Sau khi tiếp kiến tôi, thái tử liền ra lệnh ban thưởng rất hậu cho những người nhà họ Phạm. Việc xá tội cho Vũ Thành vương còn phải đợi ý quan gia, nhưng tôi cũng đã nói với mọi người rằng thái tử đã biết nguyện vọng này của tên thầy thuốc. Sau khi họ đã bình phục hẳn, tôi sẽ giao họ lại cho Quang Khải để tránh những hiềm nghi không đáng có. Như thế xem như phần nào tôi đã hoàn thành lời hứa với Nguyễn Nam, chỉ còn lại một lời hứa với độc túc tráng sĩ của tôi, không biết phải đợi đến bao giờ.
Ngày ở hành cung của bọn hoàng thân và gia quyến trôi chậm như rùa bò, trái ngược hẳn với không khí rộn ràng nào luyện tập, nào chuẩn bị chiến đấu của phe triều đình và quân đội. Tôi ăn hết quà vặt ở chỗ công chúa Thiều lại chạy sang chỗ Phụng Dương chuyện trò đôi câu, giúp nàng xem lại lượng dự trữ lương thực, thuốc men. Quang Khải không ngồi lì ở phòng tôi thì cũng ra hậu viện trò chuyện với thương binh hoặc mang lính đi tuần. Nơi này có nhiều người, cả tôi và tên Chiêu Minh vương đó đều không thể tự do cười nói, đánh nhau, rong chơi như ngày trước.
Cũng còn may là Quang Khải đã giới thiệu tôi với Nhật Duật. Tôi và cậu hoàng nhỏ tuổi này vừa gặp đã thân. Tôi dạy cậu bé ít Phạn ngữ mà tôi biết, cậu bày cho tôi tiếng của các phiên mà cậu nghe lỏm rồi nhớ được. Nhờ có cậu bé, tôi cũng phần nào quên đi nỗi lo lắng cho an nguy của lão già. Thỉnh thoảng bọn tôi có bày trò nghịch dại, rất may là Quang Khải luôn kịp thời có mặt giải quyết nên chưa gây hậu quả gì đáng hổ thẹn. Đổi lại, tôi giao Trần Cụ cho Quang Khải. Hai người bọn họ cũng khá tương đắc, có thể học hỏi lẫn nhau.
Tôi mòn mỏi vừa chơi vừa đợi, cuối cùng cũng sắp đến đêm trừ tịch, song thời cơ xuất binh vẫn chưa thật rõ ràng. Lại thêm một cái Tết tôi không có lão già ở bên.
Hóa ra đến khi bất trắc, những thứ chúng ta cứ xem là hiển nhiên, chỉ cần với tay là chạm được cũng hóa thành xa xỉ. Bù lại, chính trong những lúc trống trải thế này, ta mới cảm nhận được rõ ràng nhất giá trị của những điều xa xỉ đã mất đi kia. Không có trụ cột, gạch đá và mái ngói thì không thành ngôi nhà, nhưng nếu bên trong nhà chất đầy gạch đá thì ta lại không ở được. Phải chăng đây chính là cái lẽ có – không mà lão già hay nói?
- Chị Nhã Phong, qua đây giúp Duật cái này! - Hoàng tử bé đứng trong ngõ cụt vẫy vẫy tay gọi, cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi.
- Cậu lại định bày trò chọc phá ai đấy? - Tôi học theo giọng điệu của lão già.
- Duật mới thó được quyển này, bấy lâu anh Quang Khải cứ giấu giấu diếm diếm, Duật đụng tới là bị mắng ngay! - Giọng cậu bé càng lúc càng nhỏ, tay vẫy liên hồi.
- Chắc là binh thư, Quang Khải sợ cậu đọc không hiểu chứ gì? - Tôi lười biếng đứng yên một chỗ, đáp.
- Không! Lúc anh lính đưa quyển này cho anh Khải, Duật nghe rõ ràng anh ta bảo đây là sách hướng dẫn tạo ra trẻ con. - Gương mặt Nhật Duật tràn đầy chính nghĩa. – Chính như thế nên Duật mới tò mò. Duật từng hỏi nhưng phụ hoàng và mọi người chẳng ai nói cho Duật hết!
Vừa nghe đến đấy, mối đồng cảm dấy lên sâu sắc, tôi kéo cậu ta vào sâu trong ngõ nhanh như tên bắn, đoạn chau mày, nghiêm túc nói:
- Tôi không thích đọc trộm sách của người khác đâu, nhưng thuở bé tôi cũng từng hỏi lão già nhà tôi mà bị lão gạt đi, giờ không giải thích cho cậu được. Nay có sẵn tư liệu, tôi đành phải đọc trộm để mở mang đầu óc, sau này có nhận đệ tử thì không mất mặt vì ngu dốt.
- Duật cũng không thích ép người khác làm việc trái lương tâm đâu, nhưng ngặt nỗi Duật chưa đọc được nhiều chữ. – Cậu bé nắm tay tôi đầy tin cẩn. – Chị Nhã Phong không đọc trộm sách của anh Quang Khải, chị chỉ giúp Duật hiểu chữ trong này thôi có được không?
- Hoàng tử chỉ mấy tuổi đầu đã hiếu học như thế, sao tôi có thể khước từ? - Tôi gật mạnh đầu, quả quyết.
- Gặp được người bạn nghĩa khí như chị đây quả là phúc của Duật!
Nhật Duật cũng gật mạnh đầu, đôi mắt long lanh nhìn tôi chờ đợi. Tôi giở sách, lật từ trước ra sau, từ sau ra trước một hồi lâu. Cuối cùng đành thở dài bảo cậu bé:
- Xin lỗi, Nhật Duật, sách này không có chữ, chỉ có hình vẽ thôi.
***
Lúc nhận lại sách từ tay tôi, mặt Quang Khải xanh như tàu lá. Tôi bảo hắn, sách này Nhật Duật vô tình lấy được để tránh cho anh lính khốn khổ kia khỏi đòn đau. Tôi rất coi trọng tình bạn này mới đem trả lại hắn mà thần không hay quỷ không biết.
- Bỏ cái vẻ mặt tự đắc ấy đi. – Quang Khải gõ sách lên đầu tôi. Chúng tôi đang đứng ở một góc khuất trên lầu cao nên không ngại ai trông thấy.
- Này! Ông đây trọng tình trọng nghĩa như thế, Chiêu Minh nhà ngươi không cảm tạ được một câu cho lọt tai phỏng? – Tôi gắt.
- Có cái gì đáng cảm tạ? – Quang Khải nhếch mép. – Mấy chuyện này ai có chồng có vợ rồi còn lạ lẫm gì? Sau này lúc ngươi thực sự trở thành ái thiếp của Hưng Ninh vương thì cũng sẽ biết thôi.
Hắn nói đến đây, những hình vẽ trong sách bỗng hiện lên trong đầu tôi. Tôi thấy hai má mình bắt đầu nóng dần lên, tai cũng nóng dần lên. Đột nhiên, tôi không kiềm chế được, thụi vào bụng Quang Khải liền mấy cú rõ mạnh:
- Ngươi đừng có ăn nói quàng xiên! Ta chưa xem! Chưa xem!
- Dóc tổ! Ngươi chưa xem thì làm sao biết quyển sách này lọt ra ngoài sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của ta? – Quang Khải chống chế, nhưng hắn càng nói, tôi càng mạnh tay hơn, giật lấy quyển sách đập lên người hắn liên hồi.
Quang Khải có vẻ đau thật vì cú đấm của tôi. Hắn cứ xoa xoa bụng, ngồi tiu nghỉu. Tôi chợt thấy áy náy song vẫn lờ đi. Hồi lâu hắn hỏi tôi:
- Thế đã bao giờ ngươi nhìn Hưng Ninh vương như một người đàn ông chưa?
Tôi lắc đầu nguầy nguậy không chút do dự:
- Lão già rồi.
Ánh mắt Quang Khải như đông cứng:
- Một người đàn ông già?
- Không. - Tôi gọn lỏn. - Một thư sinh già, một thiền sư già, một người nhàn nhã già.
Khoé môi tên bằng hữu của tôi giật giật, hắn hỏi tiếp:
- Gã Trần Cụ đang nằm một chỗ kia thì sao?
- Cụ vẫn còn là tên nhóc.
Hắn hất hàm về phía bên kia sân, nơi có hai người nam nữ đang chuyện trò. Tôi nhìn theo, đoạn thở dài:
- Ngài ấy là thái tử.
Quang Khải có vẻ rất bất mãn, vung tay trỏ thẳng vào mặt chính mình.
- Khải, ngươi loạn trí rồi! - Tôi bắt đầu cáu. - Ta quý ngươi đâu có kể ngươi là nam hay nữ!
Kẻ tôi quý bất kể nam nữ kia vỗ đánh "bộp" vào trán mình, thất thểu nhìn quanh quất. Rất lâu, rất lâu, rất lâu sau đó, với vẻ mặt hết sức kiên nhẫn, hắn từ tốn hỏi tôi:
- Chả nhẽ trong mắt ngươi, thế gian này không có ai là trượng phu, là mày râu, là giống đực hết sao?
- Ồ có chứ! - Tôi hồ hởi đáp. - Bao giờ soi gương ta cũng thấy một người!
***
Tuy rất mạnh miệng đáp lời Quang Khải, song khi đêm về, những điều hắn nói cũng khiến tôi suy nghĩ ít nhiều. Từ bé đến giờ, tôi luôn cho rằng những người nam sống ở Dưỡng Chân trang đều không uy dũng như tôi. Anh Thân là người giỏi đao pháp nhất trong số họ, khi cần cũng can đảm, hiên ngang nhưng ngày thường anh rất lành, rất hay bị tôi trêu. Hưng Đạo vương thỉnh thoảng có đến chơi, nhưng Hưng Đạo vương là... Hưng Đạo vương, là một tướng quân, đâu phải một người đàn ông bình thường.
Nói về lão già, cũng như đối với Quang Khải, tôi chưa từng nghĩ xem lão là nam hay nữ. Lão là Thần của tôi, là Phật của tôi, là kẻ thân thiết nhất đời này của tôi. Tôi có thể ngủ say trong lòng lão, có thể ôm lấy lão mè nheo, có thể đổi mạng mình cho lão. Chỉ là, tôi chưa bao giờ xem lão như một con người bình thường sống ở cõi trần này, sẽ luôn là như thế nếu như tôi không trông thấy vết thương trên tay lão mãi không khép miệng.
Những hình vẽ trong quyển sách quái quỷ kia lại hiện ra, một gương mặt khác cũng hiện lên rất gần. Tôi bỗng nhớ đến... nhớ đến nụ hôn nồng nặc mùi rượu của Nguyễn Nam hôm chúng tôi bày trò chuốc say cụ Đảm. Cảm giác nóng bừng cả mặt lúc đó giống hệt như khi tôi nghe những điều Quang Khải nói hôm nay.
Và một lần khác.
Ấy là cái hôm tôi theo lão già tập kích bọn rợ Thát ở bộ đầu Triều Đông. Lão vẫn luôn là một người nhàn hạ, một thiền sư, một thư sinh. Song, vào cái đêm lửa cháy ngút trời đó, lão đứng trên nóc thuyền, để trần một bên vai, đôi tay rắn chắc giương cung lớn bắn đi mũi tên xé gió, giọng nói trầm trầm vang cả dòng sông. Lòng tôi đã run rẩy không rõ nguyên do, tôi bước đến, kiễng chân ôm chặt lão. Lần đầu tiên trong suốt mười mấy năm sống bên nhau, tôi không có cảm giác của một đứa trẻ khi ở trong vòng tay vững chãi kia, cùng lão nhìn ngắm một mảnh giang sơn.
Nghĩ đến đây, bỗng dưng tôi mơ hồ hiểu được ánh mắt đầy tổn thương của lão già lúc nghe tôi đòi tự xưng là ái thiếp của lão để đến Hoàng giang:
"Tiểu thiếp, dẫu sắc đẹp nghiêng thành hay cầm kỹ xuất chúng, đối với một thân vương mà nói, muốn mấy người sẽ có mấy người. Những chuyện như thế, sau này đừng nhắc nữa."
***
Quân Thát bị cầm chân ở Thăng Long sắp được nửa tháng. Bọn chúng không mang theo nhiều lương thực, xung quanh không có gì để cướp bóc, lại thêm những đòn tâm lý của quân Thánh Dực, ắt là lúc này cả thân thể và tinh thần đều rã rời. Dù Quang Khải không tiện tiết lộ quân cơ nhưng nhìn không khí ngày một khẩn trương, tôi đoán ngay sau ngày đầu năm mới sẽ là lệnh xuất binh.
Cuối cùng, chúng tôi cũng sắp đợi được ngày đánh đuổi bọn xâm lược ra khỏi mảnh đất này! Tuy thời gian chẳng đáng là bao nếu nhìn lại những lần binh biến của cha ông, song những mất mát đối với tôi là đã đủ nhiều, đã đủ đau thương.
Quan gia ra lệnh mở tiệc xem như giao thừa sớm để động viên tinh thần binh lính. Kể cả những người đang lười nhác nhất cũng trở nên hăng hái, cả hành cung đổ ra quét tước, trang hoàng, hệt như đang ở quê nhà lúc thanh bình. Tôi kéo thêm vài người đến hậu viện, dọn dẹp sạch sẽ, tiện tay hái thêm ít hoa dại cắm khắp nơi. Thái tử cho người mang rượu và thịt đến để các thương binh có thể chung vui. Quang Khải và Nhật Duật kéo người đến bày trò múa hát, rộn rã không kém mấy trại lính trẻ khỏe mạnh bên ngoài. Vết thương của Trần Cụ đã ổn hơn nên cũng đến góp vui. Tôi hết thổi sáo lại đánh đàn, trổ hết tài nghệ khiến mọi người mắt tròn mắt dẹt.
Chừng thấm mệt, tôi ngồi sang một góc, nhường cuộc vui lại cho bọn trẻ. Quang Khải mang một ấm chè nóng đến cho tôi và một bình rượu cho chính mình. Mọi người không ai uống say, hơi men thoang thoảng hòa trong làn gió se se của tiết giao thời chỉ làm không khí thêm ấm cúng, lòng người cũng lâng lâng.
- Ta nghe lão già kể, ngày Tết ở hoàng cung có rất nhiều lễ nghi, hoàng tử như ngươi chắc là bận bịu lắm? - Tôi hỏi Quang Khải, mắt vẫn dõi theo cánh chim nhỏ đang chao về phía trời xa.
- Có vài lễ từ đêm trừ tịch đến hết tháng hai, nhưng phần lớn vẫn là mọi người quây quần xem hát, thi đấu vật, bày trò tiêu khiển với nhau thôi. - Hắn đáp.
- Không biết nếu Tết năm nay không có giặc thì lão già nhà ta có bị gọi vào chầu nữa không.
- Vào chầu? Có năm nào Hưng Ninh vương vào cung dịp Tết đâu? - Quang Khải ngạc nhiên.
Tôi há hốc mồm. Hắn tiếp:
- Ta nghe nói từ lúc thành đinh, ông ta đều viện cớ đã có Hưng Đạo vương đại diện cho chi Vạn Kiếp, ông ta phải ở lại thái ấp lo việc hương khói tổ tiên, chỉ gửi lễ vật mừng năm mới đến. Quan gia và những trưởng lão trong họ cũng không làm khó. Ngay đến lễ triều tăng, mấy lần triều đình mời ông ta vào làm pháp sự, ông ta bảo mình là cư sĩ tại gia nên không có tư cách đứng ngang hàng.
Tôi chưa từng biết những việc này nhưng cũng lờ mờ hiểu được vì sao lão già hành xử như thế. Quan gia xem ra cũng rất rộng lượng với người cháu này rồi.
- Nhưng rõ ràng Tết năm trước lão không về Dưỡng Chân Trang, bảo rằng phải vào triều. – Ngẫm nghĩ giây lâu, tôi vẫn còn thắc mắc.
- Tết năm trước... – Quang Khải nhìn tôi ra chiều ngẫm nghĩ. – Ta nhớ mấy tháng cuối năm có loạn ở mạn bắc, Hưng Ninh vương dẫn binh dẹp loạn nên bị thương. Ngươi không biết chuyện này sao?
- Lão bị thương? – Tôi thảng thốt. – Ta chưa từng nghe lão nói!
- Năm ấy triều đình rộn cả lên. Ta nghe nói ông ta bị một nhát chém trên bả vai khá nặng, phụ hoàng ta rất lo lắng, không ngừng thăm hỏi. – Dừng một chốc, Quang Khải như chợt nghĩ ra. – Chắc ông ta sợ ngươi lo lắng rồi làm ầm lên nên không cho ngươi biết.
Tôi bỗng dưng nhớ lại một hình xăm lạ trên vai lão, nhớ phong bao tiền mừng tuổi đến tay tôi ngay giao thừa mà không có một lời nào, nhớ lá thư gửi về mười ngày sau đó, nét chữ không cứng cáp như mọi khi, tôi còn nghĩ lão viết lúc đang say.
Tôi đẩy chén rượu của Quang Khải ra xa, cau có nói:
- Ngươi đừng uống nữa, men làm ta cay mắt!
Hắn cười cười, xoa đầu tôi ra chiều rất bao dung. Bỗng có anh lính từ xa tiến lại:
- Cô Nhã Phong, tôi mời cô một chén rượu, chúc cho quân ta sớm khải hoàn!
- Cảm ơn anh! – Tôi cười, nhận ra dấu hiệu của quân Thánh Dực trên y phục anh ta đang mặc. – Tôi không uống được rượu nên dùng chè thay vậy.
- Đợi đã! Đợi đã! Bọn tôi cũng muốn cạn chén với cô Nhã Phong!
Một đám lính đua nhau chạy đến chỗ tôi. Ngày thường trông ai nấy cũng đều rất nghiêm trang, lúc này lại có vẻ phóng khoáng khôi hài. Tôi đứng lên, nâng chén chè tỏ ý mời tất cả bọn họ. Chúng tôi cùng uống cạn một lúc rồi bật cười, cảm thấy vô cùng sảng khoái, vô cùng phấn khởi.
- Cô Nhã Phong muốn nhan sắc có nhan sắc, muốn tài hoa có tài hoa, muốn tấm lòng có tấm lòng thế này, chẳng trách chủ tướng của bọn tôi không để lọt mắt những mỹ nhân sơn cước đó. – Một anh lính trông giống hệt người tên Trương Phi tôi gặp ở Cổ Mai cao giọng nói.
- Mỹ nhân sơn cước? – Tôi ngơ ngác.
- Xem ra tiên sinh của ngươi trên đường hành quân đã gieo không ít tương tư rồi. – Quang Khải đứng bên chòng ghẹo.
- Ngươi giữ mồm giữ miệng, khéo vương gia lại mắng cho! – Trần Cụ từ xa lên tiếng nhắc nhở anh lính nọ.
Đến đây, Quang Khải nói phải đưa Nhật Duật đến chỗ quan gia và hai người vợ. Tôi biết hắn có ý tránh mặt để bọn tôi trò chuyện thoải mái hơn nên cũng không ngăn cản.
- Tôi sẽ không nói lại với vương gia đâu. Các anh cứ yên tâm mà kể. – Quang Khải đi rồi, tôi không giấu vẻ tò mò.
- Là lúc bọn tôi đóng trong rừng mơ. – Anh lính được lời như cởi tấm lòng. – Có một thiếu nữ ăn vận rất lộng lẫy, gương mặt đẹp như hoa, nói tiếng kinh lộ không sõi nhưng vẫn khăng khăng đòi gặp người trong mộng. Nàng ấy bảo là mang bánh chưng của người trong bản gói đến cho chàng ăn Tết.
- Lúc ấy bọn tôi không biết tình lang của nàng ấy là ai. – Một anh lính khác nói chen vào. – Bỗng nhiên vương gia đến, bọn tôi chưa kịp hành lễ đã bị vương gạt đi. Hóa ra trước đó vương có đưa một đứa trẻ đi lạc trong rừng về nhà, vô tình gặp nàng này. Nàng cứ khăng khăng rằng ơn của vương sâu nặng lắm, đòi lấy thân báo đáp.
Tôi bật cười:
- Sau đó thế nào?
- Nàng nằng nặc đòi vương hứa hẹn. Nàng biết vương là lính, giờ phải phục vụ non sông, nhưng khi nào giặc tan nhất định phải nhờ ông mối đến hỏi nàng. Bao lâu nàng cũng đợi được.
- Vương lại đáp thế nào? – Tôi ôm bụng cố nhịn cười, hỏi tiếp.
- Bọn tôi sợ mất hồn. Vẫn biết người sống nơi núi rừng vốn phóng khoáng, song không ngờ là phóng khoáng đến mực ấy.
Đoạn, một anh lính bước lên phía trước, ưỡn ngực, ngẩng cao đầu, mô phỏng dáng điệu của lão già, từ tốn nói:
- Đây là bánh nhân thịt phải không? – Anh ta nở nụ cười thật hiền lành. – Thật tiếc quá, ta không ăn được, phụ tấm lòng của người nhà cô rồi!
Cả bọn phá lên cười, mặt anh lính vẫn không biến sắc, điềm nhiên nói tiếp như một lẽ hiển nhiên:
- Ta vốn là một thầy tu, chỉ vì đất nước có nạn nên mới tòng quân. Nếu cô không giận, ta xin giữ lại bánh này để mời các anh em binh sĩ. Chỉ sợ thần linh hiểu sai ý tốt của cô, trách cô học theo Ma Đăng Già muốn phá đường tu của A Nan tôn giả rồi giáng tội xuống làng thì...
Tôi đoán sơn nữ ấy chưa từng nghe kinh Phật, chẳng biết cả A Nan lẫn Ma Đăng Già nhưng việc sợ thần linh nổi giận thì ắt nàng rõ lắm.
- Lúc ấy mặt bọn tôi ai nấy cũng như cô Nhã Phong bây giờ. – Anh lính vỗ đùi đen đét. – Nhất là phó tướng Đỗ Ngạc, rất khó coi.
- Tội cho cô gái kia, lắp bắp mãi mới chúc được một câu chiến thắng rồi chạy mất. Bọn tôi nhìn vẻ tỉnh rụi của vương, không ai dám nói gì. Chỉ có phó tướng chép miệng cảm thán một câu.
- Vương gia, cô ấy chẳng qua là đem lòng ngưỡng mộ ngài chứ có lỗi gì đâu! – Một anh binh sĩ khác lập tức vào vai Đỗ Ngạc.
Tôi đoán hẳn vị vương gia được gọi là Tuệ Trung thiền sư kia sẽ kiên nhẫn giảng giải chút đạo lý cho viên tướng thân cận, nào là đừng cứng nhắc như thế, nào là đạo và đời vốn không tách rời nhau, phải tuỳ cơ mà vận dụng, nào là có khi muốn tử tế phải thực tàn nhẫn. Song cả đám lính đồng thanh đáp:
- Cậu đã thương hoa tiếc ngọc như thế thì đến nhà người ta ở rể đi!
Cả bọn lại rộ lên cười, tôi cũng cười đến chảy cả nước mắt. Cố lấy lại dáng vẻ đoan trang, tôi rót thêm một ít chè vào chén, nâng lên mời họ:
- Mừng năm mới! Mừng chiến thắng!
- Mừng năm mới! Mừng chiến thắng! – Mọi người đồng thanh.
Tiếng cười tiếng nói lại rộn ràng, chỉ còn thiếu việc bày chiếu bạc là không khác gì một ngày Tết bình thường. Tôi hồ hởi nói:
- Các anh đều ở cả đây sao? Còn ai bị đau không đi được không, chúng ta mang rượu qua mời họ!
- Thưa, gần như đủ cả rồi.
- Còn cậu Chiến! – Có ai đó reo lên.
- Là người bị thương ở bụng phải không? Tôi nhớ hôm trước thấy anh ta chảy máu nhiều lắm, chả trách... - Tôi trầm giọng.
- Thưa đúng ạ, vết thương của cậu ấy cũng khá lên nhiều rồi. Chỉ là...
- Thế nào? – Tôi nhìn anh lính đang ngập ngừng.
- Chỉ là lúc cậu ấy ghi danh tòng quân thì mẹ già đang đau nặng, sợ không qua khỏi. Cậu ấy xin ở lại thuốc thang đến khi mẹ khỏi bệnh, bà cụ tức đến hộc máu tươi. – Giọng kể của anh lính ngày một chậm dần, nhỏ dần. – Cụ bà bảo sinh tử của mẹ là cái hiếu nhỏ, lòng trung với đất nước là cái hiếu lớn. Cậu Chiến không giữ được cái lớn thì còn nghĩ đến cái nhỏ làm gì. Chúng tôi đều hiểu tấm lòng của bà, nhưng chỉ e khi giặc tan, cậu ấy trở về thì đã...
Mọi người không ai nói thêm lời nào, lặng lẽ ngồi yên hớp từng ngụm rượu. Không lâu nữa thôi là năm mới, song ngày nào giặc chưa rời khỏi biên cương, mùa xuân vẫn chưa thật về.
Tôi xót xa đưa mắt nhìn những người lính sống chết trung thành với lão già của tôi, muốn nói câu gì đó để động viên họ phấn chấn lên, nhưng mở miệng mấy lần vẫn không thốt nên lời.
Mãi lâu sau, có tiếng trống rộn rã vang lên từ phía doanh trại đóng ngoài hành cung, Quang Khải từ đâu chạy đến kéo tôi đứng dậy, lớn tiếng bảo mọi người:
- Cùng ra đó xem đi!
Danh Sách Chương: