- Dạ, ông không sao chứ ạ?
Ông lão lắc đầu, nhìn hắn cười cười:
- Cám ơn cháu nhé, ông không sao.
- Ông, sao ông lại bị như thế này vậy ạ? Người nhà của ông đâu sao họ không đi đón mà để ông phải đi một mình thế ạ?
Việt quan tâm nhất là điều này. Đáng lẽ giờ này con cháu của ông lão đã đến đây đón ông về rồi mới đúng. Vô tình đến thế sao? Ông lão lại lắc đầu nói:
- Ông đang sống một mình ở đây, con cháu của ông ở rất xa. Hồi nãy trên đường về, gặp chuyện không may nên thành ra bị như vậy đây.
- À thì ra là thế.
Anh thầm đoán có thể là do sét đánh ban nãy. Dù thế, anh cũng không tiện hỏi có chuyện gì xảy ra với ông. Anh vội khom người xuống rồi nói với ông lão:
- Ông, để cháu cõng ông về, chân ông đã bị thương thế kia, đi lại sẽ đau lắm đấy.
Anh không hề ngại gì mà đưa ra đề nghị cõng ông lão. Việc này khiến anh nhớ lại lúc anh cõng ông ngoại lúc hắn đang còn sống trong quê. Ông lão hơi do dự khi nghe anh đề nghị:
- Cháu không nên làm vậy, người ông thế này sẽ dính lên người cháu đấy.
Hoàng Lâm lắc đầu cười:
- Dạ không sao đâu ông. Ông cứ lên đi ạ, cháu sẽ cõng ông về đến tận nhà.
- Ừm, thôi được rồi, vậy ông đành phiền cháu đưa ông về.
Ông lão đứng chần chừ hồi lâu rồi cuối cùng cũng đồng ý. Việt thấy ông chấp nhận thì cười cười rồi bắt đầu cõng ông lão về.
Một thời gian ngắn sau khi anh và ông lão rời đi, đúng ngay vị trí hai người xuất phát, có một người đàn ông trên dưới bốn mươi tuổi vội vã chạy tới. Ông ta quay đầu nhìn quanh, miệng nói thầm:
- Lạ thật, rõ ràng mình biết là ở đây, sao chỉ một thoáng đã không thấy đâu nữa nhỉ.
Người đàn ông đứng phân vân giữa ngã tư, đưa mắt xem xét bốn hướng, cuối cùng theo hướng bên phải hướng của Quốc Việt chạy đi. Có lẽ đây là người nhà của ông lão đi đến đón nhưng đã quá trễ.
Trên đường, Quốc Việt và ông lão nói chuyện với nhau rất vui vẻ. Nhờ đó mà cảm giác đoạn đường dường như ngắn lại rất nhiều. Ông lão chỉ tay vào một căn nhà cấp bốn trước mặt, nói:
- Đây rồi, nhà ông đây rồi, cháu để ông xuống, ông tự đi vào được rồi.
Việt nói:
- Nhưng mà chân của ông... dạ thế ông đi vào cẩn thận ạ, cháu về đây ạ.
Tiễn Phật thì tiễn đến Tây Thiên, Việt muốn đưa ông lão đi vào tận trong nhà, nhưng ông ấy không chịu. Ông nói cho ông xuống đây, còn anh về được rồi. Nếu đã thế, anh cũng không tiện tiếp tục nữa. Ông lão gật đầu rồi vào trong nhà.
Sáng hôm sau, anh lại chạy đến nhà ông lão để xem ông ấy đã đỡ hơn chưa.
Khi anh nhìn thấy ông lão, anh rất ngạc nhiên, nếu so với tối hôm qua, ông đã khác trước rất nhiều. Mấy vết thương trên mặt ông giờ chỉ còn mờ mờ, cộng thêm mái tóc trắng như cước làm ông có phần giống như một vị tiên ông trong các phim thần thoại vậy. Nhưng nói đi thì phải nói lại, có thể do lúc đó trời tối, cho nên anh nhìn không được rõ tình trạng của ông lão nặng nhẹ ra sao. Về phía ông lão, ông cũng ngạc nhiên không kém khi thấy anh đến nhà. Ông cười mở cửa mời anh vào trong:
- Ồ, cháu đến đấy à, cháu vào nhà đi.
Việt nói:
- Dạ cháu tới đây để hỏi thăm vết thương của ông thế nào rồi ạ.
Anh vừa nói vừa thầm đưa mắt nhìn xung quanh, đây là thói quen xấu từ lâu của anh, rất muốn sửa nhưng mãi không sửa được. Căn phòng được sắp xếp đơn giản, đồ đạc cũng không nhiều nên nhìn rất rộng và thoáng mát. Ông lão cười cười:
- Cháu ngồi xuống đi.
Việt gật đầu, chọn một cái ghế ngồi xuống. Ông lão nói tiếp:
- Ông cảm ơn cháu vì đã giúp ông tối qua. Thanh niên có thể làm như cháu bây giờ rất hiếm thấy, ông có lời khen ngợi cháu đấy.
Việt xua xua tay, đáp:
- Dạ có gì đâu ạ, việc cháu nên làm mà. Ông đỡ chưa ạ?
Ông lão cười xoà, nói:
- Hà hà hà, không sao cả, chỉ là mấy vết thương nhẹ, rồi sẽ nhanh khỏi thôi. Trước đây có lần ông còn bị thương nặng hơn nữa đấy chứ.
Quốc Việt và ông lão ngồi thế nói chuyện với nhau hồi lâu. Anh cũng biết thêm được nhiều điều. Chẳng hạn như ông lão vốn là một thầy thuốc Nam. Ông bảo ngày hôm qua ông đi khám bệnh cho một người quen, trên đường về do gặp chuyện không may nên trên người mới bị thương như thế. Thật ra nếu anh không cõng ông thì ông vẫn có thể tự về nhà được.
Ngoài ra, ông nói ông xem bệnh rất tốt và bảo rằng thể lực anh dù khoẻ hơn người bình thường chút ít nhưng trong người anh vẫn tốn tại một số bệnh có hại. Do vậy, ông đã bốc cho anh vài loại thuốc Nam, có hướng dẫn cụ thể đi kèm.
Đồng thời trước khi anh ra về, ông còn đưa thêm cho anh sáu tờ giấy có vẽ hình người. Ông nói nó vốn được dùng để luyện khí nhắm tăng sức khoẻ cho người già gì gì đấy. Nhưng anh luyện cũng thu lợi không ít. Hơn nữa, ông lão còn nói thêm, trong đơn thuốc này chỉ chứa những vị thuốc cơ bản. Mấy ngày sau nếu anh thấy khoẻ hơn thì ông sẽ đổi cho thuốc tốt hơn.
Ban đầu Việt từ chối không muốn nhận chúng. Anh cũng không tin những lời nói của ông cho lắm. Có điều ông nhiệt tình tặng nó vì trả ơn anh đã giúp khi ông gặp phải khó khăn. Anh không tiện chối mãi nên nhận, tuy trong lòng nghi ngờ về giá trị của những thứ đấy.
Khi về, tất nhiên Việt chẳng dại gì mà tùy tiện dùng đơn thuốc ngay. Anh mang nó đi hỏi mấy bác sĩ Đông y trong bệnh viện đa khoa, được họ xác nhận đơn thuốc là tốt, có thể sử dụng được thì anh mới dám dùng. Hơn nữa, khi anh mở quyển bí kíp của vua Quang Trung ra đọc thì phát hiện hai trong số những loại thuốc kia cũng được nhắc tới. Công thức và liều lượng y hệt. Anh yên tâm dùng mà không hề nghi ngại. Còn tập giấy luyện khí kia anh cất vào tủ chứ không tu luyện. Anh đã có Thuần Dương Công rồi, luyện thêm cái khác chỉ có hại.
Hôm nay anh có bốn tiết vào buổi chiều. Vừa tới lớp, mấy thằng bạn chi cốt lập tức tập trung lại chỗ anh hỏi tới tấp:
- Này Việt, có phải chiều tối hôm qua gần chỗ mày bị sét đánh phải không?
Việt gật đầu trả lời:
- Ừ, đúng thế, vì nó mà tối qua tao quay về muộn đấy. Có điều tao chưa xem thông báo nên không biết thiệt hại như thế nào.
Việt Tiến đã xem tin tức nên trả lời giúp cho anh:
- Tao xem rồi, họ nói là theo kết quả điều tra được tại hiện trường thì lúc sét đánh, có ba người đứng gần vị trí đó. Trong ba người, thì hai chết một bị thương, người bị thương đã đi đâu không rõ. Thiệt hại về của cải thì tao không nhớ lắm.
Cả đám cực kỳ kinh ngạc hỏi lại:
- Hai người chết một người thì bị thương?
Bị sét đánh trúng mà vẫn có người không chết, đúng là kỳ tích. Quốc Việt nghe thế đột nhiên liên tưởng tới tình trạng ông lão tối qua, bất chợt anh tự hỏi: "người bị sét đánh bị thương đó phải chẳng là ông lão hay không? Cũng có thể lắm, mình nên hỏi ông lão việc này không nhỉ?"
- Này Việt, mày đang suy nghĩ cái gì mà ngồi thừ người ra như vậy, chuyện sét đánh hả? Hay mày biết người bị thương đó?.
Việt Tiến vỗ vai làm Việt giật mình tỉnh lại. Anh chưa dám chắc người may mắn kia là ông lão nên lắc đầu. Anh định đánh lạc hướng suy nghĩ thằng bạn, bèn nói:
- Không có gì, tao đang nghĩ lung tung thôi, mà bọn mày quan tâm chuyện này làm gì, cứ để việc này cho cảnh sát họ lo. Cái bọn mày cần làm bây giờ là nhanh chóng hoàn thành bài tiểu luận để tao còn chép.
Mạnh Hùng đấm vào lưng anh một cái, nói:
- Mày còn nói thế hả, trong nhóm mày học được nhất, thế mà bảo bọn tao làm xong rồi đưa mày chép. Tao thấy người làm là mày thì đúng hơn. Hừ, mày mà không làm thì chết với bọn tao.
Giờ thì quả bóng làm bài tiểu luận bị đá qua đá lại, không ai chịu trách nhiệm. Việt tìm cách lơ đi:
- Thôi, tao ngủ đây, khi nào thầy dạy Triết vào thì nhớ gọi tao một tiếng.
Anh mặc kệ mấy thằng đó, không nói gì nữa, tiếp tục nghĩ việc ông lão liên quan đến sự kiện sấm sét hay không. Anh thầm suy đoán thực hư của việc này như thế nào.
Vì hiện tượng sét đánh chết người hiếm khi xảy ra, hơn nữa có sức tàn phá lớn thì càng đặc biệt hiếm. Cho nên sự kiện đấy ngay lập tức xuất hiên rầm rộ trên trang nhất của tất cả các báo hôm sau và kéo dài liên tục mấy ngày liền.
Hai người chết vì bị sét đánh đã được xác định được nhân thân, nhưng người sống thì không ai biết. Cảnh sát cũng không tìm thấy bất kỳ đầu mối nào có liên quan đến người này. Vì thế chuyện này càng thêm thu hút sự chú ý, trên những trang mạng xã hội lớn như zing me hay facebook. Vô số lời bình luận về sự siêu may mắn của người này.
Quốc Việt rất quan tâm việc đó. Anh thường xuyên theo dõi thông tin thời sự vào báo chí. Ý nghĩ ông lão là người may mắn đấy cứ lớn dần. Ấy thế mà hai hôm sau, anh vẫn đi tiếp đến nhà ông lão nhưng cũng không có hỏi ông ấy về nghi ngờ trong lòng mình. Dẫu sao đây là chuyện cá nhân của ông ấy, tò mò là điều không tốt.
Thế rồi thời gian trôi qua vài ba ngày mà không cập nhật thêm tin tức mới. Sự việc kia cũng nhàm dần, và giống như các thiên tai xảy ra hàng năm. Nó dần dần đi vào quên lãng.
Việt lại đi đến nhà ông lão chơi. Anh đến đây một phần là thăm ông lão, phần nhiều là thông qua hình ảnh của ông ấy, giảm nỗi nhớ ông bà, nhớ nhà, nhớ quê. Hôm nay anh tới đúng lúc ông ấy đang dọn nhà. Anh hỏi:
- Cháu chào ông ạ, ông đang dọn dẹp nhà cửa ạ? Để cháu giúp ông một tay.
Ông lão ngoảnh đầu nhìn ra, thấy anh, ông lão cười nói:
- Ông không phải dọn nhà, ông đang thu dọn đồ đạc chuẩn bị rời đi khỏi đây. Toàn mấy đồ vặt, ông tự làm được, cháu khỏi cần phải nhọc công.
Bỗng dưng ông lão dọn đồ muốn rời đi làm Việt rất ngạc nhiên, anh hỏi:
- A, ông sắp sửa rời đi sao? Sao ông đi vội thế ạ? Có chuyện gì sao ạ?
Ông lão gật đầu:
- Ừ, ông có việc cần làm ngay nên vội đi gấp như thế, hơn nữa đây là nhà thuê, cũng không có nhiều thứ để dọn. À mà phải...
Ông lão bỏ dở việc xếp vali, đứng dậy, đi đến bàn làm việc, mở hộc và lấy ra một tờ giấy viết đầy chữ. Ông đưa nó cho anh và nói:
- Ông có đơn thuốc này. Nó dùng tăng cường sức khoẻ cho cháu. Ông đã kê xong rồi đây, tất cả đều là những loại thuốc tốt. Có vài loại đơn giản nhưng ở thành phố ít có nơi bán nên mất công tìm lâu như thế.
Anh không ngờ ông lão nhiệt tình đến thế. Đơn thuốc lần trước ông lão tặng lần trước vẫn chưa dùng xomg. Giờ ông ấy lại tặng thêm nữa. Anh ngại ngần, nửa muốn nhận nửa không muốn nhận. Ông lão hình như hiểu rõ suy nghĩ của anh nên cầm tay anh đặt thẳng nó vào. Ông vừa đưa cho anh vừa dặn dò:
- Cháu nhất định phải uống đúng liều ghi trong đó, nếu không cháu sẽ gặp chuyện không hay đấy.
Việt nói:
- Dạ vâng, cháu hiểu rồi, để cháu giúp ông một tay.
Ông lão lắc đầu, cười cười:
- Không có gì nữa đâu, những gì cần thiết ông đã dọn hết rồi, cũng đến giờ ông phải đi rồi. Cháu ông đang ở ngoài kia rồi.
Cửa ra vào kêu "cạch" một tiếng rồi được mở ra và một người đàn ông đi vào. Người đàn ông chừng trên dưới ba mươi tuổi. Anh ta quan sát Quốc Việt với ánh mắt tò mò.