Tháng 9 năm 581, hai tướng Chu La Hầu và Tiêu Ma của Nam Trần xâm nhập vào biên giới nhà Tùy. Dương Kiên sớm đã có hoài bão diệt nhà Trần thống nhất thiên hạ, bởi vậy sau khi xây dựng đất nước xong liền phái con trai thứ là Dương Quảng làm tổng quản Tính Châu, Hạ Nhược Bật làm tổng quản Ngô Châu, Hàn Cầm Hổ làm tổng quản Lư Châu, lần lượt trấn giữ Sơn Tây Thái Nguyên, Giang Tô Dương Châu và Hợp Phì An Huy, làm tốt công tác chuẩn bị đề phòng quân Đột Quyết xâm phạm quấy nhiễu ở phía bắc và tiến về phía nam tiêu diệt nhà Trần. Lúc này, mọi việc bố trí đã xong, Dương Kiên phong cho Thượng trụ quốc trưởng Tôn Lãm và Nguyên Cảnh Sơn làm Hành quân nguyên soái, lệnh cho Thượng thư bộc xạ Cao Cảnh làm thống soái, lấy cớ Nam Trần xâm nhập lãnh thổ, bắt đầu tiến hành kế hoạch "tiên Nam hậu Bắc".
Nhà Trần là một nước lớn, quân nhiều tướng mạnh, thực lực trù bị tương đối mạnh, nhưng so với quân Đột Quyết lúc bấy giờ thì quân Trần yếu hơn. Bởi vậy kế hoạch "tiên Nam hậu Bắc" chính là sách lược đánh kẻ yếu trước kẻ mạnh sau.
Hơn nữa người Đột Quyết chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt, tầm nhìn thiển cận. Tuy mấy lần xâm nhập vào Trường Thành nhưng cũng chỉ để cướp bóc người ngựa và tiền bạc, nhà Tùy cũng đã đề phòng chuyện này rồi. Cho nên tiến về phía nam diệt nhà Trần cũng không lo chuyện xảy ra ở đằng sau. Vì vậy đánh vào Giang Nam trước tiên để tăng cường sức mạnh của nhà Tùy ngay, như vậy có lợi cho tốc độ chiến thắng.
Không ngờ, trong lúc quân Tùy đang ráo riết hành động thì có tin cấp báo: quân Đột Quyết liên kết với Thứ sử Doanh Châu là Cao Bản Ninh của Bắc Tề đồng loạt tiến công vào biên giới Lâm Du (nay là biên giới Sơn Hải) của nhà Tùy, chuẩn bị tiến nhanh vào phía nam với qui mô lớn. Tùy Văn Đế Dương Kiên vô cùng kinh hãi.
Dân tộc Đột Quyết là một chi khác của dân tộc Hung Nô, họ là một dân tộc du mục sống ở nơi có nhiều cỏ và nước, hưng khởi vào cuối thời Bắc Ngụy, cường thịnh vào thời kỳ Bắc Tề, Bắc Chu thế kỷ thứ VI. Đất đai rộng bao la, phía bắc đến Trường Thành, phía nam đến Bối Gia Nhĩ, tây đến Hưng An Lĩnh còn phía đông đến biển Bắc Hải. Họ có mấy chục vạn kỵ binh, nhiều vũ khí ưu thế như cung, nỏ, giáo, mác, đao kiếm... Hồi ấy, tuy Đột Quyết chưa nằm trong chế độ Hung Nô nhưng thủ lĩnh có uy quyền tuyệt đối, các tướng sĩ chiến đấu rất hăng, dũng mãnh do vậy sức chiến đấu vô cùng mạnh. Thời kỳ Bắc Tề và Bắc Chu, hai nước hợp lại cống nộp vàng bạc gấm lụa cho Đột Quyết để xin hòa và cầu thân. Đột Quyết càng thêm ngạo mạn, phó thủ lĩnh nói:
- Hai nước nhỏ (chỉ Bắc Tề và Bắc Chu) cũng có hiếu như thế, việc gì phải lo nước nghèo.
Dương Kiên sau khi đổi Chu thành Tùy đã dần dần giảm cống nạp cho Đột Quyết. Đương nhiên là tộc Đột Quyết không bằng lòng, nhưng vì lúc đó Đà Bát Khả hãn qua đời, con cháu tranh giành quyền lợi, nên không thèm đếm xỉa gì đến nhà Tùy. Đến lúc đó, Sa Bát Lược Khả hãn đã ổn định cục diện, công chúa thiên kim Bắc Chu được gả cho Đà Bát Khả hãn theo tục lệ đã lại gả cho Sa Bát Lược Khả hãn, không cam chịu bị Dương Kiên cướp ngôi thay thế nhà Chu, bà ta ngày đêm cầu xin sai quân báo thù. Sa Bát Lược Khả hãn thế là có âm mưu lấy cớ nhà Tùy tiến công về phía nam để tổng lực tiến đánh Tùy.
Cũng lúc đó, Trần Tuyên Đế bị bệnh chết nên sai quân sang Tùy xin hòa. Không ít đại thần nhà Tùy cho đó là cơ hội tốt để tấn công nhà Trần ở phía nam. Tiên Nam hậu Bắc, diệt Trần thống nhất là một kế hoạch lớn được chuẩn bị rất kỹ càng, không thể do dự chần chừ được, họ sôi nổi khuyên Tùy Văn Đế tiếp tục đánh, đừng vì những cử động của Đột Quyết mà phá hỏng đại cục. Nhưng Tùy Văn Đế lại cho rằng "lễ bất phạt tang" (không nên đánh nhau trong lúc có tang) nên đồng ý giao hòa, rút quân mã ở phía nam về, đồng thời xác định lại kế hoạch "Nam hòa Bắc công (hòa hoãn ở phía nam, tấn công lên phía bắc), điều quân về phía bắc để chống lại và tấn công Đột Quyết.
Rất nhiều đại thần không bằng lòng với cách hành động của Tùy Văn Đế. Nhưng ông nói:
- Đột Quyết ỷ vào kỵ binh mạnh, hành động nhanh chóng thoắt ẩn thoắt hiện, ta rất khó đối phó. Nhưng nay Sa Bát Lược Khả hãn vì ôm mối thù mà đến đây, ý muốn cướp tài sản, tấn công thành trì đoạt đất đai, muốn thâm nhập vào trung tâm quan trọng của ta, dã tâm của họ khó lường. Còn nhà Trần hiện nay chẳng còn lòng dạ nào để đánh nhau, hơn nữa năng lực cũng không còn. Bởi vậy, thống nhất sự nghiệp lớn tuy lấy việc tiêu diệt Trần làm tiêu chí, nhưng trở ngại lớn nhất lại là Đột Quyết. Nếu cứ khư khư giữ lấy kế hoạch cũ không tùy cơ ứng biến, thay đổi kế hoạch thì sẽ rơi vào tình trạng trước sau đều có địch. Hơn nữa, thành Trường An cách biên giới phía bắc không xa, phòng vệ mỏng và yếu, một khi bọn Đột Quyết thừa cơ xông vào thì khó mà chống nổi. Đấy là chưa kể đến thống nhất nghiệp lớn, e rằng ngay cả việc ổn định đất nước cũng chẳng yên!
Tùy Văn Đế xem xét thời thế, mượn danh nghĩa không đánh nhau lúc tang gia mà chuyển hướng dùng binh, áp dụng kế hoạch thiết thực nhất là hòa hoãn ở phía nam tấn công lên phía bắc. Với một nước Tùy thành lập không lâu, thực lực quân đội chưa đủ mạnh, tình hình trong nước vẫn còn rối ren, lỏng lẻo, ông tiến hành kế hoạch như vậy mới tránh cho nước Tùy phải tác chiến trên cả hai trận tuyến, để tập trung lực lượng chế ngự quân Đột Quyết giải tỏa nguy hiểm chủ yếu. Sau đó ổn định tiến quân xuống phía nam, thống nhất đất nước, đặt nền móng vững chắc cho sau này.
Trong cạnh tranh thương nghiệp, tình hình thị trường, đối thủ cạnh tranh, mục tiêu về lợi ích, thủ đoạn kỹ thuật... đều biến hóa khôn lường. Do vậy phải xem xét thời thế, căn cứ vào tình hình thay đổi mà quyết định một cách linh hoạt, kịp thời điều chỉnh và thay đổi hành vi, sách lược để biến cái nguy hiểm thành thắng lợi, độc chiếm ưu thế.
Mấy năm trước đây, một loại gạt tàn thuốc lá do tỉnh Triết Giang sản xuất chất lượng rất tốt, hình thức đa dạng tiêu thụ ra cả nước ngoài. Nhưng không lâu sau, khách hàng không mặn mà lắm. Qua điều tra mới biết loại gạt tàn đó đẹp thì đẹp thật, lại dễ rửa nhưng trong phòng ở của người nước ngoài thường dùng quạt điện treo tường nên hễ mở quạt là tàn thuốc bay mù mịt khắp phòng.
Nhận được tin đó, xưởng sản xuất lập tức thay đổi mẫu mã, nghiên cứu và đưa ra loại gạt tàn miệng nhỏ, đế sâu, bụng rộng. Nó lại nhanh chóng được mọi người chấp nhận.
Song lại chỉ được vài năm, rất nhiều gia đình ở nước ngoài dùng sang máy điều hòa. Thế là chiếc gạt tàn miệng nhỏ đế sâu vì rửa không sạch nên lại bị lạnh nhạt. Xưởng sản xuất cố tìm cách để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, kịp thời tung ra sản phẩm mới, từ đó chiếm lĩnh thị trường...
Tháng 7 năm 1983, công ty Nhậm Thiên Đường của Nhật Bản đã phát minh ra bộ trò chơi điện tử nối với vô tuyến, dẫn đến một cuộc cải cách trong lĩnh vực giải trí của con người, bán chạy như tôm tươi. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng về số lượng máy trò chơi điện tử ở Nhật Bản thì các nhân sĩ nổi tiếng trong xã hội Nhật Bản bắt đầu lên tiếng về mặt trái của trò chơi điện tử đã ảnh hưởng không tốt đối với trẻ em, mà như thế nó không có giá trị gì. Điều này đối với công ty Nhậm Thiên Đường mà nói, là sự đả kích rất mạnh. Công ty lập tức nghiên cứu lại đối sách, thay đổi sản phẩm.
Trước hết, đưa ra phụ kiện mới là "hộp học tập của trẻ em", nó có thể nối với máy trò chơi điện tử hoặc vô tuyến. Trong vô tuyến sẽ xuất hiện những hình ảnh sống động và tiếng thầy giáo giảng bài, trẻ em có thể vừa chơi vừa học, có chỗ nào không hiểu thì học lại. Học xong một giai đoạn thì nó có thể giúp bạn trắc nghiệm tính điểm. Bộ trò chơi "hộp học tập" này có sức hút rất lớn, thị trường càng được mở rộng.
Sau này công ty Nhậm Thiên Đường lại phát minh ra một phụ kiện mới dành cho người lớn, đó là máy "xử lý tin tức cổ phiếu". Căn cứ vào đó người ta có thể kịp thời tiếp nhận và xử lý tin tức của thị trường cổ phiếu, đúng là "kiếm vào hàng vạn chỉ cần bật ngón tay."
Thế là bộ máy trò chơi điện tử truyền thống lại một lần nữa phát triển phổ biến, tiêu thụ mạnh ở khắp nơi.
Danh Sách Chương: