Ánh đèn phẫu thuật sáng tới mức khiến người ta chói mắt.
Bác sĩ nam khoa và y tá làm phẫu thuật cho cậu đều rất dịu dàng: “Bạn nhỏ đừng khóc nhé, chỉ đau có một xíu thôi, cắt xong là hoàn hảo rồi. Chỗ này của em đẹp lắm, về sau sẽ vừa đẹp lại dễ dùng…”
Lúc băng bó, trên mặt Tiết Hựu Ca vẫn vương từng giọt nước mắt như hạt đậu, trong đầu văng vẳng câu ‘vừa đẹp lại dễ dùng’ kia.
Thật là sẽ vừa đẹp lại dễ dùng ư?
Nhưng mà đau quá, đau ơi là đau.
Y tá chụp cho cậu một cái cốc giấy, nhắc nhở: “Hai ngày đầu đi tiểu có thể sẽ hơi đau, cần bôi thuốc mỗi ngày. Mấy cái này mẹ em đều biết, để mẹ giúp em bôi thuốc, nhớ chưa nào?”
Tiết Hựu Ca ngượng ngùng lắc đầu, cúi đầu che cốc giấy kia: “Chị ơi, quần áo của em đâu?”
“Em muốn mặc quần hay mặc váy? Mẹ em có mang một chiếc váy cho em…” lời còn chưa nói xong, Tiết Hựu Ca vội ngắt lời “Em muốn mặc quần! Quần!”
Hà Tiểu Yêu là y tá khoa phụ sản của bệnh viện huyện bọn họ, tranh thủ kỳ nghỉ hè dài sau khi thi lên cấp hai của con trai liền đưa nhóc đến khoa nam học của bệnh viện mình làm việc để làm phẫu thuật cắt bao quy đầu.
Tiết Hựu Ca thường đến bệnh viện đợi mẹ tan làm, mọi người bên khoa phụ sản đều quen mặt cậu, còn tầng của khoa tiết niệu nam cậu chưa từng ghé qua, cũng không quen các bác sĩ và y tá ở đây.
Cậu không mặc được quần nên túm chun quần đi xuống tầng khoa phụ sản, trong lúc đó đũng quần ba lần bốn lượt cọ vào vết thương, đau tới mức cậu không ngừng khóc được, nước mắt dưng dưng hỏi chị gái ở quầy lễ tân mẹ mình đi đâu rồi.
“Ấy, là Tiểu Ca đó à?” Chị y tá vừa tốt nghiệp trường y ngẩng đầu đứng lên, nheo mắt cười: “Mẹ em có ca phẫu thuật đột xuất nên phải tăng ca… Úi chao, em mới cắt cái kia đấy à?”
Khuôn mặt Tiết Hựu Ca đỏ bừng.
“Có phải đau lắm không, mau ngồi xuống nghỉ ngơi đi, đừng đứng thế mãi.”
“….Em không đau!” Cậu ương ngạnh lắc đầu, xoay người chạy, sải bước rộng quá khiến cốc giấy bị kéo, đau tới mức muốn thăng thiên tại chỗ luôn.
Mười phút sau, Tiết Hựu Ca chán nản thay váy vào, ngồi trên ghế bên ngoài phòng mổ chờ mẹ ra. Cậu không dám khép chân, hai chân tách ra, gục đầu ủ rũ nhìn chằm chằm đôi giày vải có hơi bẩn của bản thân, sợ người qua lại nhìn thấy mình.
Trải nghiệm mặc váy rất khác so với tưởng tưởng, hai chân bị gió lùa, ngược lại lại rất mát mẻ. Bên dưới thả rông nên cậu có hơi bất an, dùng tay giữ mép váy.
Cái váy này là của chị họ Phương Lễ Tình của cậu không mặc nữa.
Sắp xếp cho con trai vừa nghỉ hè là làm phẫu thuật xong, Hà Tiểu Yêu đặc biệt đi hỏi mượn chị họ cậu hai chiếc váy đã bị bỏ đi, còn nói với cậu: “Hồi trước anh họ con, rồi cả Trịnh Tư Tề, rồi còn abc xyz kia đều làm phẫu thuật này, cũng chẳng có gì mất mặt, không tin con đi hỏi tụi nó thử xem.”
Tiết Hựu Ca không tin, hơn nữa còn rất phản đối, cùng chẳng muốn làm phẫu thuật, nhưng cuối cùng bị mẹ vừa dỗ vừa dọa lừa đi làm. Bởi vì mẹ nói là không đau, ba thì bảo làm rồi mới gọi là đàn ông, cậu liền nghe lời.
Ai mà biết được lại đau thế này, lúc kim đâm xuống đau tới hồn bay phách lạc luôn.
“Ái chà, không phải Tiểu Ca đây sao? Haha, trang điểm đẹp thế!”
“Vừa ở khoa nam học làm phẫu thuật xong à hahaha?”
“Há há, nhóc con mặc váy đẹp phết đấy, trông giống mẹ nhóc thật!”
Hà Tiểu Yêu rất xinh đẹp, là hoa khôi của bệnh viện, con trai Tiết Hựu Ca của bà từ nhỏ đã mày rậm mắt to, để tóc đen dài ngang tai, đôi mắt trong như pha lê màu hổ phách, khuôn mặt trắng trẻo mềm mại, thanh tú như một bé gái.
Các bác sĩ và y tá đi ngang qua đều quen biết cậu, đứa bé này không sợ người lạ, lúc còn nhỏ xíu đã đến bệnh viện đợi mẹ, với ai cũng cười, khiến mọi người yêu thích, hiếm khi thấy cậu khóc thế này, hai mắt đều đỏ bừng cả lên.
Rốt cuộc vẫn là một đứa trẻ, người lớn đi ngang qua nhìn thấy bộ dạng mặc váy này của cậu khó tránh sẽ bông đùa một hai câu.
Nhưng Tiết Hựu Ca lại cảm thấy tự tôn của bản thân bị đạp đổ, càng nghe càng cúi thấp đầu, càng nghe càng tủi thân. Cậu không muốn làm phẫu thuật, là ba mẹ lừa cậu.
Lớn từng này rồi mà chưa từng mất mặt như thế bao giờ. Đầu óc non nớt của Tiết Hựu Ca như bị giáng một đòn, đèn ở hàng lang bệnh viện lập lòe chớp tắt, mùi thuốc khử trùng vốn đã ngửi quen trước đây bỗng trở nên gay mũi, thuốc tê dần tan, chỗ đó ngày càng đau, cơn đau chầm chậm tiến về tứ chi và đại não. Tất cả những người lớn quen biết cậu đều chế giễu cậu.
Chưa đợi mẹ đi ra, Tiết Hựu Ca đã chịu không nổi mà bỏ chạy.
Trong bệnh viện người đến kẻ đi, cậu đi thang máy xuống tầng rồi chạy ra ngoài cũng không ai phát hiện.
Nhà cậu ở khá xa, khi cậu mới lên tiểu học, ông nội đã bán mấy cây gỗ để mua nhà cho cậu đi học, một nhà ba người, hai phòng ngủ một phòng khách.
Còn nhà của chị họ thì lại không xa lắm, Hà Tiểu Yêu và ba Tiết Hựu Ca công việc bận rộn, đến thời gian đưa và đón cậu đi học cũng thường không có, lại hay đến muộn, cho nên khi đi học đều là cô lái xe đến đón chị họ (*) thì thuận tiện đón cậu luôn, Tiết Hựu Ca thường xuyên ăn cơm tối tại nhà chị họ, có khi còn ngủ lại luôn.
(*) Ở Trung Quốc, anh chị em họ không xưng theo vai vế của bố mẹ mà dựa theo tuổi.
Có điều Tiết Hựu Ca 11 tuổi cũng xem như hiểu chuyện, biết tự mình đi xe bus, nhưng cậu cũng đã cao lên không ít, không thể mặt dày mà đi vé miễn phí cho trẻ em nữa.
Cậu chậm rãi đi tới trạm xe bus, tay khẽ miết chiếc váy của chị họ. Chiếc váy màu trắng, bên trên có những bông hoa nhí màu lam, không có túi.
Cậu không có tiền, cũng chẳng có thẻ xe bus.
Quay đầu nhìn lại, bệnh viễn đã ở xa thật xa, Tiết Hựu Ca mím môi, nước mắt lưng tròng. Cậu đi bộ qua đây, thật sự là quá đau khổ luôn. Hóa ra làm đàn ông là một chuyện đau đớn nhường này. Cậu ôm cánh tay ngồi trên ghế ở trạm xe bus, tức giận đá bậc thang ở bên đường một đạp, nhưng lại đau tới nhăn cả mặt lại, nước mắt lăn dài.
—
Khánh Châu là một thị trấn trực thuộc tỉnh Quý Châu, huyện Sơn Lăng nằm ở phía đông bắc của Khánh Châu, nơi đây non xanh nước biếc, là quê hương của bà ngoại.
“Trình Dự, cháu nhìn xem, bệnh viện này là ông cố ngoại của cháu thành lập đó.”
Mặt trời trên đầu, đi qua khu thị trấn cũ, bác Vệ lái xe thật chậm, tường tận giải thích mọi chuyện ở thị trấn cũ này cho đại thiếu gia lần đầu đến huyện Sơn Lăng: “Còn cả con sông này, tên là sông Lăng, thị trấn này được đặt tên theo tên con sông, nó chảy về phía nam rồi đổ ra biển. Cháu có nhìn thấy những người bán vải ở hai bên bờ không, Sơn Lăng trồng nhiều vải, rất nhiều nông dân kiếm sống bằng nó, bên cạnh nhà ông ngoại cháu cũng có một vườn vải.”
Xe chậm rãi chạy qua cầu, bác Vệ thấy cậu không nói chuyện cũng đã quen. Trình đại thiếu gia này tính tình giống mẹ, có phần thu mình và lạnh lùng, nhưng ngoại hình lại hưởng hết những ưu điểm của cả ba và mẹ, tuy trông còn hơi non nớt nhưng lại có mắt phượng mày ngài, khá là tuấn tú. Còn chưa đầy mười lăm tuổi mà như người lớn, cả một đường bác Vệ rất ít khi thấy cậu nhóc cười, lúc này mới nói: “Tiểu Dự, cháu nhìn thấy đàn vịt trên sông không? Bọn chúng ăn cá tự nhiên, vài năm trước mọi người ở đây thích bắt vịt dưới sông này, giờ người ta chú trọng bảo vệ sinh thái, chính phủ không cho bắt nữa rồi…”
Bác Vệ kể những mẩu chuyện về thị trấn nhỏ, Trình Dự chống cằm yên tĩnh nhìn ra ngoài cửa sổ.
Bên này dựa sông, yên tĩnh hơn nhiều so với khu thị trấn cũ, nhà của ông ngoài được xây ở thượng lưu sông. Thị trấn chưa được khai phá, cũ kỹ và nguyên sơ, cỏ cây gạch ngói đều toát lên hương vị tự nhiên.
Cảnh vật chậm rãi lướt qua trước mắt, bác Vệ nhìn cậu lặng im không nói, đột nhiên thấy sạp trái cây bày biện dưới nắng bên đường của nông dân, bèn cất lời: “Bác xuống xe mua cho cháu chút vải tươi ăn thử.”
Nơi này đã ngoài phạm vi thị trấn, xe cô thưa thớt vài chiếc. Bác Vệ dừng xe ven đường, Trình Dự gật đầu đáp lại.
Bác Vệ xuống xe mua vải, Trình Dự nhìn sang cửa sổ xe bên kia, chợt thoáng thấy một cô gái ở bên đường.
Cô gái đó mặc một chiếc váy hoa nhí màu trắng, để tóc ngắn, bộ dáng đi đường hơi lại, có vẻ như chân bị thương, vừa đi vừa khóc, đi tới giữa cầu thì dừng lại, mông lung nhìn dòng sông chảy dưới chân cầu.
Bác Vệ chuẩn bị xách túi vải lên xe, vừa ngẩng đầu cũng chú ý tới bé gái tóc ngắn trên cầu.
“Có phải đi lạc rồi không.” Bác Vệ đưa túi vải cho Trình Dự qua cửa sổ, lo lắng quan sát mấy giây, “Không thấy người nhà đâu, khóc thật đáng thương quá.”
Trình Dự liếc nhìn từ xa rồi thu tầm mắt lại, đầu ngón tay trắng nõn bóc lớp vỏ vải thiều, tựa như không hứng thú.
Bác Vệ do dự một chút: “Thế này đi, Trình Dự, cháu đợi bác một lát, bác đi hỏi thử xem sao.”
Trình Dự hơi không kiên nhẫn, nhưng cũng không trách bác, cô gái đó trông như muốn tự tử.
Bác Vệ đi qua đường, đến trước mặt bé gái, tươi cười hỏi.
“Bé gái à, người nhà cháu đâu?”
“Nhà cháu… cháu không phải bé gái!” Tiết Hựu Ca mở to mắt, nhìn chằm chằm bác trai đột nhiên hỏi thăm, trong lòng hơi cảnh giác, “Ba cháu là cảnh sát đấy!”
Đây là Hà Tiểu Yêu dạy cậu.
Hà Tiểu Yêu cảm thấy đứa con trai này của mình thích cười, với ai cũng cười được, miệng lưỡi lại ngọt. Chuyện này tuy rất tốt, nhưng bà cũng luôn lo lắng cậu quá bất cẩn lại bị đám buôn người bắt mất, cho nên từ bé đã dạy cậu quan niệm ‘không nói chuyện với người lạ, không ăn đồ người lạ cho’.
Bác Vệ thấy cô bé đáng yêu, cũng không tức giận, cười bảo: “Bác không phải người xấu, đừng sợ, bác sống ở ngay đây thôi.” Ông giơ tay chỉ vào một ngôi nhà xây bên sông, xa xa về phía thượng nguồn, nhìn từ đây chỉ thấy một cái nóc nhà.
Tiết Hựu Ca tròn mắt, cậu biết tòa nhà đó. Nó nằm bên kia sông, đối diện với vườn cây nhỏ của ông nội cậu, nhưng trước giờ cậu chưa từng nhìn thấy chủ nhân.
Trước kia Tiết Hựu Ca từng cùng bạn bơi qua bờ kia sông, cách một bức tường rào mà cực kỳ tò mò, bởi vì căn nhà được xây dựng rất đẹp, ngoài cửa có treo hai chiếc đèn lồng trang nhã, phía sau hai hàng cây xanh mướt thấp thoáng một khoảng sân nhỏ được chăm sóc tốt, với những chùm hoa tử đằng ló ra từ mép hàng rào.
Bác Vệ cúi xuống ngang bằng với cô bé, dùng giọng điệu dỗ trẻ con bảo: “Bác lái xe ngang qua, nhìn thấy cháu đang khóc liền nhớ tới cháu gái nhỏ trong nhà bác, bác lo cháu bị lạc, nhà cháu ở đâu vậy? Người lớn trong nhà đâu? Sao không ai trông cháu?”
“Nhà cháu ở… bên cạnh đồn cảnh sát.” Tiết Hựu Ca đi không nổi nữa rồi, ngẩng đầu nhìn chiếc ô tô màu đen đang đậu ở phía đối diện, bác trai trước mặt này trông không giống người xấu, hơn nữa còn hơi giống ông nội, trong lòng cậu đã thả lỏng vài phần cảnh giác, nhưng vẫn ghi nhớ lời mẹ dặn.
Bác Vệ: “Có nhớ số điện thoại của người nhà không? Bác cho cháu mượn điện thoại, cháu gọi điện cho người nhà tới đón đi, bác thấy hình như chân cháu bị thường rồi? Sao mà đi bộ về được?”
“Cháu…” Tiết Hựu Ca muốn nói không phải chân mình bị thương, là họa mi đau, nhưng ngại quá nên nói không nên lời.
Cậu không muốn đi bộ về nhà, nhưng bây giờ mẹ đang làm phẫu thuật, ba không ở nhà, chú đi họp bên ngoài, cô chắc đang chơi mạt chược, ai sẽ đến đón cậu được đây?
Cậu do dự một lát, ngẩng đầu nhìn bác trai hòa nhã hiền hậu này, trong lòng đang thầm tranh cãi với lời dặn dò của mẹ. Mình đã không còn là trẻ con nữa rồi, nào có dễ bị lừa gạt như vậy, nhưng giờ trên người còn đang có vết thương, cũng sợ nhỡ gặp phải phiền phức thì không chạy nổi… Mấy giây sau, cậu nghĩ ra một biện pháp điều hòa, ngượng ngùng mở miệng: “Bác ơi, bác cho cháu mượn một tệ được không ạ, phía trước là trạm xe bus, cháu có thể tự về nhà được, hôm khác cháu sẽ mang tiền trả bác ạ… Bác yên tân, cháu từng chơi ở khu bên nhà bác, ngày khác cháu sẽ trả tiền bác!”
“Ha ha ha,” Bác Vệ nghe vậy liền lấy một đồng tiền xu ra, “Một tệ có đủ đi xe bus không hả cháu? Trạm xe bus ở đằng kia hả? Cháu xem trời nắng to thế này, nóng lắm, để bác lái xe đưa cháu qua nhé, trên xe có điều hòa.”
“Đủ rồi ạ, cháu cảm ơn bác.”
Cửa xe mở ra, bên trong xe thật là mát mẻ, cậu không chờ nổi vươn đôi chân ngắn của mình trèo lên xe – lúc này mới thấy trên xe vẫn còn một người nữa, là một anh trai. Khi Tiết Hựu Ca ngước lên nhìn anh, vừa hay chạm mắt với thiếu niên.
Trình Dự đang lau tay, vẻ mặt lãnh đạm như thường ngày, nốt lệ chí ở đuôi mắt (*) trở thành nét chấm phá trước khí chất lạnh lùng của anh.
(*) Lệ chí là nốt ruồi dưới đuôi mắt.
Trình Dự quét mắt qua cô bé đó.
Tuy Tiết Hựu Ca không lạ người, nhưng vẫn còn chút rụt rè, đôi mắt to ngấn lệ bất an nhìn về hướng khác.
Trong xe tràn ngập hương vải tươi.
Bác Vệ lên xe, giải thích: “Tiểu Dự, cô gái nhỏ này bị trẹo chân rồi, muốn về nhà, tôi lái xe đưa cô bé tới trạm xe bus.”
“Cháu không phải là cô gái nhỏ.” Tiết Hựu Ca không vui thanh minh, muốn giải thích mình là con trai, nhưng lại không cách nào biện giải chiếc váy trên người mình hiện giờ là sao. Nếu nói về chiếc váy, thì lại phải nói tới chuyện phẫu thuật, hóa ra là do họa mi đau nên mới khóc, thế thì mất mặt quá.
Cậu không tiện nói.
“Ha ha ha.” Bác Vệ buồn cười, thấy cô bé tuổi còn nhỏ mà ăn nói rành mạch, logic rõ ràng, rất khác với nhiều đứa trẻ đồng trăng lứa, bèn hỏi, “Cháu không phải cô gái nhỏ, vậy là người lớn à? Cháu bao nhiêu tuổi rồi?”
“Cháu… sắp tròn mười lăm tuổi rồi!” Cậu không khách khí khai khống thêm bốn tuổi với giọng nói trẻ con. Mẹ đã nói rồi, con nít rất dễ bị kẻ xấu để ý, nếu cậu đã mười lăm tuổi rồi thì bọn chúng cũng cần phải suy xét xem có bắt cậu hay không.
Bác Vệ có hơi ngạc nhiên: “Cháu đã mười lăm tuổi rồi á?”
“Sắp, sắp tròn ạ!” Cậu có hơi chột dạ, con ngươi đảo qua đảo lại.
Bác Vệ cười ha ha, cũng không lật tẩy: “Ở đây có vải đó, cháu thích ăn vải không?”
“Thích…” Tiết Hựu Ca dùng khăn giấy lau khóe mắt, kết quả nhìn thấy túi vải đặt ở chỗ thiếu niên, bèn vội lắc đầu, nói cảm ơn nhưng cháu không muốn ăn.
“Nhà ông nội cháu trồng vải, gần đây ngày nào cháu cũng ăn, ăn không hết thì lãng phí lắm.”
“Nhà cháu còn trồng vải cơ à?” Ông ra hiệu Trình Dự chia cho cô bé.
Trình Dự vặt một quả vải rồi đưa qua, nhưng không nhìn cậu. Tiết Hựu Ca ngẩng đầu lén nhìn anh vài giây, đưa tay nhận lấy và nói cảm ơn anh.
Trình Dự không đáp lời, chỉ đặt túi vải lên tay vịn ở giữa của ghế sau xe hơi, ý là muốn ăn thì tự lấy, vẻ mặt lạnh lùng.
Tiết Hựu Ca không động đến, cậu căn bản chẳng hiếm lạ thức quả này, lại nói: “Bác ơi, mọi người có thể tới nhà cháu hái vải, rẻ hơn so với mua trên đường.”
“Được chứ, nhà cháu ở đâu?”
Vừa hỏi tới vấn đề này, Tiết Hựu Ca lập tức chùn chân: “Bên, bên cạnh đồn cảnh sát…”
Một lớn một nhỏ chuyện trò vui vẻ, ánh mắt của Trình Dự vô tình rơi lên người cậu, cúi đầu nhìn cô bé này: đôi mắt đỏ hoe, có lẽ mới nãy khóc quá thảm thiết, đáy mắt còn đọng một tầng hơi nước, lông mi tỏa xuống như chiếc quạt nhỏ, cái mũi nhỏ nhắn cũng đỏ ửng, hai má trắng nõn nho nhỏ, trông có vẻ rất mềm, lại hơi mũm mĩm, ước chừng cao chưa tới một mét sáu, có lẽ do bị thương ở chân nên dáng ngồi không được tao nhã lắm.
Rất nhanh đã tới trạm xe bus, bác Vệ cười hỏi cậu: “Nhà cháu có ở xa không? Để bác đưa cháu về?”
“Cảm ơn bác, không cần đâu ạ.” Nhìn thấy trạm xe bus, cậu xem như an tâm được vài phần, cũng may là không phải kẻ xấu. Tiết Hựu Ca vội mở cửa xe, đồng thời rất ngoan ngoãn lễ phép mà nói với bác trai: “Tạm biệt bác ạ, hôm khác cháu sẽ đến nhà bác, tự mình trả tiền cho bác, cháu nhất định sẽ trả ạ.”
“Không sao, lần sau ra ngoài cẩn thận chút, đừng để bị ngã.”
Tiết Hựu Ca gật đâu, đóng cửa xe lại, vừa đi được một bước thì bị một lực cản kéo lại, chiếc cốc giấy treo giữa hai chân rung lên vài cái, sắc mặt cậu tái mét, đau tới bật khóc.
“Váy bị kẹt rồi.” Trình Dự mở cửa xe, váy hoa nhí từ góc rơi xuống, Tiết Hựu Ca ngẩng đầu nhìn anh, nước mắt lưng tròng đè chiếc váy xuống, lí nhí cảm ơn.
Khuôn mặt lạnh lùng của thiếu niên dịu đi một độ, nói đừng khách sáo.
Chiếc xe hơi đen và xe bus lướt qua nhau.
“Cô bé này lớn lên xinh đẹp, Sơn Lăng này đúng vùng địa linh, sản sinh ra nhiều người đẹp.” Bác Vệ thuận miệng nói ra tên một ngôi sao nữ, “Cô ấy là người Sơn Lăng.”
Trình Dự lơ đãng nghe ông kể chuyện, không khỏi nghĩ tới vừa rồi cô gái nhỏ xuống xe không chú ý để lộ cái chân trắng nõn, tựa như trái vải đã được lột vỏ trong tay.
Đúng là địa linh thật.
HẾT CHƯƠNG 1.