Thụy Khanh tạm biệt hai cô bạn rồi đạp xe về nhà giữa trưa nắng đổ lửa. Sáng nay ra cửa ba mẹ đã dặn học xong không được đi lung tung, phải về nhà có chuyện cần bàn.
Nhiệt độ hôm nay lên cao, những tia nắng mặt trời như chiếu thẳng xuống đỉnh đầu, xuyên qua quần áo đốt cháy cả da thịt. Thụy Khanh tự nói với lòng mình đã đạt đến cảnh giới không buồn không vui, không cảm xúc, không suy nghĩ. Nhưng nói thì dễ làm mới khó.
Trúc Khanh đi đâu cũng lên xe xuống ngựa, còn bản thân cô gắn liền với chiếc xe đạp cà tàng này. Đây là phần thưởng cô nhận được khi tham dự cuộc thi vẽ tranh cấp thành phố năm mười hai tuổi.
Cuộc thi không có cơ hội để cô có thể kèm em gái, cho nên đó là lần đầu tiên cô được thưởng theo thực lực. Lúc ấy hạnh phúc biết bao nhiêu, cô cứ nghĩ chiếc xe đạp này để đi chơi, nhưng không ngờ nó lại trở thành phương tiện di chuyển của cô suốt bốn năm đại học.
Dựng chân chống xe nép sát vào gốc nguyệt quế bên hông sân vườn, Thụy Khanh uể oải cởi bỏ nón mũ và bao tay để phía trước rổ xe, rồi ôm cặp táp vào phòng khách. Mẹ đang ngồi bên cạnh Trúc Khanh, tay bưng nước hoa quả năn nỉ em ấy uống. Thấy cô bước vào, mẹ chỉ liếc nhìn một chút rồi tập trung vào em gái.
"Uống đi con yêu. Con chỉ ăn có chút cơm, không chịu ăn trái cây. Uống sinh tố cho khỏe đi con gái. Nếu con không chịu uống mẹ sẽ lo lắng."
"Con không thích cà chua." Trúc Khanh vẫn lắc đầu, đẩy ly nước ra xa.
Thụy Khanh ước gì mình có được ly nước sinh tố đó ngay tại lúc này. Nhưng nghĩ để mà nghĩ, cô muốn uống chỉ có thể xuống bếp tự làm. Trong nhà này chuyện ăn uống, sinh hoạt của cô không ai quan tâm. Cô chào mẹ định lủi lên phòng, lúc này bà mới gọi cô lại:
"Con định lên phòng sao? Đã ăn gì chưa?"
"Dạ chưa. Lát nữa con ăn sau. Con lên thay đồ rồi con xuống."
"Ăn cơm xong rồi nói chuyện với mẹ một chút."
Thật sự Thụy Khanh rất ngán trò chuyện với ba mẹ. Có lẽ sâu trong tiềm thức không nhận được sự yêu thương của hai người nên cô thu mình, chẳng có nhu cầu thân cận với ba mẹ. Trúc Khanh là viên ngọc trong lòng ba mẹ thì cô chỉ là người qua đường đang tá túc trong ngôi nhà này.
Cô giống như ở nhờ, sống nương vào sự bố thí nên phải nhìn sắc mặt của từng người, đặc biệt là Trúc Khanh. Nếu em ấy vui, cô sẽ được hạnh phúc. Nếu em ấy có chuyện, ba mẹ sẽ nhìn cô oán trách vì không quan tâm em. Nên dần dần cô cũng sợ phải tiếp chuyện em gái.
"Con vẫn chưa đói bụng. Hay là mẹ nói bây giờ luôn cho con nghe được không ạ?"
Lúc này Trúc Khanh mới nhìn chị thỏ thẻ: "Ông nội của anh Hoàng mời cả gia đình bốn người chúng ta sang đó ăn tối. Chị đi cùng mọi người nha." Khuôn mặt em gái ánh lên niềm vui sướng.
Kỳ thật Thụy Khanh chẳng biết ai là anh Hoàng nhưng có thể khiến tâm trạng em gái hân hoan thế này có lẽ là người kia, chồng hứa hôn của em gái, cái gã em rể cô đã gặp trong vườn mấy ngày trước. Gã em rể ấy tướng tá trông rất phong độ, lại có bối cảnh không tệ, em gái vừa gặp liền thích là điều dễ hiểu.
