KHI TÌNH YÊU ĐÃ BAY XA
Những ngày mới gặp nhau, mới yêu nhau, chúng ta đã xây biết bao là mộng đẹp. Ngày cưới mà ta tưởng rằng đó là ngày hạnh phúc nhất đời, là thời điểm mà ta bắt đầu thực hiện những ước mơ ấp ủ trong những ngày yêu nhau, trong những lúc cùng nhau tâm sự. Yêu là nhìn về cùng một hướng, tương lai có nhau sao thấy đẹp lạ lùng. Nhưng rồi, nếu có những cặp vợ chồng sống hạnh phúc bên nhau cho đến khi đầu bạc răng long, thì cũng có những cặp bắt buộc phải xa nhau để có thể tồn tại. Những gia đình tan vỡ trong xã hội máy móc, thiếu tình cảm như ngày nay không còn là chuyện lạ nữa. Nhưng dù sao, đối với đàn ông, không hiểu họ có những cảm nghĩ gì, còn đối với phụ nữ chúng ta, cuộc tan vỡ nào cũng đem lại nhiều đau buồn, hờn tủi. Vậy mà nhiều khi, chính người phụ nữ lại chính là người đề xướng lên sự chia tay. Đề tài đó đã được một tuần báo lớn chuyên về phụ nữ nghiên cứu. Họ đã phỏng vấn rất nhiều người đàn bà ở trong những trường hợp đó, và đã đi đến một nhận xét chung: Khi không còn hợp nhau nữa, khi không còn có thể chịu đựng nhau nữa thì chỉ còn giải pháp duy nhất là sự chia tay vì khi đó “chia tay là sống lại một chút nào” (Rompre, c’est renaitre un peu). Khi trong gia đình, mọi sự không còn hòa hợp, tốt nhất là chúng ta nên ra đi. Đó là câu trả lời của những phụ nữ đã áp dụng phương thức trên, một phương thức rất đau lòng nhưng hình như bắt buộc phải có cho sự tồn tại của họ. Nỗi đau đớn của sự chia ly hay niềm hạnh phúc được trở lại tự do, sự chia tay ở đây tượng trưng cho ước vọng tột cùng của người phụ nữ.
Sau đây là một vài ý kiến điển hình:
Bà Hồng Loan, một giáo sư trung học, phát biểu:
“Đối với tôi, sự chia tay là một khía cạnh khác của tình yêu. Khi chúng ta không còn đem lại được sự thần tiên cho cuộc sống lứa đôi đã trở thành buồn chán, thì tốt nhất chúng ta nên chia tay. Kinh nghiệm cho phép tôi cả quyết như vậy. Tôi vừa ly dị chồng cách đây vài tháng. Sự phản ứng của chồng tôi cho tôi hiểu là tôi yêu chàng hơn tôi nghĩ. Vậy mà chúng tôi chống đối nhau trong hầu hết mọi địa hạt, những chống đối không còn cách nào hàn gắn lại được. Bây giờ, xa nhau rồi, tôi mới hiểu rằng năm năm sống chung với nhau đã trở thành một kỷ niệm không bao giờ phai nhạt và đàng sau những chống đối hàng ngày, chúng tôi đã thật tình yêu nhau. Vì vậy, sự chia tay ở đây đã trở thành một ước muốn cho sự tuyệt đối, và tin tưởng ngày mai sẽ trong lành tươi sáng hơn. Giờ đây, đối với người xưa, mọi chuyện đã an bài, tôi đã phải học một ngôn ngữ khác: Ngôn ngữ của một tình yêu mới. Văn hào Pháp André Maurois nói: “Chúng ta đã sống hết đời và chết cạnh những người đã cùng ta chiến đấu” (Il est bon de vieillir et de mourir auprès de ceux avec qui l’on a combattu). Tôi rất muốn có một đời sống như lời ông ta chỉ bảo, nhưng hình như tôi đã không biết chiến đấu.
Ý kiến của một bác sĩ chuyên về tâm lý, nữ bác sĩ Mireille Dupont về vấn đề chia tay để có thể tồn tại giữa các đôi tình nhân như sau: “Thật ra, cái mà người đàn ông và người đàn bà lo sợ nhất là sự bấp bênh của tương lai, con đường thăm thẳm đầy bất trắc mà họ phải đi qua, những khó khăn bất chợt xẩy đến. Họ sợ sự cô đơn, những thói quen phải từ bỏ, những đứa trẻ mà họ để lại sau cuộc tình. Sự quan trọng là muốn đi tới, cái ước mơ thu xếp hành lý để đi đến cái “hư không”. Cái ”hư không”, cái khoảng trống mà ta phải lấp đầy bằng một cái ”hư không”, cái khoảng trống khác. Phụ nữ hay nam giới, khi được hỏi đến, đều rất bối rối khi phải đối diện với thực tế đó. Làm sao nói với những người đàn bà là cuộc sống hiện tại của họ với người đàn ông họ đang chung sống còn tệ hại hơn cuộc sống sắp tới đang chờ đợi họ? Vì vậy, chia tay là một sự giải thoát, là một bước tiến, là một cuộc thoát thân để đi tìm hạnh phúc, là khởi đầu cho một đời sống an bình, thanh thản hơn nếu thật tình họ mơ ước như vậy. Trở lại độc thân không phải là một điều xấu, đó là đáp số cho một bài toán nan giải về cá nhân ta, về cá tính ta và cả về khả năng thích hợp và tạo hoàn cảnh cho một cuộc sống mới. Đàn ông cũng như phụ nữ không phải được sinh ra ở đời để chịu đựng sự đau khổ. Họ được sinh ra để có một đời sống tròn đầy theo ý họ. Sau mỗi cuộc chia tay, người nào cũng bị bầm giập ít nhiều, những kỷ niệm khó quên trong cuộc sống cứ vẫn ám ảnh họ. Giờ đây họ phải trống trả lại những dấu tích đang làm ung thư đời sống mới của họ, họ phải hiểu rằng, ngày mai mặt trời sẽ mọc trở lại và ngày mới sẽ đem lại cho họ một nguồn vui nào đó trong bầu trời đã bị vẩn đục vì sự buồn tủi tinh thần sau mỗi cuộc chia ly. Khi mọi sự đã không còn êm đẹp mà người đàn ông và người đàn bà đều không thể thoát được sự ràng buộc của cuộc hôn nhân đã trở thành địa ngục đó, họ là những kẻ chưa được trưởng thành, chưa ý thức được sự trách nhiệm của cuộc đời họ. Nói trắng ra, họ là những kẻ hèn. Đối diện đời sống, họ chỉ là những kẻ tật nguyền. Những kẻ đó, suốt đời, sẽ không bao giờ tìm lại được những mùi hương xa lạ, những khám phá mới. Họ sẽ không bao giờ có dịp chọn lựa những con đường rộng rãi thênh thang đầy hoa bướm của cuộc đời trước mặt. Nói tóm lại, đừng bao giờ dễ cho những khó khăn của cuộc sống lứa đôi làm ta chùn bước, phải mạnh dạn tiến lên, gặp gỡ bạn bè, phải biết chia xẻ, yêu thương, cảm thông, lo lắng cho người khác. Những người cứ mãi thụ động trong cuộc sống tăm tối của họ sẽ không bao giờ quyến rũ được người khác”.
Bà Kiều Duyên, 46 tuổi, kể lại cho chúng ta tất cả những cay đắng mà bà đã phải chịu đựng: “Chúng tôi đã sống cùng với nhau hai mươi lăm năm, một phần tư thế kỷ rồi còn gì! Tôi đã cho chồng tôi tất cả tuổi thanh xuân. Chúng tôi có được với nhau hai đứa con gái thật xinh đẹp và thông minh. Cuộc sống của tôi ngày đó chỉ có một mục đích duy nhất là làm sao cho các con tôi thành công trên con đường học vấn và sau đó là trên đường đời. Vì các con, tôi có thể san bằng tất cả mọi trở ngại, dù khó khăn đến đâu. Tôi đã từ bỏ nghề vẽ kiểu áo thời trang cho phụ nữ để về phụ chồng tôi trong cuộc sống làm ăn của chàng. Cách đây bẩy năm, tôi cảm thấy mình đuối sức, tôi không thể nào tiếp tục cuộc sống chùm gửi đó được nữa, tôi có linh tính rằng cuộc đời tôi đang lâm nguy, và tôi đã không lầm. Đúng như vậy, năm nay tôi 46 tuổi, tôi bỗng nhiên thấy mất tất cả, cô đơn, vô định hướng, bị bỏ ngoài lề xã hội vì một cuộc ly dị đã làm náo loạn cái thành phố nhỏ bé mà chúng tôi đang cư ngụ. Chồng tôi không hiểu nổi sự “trốn chạy” của tôi. Ông ấy có quyền hành của “người có tiền” nên ông ấy trở nên người “thắng trận”. Ông ấy đã đóng vai trò của người cha đau khổ với các con gái của chúng tôi. Riêng tôi, tôi chẳng muốn giải thích gì cả. Vì vậy, bẩy năm nay, tôi không gặp riêng các con tôi đến một lần, mặc dù chúng tôi vẫn ở chung một thành phố và thỉnh thoảng vẫn thoáng nhìn thấy nhau. Người chồng cũ của tôi ư? Giờ chỉ còn là một người lạ mặt, không quen! Tôi phải thú thật rằng, giờ đây khi nghĩ đến các con, nhiều khi tôi cảm thấy buồn. Một cảm giác thật chua xót về những bất công của cuộc đời cộng thêm sự chán nản của người thua cuộc. Có thể nào tôi nghĩ rằng, dù sao, tôi cũng đã đạt được mục đích tôi đã nêu ra từ những ngày tôi mới có con chăng? Các con tôi đã thật thành công trên con đường học vấn cũng như trên đường đời, có thể nào tôi cảm thấy được an ủi vì sự đó chăng? Dù sao, giờ đây tôi cũng đã lấy lại được sự quân bình cho tâm hồn, sức khỏe của tôi đã trở lại và tôi đã có đủ can đảm để tiếp tục sống quãng đời còn lại. Tôi vừa mới lập gia đình thêm lần nữa. Đây là một cuộc hôn nhân đã được suy nghĩ và chọn lựa kỹ càng. Nhưng dù vậy, tôi vẫn cảm thấy đau xót và đắng cay mỗi khi nghĩ đến những chặng đường đã qua trong đời mình.
Nữ bác sĩ Amelie Baudeuf nói rằng: “Người ta thường nói, ngày nay, những thử thách làm cho con người khôn lên, trưởng thành ra và giúp cho chúng ta đủ sức mạnh để đối phó với cuộc đời. Riêng tôi, tôi xin mượn một câu của văn hào La Rochefoucault để kết luận: Chúng ta, tất cả đều đủ sức để chịu đựng những đau khổ của kẻ khác.” (Nous avons tous assez de force pour supporter les maux d’autrui).
Sự chia ly có thật đã làm cho ta “sống lại” hay không? Hình như sự lựa chọn nào cũng để lại cho ta một vài sự chua xót đắng cay. Nhưng chia tay để còn thương nhớ nhau, để còn giữ mãi cho nhau những cảm tình tươi đẹp còn hơn sống mà như đã chết trong một cuộc sống không ngày mai, không hạnh phúc. Khi cuộc hôn nhân đã trở thành địa ngục, ta có bổn phận phải thoát ly để tồn tại và làm lại cuộc đời. Phải có can đảm để cắt bỏ cái ung nhọt đi cho đời sống lành mạnh trở lại dù biết rằng cắt bỏ nó đi, ta sẽ bị đau đớn vô cùng. Cuộc sống mới, có thể, lúc khởi đầu thật bấp bênh nhưng còn hơn chết dần trong đau buồn, hận ghét. Ta phải sống và được sống, dù đời sống có thế nào đi nữa, ta vẫn chấp nhận nó vì ta đã lựa chọn nó để thoát ra khỏi một hoàn cảnh đang hủy diệt ta dần dần. Một giáo sư chuyên về tâm lý trường đại học Washington đã viết: “You must be touched by life or you are not there. Allow yourself to feel the intensity of being alive, wheter it is joy or pain. Share your vulnerability”. Nếu ta không bị đời sống ảnh hưởng đến thì thật sự ta không còn hiện hữu trong cuộc sống nữa. Bạn hãy cho phép mình sống thật nhiệt tình dù trong hạnh phúc hay trong đau thương. Bạn hãy chia xẻ với người đời sự nhậy cảm của bạn và như vậy bạn đã thực sự thành công chứ không phải thất bại như bạn nghĩ, vì “Success is the quality of the journey”. Khi tình yêu đã bay xa, gia đình đã trở thành địa ngục, hôn nhân không còn đem lại hạnh phúc nữa mà đã trở thành viên thuốc đắng, bạn hãy can đảm chọn cuộc đời mới có ý nghĩa hơn vì sự thành công ở đời là giá trị giây phút bạn đang sống, là một cuộc sống tràn đầy chứ không phải một sự trống rỗng, không niềm vui, không cảm xúc...
Đừng để cuộc sống chôn vùi ta, trái lại, ta hãy hưởng thụ đời sống. Nếu sự chia tay làm cho bạn “hồi sinh” thì hãy chọn lựa đời sống mới đang chờ đợi bạn, vì, sau những thua thiệt ngậm ngùi, sau những gian nan thử thách, cuối cùng bạn là người thắng cuộc, bạn đã tranh đấu cho chính bạn. (You will win in the long run, if you still want to, because you will be the prize).