Lão già từng nói với tôi, những cây thuốc quý thường mọc ở nơi hiểm trở nên có nhiều người tưởng cây nào mọc ở nơi hiểm trở cũng là thuốc quý. Lúc nhỏ tôi nghe không hiểu, chỉ thấy buồn cười. Đến hôm nay bản thân rơi vào cảnh ngặt nghèo mới tỏ mình ngu dại.
Sáng nay tôi thức giấc từ sớm tinh mơ, bước ra sân thấy trời ấm hơn mọi ngày nên xuống bếp xơi bát cơm nguội cùng kho quẹt no căng bụng, dặn người làm nói lại với chị tôi rồi quày quả lên núi. Đây là lần đầu tôi đi hái thuốc một mình nên hăm hở được một lúc thì bắt đầu buồn chán, tôi nghêu ngao hát:
"Con kiến mà leo cành đa
Leo phải cành cụt leo ra leo vào.
Con kiến mà leo cành đào
Leo phải cành cụt leo vào leo ra.
Cái Phong hái thuốc đường xa
Lên nhầm núi cấm lạc ba mươi ngày..."
Bên kia suối có anh tiều đang đốn củi chợt dừng tay đứng nhìn trối chết về phía tôi. Tôi nghĩ một lúc rồi chợt nhận ra, ở chốn rừng thiêng nước độc mà nhìn thấy một nhan sắc thế này, anh ta hoảng hốt cũng là dễ hiểu. Tôi đưa tay lên miệng làm loa, kêu lớn:
- Bác đừng sợ! Tôi là người, là người đấy không phải nữ thần sơn cước hạ phàm đâu! Bác đốn tiếp đi!
Có vẻ như lời tôi nói không đủ thuyết phục, anh ta chần chừ một lát lại cúi xuống vớ lấy cái rìu, mặt vẫn xanh như tàu lá.
Ngọn núi này tôi đã đến nhiều lần cùng lão già nên không đến nỗi lạc như lời tôi hát, nhưng cũng không hẳn dễ dàng vì đường rất dốc. Tôi vừa đi vừa hái, khi mặt trời đứng bóng thì tôi cũng đến được mỏm đá rất cao, túi vải mang theo cũng đã đầy. Tôi ngồi tựa phiến đá nghỉ chân, giở chiếc bánh giò mang theo ra ăn, định chốc nữa sẽ bắt đầu xuống núi. Hôm nay trời ấm, tôi nghiêng đầu nhìn những giọt nắng lung linh phản chiếu trên phiến lá non xanh. Lũ chim gõ kiến vẫn cần mẫn mổ vào thân cây. Tôi bèn lên tiếng gọi:
- Kiến, xuống đây!
Nó quay lại, giương cặp mắt lồi nhìn tôi ngơ ngác. Tôi giơ mẩu bánh ăn dở về phía nó, trìu mến nói:
- Xuống xơi bánh giò với chị Phong xinh đẹp này!
Con chim chết tiệt đó quay ngoắt đi đầy vẻ khinh thường. Suýt nữa thì tôi đã cầm viên đá ném cho bõ ghét. Nhưng công lao chép kinh Phật mấy năm nay không hề uổng phí, sau một hồi tự bảo mình phải từ bi, tôi cũng buông bỏ được cơn giận trong lòng. Tôi nghĩ, tất cả cũng tại anh Voi Lớn, nếu như năm xưa anh ta chịu dạy mình cách trò chuyện với thú rừng thì hôm nay đã không mất mặt thế này!
Voi Lớn là người làm ở phủ Hưng Đạo vương. Lúc được vương nhặt về, anh ta chỉ trạc tuổi tôi, nghe nói không cha không mẹ sống vất vưởng trong rừng nên hiểu được tiếng muông thú. Tôi gặp anh Voi Lớn lần đầu lúc Hưng Đạo vương đến thăm anh cả, anh ta đi theo nhưng chỉ dám ngồi đợi ở hồ sen, tán dóc với lũ cá trong hồ. Lúc họ về rồi, tôi cứ nằng nặc đòi lão già dạy tôi, lão thì cứ khăng khăng là không biết. Những lần sau này có dịp gặp lại, anh ta toàn lừa tôi cho voi chở đi chơi, loay hoay thế nào đã đến lúc phải về. Cuối cùng, tôi tự tin là mình trên thông thiên văn dưới tường địa lý lại không nói chuyện được với con gõ kiến, bị nó khinh nhờn ra mặt.
Cái bánh giò đã trôi vào bụng từ lâu, tôi cứ nhìn mãi, nhìn mãi lên tán cây ấy. Xuyên qua đám lá, tôi thấy một cây leo bám chặt vào thân cổ thụ, quả màu vàng rực. Tôi đứng phắt dậy, nói như reo:
- Cây hoàng đằng!
Đây là cây thuốc quý, vừa chữa được rắn cắn, vừa trị được người ngộ độc. Tôi chỉ nhìn thấy hình do lão già vẽ lại chứ chưa được sờ tận tay bao giờ. Trong cơn phấn khích, tôi tìm cách trèo lên. Loáng cái đã chạm được vào mục tiêu, tôi khéo léo tách cây hoàng đằng ra khỏi thân cây cổ thụ, cẩn thận hết mức để không làm hư bộ rễ. Chỉ còn một đoạn ngắn bám chặt lấy cành, tôi đang loay hoay gỡ thì bắt gặp một đôi mắt đang nhìn tôi tha thiết. Tôi chỉ kịp nói một câu rồi giật mạnh tay, tay kia giữ chặt miệng túi vải, cả người rơi xuống đất:
- Chào mày, rắn lục!
Quỷ tha ma bắt cái sự già nua! Mấy năm trước tôi ngã từ trên cây xuống mãi chẳng hề hấn gì, giờ tuổi đã cao nên chỉ sơ sẩy một chút đã bong gân, chân sưng tấy không đi được nữa. Khốn nạn hơn, cái cây thuốc tôi liều mạng hái chỉ là cây dại trông giống cây hoàng đằng, hoàn toàn không dùng được. Tôi cuộn vạt áo lại, đưa lên miệng cắn chặt rồi tự nắn lại khớp chân, đau đến trào nước mắt. Đưa tay lau sạch, tôi tự nói với mình, là một đại trượng phu, tôi không được khóc!
Nhưng không khóc thì dễ, làm sao xuống núi với cái chân thế này mới khó. Tôi chủ quan chỉ đi về trong ngày nên không mang theo thức ăn hay nước uống. Chị tôi cũng đang bận bịu việc trong trang, tâm trí đâu mà cho người dõi theo tôi. Tôi nghĩ ngợi một lúc, chợt nhớ tới cụ ông Lý Đảm. Chẳng phải ông ấy cũng sống nơi rừng núi với một chân sao? Tôi trẻ hơn ông, lại là người luyện võ, chưa gì đã đầu hàng biết sau này làm sao ăn nói với lão già? Nghĩ là làm, tôi xé vạt áo thành một dải dài, cột cổ chân sát vào đùi rồi nhặt cành cây làm gậy, tập tễnh đi xuống từng bước một. Những bước đầu tiên khá nhẹ nhàng, rồi chỗ chân đau bị tụ máu, đau đến tê dại. Tôi cứ đi được một quãng ngắn lại ngồi xuống thở, chẳng mấy chốc trời đã về chiều. Tôi cố gắng bước nhanh hơn một chút, trong lúc vội vã, đầu gậy của tôi chống vào viên đá nhỏ, trượt đi, tôi ngã nhào, lăn lông lốc, không kiềm được mà kêu la thảm thiết. Khi hoàn hồn lại, tôi nghe tiếng gọi văng vẳng:
- Nhã Phong!
Tôi nhận ra ngay tiếng Nguyễn Nam, liền hét trả:
- Anh Nam, tôi ở đây này! Ở chỗ có rất nhiều cây ấy!
Cũng nhờ chỉ dẫn chi tiết của tôi, anh ta đến nơi ngay lập tức. Vẻ thảng thốt hiện rõ trên mặt, anh ta vội đỡ tôi ngồi dậy, tháo sợi dây buộc ở chân, xuýt xoa liên hồi:
- Sao lại ra nông nỗi này? Em chán sống rồi hả?
Tôi mệt chẳng buồn cãi lại, để mặc anh ta xốc tôi lên lưng.
- Thả tay ra! – Anh ta nghiêm giọng.
Lúc này tôi mới sực tỉnh, để anh ta cầm lấy túi vải chứa đầy thảo dược. Một lúc lâu sau, tôi hỏi:
- Sao anh lại ở đây?
- Sáng nay phu nhân đến nhờ tôi đi theo em để trông chừng.
Ra là vậy! Chị tôi vẫn yêu thương tôi lắm!
- Giữa đường tôi gặp anh tiều phu nên hỏi anh ta có thấy cô gái nào mặc áo lam trắng, mặt mũi thánh thiện lên núi hái thuốc không. Anh ta lắp bắp mãi rồi mới chỉ tay về hướng Bắc.
Tôi thở dài đánh thượt:
- Chắc gã tiều đó sợ ngươi gặp nữ thần phải tội nên chỉ sai đường. Nhưng ngươi làm thầy thuốc kiểu gì vậy, bao giờ hướng Nam chẳng nhiều cây cối um tùm tốt tươi hơn, tất nhiên ta phải đi về phía ấy rồi! – Tôi càng nghĩ càng thấy cáu, quên cả mệt.
- Làm sao tôi dám dùng lý lẽ của người bình thường mà đoán ý nghĩ của em? – Hắn ta cãi chày cãi chối.
- Này! Đừng nghĩ ngươi đang cõng ta thì muốn nói sao cũng được! Có giỏi thì bỏ ta xuống tỉ thí một trận! – Tôi bóp cổ hắn bằng cả hai tay.
- Tôi sai! Tôi sai rồi! – Hắn thều thào yếu ớt.
Sau đó, Nguyễn Nam bỗng dưng trầm lặng. Mãi một lúc lâu sau hắn bảo:
- Nhã Phong, tôi đi em có buồn không?
- Ngươi muốn đi đâu? – Tôi hỏi bâng quơ.
- Đi làm đại sự. – Hắn ngập ngừng. – Đợi công thành danh toại rồi mang trầu cau đến xin Hưng Ninh vương cho tôi đón em về.
Tôi đang mệt nên nghe chữ được chữ mất, ngáp dài bảo:
- Đời này ta chỉ ở Dưỡng Chân Trang. Ngươi muốn thì dọn đến sống cùng.
Trong cơn chập chờn, tôi nghe tiếng hắn cười khổ não.
Khi chúng tôi đã về đến nhà, chị tôi ra tận cổng đón, thảng thốt kêu lên:
- Cậu Nam, Phong bị làm sao thế này?
Bàn tay dịu dàng của chị đặt lên trán tôi, giọng nói càng khẩn trương hơn:
- Em sốt rồi! Mau đưa nó vào phòng!
Tôi mơ mơ màng màng thấy ông Lý Đảm đang bước ra từ phòng của sư ông. Họ trông thấy tôi, vội đến xem, ông Đảm bước thấp bước cao hệt như tôi lúc nãy. Tôi mỉm cười, gật đầu chào họ rồi không biết gì nữa.
***
Trong một giấc mơ nào đó, tôi thấy lão già hay tin tôi ốm nặng nên trở về thăm. Tai tôi nghe rõ tiếng lão răn dạy mọi người phải trông chừng tôi cẩn thận hơn. Mắt tôi thấy rõ dáng lão ngồi đọc văn thư ở phòng tôi cả ngày, không rời đi đâu cả. Tôi tỉnh dậy, thừa dịp lão không để ý mà bò đến ôm chân lão tỏ vẻ hối lỗi. Lão nghiêm mặt, giọng lạnh tanh:
- Em nghỉ ngơi vài hôm nữa đi. Đợi chân khỏi hẳn rồi ra dọn chuồng ngựa và vớt bèo dưới ao. Không vội!
Tôi sợ hãi khóc ròng:
- Lần này không phải lỗi của em đâu, tại anh Voi không dạy em cách thương lượng với rắn lục đấy chứ!
Tôi khóc như thật, nước mắt ướt đẫm gối, chị Hạnh hoảng hốt lay tôi dậy:
- Cô Phong! Cô Phong! Làm sao thế? Cô thấy ác mộng sao?
Tôi choàng tỉnh, đảo mắt nhìn quanh phòng mãi một lúc lâu rồi lẩm bẩm:
- Chuồng ngựa đã dọn chưa? Bèo dưới ao đã vớt sạch chưa?
Chị Hạnh tròn mắt nhìn tôi rồi đưa tay lên trán, đoạn chạy ra cửa gọi lớn:
- Cậu Nam ơi, cô Phong tỉnh rồi, cậu đến xem cho một chút!
Nguyễn Nam nhanh nhẹn đến bắt mạch, xem chân, bắt tôi uống hết một bát thuốc đắng rồi mới từ tốn bảo tình trạng đã khá hơn nhiều.
Nằm mãi một chỗ khiến tôi buồn bực chết đi được. Tôi chống gậy lò dò đến chỗ ông Đảm đang dạy mọi người rèn vũ khí. Nào chuốt tên, nào rèn gươm, các anh thợ mình trần mướt mồ hôi làm hăng say như thể đang giết giặc. Ông Đảm hôm nay hoàn toàn khác người đàn ông đã say bí tỉ vì buồn tình hôm mới đến. Tôi ngồi chống cằm quan sát ông một hồi lâu, chắc mẩm thời trẻ ông cũng là một thanh niên tuấn tú, rất xứng đôi với mẹ của lão già.
- Hưng Ninh vương không dạy em rằng nhìn chằm chằm vào nam nhân là thiếu đoan trang sao? – Tiếng Nguyễn Nam từ sau vọng đến.
Tôi nhìn bát thuốc hắn vừa đặt trước mặt rồi quay sang nhìn hắn, bĩu môi không thèm đáp. Hắn đợi mãi không thấy tôi uống, toan cầm tay tôi ấn bát thuốc vào, tôi đánh mạnh lên tay hắn:
- Công tử, xin tự trọng!
Ông Đảm ngồi ngay đó phì cười. Tôi tập tễnh bước đến sau lưng ông:
- Ông ơi cứu cháu! Tên kia muốn giở trò...
Nét mặt Nguyễn Nam không rõ là buồn cười hay tức giận, hồi lâu hắn thở dài:
- Em cứ dở người như thế thì bao giờ khỏe lại? Đợi quân Thát đến thì đánh giặc bằng một chân à?
Chợt nhận ra mình đã lỡ lời, tên thầy thuốc e dè nhìn ông Đảm:
- Xin lỗi cụ, tôi không...
Bàn tay ông đưa lên cắt ngang lời hắn, ông chống tay lên bàn đứng dậy, nhìn tôi với ánh mắt đầy kiêu hãnh:
- Nhóc, ta nghe nói cháu bị thương vẫn cố gắng tự mình xuống núi. Mang kiếm ra đây, ta dạy cháu làm thế nào một chân giết giặc!
Cả xưởng rèn đều bỏ dở việc chạy đến xem, không biết ai báo mà chị tôi và anh Thân cũng đến, có người còn mang theo cả trống. Tôi nắm chặt thanh kiếm khắc chữ "Tuệ", quên đi cái chân đau đang được bó vào đùi, cố trụ vững trên chân phải. Phía bên kia ông Đảm cũng lăm lăm thanh đao lấy bừa trong xưởng, ánh nhìn bỗng trở nên sắc lạnh. Cánh tay ông và lưỡi đao tạo thành một đường thẳng tắp, khí thế rợn người. Đó không còn là ông cụ lánh đời chỉ nói được ba câu ở ngôi chùa trên núi, không phải là một người đau khổ vì vết thương lòng, không phải là một vị hoàng thân thất thế. Đó là một dũng sĩ sẵn sàng tiêu diệt bất cứ kẻ nào dám cản đường! Ông nhìn chằm chằm về phía tôi, nói như ra lệnh:
- Nhóc, lên!
Tiếng trống vang lên giòn giã. Tôi buông gậy, lấy đà nhảy lên cao, lộn người trên không một vòng rồi vung kiếm chém mạnh xuống. Nhanh như cắt, ông Đảm đưa đao lên đỡ, hất tôi ngã về phía sau đồng thời nhào lộn liên tục mấy vòng, thoắt một cái, lưỡi đao đã ở ngay trên đỉnh đầu tôi.
Tôi chỉ có một chân, không chạy được nên chỉ biết lăn trên đất để tránh né. Ông Đảm vẫn liên tục đánh xuống, một tay nạng một tay đao, tôi thấy khắp người đau buốt. Mọi người xung quanh nhất loạt kêu:
- Đừng đánh nữa, đừng đánh nữa!
Ông Đảm vẫn đứng vững, lưỡi đao hướng về phía tôi, ánh mắt không hề lộ vẻ từ bi. Trong khoảnh khắc đó, tôi thực sự muốn khóc.
- Ra chiến trường, giặc không vì ta bị thương mà dừng lại. Nhóc, nhặt kiếm lên!
Phải rồi, tôi đã quên đi mình từng khổ luyện thế nào những ngày đầu. Cuộc sống của tôi luôn êm đềm, đi đâu cũng có lão già che chở, tôi chỉ mải mê tập luyện cho kiếm pháp thật đẹp, thật thanh tao giống lão mà quên đi rằng đao kiếm vốn là hung khí để giết người. Tôi chưa từng nghĩ xem lão già của tôi lúc ra trận sẽ thế nào, ánh mắt có còn phẳng lặng như mặt hồ thu hay cũng đằng đằng sát khí. Nhưng lúc này, đối diện với cụ ông trước mặt, sau lưng chẳng có đường lùi, tôi biết mình sắp chết.
Tôi không muốn chết! Tôi không muốn thừa nhận mình vô dụng!
Tôi duỗi ngón tay rồi lại nắm chặt vào chuôi kiếm, dùng hết sức bình sinh bật người dậy, xoay cổ tay đâm thẳng đến. Ông Đảm đưa thân đao ra đỡ rồi lại lao đến phản công, tôi dồn sức một lần nữa, dùng cả hai tay chém thật mạnh về phía trước.
- Hay! Hay quá! – Mọi người đồng loạt reo lên.
Tôi thở hồng hộc, gượng ngồi dậy, nhìn về phía đối thủ. Ông Đảm vẫn cầm thanh đao đã gãy đôi, ôm quyền cúi nhẹ người chào.
Anh Thân đỡ tôi đứng lên, tiến về phía ông. Ông cụ hất hàm cười:
- Thế mới xứng là truyền nhân của tên nhóc kia chứ!
Tôi nhìn thanh kiếm trong tay mình:
- Cũng nhờ thanh bảo kiếm này...
Ông Đảm đưa tay phủ nhận:
- Vũ khí sắc bén nhất là đây. – Ông đưa tay đấm lên ngực mình. – Chỉ cần trong lòng có quyết tâm muốn sống, dù là kiếm tốt, hay thanh đao gãy, dù đủ đầy tứ chi hay què cụt, ta đều có thể chiến đấu đến cùng.
Dừng một lúc, ông nói tiếp:
- Tên nhóc kia có vẻ rất nhàn nhã, nhưng một khi cần chiến đấu, hắn cũng sẽ không khoan nhượng. Ta chưa được nhìn thấy dáng vẻ đó của hắn, đành nhìn vẻ mặt hôm nay của cháu. Ánh mắt rất kiên định, rất sắc sảo. Đó không phải là dã tâm, sát ý. Đó là niềm kiêu hãnh của giống tiên rồng, vung kiếm để bảo vệ nghìn năm lịch sử!
Ông mỉm cười, nét mặt trở nên nhu hòa:
- Nhóc con, hiểu rồi chứ?
Tôi nghe những lời ông nói, nhìn gương mặt tràn đầy khí thế kia, không kìm được xúc động mà thấy cay cay nơi khóe mắt:
- Cháu hiểu rồi, cảm ơn ông ạ!
Ông dõng dạc hướng về những người đang tụ tập xem trận đấu, dừng lại một chút chỗ tên thầy thuốc:
- Các người đã hiểu cả chưa?
- Hiểu ạ! – Muôn người đồng lòng như một.
***
Từ sau trận đấu ấy, danh tiếng của ông Đảm ngày một vang xa, rất nhiều chú bác trong làng cũng tìm đến gặp ông, được ông động viên ghi tên nhập ngũ. Tin từ kinh đô truyền lại, tên chủ tướng quân Thát là Cốt Đãi Ngột Lang cho sứ giả sang dụ hàng bị quan gia bắt giam vào ngục. Không khí chiến tranh đến bây giờ bỗng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Cả nước bừng bừng khí thế chuẩn bị chống xâm lăng. Việc quân mỗi ngày một nhiều thứ phải lo, hôm nào tôi cũng cùng sư ông, chị cả và anh Thân bàn bạc đến khi trời tối.
- Sau khi bổ sung quân lực cho tiền tuyến, chúng ta còn tổng cộng năm nghìn quân. Anh Thân giúp em chọn ra những người thể lực tốt, trèo cao, nhanh chân, chạy giỏi thành một nhóm quan binh, chia nhau trấn giữ bốn mặt Đông – Tây – Nam – Bắc và những nơi trọng yếu như phủ đệ, đền đài. Chị giúp em tuyển một toán du quân, gồm những kẻ có tài ẩn mình, đi như rắn, nấp như chuột, vượt thành, khoét vách, dùng để liên hệ giữa các quân, thường ngày thì bí mật theo dõi an ninh đề phòng có người thừa lúc loạn lạc làm càn. Ai còn nặng lòng với họ Lý và tin theo ông Đảm thì cứ để ông ấy dẫn dắt, phía Phật tử xin nhờ sư ông. Những kẻ mạnh dạn, liều chết, không sợ gươm giáo sẽ theo em, lập thành một toán quân tiên phong đánh phủ đầu giặc khi cần.
- Chị không đồng ý! Như vậy quá nguy hiểm cho em! – Chị tôi hơi kích động.
- Chị yên tâm, em không chết được đâu!
- Cô Phong, cậu Cả mà biết sẽ giết bọn tôi mất! – Anh Thân cũng mất bình tĩnh.
- Huệ Tâm! – Sư ông từ tốn cất lời. – Con là truyền nhân tâm đắc nhất của Tuệ Trung, con không ở lại lãnh đạo thì làm sao mọi người yên tâm chiến đấu!
Tôi toan đáp lại thì bên ngoài có tiếng gõ cửa. Tôi gấp tấm địa đồ bằng da dê lại, cao giọng đáp:
- Vào đi!
Nguyễn Nam bưng khay thuốc bước vào đưa cho tôi rồi quay mặt ra ngoài. Tôi uống một hơi cạn sạch rồi đưa bát lại cho hắn. Tên lang băm lặng lẽ rời đi, khép cửa phòng lại, từ đầu đến cuối không nói một lời nào.
Thật ra những hôm đầu tiên hắn có hỏi, nhưng chỉ nhận được vài câu đáp ậm ờ:
- Bọn tôi đang bàn tí việc.
Thế nên giờ hắn cũng biết ý, không hỏi thêm gì nữa.
Chị tôi nhìn cánh cửa đã đóng chặt, khẽ thở dài:
- Không đủ thân thiết để chia sẻ quân cơ, không đủ tầm thường để ghi danh vào quân ngũ. Cũng không biết phải đối xử với cậu ta thế nào mới phải.
- Nếu tôi là cậu ấy, chắc sớm đã không chịu nổi. – Anh Thân chép miệng đầy cảm thông.
- Lúc đầu tỏ ý giữ hắn lại, em cũng không ngờ không khí ở hậu phương lại nhàm chán thế này, vốn không có chỗ cho hắn lập công. – Tôi lật tấm địa đồ ra nhìn vu vơ vào một điểm.
- A di đà Phật! – Sư ông ôn tồn. – Cậu trai ấy là người thông tuệ, vốn hiểu rõ lòng mình, các con không cần lo lắng thay cậu ấy.
Tuy vô tâm vô phế, tôi cũng đọc được sự chán nản trên vẻ mặt Nguyễn Nam hôm vào rừng tìm tôi, hắn có tài lại có mưu trí, vốn không nên ở chốn này ngày ngày nghe bọn tôi sai vặt. Tôi nghĩ sư ông nói không sai, ngày hắn nói lời từ biệt chắc chẳng còn xa nữa.
Quả nhiên, ngay sau cái hôm tôi tháo vải băng ở cổ chân, Nguyễn Nam lặng lẽ ra đi, chỉ để lại một phong thư và một quyển sách gửi cho tôi.
"Nhã Phong, tạm biệt.
Nhờ em giúp tôi cảm tạ Hưng Ninh vương đã ngăn tôi phạm sai lầm. Ông ta nói không sai, nếu tôi muốn bảo vệ những người tôi coi trọng, tôi phải có thực quyền trước đã.
Tiếp tục ở lại Dưỡng Chân Trang, tôi mãi mãi chỉ là một tên thầy thuốc quèn, cố gắng lắm thì cứu chữa được mấy chục người. Cụ Lý Đảm tuy tuổi đã cao lại tàn nhưng không phế, có lý nào tôi cam phận thấp hèn mãi được?
Y thuật của tôi không thể sánh bằng vị tiên sinh mà em tôn kính, nhưng lúc này không có ông ta ở bên, những ghi chép của tôi chắc cũng giúp em được đôi phần.
Tôi tin em không ngạc nhiên, cũng không thương tiếc.
Bảo trọng. Hẹn ngày tái ngộ."
Tôi lật nhanh quyển y thư của hắn, bên trong là rất nhiều hình vẽ và ghi chép về những cây thuốc quý tôi chưa thấy bao giờ, còn có những căn bệnh lạ mà hắn gặp trên đường hành y bấy lâu nay. Tôi mải mê đọc hồi lâu, khi xếp sách lại rồi mới nhìn đến chiếc phong bì, một bên hắn viết rõ tên tôi, bên còn lại, là một cái tên lạ lẫm. Tôi nghĩ một lúc rồi ngỡ ngàng nhận ra tên Nguyễn Nam tôi vẫn gọi hắn bấy lâu nay là giả. Trong vô thức, môi tôi bật ra tiếng gọi tên thật của hắn lần đầu:
- Phạm Cự Chích!
Danh Sách Chương: