Bầu trời trong xanh, không một áng mây, gió thổi nhè nhẹ, Khánh Kỵ quay đầu mỉm cười nói:
- Thời tiết hôm nay thật tốt, ngay cả ông trời cũng giúp chúng ta, lên đường sớm thôi.
Thuyền phu nhe răng cười đáp:
- Công tử nói phải, tiểu nhân khởi hành ngay đây ạ.
Con thuyền lớn từ từ rời bến, mái chèo rẽ sóng, từ từ đi vào giữa sông, Khánh Kỵ bước về phía trước, vịn lấy mạn thuyền nhìn xa xăm. Hai bên bờ các túp lều xanh ẩn hiện, ở giữa là con sông lớn sóng nước cuồn cuộn này, những cơn sóng mạnh đập vào thân tàu, bọt nước trắng phau như tuyết, lòng người cuốn theo con sóng.
- Nước Lỗ, cuối cùng cũng rời khỏi.
- Lần này về nướcVệ, chỉnh đốn binh mã, tháng ba năm tới, lại đánh nước Ngô.
Khánh Kỵ đấm mạnh một phát vào mạn tàu, máu nóng sôi sục như mặt trời ló dạng, ý chí ngất trời.
- Có đội quân nước Lỗ này, có nhà quân sự như Tôn Vũ, sang năm ta nắm chắc phần thắng. Lần này về nước Vệ, ta phải tăng cường sức mạnh của quân đội Ngải thành, còn phải liên hệ với nước Sở, nếu cần…cứ tiếp xúc luôn với nước Việt, tất cả thế lực chống lại Hạp Lư, nếu dùng được đều tận dụng tối đa, phải đảm bảo thắng lợi của trận chiến này, nếu thua nữa, ta e là không có cơ hội nữa rồi.
Khánh Kỵ suy ngẫm: Đội quân nước Lỗ, là chuẩn bị dùng gây bức ngờ, lực lượng chủ lực vẫn cần dựa vào nước Vệ, dù sao quân đội nước Vệ mới là đạo quân thiện chiến, kinh nghiệm tác chiến phong phú, so về điểm mạnh này, đạo quân Phi Hồ cốc còn kém xa, dù cho có bậc kì tài như Tôn Vũ, cũng không thể thay da đổi thịt cho đám lính mới chiêu mộ trong thời gian ngắn được.
Hơn nữa, nước Vệ binh hùng tướng mạnh, khí thế càng lớn càng thu hút sự chú ý của quân Ngô, thế mới tạo điều kiện thuận lợi cho đạo quân nước Lỗ này thật sự phát huy tính bất ngờ được. Muốn được như vậy, ta phải tiếp tục nâng cao sức mạnh của nước Vệ.
Nhưng làm như vậy, buộc phải thu nạp thêm nhiều người nhập ngũ, tích trữ thêm lương thực, vũ khí vật dụng. Trên lãnh thổ nước Vệ, một đội quân nước ngoài phát triển thế này cần được nước Vệ cho phép, hơn nữa viện trợ từ nước Vệ không những không được đứt đoạn, mà còn phải nghĩ cách tranh thủ thêm.
Nghĩ đến những vấn đề này, Khánh Kỵ nhủ thầm: Nói không chừng, sau khi về Ngải thành, ta phải đến cung vua một chuyến gặp vua Vệ, xin ngài đồng ý, vua Vệ…
Nhớ đến Vệ Linh Công lưu danh hậu thế vì chuyện chia đào năm xưa này, Khánh Kỵ khẽ nhíu mày, con người Vệ Linh Công rộng rãi độ lượng, thích chiêu dụ anh hùng nhân sĩ, để dành được ủng hộ từ ông ta vốn rất dễ dàng. Nhưng lần trước nghe được tin, hiện nay quyền lực điền hành nước Vệ phần lớn đều nằm trong tay Vệ phu nhân Nam Tử. Sau này muốn nước Vệ giúp đỡ, e là buộc phải giao thiệp với vị Vệ phu nhân này thôi.
Nhưng hắn quả thật không hiểu nhiều về vị mỹ nhân nước Tống Nam Tử này, ngoài việc cô gái này sắc nước hương trời, là một mỹ nhân hiếm gặp ra. Hơn nữa sử sách ghi chép, cô Nam Tử này tính tình lẳng lơ, còn về năng lực chính trị của vị Nam Tử phu nhân này thì hắn biết quá ít. Nước Vệ vốn là chư hầu hoàng tộc thời Tây Chu phong tặng. Khi lập quốc đã là công tước, địa vị tối cao, suốt thời gian dài là lãnh tụ các chư hầu, thay mặt Chu thiên tử cai trị thiên hạ. Đến giờ tuy nước Vệ vẫn giữ lề lối xưa cũ, không chịu cải cách, vận nước ngày một suy tàn, nhưng vẫn là một trong mười hai nước lớn trong thiên hạ, do đó mới có thể viện trợ nhiều cho hắn được, cũng không ngại mối đe dọa của nước Ngô.
Hai nước Vệ và Tống càng có mối quan hệ sâu sắc. Năm xưa sau khi Cơ Phát diệt nhà Thương, dân Thương không chịu sự cai quản của nhà Chu, từng phát động bạo loạn lớn, Chu Công Đán khởi binh đông chinh, dẹp yên phản loạn, chia toàn bộ dân Thương làm hai. Một là “Ân Thương thất tộc”, được ở tại cố đô Triều Ca nay đã hoang tàn, lấy quốc hiệu là “Vệ”, kinh đô vẫn ở Triều Ca. Hai là các hậu duệ hoàng tộc Ân Thương, bị tách ra riêng lẻ, trở thành nước Tống, do hoàng tộc Ân Thương làm vua, đấy là hai phần của Ân Thương.
Kinh đô nước Vệ chính là Triều Ca, trung tâm chính trị kinh tế văn hóa của nhà Thương, nhưng lúc bấy giờ do Bắc Định xâm chiếm đã dời đô Bộc Dương, cũng là nơi người ta gọi là Đế Khâu. Vệ và Tống đều là nước của di dân Ân Thương, giữa hai nước có quan hệ khắng khít, qua lại hai nước luôn mật thiết, tình cảm nhân dân hai nước cũng không mấy khác biệt, cho nên công chúa nước Tống Nam Tử sau khi được gả đến nước Vệ có thể nắm quyền lớn trong thời gian ngắn là vậy.
Ngoài thủ đoạn chính trị cao siêu của cô ta ra, thân phận của cô ta nhanh chóng được dân nước Vệ chấp nhận, được xem như người nhà, đó mới là nguyên nhân chính.
Hắn muốn phát triển tại nước Vệ, lúc trước được vua Vệ cho phép là xong, giờ đây nước Vệ có thêm một nữ chủ nhân nắm quyền lớn trong tay, mong là cô ta không gây khó cho mình thì tốt. Khó khăn lắm mới lôi kéo được nước Lỗ, sắp đặt phục binh sát bên nước Ngô, nếu lại gây ra chuyện ở nước Vệ vào lúc này, nhỡ mất kế hoạch phản công Ngô, há chẳng thành trò cười ư.
Khánh Kỵ đang tính toán, chợt nghe một khúc nhạc vọng lại, bèn ngẩng đầu lên. Phía bên phải tám mái chèo của chiếc thuyền nhỏ lướt nhanh, đã đuổi kịp thuyền lớn của hắn.
Để Khánh Kỵ được thoải mái, Thành Bích phu nhân đã kiếm cho hắn một lâu thuyền, thân tàu lớn, không chỉ có thủy thủ tay chèo, còn có cả các tay kéo dây những khúc sông hiểm trở. Chiếc thuyền lớn như vậy, không thể chỉ chở mình hắn, nên chở theo nhiều muối ăn, là món hàng đầu tiên vận chuyển sang nước Vệ, do đó trên thuyền có cả võ sĩ tháp tùng. Có chủ thuyền, thuyền phu, thợ kéo dây, diêm đinh phụ trách vận chuyển muối, quản sự, khá là đông đúc.
Lúc bấy giờ dù là đi xe đường bộ hay là đi thuyền đường thủy, những nhóm đi nhỏ lẻ khi gặp đoàn lớn đều sẽ cố gắng bám theo, như vậy khi xảy ra chuyện dễ giúp đỡ lẫn nhau. Chiếc thuyền nhỏ kia thấy thuyền lớn khí thế đông đúc này đương nhiên là bám theo, do đó vừa bắt kịp, thuyền nhỏ lập tức đi chậm lại.
Hai chiếc thuyền đi song song nhau, khoảng cách khá gần, Khánh Kỵ nhìn thấy trên mũi thuyền nhỏ một vị công tử khôi ngô đang ngồi đó, dáng vẻ cao quý, tuy là đang ngồi, nhưng cũng thấy được thân hình cao ốm, dưới ánh nắng, chiếc áo bào thêu hoa mai màu nhạt của hắn tô thêm phong thái ung dung tao nhã. Khúc nhạc vừa dứt, Khánh Kỵ khen hay, nói vọng qua:
- Các hạ thổi huân hay lắm. (Huân là một loại nhạc cụ)
Vị công tử kia nghe thấy lời khen, quay đầu lại mỉm cười. Khánh Kỵ bất chợt nghi ngờ: Người này…chẳng lẽ là một cô gái sao?
Khánh Kỵ nhìn rất rõ tướng mạo người ấy, tuy là cải nam trang, nhưng đôi mày mang vẻ đẹp mềm mại, mũi như hạt ngọc, môi như cánh hoa anh đào, mắt đen lóng lánh. Hắn hai tay cầm sáo, lúc này buông nhẹ xuống đặt lên áo, vạt áo tay áo trắng như tuyết, da mặt và cổ mềm mại nõn nà, lấp lánh phản chiếu ánh mặt trời, dưới gầm trời này sao lại có nam tử hán như thế được?
- Haha, chỉ là chút tài mọn, đa tạ các hạ đã khen, tại hạ đi thuyền nhỏ, muốn cùng các hạ đồng hành, mong các hạ đừng chê trách.
Người kia đứng dậy hành lễ, giọng nói lại là giọng nam nhân.
Khánh Kỵ cười đáp:
- Không sao, đều là bạn đường cả, đúng ra phải giúp đỡ lẫn nhau.
Người kia cười khẽ, để lộ hàm răng trắng như tuyết, chắp tay nói:
- Còn chưa thỉnh giáo cao danh quý tánh của các hạ.
Khánh Kỵ hơi chút do dự, không tiện nói ra tên thật, nhủ thầm: Ta là Khánh Kỵ công tử nước Ngô, hay là lấy tên nước làm họ, đặt lấy một cái tên vậy. Dù sao cũng là người đi chung đường thôi, bèn lên tiếng:
- Tại hạ Ngô Kỵ, không biết các hạ đây là…
Người kia chớp mắt, mỉm cười:
- Tại hạ Tống Triều.