thượng là thánh quân một thời, làm sao học sinh lại sợ?  Chỉ hiềm lần này là lần đầu học sinh được vào cung, cảm thấy không khí nhà trời vô cùng tôn nghiêm nên tâm trạng học sinh có hơi căng thẳng một chút.

Sách Ngạch Đồ thấy Cửu Dương trả lời những câu hỏi của Khang Hi đâu ra đó, rất rành rọt, mà mặt ngoài vẫn bình thản như không hề có một chút thù hằn gì với Thanh triều, Sách Ngạch Đồ khẽ gật đầu.  Khang Hi tiếp tục nói:

- Thánh quân một thời?  Dựa vào đâu mà Lí Tài cho rằng trẫm là thánh quân một thời?

Cửu Dương nói: 

- Khởi bẩm hoàng thượng, sở dĩ học sinh nói vậy là vì học sinh dựa vào những gì người trong giang hồ hay nói về hoàng thượng. 

Khang Hi nghiêng đầu:

- Ồ!  Người trong giang hồ đã nói gì về trẫm vậy?

Cửu Dương nói:

- Họ nói hoàng thượng từ lúc tám tuổi đã đăng cơ, từ đó yêu dân như con, thuyên giảm thuế má, mở kho phát gạo, cứu nạn Hoàng Hà.  Chỉ với bấy nhiêu việc công đức mà học sinh vừa nêu ra cũng đã đủ cho mọi người kính phục hoàng thượng.  Thêm vào đó, học sinh còn dựa vào việc Khang Nạp thân vương đã hy sinh bản thân ngài ấy và con trai ngài ấy trong trận đánh ở Thái Hành sơn để bảo vệ sự an toàn cho hoàng thượng.

Khóe miệng Khang Hi đang cong lên vì vui vẻ chợt chùng xuống, khi Khang Hi nghe Cửu Dương nhắc đến Khang Nạp và những gì xảy ra ở Thái Hành sơn.  Khang Hi buồn đến nỗi quên mất những câu mà mình đã nghĩ ra để “khảo sát” Cửu Dương, thở một hơi dài nhìn xâu chuỗi đang cầm trong tay.  

Trương Đình Ngọc và Sách Ngạch Đồ cũng cúi mặt nhìn xuống tấm thảm đỏ dưới chân hai người, cũng nghĩ đến cái chết của Khang Nạp.  Trương Đình Ngọc và Sách Ngạch Đồ nhủ bụng may là hôm đó Ngao Bái bị đả bại, bằng không, mấy người bọn họ làm gì có cơ hội đứng trong căn phòng này?  Riêng Tiêu Phong thì nghe Cửu Dương nhắc đến Khang Nạp, thầm nghĩ, người này ngoài tinh thông võ nghệ ra lời ăn tiếng nói cũng hiệu quả không kém, biết dằn mặt Khang Hi trong lần đầu tiên gặp gỡ, nhưng lại dùng những từ bợ đỡ rất khéo…

Lại nói tới Khang Hi, vẫn còn u sầu ủ rũ, thở một hơi dài xong vẫn không nói không rằng, ngồi trên ghế nhìn xâu chuỗi một lúc lâu mới nhìn Cửu Dương nói: 

- Hôm đó, vương gia hy sinh bản thân ở Thái Hành sơn vì trẫm, nghe nói khi ngài bị Liên Hoa sát thủ giết trên mình đã đeo xâu chuỗi ngà voi này, cho nên, sau khi về cung, trẫm đã kêu Ung công công không được rửa vết máu dính trên xâu chuỗi ngà voi, vì trẫm muốn ghi nhớ công ơn vương gia.

Cửu Dương nói:

- Xin hoàng thượng đừng quá đau buồn, xin người bảo trọng long thể.  Người chết đã chết, sẽ có một ngày hoàng thượng bài trừ được những người đã gây ra cái chết cho vương gia.

Khang Hi nói:

- Được hay sao?  Hiện thời trong tay trẫm ngoài các vị đang đứng trong Văn Uyên các này ra quân đội không có bao nhiêu nhân sĩ, trong khi đó tam mệnh đại thần nắm hầu hết các kỳ, bọn họ binh đông tướng mạnh như vậy trẫm chỉ sợ cái chết của vương gia có thể sẽ trở thành vô nghĩa. 

Cửu Dương nói:

- Xin hoàng thượng đừng nói những lời mất tự tin vào chính mình như vậy, mặc dù bây giờ hoàng thượng không có bao nhiêu nhân sĩ, nhưng hoàng thượng là chân mạng thiên tử, sẽ hóa hung thành kiếp, hơn nữa, trong tương lai hoàng thượng còn sẽ làm một đại nghiệp thiên thu vạn đại nữa.

Khang Hi cười trong chua chát:

- Trẫm mà còn sự nghiệp thiên thu vạn đại để mà làm hay sao?  Thật sự thì trẫm không dám có kỳ vọng lớn lao gì đâu, trẫm chỉ muốn hoàn thành tâm nguyện của nội tổ mà thôi.  Hồi còn sống, nội tổ đã tìm đủ mọi cách cản trở không cho tam mệnh đại thần quấy nhiễu triều chính, thao túng những việc trong thiên hạ nhưng đến khi băng hà bà vẫn không thể toàn tâm nguyện.  Vậy thì trẫm đây, chỉ còn có một mình thôi, thử hỏi làm sao trẫm có thực lực làm được việc mà bà không làm được?  Cho nên việc thiên thu vạn đại mà khanh vừa nói, đem đến cho bá tánh một cục diện mới thật tình trẫm không dám tơ tưởng tới một chút nào.

–Hoàng thượng nhất định sẽ làm được việc thiên thu vạn đại - Cửu Dương một mực gật đầu nói – Vì hoàng thượng là người có tài cán, hơn nữa lại có tài cán vô cùng phi thường.  Tài trị quốc của hoàng thượng và thành quả sau này gặt được, nhất định không thua các vị hoàng đế đời trước, chỉ là bây giờ thời cơ chưa được chín muồi, đợi đến khi thời cơ chín muồi, hoàng thượng sẽ đột phá tất cả tài năng thiên bẩm của mình, nếu học sinh đoán không lầm, thì chỉ trong năm năm nữa cái ngày hoàng thượng đột phá thời cơ sẽ đến. 

Khang Hi nghe nói trong vòng năm năm có thể đánh dẹp được đám người Ngao Bái, thấy trong lòng vui như trẩy hội.  Nhưng chỉ năm năm ngắn ngủi thật hay sao?  Khang Hi mở to mắt nhìn Cửu Dương, lắc đầu:

- Trong số các trào giả, ngoài Phủ Viễn tướng quân, cha con Sách thị lang, Trương đại học sĩ và người dưới trướng họ ra thì những người khác đều không có ai thệ trung với trẫm, vậy thì với số lượng nhân mã ít ỏi, trẫm làm sao có thể tạo dựng thiên thu đại nghiệp như Lí Tài vừa nói?  

Cửu Dương nghe Khang Hi than thở, vẫn kiên nhẫn nói:

- Học sinh hiểu bây giờ hoàng thượng vẫn còn lo ngại, vì quả thật trong tình huống hiện tại hoàng thượng muốn xoay trở càn khôn là chuyện không dễ dàng, nhưng năm năm sau, học sinh đảm bảo thế sự sẽ có cơ may đổi thay, sau khi tam mệnh đại thần đại bại, trong tôn thất, thậm chí trong lịch sử các thời đại những vị vua trước cũng không có người nào có thể sánh bằng hoàng thượng.

Khang Hi định nói thêm gì đó thì từ bên ngoài hành lang có tiếng gõ cửa, Khang Hi cho người bên ngoài vào phòng.  Ung công công đi vào nói yến tiệc đã bày xong trong ngự hoa viên.  Khang Hi bèn rời thư phòng bảo Ung công công khởi giá đi ngự hoa viên.  Tiêu Phong, Trương Đình Ngọc, Sách Ngạch Đồ và Cửu Dương cũng đi theo Khang Hi.  Trong suốt buổi tiệc diễn ra ở ngự hoa viên Tiêu Phong đều ngồi cạnh trò chuyện với Cửu Dương.  Sau khi tiệc tàn, Khang Hi lại mời mọi người ở lại xem ca kịch ở sân khấu Đông Vân, cũng nằm trong ngự hoa viên.  Tiêu Phong lại chọn chỗ ngồi bên cạnh Cửu Dương.  Khi màn kịch bắt đầu, kèn trống nổi lên, Tiêu Phong quay sang Cửu Dương hỏi nhỏ:

- Các hạ thật sự tin hoàng thượng sẽ lại được xưng văn cảnh chi trị, làm cho lương thực dần dần bội thu, quốc khố dồi dào hẳn lên như vị vua nhà Đường năm xưa thật hay sao?

Cửu Dương vẫn đưa mắt nhìn lên Đông Vân, không đáp lời Tiêu Phong mà hỏi:

- Các hạ đã từng tham khảo rất nhiều sách sử vậy chắc đã có nghe nhắc tới cuộc chiến tranh giữa Hán và Sở?

Tiêu Phong gật đầu, Cửu Dương nói:

- Vậy theo các hạ trong số các mưu sĩ văn thần võ tướng quan trọng nhất của Lưu Bang chính là người nào?

Tiêu Phong nhíu mày, sau một thoáng suy nghĩ nhìn Cửu Dương nói:

- Nếu tại hạ nhớ không nhầm thì trong số văn thần võ tướng quan trọng nhất của Lưu Bang thời bấy giờ phải kể đến hai người là Hàn Tín và Trương Lương.

Cửu Dương gật đầu, tiếp tục hạ giọng nói với Tiêu Phong mà mắt vẫn nhìn lên Đông Vân: 

- Thỏ ranh mãnh chết, chó săn hầm chim bay hết, cất cung tốt.  

Tiêu Phong nhíu mày nhìn Cửu Dương bằng ánh mắt ngỡ ngàng. Câu nói vừa rồi của Cửu Dương, Tiêu Phong biết là lấy từ trong truyện Hán Sở tranh hùng mà ra, có nghĩa là “nếu công lao của bề tôi càng cao, thì lại càng khó khống chế, bởi vậy nên đã gây nên họa sát thân.”  Từ cổ không thiếu những người lâm phải hoàn cảnh như câu nói ấy, thế nhưng, điều làm người ta đau lòng nhất là trong cuộc phân tranh giữa Hán và Sở thì Hàn Tín đã từng bán mạng cho Lưu Bang rốt cuộc cũng trở thành vật hy sinh trong cuộc đấu tranh "thỏ chết chó hầm.”  Còn Trương Lương thì có kết cục khác hẳn, sau khi cùng Hàn Tín giúp Lưu Bang chiến thắng Hạng Vũ, Trương Lương đã tự nguyện trao trả binh quyền cho Lưu Bang nên đã được an toàn rút lui về quê ẩn dật.  

Nói tới Hàn Tín, năm xưa là một danh tướng đã từng chỉ huy quân đội đánh trận cho Lưu Bang, rất tài giỏi nên được Lưu Bang phong làm đại tướng. Tuy nhiên, sau khi đăng ngôi lên làm Hán Vương trước sau Lưu Bang vẫn không hề yên tâm về sự lựa chọn này.  Lưu Bang lo rằng trong tương lai sẽ không có đủ khả năng thao túng bề tôi, sợ Hàn Tín dựa vào công tích đứng ra tạo phản.  Trình độ quân sự của Hàn Tín rất cao nhưng trình độ đấu tranh chính trị lại chỉ ở mức độ tương đối. Từ trước đến nay Hàn Tín vẫn ôm ấp sự hoang tưởng về Lưu Bang, cho rằng mình vì Hán Vương lập nhiều chiến công thì sẽ luôn được Lưu Bang tín nhiệm.  Bởi thế mà nhiều khi nói chuyện trước mặt Lưu Bang, Hàn Tín không hề do dự, cũng không màng giữ lễ nghĩa quân thần.  Có một hôm trong khi tảo triều, Lưu Bang và các quần thần bàn về những quan điểm tốt và xấu của các tướng lãnh. Lưu Bang hỏi Hàn Tín:

- Ông xem trẫm có thể chỉ huy bao nhiêu binh mã?

Hàn Tín không cần lọc lừa ngôn ngữ, buột miệng đáp:

- Bệ hạ chỉ có thể chỉ huy nhiều nhất là mười vạn binh mã!

Lưu Bang lại hỏi:

- Vậy còn bản thân ông có thể tự chỉ huy bao nhiêu binh mã?

Hàn Tín tự tin trả lời:

- Càng nhiều càng tốt!

Lưu Bang cười hỏi:

- Ông có thể càng nhiều càng tốt vậy tại sao trẫm lại không thể?

Hàn Tín thật thà đáp:

- Vì bệ hạ không giỏi điều binh nhưng giỏi khiển tướng.

Dựa vào mấy câu nói trên đã làm cho sự nghi kỵ của Lưu Bang đối với Hàn Tín ngày càng tăng, ai cũng đều nhận thấy, chỉ riêng bản thân Hàn Tín lại không hề biết. Bạn của Hàn Tín là Khoái Triệt, một biện sĩ trí tuệ hơn người từ lâu đã phát giác ra sự nghi kỵ của Lưu Bang, từng khuyên Hàn Tín nên sớm rời bỏ Lưu Bang để giữ mạng, còn không hậu quả sẽ khó mà lường được, nhưng Hàn Tín không tin lời Khoái Triệt.  

Sau này, khi Lưu Bang đăng cơ làm hoàng đế, đã tìm mọi cách trừ đi Hàn Tính thật.  Trước tiên, là hạ chức Hàn Tín từ địa vị Tề Vương được phong trước đây chuyển thành “hoài âm hầu,” mà không có một lý do chính đáng nào.  Điều này khiến Hàn Tín không phục, nên đã từ chối cùng Lưu Bang đi chinh phạt Trần Hi.  Lưu Bang nhân cơ hội này vu Hàn Tín thông đồng với Trần Hi, sai người bắt Hàn Tín xử tội chết.  Suốt bao năm Hàn Tín làm đại tướng, thề tử trận cho Lưu Bang, lại bị chính Lưu Bang bày mưu giết chết.  Trước khi chết, Hàn Tín than thở: “Ta hối hận không nghe Khoái Triệt, cho nên mới bị lừa dối. Há chẳng phải vì trời muốn thế hay sao?” Sử ký Tư Mã Thiên ghi nếu Hàn Tín nghe lời Khoái Triệt, sớm rời bỏ Lưu Bang thì có lẽ không phải “thân lâm thảm họa.” Lại nữa, nếu như Hàn Tín sáng suốt hơn một chút, sớm rút lui hay cẩn thận trong cách xử thế như Trương Lương thì cũng không đến nỗi rơi vào kết cục như vậy...

Lại nói tới Tiêu Phong.  Lời mà Cửu Dương nói ra, Tiêu Phong nghe qua, có cảm giác tuy rằng giọng nói tự nhiên nhưng kèm theo đó là một khí độ uy nghiêm, khiến cho bất kỳ ai nghe qua cũng cảm thấy chuyện đó dứt khoát là phải như vậy.  Nhưng, cuối cùng, Tiêu Phong vẫn lấy nét bình thản cổ hủ.  Cặp chân mày Tiêu Phong giãn ra, mỉm cười nhìn Cửu Dương, chậm rãi nói:

- Đa tạ các hạ quan hoài.  Tại hạ nhớ các hạ có từng nhắc nhở tại hạ một lần rồi.  Các hạ là thế ngoại cao nhân, kiếp này tại hạ được tri ngộ thật tình cảm thấy vô cùng hữu hạnh.  Nhưng bốn năm trước và bốn năm sau tại hạ cũng chỉ nói câu đó, cho dù tương lai có xảy ra chuyện nghiệt ngã thế nào tại hạ cũng không ân hận.  

(còn tiếp)

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK