BUỔI ĂN SÁNG CUỐI CÙNG
Nguyễn Hòa đứng trước cửa phòng số 321, đưa tay lên vuốt mái tóc dợn sóng bồng bềnh. Chàng muốn mình thật chải chuốt, đẹp trai trước khi đưa tay gỏ cửa. Trong khi chờ đợi, chàng chăm chú nhìn cái xe đựng thức ănsáng. Trên chiếc khăn phủ trắng tinh, bửa ăn sáng của bà Hoa được trình bày thật đẹp mắt và sang trọng: chiếc đĩa trứng chiên được đậy kỹ càng bằng một cái nắp bằng bạc sáng loáng, ba lát bánh mì nướng vàng trên một cái dĩa sứ nhỏ, một cái thẩu nhỏ bằng pha lê đựng đầy mứt và một cái hoa hồng đỏ thắm trong một bình cắm hoa bằng bạc, cái hoa này là phần của Nguyễn Hòa riêng tặng thêm bà Hoa. Bà Hạnh Hoa rất thích Nguyễn Hòa và... bà Hạnh Hoa là một bà già rất giàu. Trong ba năm qua, rất nhiều lần bà Hoa đã thưởng Nguyễn Hòa những món tiền lớn, nhiều khi lên đến cả trăm đô la. Nhưng giờ đây bà quyết định làm một chuyện to lớn hơn, một chuyện sẽ đưa Nguyễn Hòa ra khỏi hoàn cảnh tối tăm hiện nay và cho phép chàng sống cuộc đời xứng đáng với dáng vóc hào hoa của chàng. Người thanh niên trẻ tuổi này thèm muốn được hưởng những thú vui trên đời mà đồng tiền có thể đem lại, nhưng đến tận ngày hôm nay, vì hoàn cảnh khó khăn, chàng chỉ được nghe nói tới chứ chưa được hưởng ngày nào.
Ngày hôm qua, sau khi Nguyễn Hòa đem đồ ăn sáng lên, chàng thấy bà Hạnh Hoa còn ngủ, mái tóc đen mướt khó coi đối với một bà già như bà xõa dài trên mặt gối. Bà Hạnh Hoa đau tim rất nặng và bà phải sống thật cẩn thận.
- Ồ anh Hòa đó hả? bà reo lên một cách thương mến khi thấy chàng bước vào - trông anh trẻ và vui sống qua... phải chi tôi được như anh.
Rồi trong khi chàng bày hoa lên bàn, bà xuýt xoa:
- Anh cưng tôi quá, nhưng tôi thích sự lịch sự và tế nhị của anh..
Sau đó, bà đòi ngồi dậy và Nguyễn Hòa phải nghe lại đến lần thứ mấy trăm câu chuyện đời của bà. Chuyện ngày bà và ông em sinh đôi tên Bách còn trẻ. Từ ngày bà Hạnh Hoa sống ở khách sạn Lệ Thanh này, Nguyễn Hòa đã được nghe đi nghe lại câu chuyện chán phèo này nhưng lần nào chàng cũng tỏ vẻ chăm chú.
- Anh biết không, khó mà tưởng tượng được một chuyện gì mà chúng tôi không làm chung với nhau -bà kể lể - chúng tôi cùng cảm thấy giống nhau - Này như chuyện ngày đó tôi còn ở Việt Nam, tôi đang là một người vợ trẻ sống ở Saigon, tôi bỗng phải bị mổ ruột dư, chỉ hai mươi tiếng đồng hồ sau, người ta lại phải đem Bách vào bệnh viện mổ ruột dư như tôi.
Bàn tay nhăn nhúm với những ngón tay mang đầy nhẩn hột xoàn của bà duỗi dài trên nền ra trắng:
- Khi tôi khỏe tôi phải ra Đà Nẵng thăm Bách ngay. Bây giờ chồng tôi đã bỏ tôi đi qua thế giới bên kia thì tôi chỉ còn Bách là người thân duy nhất trên đời này. Ờ, tôi có một thằng cháu tên Hùng và con em nó tên Mai nhưng đối với Bách tôi là người thân duy nhất còn lại.
Gương mặt bà chợt sáng lên, bà nhìn Hòa bằng tia mắt ranh mảnh nhắc cho ta nghĩ đến thời xa xưa, chắc bà cũng là người đàn bà có nhan sắc.
- Lần này, khi rời khách sạn, tôi không còn để lại cho anh một món tiền thưởng nhỏ nhoi nửa đâu - bà giải thích bằng một giọng làm ra vẻ bí mật - Tôi có một ý kiến tuyệt vời. Một người trai trẻ có lòng như anh phải được sống xứng đáng hơn. Sáng nay tôi vừa viết xong chúc thư. Chiều nay tôi sẽ đọc lại trước khi gởi đi cho ông chưởng khế.
Nhớ lại câu chuyện đó, Nguyễn Hòa sửa lại chiếc cà vạt đã nằm thẳng thắn trên cổ áo chàng xong đưa tay lên gõ cửa phòng lần nữa. Không nghe tiếng trả lời, chàng mở cửa và đẩy xe đựng thức ăn vào. Đã nhiều lần chàng phải đánh thức bà Hoa dậy rồi nên chuyện này không có gì đáng ngạc nhiên.
Với những cử chỉ nhẹ nhàng, cố tránh gây nên tiếng động, Nguyễn Hòa sửa soạn mâm đồ ăn sáng để bà Hoa có thể ngồi ăn trên giường. Chàng bưng khay thức ăn để lên ngay dưới chân bà Hoa xong nhẹ nhàng lay bà dậy:
- Thưa bà dậy ăn sáng cho nóng.
Mái tóc đen khác thường và dị hợm của bà Hoa rủ rượi trên nền gối trắng. Nguyễn Hòa lẩm bẩm:
- Chắc bà này chết rồi quá!
Hòavừa cầm bàn tay gầy đét của bà Hoa lên xem còn có mạch đập hay không vừa đưa mắt nhìn quanh căn phòng khách sạn được trang hoàng rất sang trọng và lịch sự. Chiếc khăn choàng cổ bằng tơ mỏng thật đắt tiền của bà Hoa vắt ngang chiếc ghế của cái bàn viết ở giủa phòng. Trên bàn, ngoài báo chí, thơ từ là một xấp hình của ông Bách, một người đàn ông đứng tuổi mang kính trắng có vẻ đạo mạo nhưng ốm yếu.
Hòa nhìn lại một lần nữa khuôn mặt trắng bệch đầy vẻ chết chóc của bà Hoa xong bình tỉnh đến gần chiếc bàn viết và lục loại chồng thơ từ đã được dán tem sẵn chỉ chờ được gởi đi
Chỉ cần một phút đồng hồ là Hòa đã tìm ra cái phong bì dài gởi cho ông Vũ Thống, chưởng khế. Phong thư chưa được dán lại. Hòa rút ra xem. Với nét chữ run rẩy, bà Hạnh Hoa cho biết những ý muốn cuối cùng của bà. Bản chúc thư được viết vào ngày hôm trước và hai nhân chứng ký tên ở dưới là hai cô bồi phòng của khách sạn Lệ Thanh. Bản chúc thư được viết rất rõ ràng và đúng luật: ngoài những món nữ trang, hình bóng và một vài đồ vật riêng tư được để lại cho một người bà con xa, tất cả của cải của bà Hạnh Hoa đều được "dành cho người bạn trẻ Nguyễn Hòa đáng mến đã săn sóc tôi với tất cả sự trung thành trong thời gian tôi cư ngụ ở khách sạn Lệ Thanh".
Nguyễn Hòa đứng lặng người, tim chàng đập mạnh trong lồng ngực. Bà Hạnh Hoa đã chết và chàng trở nên giàu có.
Chàng nhìn lại phía giường ngủ. Bà Hoa đang mở đôi mắt thật to nhìn chàng.
Nguyễn Hòa run rẩy đặt cái chúc thư xuống bàn và đi về lại phía giường. Đúng thật vậy, bà Hạnh Hoa đang mở to đôi mắt nhìn chàng chăm chú. Nguyễn Hòa nghiêng mình xuống gần bà:
- Lần này tôi chưa chết. Hòa, hãy gọi bác sĩ mau lên.
- Thưa bà vâng - Nguyễn Hòa vừa nói vừa đưa tay về chiếc điện thoại được đặt trên chiếc bàn ngủ.
Chàng đưa mắt nhìn lại bà Hạnh Hoa. Đó là một người đàn bà phi thường. Chưa cần đến bác sĩ, khuôn mặt của bà đã trở lại gần như hồng hào và Nguyễn Hòa chợt ý thức được rằng chỉ cần một thời gian ngắn nữa thôi, người đàn bà "đã chết"trước đây vài phút sẽ trở lại mạnh khỏe như thường. Nguyễn Hòa lại có cơ mang trở lại là anh bồi phòng không một xu dính túi cộng thêm vài món nợ cờ bạc đang chờ đợi anh. Có thể còn lâu lắm bà Hạnh Hoa mới "chết" thật và nếu bà nổi hứng bất tử - mấy bà già đồng bóng vẫn như vậy - bà có thể viết lại chúc thư cho một anh bồi phòng khác dễ thương, chiều chuộng bà giỏi hơn chàng.
Nguyễn Hòa nhìn xuống giường, đôi mắt bà Hoa đã khép lại. Thật ra, khuôn mặt của bà vẫn còn in dấu của tử thần. Giờ dây, dù có được chăm lo thật kỹ càng, bà ta cũng chỉ còn sống thêm một vài tuần cùng lắm là một vài tháng nữa thôi.... Tóm lại, cái chết đối với bà chắc sẽ sung sướng hơn, bà sẽ không phải lo lắng nữa.
Nguyễn Hòa với tay lấy một cái gối và đặt nhẹ trên mặt bà Hoa. Chỉ cần một vài phút ngắn ngủi. Hòa tự an ủi rằng dù sao bà ấy cũng đã chết cách đây mấy phút trước rồi.
Lần này Hòa muốn sự việc thật chắc chắn. Anh kiểm điểm lại mạch máu, sờ xem da bà lạnh chưa, và như anh đã từng đọc trong sách, anh lấy một cái kiếng nhỏ bỏ túi và để lên mũi bà Hoa, chẳng có dấu vết hơi thở nào trên ấy cả.
Nguyễn Hòa bỏ khay thức ăn trên giường và chạy ngay lại bàn viết. Để ngăn ngừa sự nghi ngờ có thể xảy ra vì cái chết đột ngột của bà Hạnh Hoa, Hòa xóa hết dấu tay của mình trên những đồ vật chàng đã chạm phải, bỏ lại cái chúc thư vào trong phong bì, dán lại và gắn tem lên. Nguyễn Hòa cẩn thận mở cửa phòng, nhìn thật kỹ càng xem có người nào trông thấy hay không xong đem thư từ để trên bàn viết ra bỏ vào thùng thơ được đặt gần thang máy.
Nguyễn Hòa tự thưởng cho mình một nụ cười thật tươi. Giờ thì dù có ông chưởng khế nào đa nghi nhất cũng không thể chứng minh được rằng cái chúc thư đó không phải là ý định cũa bà Hoa. Thêm nữa, Phương và Uyên, hai cô bồi phòng lẽ nào để cho người khác quên được chính hai cô đã là hai nhân chứng cuối cùng cho những ý muốn của bà Hạnh Hoa, mặc dù các cô đó có thể không biết được nội dung của tờ giấy mà bà này nhờ hai cô ký. Nguyễn Hòa nghĩ thầm khi nào lãnh được gia tài chàng cũng sẽ tặng cho hai cô này một món quà đáng giá. Sau khi kiểm soát lại tình trạng bà Hoa một lần cuối, Nguyễn Hòa gọi điện thoại xuống văn phòng khách sạn.
- Nguyễn Hòa đây. Tôi đang ở phòng 321 và tôi có cảm tưởng rằng bà Hạnh Hoa có vẻ đau nặng lắm. Chắc các ông phải gởi ngay bác sĩ của khách sạn lên gấp.
Khi bác sĩ Quang lên phòng, Nguyễn Hòa đứng ngay cạnh giường bà Hoa như muốn che chở cho bà trước những cặp mắt tò mò và không tình cảm.
- Tội nghiệp cho bà - anh nói với bác sĩ - tôi đem thức ăn sáng lên ... bà ta không có thì giờ để thưởng thức nữa.
Ông bác sĩ gật đầu và tiếp tục cuộc khám nghiệm:
- Ừ, thật hết cả rồi, bà này đã chết - Ông vừa nói vừa cất ống nghe vào lại trong chiếc cặp đen của ông - Tôi đã nghi là tim bà này không còn chịu đựng được thêm nhiều ngày nữa đâu. Tôi sẽ đi báo tin này cho bác sĩ riêng của bà và ông chưởng khế biết.
Sau khi người ta đã đem xác bà Hạnh Hoa đi rồi, Nguyễn Hòa vẫn tiếp tục làm việc cho đến hết giờ làm của anh. Sau đó anh có ba giờ nghỉ vào buổi trưa và chiều phải đến khách sạn lo dọn cơm tối.
Hôm đó, trước khi đi chơi, Hòa đã ăn diện cẩn thận: áo quần thể thao đúng thời trang, giày láng bóng. Anh cảm thấy sẵn sàng đi chinh phục cuộc đời.
Đi ngang một cửa hàng chưng đầy xe hơi kiểu mới nhất, anh dừng lại để ngắm những chiếc xe bóng loáng mà kiểu xe cho ta biết nó chạy rất nhanh và là loại xe sang trọng. Anh tự nghĩ thầm, sau khi giấy tờ thừa hưởng gia tài xong xuôi, việc trước nhất mà anh ta làm là mua ngay một chiếc xe. Anh đã chán đi bộ và leo xe bus lắm rồi. Cứ mỗi lần anh để dành gần đủ số tiền đặt cọc cho một chiếc xe thì khi nào anh cũng lại đánh mất nó trong một cuộc đánh cá hoặc mấy ván bài xui xẻo. Không, đối với một người như anh thì chỉ có giải pháp trả tiền mặt là chắc ăn nhất và đây là lần đầu tiên trong đời anh sẽ làm được chuyện đó.
Bóng của anh được phản chiếu lại từ cửa kính của tiệm bán xe hơi: trông anh vừa trẻ, vừa quyến rủ vừa hiên ngang. Rồi đây anh sẽ có tất cả những gì mà một người đàn ông như anh phải có.
Như thường lệ, cửa tiệm của Chánh chỉ mở cửa he hé. Một người đàn ông mập và khó thương với đôi mắt ti hí như hai sợi chỉ đang ngồi sau quầy hàng. Đó là người thân tín của Chánh, con dê tế thần của anh ta, người hay bị cảnh sát bắt nhốt vì tội thu tiền bất hợp pháp những vụ đánh cá các độ đua ngựa hay đá banh. Chánh đều đặn đóng tiền phạt cho anh ta và anh này được tha ra để rồi lại bị bắt lại vài tháng sau đó.
Nhìn ra Nguyễn Hòa, người đàn ông mở cửa cho vào. Hòa đi thẳng vô nhà sau, nơi dành để ghi những vụ đánh cá. Căn phòng hẹp đầy khói thuốc của những người đánh cá từ những trận đá bóng cho đến những độ cá ngựa đang bận rộn với những cái điện thoại và những chiếc máy phát thanh to lớn, dềnh dàng.
- Chào anh Chánh! Hòa nói lớn - Anh có tin tức gì cho ngày hôm nay không?
Với vẻ mặt giả dối, Chánh nhìn Hòa bằng với cái nhìn lạnh lẽo:
- Tin tức mới nhất mà tôi có là số tiền tín dụng của anh đang xuống thấp nhất từ trước đến nay,anh bạn ạ! Anh đã nợ tôi trên năm trăm đô la rồi, ngày hôm nay anh phải trả đủ mới tính chuyện đánh cá tiếp được!
Nguyễn Hòa đưa mắt nhìn chung quanh, mọi người đều đang bận rộn nên chẳng ai để ý đến câu chuyện giữa chàng và Chánh:
- Anh Chánh nghe đây, Hòa nhẹ nhàng trả lời - tôi biết rõ tính của anh nên tôi nghĩ tôi có thể nói chuyện thẳng với anh về chuyện này.
Chánh tỏ vẻ khó chịu, anh nhả một ngụm khói vào mặt của Hòa.
- Tôi xin lỗi anh, anh Chánh! Nhưng lần này anh hãy tin tôi: Đó là chuyện một bà già tôi săn sóc ở khách sạn. Bà đã chết vào sáng hôm nay và tôi là người được thừa hưởng gia tài của bà ta. Bà ấy rất giàu và ăn tiêu như một bà hoàng. Tôi chỉ còn chờ đợi người ta mở bảng chúc thư ra, nếu không lấy được tiền ngay tôi cũng có thể mượn một số tiền khá lớn trong số tiền tôi được thừa hưởng.
Chánh nhún vai:
- Thôi được, tôi cũng ráng liều vậy! anh ta nói bằng một giọng không cảm xúc.
Nguyễn Hòa đưa mấy tờ giấy ghi số đánh cá ra cho Chánh xong bước ra khỏi phòng và đi xuống trung tâm thành phố. Chàng cảm thấy thật dể chịu. Nếu hôm nay mà chàng gặp may thì chàng có thể chịu đựng được cho đến khi tờ chúc
thư được công bố. Khi mà gia tài đã vào tay chàng rồi thì những giấc mơ của chàng sẽ thành sự thật: chàng sẽ đi khỏi thành phố này và sẽ định cư ở một thành phố to, đẹp hơn, Las Vegas chẳng hạn. Ở đó chàng sẽ tiêu tiền bằng thích và các cô gái trẻ đẹp sẽ bu lấy chàng. Đúng là một đời đáng sống.
Trong một giây, đôi mắt cầu khẩn của bà Hoa lại hiện ra trước mắt chàng, giọng nói đứt quảng thều thào cầu cứu của bà như thì thầm bên tai chàng. Hòa đuổi nhanh những ý nghỉ đó ra khỏi đầu óc. Thật ra chàng đã làm một chuyện đáng làm, giúp cho bà Hoa có một cái chết nhanh chóng, bà đã già và mệt mỏi lắm rồi và ngoài người anh sinh đôi ra, bà cũng chẳng còn kẻ nào thân thích trên cõi đời này, bạn bè cũng chẳng có ai.
Rồi trong một phút tự khen lấy mình, Hòa chợt nghĩ với những lời nịnh hót của chàng, những món quà nho nhỏ và lối nghe như không bao giờ chán của chàng đối với những câu chuyện nói đi nói lại của bà già về sắc đẹp ngày xưa, về những mối tình lẩm cẩm, Nguyễn Hòa đã cho bà Hạnh Hoa ba năm cuối đời thật hạnh phúc.
Hòa trở về lại khách sạn đểlàm việc lại, và mặc dù trong túi chẳng có bao nhiêu tiền nhưng sao lòng chàng cảm thấy thật thoải mái.
Tối hôm đó, không khí khách sạn có vẻ lặng lẽ hơn ngày thường. Dù sao sự hiện diện của bà già lịch sự đó trong phòng khách hay phòng ăn của khách sạn khi bà khỏe trong người cũng là một hình ảnh đẹp mắt.
Nguyễn Hòa nói với những người làm việc chung với chàng;
- Bà Hoa đúng là một người đàn bà phi thường. Tôi thật tình cảm thấy hụt hẩng khi dọn ăn sáng cho bà và sau đó biết rằng bà đã bỏ chúng ta mà đi...
Nguyễn Hòa có cảm tưởng như mình là con trai của người quá cố đang nhận lời chia buồn của những người quen với người ấy. Cộng thêm cái gia tài chàng biết sắp được hưởng, cảm tưởng đó còn có vẻ thật hơn nữa.
Vào ngày hôm sau thì không ai còn nghi ngờ gì về lý do từ giã cõi đời của bà Hoa nữa. Đúng là bà chết sau một cơn đau tim.
Vì đã đoán trước rằng bản chúc thư đã đến tay ông chưởng khế nên Nguyễn Hòa chẳng ngạc nhiên lắm khi chàng nhận được điện thoại của thơ ký ông này vào buổi trưa. Bà này mời Nguyễn Hòa đến văn phòng chưởng khế Vũ Thống vào buổi trưa từ mười bốn giờ ba mươi đến mười sáu giờ chiều hôm nay.
Sau khi xong việc, Nguyễn Hòa thay nhanh y phục và đi đến văn phòng Vũ Thống cách khách sạn chừng nửa cây số. Đó là một văn phòng thật lớn và sang trọng với những tấm thảm Ba Tư dày cộm và màn cửa bằng nhung màu xanh sẩm.
Bà Hạnh Hoa vẫn thường nhắc đến tên ông chưởng khế với câu nói "Đó là người lo hết công việc cho tôi". Nguyễn Hòa rất thích câu nói này của bà. Chàng tự hỏi không hiểu sau này chàng có phải cần đến một "chưởng khế Vũ Thống" để lo công việc của "Chàng" hay không?
Bà thư ký đưa Nguyễn Hòa vào gặp ông chưởng khế. Người đàn ông lịch sự với mái tóc trắng nhìn ra chàng ngay:
-À, anh Nguyễn Hòa. Tôi đã được gặp anh nhiều lần ở khách sạn khi tôi đến thăm bà Hạnh Hoa.
Nguyễn Hòa thở ra nhẹ nhỏm vì không ai có ý nghi ngờ gì về cái chết có vẻ đột ngột của bà Hoa. Chàng không muốn bị người đàn ông có cái nhìn sắc bén và đôi môi mím chặt đó nghi ngờ chút nào.
-Đây rồi! Ông Vũ Thống bắt đầu câu chuyện, tay ông cầm cây bút chì gõ nhẹ xuống mặt bàn - Hôm nay bưu điện đem đến cho tôi cái chúc thư viết tay của bà Hoa. Bản chúc thư rất hợp lệ. Nó được viết vào ngày hôm qua, hai nhân chứng là hai người làm việc ở khách sạn Lệ Thanh. Thông thường thì tôi chưa có quyền nói chuyện này với ông một cách quá sớm như vậy, nhưng đây lại là một trường hợp đặc biệt.
Ông ta ngừng lại và mời Nguyễn Hòa điếu thuốc lá.
- Bà Hạnh Hoa có vẻ bằng lòng cách làm việc của anh lắm anh Hòa ạ...
- Tôi cũng rất mến bà ấy...
Nguyễn Hòa chợt ý thức là chàng đã nói thật. Chàng cũng quen làm việc với bà già này.
Ông Vũ Thống ngừng một chút xong nói tiếp:
-Ờ, bà Hạnh Hoa bằng lòng anh lắm nên đã để lại cho anh tất cả những gì thuộc về bà ấy.
Nguyễn Hòa vừa cố làm ra vẻ ngạc nhiên và nhủn nhặn, nhưng ông Vũ Thống đưa tay ra ngăn chàng trả lời:
- Trước khi anh nói, dù là chuyện gì đi nửa, tôi muốn cho anh biết một chi tiết vô cùng quan trọng. Ngoài những nữ trang và vài thứ lặt vặt bà ta để lại cho một người bà conxa, bà ta chẳng còn gì nữa hết.
Nguyễn Hòa nghe tim mình như muốn nhảy thoát ra khỏi lồng ngực. Chàng gần như muốn ngất xỉu.
- Cũng có một thời bà Hoa là một người đàn bà rất giàu có. Bà và người anh em sinh đôi được thừa hưởng của bố mẹ họ để lại một gia tài rất lớn. Nhưng sau một thời gian, ông chồng bà ta đã phung phí hết phần của bà ấy. Từ lâu lắm rồi, ông Bách vẫn phải gởi cho bà Hoa một số tiền lớn cho bà tiêu xài hằng ngày và tôi là người lo chuyện đó. Tôi không tin là tuổi già đã làm cho bà Hoa quên, nhưng tôi nghĩ là bà ấy muốn tưởng tượng rằng mình vẫn còn giàu có như ngày xưa. Nhưng thật tình bà chẳng còn đồng nào cả.
Hình ảnh những chiếc xe đua bóng lộn, những bộ áo quần thời trang vô giá và nhất là khuôn mặt hắc ám của Chánh nhảy múa trước mắt Nguyễn Hòa. Giọng nói đều đều của Vũ Thống vẫn bay đến tai chàng, chỉ lớn hơn tiếng vọng của dòng xe cộ đang lưu thông dưới đường.
- Mà cũng thật lạ lùng! Bà Hạnh Hoa thường nói đến chuyện bà và người anh em sinh đôi hay cùng làm chung một chuyện và ngay cả khi xa nhau hàng ngàn cây số, họ cũng cùng cảm nhận được những nỗi vui buồn như nhau.
- Ông Nguyễn Hữu Bách đã chết vào tối hôm qua sau cái chết của người em gái sinh đôi chừng mười hai tiếng đồng hồ. Nếu bà Hạnh Hoa còn sống bà đã được thừa hưởng tất cả của cải của ông Bách. Nhưng vì bà ấy chết trước, gia tài của ông Bách sẽ về tay em gái người vợ đã chết từ lâu của ông ta hiện đang sống ở San Jose.
Nguyễn Hòa không thể nào chịu đựng được thêm phút nào mùi thơm nhẹ nhàng của cái hoa hồng độc nhất được cắm trong bình hoa để trên bàn viết của Vũ Thống.... Chàng lặng lẽ quay người bỏ đi.