Buổi chiều, tôi lại đến Bệnh viện Tâm thần thành phố gặp Lã Thần thêm lần nữa. Sau hơn hai năm điều trị, trạng thái tinh thần của cô ta đã dần có chiều hướng ổn định. Dưới sự dẫn dắt của tôi, cô ta cũng nhớ lại rất nhiều chi tiết có liên quan tới Diệp Thu Vi. Cô ta nói cho tôi biết, năm 2009 sở dĩ mình đẩy ngã chồng xuống dưới nhà như thế là vì có một người phụ nữ tên là W thường xuyên nói chuyện trong đầu cô ta, còn ra lệnh cho cô ta nữa. Mà câu chuyện về W chính là do Diệp Thu Vi vô tình nói cho cô ta biết. Đây hiển nhiên lại là một lần ám thị nữa.
Sau khi rời khỏi Bệnh viện Tâm thần thành phố, tôi bắt đầu nghiên cứu về cái chết của Triệu Hải Thời và Hà Ngọc Bân. Giữa hai người này và Diệp Thu Vi không có sự qua lại nào, việc điều tra cũng vì thế mà tạm thời không có tiến triển. Mãi đến buổi tối hôm đó, đúng vào lúc chuẩn bị ngủ, tôi mới để ý tới một chi tiết quan trọng: Theo như lời tiết lộ của người trong cuộc, việc Triệu Hải Thời giết chết Hà Ngọc Bân có một nguyên nhân quan trọng là Hà Ngọc Bân có thể đã có qua lại với vợ của Triệu Hải Thời là Tiêu Tiểu Yên. Tôi chuyển dời trọng tâm điều tra qua Tiêu Tiểu Yến, phát hiện cô ta từng mở một phòng tập thể thao dành cho nữ. Dưới sự giúp đỡ của Chủ nhiệm Viên, tôi lấy được danh sách tất cả các hội viên từng đăng ký tập luyện ở phòng tập thể thao đó trong thời gian nó hoạt động, thế rồi tìm thấy tên của Diệp Thu Vi ở trong đó.
Sáng hôm sau, tôi tiến hành thăm dò Tiêu Tiểu Yên qua mạng internet, cuối cùng đã xác định được vụ án Triệu Hải Thời giết người bằng súng có liên quan tới Diệp Thu Vi.
Ngoài ra, tên của Quách Nguyệt Linh cũng xuất hiện trong danh sách các hội viên, cô ta và Diệp Thu Vi rất có thể đã quen nhau tại phòng tập thể thao đó. Vậy nên, vụ án Quách Nguyệt Linh bỏ thuốc độc có khả năng cũng có liên quan tới Diệp Thu Vi. Tôi xem xét kĩ vụ án bỏ thuốc độc đó thêm một lần nữa, sau đó phát hiện ra một số dấu tích can dự của Diệp Thu Vi. Đến chiều ngày 12 tháng 9 năm 2011, tôi cuối cùng đã có thể xác định được người điều tra thần bí đứng ở phía đối địch với Tập đoàn A chính là Diệp Thu Vi - một Phó giáo sư đang công tác tại Đại học Z.
Đến lúc này, nhiệm vụ của tôi đã hoàn thành. Dựa theo kế hoạch, tôi lẽ ra phải lập tức nói kết quả điều tra cho Chủ nhiệm Viên biết, sau đó thì chờ chỉ thị tiếp theo của ông ta. Nhưng, trong khoảnh khắc cầm điện thoại lên chuẩn bị gọi, tôi bỗng lại cảm thấy do dự. Tôi bỏ điện thoại xuống, trong lòng dâng lên một cảm giác kỳ lạ.
Bao nhiêu năm nay tôi vẫn luôn ẩn nấp trong chỗ tối, giúp Chủ nhiệm Viên hoàn thành rất nhiều cuộc điều tra và ám sát. Có một năng lực siêu phàm nhưng lại không thể công bố ra trước mặt mọi người, điều này khiến tôi cảm thấy kiêu hãnh từ tận đáy lòng, nhưng đồng thời cũng mang lại cho tôi sự cô độc sâu sắc. Tháng 3 năm 2009, dấu vết tác động vào tâm lý của Thư Tình đã khiến tôi hiểu được rằng, ở một góc khuất nào đó trong thành phố này có lẽ còn ẩn nấp một cao thủ tâm lý khác.
Bắt đầu từ lúc đó tôi đã không còn cảm thấy cô độc nữa, đồng thời còn nảy sinh lòng tò mò vô hạn về vị cao thủ tâm lý kia, xen lẫn trong đó còn có một chút tình cảm trân trọng đối với“đồng loại” của mình. Tôi vẫn luôn muốn lần ra thân phận của người này, nhưng không chỉ là vì sự ủy thác của Chủ nhiệm Viên mà còn là vì chính bản thân tôi nữa. Tôi muốn gặp “đồng loại” của mình, muốn nói chuyện với người đó, giao đấu, thậm chí là muốn xây dựng một tình bạn mà người ngoài không hay biết. Tuy người điều tra đó đã từng bặt vô âm tín trong khoảng thời gian một năm mới, nhưng tình cảm không rõ ràng của tôi với người đó thì chưa từng thay đổi.
Lúc này, tôi rốt cuộc đã phát hiện ra thân phận của cô ta, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc cô ta sắp bị Tập đoàn A trừ khử. Tự nơi đáy lòng, tôi không thể chịu đựng nỗi đau khổ khi mà vừa gặp mặt đã phải vĩnh viễn chia ly đó. Tôi muốn gặp cô ta, muốn chính thức làm quen với cô ta, muốn xem xem “đồng loại” của mình rốt cuộc là một con người như thế nào.
Trưa ngày 12 tháng 9 năm 2011, tôi tắt điện thoại đi, bắt taxi đến Bệnh viện Nhân dân số 2, đúng ba giờ mười phút thì tìm được phòng bệnh của Tần Quan. Khi đó, Diệp Thu Vi đang ngồi bên mép giường bệnh, quay lưng về phía cửa, ngẩn ngơ nhìn người chồng ngày một gầy đi của mình. Tôi đứng trước cửa quan sát suốt một hồi lâu, cuối cùng mới hạ quyết tâm, đưa tay lên gõ cửa phòng.
Tôi đặt tay trái lên tay phải, nói dối một cách bình tĩnh: “Chúng tôi là bạn học cùng lớp với nhau hồi học cấp hai.”
Diệp Thu Vi bước về phía trước mấy bước, đóng một ô cửa sổ chớp khác lại, căn phòng lại càng tối tăm hơn. Cô ta mở chiếc đèn tiết kiệm điện năng ở đầu giường lên, điều chỉnh độ sáng tới mức cao nhất, sau đó bèn nhìn tôi, nói: “Ồ, hóa ra là bạn học cấp hai, chẳng trách anh ấy lại bị mắc bẫy của anh như thế.”
Tôi thoáng sững người, ngay sau đó liền hiểu ra ý của cô ta, trầm giọng nói: “Những năm nay cô quả nhiên không ở yên một chỗ.”
Cô ta kéo ghế ngồi xuống chỗ đối diện với tôi, gạt mấy sợi tóc rối ra sau tai, hai mắt nhìn chằm chằm vào tôi. “Nếu không đến đây gặp tôi, anh nhất định sẽ phải hối hận cả đời, đúng vậy chứ?” Tôi ngẩn ra, thế rồi cô ta lại nhanh chóng bổ sung thêm một câu: “Cảm giác khi bị người ta nhìn thấu thế nào?”
Tôi khẽ mỉm cười, trong trái tim xưa nay vẫn luôn lý trí và lạnh lẽo bất giác trào lên những tia ấm áp xen lẫn thấp thỏm bất an. Tôi gật đầu, nói với cô ta: “Đúng vậy, nếu không tới đây gặp cô, tôi nhất định sẽ phải hối hận. Tôi tới đây với tư cách là một “đồng loại” của cô, không đại diện bất cứ thế lực nào.”
”Kỳ thực không chỉ có anh và tôi.” Cô ta nghiêm túc nói: “Còn có một người thứ ba nữa cũng giống như chúng ta vậy.”
Lòng tò mò đối với “đồng loại” nhanh chóng làm nhiễu loạn tâm trí của tôi. Tôi hoàn toàn buông bỏ lòng để phòng, nôn nóng nói co ta: “Còn có người khác nữa ư? Là ai vậy?”
”Tôi có thể nói cho anh biết tên của cô ta.” Diệp Thu Vi khẽ chớp mắt, hờ hững nói: “Anh có thể còn chưa biết cô ta là một người quen của anh đấy.”
Trái tim tôi đập rộn lên, nhịp thở cũng trở nên hơi rối loạn. Nếu bắt buộc phải nói tôi có nhược điểm tâm lý nào đó, vậy thì có lẽ chính là lòng tò mò đối với “đồng loại“.“Người mà tôi quen ư?” Tôi lập tức truy hỏi: “Rốt cuộc là ai vậy?”
Diệp Thu Vi hơi hé miệng ra. “Cô ta tên là...”
* * *
Đúng vào khoảnh khắc cái tên này sắp đi từ khu vực bên rìa tiềm thức vào trong ký ức của tôi, tôi đột nhiên cảm thấy đầu óc quay cuồng, bên tai lại một lần nữa vang lên tiếng rít quái dị kia, ngay sau đó, một luồng sáng dữ dội chẳng biết từ đâu rọi đến khiến cho hai mắt của tôi đau nhói. Theo bản năng, tôi bịt tai và nhắm mắt lại, nhưng tiếng rít và luồng sáng rực rỡ kia vẫn chẳng chịu tan đi. Tôi đau khổ kêu to một tiếng, cảm thấy đầu nặng chân nhức, rồi đổ gục xuống đất, trán đập mạnh vào mép bàn trà. Tôi đưa tay lên ôm trán, nằm ngửa người ở chỗ giữa xô pha bàn trà, không ngừng thở dốc.
Một loạt những tiếng bước chân nhè nhẹ bất chợt vang lên, thế rồi một đôi tay dịu dàng đặt lên người tôi. Bà xã một tay ôm lấy cổ tôi, một tay vừa xoa ngực tôi vừa nôn nóng gọi:“Nhất Tân! Nhất Tân!” Giọng nói của cô ấy vang lên giữa những tiếng rít vẫn đang kéo dài mãi không dứt kia. “Anh đừng dọa em nữa mà!”
Giọng nói của cô ấy mang tới cho tôi cảm giác chân thực vô cùng, tôi há to miệng, hít sâu một hơi, hai chân dùng sức đạp mạnh xuống đất, từ trong ký ức và ảo giác trở về thực tại, trở về trong phòng khách nhà tôi vào thời điểm ngày 23 tháng 7 năm 2012. Tôi ngẩng đầu lên, ngửi thấy mùi cơ thể vô cùng quen thuộc của bà xã tôi, thế là tinh thần mới từ từ khôi phục trở lại.
Ngay sau đó, tôi nghe thấy tiếng hờn giận và oán trách quen thuộc của bà xã: “Ôi, đã nói với anh là đừng nghĩ nhiều rồi mà, thế mà anh còn cứ ngồi đây suy nghĩ lung tung. Chẳng lẽ anh muốn dọa chết em hay sao? Anh có biết em lo lắng cho anh thế nào không?”
Tôi lại thở dốc mấy hơi nữa, sau đó thè lưỡi liếm môi đưa tay xoa mặt, nói:“Không sao, anh không nghĩ nhiều gì cả, chỉ hơi mệt thôi.”
”Mệt rồi thì mau đi ngủ đi!” Cô ấy đỡ tôi ngồi lên xô pha. “Anh đừng có đi phỏng vấn gì thêm nữa!”
Nhắc đến phỏng vấn, tôi tức thì nhớ đến Diệp Thu Vi. Chiều ngày 12 tháng 9 năm 2011, tôi đã gặp được cô ta trong ICU của Bệnh viện Nhân dân số 2. Cô ta nói cho tôi biết, còn có một cao thủ tâm lý thứ ba giống như chúng tôi, hơn nữa cũng là một người phụ nữ. Diệp Thu Vi đã nói ra tên của người phụ nữ đó, nhưng bất luận thế nào tôi cũng không nhớ ra được. Ký ức sau đó thì đã trở nên hết sức mơ hồ, tôi chỉ nhớ được rằng mình đã trò chuyện với Diệp Thu Vi rất lâu, sau đó thì rời khỏi phòng bệnh, nói kết quả điều tra cho Chủ nhiệm Viên biết. Sau đó nữa thì…
Sau đó nữa thì ký ức của tôi đã chạy tới thời điểm trung tuần tháng 10 năm 2011. Chủ nhiệm Viên tìm đến tôi, nói là Diệp Thu Vi đã được bảo vệ, đang ở trong Bệnh viện Tâm thần thành phố, tùy tiện ám sát cô ta sẽ rút dây động rừng. Ông ta hy vọng tôi có thể đặt ra một kế hoạch kín kẽ sau đó dùng phương pháp ám thị giải quyết Diệp Thu Vi luôn trong bệnh viện. Nhưng tôi vẫn còn lờ mờ nhớ được, trạng thái của tôi khi đó hình như đã bị quấy nhiễu bởi một thứ gì đó. Chủ nhiệm Viên đồng ý là sẽ cho tôi thời gian để hồi phục. Sau đó, ký ức lại một lần nữa xuất hiện sự rạn nứt, tôi lờ mờ nhớ được một buổi đêm nào đó trong năm 2012, tôi và Chủ nhiệm Viên đã gặp nhau trong một ngôi nhà ở ngoại ô thành phố. Ông ta vừa hút thuốc vừa nói với tôi: “Thời cơ đã chín muồi, tháng sau tôi sẽ sắp xếp cho anh tới Bệnh viện Tâm thần thành phố để phỏng vấn. Anh bây giờ có vấn đề gì không? Có thể khống chế được anh ta không?”
Tôi nhớ là mình đã khẽ gật đầu, sau đó liền nói bằng giọng lạnh lùng và âm u vô hạn: “Tôi sẽ ẩn nấp kĩ một chút, không để cho anh ta hay biết gì.”
Chủ nhiệm Viên nhả ra một hơi thuốc. “Cẩn thận một chút, anh ta tuy là lá chắn của anh, nhưng đồng thời cũng có thể trở thành vũ khí để Diệp Thu Vi đối phó với anh. Nhớ đấy, nếu như thất bại, sẽ không có ai bảo vệ anh đâu.”
Tôi nhắm mắt lại, cảnh tượng tiếp theo là lãnh đạo đặt một tập tài liệu xuống bàn làm việc của tôi. “Nhất Tân, đây là chủ đề chính của tháng Chín, cậu xem qua đi.”
Tôi cầm tập tài liệu đó lên xem, thấy trên trang đầu viết là “Phân tích tâm lý của tội phạm giết người trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội“.
Cảnh tượng tiếp nữa thì là lão Ngô đưa tay sờ gáy, nói với tôi bằng giọng mang đầy ý vị sâu xa: “Lão Trương, về chủ đề tâm lý tội phạm trong giai đoạn chuẩn bị kia của cậu có một người chưa biết chừng có thể giúp được cậu đấy.”
Cảnh tượng cuối cùng là lão Ngô ngẩng mặt lên, nhìn tôi, nói: “Là một bệnh nhân trong bệnh viện của tớ...”
Trái tim trở nên nặng nề vô hạn, tôi khẽ lắc đầu theo bản năng rồi giật mình bừng tỉnh từ trong dòng ký ức hỗn loạn.
Là X - người tới Bệnh viện Tâm thần thành phố gặp Diệp Thu Vi là X, tôi chỉ là lá chắn của anh ta mà thôi. Anh ta đi gặp Diệp Thu Vi chỉ vì một mục đích, đó là giúp Tập đoàn A loại trừ sự uy hiếp. Nhưng, tôi rốt cuộc đã làm gì? Tôi là X ư? Tôi và anh ta là cùng một người ư? Diệp Thu Vi từng gặp tôi rồi, cũng biết rõ thân phận của tôi, tại sao lại đồng ý gặp tôi nhiều lần như thế, hơn nữa còn kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện của bản thân? Cô ta rốt cuộc muốn làm gì? Lời mà cô ta nói với tôi rốt cuộc có bao nhiêu phần là thật, bao nhiêu phần là giả? Tôi rốt cuộc là ai? Tôi rốt cuộc bị làm sao vậy?
”Nhất Tân...” Bà xã khẽ xoa lưng tôi, mấy lần muốn nói gì đó mà lại thôi, cuối cùng mới nức nở nói: “Anh đừng suy nghĩ nhiều nữa, cũng đừng đi phỏng vấn gì nữa cả, em xin anh đấy...”
Giọng nói của cô ấy khiến tôi lại một lần nữa quay trở về thực tại. Tôi đưa tay day mắt, cắn mạnh vào đầu lưỡi, cố ép cho mình phải tỉnh táo trở lại. Tôi không thể để mặc cho X khống chế bản thân, tôi nhất định phải làm rõ mối quan hệ giữa mình và X, nhất định phải làm rõ trạng thái tâm lý của mình. Tôi suy nghĩ một lát rồi đột ngột nhớ ra tập tài liệu về những vụ chết người kia, thế là bèn đứng bật dậy đi về phía phòng đọc sách. Bà xã vội vàng kéo tôi lại từ phía sau, đồng thời hạ thấp giọng nói: “Nhất Tân, anh đừng suy nghĩ nhiều nữa, em xin anh đấy...”
”Em hãy đi với anh, chỉ một lát thôi.” Tôi bình tĩnh nhìn cô ấy. “Anh sắp làm rõ mọi việc rồi.”
Bà xã mặt mày nhăn nhó thở dài, nhưng rốt cuộc cũng chỉ đành khẽ gật đầu vẻ hết cách. Đúng vào lúc này, con trai tôi mở cửa phòng của nó ra, bất an đứng ở cửa, lại đưa tay dụi cặp mắt lim dim, nhìn tôi bằng ánh mắt quái dị.
”Đản Đản!” Bà xã vội vàng chạy tới. “Mẹ làm con thức giấc phải không?”
Thằng bé vội vàng lắc đầu đáp: “Dạ không, con chỉ đang buồn tiểu thôi.”
Tôi cũng bước tới xoa đầu con trai, đồng thời khẽ nở nụ cười với nó. Nó cười lại với tôi, nhưng nụ cười rõ ràng là đầy vẻ căng thẳng và nôn nóng. Khi đó tôi đang đặt toàn bộ tâm tư lên người X, do đó chẳng nói lời nào, cứ thế đi vào trong phòng đọc sách, bà xã thì kéo con trai đi vào trong nhà vệ sinh.
Tôi ngồi xuống trước bàn, lấy tập tài liệu về những vụ chết người mà Thang Kiệt Siêu giao cho tôi ra, bắt đầu lật từ đầu tới cuối một cách chậm rãi. Sáu người chết đầu tiên lần lượt là Tạ Bác Văn, Đinh Tuấn Văn, Trần Hy, Vương Vĩ, Triệu Hải Thời, Hà Ngọc Bân. Người chết thứ bảy là Lưu Hướng Đông, nhưng ông ta căn bản chưa chết, thời gian tử vong của ông ta được ghi là ngày 8 tháng 11 năm 2009, nhưng đó thực ra là ngày mà tôi và Diệp Thu Vi giao chiến với nhau lần đầu tiên – thời điểm được cố tình nhắc đến trong tập tài liệu này có lẽ cũng ẩn chứa một sự ám thị nào đó.
Người chết thứ tám tên là Vu Khang, vừa mới nhìn thấy cái tên này trước mắt tôi đã xuất hiện ngay hình tượng một người đàn ông lưng hùm eo gấu, hai tay xăm trổ xanh lè. Ngay sau đó, một số mảnh ký ức vụn vặt bỗng ùa vào trong đầu tôi, tôi loáng thoáng nhớ ra: Hồi đó là tháng 7 năm 2003, tôi đã đến một làng nhỏ ở ngoại ô phía nam thành phố, hỏi thăm mấy người dân trong làng về một người đàn ông tên là Vu Khang. Tôi đã tìm hiểu được rất nhiều thông tin hữu dụng, chẳng hạn như về gia đình, về quá trình trưởng thành, về đặc điểm tính cách của Vu Khang. Một người dân còn nói cho tôi biết, hồi nhỏ Vu Khang từng bị vùi lấp bởi đất cát đổ xuống từ một chiếc xe tải, thiếu chút nữa thì mất mạng, về sau, tôi đã lợi dụng nỗi sợ hãi đối với xe tải cỡ lớn của Vu Khang, lại dùng biện pháp ám thị khiến anh ta nảy sinh chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế tiêu cực, cùng thì khiến cho anh ta bỏ mạng trong một vụ tai nạn xe cộ ở đường Vành đai 4 phía tây thành phố.
Tôi nhanh chóng nhìn lướt qua tài liệu một chút:
Vu Khang, nam, sinh năm 1977, người bản địa, không nghề nghiệp, bị một chiếc xe tải hạng nặng cán chết tại đường Vành đai 4 phía tây thành phố. Qua giám định của cảnh sát giao thông, phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về vụ tai nạn giao thông này.
Trên tài liệu không có ghi chép gì về thời gian tử vong, nhưng tôi nhớ rất rõ ràng, anh ta chết vào đầu tháng 8 năm 2003, là do chính tôi giết chết bằng biện pháp ám thị. Còn về việc tại sao lại phải giết anh ta thì tôi nhất thời không thể nào nhớ ra được.
Tôi đưa tay lên day mạnh trán, lại lần đến trang thứ chín của tập tài liệu kia:
Trần Đồng Kính, nam, sinh năm 1972, người bản địa không nghề nghiệp, chết do nhảy từ tầng cao của khách sạn xuống đất, qua giám định được xác định là tự sát.
Sau khi đọc đi đọc lại mấy lần, tôi rốt cuộc đã có một chút ấn tượng về người tên Trần Đồng Kính này. Anh ta là một gã đàn ông béo phệ, đầu trọc, cẳng chân còn to hơn đùi tôi một chút. Tuy không nhớ rõ giữa mình và anh ta đã xảy ra chuyện gì, nhưng trực giác nói cho tôi biết, anh ta là một người mặt thiện lòng gian, hơn nữa còn đáng ghê tởm vộ cùng. Tôi vẫn loáng thoáng nhớ được là anh ta bị mắc chứng rối loạn nhân cách thể xung động khá nghiêm trọng, rất dễ chịu sự ám thị từ người khác. Tôi đã lợi dụng đặc điểm này của anh ta, từ đó tiến hành phá hoại mối quan hệ giữa anh ta và bạn bè, người thân, từ đó dẫn dắt cho anh ta nhảy lầu tự sát trong một cơn xung động.
Vụ tự sát này của anh ta hình như diễn ra vào mùa thu năm 2003, thời gian cụ thể là khoảng tháng Mười.
Người chết thứ tám và thứ chín đều là do tôi giết. Tôi hít sâu một hơi, tiếp tục lật tới những trang tiếp theo. Người chết thứ mười tên là Mã Thạch Nguyên. Trong ấn tượng của tôi, anh ta là một người khá ít nói, vóc người hơi gầy, nhưng toàn thân đều toát ra vẻ dữ dằn và hung hãn. Mọi người đều rất sợ anh ta, tôi cũng sợ anh ta - tại sao tôi lại sợ chứ? Tôi không nhớ giữa mình và anh ta rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì, nhưng kết cục của anh ta thì có thể nhớ được đại khái: Anh ta thích kìm nén sự giận dữ, sau đó chờ thời cơ bùng nổ. Tôi đã lợi dụng điều này, tìm cơ hội thổi bùng lên cơn giận dữ của anh ta, khiến anh ta lao vào một khu chợ chém bị thương nhiều người, cuối cùng thì bị cảnh sát bắn chết tại chỗ, thời gian là vào khoảng tháng Giêng năm 2004.
Tôi xem lướt qua tập tài liệu: Mã Thạch Nguyên, nam, sinh năm 1975, người bản địa, nhân viên công ty sửa chữa ô tô Tại quảng trường ** ở trung tâm thành phố đã cầm dao chém bị thương bảy người không quen biết, bị cảnh sát bắn chết tại chỗ.
Anh ta cũng là do tôi giết.
Tôi lại lật đến trang tiếp theo, thông tin về người chết thứ mười một được ghi như thế này: Trương Nghĩa Quân, nam, sinh năm 1960, người bản địa, Tổng giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn **.
Tôi bất giác ngây người ra đó, người tên Trương Nghĩa Quân được nhắc tới trong tập tài liệu này là một người chú trong họ đã qua đời từ nhiều năm trước của tôi, lúc ban ngày khi trò chuyện với Hà Hải Phong ở đồn công an tôi từng vô tình nhắc đến tên ông ta. Ông ta và cha tôi có chung một ông sơ1, tuy về mặt máu mủ thì đã xa xôi lắm rồi, song quan hệ giữa hai bên vẫn luôn không tệ.
1.Tức là cha của ông cố, ông nội của ông nội – ND.
Hồi đầu những năm chín mươi của thế kỷ trước, ông ta từ quê nhà lên thành phố lập nghiệp, trong thời gian này cha tôi còn từng giúp đỡ ông ta rất nhiều về mặt vật chất, hai bên gia đình cũng giữ mối quan hệ khá thân mật với nhau. Mùa đông năm 2004, ông ta đột ngột qua đời trên đường phố vì một cơn nhồi máu cơ tim cấp tính, hồi đó tôi còn tới dự tang lễ của ông ta...
Nghĩ đến đây, một số ký ức xa xôi và mới mẻ bất giác ùa vào trong đầu tôi, phát sinh những sự xung đột và hòa hợp với ký ức vốn có của tôi. Tôi nhớ rất rõ là dịp đầu đông năm 2004, tôi đã tiến hành đi sâu vào điều tra trạng thái tâm lý của Trương Nghĩa Quân, thế rồi phát hiện hồi nhỏ ông ta từng rất sợ chó. Về sau, tôi đã lợi dụng chó để khiến cho nỗi sợ hãi này của ông ta bùng phát, cuối cùng thì mất mạng ngay trên đường phố.
Trương Nghĩa Quân là chú của tôi, thế mà tôi lại đi giết ông ta ư? Dù tôi nhất thời khó có cách nào tiếp nhận sự thật này, vậy nhưng quá trình điều tra, trù tính và cuối cùng là ám thị đối với ông ta đang hiển hiện ra hết sức rõ ràng trong đầu tôi. Đúng thế, chính tôi đã giết ông ta. Nhưng tại sao tôi lại phải giết ông ta chứ? Tôi đã cố gắng nhớ lại trong hơn hai phút, rốt cuộc vẫn chẳng thể nhớ ra nguyên nhân cụ thể, chỉ lờ mờ cảm thấy là Trương Nghĩa Quân dường như từng làm ra chuyện gì đó có lỗi với tôi.
Lại một phút nữa trôi qua, tôi dừng việc suy nghĩ lại, cúi xuống nhìn vào tập tài liệu kia một lần nữa. Khi nhìn thấy cái tên Trương Nghĩa Quân, tôi đột nhiên ý thức được một vấn đề nghiêm trọng: Trước đây tôi từng không chỉ một lần lật xem tập tài liệu về những vụ chết người này, tại sao lại chẳng có chút ấn tượng nào về những người chết ở sau Lưu Hướng Đông? Những người khác tạm chưa xét đến, nhưng Trương Nghĩa Quân là họ hàng của tôi cơ mà, hơn nữa còn từng qua lại nhiều năm với gia đình tôi, nếu tôi từng nhìn thấy tên của ông ta trong tập tài liệu này thì ắt không thể nào quên được. Vậy nhưng đêm đó tôi lại cảm thấy mình mới lần đầu tiên nhìn thấy cái tên Trương Nghĩa Quân trong tập tài liệu về những vụ chết người, chuyện này rốt cuộc phải giải thích ra sao đây?
Chẳng lẽ tài liệu từng bị đánh tráo? Không đúng - tôi lật xem lại bảy trang đầu tiên, thấy trên chỗ trống mỗi trang đều ghi đầy các thông tin về trạng thái tâm lý của người chết, hơn nữa bút tích rõ ràng là của tôi, qua đó đủ thấy tài liệu nhất định chưa từng bị đánh tráo. Nhưng nếu tập tài liệu này vẫn luôn nằm trong tay tôi, vậy thì tại sao tôi lại cảm thấy mình chưa từng nhìn thấy cái tên Trương Nghĩa Quân ở trong đó chứ? Nếu người chết thứ mười một trong tập tài liệu này không phải là ông ta, vậy thì có thể là ai được đây? Tôi đã suy nghĩ rất lâu, vậy nhưng vẫn không nhớ ra những cái tên khác, ngược lại còn bắt đầu cảm thấy mình trước đó hình như thực sự đã từng nhìn thấy cái tên Trương Nghĩa Quân rồi.
Rốt cuộc đoạn ký ức nào mới là thật đây? Tôi nằm bò trên bàn đọc sách, dùng tay đỡ trán, đầu óc trở nên có chút hỗn loạn. Lúc này, bà xã đẩy cửa đi vào, bước tới trước bàn, lại đặt tay lên lưng tôi, đưa cho tôi một cốc trà hoa nhài tỏa hương thơm thoang thoảng. Tôi đón lấy cốc trà, cô ấy nhẹ nhàng xoa lưng tôi, sau đó không nói một lời, lẳng lặng bước qua chỗ khác. Nghe âm thanh mà phán đoán, có lẽ cô ấy đã ngồi xuống chiếc xô pha ở sau lưng tôi rồi. Tôi uống mấy ngụm trà, cảm thấy tâm trạng vốn đang phiền muộn bất giác nguôi ngoai đi rất nhiều. Sau khi đặt chiếc cốc xuống, một số cảnh tượng hơi mơ hồ đột nhiên tràn vào trong đầu tôi, lóe hiện trước mắt tôi, tuy cực kỳ khó nắm bắt nhưng tôi vẫn có thể phát hiện ra một số thông tin có giá trị từ trong những mảnh vụn ký ức này.
Tôi nhìn thấy một cảnh tượng như thế này: Đó dường như là một buổi sáng, tôi ngồi trong xe đọc tập tài liệu về những vụ chết người, những cái tên như Vu Khang, Trần Đồng Kính, Mã Thạch Nguyên lần lượt lọt vào trong tầm mắt tôi. Ngay sau đó, tôi nhìn thấy tên của Trương Nghĩa Quân, nhưng chỉ mới nhìn thoáng qua thôi tôi đã vội vàng dùng ngón trỏ tay trái che cái tên này lại - tôi căn bản không muốn làm như thế, người đó không phải là tôi, mà là...
Là X.