Nàng mơ thấy năm mười bảy tuổi, mình ngồi đọc sách dưới tán cây hải đường. Dưới ráng chiều hồng nhạt, Chử Hành đứng bên cạnh trải giấy nghiền mực, ngón tay trắng nõn thon dài cầm tấm chặn giấy vuốt phẳng từng tấc giấy Tuyên Thành, lúc khom lưng, sợi tóc đen nhánh óng mượt của hắn sẽ rơi xuống.
Kỷ Nguyên cứ nghĩ rằng, hiếm khi có nam nhân nào sở hữu mái tóc đẹp như hắn.
Kỷ Nguyên ngửi thấy mùi hương tao nhã thoang thoảng, tỏa ra từ ống tay áo của Chử Hành. Nàng dời mắt khỏi cuốn sách, hỏi Chử Hành: “Trên người Chử khanh huân hương gì vậy? Không giống hoa cũng không giống gỗ, dường như khác hẳn người bên ngoài.”
Gương mặt Chử Hành tuấn tú sáng trong, khí chất tao nhã được lắng đọng lại qua thời gian dài. Nghe vậy, hắn đứng dậy, ngẫm nghĩ rồi đáp: “Thần không dùng huân hương, chắc là mùi bị dính từ mực thơm mà có.”
Kỷ Nguyên nói: “Mùi mực thơm của người khác cứ trộn lẫn với mùi khói dầu, còn trên người của khanh thì lại rất sạch sẽ.”
Năm ấy Chử Hành vừa cập quan, nhận được lời khích lệ thì bối rối buông mi mắt, ống tay áo khép lại, quy củ nói: “Điện hạ quá khen.”
Gió thổi qua tán cây, một đóa hải đường lắc la lắc lư rơi xuống, đúng lúc rơi lên cây trầm cài tóc của Chử Hành. Sự lạnh nhạt của quân tử và vẻ kiều diễm của đóa hoa hòa quyện vào nhau, tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp.
Liếc nhìn vẻ mặt vẫn không hay biết gì của Chử Hành, khóe miệng Kỷ Nguyên hơi cong lên, bật cười thành tiếng.
Chử Hành kinh ngạc ngước mắt nhìn nàng.
“Đây là lần đầu tiên thần thấy điện hạ mỉm cười.” Hắn nghiêm túc giải thích, ngẫm nghĩ rồi nói tiếp: “Điện hạ nên cười nhiều hơn.”
Mặc dù nói vậy không sai nhưng là một người nghiêm trang như hắn nói lời này, không có sức thuyết phục chút nào.
Nụ cười của Kỷ Nguyên dần biến mất, đưa mắt nhìn xuống quyển sách, vội vàng lật sang trang khác, nói: “Tự dưng bật cười thì sẽ rất ngớ ngẩn.”
Nàng nhớ nhị muội Kỷ Thù từng nói: “A Nguyên, tỷ không hợp để thành hôn với Chử Hành đâu. Hai người đều là kiểu người nghiêm túc, tâm tư thâm trầm, ở bên nhau mà ai cũng im thin thít, thế thì nhàm chán biết nhường nào!”
Đối với Kỷ Nguyên mà nói, thành hôn không phải là nơi quy túc nhất định phải có. Thời niên thiếu, cũng vì trên người Chử Hành có một loại khí chất năm tháng yên bình, ở bên cạnh hắn sẽ rất thoải mái, cho nên nàng mới ngầm đồng ý hôn sự này.
Nàng cho rằng Chử Hành cũng vậy.
Hắn thông minh, bình tĩnh, tầm mắt cao, tất nhiên sẽ không bị nhi nữ tình trường trói buộc. Thế nên sau khi phụ hoàng băng hà, giữa cưới Công chúa và nhập sĩ, hắn không chút do dự lựa chọn vế thứ hai, cho nến khi trở thành quyền thần.
