Phải làm thế nào khi đối mặt với một đối thủ mạnh hơn mình. "Thước có khi ngắn, tấc có khi dài", người hoặc vật có cái sở trường và sở đoản, không phải gặp thời tùy tiện đều có thể phát huy phù hợp, dựa vào sở trường của mình để đánh vào nhược điểm của địch thì chẳng có gì là không thể phá nổi.
Năm 621 sau Công nguyên, tuy là Lý Thế Dân đã dồn được Vương Thế Sung vào trong cô thành Lạc Dương nhưng vì thành trì kiên cố, quân thì dũng mãnh nên quân Đường tấn công mãi mà không được đã có ý quay về. Không ngờ đúng lúc đó Đậu Kiến Đức lại mang theo hơn 10 vạn tinh binh dũng tướng với một khí thế ào ào tiến đến cứu viện cho Vương Thế Sung, trong chốc lát quân Đường từ thế chủ động rơi vào thế bị động. Để tránh nguy cơ trước sau đều có địch, không ít các đại tướng mưu thần đã đề xuất ý kiến lui binh phòng ngự. Lý Thế Dân lại không hề tỏ ra sợ hãi, một mặt sai lính tiếp tục vây thành Lạc Dương còn mình thì đích thân dẫn 3500 kỵ binh kiêu dũng tiến về Hổ Lao (Phiếm Thủy, Hà Nam) để đánh trực tiếp với Đậu Kiến Đức.
Hai bên đối chọi nhau trước cửa ải Hổ Lao. Địch thì mạnh mà ta thì yếu, sự chênh lệch rất rõ ràng. Nhưng Lý Thế Dân vẫn muốn chờ, tạo ra nhược điểm của kẻ địch sau đó tập trung các tướng sĩ mạnh nhất của mình từ một điểm đột phá tiêu diệt kẻ địch mạnh.
Lý Thế Dân bắt đầu từng bước thực hiện kế sách "Dựa vào thế mạnh của mình đánh vào chỗ yếu của địch" để đối phó với Đậu Kiến Đức.
Lần đầu tiên thực hiện cũng là ngày đầu tiên Lý Thế Dân từ phía ngoài thành Lạc Dương đi thẳng đến Hổ Lao. Lúc đó ở Hổ Lao, Lý Thế Dân đem theo các tướng sĩ nổi tiếng nhất của nhà Đường như Uất Trì Kính Đức, Lý Thế Tích, Trình Tri Tiết, Trần Thúc Bảo... cùng 500 tinh binh đi hơn 20 dặm để trinh sát tình hình quân địch, đồng thời dựa vào thế nhanh như vũ bão phục kích một đội quân bình thường của Đậu Kiến Đức. Từ đó mà ngăn chặn, hạ khí thế muốn tấn công chiếm thành, đánh đâu thắng đó của quân Đậu, làm cho chúng không dám tiến sát vào Hổ Lao mà chỉ có thể đứng ngang hàng với quân Đường ở trước cửa ải Hổ Lao. Mà quân Đậu còn ở mãi tận Hà Bắc, thời gian ở Hà Nam lâu, khí thế không còn được như trước thì tướng sĩ tất sẽ sinh lòng muốn quay về, sĩ khí sẽ dần dần suy sụp. Lý Thế Dân cũng đã giành được thắng lợi to lớn đầu tiên.
Lần thứ hai, Lý Thế Dân phái mãnh tướng Vương Quân Khoách dẫn hơn ngàn kỵ binh nhẹ, chờ cơ hội đánh chặn đường lương vốn không hề có sự phòng bị của Đậu Kiến Đức, bất ngờ bắt sống đại tướng của quân Đậu là Trương Thanh Đặc. Ngoài ra mỗi lần giao chiến, Lý Thế Dân đều coi quân địch nhỏ là quân địch lớn để đánh, dựa vào thế mạnh để luôn đánh thắng đối thủ. Đậu Kiến Đức vì thế mà rất sợ chỉ nghĩ rằng quân Đường lúc đó toàn mãnh tướng chứ không có một tên lính nào yếu cá. Quân sĩ của Đậu Kiến Đức lại càng cho rằng quân Đường là quân đội vô địch.
Lần thứ ba, cũng là lần quyết chiến cuối cùng, Đậu Kiến Đức vì không chịu nổi sự van nài khổ sở của Vương Thế Sung nên đã quyết định dốc hết toàn lực quyết sống mái một trận với quân Đường. Lúc đó ông ta đã sắp xếp binh mã, bày binh bố trận, phía bắc dựa vào con sông lớn, phía nam dựa vào núi, phía tây đến tận Phiếm Thủy, trận địa rộng đến hơn 20 dặm. Quân Đậu hùng dũng tiến công, uy danh lẫy lừng, tướng sĩ nhà Đường vô cùng sợ hãi. Lý Thế Dân đem theo Uất Trì Kính Đức lên trên cao nhìn xuống để tìm ra chỗ sơ hở và nhược điểm của quân địch. Sau một hồi xem xét, Lý Thế Dân bèn nói: "Quân Đậu từ lúc khởi sự ở Sơn Đông đến nay chưa từng gặp phải đối thủ mạnh. Nay tuy chúng đã bày trận lớn nhưng vẫn nhốn nháo vô độ, hàng ngũ cũng mất trật tự, thể hiện sự vô tổ chức, vô kỷ luật. Ta mà không có động tĩnh gì thì dũng khí của đối phương sẽ tự suy sụp. Lâu dần như vậy binh sĩ sẽ mệt mỏi, tất sẽ đều muốn quay về. Trong một đội quân ô hợp lại chỉ muốn quay về như vậy thì làm sao chống cự lại được sự tấn công của đội quân tinh nhuệ chúng ta? Ta có thể khẳng định rằng chỉ trong một ngày, chỉ cần một đội tinh binh cũng có thể tiêu diệt được toàn bộ quân Đậu".
Quả nhiên quân Đậu bày trận từ sáng đến trưa, quân sĩ không được ăn uống gì nên đều vừa đói vừa mệt, kẻ thì ngồi bệt xuống đất, kẻ thì tranh nhau đi uống nước, đội ngũ hỗn loạn. Lý Thế Dân lệnh cho Vũ Văn Sĩ dẫn 300 kỵ binh hành quân từ phía bắc hướng về phía nam đến trước trận địa của quân Đậu, đồng thời nhắc nhở ông ta nếu thấy trận địa của địch nghiêm chỉnh thì không được đánh mà phải nhanh chóng quay về, còn nếu thấy thế trận dao động chứng tỏ rằng quân Đậu đã yếu đuối bất lực thì phái nhân thế mà xung kích. Thế trận của quân Đậu quả nhiên rất loạn, Lý Thế Dân lập tức lệnh cho toàn quân xuất kích. Còn mình thì dẫn theo các chiến tướng dũng mãnh nhất cùng các tinh binh như thuồng luồng xuống biển, đột nhập quân Đậu, đánh đến đâu là quân Đậu tan tác đến đó. Trình Tri Tiết, Trần Thúc Bảo cùng với mãnh tướng đến từ Tây Đột Quyết - Sử Đại Nại cùng các khinh kỵ sau khi xông thẳng vào quân Đậu thì trước tiên là cuốn cờ của quân Đường lại, xông thẳng từ trước ra sau quân Đậu rồi mới giương cao cờ giết quân Đậu từ phía sau. Quân Đậu rơi vào thế hỗn loạn vô cùng, không ít binh sĩ chưa kịp phân biệt đâu là ta đâu là địch thì đã bị quân Đường lấy mất đầu.
Đậu Kiến Đức vốn cũng đã thấy đến trưa mà quân sĩ chưa được ăn nên triệu tập các tướng sĩ lại để bàn chuyện tiến hay lùi Không ngờ quân Đường lại đến một cách nhanh chóng như vậy, thế trận đã bị phá tan, kỵ binh phản kích thì đã hết đường ra mà đường lui cũng bị quân Đường chặn rồi, chỉ còn cách đem theo các thân binh trốn về phía đông. Quân Đậu tan tác quân Đường thừa thắng truy kích đến hơn 30 dặm, bắt giữ được hơn 5 vạn tù binh. Còn Đậu Kiến Đức thì cuối cùng cũng bị thương và bị bắt, chém đầu ở Trường An.
Lý Thế Dân đã không ngừng lấy mạnh đánh yếu như vậy từng bước làm tan rã lòng quân của Đậu Kiến Đức, sau cùng lấy các tướng sĩ mạnh nhất của mình để đánh một đòn chí mạng buộc địch đến chỗ chết. Thắng lợi của cuộc chiến ở Hổ Lao có thể nói là một thắng lợi to lớn giành được nhờ dựa vào thế mạnh của mình để đánh vào điểm yếu của quân địch.
Từ cuộc chiến ở Hổ Lao chúng ta có thể thấy toàn bộ thực lực của mình không nhất thiết là phải mạnh hơn của đối thủ nhưng nếu có thể tập trung ưu thế của mình để đánh trúng vào khâu yếu nhất của đối thủ thì phần thắng đã nắm chắc trong tay. Công ty Honda cũng thừa hiểu điều đó nên mới có được thành công khi tiến quân vào nước Mỹ.
Năm 1957, công ty sản xuất ô tô Honda chính thức xâm nhập thị trường Mỹ. Họ thừa hiểu rằng các doanh nghiệp lớn của Mỹ như Ford lúc đó mạnh hơn họ rất nhiều nên đương nhiên là không dám cạnh tranh trực tiếp với họ. Vì thế, công ty không dám cạnh tranh với họ về tính ổn định cao, dễ điều khiển và rộng rãi mà chỉ thiết kế sản phẩm của mình trên cơ sở phát huy điểm mạnh về các đặc tính như dễ dừng đỗ, giá thấp, tiết kiệm xăng, bền, dễ sửa chữa và cuối cùng cũng đã thành công ở bang California, nơi mà các công ty lớn đó chưa "đóng quân".
Việc dùng cách dựa vào thế mạnh của mình để tấn công yếu điểm của địch để đổ bộ thì đã thành công nhưng không ngờ giữa đường lại có chuyện bất ngờ xảy ra đó là việc xuất hiện loại xe Golder từ Đức. Thì ra điểm mạnh của công ty Titerlux cũng là giá rẻ, thậm chí còn rẻ hơn xe Honda 700 đô la. Hai bên đều mạnh cạnh tranh nhau thì chỉ có thể dựa vào thực lực. Việc buôn bán của Honda bị Golder cướp mất hơn một nửa. Làm thế nào đây? Honda vẫn dùng cách lấy mạnh đánh yếu.
Công ty Honda đã bằng nhiều con đường khác nhau như thông qua chính phủ Nhật Bản, giới thương nhân, các nhân sĩ Mỹ và cả bộ phận nghiên cứu thị trường của mình; thu thập rộng rãi các tin tức tình báo, bí mật điều tra những nhược điểm của Golder. Kết quả nhanh chóng được tìm ra: "Những người dùng xe của Golder hy vọng xe của họ dễ khởi động hơn vào mùa đông, họ muốn không gian ở chỗ ngồi phía sau nhiều hơn, muốn trang hoàng ở phía trong hấp dẫn hơn.
Qua một đợt chế tạo sau khi đã nghiên cứu phân tích, giá của xe Honda còn thấp hơn nhiều so với xe Golder, mùa đông dễ khổ; động, không gian phía sau rộng hơn, trang hoàng trong xe đẹp hơn, đồng thời cũng đầu tư nhiều tiền quảng cáo hơn, trích nhiều hoa hồng cho các đại lý hơn vì thế mà đã nhanh chóng đánh bại được đối thủ cạnh tranh về thị phần trên thị trường.
Tuy là Honda dựa vào ưu thế của loại xe nhỏ, sự cách biệt về thị trường, không dám đối chọi với xe của Mỹ trên thị trường xe cỡ lớn và trung bình - chiến trường chủ yếu của công ty xe hơi Titerlux nhưng đã đứng vững trên thị trường xe hơi Mỹ; tuy dựa vào ưu thế giá rẻ, tiền hoa hồng cao hơn, không cạnh tranh với xe Golder về lợi nhuận trên mỗi xe nhưng đã chiếm được thị phần lớn thị trường Mỹ. Công ty Honda đã ngắm đúng nhược điểm của đối thủ, tập trung ưu thế của mình cố gắng trên từng bộ phận để giành toàn thắng. Cuối cùng, vào thời kỳ đầu những năm 70 họ đã trở thành bá chủ của loại xe nhỏ ở Mỹ.
Danh Sách Chương: