[1] Cửu khúc kiều là loại cầu có chín lần gấp khúc, chia thành chín đoạn, bởi theo quan niệm của người Trung Quốc, số chín vừa là số tôn quý vừa là số may mắn.
Lúc Hà Y tìm thấy Mộ Dung Vô Phong, chàng đang ngồi một mình trong đình nhỏ ở giữa hồ thưởng trà. Một lư sưởi đặt ngay cạnh ghế của chàng, củi khô đang cháy phát ra tiếng kêu tí tách, tựa như giúp chàng xua đi không khí ẩm ướt. Trên chân chàng phủ một chiếc chăn lông chồn trắng muốt mềm mại. Trong làn sương mù, nước da trắng bệch cùng bộ y phục cũng một màu trắng phau đang khoác trên người khiến chàng như hòa tan vào sương khói.
Có vẻ như chàng đang đặt toàn bộ tâm tư nghĩ ngợi đến điều gì đó. Đến mức Hà Y đã tới bên cạnh cũng bắt đầu đắn đo xem rốt cuộc có nên quấy rầy chàng không. Thực ra nàng nghĩ mãi không hiểu, một người sao có thể ngồi yên trong một tư thế lâu đến vậy.
Chàng cứ chăm chú nhìn về nơi xa, có vẻ như hoàn toàn không để ý đến Hà Y đã tới đằng sau lưng mình nhưng đến khi Hà Y lại gần chàng đột nhiên cất tiếng: “Sao cô nương lại quay về sớm như thế?”.
Hà Y vốn rất tự tin vào khinh công của mình, nàng là một trong số rất ít người trong thiên hạ có khả năng đi lại mà hoàn toàn không hề phát ra tiếng bước chân. Vậy mà Mộ Dung Vô Phong, một người tàn phế vốn chẳng có chút võ công lại có trực giác đáng sợ như thế.
Hà Y không nhịn được hỏi: “Làm sao ngài biết chắc người sau lưng ngài chính là tôi?”.
Mộ Dung Vô Phong lạnh nhạt đáp: “Tôi có thể cảm giác thấy”.
Hà Y vòng tới trước mặt chàng, với một chiếc ghế rồi ngồi xuống nói: “Tôi có việc tìm ngài”.
Mộ Dung Vô Phong ngẩng đầu nhìn, đợi nàng nói tiếp.
Đúng lúc Hà Y đang định mở miệng chợt thấy một người áo trắng bưng hai bát thuốc đi tới rồi đặt xuống bàn đá. Bát thuốc tỏa lên một mùi đắng chát nồng nồng.
Người áo trắng tuổi khoảng năm mươi, dung mạo thanh thoát, thân hình cao lớn, hẳn lúc còn trai trẻ phải là một trang mỹ nam tử.
Ông ta đặt khay thuốc xuống bàn rồi ghé vào tai Mộ Dung Vô Phong nhỏ giọng nói vài câu, dáng vẻ rất mực cung kính. Mộ Dung Vô Phong gật đầu, nói với Hà Y: “Vị này là Tạ tổng quản, Tạ Đình Vân”.
Hà Y nói: “Rất hân hạnh. Tôi họ Sở, gọi là Sở Hà Y”.
Tạ Đình Vân khẽ cười nói: “Tin cô nương một kiếm đánh bại Phi Ngư đường tại hạ vừa được nghe kể. Bội phục vô cùng”. Dáng vẻ của ông ta khi gặp gỡ người khác rất chân thành, không phải loại người dẻo mồm nói lắm. Không đợi Hà Y tiếp tục hàn huyên, ông ta nói tiếp: “Cô nương thong thả ngồi lại, tôi có việc, xin lui trước”.
Mộ Dung Vô Phong thấy ông ta đã đi xa mới nhấc tay, đem toàn bộ số thuốc đổ thẳng xuống hồ.
Hà Y trợn tròn mắt, nhíu chặt mi, kinh ngạc nhìn chàng, nói: “Thuốc này… ngài không uống?”.
Mộ Dung Vô Phong đáp: “Không uống”.
Hà Y nói: “Nếu như bệnh nhân của ngài không chịu uống thuốc, có phải ngài cũng khuyên anh ta đổ thuốc đi?”.
Mộ Dung Vô Phong nói: “Đơn thuốc tôi kê, bọn họ sao dám không uống?”.
Hà Y nói: “Thuốc vừa rồi là do ai kê đơn?”.
Mộ Dung Vô Phong nghĩ một chút rồi đáp: “Tôi”.
Hà Y bật cười. Nàng không sao nghĩ tới, lời nói của một người lại có thể mâu thuẫn đến vậy. Nàng còn đang muốn hỏi lại cho rõ, Mộ Dung Vô Phong lại không muốn tiếp tục nói về mình, bèn đổi chủ đề, nói: “Cô nương vội tìm tôi thế, có phải đã nghe được tin gì không?”.
Hà Y đáp: “Tin ngài muốn nghe thì không có. Chỉ nghe được một tin tức liên quan tới chính tôi thôi”.
“Tin gì thế?”.
“Mười ngày nữa tôi sẽ tỉ kiếm với Hạ Hồi ở Phi Diên cốc.”
“Tôi nghe qua rồi”, chàng lãnh đạm nói.
“Ngài nghe rồi?”, nàng ngạc nhiên hỏi.
“Cuối cùng thì cô nương đi hay không đi?”
“Đi.”
“Hình như hôm qua cô nương có nói không muốn đi.”
“Tôi đổi ý rồi.”
“Cô nương nắm chắc phần thắng?”
“Không hề.”
Mộ Dung Vô Phong thong thả rót một chén trà, một hơi uống cạn, không nói câu nào chỉ lạnh lùng nhìn nàng.
Hà Y hỏi: “Ngài trợn mắt nhìn tôi làm gì?”.
Mộ Dung Vô Phong nói: “Cô chớ quên, vụ làm ăn giữa chúng ta đã có ước định trước, việc cô với Hạ Hồi so kiếm là sau này. Cô nên bỏ qua những thứ lằng nhằng khác, chuyên tâm làm việc cho tôi mới đúng”.
Hà Y nói: “Ngài nói có lý, chỉ là…”.
Mộ Dung Vô Phong nói: “Cô vẫn muốn đi?”.
Hà Y gật đầu cười khổ: “Ngài đừng quên tôi là một kiếm khách. Ngài là đại phu cho nên việc của ngài là trị bệnh cho người. Tôi là kiếm khách nên việc của tôi là so kiếm. Công việc của chúng ta chính là như thế, kể cả ngài không muốn, người khác vẫn cứ tìm đến ngài”, nàng ngừng một chút rồi nói tiếp: “Đương nhiên tôi không giống ngài. Ngài trời sinh đã là một đại phu, còn tôi thì vừa mới phát hiện ra mình là một kiếm khách”.
Với Hà Y mà nói, tình huống xấu nhất một người gặp phải không gì hơn là bị người khác “phát hiện”. Trên người nàng có quá nhiều thứ mà bản thân nàng vốn cũng chẳng biết, thế mà bị người khác đột nhiên “phát hiện” ra rồi.
Nàng không đợi Mộ Dung Vô Phong đáp lời mà chuyển ngay đề tài, nói: “Liệu tôi có thể tới phòng của mẫu thân ngài ở trước đây xem xét không, có lẽ chúng ta sẽ tìm thấy đầu mối gì ở đó chăng?”.
Mộ Dung Vô Phong nói: “Phòng của bà ở ngay cạnh phòng của tôi, xin hãy theo tôi”.
Hai người đi men theo bức tường hoa tới một cánh cửa màu son ở hành lang bên phải, Mộ Dung Vô Phong đẩy cửa nói: “Mời vào”.
Hà Y tiến vào, thấy trong phòng sạch sẽ gọn gàng như mới, đằng sau tấm bình phong là phòng trong rộng rãi, giữa phòng có đặt một chiếc thái sư ký[2] bằng gỗ tử đàn có lót đệm lông cừu màu hồng đậm. Một bên đặt lò hâm trà, tuy không đốt xạ hương nhưng vẫn có than. Một bên đặt bình hoa mai, hoa lá đều đã khô héo, chỉ còn trơ cành khẳng khiu. Cạnh ghế còn một cái bình lớn bên trong cắm mấy cuộn tranh. Hà Y rút ra một cuộn, lật giở xem, chỉ thấy bên trong vẽ một mỹ nhân, tóc đen vấn cao, trắng trẻo tựa trăng đêm, mắt trong và tĩnh lặng tựa như nước hồ thu, môi đỏ như son. Hà Y đặt cuộn tranh xuống, rồi lại mở thêm sáu cuộn khác, trừ hai cuộn bên trong vẽ sơn thủy và điểu thú[3], còn lại đều là vẽ cùng một vị mỹ nhân, chẳng qua lúc thì là áo khoác hồng ánh bạc, áo lụa mỏng, quần hoa hòe; khi thì áo vàng đỏ, khăn choàng thêu hoa, quần xanh nhạt. Mái tóc cũng vẽ mỗi lúc mỗi khác, hoặc vấn cao, hoặc buông xõa, khi bện tròn. Tư thế thì khi dựa lan can, lúc giỡn nước, lúc lại là cảnh đùa chơi với mèo… có khi lại đang mỉm cười một mình, phong phú muôn vẻ.
[2] Một loại ghế của Trung Quốc.
[3] Tranh sơn thủy (núi sông) và điểu thú (động vật) là hai đề tài truyền thống trong hội họa cổ của Trung Quốc. Như tên gọi tranh sơn thủy chủ yếu họa cảnh sơn thanh thủy tú, núi sông tươi đẹp; tranh điểu thú lấy đề tài là các loại động vật, phổ biến là kê (gà), mã (ngựa), hồ, ưng…
Hà Y xem kỹ tất cả rồi cuộn lại cắm trả vào bình, nói: “Người được vẽ trong tranh chính là mẫu thân của ngài?”.
Mộ Dung Vô Phong gật đầu.
Hà Y nói: “Dáng vẻ của bà tựa như rất thanh nhàn”.
Mộ Dung Vô Phong nói: “Đây là hình dáng của bà năm mười bảy tuổi trở về trước. Ngày bà mười bảy tuổi đột nhiên mất tích, trong cốc không thấy đâu nữa”.
Hà Y kinh ngạc nói: “Mất tích?”.
Mộ Dung Vô Phong nói: “Sau này bà cũng không quay trở lại. Không ai biết bà đã đi đâu”.
Hà Y nói: “Ba đông Tam Hiệp đèo thăm thẳm, Vượn hú ba câu lệ ướt y[4]. Tôi nghe nói sâu trong núi vùng này thường có vượn khỉ tới lui, lũ vượn, khỉ này hình như đều đã sống trên trăm năm, đã thành tinh, toàn thân lông trắng, mừng giận thất thường, thích ghẹo mỹ nữ, trông thấy người có chút nhan sắc thì nhất định sẽ cướp đi”.
[4] Lời ca của nhân vật ngư phủ trong Thủy Kinh Chú – Giang Thủy của nhà địa lý, tản văn Lịch Đạo Nguyên (470 – 527) thời Bắc Ngụy (386 – 557), Trung Quốc. (Nguyên văn: Ba Tây Tam Hiệp u hiệp trường, Viên đề/Minh tam thanh lệ triêm thường: Đèo Tam Hiệp phía đông đất Ba thăm thẳm âm u, Vượn kêu ba tiếng người sợ mà khóc ướt đẫm áo)
Mộ Dung Vô Phong lạnh lùng nói: “Cô muốn nói, phụ thân của tôi là một con vượn?”.
Hà Y cứng lưỡi, nói: “Đâu dám thế. Chỉ có điều, nếu như mẫu thân của ngài không hề quay lại, vậy làm sao ngài tới được đây? Khi mẫu thân ngài rời đi, hình như không phải là đi lấy chồng?”.
Mộ Dung Vô Phong nói: “Nếu như tôi biết thì còn bỏ ngân lượng thuê cô làm gì nữa?”.
Hà Y nói: “Vậy còn chuyện nói mẫu thân ngài do đẻ khó mà qua đời? Nếu như bà ấy đã mất tích, làm sao ngài biết bà ấy do đẻ khó mà mất?”.
Mộ Dung Vô Phong nói: “Đây là do ông ngoại tôi kể lại. Ông còn nói, mẫu thân tôi qua đời ở chính căn phòng này, rồi được chôn cất ở sau núi. Lời của ông cũng không thể tin chút nào được”.
Hà Y nói: “Ông ngoại của ngài trước sau gì cũng không hề nói cho ngài biết phụ thân ngài là ai”.
Mộ Dung Vô Phong nói: “Tính tình của ông rất khó chịu, so với tôi chỉ có hơn chứ không có kém. Chẳng qua về việc này có thể chính ông ngoại cũng không biết”.
Hà Y nói: “Bây giờ nhìn lại, vấn đề có vẻ như càng lúc càng nhiều rồi. Tôi xem xét kỹ lưỡng. Có thể mẫu thân ngài vẫn còn tại thế chăng?”.
Mộ Dung Vô Phong đáp: “Tôi không rõ. Chí ít, từ nhỏ tới giờ tôi chưa hề gặp bà. Cô xem xong chưa?”, có vẻ như chàng không muốn ở lại căn phòng này thêm chút nào nữa.
Hà Y nói: “Chưa, tôi còn rất nhiều chuyện chưa hiểu rõ”.
Mộ Dung Vô Phong nói: “Cô không cần hỏi tôi. Bởi những điều tôi biết thực sự rất ít, kể cả có biết đi chăng nữa thì cũng đều không đúng sự thật”.
Hà Y hỏi: “Tôi nghe ngóng được Thính Phong Lâu có một tay tiểu nhị, chuyên kể những câu chuyện vùng này, tôi định tối nay tìm anh ta. Ngài có muốn đi với tôi không? Hay là để tôi đi về rồi kể lại cho ngài?”.
Mộ Dung Vô Phong hỏi: “Lúc nào?”.
Hà Y đáp: “Giờ Dậu hai khắc[5]”.
[5] Trung Quốc thời cổ dùng mười hai con giáp để định giờ, giờ Dậu là từ 17 – 19 giờ. Một khắc là mười lăm phút, bốn khắc là một tiếng đồng hồ.
Mộ Dung Vô Phong nói: “Tôi vẫn còn vài bệnh nhân, đúng giờ ấy chúng ta gặp nhau ở Thính Phong lâu”.
Con đường từ Vân Mộng cốc thông đến Thần Nông trấn thì ra rộng dài hơn khá nhiều so với tưởng tượng của Hà Y, phóng ngựa phi nhanh cũng phải nửa giờ mới có thể đi hết. Vừa nghĩ tới việc mười ngày nữa phải so kiếm. Hà Y cảm thấy đầu mình như to ra. Lại còn thêm việc mà Mộ Dung Vô Phong giao phó, có vẻ như càng lúc càng tối tăm mặt mũi, bỗng dưng thấy tâm sự trùng trùng. Con đường thấp thoáng dưới tán rừng rậm, sương mù chưa tan, bốn phía tĩnh mịch chẳng có tiếng người. Mới đi được nửa tuần hương, Hà Y chợt phát hiện phía xa có bóng người. Bóng người ấy đứng bất động giữa đường.
Hà Y dừng ngựa, trông thấy một người áo xám đang trợn trừng mắt nhìn mình. Trên mặt người này có một vết sẹo dài do đao chém.
“Thẩm Bân”, nàng có chút ngạc nhiên kêu lên.
Thẩm Bân nói: “Tôi ở đây đợi cô nương”.
Hà Y nói: “Chẳng lẽ Lưu trại chủ lại có gì sai khiến?”.
Thẩm Bân nói: “Sư huynh tôi nghe xong lời cô nương nói, cảm thấy rất thất vọng”.
Hà Y nói: “Vậy à. Lần này các hạ đến là muốn?”.
Thẩm Bân nói: “Sư huynh không chỉ thất vọng về cô nương, mà còn thất vọng về tôi”.
Hà Y nói: “Cho nên ngài đến là muốn tôi thay đổi ý kiến?”.
Thẩm Bân nói: “Từ xưa đến nay tôi chưa bao giờ cầu xin nữ nhân. Nếu như phải cầu xin, đó cũng là chuyện của kiếp sau”.
Hà Y cười nói: “Có khí phách, vậy thì sau này gặp lại thôi”.
Nàng vừa nói hai chữ “gặp lại” đã thấy Thẩm Bân chầm chậm đưa tay tới đốc kiếm. Chữ “thôi” chưa kịp dứt, Thẩm Bân đã rút kiếm ra khỏi vỏ. Tốc độ xuất kiếm rõ ràng nhanh hơn Lưu Côn nhiều. Hà Y nhìn thấy sống kiếm có đường vân màu máu, bên trong càng đỏ đậm hơn. Tay trái Thẩm Bân bắt kiếm quyết, nói: “Rút kiếm của cô ra”.
Hà Y nói: “Võ công của ngài rõ ràng cao hơn lệnh sư huynh, vậy mà cam lòng ở dưới ông ta, thật bội phục, bội phục”.
Thẩm Bân nói: “Trong Giang hồ danh nhân phổ[6] tôi xếp thứ mười hai, sư huynh mười lăm. Con mắt của Phần Trai lão nhân, rốt cuộc vẫn rất công bằng”.
[6] Sách xếp hạng các nhân vật nổi tiếng trong giang hồ.
Hà Y hỏi: “Hạ Hồi xếp thứ mấy?”.
Thẩm Bân đáp: “Không biết. Cuốn sách ấy của Phần Trai lão nhân chỉ xếp thứ tự những người ông ta quen biết và từng gặp mặt. Ông ta chưa từng gặp Hạ Hồi”.
Hà Y nói: “Nếu như ngài muốn so tài, chúng ta tỉ thí một phen cũng chẳng sao”, nàng cũng rút kiếm, vừa dứt lời bỗng nghe thấy một tiếng nói vọng tới: “Lẽ nào cô nương không nhận ra? Hắn ta muốn thăm dò võ công của cô nương, rồi đem điểm yếu về báo cho Hạ Hồi, đảm bảo Hạ Hồi tất thắng”.
Tiếng nói lúc gần lúc xa, khi to khi nhỏ, hai người nhìn bốn phía xung quanh chẳng thấy bóng dáng ai. Hà Y cao giọng đáp: “Cảm ơn ý tốt nhắc nhở, chỉ là bạn hữu đã đến giúp đỡ, sao không ra đây gặp mặt?”.
Tiếng nói ấy cất lên: “Ta đang ở đây”. Tiếng nói đang nhỏ chợt thành to, Hà Y ngẩng đầu nhìn trên cành cao cách mặt đất mấy chục trượng, Hà Y tung người nhảy lên cây, bóng xám ấy lùi lại mấy trượng, theo hướng đông bắc mà đi mất. Hà Y vận khí, phi thân đuổi theo. Tốc độ hai người tương đương, lách qua cây cối um tùm trong rừng, bóng xám kia tựa như có ý dụ nàng vào sâu trong rừng. Hà Y nghĩ ngợi chợt thấy không ổn, vội xoay người quay về, bỗng ngửi thấy mùi máu tanh, định thần nhìn lại, Thẩm Bân đã đầu một nơi thân một nẻo, nằm trong một vũng máu lớn! Hai mắt vẫn còn trợn trừng, dáng vẻ tựa như đang cực kỳ sợ hãi. Hà Y quay đầu nhìn ra xa, bóng xám kia đã mất dạng.
Nàng chợt cảm thấy da đầu tê tê, sợ đến ướt đẫm mồ hôi, sống lưng lạnh toát. Đến cả dũng khí quay lại nhìn xác chết một cái cũng không có.
Đây là lần đầu tiên nàng chứng kiến một người phút trước đang còn sống, phút sau đã bị giết một cách tàn nhẫn như thế. Khinh công của bóng xám kia rõ ràng tương đương với nàng, Hà Y cũng không tin hắn ta có thuật phân thân. Xung quanh nhất định vẫn còn một người nữa ẩn nấp. Mà võ công của người thứ hai này, nhất định cao hơn Thẩm Bân.
Vậy mà nàng lại không phát giác được gì. Điều này cho thấy, rõ ràng khinh công của người thứ hai không thể thấp hơn nàng. Nếu hai người này liên thủ…
Nàng nhìn lại con ngựa của mình. Nó không bị kinh hãi chút nào. Rất bình thường đứng ở ven đường ăn cỏ. Trên lưng ngựa là bọc hành lý của nàng, trong bọc có ngân phiếu vài trăm lượng.
Một cơn gió nhè nhẹ ở trong rừng lùa tới. Từ phía cây cối bên trái đường, bỗng có một âm thanh rất nhỏ phát ra. “Vụt” một tiếng, thân hình nàng lao đi, kiếm như chớp giật đâm về phía ấy! Quả nhiên một bóng xám lướt đi mười trượng lui về phía bắc.
Tuy lần này bóng xám cũng dẫn dụ nàng vào sâu trong rừng, nhưng Hà Y không chút do dự đuổi theo. Khi nàng dốc hết sức chạy theo, tốc độ cực nhanh, chẳng bao lâu sau, hai người chỉ còn cách nhau chưa đến mười bước, người áo xám lại tựa như cố tình chậm lại. Hà Y cũng chậm lại theo, trước sau giữ khoảng cách năm bước với hắn ta. Trong rừng là cảnh tranh tối tranh sáng, nàng không thể không đề cao cảnh giác, cẩn thận đề phòng đồng bọn của kẻ áo xám này đột nhiên xuất hiện.
Không đợi nàng nghĩ xong, kẻ áo xám đã vung tay ném một nắm mạt sắt như mưa về phía nàng, trong đám mạt sắt có lẫn một mùi kỳ lạ, trong đó có độc! Hà Y vung kiếm như gió, miễn cưỡng tránh thoát, lại thấy một kẻ áo xám khác vung kiếm xông đến, tạo thành thế liên thủ công kích nàng. Hà Y thầm quyết định, bất kể thế nào bản thân cũng phải tránh kẻ dùng độc kia trước. Tay trái vung ra, dải lụa trắng quấn lấy một cành cây trên đỉnh đầu, mượn lực bay vút lên, một kiếm đâm thẳng tới cổ họng kẻ áo xám.
Trước sau đều là kẻ địch, nàng không thể yếu lòng nữa, xuất ra sát chiêu.
Mà kẻ dùng độc kia lại không hề liên thủ với đồng bọn, ngược lại còn thoái lui về phía rừng cây.
Kẻ áo xám kia, nương theo thế kiếm của Hà Y, lùi một bước dài ba thước, thừa cơ hóa giải lực kiếm của Hà Y rồi vung kiếm đâm trả, chỉ nghe “keng” một tiếng, hai kiếm tóe lửa, hai luồng lực đạo xô nhau, Hà Y chỉ cảm thấy một luồng lực rất lớn men theo sống kiếm truyền đến, chấn động tới mức hổ khẩu[7] tê dại. Kiếm pháp của nàng vốn theo hướng nhẹ nhàng linh hoạt, khéo léo, phải đấu với người có nội lực thâm hậu, về phương diện thể lực mà nói, không tránh khỏi phải ăn quả đắng. Huống chi kiếm pháp của người này lão luyện, tinh thâm, chẳng phải chỉ là một cao thủ bình thường.
[7] Khoảng giữa ngón cái và ngón trỏ gọi là hổ khẩu.
Dưới tình huống này, nàng nghĩ tới phương án thích hợp nhất “chạy”. Chạy thật nhanh. Nhưng kiếm của nàng lại chẳng chịu nghe lời, tựa như dây dưa không chịu đi. Chính bởi nàng không thể chịu được việc bản thân vẫn chưa nỗ lực hết sức đã nhận thua. Huống chi trong chuyện này vẫn còn một Thẩm Bân. Bất kể như thế nào, ít nhất cũng phải nghĩ cách làm rõ thân phận thật sự của hung thủ.
Trong lúc suy nghĩ ấy, hai người đã đấu hai mươi chiêu rồi, kiếm pháp của kẻ áo xám càng thêm quyết liệt mà Hà Y thì càng chiến càng quả cảm. Sau ba mươi chiêu, nàng đã phát hiện ra một sơ hở của kẻ áo xám. Nàng xoay người đâm một nhát, đánh thẳng tới cổ tay phải của kẻ áo xám, nhưng kẻ áo xám lại tựa như đã lường trước chiêu này của nàng, hạ thấp người xuống, tay trái đánh ra một chưởng, nhắm thẳng đỉnh đầu nàng, buộc nàng thu kiếm tự vệ. Hà Y vặn eo một cái, nghiêng người tránh thoát trong gang tấc, vung tay, dải lụa trắng cuốn lấy tay trái của hắn ta, thân hình nàng nương theo lực kéo của dải lụa phóng tới sau lưng kẻ áo xám.
Cùng với thân hình còn có kiếm của nàng. Cuối cùng nàng cũng thở phào được một tiếng. Lần này nàng tính toán đúng rồi. Toàn bộ tấm lưng của kẻ áo xám đã như một cánh cửa mở rộng ra cho nàng.
Nhát kiếm này nhắm đâm tới điểm cách tim của hắn ba tấc về bên phải. Ấy là bởi nàng đã dự liệu trước, kẻ áo xám nghe thấy tiếng gió sẽ tránh về bên phải. Sau đó nàng nghe “keng” một tiếng. Thanh kiếm của nàng đã đâm trúng sống kiếm của kẻ áo xám. Hắn nghiễm nhiên không tránh né, lại đoán chính xác nơi kiếm của nàng nhắm tới, đem kiếm làm khiên, vừa khéo bảo vệ bản thân.
Cao thủ giao đấu, quả nhiên chỉ trong gang tấc. Mảy may sai lầm, giá phải trả chính là tính mạng.
Hai kiếm giao nhau, hai người ai nấy đều lùi lại ba thước. Kẻ áo xám đột nhiên lên tiếng: “Ngươi không phải Đường Thập”.
Trong rừng đã tối tới mức chỉ còn nhìn thấy hai bóng người.
Hà Y lạnh lùng hừ một tiếng, nói: “Không phải. Chính ngươi giết Thẩm Bân?”.
Kẻ áo xám đáp: “Không hề”.
Hà Y hỏi: “Các hạ là ai?”.
“Tạ Đình Vân.”
“Tạ tổng quản?” Hà Y kinh ngạc: “Tôi là Sở Hà Y, ngài… sao ngài lại ở đây?”.
Kẻ áo xám thoáng động, cũng rất ngạc nhiên, nói: “Là Sở cô nương? Tại hạ và Đường môn có chút thù riêng, đang ở chỗ này giải quyết. Đang giao đấu với Đường Thập, hắn bị thương bỏ chạy”, ông ta ngừng một lát rồi nói tiếp: “Độc của Đường Lục không làm cô nương bị thương chứ?”.
Thì ra là Đường môn. Độc của Đường môn, dính phải một chút coi như mất mạng.
Hà Y bán tín bán nghi nói: “Không sao. Ngài quả đúng là Tạ tổng quản?”.
Người đó cười, nói: “Chúng ta mới rồi còn ở đình giữa hồ gặp mặt, sao cô nương mau quên thế?”.
Quả nhiên là Tạ Đình Vân.
Hà Y thầm nhủ trong lòng một tiếng: “Thật xấu hổ”. Giả sử trong hai người có một người võ công kém hơn một chút, há chẳng phải đã thành ma sao? Vân Mộng cốc quả là nơi ngọa hổ tàng long.
Hà Y thở ra một hơi, nói: “Tạ tổng quản sao biết được tôi không phải Đường Thập? Lẽ nào Đường Thập cũng là nữ nhân?”.
Tạ Đình Vân đáp: “Không những là nữ nhân, mà còn là một nữ nhân cực kỳ lợi hại. Cứ theo tính tình của cô ta, trong vòng mười chiêu nhất định sẽ phóng ra ngũ độc thần châm. Mà cô nương sau ba mươi chiêu vẫn không phóng ra ám khí, bởi thế tôi mới đoán có thể không phải là Đường Thập. Có điều tại hạ có may mắn lĩnh giáo ‘Tố Thủy Băng Tiêu’ của cô nương rồi”.
Hà Y nói: “Xin hãy theo tôi”. Nàng dẫn Tạ Đình Vân đến chỗ Thẩm Bân bị giết, lại phát hiện ra thi thể của Thẩm Bân đã biến mất, đến bao hành lý của mình trên lưng ngựa cũng chẳng thấy đâu nữa.
Tạ Đình Vân nói: “Xem ra đến khu rừng này hôm nay không chỉ có một nhóm người. Giết người thu xác tuyệt đối không phải là tác phong của Đường môn”.
Hà Y chau mày nói: “Có lẽ là người của chính phái Nga My làm. Thẩm Bân tới tìm tôi, nhất định có không ít sư huynh đệ biết chuyện. Hoặc giả bọn họ sợ có điều gì ngoài ý muốn nên lén bám theo đến đây, vừa hay thu dọn thi thể”.
“Hy vọng không dẫn tới hiểu lầm gì”, Tạ Đình Vân thở dài một tiếng: “Phái Nga My người đông thế mạnh, nhưng gần đây trên giang hồ lại liên tục chịu nhục…”.
Hà Y lên ngựa, cười khổ nói: “Hiểu lầm giữa tôi với phái Nga My đã chẳng ít. Tôi còn có việc, xin đi trước đây”.
“Cô nương cẩn thận.”
Phong lai tứ diện ngọa đương trung.[8]
[8] Câu cuối cùng trong bài thứ tư của chùm năm bài thơ Mộng Mộ Tạp Thư ngũ thủ (…) của họa gia nổi tiếng đời Thanh – Kim Nông (1687 – 1763) ý tả sự thanh cao thoát tục, nguyên văn:
Âu ba đình ngoại thủy mông mông,
Ký đắc kim thu huề điếu đồng.
Tiêu thụ bạch liên hoa thế giới,
Phong lai tứ diện ngọa đương trung.
(Chim âu bỡn nước ngoài đình,
Thu nay đã nhớ mang theo đồ câu cá.
Đắm mình trong thế giới tràn ngập hoa sen trắng,
Bốn phương gió nổi vẫn nhởn nha nằm giữa.)
Ngô Du để chân trần, cuộn mình nằm trên giường nhỏ đan bằng mây đặt trên gác nhỏ. Đôi chân của nàng mềm mại, tinh tế, móng chân sơn màu mận chín.
Mái tóc dài đen tuyền rủ từ giường buông chạm đất.
Trên tóc có vương một vài chiếc lá ngô đồng khô vàng, nhưng nàng chỉ nhìn chúng, lười không đưa tay gỡ xuống.
“Tiểu thư, nên ăn cơm chiều thôi”, Nguyệt Nhi đặt một đĩa bánh sữa, một đĩa bánh mật ong lên chiếc bàn trước giường. Bưng bát canh long nhãn tới trước mặt nàng.
Ngô Du ngồi dậy, uống được hai ngụm rồi đăm đăm nhìn bát canh, ngây người ngơ ngẩn.
“Lại nghĩ ngợi linh tinh rồi”, Nguyệt Nhi than thở: “Tuy đúng là ngài ấy thích ăn long nhãn nhất nhưng tiểu thư có nhìn đắm đuối bát canh ý đến chết cũng chẳng thấy được ngài ấy đâu”.
Vừa nhắc tới chàng, trong lòng Ngô Du nhói đau, cáu gắt: “Em lại nói linh tinh gì thế. Cái gì mà ta với ngài ấy. Em phải đi lấy bệnh án tiên sinh phê cho ta mới đúng”.
Nguyệt Nhi lấy trong người ra một tập giấy, nói: “Chẳng phải đây rồi sao? Nguyệt Nhi có bao giờ dám quên đem theo bảo bối của tiểu thư chứ? Chỉ là bệnh án hôm nay quá nhiều, em sợ tiểu thư xem đến hoa mắt, cho nên chỉ đem một nửa tới thôi”.
Tiện tay rút ra một tờ giấy mai hoa, bên trên có mấy chữ lối tiểu khải ngay ngắn cẩn thân do chính tay nàng viết:
Trẻ nhỏ ho về đêm, đau bụng, mặt xanh xao, ấy là chứng nhiễm lạnh. Một nhánh tỏi, năm phần trầm hương, giã nhuyễn vê thành viên to bằng hạt cải, mỗi lần uống bảy viên, chiêu bằng sữa. Lại thấy, co quắp chân mà ho, dáng vẻ như động kinh, có đổ mồ hôi lạnh. Dùng viên An tức hương. Lại thêm một tiền nghệ, mạt dược, trầm hương mỗi thứ hai tiền lấy ngọn, dùng mật vê thành viên to bằng hạt đỗ, mỗi lần uống một viên, rang câu đằng sắc nước để uống.
Bên dưới “viên An tức hương” có phê mực đỏ của chàng: “Nên dùng canh tía tô”.
Chữ viết có chút đá thảo. Xem ra hình như viết vào lúc tinh thần không tốt. Hay là… lại bệnh rồi?
Bình thường, lúc tinh thần của chàng tốt nhất, chữ viết từng nét từng dòng đều nắn nót không khác lối trong Ngô Hưng Phú[9]. Nhưng lúc bệnh phong thấp tái phát, nét bút lại có phần cứng chắc của Liễu thể[10]. Lúc cực kỳ mệt mỏi, thì có thể viết thành hành thảo, khi bệnh tình nghiêm trọng hơn thì sẽ là chữ tiểu khải của Trần đại phu chép lại lời chàng. Chàng nghiêm khắc nhắc các đại phu tránh viết bệnh án theo lối thảo thư, bởi vì chữ thảo khó nhìn rõ, có lúc chỉ sai một chữ đã là mạng người rồi.
[9] Ngô Hưng Phú: Tác phẩm thư pháp nổi tiếng của thư pháp gia đời Nguyên, Triệu Mạnh Phú (1254 – 1322). Ông là một trong bốn thư pháp gia tiêu biểu của Khải thư (Khải thư tứ đại gia) ba người còn lại là Âu Dương Tuân, Nhan Chân Khanh, Liễu Công Quyền.
[10] Tức Khải thư viết theo lối của Liễu Công Quyền.
Còn nhớ lần đầu tiên nàng viết bệnh án, viết chính bằng lối thảo thư mình quen tay nhất, kết quả là bị chàng nghiêm khắc dứt khoát trả về, bắt phải viết lại.
Chàng là người không tùy tiện nói cười. Rất ít khi cười, cũng ít khi uể oải, ủ rũ. Phần lớn thời gian, trên mặt chàng chẳng thể hiện chút biểu cảm nào.
Cứ cách mười ngày, trong cốc lại có một lần y hội, các đại phu từ bốn phương tám hướng đều đến, có người trong cốc, có người ngoài cốc, người quen biết có, người không hề quen biết cũng có. Mọi người họp lại một chỗ, nghiên cứu các chứng bệnh khó chữa, có lúc cũng nói chuyện phiếm, chuyện cười. Sái đại phu là người cao hứng nhất trong ngày này. Sái đại phu thích náo nhiệt, lúc gặp gỡ luôn là người mồm miệng liến thoắng.
Những người tranh nhau đến tiếp chuyện chàng đương nhiên rất nhiều. Có nhiều vị đại phu đến từ những nơi cách Vân Mộng cốc mấy trăm dặm. Họ chớp lấy cơ hội, hỏi mãi không thôi. Mà chàng mỗi khi nói đến việc y thì luôn thao thao bất tuyệt.
Nhưng kể cả những lúc như thế, chàng cũng rất ít khi cười. Trước sau rất khiêm tốn, khách khí mà tiếp chuyện mọi người. Bây giờ thịnh cái kiểu nhà Nho học sách y, các đại phu ai ấy đều là người từng học đạo thánh hiền, luôn tin một điều “không thành được tể tướng nổi danh, thì thành danh y nức tiếng”. Có lúc chàng cũng cùng bọn họ lý luận chuyện chữ nghĩa.
Có khi bên ngoài tổ chức kỳ bình văn, đôi khi cũng có đại phu trong cốc tới tham gia. Nhưng chàng luôn từ chối.
Thực ra đúng là vì việc chữa bệnh bận rộn. Nhưng cũng là vì đi đứng bất tiện, mỗi lần ra khỏi cửa đều không tránh khỏi người đưa kẻ đón.
Chàng ghét nhất là làm phiền đến người khác, thậm chí đối với chính bản thân mình cũng hà khắc quá mức.
Chàng không thích người khác nhắc tới bệnh tật của mình. Lúc phát bệnh cũng không chịu để người khác thăm khám.
Việc gì có thể lo liệu, chàng đều tự mình lo liệu. Cho đến khi thực sự không làm nổi nữa mới để Trần đại phu thay mặt làm.
Mỗi ngày, trước lúc đi ngủ, chàng đều phải phê duyệt tất cả bệnh án của các đại phu trong cốc. Những cái quan trọng thì tuyển chọn, sưu tầm biên thành sách rồi truyền cho các đại phu đọc. Những cái không quá quan trọng thì trả về, để các đại phu tự lưu giữ.
Mười năm nay, chỉ cần chàng không ốm nặng, việc phê duyệt chưa hề gián đoạn.
Đúng là không thể nghĩ tới, một người thân thể yếu ớt như chàng lại có thể kiên cường cứng cỏi đến vậy.
Không biết vì sao, lần đầu tiên gặp chàng, khuôn mặt nàng đã đỏ ửng, tim đập thình thịch như muốn bắn ra khỏi ngực, hồi hộp tới mức khi đó chàng đang hỏi mình cái gì cũng không sao nhớ nổi.
Chàng vẫn đang trai trẻ, chỉ lớn hơn nàng vài tuổi. Dáng vẻ vô cùng anh tuấn, cũng lạnh lùng vô cùng. Nhưng lại không có nửa phần ngạo mạn mà ngược lại đối với bản thân vẫn giữ thái độ khách khí. Tuy nàng là nữ đệ tử của chàng, nhưng trước giờ chàng đều gọi nàng là “Ngô đại phu”.
Có một lần hai người ngẫu nhiên gặp nhau trong hành lang, nàng bỗng thấy hốt hoảng, cũng chẳng rõ vì sao mặt mũi đỏ lựng lên, chân nhũn đi, tim đập dữ dội. Miệng thì lắp ba lắp bắp, nói mãi không thành câu.
Chàng vẫn rất bình tĩnh, điều khiển xe lăn sang một bên, nhường đường cho nàng, nàng thì cứ thế mà cắm đầu chạy như gió.
Ngày hôm sau là ngày có y hội, bản thân nàng cảm thấy giữa mình và chàng có một bức tường vô hình ngăn cách. Mọi người ai cũng muốn tiếp cận chàng, còn nàng ngược lại luôn giữ mình cách chàng một khoảng, không có dũng khí thu hẹp khoảng cách, hoặc mặt đối mặt nói chuyện. Cứ đến lúc đó là nàng cảm thấy hình như bản thân bị một sức mạnh vô hình nào đó trói buộc rồi, chỉ cần lại gần chàng một bước thôi là muốn xỉu.
Ngô Du đến Vân Mộng cốc đã ba năm, nói chuyện với Mộ Dung Vô Phong, ngoài lúc ở y hội luận bàn việc khám bệnh không thể không trao đổi ra, cộng lại cũng chẳng được ba chục câu.
Chàng có bệnh nhân riêng của mình, không nhiều nhưng là những ca bệnh khó khăn nhất. Trong cốc có người mắc chứng bệnh nguy cấp khó chữa, những đại phu khác không xử lý nổi nữa, cuối cùng đều chuyển đến tay chàng. Có lúc các đại phu gặp phải ca khó, cũng có thể mời chàng dời bước đến phòng mạch của mình để bàn bạc. Nếu như không bận, chàng sẽ đi. Có khi lưu lại cả một ngày, cơm trưa, cơm tối đều ăn ở hiên nhỏ bên cạnh phòng mạch. Các đại phu thì đến từ nhiều miền khác nhau, cho nên nhà ăn của mỗi người đều nấu những món khác nhau. Chàng không kén chọn. Chàng ăn không nhiều nhưng cái gì cũng có thể ăn được. Cơ hội để thân thiết hơn với chàng, chẳng có ai muốn bỏ qua. Ngô Du cũng từng mời chàng đến Ngẫu Phong hiên của mình hai lần. Ca bệnh làm nàng mất ăn mất ngủ mấy ngày, đến tay chàng thì nhanh chóng thuốc vào bệnh hết. Cơm trưa do nàng từ buổi sớm đã cẩn thận chú tâm chuẩn bị, thanh đạm mà tinh tế, thế nhưng chàng đều lấy cớ có việc mà khước từ, nhanh chóng bỏ đi. Từ trước đến nay chàng chưa từng dùng cơm ở Ngẫu Phong hiên.
“Tổng cộng có mỗi năm chữ, có cần phải xem lâu đến vậy không?”. Nguyệt Nhi nhìn dáng vẻ ngẩn ra của nàng, cũng nhón lấy tờ giấy: “Để em cũng xem xem, ‘canh tía tô’ có phải tiểu thư mê chữ của ngài ấy rồi? Hay là đang thầm làm thơ đấy?”.
“Nói linh tinh”, nàng đẩy Nguyệt Nhi ra, cẩn thận thu tờ giấy ấy lại. Nói cho cùng đây cũng là nét chữ do chính chàng viết.
“Tối nay làm gì?”
“Đọc sách. Tranh thủ xem cho kỹ tránh để tiên sinh lại dùng mực đỏ phê lại cho ta.”
“Đơn thuốc lại có gì sai rồi?”
“Cũng không sai, chỉ là còn thiếu cái gì đó thôi. Tối nay ta cần tập trung, em ở cùng mài mực cho ta, gọi cả Cầm Nhi nữa.”
Nguyệt Nhi chớp chớp mắt nhìn nàng: “Tối nay cốc chủ làm gì, tiểu thư có biết không?”.
“Làm gì?”, nàng hỏi bâng quơ.
“Em vừa gặp Tiểu Bối chỗ Triệu tổng quản, cô ấy nói tối nay cốc chủ muốn ra ngoài, chỉ đem theo hai tùy tùng. Dọa cho Triệu tổng quản thiếu chút nữa là quỳ xuống lạy ngài ấy.”
“Hả!”, Ngô Du kinh hãi: “Sao tiên sinh lại làm thế? Sao có thể như thế?”.
“Tuy chân cốc chủ đi lại không tiện nhưng vẫn có thể cưỡi ngựa. Chỉ là không biết ngài ra khỏi cốc có việc gì?”.
“Tất nhiên là có bệnh nhân nguy kịch, ra ngoài chẩn bệnh.”
“Không phải đâu. Trước nay cốc chủ không bao giờ ra ngoài chẩn bệnh.” Nguyệt Nhi từ nhỏ đã ở trong cốc, những việc biết được tất nhiên là nhiều hơn Ngô Du nhiều.
“Hôm trước em nhắc tới vị Sở cô nương ấy… cô ta… có phải cô ta vẫn ở tại Trúc Ngô viện?”
“Việc này… em không biết. Chỉ biết sáng nay cốc chủ dậy rất muộn, lại còn… hình như thân thể ngài có chút không khỏe. Đến chỗ Sái đại phu, ngồi lại chưa được nửa giờ đã về Trúc Ngô viện rồi.”
Tâm tình Ngô Du hỗn loạn, không nhịn được hỏi: “Sao tiên sinh lại không khỏe? Liệu có phải bệnh tim tái phát rồi?”.
“Có lẽ thế. Dù không phải bệnh tim tái phát, mấy ngày nay sương nồm trời ẩm, cốc chủ chịu không nổi.”
“Nhưng mà, tối nay tiên sinh vẫn muốn ra ngoài?”.
“Vâng. Nếu không Triệu tổng quản sao phải lo lắng đến thế?”.
“Tiên sinh vẫn không chịu quan tâm đến sức khỏe của bản thân”, nàng nhè nhẹ thở dài một tiếng, rồi lại tựa xuống giường: “Nguyệt Nhi, giúp ta đem đèn lên. Ta muốn ở đây đọc sách một lúc. Em với Cầm Nhi đi nghỉ đi.”
Đột nhiên nàng cảm thấy tối nay chẳng còn hứng thú làm gì nữa.