Nói thật, Kỷ Nguyên cũng không oán hận. Cho dù có thì suốt mấy năm trời đắm chìm trong lục đục với nhau, cũng đã sớm hao mòn hết rồi.
Mãi đến ngày tổ chức Trâm Hoa yến, trong thủy tạ, nàng vì chuyện hôn nhân của tiểu muội và Mạnh Tôn mà lạnh lùng cười nhạo hắn: “Trước kia Chử đại nhân không muốn từ bỏ tiền đồ, sao biết Mạnh Tôn cũng không muốn như thế?”
Nàng rất khó miêu tả ánh mắt của Chử Hành lúc ấy. Tả tướng đại nhân có thể hùng biện trước triều đình nhưng khi đối mặt với những lời khiển trách chất vấn của nàng, đa số thời điểm hắn đều im lặng.
Trong bữa tiệc hôm ấy, Chử Hành uống không ít rượu. Xưa nay hắn vốn là quân tử đoan chính, thanh cao tự giữ mình, hiếm khi có thời khắc phóng túng như thế.
Trên đường hồi cung, Kỷ Nguyên gặp Chử Hành rời khỏi bàn tiệc sớm.
Bước chân của hắn vẫn ngay ngắn, đi thẳng không có mục tiêu, thoạt nhìn vẫn như mọi khi nhưng Kỷ Nguyên lại biết, hắn đã say rượu, bởi vì đôi của hắn có màu đỏ tươi khác thường, thậm chí đôi mắt cũng hơi đỏ hoe vì say rượu.
Hắn cũng thấy Kỷ Nguyên, một lát sau mới khẽ nói: “Sao điện hạ biết, thần không muốn như thế?”
Mãi cho đến nhiều năm sau, Kỷ Nguyên vẫn nhớ rõ vẻ mặt áp lực và đau thương của hắn khi nói những lời này.
Nàng dần dần nhớ lại hình ảnh nào đó, ví dụ như năm xưa nàng nhốt Kỳ Viêm vào tử lao, thiên hạ tử sĩ phẫn nộ đấu tranh cứu lương thần, mà Chử Hành chính là người đã áp chế dân oán sôi trào.
Ví dụ như vụ ám sát trong tiệc giao thừa Bắc Yến, người đầu tiên xông lên bảo vệ nàng không chỉ có mình Kỷ Sơ Đào, mà thực ra còn có bóng dáng của Chử Hành. Hơn nữa lúc nàng đến hành cung để dưỡng bệnh, trong nắng sớm mờ nhạt trước cửa cung, Chử Hành đội mưa lẳng lặng đứng đó…
Nàng nhớ từ hồi mười bảy tuổi mình khen mùi hương trên người Chử Hành rất thơm, sau này rất nhiều lần, rất nhiều năm trôi qua, mỗi lần gặp Chử Hành, nàng đều ngửi được mùi mực thơm yên bình ấy trên người hắn.
Tiếc rằng sau khi đã chứng kiến huyết vũ giang sơn, chút ấm áp ẩn giấu dưới lưỡi dao ấy đã không đáng để nàng quay đầu tìm kiếm.
…
Cánh hoa ướt mềm nhẹ nhàng rơi xuống mặt, hơi ngứa ngáy, Kỷ Nguyên tỉnh dậy từ cảnh tượng trong giấc mơ liên tục lướt qua như đèn kéo quân, xoa huyệt thái dương đứng dậy.
Dù sao thì thân thể của nàng vẫn không khỏe mạnh như ngày xưa, chẳng qua là giúp Kỷ Thâm vừa đăng cơ xem tấu chương lũ lụt một lát mà đã mệt mỏi đến mức tựa vào bàn ngủ gật.
Lúc đang nhắm mắt dưỡng thần, một mùi hương tao nhã thoang thoảng vờn quanh người nàng, giọng nói Chử Hành vang lên: “Điện hạ có khỏe không?”
Chử Hành?
Sao hắn lại ở đây?
Kỷ Nguyên ngước nhìn, chỉ thấy gương mặt trắng nõn tuấn tú của Chử Hành xuất hiện trước mắt mình, trẻ tuổi đến bất ngờ. Trên chiếc bàn bên cạnh, một cục chặn giấy vuốt lên trang giấy Tuyên Thành phẳng lì, mấy đóa hoa hải đường rơi xuống.
Cảnh tượng trong mơ trùng khớp với cảnh tượng trước mắt, Kỷ Nguyên ngơ ngác giơ tay lên, chỉ thấy ngón tay của mình mảnh khảnh trắng nõn, làn da mềm mại mịn màng đặc trưng của người thiếu nữ.
Lại đưa mắt nhìn cảnh sắc chung quanh, cung điện vẫn còn lưu giữ phong cách xa hoa lộng lẫy, vàng son tráng lệ như hồi tiên hoàng còn sống. Mà Thu nữ sử đứng hầu hạ bên cạnh, trông gương mặt như chỉ mới mười bảy mười tám tuổi.
Thấy nàng im lặng thật lâu không nói gì, Chử Hành giải thích: “Điện hạ vừa chợp mắt, ngoài trời gió lạnh, e rằng sẽ bị phong hàn.”
Trong lòng Kỷ Nguyên dâng lên cảm giác quái dị, kêu Thu nữ sử bưng gương động đến đây cho mình. Nàng soi gương, thấy một khuôn mặt vừa quen thuộc vừa xa lạ, trẻ tuổi, lạnh nhạt xa cách, làn da mịn màng căng mọng, rõ ràng là mình năm mười bảy tuổi.
Nàng còn nhớ lúc nãy mình còn khoác áo ngồi phê duyệt tấu chương trong hành cung, thế mà sau khi tỉnh dậy lại quay về thời thiếu nữ của mình. Hóa ra những chuyện quái lực loạn thần như “cảnh trong mơ” mà Kỷ Sơ Đào nói, lại thật sự tồn tại.
Mười bảy tuổi, nàng vẫn chưa trúng độc, Kỷ Thù vẫn chưa hòa thân, tất cả vẫn còn kịp.
Kỷ Nguyên nhanh chóng tiếp nhận sự thật này. Đôi mắt phượng của nàng khẽ híp lại, đứng dậy nói: “Bổn cung mệt rồi, về Trường Tín cung.”
“Điện hạ.” Chử Hành gọi nàng, cung kính nói: “Mong điện hạ hãy giữ gìn ngọc thể.”
Kỷ Nguyên ngoảnh đầu, chợt nhận ra Chử Hành thời niên thiếu và Chử Hành sau khi trở thành quyền thần thật sự khác nhau rất nhiều. Đôi mắt của Chử Hành năm ba mươi tuổi như phủ kín một lớp sương mù lạnh nhạt xa cách, còn Chử Hành hai mươi tuổi vẫn chưa biết che giấu cảm xúc, lo âu đều ẩn giấu trong đôi mắt.
Kỷ Nguyên nhìn hắn một lát, mắt phượng trầm tĩnh, dường như đang suy xét điều gì đó.
Sau đó, nàng híp mắt, mỉm cười nói: “Ta biết Chử khanh có tài năng của một Thừa tướng, tương lai nhất định sẽ bước lên địa vị cao quý, ta cũng vậy. Đối với hai ta mà nói, chuyện thành hôn ngược lại là sự trói buộc và sỉ nhục.”
Chử Hành thông minh biết bao, tất nhiên là hiểu rõ ẩn ý trong câu nói của nàng.
Hôn nhân sẽ trói buộc con đường tương lai của họ, cho nên, nàng thà rằng không cần.
Chẳng qua lần này, nàng chủ động đưa ra lựa chọn.
Chử Hành kinh ngạc ngước mắt nhìn nàng, khẽ mím đôi môi mỏng, muôn vàn gợn sóng đan xen trong ánh mắt ấy, dần dần trở về bình tĩnh.
Kỷ Nguyên trước mắt hắn có một loại khí thế xa lạ không phù hợp với tuổi tác của nàng. Rõ ràng hai người còn đang đứng trên một con đường có trình độ tương đồng, nay nàng lại như đứng quan sát ở vị trí rất cao, nắm giữ toàn cục, khiến người ta nảy sinh lòng kính ngưỡng và kinh sợ.
Chử Hành nhạy bén cảm thấy Kỷ Nguyên ngủ một giấc tỉnh dậy, rất nhiều thứ đã âm thầm thay đổi. Sự thanh cao của hắn không cho phép hắn truy hỏi nguyên do, cổ họng chỉ khẽ nhúc nhích, rồi sau đó vất vả nâng tay chắp ống tay áo, khom lưng cụp mi nói: “Thần… Đã rõ.”
…
Kỷ Nguyên từ chối tứ hôn, không phải là vì Chử Hành không đủ xuất sắc, mà là khi đã được chứng kiến vạn dặm giang sơn, nàng sẽ không dừng chân tại chỗ vì một nam nhân.
Có lẽ Kỷ Nguyên mười bảy tuổi sẽ rung động nhưng Kỷ Nguyên hai mươi tám tuổi thì không.
Nàng sống lại một đời, không phải là để yêu đương.
Chuyện kế tiếp như nước chảy thành công. Nam nhân kia bị bệnh, vội vã bồi dưỡng nàng để làm quân cờ cho Kỷ Chiêu.
Hoàng đế dạy Kỷ Nguyên thủ đoạn thống trị hà khắc, lại không dạy nàng cách dụ dỗ lung lạc triều thần. Kiếp trước sau khi chịu đau khổ, nàng mới biết rõ mưu đồ của Hoàng đế: Quá cứng thì dễ gãy, nam nhân kia chưa bao giờ có ý định giúp nàng giành được lòng dân, sống thật lâu trên đời.
Thế là Kỷ Nguyên cũng tương kế tựu kế, âm thầm lung lạc triều thần. Những nan đề mà nàng sẽ bó tay chịu thua năm mười tám tuổi, nay nhìn lại thì thấy đơn giản như trò trẻ con.
Nàng biết Hoàng đế sẽ chết lúc nào. Nàng đã chuẩn bị sẵn sàng, sẽ tặng một “lễ vật vĩnh biệt” nặng trịch cho ông ta.
Lúc Hoàng đế sắp mất, Bắc Yến xâm lược Đại Ân trên diện rộng, chuyện hòa thân nên gấp rút bắt đầu.
Kỷ Nguyên chỉ bình tĩnh nhìn Kỷ Thù, nói với nàng ấy: “Thừa Bình, lần này bổn cung sẽ không bao giờ để muội phải đến phương bắc hòa thân.”
Kiếp trước, nàng trơ mắt nhìn Kỷ Thù đến phương bắc hòa thân, trải qua sống chết nhiều lần, hơn nữa sau khi cầm quyền, nàng tuân theo di mệnh của Hoàng đế, gài bẫy để Kỳ Liên Phong “chết trận” tại biên thành Mạc Bắc, cố gắng tước đoạt binh quyền của Kỳ gia, dọn sạch sự đe dọa và chướng ngại cho hoàng quyền của Kỷ Chiêu…
Nhưng nàng nhận được những gì?
Nàng gánh vác những lời chửi rủa và áp lực, lại đổi lấy sự phản bội và lợi dụng của phụ hoàng và Hoàng đệ. Nếu Kỷ Sơ Đào không nằm mơ thấy chuyện tương lai thì e rằng, linh hồn của nàng đã xuống Địa phủ từ lâu rồi!
Thế nên kiếp này, nàng muốn đi theo một con đường khác.
Tuyến ngầm mà nàng mai phục hơn một năm trước, giờ đây đã đến lúc thu lưới. Nàng xúi giục triều thần dưới trướng của mình ra sức ủng hộ chủ chiến, sau đó đích thân bái phỏng Trấn Quốc Hầu phủ, mời Kỳ Liên Phong nắm giữ ấn soái xuất chinh, buông thân phận van xin ông ấy: “Nếu như Đại Ân đồng ý hòa thân thì có lẽ sẽ kéo dài chút thời gian để thở dốc, tuy nhiên sẽ để lại nỗi ô nhục khó có thể xóa bỏ trong sách sử. Thế nên dù phải dốc hết sinh lực của cả đất nước, bổn cung cũng muốn mời lão Hầu gia đến phương bắc chiến đấu một trận! Chẳng những bảo vệ giang sơn Đại Ân, mà còn giữ gìn tôn nghiêm của Đại Ân!”
Có sự ủng hộ của Kỳ gia, sĩ khí trong triều dâng trào.
Đến khi Hoàng đế nằm trên giường bệnh phát hiện thủ đoạn của Kỷ Nguyên thì đã quá trễ.
Ngày Đại Ân nghênh chiến, mưa rào đổ ập xuống mặt đất, gió mạnh thổi mở cánh cửa Dưỡng Tâm điện.
Trên long sàng, rèm che lụa vàng phập phồng, Kỷ Nguyên mặc cung thường màu đen, cầm cây nến thắp sáng từng ngọn đèn nến trong cung điện. Ánh sáng màu vàng ấm áp chiếu lên gương mặt trẻ tuổi của nàng, im lặng đến mức quái dị trong tiết trời cuồng phong mưa rào này.
Châm đèn xong, nàng mới thổi tắt ngọn nến trong tay, khói trắng lượn lờ quanh người, nhìn Hoàng đế nằm trên long sàng, đôi mắt đục ngầu, ốm đau đến nỗi gần như không thể nói chuyện, nàng mỉm cười: “Phụ hoàng đang chờ cái gì? Chờ hai phong mật chiếu kia được đáp lại à? Hay là chờ nhi tử của người xuất hiện, sẵn sàng truyền thụ cho nó cách lợi dụng bổn cung, đến khi bổn cung không còn tác dụng thì gi"ết chết bổn cung?”
Đôi mắt khô khan của Hoàng đế trợn to, cổ họng khô khốc phát ra âm thanh “ư ư”.
“Bổn cung đã chặn mật chiếu giúp người. Ta sẽ giúp người truyền đạt lại nguyện vọng được viết trong mật chiếu. Đám người hầu, cung nữ nên thanh lý, ta cũng sẽ giết hết sạch giúp người.”
Kỷ Nguyên ngồi trên ghế, lạnh lùng nhìn đôi mắt trợn tròn của Hoàng đế: “Ta làm như vậy, người đã hài lòng chưa?”
Kỷ Nguyên đã thực hiện được nguyện vọng mà kiếp trước mình muốn làm nhất, khiến nam nhân đã lợi dụng nàng, tính kế nàng tận mắt chứng kiến kế hoạch của mình sụp đổ, thấy nhi tử do ông ta tự tay bồi dưỡng không có cơ hội ngồi lên ngai vàng, thấy những quân cờ và nội tuyến mà mình khổ tâm cài cắm bị nàng nhổ cỏ tận gốc, chém đầu trước cửa cung điện…
Chưa đến hừng đông, chuông tang vang lên, báo tin Hoàng đế băng hà.
Dựa theo “di chiếu” của Tiên đế: Ấu tử Kỷ Chiêu còn nhỏ tuổi ngây thơ, không thể gánh vác trọng trách, nay mệnh lệnh Đại Công chúa Kỷ Nguyên nhiếp chính, chọn người có tài đức khác lập làm Hoàng đế.
Mặc dù nói là “chọn người có tài đức khác” nhưng cả triều đình đều ngầm đồng ý Kỷ Nguyên là Nữ Đế.
Kỷ Thù cũng từng hỏi: “Triều đình không thể một ngày thiếu vua. A Nguyên, tỷ thật sự chưa từng suy nghĩ đến chuyện này sao?”
Đôi mắt quyến rũ của Kỷ Thù nhướn lên, cười tủm tỉm hất cằm chỉ về phía Chử Hành ở nơi xa: “Ta cảm thấy so với chọn Phò mã, tỷ sẽ phù hợp với vị trí trên Kim Loan điện kia hơn.”
Kỷ Nguyên không chút nghĩ ngợi, lạnh nhạt nói: “Không cần.”
“Vì sao?” Kỷ Thù kinh ngạc.
Kỷ Thù chỉ cười khẽ chứ không trả lời. Nàng đã trả giá quá nhiều vì Đại Ân, cho nên giờ đây nàng không muốn mình tiếp tục bị nhốt trong thâm cung hoặc hậu trạch.
Cùng tháng đó, Kỷ Nguyên lập con cháu Hoàng thất là Kỷ Thâm làm vua, phụ tá Kỷ Thâm thống trị triều đình, tăng thu giảm chi, chuẩn bị quân lương.
Ba năm sau, Đại Ân đại thắng, chém giết Bắc Yến Hoàng đế, tổ tôn Kỳ gia đắc thắng hồi triều.
Ngày tổ chức tiệc chúc mừng, Kỷ Nguyên đặc biệt tặng một bộ chức hà y diễm lệ tinh xảo cho tiểu muội Kỷ Sơ Đào, còn mời nàng ấy dự tiệc.
Kỷ Sơ Đào vừa tròn mười bốn tuổi, không thích những nơi náo nhiệt ầm ĩ, nhăn mặt hỏi nàng: “Hoàng tỷ, muội không đi được không?”
Kỷ Nguyên giang tay để cung tỳ hầu hạ mình mặc quần áo, quan sát muội muội trong gương, nói: “Muội nhất định phải đi, ta dẫn muội đi gặp một người.”
“Ai vậy ạ?”
“Kỳ Viêm.”
“Kỳ Viêm? Tôn tử của Trấn Quốc Hầu lão gia tử?” Kỷ Sơ Đào khó hiểu: “Vì sao muội phải gặp hắn?”
Kỷ Nguyên híp mắt: “Ta sẽ tứ hôn cho hai người.”
“?!”
Kỷ Sơ Đào hoảng sợ, đỏ mặt xua tay, dở khóc dở cười: “Không được không được, muội không quen biết hắn thì sao có thể tùy tiện tứ hôn? Huống chi, muội không thích võ tướng quân doanh!”
Kỷ Nguyên xoay người, mỉm cười đầy ẩn ý, ánh mắt như nhìn xuyên qua tương lai xa xôi, vuốt ve búi tóc của muội muội, cười nói: “Hãy tin ta, muội sẽ thích hắn.”
Mùa thu năm đó, Bắc Yến tân vương Lý Liệt vào Kinh đô triều kiến, đồng thời nghị hòa.
Kỷ Thù hoàn toàn không biết gì về chuyện sắp xảy ra, chỉ phẩy quạt lả lơi nói: “A Nguyên, tỷ nói xem trong sứ đoàn Bắc Yến có nam nhân nào tuấn tú không nhỉ? Nếu có, ta sẽ đi xem.”
“Tuấn tú hay không thì khó mà nói.” Kỷ Nguyên bưng ly trà, chậm rãi cười nói: “Tuy nhiên trong nhóm người đó, chắc chắn sẽ có người mà muội thích nhất.”
Nghe nói Chử Hành đã có ý định từ quan quy ẩn. Hai năm nữa, nàng cũng sẽ rời hoàng cung, theo đuổi cuộc sống mà mình mong muốn.
Lần này, mong rằng tất cả những người mà nàng trân trọng sẽ có một cuộc đời bình an hạnh phúc.
[Toàn văn hoàn]