Ninh Khuyết và Tang Tang cũng đứng vào đội ngũ chen chúc ấy, mãi đến lúc mặt trời sắp lặn mới nhích gần tới cổng thành, nhìn đám binh lính mặt mày nghiêm túc tỉ mỉ kiểm tra hành lý xe cộ qua lại, hắn bất giác liên tưởng đến cảnh kẹt xe kinh hoàng ở thủ đô đất nước tại thế giới nào đó, Ninh Khuyết lắc lắc đầu cười, văng tục một tiếng xua tan suy nghĩ vẩn vơ trong đầu.
Hắn chửi thầm nên âm thanh rất nhỏ, mà dân chúng Trường An bản địa xung quanh lại mắng chửi rất to, dân phong đế quốc Đại Đường chất phác mà dũng mãnh nên mấy tên lính canh cổng nhìn thì nghiêm lắm chứ thực ra chẳng mấy ai sợ họ, có điều cũng không kẻ nào dám bất chấp luật pháp của đế quốc cứ thế xông bừa qua.
Cuối cùng cũng đến lượt hai người Ninh Khuyết Tang Tang, một gã binh sĩ tiếp lấy công văn của quân bộ từ tay Ninh Khuyết mới nhận ra tên nhóc này và mình là đồng đội, hơn nữa hắn cũng lập không ít công lao ngoài tiền tuyến, lập tức vẻ nghiêm nghị trên mặt đã nhạt đi rất nhiều, nhưng khi ánh mắt gã rơi xuống ba thanh đao được cắm xéo sau lưng Ninh Khuyết liền nhíu mày lại.
- Đây là bảo đao gia truyền, tổ tiên từng có lời dặn dò... - Ninh Khuyết cẩn thận trình bày.
- Đao còn người còn, đao mất người chết... - Gã binh sĩ lười nhác tiếp lời rồi phất tay khinh miệt: - Mấy câu loại này mỗi ngày ta phải nghe không tám trăm cũng cỡ một ngàn lần, bớt nhiều lời đi nhóc con, cởi bọc hành lý xuống cho ta kiểm tra, hai đứa nhỏ các ngươi làm gì mà mang lắm đồ đạc thế, đi thi gì chứ, nhìn rõ ràng là chuyển nhà mà.
Gã lại đưa ánh mắt sang cái ô đen to bự sau lưng Tang Tang, nhíu mày hỏi:
- Đây là loại ô gì mà to quá vậy?
Tang Tang vòng tay ra sau nắm lấy cán ô, khuôn mặt nhỏ nhắn hếch lên nhìn gã, lạnh lùng nói:
- Ô còn người còn, ô mất người chết!
Gã binh sĩ nhìn cô bé đen đúa trước mặt, giơ ngón tay cái lên khen:
- Câu này mới lạ đấy!
Ninh Khuyết đang cởi dây bọc hành lý bên cạnh nghe thấy thế cười khổ, trong lòng thầm nghĩ trên thế giới này chắc chỉ mình hắn biết câu ô còn người còn của Tang Tang không phải lời nói đùa mà chính là sự thật.
Trong bọc ngoại trừ chăn màn đệm gối còn hầu hết chỉ toàn mấy đồ linh tinh lặt vặt, thứ duy nhất đáng để người ta phải đặc biệt chú ý là một cây cung cứng bằng gỗ hoàng dương cùng mấy ống tên, khi thấy mấy thứ này, mặt gã binh sĩ hơi đổi sắc.
...........................
Vòm cổng thành Trường An vừa dài vừa tối, khoảng cách đến đầu ra phía kia còn một đoạn rất xa, từ đây nhìn lại trông chẳng khác gì một lỗ thông gió nho nhỏ sang sáng, mơ hồ thấy bóng dáng vầng mặt trời đang hạ xuống, những tia sáng rẻ quạt tỏa sắc nhạt nhòa còn chưa tới nơi đã bị bóng tối nuốt chửng.
Hai chủ tớ Ninh Khuyết theo dòng người tiến về phía trước, Tang Tang cố gắng điều chỉnh bọc hành lý nặng nề trên vai để vác dễ dàng hơn, nàng hỏi bằng giọng tò mò:
- Thiếu gia, người Trường An đều giống như ông lính canh thích thể hiện lúc nãy à?
- Nói thế cũng đúng. - Ninh Khuyết trả lời - Quyền lực của cải toàn thiên hạ hầu hết đều tập chung ở tòa thành này nên người Trường An khó tránh khỏi tính kiêu ngạo, nhưng càng kiêu ngạo bao nhiêu họ càng phải đối xử với người từ ngoài tới lịch sự ôn hòa bấy nhiêu, vì ai nấy đều muốn thể hiện phong độ của bản thân, nói đi nói lại thì đám người chết tiệt đó đúng là rất có phong độ. Nhưng không thể xả được cái kiêu ngạo ấy ra, nhỡ tích tụ trong bụng rồi tức chết thì người Trường An biết làm sao bây giờ? À, thế là họ dùng miệng. Bất kể đang ngồi xe hay tản bộ trên đường, hễ là người Trường An thì đều cực giỏi trong nghề rề rà buôn chuyện, trên thì chuyện thâm cung bí sử của hoàng thất, dưới thì chuyện ăn chơi tiêu khiến chốn lầu xanh, dường như trên đời này chẳng có chuyện gì mà họ không biết. Tất nhiên, họ thích nhất vẫn là dùng loại giọng điệu thong dong nhàn nhã bàn luận về tình thế các quốc gia trong thiên hạ hoặc tình hình nhân lực chuẩn bị cho chiến sự tại các quận Đại Đường, cô mà ngồi đấy chắc tưởng ông nào cũng là một ông tể tướng ráo.
Tang Tang vừa nghe vừa cười khanh khách, nàng cảm thấy hết sức thú vị với mấy câu pha trò của Ninh Khuyết.
Thật là một sự may mắn hiển nhiên, trong đợt kiểm tra lúc nãy ngoài cổng thành không hề xuất hiện cảnh tượng thảm liệt đao nát người chết, cây ô to tướng đã chuyển chỗ sang lưng Ninh Khuyết, ba thanh đao vốn nằm đó giờ yên vị trong bọc đồ, cây cung gỗ hoàng dương cũng được tháo dây xuống, làm xong mấy chuyện này, gã binh sĩ thích thể hiện kia liền cho hai chủ tớ đi ngay, không làm khó dễ gì thêm.
Người Đường vốn thượng võ nên bắt họ không được mang mấy món “đồ chơi” trong người còn khiến họ khó chịu hơn chuyện phải đâm đầu vào chỗ chết, do đó từ xưa đến nay đế quốc tỏ ra hết sức rộng rãi ở khâu quản lý vấn đề binh khí, trong thành Trường An cho phép mang kiếm nhưng cấm mang đao, cho phép mang cung tên nhưng cung phải tháo dây, không cho phép mang nỏ, trừ những điều đó ra thì không còn bất cứ hạn chế nào, về phần sau khi vào thành ngươi có lén buộc lại dây cung, lén lấy đao ra hay không thì chẳng ai thèm quan tâm, quan phủ không quan tâm, quân bộ không quan tâm, kể cả vị hoàng đế trong cung cấm kia cũng chẳng hề quan tâm đến chuyện đó.
Hai chủ tớ Ninh Khuyết vốn quen với nếp sinh hoạt miền biên giới, cứ mỗi khi màn đêm buông xuống, ở Vị Thành ngoại trừ quán rượu thì chẳng nơi đâu còn bóng đèn đuốc, trừ tiếng hò hét của đám binh lính sát phạt bên chiếu bạc chẳng còn loại âm thanh nào khác, vì thế vào thành lúc hoàng hôn, họ đã chuẩn bị sẵn tinh thần thấy một tòa thành yên tĩnh ngủ say, ai ngờ Trường An buổi đêm...
Không chỗ nào là không náo nhiệt...
Đèn đuốc hai bên đường sáng trưng soi rõ từng phiến đá xanh lát mặt đường như buổi ban ngày, dòng người qua lại như mắc cửi, kẻ dừng chân trước sạp hàng xem xét, kẻ chỉ trỏ lên trời ngắm nghía trăng sao, những đôi nam nữ cùng nhau mua hàng hẳn là có quan hệ đã vô cùng thân mật, gắn bó, còn những đôi ngắm trăng bình sao đoán chừng chỉ mới bắt đầu quá trình tìm hiểu nhau. (mới quen thì mấy em còn khoái nói chuyện trăng sao chứ yêu rồi toàn muốn shopping nhà hàng thẳng tiến)
Cách ăn mặc của người Đường, nhất là người Trường An thiên về đơn giản tiện lợi, áo ngắn ôm thân, tay áo nhỏ, mang giày đế thấp, trông cực kì gọn gàng, thỉnh thoảng mới thấy một vài người nam giới mặc áo dài thì tay áo cũng được cắt rất ngắn, đôi bàn tay thò hẳn ra ngoài, có lẽ để tiện rút kiếm bên hông.
Ninh Khuyết còn thấy một gã đàn ông áo xanh đeo kiếm thủng thỉnh tản bộ, hàm râu dài phất phơ trong gió, trông rất ra dáng một kiếm khách tuyệt thế, ấy thế mà vừa gặp gánh xiếc rong diễn trò bên đường liền nhào vào chen lấn với một đống đàn bà con gái, trợn mắt há mồm đứng xem, thấy pha ngoạn mục liền vỗ tay bôm bốp reo hò khen ngợi, đến khi nghệ nhân trong đoàn đi vòng quanh thu tiền liền biến phắt về bộ dạng kiếm khách lạnh lùng, ý tứ hẳn là ngươi muốn moi loại vật phàm tục dơ bẩn không đáng nhắc đến như tiền bạc từ tay ta thì đợi kiếp sau đi.
Trang phục của nữ giới trong thành Trường An cũng hết sức đơn giản mộc mạc, nói khác đi là mát mẻ, hay nói khác đi nữa chính là hở hang. Đầu xuân ấm áp, đàn bà con gái đi ngoài đường ai nấy đều mặc áo tay trần, mấy cô thiếu phụ lẳng lơ còn to gan mặc áo trễ ngực tung tăng giữa phố, hai nửa gò núi tuyết căng mẩy thu hút không ít ánh mắt họ nhà dê núi kèm theo niềm ao ước được lên đó dạo chơi.
Trên đường phố, có người man vạt áo phanh ra, hông đeo túi rượu tò mò nhìn ngó khắp nơi, có vị quan nước Nguyệt Luân đầu đội mũ cánh chuồn tay vuốt chòm râu, ra vào quán rượu lầu xanh đầy vẻ quen thuộc, có nhà buôn Nam Tấn lưng dựa lan can trên lầu ngắm sao uống rượu, thỉnh thoảng giọng cười cố làm ra vẻ hào sảng lại vang xuống con đường phía dưới, đây đó văng vẳng tiếng đàn sáo chẳng biết từ nhà ai, tha thiết du dương.
Dường như toàn bộ sự giàu có, thú chơi và khí phách trong thiên hạ đều tụ cả về Trường An, sôi động khiến người ta hưng phấn, nồng đậm khiến người ta say sưa, hùng tráng và dịu dàng quấn quít với nhau cùng tồn tại, đao kiếm và người đẹp không tách rời tỏa sáng cho nhau.
Ninh Khuyết nắm lấy bàn tay nhỏ bé của Tang Tang tung tăng giữa vùng biển ánh sáng và biển người đông đúc, cái vẻ mặt ngơ ngác mỗi lúc mỗi giật mình quả là đặc sệt hương vị anh em hai lúa lần đầu lên thành phố.
Bút tô mày Thanh Tước Đầu Đại, phấn thoa mặt Hương Túc Nghênh Điệp, phấn Ngọc Trâm và phấn Trân Châu, ồ, kia có phải là son môi Hoa Hồng? Còn kia nữa, cái bình nhỏ đó phải chăng là nước hoa trong truyền thuyết?
Tang Tang mắt liễu mở to, tham lam nhìn hết bình lại lọ bày đầy hai bên đường, dường như không muốn nhấc chân đi thêm một bước nào nữa.
Cái cô nàng uốn éo vòng eo đang tới gần kia, bộ mông đẫy đà dưới váy sao mà tròn quá vậy? Cô gái thanh xuân khanh khách cười bím tóc cài lược vừa lướt qua kia hơi thở thế nào mà lại thoang thoảng tựa hoa lan? Nàng thiếu phụ xinh đẹp đang lựa hoa cạnh người đàn ông kia sao ánh mắt cứ lúng la lúng liếng, chẳng lẽ do nàng cảm thấy gã quá đáng yêu?
Ninh Khuyết nắm tay Tang Tang hứng khởi nhìn khắp nơi, hắn hồn nhiên không hề nhớ rằng khi còn nhỏ Trường An đã là vùng đất ồn ào như thế, cảm thấy chính đôi chân mình cũng không muốn rời bước nữa rồi.
Hai người chậm rãi dạo chơi, đường phố cuối cùng cũng đến khúc yên tĩnh, nhưng còn chưa đợi hai vị khách từ nơi biên giới đến chơi này thả lỏng tâm hồn thì phía trước bỗng có tiếng hô to rồi tiếng bước chân rầm rập, không biết bao nhiêu người dân thành Trường An từ bốn phương tám hướng ào ào tuôn ra đứng kín mít một góc đường.
- Quyết đấu đây!
Xuyên qua đám người đông nghịt, mơ hồ thấy hai gã đàn ông hông đeo bội kiếm gườm gườm nhìn nhau bằng ánh mắt đầy thù hận, ống tay áo bên phải của cả hai đều bị cắt đi một mảnh, ném xuống mặt đất giữa họ.
Cả thế giới đột nhiên im lặng, dân chúng xem trò vui xung quanh đều biết điều đồng loạt ngậm miệng lại, đảm bảo sự công bằng trong quyết đấu là nguyên tắc ăn sâu vào máu mỗi người dân Đại Đường, kể cả xem trò vui cũng có quy tắc của người đi xem trò vui.
- Luật lệ của quyết đấu là cắt tay áo tỏ ý khiêu chiến, nếu ngươi chấp nhận thì cũng cắt một miếng tay áo của mình xuống.
Ninh Khuyết nắm tay Tang Tang chen lấn tìm cách ra khỏi đám người đông nhung nhúc, vừa đi vừa giải thích:
- Loại quyết đấu này gọi là hoạt cục, chỉ cần phân rõ thắng thua là đủ, còn một loại quyết đấu chưa chết chưa dừng gọi là tử cục, muốn tiến hành phải được sự đồng ý của quan phủ. Trong tử cục, người khiêu chiến cắt một nhát đao vào lòng bàn tay trái của mình, nếu đối thủ chấp nhận cũng sẽ làm động tác tương tự.
- Có thể từ chối khiêu chiến hay không? - Tang Tang hỏi.
- Tất nhiên là có thể rồi. - Ninh Khuyết lau mồ hôi trán rồi vỗ vỗ lên bọc hành lý sau lưng Tang Tang, xác định không bị ăn trộm viếng thăm mới nói tiếp - Chỉ có điều trong một số thời điểm, nhất là đám đàn ông rất dễ rơi vào trạng thái ngu bất thình lình, ví dụ như vì đàn bà này, vì ái tình này, vì sĩ diện này... đủ loại nguyên nhân hầm bà nhằng.
Hai người thoát khỏi đám đông, Tang Tang ngửng khuôn mặt nhỏ nhắn đen đúa lên, hỏi bằng giọng khó hiểu:
- Sao chúng ta không ở lại xem? Ta nhớ lúc ở Vị Thành ngươi khoái xem mấy trò náo nhiệt lắm cơ mà, có lần người ta giết lợn mà ngươi ngồi cạnh xem suốt cả đêm không chán.
- Giết bò giết dê thấy suốt rồi, còn giết lợn thì đó là lần đầu tiên xuất hiện ở Vị Thành, chuyện lạ thế tất nhiên phải xem cho kĩ. Loại quyết đấu này ở Trường An ngày nào chả xảy ra vài ba bận, nếu muốn xem lúc nào cũng có cơ hội để xem.
Ninh Khuyết nhẹ nhàng nói tiếp:
- Hơn nữa đây là thành Trường An, ta chỉ muốn bình yên vào thư viện đọc sách, không muốn gặp thêm chuyện phiền phức nào khác, từ nay về sau ấy à, chúng ta phải giống như hai con chó ngoan, cúp đuôi ngậm miệng mà làm người.
Tang Tang lắc đầu thầm nghĩ ta không muốn làm một bà chó mẹ, còn thiếu gia ngài giết người ít đi một chút là may cho thiên hạ lắm rồi, loại thái độ cúp đuôi làm người đó không thích hợp với ngài đâu.
- Tìm khách sạn. - Ninh Khuyết dường như đọc được suy nghĩ của nàng, mang theo tâm trạng thất bại thảm hại nói - Ta mệt rồi.
Tang Tang chỉ vào một dãy nhà bên đường, nói:
- Nhìn kìa, chỗ đó có khách sạn.