Thật ra từ nhỏ ba mẹ đã định hình người đàn ông ưu tú đó sẽ là chồng tương lai của em gái. Tuy em ấy chưa được gặp người kia trực tiếp, nhưng ba mẹ đã đưa em gái xem hình và cập nhật tin tức của người ta cho em thường xuyên. Ba mẹ đã gieo vào tâm hồn thiếu nữ của em sự mơ mộng về người đàn ông này.
Đây là điều chẳng có gì đáng ngạc nhiên, nếu người kia không tài ba xuất chúng, không xứng với em gái, ba mẹ sẽ không tác hợp. Nếu phải duy trì hôn ước sẽ đẩy cô ra. May mắn người kia tốt mọi mặt, nên em gái sẽ thực hiện cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối này. May mắn cô cũng không có tâm tư giành giật, nên thiên hạ vẫn thái bình.
"Chị đâu có liên quan đến cuộc hôn nhân này. Ba mẹ với Trúc Khanh đi là được rồi." Cô tìm cách thoái thoát.
Giọng mẹ đầy uy quyền: "Người ta muốn làm thân với gia đình chúng ta. Muốn biết mọi người trong gia đình. Đây là muốn tiến tới mối quan hệ xa hơn. Con cũng phải đến đó. Ông nội bên nhà mời mọi người cùng có mặt tối nay."
Thụy Khanh biết chuyện đã được quyết định. Đây không phải là trưng cầu ý kiến của cô mà là yêu cầu cô phải tham dự. Cô không có thói quen cãi mẹ, nếu mọi người muốn cô tham dự để làm nền cho em gái, cô sẵn sàng tham dự là được.
"Dạ con đã hiểu. Tối nay con sẽ theo mọi người. Mấy giờ phải sang nhà bên đó ạ?"
"6 giờ phải có mặt. Cho nên chúng ta bắt đầu đi từ 5 giờ 30 chiều."
Thụy Khanh ưng thuận: "Vậy chiều 5 giờ 30 con sẽ về nhà đi cùng mọi người."
Mẹ không vui: "Con định đi đâu? Sao giờ đó mới về? Ba giờ chiều nay stylist sẽ đến làm tóc, trang điểm cho chúng ta. Giờ đó con mới về là sao?"
"Dạ con có giờ học buổi chiều."
Thật ra Thụy Khanh không có giờ học chiều, cô chỉ đi dạy kèm cho bé Vân Tú. Vì phải kiếm tiền trang trải học phí nên ngoài giờ học, cô phải kiêm nhiều vai trò để kiếm thêm thu nhập.
Từ nhỏ phải theo em gái học dương cầm, nên trình độ đánh đàn của Thụy Khanh cũng không tệ. Tuy nhiên so với tài năng của em gái, cô còn kém xa. Có điều cô giáo dạy cho hai chị em lại luôn bảo rằng thích tiếng đàn của cô hơn, nó thanh thoát nhẹ nhàng, không có sự phô trương thiếu cảm xúc như tiếng đàn của em gái.
Thụy Khanh chẳng hiểu lắm mấy lời nhận xét của cô giáo dạy nhạc, nhưng khi ba mẹ nghe cô giáo đề nghị cho cô thi vào nhạc viện thay vì em gái, hai người sa sầm ngay nét mặt. Ai bảo cô giáo không hiểu văn hóa nhà cô. Nếu cô giáo khen ngợi em gái thì tình hình sẽ khác.
Mãi nghĩ lung tung nên Thụy Khanh không nghe em gái nói, em gái phải lặp lại: "Chị nghỉ một buổi đi. Chiều nay chị ở nhà, phải chuẩn bị cho đàng hoàng để tới nhà ông nội, không thể thất lễ được."
"Nhân vật chính là em. Em mới cần phải trang điểm lộng lẫy, chị thì cần gì." Thụy Khanh bàn ra.
"Em con lộng lẫy là đúng rồi, nhưng con cũng không được quá xuề xòa. Hôm nay nghỉ một buổi cho mẹ. Ở nhà xem có phụ giúp gì được cho em con không."
Biết có cãi cũng không mang lại kết quả, Thụy Khanh đành gật đầu. Mẹ không buồn quan tâm đến chuyện học hành của cô. Cái mẹ cần là cô có biết sống vì em gái hay không. Buồn làm gì, cô đã quen với sự thiếu công bằng này từ lúc nhỏ rồi.
"Vậy con xin phép lên lầu, khi nào hai người cần gì cứ gọi con."
Thụy Khanh lê những bước chân mệt mỏi về phòng nằm vật ra giường, mắt nhìn trần nhà nghĩ về cuộc đời. Con người không được chọn nơi để sinh ra, cô đã lỡ bước vào gia đình này, phải biết sống vì mọi người, xem như cô mắc nợ họ nên giờ phải trả.
Gượng người ngồi dậy thì nghe điện thoại báo tin nhắn mới. Hải Đăng cho địa chỉ công ty tiếp thị bảo cô đến. Cô nhắn lại không đến được, rồi gọi một cuộc cho mẹ bé Vân Tú, xin nghỉ dạy. Điều đáng an ủi là mẹ bé không làm khó cô, bảo bận rộn thì cứ nghĩ, ngày khác sang dạy. May mắn ba mẹ của Vân Tú rất quý cô.
Lúc đầu chỉ là dạy đàn cho Vân Tú, sau đó bé vào lớp một, anh chị lại nhờ cô dạy kèm cho bé học văn hóa luôn. Cô trò đã gắn bó hai năm nay nên bé rất thương cô. Biết cô không đến dạy hôm nay chắc bé buồn lắm. Nói thật ra nhà Vân Tú còn khiến cô cảm nhận được tình cảm gia đình hơn những người thân ruột thịt của cô.
Buổi chiều stylist đến trang điểm cho ba mẹ con. Lúc đầu mẹ có ý định hai chị em trang điểm giống nhau, nhưng em gái muốn thật nổi bật, nên bảo hai chị em phải có sự khác biệt. Em gái chẳng bao giờ muốn thua kém chị.
Thật ra em gái không nói thì cô cũng đâu có ý định phải trang điểm đẹp tối nay. Nhân vật chính không phải là cô, cô chỉ đi theo làm nền, tội gì phải trang điểm, ăn mặc xinh đẹp cho mệt người. Thế nên cô chỉ trang điểm qua loa.
Em gái khoác trên người chiếc đầm hoa trắng tinh khôi, đẹp thánh thiện như một nàng công chúa. Thụy Khanh chọn chiếc váy dài caro kẻ sọc, phối với áo kiểu trắng. Bộ cánh chẳng có gì nổi bật của cô làm nền cho em gái tỏa sáng. Sự biết điều của cô khiến ba mẹ và em gái hài lòng.
Như mọi lần, Thụy Khanh ngồi cạnh ghế lái với tài xế, ba mẹ ngồi phía sau chăm chút cho Trúc Khanh. Lúc cô đang thả hồn đi hoang thì bị ba điểm danh:
"Thụy Khanh, tí nữa đến nhà người ta, con ý tứ cho ba."
"Dạ!" Cô lười phải phân trần.
Cái cách ba nói chuyện khiến cô nghĩ mình là đứa mất dạy, thiếu giáo dưỡng nào đó trong khi cô chưa bao giờ gây ra lỗi lầm. Cô chỉ cãi ba mẹ một lần duy nhất trong đời là học sư phạm. Đây được xem là sự nổi loạn ương bướng của tuổi mới lớn.
Theo lời ba mẹ là cô học theo bạn bè, trở thành con người ích kỷ, chỉ biết sống vì bản thân. Mối quan hệ giữa cô và ba mẹ vốn đã nhạt, sau chuyện đó lại càng nhạt thêm. Giờ cô đã quá quen với chuyện bất công của ba mẹ.
Đến nhà em rể, tài xế xuống xe mở cửa cho ba mẹ và em gái. Thụy Khanh tự mình mở cửa bước xuống. Cơ ngơi này hoành tráng thật, chả trách ba mẹ cắn chặt cuộc hôn nhân này. Gả em gái cho người chồng tài hoa, gia đình đạo đức như vậy còn mong mỏi gì hơn.
Thụy Khanh lùi lại đi phía sau ba mẹ và Trúc Khanh. Ông nội bên này và em rể tương lai đang đứng ở cửa đón mọi người. Ba đưa quà tặng cho người giúp việc, miệng mỉm cười thân thiện: "Chút nhân sâm con gửi bác bồi dưỡng sức khỏe."
"Con thật có lòng. Sang đây chơi với bác được rồi, quà cáp làm chi, khách sao quá."
Ông cụ tóc bạc phơ tay cầm cây gậy trông rất phong phạm. Nếu đầu gậy là đầu rồng thì Thụy Khanh nghĩ có lẽ mình đang diện kiến ông cụ thời phong kiến nào đó.
Cô thầm lặng quan sát người ta mà không biết rằng có kẻ cũng đang kín đáo quan sát mình. Minh Hoàng thấy cô đến, trong lòng vui sướng, kế hoạch của anh đã thành công bước đầu. Tối nay chỉ cần giả tạo một chút thôi, vậy mọi chuyện sẽ đi đúng quỹ đạo của nó.
"Đây là hai cô gái song sinh xinh đẹp của chúng ta phải không? Con là Trúc Khanh ông nội đã biết rồi."
Ông nội không giấu sự ưu ái dành cho Trúc Khanh trước rồi mới quay sang cô: "Còn con là chị phải không? Con tên gì?"
"Dạ con là Thụy Khanh." Vô cùng lễ phép.
"Tên đứa nào cũng đẹp. Hai vợ chồng thằng Hưng thật khéo đặt tên." Ông nội hiền từ khen ba mẹ rồi dẫn đầu đi vào "Vợ chồng con cái vào đây, ngồi xuống trò chuyện một chút rồi chúng ta dùng bữa tối cùng nhau."
Vì trong lòng có quỷ nên Minh Hoàng giả vờ ưu ái Thụy Khanh hơn Trúc Khanh. Biết rõ cô cũng như anh không hề coi trọng cuộc hôn nhân này nên anh mới mạnh dạn kiếm chuyện với cô. Trúc Khanh coi trọng anh, không thể dại dột dính líu đến, nếu không sẽ hỏng bét mọi thứ.
Trong lòng đã có chủ ý nên thay vì ngồi gần Trúc Khanh theo đúng mong muốn của hai nhà, anh lại cố tình thân cận Thụy Khanh. Thái độ của anh khiến mọi người hoang mang.
Lúc đầu ông nội cũng không hiểu, nhưng ngồi một lúc thấy mấy hành động kịch tính của anh, ông nội bắt đầu ngộ ra. Vậy là thằng này thích con chị. Với ông thì cô chị hay cô em đều được, miễn nó thích người ta để ông không phải mang tội thất hứa với bạn già.
Chỉ cần cháu nội chịu kết hôn với một trong hai chị em nhà này là ông mãn nguyện rồi. Thế nhưng có người không nghĩ giống ông. Ngó thấy Minh Hoàng dường như có cảm tình với Thụy Khanh, ông bà Hưng khó hiểu.
Trúc Khanh cũng đang buồn bực trong lòng. Chẳng phải mấy hôm trước hai nhà tuyên bố ủng hộ cuộc hôn nhân của anh và cô sao? Hôm đó gia đình anh cũng không phản đối, thế mà hôm nay anh lại hành động lạ lùng.
Không khí vừa nãy vui vẻ giờ bỗng chốc gượng gạo. Thụy Khanh cũng đang mắng thầm trong lòng. Cái gã em rể này bị chạm sợi dây thần kinh nào, tự nhiên lôi cô vào cuộc chiến này là sao?
Ngó thấy mọi người không vui, ông nội muốn xoa dịu tình huống, bèn mời mọi người sang phòng ăn. Minh Hoàng đã quyết phá nát hôn ước nên cố tình chạy tới ngồi cạnh Thụy Khanh.
Bàn ăn hình tròn, ông nội ngồi giữa cô và Trúc Khanh. Gã em rễ thay vì ngồi bên Trúc Khanh lại cố tình ngồi sát cô. Lúc đầu cô chưa hiểu ý gã, nhưng ngồi một lúc thì ngộ ra, gã ta đang cố tình gây rối.
Từ bao giờ cô và gã thân mật đến mức như vừa gặp đã yêu, còn bày đặt gắp thức ăn đầy chén cô. Mặt Trúc Khanh cắt không còn giọt máu. Hai mươi mốt năm sống cùng em, Thụy Khanh hiểu tánh em thế nào. Chỉ sợ trong lòng em đã nổi bão rồi.
Em chỉ muốn mình nổi bật nhất, những gì em đã thích không ai có quyền tướt đoạt. Em gái đang hiểu lầm gã dở hơi này thích cô, hoặc là cô đang muốn cướp đoạt chồng tương lai của em.
Tự nhiên Thụy Khanh cảm thấy muốn ăn tươi nuốt sống cái gã bên cạnh. Anh ta cố ý, cô thừa biết anh ta chẳng có cảm tình gì với cô, thế mà cứ làm ra những hành động gây hiểu lầm, đẩy cô lâm vào tình cảnh khốn cùng. Cô không cần biết anh ta có mục đích nào, nhưng rõ ràng đang làm khó cô.
Thụy Khanh nghĩ cách ngăn gã này lại. Ngó thấy anh ta lại muốn gắp đồ ăn vô tội vạ vào chén mình, Thụy Khanh bặm môi, đưa tay chặn đũa anh ta, miệng nói nhỏ nhưng giọng như rít qua kẽ răng:
"Anh đùa vậy thấy vui sao? Tôi không biết anh có chủ ý gì, nhưng anh đang làm sự việc phức tạp thêm. Hãy dừng lại đi."
Minh Hoàng có chút giật mình, con nhóc này cũng thông minh, có thể nhìn ra anh có chủ ý gì đó. Thú vị thật! Nhưng anh cho là khi anh lăn lộn ngoài đời chín mười năm, thì con nhóc này vẫn chưa ra đời. Sao đòi khôn hơn anh được.
Minh Hoàng tỏ ra vô tội: "Sao Thụy Khanh lại nói vậy. Hai nhà có mối quan hệ như thế nào chẳng lẽ phải đợi anh nói lại cho bé biết sao? Người lớn đã hứa hôn, nghĩa là sớm muộn gì cũng có đám cưới của hai đứa con trong nhà. Anh đây là đang mong mối quan hệ của hai chúng ta tốt đẹp hơn."
Mấy lời cuối cùng anh còn cố tình nói lớn hơn khiến khuôn mặt của bà Hưng và Trúc Khanh xám xịt. Ông Hưng dù sao cũng quen xã giao với mọi loại tình huống nên vẫn kiềm chế được, nhưng vợ và con gái lại không giỏi kiểm soát cảm xúc. Đặc biệt là cô con gái trong người mang bệnh, quả tim yếu ớt nên vừa nghe mấy lời anh nói, mặt cô lập tức xanh xao, hơi thở gấp gáp.
"Con làm sao vậy Trúc Khanh?" Bà Hưng hốt hoảng.
"Con thấy mệt. Con muốn về nhà." Trúc Khanh yếu đuối tựa vào ngực bà Hưng.
"Được, được, mẹ đưa con về." Bà Hưng bối rối thấy rõ.
"Con bé bị sao vậy vợ thằng Hưng?" Ông nội cũng hoang mang.
"Dạ chỉ hơi mệt một chút. Chắc tụi con xin phép bác Minh đưa con bé về nghỉ ngơi." Ba lên tiếng, giọng cũng không giấu nổi lo âu.
Thụy Khanh đã có kinh nghiệm từ trước, nên cũng nhanh chóng đứng lên theo ba mẹ và em gái. Trước khi quay lưng cô không thèm che giấu nỗi ác cảm dành cho Minh Hoàng. Ánh mắt lên án của cô như ngầm hỏi anh đã nhìn thấy hậu quả của chuyện tốt mà anh làm chưa?
(Còn tiếp)
Danh Sách Chương: