• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Nguyễn Nam, à không, Phạm Cự Chích rời Dưỡng Chân Trang chẳng bao lâu thì vó ngựa Thát quân giẫm lên biên giới Đại Việt.

Đợi mãi không thấy bọn sứ giả quay về, tướng quân Cốt Đãi Ngột Lang quyết định khởi binh từ trại A Mân. Lão già viết thư về báo, phò mã Hoài Đô và tướng Triệt Triệt Đô dẫn hai đạo quân tiên phong tiến theo tả hữu ngạn sông Thao, trung quân do A Truật dẫn đầu, cuối cùng là hậu quân của Cốt Đãi Ngột Lang trực tiếp chỉ huy. Tôi thường nghe Hưng Đạo vương nhiều lần khen ngợi viên tướng này trước mặt lão già, bảo đây là con trai của danh tướng Tốc Bất Đài – một trong tứ dũng của Thành Cát Tư Hãn. Cha hắn đã từng tham gia chinh phạt nước Kim và Hoa Thích Tử Mô, bản thân hắn cũng là nguyên soái tiêu diệt Nam Chiếu trong vỏn vẹn vài tuần. Thuở ấy nghe chuyện kiêu hùng trên lưng ngựa của cha con hắn, tôi cứ trầm trồ khâm phục mãi, mơ về một ngày được dong ruổi trên thảo nguyên bao la mà giương cung bắn hạ hùng ưng, chẳng ngờ có một ngày phải đứng hai bên chiến tuyến.

- Theo tin báo về từ biên giới, thiết kỵ binh của bọn chúng sang Đại Việt chừng ba vạn, cộng với hai vạn quân Đại Lý của vua Đoàn Hưng Trí đã đầu hàng, tất cả khoảng năm vạn. – Chị Thiên Hương nhìn đăm đăm vào tấm địa đồ, chậm rãi nói. – Xét về quân số thì nước ta không hề thua kém, nhưng bấy lâu nay tiếng vó ngựa của người Thát là nỗi ám ảnh của các nước lân bang nên ta không có cách nào lạc quan được.

- Vương phi, quan gia đã ra lệnh điều động quân đội đích thân xuất trận, cả nước đang vô cùng phấn khích, sĩ khí rất cao, người không cần lo lắng quá! – Anh Thân hồ hởi đáp.

- Thiên Thuộc, Thiên Chương, Thánh Dực, Chương Thánh, Thần Sách, Củng Thần, ngoài sáu quân chủ lực này ra còn có sương quân của các lộ gần bên cùng với quân đội riêng của các vương hầu ở xa chưa kịp về tụ hội, quân đội đang đóng ở phía Nam để trông chừng người Chiêm nếu cần cũng có thể dùng. – Tôi ngồi co một chân trên ghế, cằm tựa lên gối, tay xoay xoay cốc trà đã cạn. – Hưng Đạo vương đã được điều lên trại Quy Hóa để đón đầu giặc, em tin là bọn Thát chẳng thể đắc ý được đâu. Chúng ta cũng nên sẵn sàng thôi.

Nói rồi, tôi nhìn sang sư ông vẫn đang trầm ngâm từ chiều:

- May là bọn con có sư ông, nếu không kế hoạch thông tin của tiên sinh chẳng thể nào thực hiện rồi.

Để rút ngắn thời gian báo tin giữa tiền tuyến với hậu phương, lão già đã nghĩ ra cách tận dụng số lượng đền chùa dày đặc trong nước. Mỗi vùng có một chùa lớn phụ trách thông tin chính và nhiều chùa nhỏ thay nhau "chạy trạm". Sư ông Tiêu Dao – vị thiền sư đức cao vọng trọng nhất nhì cả nước – đã giúp bọn tôi thuyết phục và tổ chức hệ thống này, chính vì thế, buổi sớm có việc gì xảy ra ở Thăng Long thì buổi chiều tôi đã biết được ngay. Tất nhiên, có tin cần bảo mật, có tin cần lan tỏa. Sư ông nhìn tôi mỉm cười hiền hậu, khẽ gật đầu như bảo hãy an lòng.

***

Dù tin tức truyền về ở tiền tuyến có dầu sôi lửa bỏng thế nào, ngày nào Thăng Long còn đứng vững, hậu phương như làng Vạn Niên của tôi hãy còn nhàn nhã. Mấy hôm liền sau đó, chiều nào tôi cũng ngồi ở hiên nhà, miệng nhai mía chưng hoa bưởi thơm lựng, tay lúc thì chuốt dược nỏ, lúc thì cầm que vẽ sơ đồ trận nào Hạc Dực, nào Bát Môn Kim Tỏa cho các đô trưởng hiểu. Theo quy định của triều đình, cứ năm người lính hợp thành một ngũ, đứng đầu là ngũ trưởng, năm ngũ hợp thành một đô, ba mươi đô lại thành một quân. Ở Vạn Niên có một quân là thân binh của lão già, do chị Thiên Hương trực tiếp chỉ huy nhưng bọn họ nghe lời tôi lắm. Mỗi lần hoa tay múa chân ra chiều nghiêm trọng với thuộc cấp, tôi đều hình dung trong đầu cảnh nữ tướng Trần Nhã Phong oai vệ cưỡi trên lưng voi, ung dung lấy đầu quân Thát, khí thế chẳng kém Bà Trưng, Bà Triệu ngày nào, chỉ nghĩ thôi đã sướng run người, dù rằng tôi chưa được học cách cưỡi voi. Lần này, anh Voi Lớn và anh Cá To hẳn đã theo Hưng Đạo vương xuất trận, hẳn là oai phong lẫm liệt khiến người ta đố kỵ. Nhất định khi thanh bình gặp lại, tôi sẽ bắt họ dạy tôi cách trò chuyện, điều khiển thú rừng và cá biển!

- Cụ đang làm món gì vậy, có trò hay mới sao không cho cháu cùng chơi? – Tôi đảo khúc mía trong miệng, ú ớ bảo ông Đảm đang săm soi mũi tên bé tẹo bên kia.

- Qua đây. – Ông vẫy vẫy tay.

Tôi nhè xác mía ra bát, lau vội bàn tay đang dính đầy độc dược, chạy đến chỗ ông. Ông lão lấy một ống trúc nhỏ xíu, bỏ mũi tên gỗ đầu dày đầu nhọn vào, đưa cho tôi bảo:

- Thử xem.

Tôi hồ nghi cầm lấy, nhìn nhìn một lúc mới đưa lên miệng, nhắm vào thân cây đại cách chỗ tôi đứng chừng mươi bước, thổi mạnh một cái. Mũi tên cắm phập vào thân cây. Tôi mở to mắt chạy đến nhổ ra, lại lùi xa ba mươi bước, thử lại lần nữa, mũi tên vẫn cắm mạnh vào chỗ cũ.

- Cái này nhỏ tí mà lợi hại ghê, bắn được xa phết ông ạ! – Tôi nói như reo.

Ông Đảm cười cười tự đắc, hồi sau mới bảo:

- Trước ta dùng để săn thú, no bụng là nhờ nó cả đấy!

Tôi nghe ông nói, chợt nảy ra một ý:

- Nếu ta có thể làm mũi tên bé hơn một tí rồi tẩm độc, nhân lúc bọn giặc Thát không để ý mà thổi vào chân ngựa thì có thể khiến ngựa tự dưng ngã lăn quay, nhất định sẽ làm bọn chúng không hiểu chuyện gì, hoảng sợ mà bỏ chạy!

Ông lão một chân nhướn mày ra chiều thích thú, gật gật đầu.

- Vậy ông cháu mình chuốt thêm nhiều cái nữa để dùng dần cụ nhé! – Tôi ngoác mồm cười.

Lần sau gặp lại, tôi nhất định sẽ bày một bàn tiệc linh đình cảm ơn Trần Cụ đã giới thiệu cụ Lý Đảm cho tôi. Ông ấy biết rất nhiều loại binh khí khác nhau, từ cách chế tạo sử dụng đến việc dùng món nào vào trận nào là hợp lý. Ông thấy tôi càng nghe càng hỏi, lại sáng dạ học một hiểu mười nên rất tích cực dạy dỗ, tôi giác ngộ được bao nhiêu điều mới lạ.

- Các người có vẻ rất tín nhiệm thằng nhãi Cảnh. – Một hôm, ông bỗng bắt đầu câu chuyện với tôi như thế.

Thằng-nhãi-Cảnh là cách ông vẫn hay gọi quan gia, ban đầu tôi có chút lo sợ sửa lời ông nhưng nói mãi không xong, nhìn quanh quất cũng chẳng có ai xa lạ, tôi đành xem như không có gì đáng bận tâm:

- Điều đó là tất nhiên ạ! Quan gia tại ngôi chẳng bao lâu, đất nước từ sắp suy vong đã no ấm vững mạnh như hôm nay, bây giờ còn không xem quân Thát là đáng sợ. Mấy năm trước, ngài mới đánh Chiêm Thành xong đã mang chiến thuyền đi thị uy trên đất Tống, nhổ neo sắt của người Tống mang về. Oai dũng là thế nhưng vẫn rất thấu hiểu nhân tình, tinh thông Phật pháp. Tiên sinh nhà cháu kính phục quan gia lắm, hay kể sự tích anh hùng của ngài ấy nên ai nấy ở đây cũng như vậy cả cụ ạ!

- Thế à. – Cụ nhếch mép cười.

Tôi biết, phải thừa nhận tình địch của mình là một điều vô cùng khó khăn nên tôi cũng không chấp gì ông cụ. Đàn ông nhiều khi cũng chỉ là một đứa trẻ to xác mà thôi!

***

Bình bình an an chuốt ống thổi tiêu được vài hôm nữa, tôi nhận được mật báo rằng quân Thát đã chiếm được Quy Hóa, chủ trại Hà Khuất phải lẩn vào rừng. Tôi đập bàn hỏi lớn:

- Hưng Đạo vương đâu? Ngài ấy không phải đến Quy Hóa rồi sao?

Chú sa di đến truyền tin bị tôi dọa sợ tái mặt:

- Bẩm, không nghe nói gì về đức ông!

Tôi nhận ra mình thất lễ, mời chú lui xuống hậu viện nghỉ ngơi. Bọn Thát tiến quân nhanh hơn chúng tôi nghĩ rất nhiều. Quân đội viễn chinh thường phải đem theo lượng lương thực, vũ khí và quân hậu cần lớn nên sẽ làm chậm tốc độ di chuyển, nhưng bọn này không những chỉ mang mọi thứ trên lưng ngựa mà vai trò của người nấu ăn và thợ rèn chúng cũng thay phiên nhau đảm trách. Giờ tôi đã lờ mờ hiểu vì sao chúng kiêu ngạo nói rằng "vó ngựa quân Thát đi đến đâu, cỏ nơi ấy không mọc nổi". Tôi trấn an mọi người nhưng lòng đã như lửa đốt:

- Chắc là Hưng Đạo vương chủ động rút lui vì có một kế hoạch sâu xa hơn, chúng ta phải tin tưởng, ngài ấy đã từng thất bại bao giờ?

Gần suốt một đêm, tôi chong đèn nhìn tấm địa đồ suy nghĩ rất lung. Họ Trần xuất thân nghề chài lưới nên thủy quân vốn là thế mạnh. Tôi đoán quan gia sẽ cho binh thuyền đi từ Thăng Long ngược dòng Phú Lương, rẽ vào sông Cà Lồ để tiến lên Bình Lệ Nguyên. Sông Cà Lồ vốn là nơi đỗ chiến thuyền do lòng sông rộng lớn, có thể tận dụng làm chiến hào, còn Bình Lệ Nguyên là một cánh đồng cao có nhiều chỗ uốn lượn, có thể trở thành một chiến trường tương đối bằng phẳng cho tượng binh của quân ta. Chiến trường do ta chọn, lực lượng ta áp đảo, lẽ ra tôi không cần cảm thấy bất an thế này mới đúng.

Nhưng đêm ấy, tôi mơ thấy mình lạc giữa đám loạn binh, chạy mãi chạy mãi mà không thấy lối ra, khắp nơi toàn là máu và tiếng rên la, vó ngựa của bọn chúng đuổi theo cận kề, rầm rập, rầm rập.

***

Ngày mười hai tháng Chạp năm Nguyên Phong thứ bảy, tôi đang ngồi gảy đàn cho mọi người nghe sau bữa ăn tối thì bỗng dung dây đàn đứt khiến ngón tay tôi bật máu. Vừa lúc đó khoái mã về trình: quân ta thua trận ở Bình Lệ Nguyên, quan gia vốn định tử chiến với quân Thát nhưng được tướng Lê Phụ Trần can gián và liều thân cứu nguy, đã rút lui. Về đến sách Cụ Bản, quân triều đình được viện binh ứng cứu nhưng người thủ lĩnh đã hy sinh, tên là Phạm Cự Chích.

Từng giọt máu trên tay nhỏ xuống đàn, trước mắt tôi chỉ thấy toàn màu đỏ.

Mọi người chẳng ai nói thêm gì cả. Một lúc lâu sau, sư ông chỉ niệm một tiếng "A di đà Phật" rồi lặng lẽ bước đến Phật điện, chị tôi, anh Thân và ông cụ Đảm lần lượt rời đi. Tôi trở về phòng mình nhưng không vào mà ngồi như trời trồng trước bậu cửa. Ngồi mãi đến khi trời sáng. Từng việc, từng việc một từ lúc gặp anh ta ở quán trọ đến lúc chia tay cứ lần lượt kéo nhau về.

"Em buôn thần bán thánh như thế không sợ Hưng Ninh vương trách phạt sao?"

"Nhã Phong, rốt cuộc đâu mới là bộ mặt thật của cô?"

"Tôi quay lại, nhưng vẫn là con chim sợ cành cong, bất an nhiều thứ lắm."

"Tôi vì ai mà say thế này, phải có bù đắp chứ!"

"Tôi đã luôn nghĩ em là đàn bà của Hưng Ninh vương kia đấy!"

"Tôi biết bây giờ tôi không thể so được với Hưng Ninh vương, nhưng sẽ có ngày..."

- Ngươi đúng là đồ ngốc! Đến bao giờ ngươi mới so được với tiên sinh của ta? Tại sao phải mang mạng mình ra mà cược? Ngươi chết rồi, ai sẽ giúp Vũ Thành vương xin tội? Ai sẽ giúp ngài ta mỗi lần lên cơn háo suyễn? – Tôi rít qua kẽ răng, giá có tên thầy thuốc ấy ở đây, tôi sẽ cho hắn một trận ra trò.

"Nhã Phong, tôi đi rồi em có buồn không?"

Không. Ai lại buồn vì kẻ ngốc như ngươi?

Ai đã hẹn có ngày gặp lại?

Tôi đặt bát hương dành cho hắn lên bàn thờ, thắp một nén nhang, tay hãy còn run run không rõ vì bất ngờ hay tức giận. Sư ông khẽ vỗ đầu tôi như thấu hiểu, tôi nói khẽ với người:

- Con biết đối với sư ông hay với tiên sinh nhà con, có sinh ắt sẽ có diệt, có hợp ắt sẽ có tan, sống chết là việc thường tình không cần thương tiếc quá. Nhưng con không phải là một vị thiền sư đắc đạo, con còn nhiều món ngon vật lạ chưa được thưởng qua, chết là hết, là không được làm gì nữa...

- A di đà Phật! – Sư ông ôn tồn đáp. – Cậu Nam ra đi vì đất nước, tuy quá sớm, nhưng chắc trong lòng cũng không hối tiếc gì. Huệ Tâm, con có thể xót thương nhưng đừng đau lòng quá mức.

Tôi cúi mặt, gật gật đầu thay cho lời đáp. Tôi biết Nguyễn Nam cũng như tôi, rất tầm thường và thực dụng, làm sao lại không luyến tiếc cuộc sống này?

Tôi ngồi ở Phật điện đến khi mặt trời đã lên cao. Trước lúc rời đi, tôi nói khẽ với vong linh tên lang băm nọ:

- Khi nào bọn Thát rút lui, ta sẽ thay ngươi xin tội cho Trần Doãn, thay ngươi kê thuốc trị bệnh giúp ông ta, ngươi cứ yên tâm mà siêu thoát.

Cả ngày hôm đó tôi cẩn thận sắp xếp mọi việc, dặn dò lại những việc thường ngày vẫn nói thêm một lượt, đi xem lại hết kho lương đến kho vũ khí, tới chiều thì đã thấm mệt, tôi bảo mọi người dọn cơm tối sớm. Ăn xong, tôi đứng ngoài vườn hồi lâu, nhìn thật kỹ từng cành cây, viên ngói của nơi tôi đã gắn bó suốt mười năm.

Hành lý thu dọn hôm nay cũng giản đơn như ngày đầu năm trốn nhà đi tìm lão, khác chăng, có thêm quyển sách ghi chép y lý mà Nguyễn Nam đã để lại cho tôi.

***

Vừa dắt Cụ Nhỏ ra đến đầu làng, tôi bị chặn lại bởi ông cụ Đảm. Dưới ánh trăng sắp tròn, gương mặt ông hiền lành hơn ban ngày rất nhiều lần.

- Độc túc tráng sĩ, cụ để cháu đi đi! – Tôi nửa đùa nửa thật.

- Cháu đã hứa với tên nhóc đó sẽ ở lại trông nom quân đội của hắn, sao giờ lại bỏ chạy sớm thế? – Cụ tỏ vẻ trêu chọc.

- Một mình chị cháu cũng đủ rồi! Thật ra, cháu chỉ là thích thị uy thôi chứ chẳng giúp được gì nhiều.

- Sao hôm nay tự ti như vậy? Cháu nhớ hắn đến mức đó sao?

Tôi nhìn ông không đáp. Ông cũng nhìn tôi, kiên quyết không tránh đường. Một lúc sau, cả hai đều mỏi mắt, tôi bèn cụp mắt, thở dài thú thật:

- Cháu sợ, ông à!

Cụ Đảm chẳng nói gì, đợi tôi tiếp tục.

- Ban đầu chính cháu kiên quyết trở về Dưỡng Chân Trang, cũng chính cháu hứa rằng sẽ thay tiên sinh dẫn dắt quân đội của người đến khi chiến thắng. Lúc đó cháu không ngờ rằng quân Thát tiến công nhanh đến vậy, không ngờ rằng Hưng Đạo vương sẽ lui binh, càng không ngờ, lần đó gặp Nguyễn Nam lại là lần cuối...

Cụ ông khẽ thở dài thấu hiểu. Tôi nghiến rang, cố ngăn mình không khóc:

- Tiên sinh là người quan trọng nhất trên đời của cháu, cháu không thể tưởng tượng rằng sau này nếu không gặp được người nữa... Ông Đảm, từ bé đến giờ cháu cứ nghĩ chiến tranh là cơ hội để anh tài có đất dụng võ, không hề biết hóa ra mạng sống có thể mong manh đến vậy, hóa ra sinh ly tử biệt lại đáng sợ thế này.

- Một mình đi tìm hắn rất nguy hiểm, lỡ như cháu bị tên bay đạn lạc không đến được chỗ tên nhóc đó thì sao?

- Cháu mặc kệ! – Tôi mở to mắt nhìn ông, hình ảnh cợt nhã như mới hôm qua của tên thầy thuốc cứ lởn vởn mãi trong đầu. – Cháu biết cháu rất nông nỗi, rất hồ đồ, nhưng nếu thế giặc mạnh, nếu trận chiến kéo dài, nếu tiên sinh có mệnh hệ nào, cháu tỉnh táo hay lý trí hơn nữa thì cũng có ý nghĩa gì đâu? Không phải cháu không tin tiên sinh tài giỏi, chỉ là cái chết của Nguyễn Nam làm cháu nhận ra chiến tranh thực sự rất tàn nhẫn.

Ông Đảm nhìn tôi thêm chốc nữa rồi cũng phì cười, hất hàm bảo:

- Vậy lên đường ngay cho kịp.

Đến lúc này tôi mới nhận ra ông đang ngồi trên lưng một con ngựa chiến, túi hành lý được treo gọn gàng ở một bên, trên lưng còn đeo thanh gươm lớn. Tôi hết bất ngờ rồi lại xúc động, hồi lâu mới nói được mấy chữ:

- Ông ở lại đây giúp mọi người đi, cháu tự lo cho mình được.

- Vũ khí đã rèn xong hết, như cháu đã nói, phu nhân có thể chỉ huy Dưỡng Chân Trang, cậu Thân phải bảo vệ cô ấy, chỉ có ta chẳng có việc gì làm, không trông nom cháu thì cũng thừa thãi lắm. Hay là cháu cũng chê ta tàn tật sẽ làm chậm hành trình?

- Xem ra cháu không mang ông theo thì không thể rời làng được. – Tôi cười khổ bỏ cuộc.

Hai người hai ngựa cứ thế lên đường. Tôi đi một chốc lại ngoái nhìn, cổng làng dần mất hút trong đêm, không biết có lúc nào còn được nhìn thấy lần nữa.

- Sao ông biết cháu sẽ trốn đi? – Tôi hỏi ông cho đỡ buồn ngủ.

- Ý định của nhóc hiện rõ trên mặt ấy. Không chỉ ta mà mọi người đều biết cả rồi.

- Hóa ra công sức cháu viết lá thư để lại cho chị là vô ích! – Tôi thở hắt ra.

Vì đêm tối nên không thể phóng nhanh, tôi và ông Đảm vừa đi vừa cười nói. Tình cảnh này thật làm tôi nhớ đến hôm cùng Nguyễn Nam chuốc ông uống say để tìm hiểu chuyện tình của ông và công chúa Thuận Thiên.

- Khoan đã, ông đi theo cháu chắc không chỉ là muốn hộ tống chứ? – Tôi chợt dừng ngựa, tỏ vẻ nghi ngờ.

- Nhóc đang nói nhảm gì vậy?

- Tình hình này rất có khả năng tiên sinh không còn ở Hồng Lộ mà sẽ đến hội binh với quan gia. Ông đi cùng cháu, đừng nói là muốn tìm thời cơ ám sát quan gia? Cháu đã nói với ông, tiên sinh rất kính trọng quan gia nên cháu nhất định sẽ chống đối đến cùng. Ông đừng quên lần trước so tài ông đã bại dưới tay của cháu!

Ông cụ nhìn tôi trân trối, cuối cùng bật cười sảng khoái:

- Thằng nhãi Cảnh có làm gì thì cũng là nạn nhân của thời cuộc. Thời thế này nếu ta giết nó, chẳng phải khiến quân Thát thừa cơ tấn công, khiến dân chúng rơi vào cảnh khổ? Nhóc con coi ta là kẻ vì ghen tuông cá nhân mà quên đi nghĩa lớn sao?

- Không! Không giống! – Tôi vội xua tay.

Ông Đảm cười cười rồi đánh ngựa đi, chầm chậm để tôi kịp đuổi theo. Được một đoạn, ông bỗng lên tiếng, khẽ khàng như gió lạnh trong đêm:

- Kẻ ta muốn giết là Trần Thủ Độ.

Hoa Thích Tử Mô (Khwarezm): bao gồm Iran, Iraq ngày nay và một số vùng lãnh thổ khác.

Dược nỏ: mũi tên tẩm thuốc độc, dùng nỏ bắn chứ không dùng cung.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK