Chúng tôi chỉ còn biết nhìn nhau, đây là cánh cửa bằng tấm tôn mà lại còn bị người ta chốt ở ngoài, đen đủi hơn là cái nơi khỉ ho cò gáy này chẳng có lấy bóng người.
Tôi chạy ra phía cửa sổ, chỗ này cũng bị hàn bởi một thanh sắt to, tôi đứng đó gào toáng lên: “Này, có ai ở đây không?”
Tôi gào đến khản giọng nhưng bên ngoài vẫn lặng ngắt như tờ. Lưu Dĩnh bảo tôi: “Cậu gào to lên, có gào thế chứ gào nữa cũng chẳng ai đến cứu cậu đâu.”
Câu này nghe quen quá, giống như một cô gái bị thằng con trai nào đó quấy rối rồi nói với cô ta như vậy.
Lưu Dĩnh nói: “Cậu giữ sức đi, đợi thấy có người qua rồi hãy gọi”
Tôi từ bỏ việc gào thét, ngồi bệt xuống nền trong vô vọng. Chợt tôi nhớ ra nên vội bảo Lưu Dĩnh: “Chị có di động ở đây đúng không? Gọi người đến cứu chúng ta đi!”
Lưu Dĩnh đáp: “Vừa nãy thử rồi, ở đây ngoài vùng phủ sóng.”
Tôi thất vọng đến tột cùng, chắc chỉ còn cách ngồi đây và chờ đợi. Tôi uể oải đứng dậy lục lọi khắp căn phòng, nếu trong mấy cái hòm có chứa đồ ăn thì chúng tôi có thể trụ được mấy ngày. Tôi nhìn kĩ đống hòm, bên trên có chữ còn bên trong toàn pháo hoa. Chẳng hiểu sao có người mang pháo hoa đến đây cất. Tiếc là có ít quá nếu không có thể lấy thuốc pháo ra để nổ cái cửa thử xem.
Trong căn phòng này hình như ngoài thịt người ra không còn gì có thể ăn được, nhưng tiếc quá tôi không có thói quen ăn thịt sống.
Tôi và Lưu Dĩnh ngồi bên nhau trong căn phòng, tôi hỏi: “Nếu vẫn không có người đi qua đây liệu chúng ta có chết đói trong căn phòng này không?”
Chị ta giải đáp thắc mắc của tôi: “Có đấy!”
Thật ra, chính tôi cũng biết rõ cái đáp án này nhưng tôi hy vọng Lưu Dĩnh trả lời tôi rằng: “Sẽ không có chuyện đó đâu.”
Kết quả là chị ta chẳng đem lại cho tôi chút hy vọng nào. Chẳng bao lâu sau lần bị nhốt thứ nhất, chúng tôi lại bị nhốt với nhau lần thứ hai, nhưng lần trước là sợ hãi hòa cùng hy vọng, còn lần này hoàn toàn tuyệt vọng.
Thời gian cứ trôi qua từng giây từng phút. Trời tối dần, chúng tôi vừa đói vừa rét. Hai người chúng tôi lui sát lại gần nhau nhưng vẫn có cảm giác ngại ngùng nên vẫn giữ một khoảng cách nhỏ, gióng như bọn nhím sát vào đàn để giữ ấm, gần thì sợ bị lông con khác đâm, xa lại thấy lạnh.
Tôi càng ngày càng lạnh hơn, cũng chẳng thèm để ý gì nhiều nữa, khẽ đưa tay ôm Lưu Dĩnh vào lòng, chị ta cũng không chống đối, đêm tối có lẽ là lúc người ta ít cảnh giác nhất!
Tôi bỗng có cảm giác muốn chuyện trò, tôi kể bao nhiêu chuyện buồn cười, dần dần tôi không còn cảm thấy lạnh nữa.
Kí ức chẳng khác nào một bàn ăn đầy các món đủ vị cả chua, ngọt lẫn đắng, cay, nếu bạn muốn sống trong vui vẻ thì hãy hồi tưởng những điều thật ngọt ngào.
Tôi bỗng đứng bật dậy, Lưu Dĩnh ngạc nhiên hỏi: “Tiểu Cường, cậu làm gì vậy?”
Tôi mở nắp hòm lôi một ít pháo hoa ra bảo Lưu Dĩnh: “Đêm tối thế này chẳng lẽ không đốt pháo hoa à?”
Lưu Dĩnh vỗ tay cười tán thành: “Hay đấy! Hay đấy!” Nói rồi cũng với tay lấy mấy cây pháo hoa.
Chúng tôi lục tìm trên bàn được bao diêm rồi đem châm từng cây pháo, những bông pháo sặc sỡ sắc màu luồn qua cửa sổ bay vào không trung, tự do múa lượn giữa đất trời.
Lưu Dĩnh giành lấy bao diêm tự dốt cho mình một cây pháo hoa, chúng tôi cùng cười khoái chí, hóa ra trong cơn tuyệt vọng vẫn có niềm vui.
Vậy là ước mơ trẻ thơ của tôi đã thành hiện thực, hồi nhỏ chỉ ước một lần được đích thân đốt một cây pháo hoa để tận hưởng cảm giác từng bông pháo vút lên từ tay mình.
Mẹ vẫn thường bảo: “Những người đốt pháo hoa thật ngốc nghếch. Tất cả mọi người cùng có thể ngắm đấy thôi? Tội gì mà mình phải tự mua chứ!” Thực ra tôi biết mẹ tiếc tiền nên không mua.
Lưu Dĩnh cài mấy cây pháo hoa lên cửa sổ rồi bảo tôi: “Trương Tiểu Cường, có muốn nhảy một điệu cùng những bông pháo không?”
Tôi cười: “Em không biết nhảy.:
Lưu Dĩnh vẫn nài: “Không sao, để tôi dạy.” Chị ta nhẹ nhàng kéo tay tôi lại, đúng lúc này pháo hoa phụt tắt, chúng tôi đối diện nhau trong bóng tối, tôi nghe rõ cả tiếng cười, Lưu Dĩnh bảo: “Không may rồi, thôi để lần sau dạy nhé.”
Tôi cũng cười đáp: “nói là không được nuốt lời đâu đấy!”
Cơn mệt mỏi của tôi lại dồn lên, tôi và Lưu Dĩnh dựa vào nhau. Có lẽ chỉ vào những lúc đường cùng như thế này hai kẻ vốn trời sinh ra là để đối đầu nhau mới có thể ngồi với nhau. Hoặc có lẽ tôi và Lưu Dĩnh đúng là có duyên với nhau biết bao lần gặp nhau giữa biển người mênh mông đến thế, chúng tôi cùng nhau đấu trí đấu dũng, chúng tôi cùng kề vai chiến đấu, trong bóng tối cùng tâm sự để hiểu nhau hơn.
Mỗi người đều sống trong một cái tổ của riêng mình, có rất ít người thử đón nhận và cảm thông với những người khác. Ai cũng lấy mình làm chuẩn mực để đòi hỏi người khác, ai cũng muốn lấy mình làm chuẩn mực để loại bỏ những người không cùng hoàn cảnh với mình.
Nếu trong mắt bạn chỉ nhìn thấy toàn màu đen, ấy là vì bạn cho rằng bản thân mình màu trắng.
Tôi ngửi thấy mùi hương thoang thoảng trên người Lưu Dĩnh, trong lòng bỗng hơi xao xuyến, tôi muốn nói với Lưu Dĩnh: “Đằng nào chúng ta cũng sắp chết, chi bằng mình...” Nhưng nghĩ lãi đành từ bỏ ý định, lúc này tôi đang đói đến hoa mắt chóng mặt, đúng là lực bất tòng tâm!