ĐÙA DAI
Ý kiến này đến từ Nguyễn Sơn từ trong căn phòng chính của sở cảnh sát Trung Ương nơi các phóng viên có trách nhiệm viết về những tội phạm trong ngày ngồi tập họp chờ đợi tin tức. Đêm nay không có tin gì gay cấn, mọi người ngồi chơi bài một cách chán nản. Nguyễn Sơn vứt cây bài xuống bàn và nói:
- Tôi có một ý kiến. Tụi mình phá ông già Linh một chuyến đi!
Vũ Linh là người gác đêm cho nhà xác, vào tầng dưới cùng của sở cảnh sát. Ông ta làm việc gì cũng chậm chạp, trí óc của ông còn chậm hơn. Ông đã hơn bảy mươi tuổi rồi, đáng lẽ hội đồng thành phố đã cho ông về hưu từ lâu nhưng gánh nặng gia đình của ông quá lớn, vợ ông đang bị bệnh nan y và lương hưu sẽ không đủ vào chỗ nào cả. Vì công việc của ông chẳng có chi khó khăn nên thượng cấp của ông vẫn để ông làm việc.
-Phá chuyện gì đây? Hoàng Long, phóng viên của nhật báo Ngày nay, một người đàn ông gầy nhom chuyên viết về mục Tội Ác hỏi Sơn. Ông này liền nói cho Long nghe. Long lắc đầu phản đối:
- Tôi không thích chuyện này. Ông già Linh chậm hiểu lắm. Thôi để cho ông ta yên.
Nhưng thật khó lòng ngăn cản được Nguyễn Sơn khi anh ta đã quyết định làm một điều gì. Tánh anh hay đùa, và anh nổi tiếng đã bịa ra những trò đùa độc nhất vô nhị. Đối với anh ta, chỉ có chuyện đùa là đáng kể, còn những người bị anh ta trêu chọc ra làm sao, anh ta không cần biết đến.
Nguyễn Sơn cứ nằn nì và Hoàng Long không muốn cãi nhau nên bằng lòng.
Lê Thông của nhật báo Tự Do là một người tốt bụng, sau khi uống một vài ly rượu xong thì ai rủ gì cũng làm. Vậy là cả ba người đi xuống nhà xác. Vũ Linh ngồi ở chiếc bàn giấy nhỏ xíu trong căn phòng rộng mênh mang. Ông đợi người đến thay thế cho ông. Vì cận thị nặng nên ông không đọc sách, cũng không nghe đài phát thanh. Ông chỉ lặng lẻ ngồi chờ đến hết giờ làm việc.
Dọc theo bề dài của bức tường trong căn phòng chính là một dãy những ngăn kéo bề ngang chừng nửa thước và bề dài gần hai thước vừa đủ cho một người có tầm vóc trung bình nằm thỏai mái nếu người này không có ý định trở mình. Chắc chắn là những người nằm trong những ngăn kéo đó cũng không khi nào có ý định đó. Những người này đều được ướp lạnh dưới không độ và vì San Francisco là một thành phố lớn có nhiều tai nạn hay xảy ra nên những người bị nạn vô danh thật nhiều. Vì vậy những hộp sắt này gần như lúc nào cũng có người.
- Bố ơi! - Nguyễn Sơn lên tiếng - Chúng tôi muốn xem hộp số 11. Chúng tôi vừa nhận được tin có lẽ đó là xác của ông chủ ngân hàng ở Nửu Ước bị mất tích mấy ngày nay-
- Số 11 à?
Ông già Linh nặng nề đứng lên và đưa mấy ông nhà báo đi dọc theo bờ tường. Đến một ngăn kéo ghi số 11 ông mở chốt và kéo ra, trên đó có xác một người được phủ bằng một tấm ra trắng.. Nguyễn Sơn giả vờ giở tấm ra lên để quan sát.
- Giống ông ấy thật! Sơn gục gặc đầu. Họ tả ông ta y như vậy. Bố đi lấy giùm hồ sơ của ông ta cho tụi này đi...
-Tôi đi ngay, ông Sơn...
Người gác đêm xoay người lại và nặng nề bỏ đi.
Nguyễn Sơn nháy mắt cho Hoàng Long đi theo ông già vào văn phòng ông ta. Hai người này vừa đi khuất thì Nguyễn Sơn và Lê Thông sửa soạn ngay trò chơi của họ.
Để giữ chân ông già Linh, Hoàng Long giả vờ đọc chăm chú hồ sơ số 11, chờ cho đến khi Lê Thông vào.
- Thôi đừng mất thì giờ nữa bố già ơi! Tôi nghĩ là chúng tôi lầm rồi. Bây giờ Bố cho số 11 đi ngủ lại đi! - Lê Thông vừa nói vừa cố gắng nín cười - Thôi Long ơi, chúng mình lên đánh bài lại vậy!
Hai ông phóng viên bỏ đi nhưng ra đến hành lang họ đứng lại chờ. Ông Vũ Linh sắp xếp lại giấy tờ cẩn thận vào ngăn kéo xong ông chậm rải nặng nề đi trở lại căn phòng chính của nhà xác, đến cái ngăn đã được kéo ra trên đó có một hình thù nằm dài được phủ ra kín mít.
Khi còn cách cái hộp chừng bốn thước thì ông trông thấy tấm ra nhúc nhích. Một tiếng rên lớn vọng ra và hình thù được tấm ra phủ lại từ từ ngồi lên. Chiếc khăn che khuất mặt của xác chết, vả lại trời vừa tối và mắt ông già Linh lại cận thị nên ông không thể nào nhận ra người vừa ngồi lên là Nguyễn Sơn được. Tôi là ai? anh chàng phóng viên giả giọng ồ ồ lên tiếng - Ông làm gì tôi vậy?
Vũ Linh ngập ngừng đứng lại. Nguyễn Sơn đưa bàn tay quấn trong chiếc ra trắng chỉ ngay vào mặt ông: Ông, ông già kia! - anh ta gầm gừ - Ông định giết tôi phải không?
Trò đùa thật vô ý thức và thô bỉ như tất cả mọi trò đùa khác của Nguyễn Sơn. Nhưng anh ta chỉ muốn phá một ông già mà anh nghĩ rằng sự thông minh nhanh nhẹn đã bị tuổi tác làm hao mòn. Nếu Nguyễn Sơn muốn làm cho ông già hết vía thì anh ta đã thành công. Trong một giây, ông Linh đứng sửng, mặt tái xanh, gần như tắt thở. Rồi ông quay người lại và bỏ chạy thật nhanh như chưa bao giờ ông chạy nhanh như vậy từ hai mươi năm qua.
-Trời đất ơi, ông ta còn sống!- ông già la lớn - Ông ta còn sống. Ông Bình cảnh sát đâu rồi? Ông đến ngay, có một xác chết còn sống. Ông thở hổn hển và chạy qua mặt Hoàng Long và Lê Thông, leo ngay lên gác để đi tìm người cảnh sát trực.
Nguyễn Sơn nín cười, nhảy ngay ra khỏi ngăn đựng xác chết, vứt tấm ra trắng lại và đậy ngăn kéo số 11 thật nhanh.
- Mau đi mấy ông ơi, - anh ta vừa nín cười vừa nói - chạy nhanh lên trước khi cha cảnh sát trực đến bây giờ! Cha này sẽ xùng lắm đó! Cha đang bị đau dạ dày mà!
Bọn họ vừa vào phòng họp báo chí của sở cảnh sát thì nghe tiếng chân của ông cảnh sát trực, thằng nhỏ phụ việc ở nhà xác và tiếng ông già Linh lắp bắp ngoài hành lang:
- Tôi thấy nó ngồi hẳn lên mà ông, nó nhìn ngay mặt tôi và...
Tiếng nói tắt dần cho đến khi tiếng chân đi đến cuối hành lang và đi xuống nhà xác. Nguyễn Sơn ngã người ra ghế và bật lên cười lớn, Hoàng Long có vẻ bối rối trong khi Lê Thông tỏ ra hối hận đã phụ mấy người này trong câu chuyện đùa dai quái ác này.. Anh châm một điếu thuốc, nghĩ sao lại dụi nó tắt đi.
Ba phút sau người cảnh sát mập trở về, ông ta đứng ngoài hành lang, ngay trước cửa phòng họp và nhìn mấy ông phóng viên một cách giận dữ:
- Đồ một bọn khùng! -ông ta gầm gừ - Đúng là bọn phá hoại.
Rồi ông ta, làm như biết sự giận dữ của mình đối với tụi nhà báo chỉ nên đi đến một mức độ nào thôi, nên ông ta ngừng nói và đi về lại văn phòng, nện mạnh gót giày lên sàn nhà một cách bực bội.
- Xì, đồ cảnh sát bị lừa! Nguyễn Sơn vừa cười vừa nói - Chắc lão ta xùng lắm. Nhưng...... ủa mà mấy ông làm sao vậy? Bộ chuyện này không đáng cười hay sao?
- Tôi ra ngoài! Hoàng Long vừa nói vừa đưa tay cầm lấy cái nón. Nếu có ai hỏi tôi mấy anh nói dùm tôi đang đi kiểm soát một tin tức vừa về.
Nói xong anh đi ra cửa.
- Đồ hèn! Nguyễn Sơn lầm bầm...
Những cốc rượu uống hồi tối đã bay hơi nên Lê Thông cũng chán nản nhún vai:
- Nghĩ lại thì chuyện này chẳng có chi đáng cười - Anh nói - Tôi đi uống chút gì rồi về nhà. Dù sao bây giờ báo cũng đem đi in rồi.
Rồi anh ta cũng bỏ đi.
Nguyễn Sơn nhăn mặt, lấy từ túi áo ra một điếu xì gà, cắn khúc đuôi phun xuống sàn nhà rồi lầm bầm:
- Chán thật! Mấy tên này không biết thưởng thức trò đùa chút nào cả!
Anh đang châm điếu xì gà thì ông già Linh bước vào, hai chân ông lê trên sàn một cách mỏi mệt, mắt ông liếc nhanh khắp phòng.
- Đó là một chuyện không nên làm, ông Nguyễn Sơn ạ! Giọng ông Linh to hơn mọi lần - Nó có làm cho tôi kinh hoảng thật, nhưng đó không phải là chuyện lôi thôi đáng nói. Nhưng nó làm cho ông Bình bực mình với tôi. Ông ta không ngớt than thở rằng tôi cứ tìm ông ta bất cứ giờ phút nào. Chúng tôi đi xuống nhà xác và thấy mấy xác chết vẫn như thường, ông ta kết tội tôi bị mắt quáng gà. Khi tôi kể mấy ông làm báo xuống đòi hỏi giấy tờ thì ông Bình hiểu ngay đó là một trò đùa dai của ông.
Ông Linh ngừng lại để thở, ông nhìn chăm chăm Nguyễn Sơn, nhưng tia mắt không có vẻ gì thù hận. Sơn châm điếu xì gà một cách chậm chạp.
- Ông ta nói nếu tôi còn nghe lời các ông hoặc phạm một lỗi lầm nhỏ nhặt nào nữa thì ông ta sẽ tìm mọi cách cho tôi nghỉ việc, chuyện mà đáng lẽ phải xảy ra từ lâu rồi. Tôi không thể nghỉ được, tôi cần số tiền lương đó! Vậy thì tôi xin ông, ông Nguyễn Sơn, đừng bao giờ đùa dai với tôi nữa.
Nói rồi ông già Linh đứng lại thêm một vài giây xong quay lưng chậm chạp bỏ đi. Nguyễn Sơn nhún vai, nhả một hơi thuốc xong vớ điện thoại lên nói:
- Báo Công Luận phải không? Thư ký tòa soạn hả? Tôi Nguyễn Sơn đây. Chẳng có gì giật gân cả. Sao báo đưa đi in rồi à? Vậy tốt, tôi đi về nhà, sáng mai tôi dến!
Anh đặt máy xuống, phà một hơi khói rồi bước ra khỏi phòng.
Một khi ra khỏi sở cảnh sát rồi, Nguyễn Sơn lại ngập ngừng. Trời vừa lạnh vừa tối. Anh cảm thấy chán nản, anh cần nhất là đàn bà và rượu, sau đó là nói đùa, cười và chọc phá người khác. Anh quyết định đi uống một vài ly cho yêu đời trở lại nhưng anh không muốn vào những quán rượu quen, anh sợ phải gặp Lê Thông và Hoàng Long. Anh lựa một quán rượu nhỏ gần bến tàu, nơi không người nào trong giới viết báo đến cả.
Quán rượu vừa nhỏ vừa dơ bẩn, nhưng chất whisky làm ấm người lên thật nhiều. Sau ly thứ ba, Nguyễn Sơn lấy lại sự vui vẻ yêu đời. Anh lại cảm thấy muốn chọc phá. Thêm một ly nữa là anh quên hết, chỉ nghĩ chuyện vui chơi. Anh lại suy nghĩ một trò đùa khác. Một buổi tối làm sao trọn vẹn được nếu không có sự đùa nghịch, phá lẩn nhau giữa một đám anh em bạn bè? Lê Thông và Hoàng Long chỉ là những người không biết sống.
Nguyễn Sơn nhìn xung quanh mình. Đêm đã khá khuya, hai giờ sáng rồi còn gì. Quán rượu gần như vắng vẻ.. Chỉ có mỗi mình anh, ông pha rượu và một tên sồn sồn da nhăn nhúm đang gác một chân lên bàn uống bia. Nhìn bề ngoài, người đàn ông pha rượu có vẻ vui tính, thích đùa, và tên sồn sồn kia chắc phải làm theo thôi. Thằng cha ốm nhách, chỉ có da bọc xương thì làm được chuyện gì?
Nguyễn Sơn cười nho nhỏ khi anh ta cúi xuống buộc dây giày. Anh lẹ tay nhét một que diêm giữa mặt đất và đế giày của ông sồn sồn đang uống rượu. Rồi anh bật lửa và châm vào que diêm. Anh lại ngồi thẳng người lên và kêu một ly rượu mạnh khác.
Anh nháy mắt với người pha rượu khi anh này đưa ly whisky cho anh .Anh gật dầu về hướng người đàn ông uống rượu xong nói nhỏ:
- Để anh xem... vui lắm.
Người pha rượu mở to mắt chẳng hiểu chuyện gì. Nhưng Nguyễn Sơn, miệng há rộng, cố gắng nín cười. Ông sồn sồn bỗng hét lên một tiếng và nhảy bổ ra phía sau. Tay ông ta đập mạnh vào que diêm đang cháy dưới chân.
Nguyễn Sơn cười lớn và tìm đồng minh nơi anh pha rượu.. Người đàn ông bỏ chân xuống đất, gầm lên và quay nhìn người phóng viên:
- Đồ khốn... ông không nói dứt câu, tay đã đưa lên đấm vào mặt ông này.
Cú đấm trúng ngay mặt Nguyễn Sơn khi anh này vừa xoay mặt ra. Nó trúng ngay miệng. Anh mất thăng bằng, không làm sao ngồi vững, anh ngã ngửa người ra sau, đầu đụng phải quầy rượu. Anh chỉ còn kịp nghe một tiếng gãy ghê hồn ở một chỗ nào đó trong óc rồi thì tất cả đều đen kịt.
Người đàn ông nhìn Sơn với đôi mắt tức giận:
- Đồ khốn nạn! Dám đốt gót chân của Lê Phong à!
Người pha rượu đi từ từ ra trước quầy, vừa đi vừa lau hai bàn tay vào cái khăn quấn trước bụng:
- Anh đánh nó hơi quá tay đó anh Phong, - rồi mở to mắt anh nói tiếp - sao nó có vẻ im lìm quá vậy!
- Còn sao nữa, một cú đấm ngay miệng mà - ông sồn sồn tiếp lời - nó phải bị gãy ít nhất cũng hai ba cái răng... Cho đáng đời, lần sau đừng chơi những trò đó nữa.
-Sao cái đầu cha này có vẻ kỳ quá - Người pha rượu quỳ xuống đất, nhìn Sơn và nói với người đàn ông.
Xong anh ta thò tay sờ vào ngực và mạch ở tay Sơn và nói tiếp:
- Hắn chết rồi - Anh nói - Chết như con cá mòi đông lạnh.
- Chết?
Người đàn ông đưa tay lên sờ lên miệng.
- Bố khỉ, chỉ là một tai nạn! Tôi không cố ý đánh mạnh để gây thương tích cho nó! Chỉ là một tai nạn, anh nghe không?
- Đúng rồi, đúng rồi anh Phong! Chỉ là một tai nạn.
Anh đứng dậy và bước nhanh ra khóa cửa tiệm, hạ màn cửa xuốngvà tắt hết đèn bên ngoài. Xong anh lại đến gần Nguyễn Sơn.
- Có chuyện không hay rồi anh Phong! vừa nói anh vừa lục túi Nguyễn Sơn - Tụi cảnh sát đã gây đủ thứ rắc rối cho tôi rồi, thêm cái xác chết này nữa thì mệt lắm, còn anh, anh cũng đã bị ra tòa hai lần về tội đánh nhau rồi.
- Được rồi, được rồi, tôi nóng tính thật và cũng hay dùng trái đấm, nhưng bây giờ phải làm sao đây?
Người pha rượu xem nhanh giấy tờ từ trong chiếc ví của Nguyễn Sơn mà anh vừa lấy ra:
-Anh Phong, chuyện này không những lôi thôi mà còn rắc rối nửa. Thằng khốn nạn là một phóng viên nhà báo. Cũng gần như cảnh sát vậy đó!
- Một phóng viên? Lê Phong cay đắng trả lời - Sao nó lại đi đốt chân tôi và tôi lại đấm cho nó gãy cổ vậy? Tại sao? Tại sao?
-Đừng hỏi tại sao! Tôi có ý kiến. Mình phải đưa xác nó ra khỏi chỗ này. Ngoài kia, ngoài bến tàu đó, mình liệng nó ở đó. Phải làm ra vẻ như nó bị đánh vào mặt hay ... nó say rượu quá và bị té dập mặt...
-Ờ, anh nói đúng, ý kiến hay đó! Lê Phong tươi nét mặt. Sáu giờ sáng tàu tôi rời khỏi bến rồi, tôi sẽ không trở lại bến này nữa, thế là xong. Nếu cảnh sát điều tra đến tận quán này anh chỉ việc nói là thằng cha bỏ đi khi quá say rồi anh đóng cửa tiệm, chẳng biết chuyện gì đã xảy ra....
- Được rồi, bây giờ phải lấy tất cả giấy tờ của nó trước đã. Họ phải tìm ra tung tích của nó trước đã. Như vậy cuộc điều tra sẽ được kéo dài. Thôi bây giờ thì chúng ta đưa nó ra bến tàu...
Tên chủ quán lục hết đồ vật trong túi quần Nguyễn Sơn và bỏ vào túi mình, xong tắt hết đèn của tiệm rượu, mở cửa sau ra.. Cửa này ăn thông với một con hẻm chật hẹp và tối thui.
Một lúc sau, hai người đàn ông dìu Nguyễn Sơn đi ra khỏi tiệm như dìu một tên say rượu không tài nào đứng vững một mình xong đóng cửa lại.
Nguyễn Sơn chợt tỉnh, một sự tỉnh táo nửa chừng thì đúng hơn, vừa đủ để thấy mình còn sống. Anh cố gắng cử động nhưng người anh cứng ngắt và tay chân của anh không chịu nghe lời sai khiến của trí óc anh. Anh chẳng cảm thấy đau đớn gì cả, làm như anh không còn cảm xúc nữa. Anh cũng không biết anh đang nằm làm sao, hình như đang nằm ngửa thì phải.
Cái cổ của tôi - một ý nghỉ thoáng qua óc Nguyễn Sơn - tôi đụng vào nó khi bị ngả ngửa người ra. Cái xương bị gãy khi chơi đá banh thời còn trung học. Tôi lại đụng nó thêm một lần nữa. Bây giờ giống như hồi đó tôi bị nằm yên một tháng không được động đậy, nhúc nhích. Bây giờ hình như bị nặng hơn ngày đó nữa. Cú đấm mạnh quá. Tôi nghe tiếng gãy trong đầu.
Rồi bỗng anh ta nghe có tiếng nói, một tiếng nói như vọng đến từ một nơi thật xa:
- Thôi được rồi, tôi giao cho ông đó. Người ta tìm thấy nó trên bến tàu. Nhìn biết ngay là nó bị đấm vào mặt. Khi anh sinh viên nội trú đến thì người nó đã lạnh rồi. Nằm ngoài trời vào một đêm lạnh như đêm nay thật không tốt tý nào. Ông bác sĩ trực không tìm ra mạch máu cũng không có nhịp tim nào cả. Vậy là họ gởi đến cho ông. Hắn không có giấy tờ gì trong người. Thôi ông săn sóc nó tử tế nhé. Ngày mai mới mổ khám nghiệm được.
Giọng nói im đi và Nguyễn Sơn cảm thấy người ta đang nhấc bổng chàng lên. Có tiếng kêu rắc trong cổ anh phát ra, và bỗng nhiên anh mở mắt được, làm như ai vừa lấy một vật nặng ra khỏi dây thần kinh của anh vậy.
Mặc dù anh vẫn đang còn trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, anh cũng nhìn ra được ngay chỗ anh đang nằm. Đó là nhà xác của sở cảnh sát đô thành.
- Bố già! Bố già Linh... anh thì thầm.
Không để ý chuyện gì cả, ông Vũ Linh vẫn tiếp tục sắp xếp chân tay của Nguyễn Sơn lại cho ngay ngắn. Anh chàng này cố gắng nói to hơn:
- Bố Linh ơi, tôi còn sống đây này...
Người gác nhà xác đang cúi mình vội ngẩng đầu lên ngay và cau mày lại.Nguyễn Sơn lấy tất cả sự cố gắng kêu thêm một lần nửa:
-Bố già Linh,tôi đây!
Rồi anh tiếp tục nói, giọng khàn khàn như vịt đực:
- Tôi, Nguyễn Sơn đây! Tôi còn sống, ông gọi bác sĩ nhanh lên...
Ông Vũ Linh tỏ vẻ sợ hải. Ông cúi xuống nhìn Nguyễn Sơn thật chăm chú.
- Trời ông Sơn. - Ông già nói giọng ngạc nhiên - Tôi đâu có nhìn ra ông, mặt ông sưng vù. Chẳng ai nhìn ra ông cả.
- Ông đừng để ý chuyện đó - Nguyễn Sơn thều thào một cách mệt nhọc - Tôi còn sống, ông đem tôi ra khỏi chỗ này và gọi bác sĩ gấp...
Vũ Linh ngập ngừng, bối rối và suy nghĩ... xong ông chụp vội tấm ra trắng và mở nó ra:
-Ông Nguyễn Sơn, tôi đã nói với ông rồi! Không có đùa dai nữa. Đêm nay một lần là quá đủ rồi.
Ông cẩn thận trải tấm khăn trắng trên thân hình đang nằm dài trên tấm sắt:
- Nếu ông đùa một lần nữa, ông Bình sẽ không tha cho tôi đâu - Ông già nghiêm mặt nói - Không, một đêm hai lần là không được rồi!
Ông chậm rải đẩy tấm sắt vào trong ngăn kéo, đóng cửa lại, ghi lên đó số 12 và xoay ngay chìa khóa khóa hộc đựng người lại.
Ông già Linh chậm chạp trở lại bàn giấy của mình và ngồi đợi người đến thay thế