• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Đằng Nào Cũng Ly Hôn​





Phần 3


Thực ra tôi không hiểu tôi đã sai ở điểm gì, về cách ăn nói hay cách cư xử mà mẹ chồng lại bắt tôi phải học phép tắc cơ bản như vậy. Cho đến ngày hôm sau khi đến nhà của Vỹ, tôi mới biết rằng những thứ mà mình luôn coi là đã đủ lịch sự, đủ tôn trọng người khác, hóa ra chỉ là những việc quá tầm thường, không phải là phong thái quý tộc của nhà danh gia.
Vỹ không hề đón tôi nên chỉ có một mình tôi tự đến nhà anh ta, khi tới nơi, nhìn ngôi biệt thự to đùng ở ngay vị trí đắt nhất Hà Nội của “nhà chồng tôi”, tôi mới phát hiện ra nhà bố tôi xưa giờ đã được coi là giàu rồi mà so với nhà Vỹ cũng chẳng là gì cả. Chẳng trách hôm qua mẹ chồng tôi đến, ngay cả một ly trà cũng không buồn nhấp môi.
Tôi nói tên cho bảo vệ, sau đó được mở cổng vào trong, khi bước vào sân thì cũng gặp xe của Vỹ đi từ trong Gara ra. Anh ta thấy tôi tay xách đồ thì khẽ nhíu mày, hạ kính xuống hỏi một câu:
– Ai bảo cô đến đây?
– Tối qua tôi có nhắn tin cho anh rồi, không thấy anh trả lời nên tôi tự đến. Anh không đọc được tin nhắn à?
Vỹ im lặng nghĩ ngợi vài giây, cũng chẳng buồn giải thích mà chỉ thờ ơ đáp:
– Thấy tin nhắn từ số cô là xóa luôn, khỏi đọc.
– À…
Tôi biết anh ta không thích tôi thì chẳng việc gì phải đọc tin nhắn của tôi. Thế nên không trách mà chỉ bảo:
– Mẹ anh bảo tôi đến đây để học nên tôi đến.
– Học gì?
– Tôi cũng không biết, chỉ biết mẹ anh nói tôi phải học phép tắc nhiều. Hình như là phép tắc lễ nghi chuẩn bị cho đám cưới.
Anh ta không trả lời nữa, chỉ trầm mặc suy nghĩ một lát rồi đột nhiên kéo kính lên, không nói không rằng một câu đã phóng đi. Tôi nghĩ chắc trên đời này chẳng có ai như tôi, bị cưỡng bức rồi buộc phải kết hôn, chồng ghét đến mức không muốn nhìn mặt, mẹ chồng thì khinh khỉnh coi thường, ngay cả đến nhà chồng cũng chỉ vác xác đi một mình rồi bị bỏ lại thế này, đúng là buồn và lạc lõng chết đi được.
Một cuộc hôn nhân mà biết rõ dấn thân vào sẽ phải chịu nhiều sự ghẻ lạnh, sao tôi cứ phải đâm đầu vào nhỉ?
Nhưng mà đã trót sa chân rồi thì dù phía trước là chông gai hay vực thẳm thì vẫn phải bước tiếp thôi…
Tôi hít sâu một hơi, tự xốc lại tinh thần rồi xách theo túi quà đi vào trong nhà, vừa đến cửa đã thấy một người giúp việc ra đón:
– Tôi vừa nghe bảo vệ nói rồi, cô là vợ sắp cưới của cậu Vỹ phải không?
– Vâng ạ. Mẹ anh Vỹ bảo cháu đến.
– Mời cô vào bên trong, bà chủ đang ngồi đợi.
Tôi thấy cách xưng hô của người giúp việc này có gì đó kỳ kỳ, như kiểu câu nệ quan cách quá đáng, gọi Vỹ bằng cậu, gọi mẹ chồng tôi bằng bà chủ, giống như truyện ngôn tình Trung Quốc vậy. Nhưng vì ngại thắc mắc nên không dám hỏi, chỉ lặng lẽ tháo giày ra rồi đi theo cô giúp việc kia vào bên trong.
Nhà của Vỹ giàu khỏi phải nói, từ những chi tiết nhỏ nhất đều là đồ đắt tiền, vừa hiện đại vừa sang trọng, ngay cả một bộ ly mẹ chồng đang uống trà cũng là nhập khẩu từ Thụy Sỹ về, năm ngoái tôi có tình cờ xem một đoạn quảng cáo, thấy đẹp nên ghi nhớ mãi, giờ liếc một cái là nhận ra ngay.
Bất giác, lồng ngực tôi lại cảm thấy tràn đầy áp lực, cũng thấy khoảng cách của mình và gia đình “chồng tương lai” bị kéo giãn thêm vài phần. Tôi cố nén cảm giác phân định đẳng cấp kia vào trong lòng, đi đến chỗ mẹ chồng, không dám ngồi mà chỉ đặt túi quà lên bàn rồi kính cẩn nói một tiếng:
– Con chào bác ạ.
Mẹ chồng tôi liếc túi quà trên bàn, ngay lập tức nhíu mày:
– Việc đầu tiên, quà cáp không được để lên bàn. Ai mà biết cái túi của cô có sạch không, cô đặt lên bàn như thế là không tôn trọng người khác.
– À… dạ vâng. Con xin lỗi bác.
Tôi vội vàng cầm túi lại, sau đó ngượng quá nên nói:
– Con có mua ít quà đến cho bác, con thấy cái túi này hợp với bác nên mua. Bác xem có thích không?
– Khỏi, tôi không dùng. Đợi học xong thì cô xách về đi.
– Con thấy kiểu này cũng đẹp mà, rất hợp với bác, hay con mở ra bác xem thử nhé.
– Nhà tôi xưa giờ không dùng các thương hiệu bình dân, mấy thứ rẻ tiền thế này không hợp với tôi.
Mấy câu nói này chẳng khác gì tạt thẳng nước lạnh vào mặt tôi, làm tôi xấu hổ kinh khủng. Tôi biết nhà Vỹ giàu nên đã cố ý mua một cái túi giá hơn 10 triệu, bằng cả tháng lương của mình rồi, nhưng đối với mẹ chồng vẫn là đồ bình dân. Lúc ấy cũng chẳng biết nói sao nên đành ấp úng bảo:
– Vâng. Lần khác con sẽ chú ý hơn, con xin lỗi bác.
– Thôi không phí lời vô bổ nữa. Tôi nói thẳng luôn cho cô biết thế này, hôm qua gặp cô tôi đã rất không hài lòng. Thứ nhất là về gia cảnh nhà cô, bố cô có công ty nhưng tầm cỡ cũng bình thường thôi, không thể so sánh được với nhà tôi. Thứ hai, tôi luôn muốn con trai tôi lấy một người tương xứng với nó, nhưng cô thì chẳng có điểm nào xứng với con tôi cả, chẳng biết nó ưng cô ở điểm gì.
Nói đến đây, bà ngừng lại vài giây, uống một hớp trà cho xuôi xuôi giọng rồi lại tiếp tục:
– Thứ ba, tôi không hài lòng với công việc của cô, ở nhà tôi, đã kết hôn rồi thì phải ở nhà chăm chồng chăm con, lo chu toàn việc nhà chồng, trước khi cưới thì cô nên tự giác xin nghỉ việc đi. Thứ tư, cô cũng coi là con nhà khá giả, nhưng đúng là tầng lớp khác nên mấy phép tắc cơ bản cũng không có. Gia đình tôi trước giờ chỉ tiếp xúc với những gia đình tương đương, hoặc là những người có quyền cao chức trọng, mà con gái của những gia đình ấy thì ai cũng đều được dạy dỗ lễ nghi từ khi còn nhỏ, biết cư xử hơn cô gấp trăm nghìn lần. Cô biết thế nào là phong thái sang trọng của nhà quý tộc không?
Tôi lắc đầu:
– Dạ không ạ.
Mẹ chồng tôi lạnh mặt, ánh mắt nhìn tôi như kiểu muốn nói “biết ngay là cái thứ tầm thường mà”. Nhưng có lẽ vì đây là lần đầu tôi đến nhà nên bà vẫn ít nhiều giữ lại chút thể diện cho tôi, chỉ bảo:
– Là làm sao cho duyên sáng, sang trọng, quý phái. Những việc ấy thể hiện trong từng cách nói năng cư xử, cách đi đứng hoặc cách ngồi. Tốt nhất là cô nên học hành đàng hoàng cho tôi, đừng để người ta chê cười nhà tôi đã không lấy được con dâu tương xứng rồi mà ngay cả lễ giáo cũng không biết.
– Vâng, con biết rồi ạ. Con sẽ cố gắng.
Mẹ chồng tôi thấy tôi ngoan ngoãn nghe lời như thế mới có vẻ xuôi xuôi, ngẩng lên gọi người giúp việc vừa nãy:
– Cô San, giáo viên dạy lễ nghi đến chưa?
– Dạ đang ngồi chờ trong phòng dụng cụ rồi ạ.
– Dẫn cô này vào đó đi.
– Vâng.
Tôi được dẫn đến một căn phòng rộng rãi, bên trong có đàn dương cầm và một số dụng cụ âm nhạc khác. Giáo viên không nhiều lời với tôi, vừa mới vào đã bắt tôi phải học những thứ đầu tiên là kiểu đi đứng theo phong cách quý tộc.
Giáo viên nói một người muốn thể hiện được sự sang trọng của mình thì phải chau chuốt dáng đứng, dáng ngồi, khi đứng phải để một chân lên phía trước, mũi bàn chân hơi chếch ra ngoài, vai thẳng và đầu ngẩng lên, thần thái phải tự tin.
Tôi đứng trên giày cao gót suốt mấy tiếng, đau đến mức đầu gối run rẩy, đến giờ ăn trưa cũng không được nghỉ mà cô giúp việc tên San kia bưng vào một bàn ăn, giáo viên tranh thủ dạy tôi cách ăn uống luôn, thành ra ngay cả bỏ một miếng cơm vào miệng cũng cảm thấy đầy áp lực.
Vật vã mãi mới hết một ngày học lễ nghi, trước khi tôi về, mẹ chồng cũng không buồn giữ lại ăn cơm mà chỉ bảo ngày mai tôi tiếp tục phải đến, còn không quên nói tôi đúng là chậm chạp, học hành cả ngày mà chẳng tiến bộ gì.
Tôi mệt nên không đôi co nhiều, với cả buổi trưa không ăn được nhiều nên đói, chỉ vâng vâng dạ dạ rồi lếch thếch đi về. Giờ đó cũng 8h tối rồi, bên nhà tôi chắc cũng đã ăn cơm xong nên tôi đành gọi điện cho My, rủ nó đi kiếm gì đó bỏ bụng cho đỡ đói.
My vừa làm thủ thuật cho bệnh nhân xong, thấy tôi rủ đi ăn thì gật đầu rối rít:
– Ôi mẹ, đang đói thì chớ, gắp bọ trong tai bệnh nhân hơn 3 tiếng, tao sắp chết đói rồi đây này. Giờ có đứa bao thì phải đi ngay.
– Ra quán cũ không? Bún chả Eo Gió ấy.
– Ừ đi, mày ra đó đi rồi tao qua.
Tôi phóng xe đến đó, gọi hai suất bún chả đầy đủ ra rồi ngồi chờ, còn chưa ấm mông đã thấy My lững thững đi vào. Nó vừa ngồi xuống đã xuýt xoa:
– Mẹ, đang đói. Ăn đi, ăn đi. Tao đói xanh cả mắt rồi.
– Mày cứ như chết đói ấy, ăn đi.
– Mà mày sao tự nhiên đánh quả lẻ thế? Không rủ ông Nam à?
– Hôm nay anh ấy trực, có ra ăn được đâu.
My vừa nhồm nhoàm nhai bún, vừa bảo tôi:
– Mày định lấy chồng thật đấy à? Không suy nghĩ lại à?
– Suy nghĩ gì nữa, sắp cưới đến nơi rồi, hết được thay đổi rồi.
– Kệ chứ, đến cưới xong vẫn còn bỏ được thì chưa cưới như mày lo gì. Tao biết thừa mày thích ông Nam, mày mà lấy chồng thì kiểu gì cũng ân hận.
Tôi cười, thực ra dù tôi có thích Nam hay không thì tôi cưới Vỹ cũng sẽ ân hận. Nhưng giữa ngổn ngang mọi chuyện như thế, tôi không thể lựa chọn qua cầu rút ván với bố mẹ nuôi tôi, đằng nào việc cũng đã rồi, tôi sẽ kết hôn và đợi đến khi công ty của bố tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này, tôi sẽ ly hôn, tôi sẽ không dính dáng gì đến Vỹ hoặc là bố tôi nữa.
– Thôi kệ đi, ông ấy mà bật đèn xanh cho tao thì có khi giờ đã cưới rồi, đâu phải ngồi đây nói chuyện lấy người khác thế này.
– Cả mày, cả ông ấy đều nhát, không ai dám tỏ tình nên mới ra thế đấy. Đúng là uổng công mang danh bác sĩ, mổ người như mổ gà còn không sợ, thế mà mỗi chuyện nói thích nhau thôi cũng không dám.
Tôi gắp cho My một miếng chả, thấy nó đói, ăn hùng hục tự nhiên lại nghĩ mình sau này có muốn ăn thế cũng chẳng được nên bật cười:
– Này, chị gái mày lấy chồng giàu thì có phải đi học lễ nghi không?
– Ôi nhắc đến làm quái gì. Ly hôn rồi. Không thể chịu được mấy cái lễ nghi quý tộc của nhà lão anh rể nên phải ly hôn đấy. Đừng tưởng giàu mà sướng, lắm phép tắc bỏ mẹ, bọn nhà giàu giờ nó bày ra lắm trò lắm. Đúng kiểu trưởng giả học làm sang ấy, học theo quý tộc Anh, thành phong trào luôn.
Nói đến đây, My đột nhiên ngừng ăn, ngẩng lên nhìn tôi:
– Sao mày hỏi tao thế? Đừng nói nhà của cái ông mà mày sắp lấy cũng thế đấy nhé?
– Ừ, hôm nay tao vừa học một khóa huấn luyện làm con nhà quý tộc xong. Suýt ngất. Tao sốc toàn tập luôn đấy.
– Mày học lễ giáo á?
– Ừ. Có giáo viên dạy hẳn hoi. Mẹ chồng tao bảo hôm đám cưới toàn mời khách VIP nên tao phải học để nhà họ không phải xấu hổ vì có đứa con dâu như tao.
– Khiếp, thế thì khác quái gì địa ngục. Mình tự do quen rồi, học những thứ đó gò bó lắm, ai mà chịu được. Như chị tao hiền thế cũng không chịu nổi ấy, đẻ hai đứa con rồi mà vẫn phải li dị. Ra đi tay trắng, con cũng không được mang theo. Này, tao khuyên mày thật, mình không hợp với nhà giàu như thế đâu, sống bình thường thôi.
– Giờ thì biết làm sao được nữa, thiếp mời cũng phát rồi, sắp cưới đến đít rồi, không hợp thì vẫn phải liều chứ biết sao giờ.
– Mày nói thật cho tao nghe đi, có phải bố mày bắt mày lấy cái ông Vỹ kia chứ mày không yêu đương gì với lão ấy không.
– Sao mày nói thế?
– Vì nếu mày mà đã yêu đương với lão ấy thì kiểu gì tao chả biết, mày không thấy hôm mày bảo cưới, tao vẫn khăng khăng không tin đấy à? Lấy nhau thì phải có quá trình yêu đương, gặp gỡ bạn bè của bạn, hoặc ít nhất thì mày cũng phải kể với tao. Đằng này mày không hề nói gì mà đùng phát cưới luôn, bố ai mà tin.
Tôi lén lút thở dài trong lòng, không dám nói ra chuyện bố tôi đã bán tôi để đổi lấy dự án, nhưng cũng muốn trút ra những thứ nặng nề mà tôi đã phải chịu đựng bấy lâu nay, thế nên tôi bảo:
– Ừ, hai nhà gán ghép rồi bảo cưới. Tao không phản đối, ông ấy không phản đối, thế là cưới thôi.
– Thế ông ấy có thích mày không?
– Không.
– Thế sao vẫn đồng ý cưới? Thời đại nào rồi, có phải bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy như ngày xưa đâu?
– Nói chung lằng nhằng lắm, mày cứ biết thế là được. Lúc đầu tao cũng nghĩ nhà ông ấy giàu thì giàu, vẫn sống bình thường thôi, hôm nay mới biết nhà họ lắm phép tắc quá, đang lo sốt vó đây.
– Quỳnh Anh.
– Hả?
– Suy nghĩ lại đi, mày đừng như chị tao. Không chịu nổi đâu. Chị tao ít nhất còn yêu đương với anh rể tao mấy năm, lúc đầu cũng nghĩ khó khăn mấy cũng chỉ cần yêu nhau là được, nhưng lúc ở mới biết yêu nhau thế mà vẫn không thể vượt qua nổi mấy cái chuyện gia giáo nhà chồng. Có làm gì thì họ cũng không ưng, móc mỉa này kia, cuối cùng không chịu nổi mới phải ra đi. Mày thì ngay cả yêu ông kia cũng không, sao mà mày chịu được?
– Thôi mà, từ từ rồi cũng sẽ có tình cảm. Bây giờ cái quan trọng là tao phải làm sao để mẹ chồng cho tao đi làm, bà ấy đang bắt tao phải nghỉ việc. Sáng nay tao chưa nói gì, lần đầu đến nhà, tao không muốn cãi, sợ người ta đã không thích lại càng ghét thêm.
– Ừ đúng, chị tao hồi xưa đang làm kế toán mà bị bắt nghỉ đấy. Mẹ chồng mày không cho đi làm thì mày nói lại với ông kia xem thế nào, giờ nếu mày quyết cưới thì chỉ biết nói với ông ấy, để ông ấy nói lại với mẹ chồng mày thôi chứ biết sao. Nhưng tao nghĩ không khả quan đâu. Thường nhà giàu sẽ không cho con dâu đi làm, một là sợ ngoại tình rồi mang tiếng, hai là họ không muốn con dâu gặp gỡ nhiều người rồi dễ làm lộ những chuyện nội bộ gia đình họ, ba là muốn con dâu chỉ ở nhà chăm chồng con thôi, nhà họ giàu rồi, cần quái gì con dâu đi kiếm tiền.
Chẳng biết nói sao nữa, tôi đành ậm ậm ừ ừ rồi cúi đầu ăn. My thì cứ khuyên tôi nên nói lại với Vỹ để anh ta xử lý giúp tôi, mỗi tội thấy thái độ của anh ta lúc sáng nên tôi cứ phân vân mãi, sau cùng gần 10 giờ đêm mới dám gọi điện cho Vỹ để nói tới chuyện cưới xong tôi vẫn muốn đi làm.
Tôi đã chuẩn bị cả đống kịch bản để thương lượng với anh ta, nhưng gọi hết cả một hồi chuông vẫn không thấy ai nghe máy, cuối cùng mệt quá nên vứt điện thoại đó rồi chán nản đi ngủ.
Đang lơ mơ ngủ được một giấc thì nghe thấy chuông điện thoại, tôi ngái ngủ nên không thèm xem ai đã mờ mịt cầm điện thoại lên nghe máy:
– Alo.
– Gọi cái gì?
– Ai thế?
Đầu dây bên kia không trả lời, sau đó ngay lập tức cúp máy. Đầu óc lâng lâng của tôi chợt nhớ ra cái kiểu thờ ơ khó ưa này chắc chắn chỉ có một người thôi, thế nên không nghĩ nhiều đã ấn nút gọi lại.
Tôi không được tỉnh táo lắm, khi nghe thấy tiếng tút tút biến mất, cũng chẳng buồn mở mắt xem anh ta nhận máy hay là ngắt điện thoại đã thều thào nói:
– Tôi bảo này, tôi muốn đi làm, làm bác sĩ là ước mơ của tôi, tôi không nghỉ việc đâu. Nếu bắt tôi nghỉ việc thì tôi không cưới nữa, tôi mặc kệ luôn đấy. Tôi thích làm bác sĩ, anh phải nói với mẹ anh cho tôi đi làm. Tôi phải đi làm.
– Thế thì đừng cưới nữa.
– Ừ. Đừng cưới nữa thì tốt nhỉ? Nếu mà…
Tôi còn chưa lải nhải hết thì đã nghe ba tiếng “tút tút tút”, nghĩa là người ở đầu dây bên kia đã thẳng thừng tắt máy. Tôi đang buồn ngủ nên cũng chẳng ý thức được mình nói gì, không hơi đâu quan tâm nhiều nên cũng vứt điện thoại ra một góc rồi nhắm mắt ngủ luôn.
Ngày hôm sau, tôi tiếp tục đến nhà anh ta để học phép tắc lễ nghi, mẹ chồng tôi không có tý thiện cảm nào với tôi nên cứ đụng mặt là sẽ nói những câu rất khó chịu, đại loại như: “đúng là không được dạy dỗ tử tế”, “chẳng có tý tác phong của con nhà giàu nào”, “cô đúng là kém xa con gái nhà người khác”. Tôi phải học mấy thứ lễ giáo kia đã mệt và áp lực lắm rồi, giờ nghe xóc xỉa lại càng cảm thấy mệt não hơn nữa, nhiều lúc ức quá muốn hủy đám cưới đi cho xong, nhưng sau rồi nghĩ đến mẹ tôi, nghĩ đến Thu, nghĩ đến cả đoạn đường dài đã qua và không thể quay đầu lại, tôi lại đành cắn răng cố chịu.
Tôi sẽ chờ khi dự án hoàn thành, chờ đến khi công ty bố tôi vượt qua khó khăn, sau đó nhất định tôi sẽ ly hôn, tôi sẽ thoát khỏi cái nơi đụng đâu cũng phép tắc này.
Có một hôm, đang phải đội quyển sách lên đầu rồi đứng trên giày cao gót, chân tôi mềm nhũn sắp đổ sập đến nơi thì đột nhiên thấy Vỹ về. Mẹ chồng tôi nhìn thấy con trai thì vẻ mặt khinh khỉnh ngay lập tức thay đổi, chạy lại tươi cười hỏi:
– Sao tự nhiên hôm nay lại về giữa buổi thế con? Uống cốc nước mát nhé? Mẹ bảo cô San lấy trà bạc hà cho con uống nhé?
– Không cần đâu, con đi ngay bây giờ.
– Đi đâu mà gấp thế con?
– Thư ký đặt lịch chụp ảnh cưới vào sáng nay nên con định đến studio.
Tôi để ý thấy sắc mặt của mẹ chồng tôi hơi trầm xuống, nhưng đã cưới nhau thì chuyện chụp ảnh là chuyện phải làm, bà không cản được nên chỉ bảo:
– Ừ, mấy hôm nay mẹ đang bảo giáo viên dạy vợ con mấy nghi thức cơ bản. Tốn bao nhiêu công rồi mà vẫn chưa đâu vào đâu. Hai đứa đi chụp xong thì về sớm, vẫn phải học tiếp.
– Con biết rồi.
Nói xong, Vỹ quay lại liếc tôi đang đội sách đứng một góc, vẻ mặt cực kỳ thiếu kiên nhẫn:
– Đi.
– Vâng ạ.
Tôi đưa lại sách cho giáo viên, không dám xoa đôi chân đang tê cứng mà vẫn cố gồng lên đứng thẳng, đi qua xin phép mẹ chồng rồi mới lẽo đẽo theo Vỹ đi ra ngoài.
Tôi nghĩ cưới xin gượng ép thì chụp ảnh chỉ cần hai tấm là xong, không tốn bao nhiêu thời gian. Ai ngờ lúc lúc đến nơi, tôi còn chưa kịp chọn váy, cũng chưa kịp trang điểm thì Vỹ lại nhận được một cuộc điện thoại, hình như công ty có việc gấp nên anh ta phải đi luôn.
Trước khi đi chỉ bỏ lại một câu:
– Có việc, xử lý xong quay lại sau.
Sau đó chẳng thèm để ý đến tôi mà quay lưng đi thẳng.
Lúc còn một mình ở lại Studio, thấy ánh mắt của nhân viên tò mò nhìn mình, tự nhiên tôi lại thấy rất xấu hổ. Dù biết trước Vỹ sẽ không tốt với tôi, cũng chẳng mong anh ta coi trọng việc chụp ảnh cưới này, nhưng đã đến đây rồi còn bị bỏ lại thế làm tôi thấy lạc lõng và tủi thân vô cùng.
May sao, bạn nhân viên trang điểm lại tốt bụng an ủi tôi:
– Người thành đạt thường bận rộn thế chị nhỉ? Nhưng bù lại sẽ cho vợ một cuộc sống đầy đủ, không thua kém ai.
– À… Vâng.
– Trong lúc chờ anh thì em dẫn chị đi chọn váy cưới trước nhé. Em nghe quản lý nói anh nhà chị đã đặt riêng một số mẫu, toàn là mẫu đẹp, chất liệu cũng cao cấp nhất chị ạ. Người chị như đẹp người mẫu thế, mặc vào đảm bảo anh nhìn xong không rời mắt được luôn.
Tôi biết chẳng phải Vỹ đặt mà là thư ký của anh ta đã chuẩn bị những điều này, kể cả lịch chụp hình cũng do thư ký của anh ta sắp xếp, Vỹ chẳng bao giờ nhúng tay vào những thứ vô bổ như vậy. Nhưng thôi, chúng tôi còn đi chụp ảnh cưới là tốt rồi, đằng nào sau này cũng sẽ vứt đi nên ai đặt cũng chẳng quan trọng với tôi.
Tôi không đáp mà chỉ cười một cái, sau đó đứng lên đi vào chọn váy cưới. Thử xong xuôi vẫn chưa thấy “chồng tôi” quay lại nên nhân viên lại tiếp tục an ủi tôi:
– Chị mặc bộ này đúng là đẹp thật, người đã đẹp rồi mà mặc đồ lên người còn đẹp hơn cả trăm lần.
– Chị đừng khen tôi như thế, tôi ngại đấy.
– Không, em nói thật mà. Chị đúng là có phúc thật đấy. Lấy được anh chồng vừa giàu vừa đẹp trai, lại còn chiều chị nữa. Khách đến studio chỗ em cũng nhiều, nhưng chi nhiều tiền cho váy cưới thế này thì chỉ có anh nhà chị thôi đấy.
Tôi suýt nữa thì nói “Hay là đổi cho tôi một bộ khác rẻ tiền hơn rồi cho tôi xin lại tiền thừa được không?”, nhưng lại sợ làm mất mặt nhà chồng nên đành bảo:
– Bình thường thì chụp ảnh cưới lâu không hả chị?
– Nếu cô dâu chú rể phối hợp tốt thì khoảng vài tiếng là xong, còn không thì chậm hơn. Có khi kéo dài đến tận chiều muộn. Nhưng chị yên tâm, hai anh chị đẹp đôi thế thì sẽ chụp nhanh thôi, mà lên hình cũng sẽ đẹp lắm ạ.
Tôi quan tâm gì đến xấu đẹp, đằng nào cũng chỉ chụp hai tấm cho xong. Tôi chỉ lo về muộn, không kịp học lễ nghi rồi mẹ chồng lại tốn nước bọt mắng tôi thôi.
Nhân viên thấy tôi không trả lời lại tiếp tục nói:
– Bây giờ em trang điểm cho chị nhé? Đằng nào cũng chờ anh, trang điểm dần rồi đợi anh đến là vừa.
– Vâng. Thế cũng được ạ.
Nhân viên trang điểm rất lâu, nhìn đồng hồ đã qua 3 tiếng từ khi Vỹ đi đến giờ mà vẫn không thấy bóng dáng anh ta về.
Tôi định gọi điện thoại, nhưng nghĩ anh ta chắc có việc cần giải quyết, với cả chân tôi từ lúc học lễ nghi vẫn còn đang đau nên được ngồi nghỉ càng lâu thì càng tốt, nếu mẹ chồng có mắng thì tôi cũng sẽ đổ tội cho anh ta. Thế nên tôi không buồn giục Vỹ mà chỉ ngồi nghịch điện thoại.
Hơn một tiếng sau cũng thấy anh ta quay lại, Vỹ chẳng nhiều lời, chỉ thay một bộ vest rồi đi thẳng vào phim trường chụp hình. Có lẽ do anh ta đẹp trai nên chẳng cần sửa sang đầu tóc gì, thợ ảnh cũng không tốn sức chỉnh trang tư thế, vì anh ta đứng kiểu gì cũng đẹp rồi, thế nên ảnh cưới của chúng tôi chụp đúng 10 phút là xong. Cũng chẳng buồn chọn ảnh, chỉ bừa hai tấm để in ra, nhanh gọn y như in ảnh 3 x 4.
Trên quãng đường Vỹ chở tôi về, anh ta có ghé qua một tiệm trang sức. Không cần hỏi cũng biết vào chọn nhẫn cưới. Nhân viên ở đây hình như đã biết trước nên khi thấy bọn tôi đi vào đã lịch sự mỉm cười:
– Em chào anh chị. Anh chị đến thử nhẫn cưới ạ?
Vỹ gật đầu, chẳng buồn chọn cùng tôi mà chỉ bảo:
– Thích cái gì thì chọn đi.
– Anh không chọn à?
– Chỉ đeo một lần hôm cưới, chọn làm gì? Cô nhanh lên, đừng làm mất thời gian của người khác.
Tôi câm nín, chẳng biết anh ta đang làm mất thời gian của tôi hay tôi đang làm mất thời gian của anh ta nữa. Hoặc là anh ta chỉ thấy thời gian của mình quý giá, còn thời gian của tôi chẳng đáng một xu nào.
Dù sao thì ở đây cũng đông người, không thể cãi cọ làm mất hình tượng được nên tôi không thèm chấp anh ta, chỉ quay sang hỏi nhân viên:
– Cho tôi xem một vài mẫu.
– Vâng. Ở đây có mười mẫu được đặt riêng, chị thử xem cái nào phù hợp ạ.
Tất cả nhẫn đều vừa với tay tôi, hỏi ra mới biết toàn bộ mẫu nhẫn này là đồ đắt cả, không phải tiền triệu mà là cả trăm triệu, tất cả là Vỹ đặt riêng, tôi muốn chọn cái nào thì chọn.
Vì không có ý định kết hôn lâu dài nên tôi chọn bừa một cái, nhân viên lại hỏi tôi có cần khắc tên không, tôi lắc đầu cười:
– Không cần đâu, tôi thấy nhẫn này đẹp rồi, khắc tên lên sợ xấu đi.
– Khắc mặt bên trong không ảnh hưởng gì đến vấn đề thẩm mỹ đâu ạ. Ở khoảng này này, khắc chữ Tú Anh và chữ Thành Vỹ vừa đấy ạ.
Tôi ngước lên nhìn nhân viên kia, nghĩ cô ấy nói nhầm tên tôi nên không thấy tò mò, chỉ thấy hơi kỳ lạ. Lúc này quản lý đứng bên cạnh vội vàng chạy lại, mỉm cười rối rít:
– Xin lỗi chị, bạn ấy nói nhầm ạ. Chị Quỳnh Anh.
– À vâng, không sao.
– Chị không muốn khắc tên thì em bỏ nhẫn vào hộp cho chị nhé? Chị có còn yêu cầu gì nữa không ạ?
– Không cần đâu, tôi thấy thế này được rồi. Chị bỏ vào hộp cho tôi nhé.
– Vâng ạ.
Tôi xách theo túi đựng hai hộp nhẫn ra về, lúc lên xe thì trời cũng đã tối rồi. Vỹ từ đầu đến cuối cũng chẳng buồn hỏi tôi mua nhẫn nào, giá tiền bao nhiêu, có đẹp không, anh ta chỉ im lặng lái xe, suốt cả buổi cũng chẳng nói tiếng nào.
Đi được một quãng, tôi mới hỏi anh ta:
– Chỉ đeo một lần hôm cưới, anh đặt toàn đồ đắt làm gì? Ở đó toàn nhẫn mấy chục nghìn đô, tôi chọn một đôi hơn sáu nghìn.
– Không phải cô thích oai với đời à? Nhẫn đắt tiền mới lên mặt với thiên hạ được chứ?
– À, anh nói cũng đúng nhỉ? Tôi quên mất. Tại vì chưa dùng đồ đắt như thế bao giờ nên lần đầu còn hơi bỡ ngỡ. Sau này tôi cũng phải tập làm quen với cuộc sống lấy chồng giàu mới được.
Đến đây, tôi mỉa mai nói một tiếng:
– Cảm ơn nhé.
Vỹ cười lạnh lùng, xoay vô lăng một vòng rẽ sang con đường khác, tôi đang tức nên cũng chẳng để ý, vài giây sau nghe anh ta đáp:
– Khỏi, tôi không tỏ vẻ như cô, nhưng đám cưới mời nhiều người, tôi không thích người ta nhìn vào lại nghĩ ngay cả cái nhẫn cưới cũng không có nổi cái tử tế.
Đúng là cái giọng điệu chẳng khác gì mẹ anh ta, lúc nào cũng sợ tôi làm mất mặt gia đình họ, đồ gì dùng cũng phải là đồ đắt tiền và cao cấp, sợ bị những nhà danh gia khác chê cười.
Tôi chán nản không thèm nói nữa, chỉ bảo:
– Tôi biết rồi.
Nói xong câu này thì bỗng nhiên thấy xe đi chậm lại, ngoảnh đầu ra bên ngoài cửa sổ mới phát hiện ra đây là khu nhà tôi. Tôi vẫn nhớ mẹ chồng đã nhắc phải quay về học tiếp, giờ Vỹ đưa tôi đến đây làm tôi hơi ngạc nhiên, nhưng còn chưa kịp thắc mắc thì anh ta đã nói:
– Xuống xe.
– Sao anh không đưa tôi về nhà bên kia? Xe của tôi đang để ở nhà anh, với cả mẹ anh cũng bảo phải quay về học lễ nghi tiếp rồi. Anh đưa tôi về đây thì tôi đi cái gì sang đó bây giờ?
– Tôi còn có việc, không rỗi hơi phục vụ cô.
– Nhưng mà…
Còn chưa nói hết câu, anh ta đã khó chịu ngắt lời:
– Đừng làm mất thời gian của người khác. Xuống xe.
Bị đuổi thế, tôi cũng chẳng còn mặt mũi ở lại, cuối cùng đành tháo dây an toàn rồi xuống xe. Nhưng lúc mở cửa ra, tôi cũng không xuống ngay mà lưỡng lự vài giây rồi cũng quay đầu lại nói:
– Giờ muộn rồi, tắc đường nữa, tôi bắt taxi sang đó chắc cũng hơn 9h tối. Anh nói với mẹ anh một tiếng giúp tôi được không? Nói hộ là ngày mai tôi sang.
Vỹ cau mày, bộ dạng rất thiếu kiên nhẫn, tôi thấy anh ta thế cũng không dám ngồi đó đôi co nữa mà bước luôn xuống xe. Trước khi kịp đóng cửa lại, tôi loáng thoáng nghe tiếng anh ta nói:
– Biết rồi.


Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ . Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK