• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Sự nhẫn nhịn của Thụy Khanh không được ai nhìn thấy. Hà khắc nhất là bà Hưng, bà như trở thành con người khác, độc đoán, ác miệng. Lúc này, người bà không muốn thấy là Thụy Khanh, nên chỉ cần cô ở trước mặt, bà sẽ hành tội cô. Thụy Khanh mặc bà cấu xé, không hề chống trả, cũng không rơi giọt nước mắt nào.

Ba Mẹ Vân Tú đến viếng đám tang nhìn thấy tình cảnh của Thụy Khanh rất đau lòng, nhịn không được lại trách Minh Hoàng không chăm sóc Thụy Khanh, nhìn cô bây giờ vô cùng bất ổn.

Thật ra Minh Hoàng không rời mắt khỏi Thụy Khanh, chỉ là thỉnh thoảng anh không thể có mặt bên cô kịp thời để ngăn cơn giận của bà Hưng. Ông nội và anh năn nỉ Thụy Khanh nằm nghỉ, thay vì tiếp tục ngồi bên linh cữu, nhưng cô quá bướng bỉnh, bọn anh chỉ đành bất lực.

Ngày động quan, bà Hưng vẫn luôn tỉnh táo, chỉ khi quan tài được đưa xuống huyệt, bà mới gào khóc thương tâm, còn Thụy Khanh thì thầm trong miệng: "Trúc Khanh đi bình an. Mong kiếp sau của em sẽ khỏe mạnh không bệnh tật."

Gia đình ngày trước đã vắng lặng, giờ có tang trông càng thê lương. Bà Hưng nằm vùi trong phòng, mỗi khi Thụy Khanh vào chăm sóc, đều bị bà gạt ra. Cô biết tâm tình mẹ bất ổn, nên không dám giận hờn.

Sáng nay, Thụy Khanh mang súp vào phòng đút cho mẹ, bị bà hất văng ra. Cả chén súp nóng hổi cứ thế trút hết vào người cô, rồi rớt xuống đất vỡ tan. Ông Hưng nghe tiếng động chạy vào, thấy mặt Thụy Khanh bị bỏng vài chỗ, nặng nhất là cánh tay, ửng đỏ trên làn da trắng sứ.

Giọng ông bất nhẫn: "Bà vừa phải thôi. Thụy Khanh có tội tình gì đâu."

Ông quay sang giục con gái: "Vào toilet xả nước đi con, bỏng hết rồi."

Thụy Khanh dợm bước đi thì giọng bà Hưng vang lên đầy ác cảm: "Bỏng cũng không chết được. Chỉ tội Trúc Khanh của tôi, giờ phải nằm dưới ba tấc đất lạnh. Trúc Khanh của mẹ hu hu!"

Bà tiếp tục nấc lên: "Đứa con gái ngoan ngoãn xấu số của tôi. Sao ông trời lại bất công như vậy. Mẹ không cần người nào hết. Chỉ cần con sống lại, không cần ai nữa hết."

Mấy lời nói này thật sự có tính công phá rất mạnh, xuyên thẳng vào tim Thụy Khanh. Mẹ chỉ cần Trúc Khanh, chỉ cần em gái sống lại, cô có chết đi cũng chẳng sao. Nếu có thể, bà sẽ đổi cô lấy Trúc Khanh. Nước mắt Thụy Khanh rớt xuống, vết bỏng trên người bắt đầu đỏ tấy, rát bỏng, cũng không khiến cô đau bằng nỗi đau trong tim.

Ông Hưng nhìn tình cảnh trước mặt không đành lòng, mở miệng an ủi con gái: "Mẹ con nhất thời nóng giận, lời nói ra không tính là thật, con đừng nghĩ lung tung rồi buồn. Nhanh về phòng xử lý vết bỏng đi con."

Thụy Khanh không trả lời, cô như chìm đắm trong đau thương vì lời bà Hưng nói. Lòng còn chưa thôi buồn khổ thì bà đã tiếp tục:

"Tôi không phải nhất thời nóng giận, là lời thật lòng của tôi. Tôi chỉ muốn Trúc Khanh sống lại. Chỉ cần đứa con gái này, chẳng cần ai nữa hết."

"Bà đừng nói lời tuyệt tình như vậy. Đừng vì nỗi đau mất con nhất thời lại làm tổn thương đứa con khác. Đừng để mai mốt chính mình lại hối hận."

Bà Hưng không quan tâm lời ông nói, chỉ nhìn Thụy Khanh chán ghét: "Mai mốt mày đừng sang đây. Tao không cần, không muốn thấy mặt mày."

Thụy Khanh không đáp lời bà mà quay lưng ra khỏi phòng. Ông Hưng nhìn vợ con ngao ngán. Ông không biết làm sao để hàn gắn sự rạn nứt giữa hai mẹ con. Thật tâm mà nói ông thương tiếc Trúc Khanh nhưng ông lại cảm thấy nhẹ lòng, nên như vậy thì tốt cho tất cả mọi người.

Hai mươi mấy năm nay vợ chồng ông phải chia nhau chăm sóc bận bịu với cô. Tất cả thời gian tiền bạc, sức lực đều tập trung cho cô, cũng là sức cùng lực kiệt. Nuôi một đứa con gái bị tim bẩm sinh, lúc nào cũng căng như dây đàn. Những ngày cuối đời của cô đã vắt kiệt sức của ông bà.

Nói ra có vẻ ác nhưng cô ra đi là điều tốt, không còn bị bệnh tật hành hạ, người thân trong gia đình cũng không phải vì cô mà cảm thấy đau xót. Tiếc là vợ ông không chịu chấp nhận sự thật này. Có lẽ bà cần thêm thời gian để quen với việc không còn Trúc Khanh. Nhưng nếu vì sự mất mát nhất thời mà đẩy Thụy Khanh ra xa, chỉ sợ sau này hối hận đã muộn.

Thời gian này không khí u ám bao trùm căn nhà. Thụy Khanh bị đủ thứ chuyện buồn phải nhờ đến thuốc ngủ. Biết rõ nó tổn hại thần kinh nhưng cô vẫn dùng. Bà Hưng chỉ cần thấy cô lại nhớ đến Trúc Khanh và chì chiết hết lời. Thụy Khanh đau đến không còn cảm giác. Đôi lần cô có ý nghĩ kết thúc sinh mệnh bởi vì mẹ không thương.

Một buổi chiều âm u, Thụy Khanh đạp xe lang thang, rồi trời xui khiến thế nào cô lại chạy đến chùa, đúng lúc sư cô đang giảng về số mệnh. Mỗi người tồn tại trên đời đều mang sinh mệnh quý giá, tự mình phải quý trọng. Nếu số phần chưa đến, tự hủy hoại bản thân, sẽ không bao giờ được siêu thoát.

Vậy mà cô lại có ý nghĩ kết thúc, lựa chọn ra đi để trốn tránh cuộc sống khổ đau. Trúc Khanh dù bệnh tật cũng mong mỏi được sống tiếp. Cô có được sức khỏe tốt, lại muốn hủy hoại. Còn may mắn thuốc ngủ chưa ảnh hưởng đến thần kinh, nên cô chưa làm ra hành động điên rồ nào.

Thụy Khanh ở chùa rất lâu, nghe sư cô giảng kinh, ít nhiều thấy tâm an ổn hơn. Tiếc là về nhà lại nhìn thấy khuôn mặt hận thù của mẹ, tự nhiên cô sợ hãi. Tối đó lên phòng, trong đầu cô hình thành suy nghĩ ra đi, không phải kết liễu cuộc đời mà là bỏ đi thật xa, đến một nơi không quen ai, bắt đầu một cuộc sống mới.

Nhưng mà trước giờ chưa từng rời khỏi Sài Gòn một mình, cô nên đi đâu bây giờ? Suy nghĩ này quẩn quanh tâm trí đến mấy ngày sau đó. Cô không biết mình nên đi đâu về đâu.

Hai người bạn thân không có thời gian dành cho cô. Ngọc Linh bận bịu con cái. Hải Băng đã theo hôn phu sang nước ngoài. Cô cũng không muốn bận lòng bạn. Chỉ một mình chịu đựng nỗi đau.

Minh Hoàng gần đây cũng xa dịu vợi. Từ sau đám tang Trúc Khanh, cô không gặp lại anh. Anh cũng chẳng liên lạc. Có lẽ lòng anh đang đau vì mất Trúc Khanh. Như vậy cũng tốt, anh và cô mãi mãi không có kết quả, tốt nhất nên xem nhau như hai người xa lạ.

Lúc này năm học mới sắp bắt đầu, trường yêu cầu giáo viên đến họp để phân công. Thụy Khanh quyết định xin nghỉ dạy. Lúc ngồi viết đơn thì ý tưởng đi đến nơi nào đó thật xa dạy học, để không còn nhìn thấy người nhà tự nhiên xuất hiện trong đầu. Cô sẽ không còn nghe tiếng mắng chửi của mẹ nữa.

Lòng Thụy Khanh kích động, cô có cảm giác như vừa sống lại sau tai nạn. Cuối cùng cô đã tìm thấy ánh sáng le lói cuối đường hầm. Thế là Thụy Khanh bắt đầu lên mạng, tìm kiếm thông tin.

Trời không phụ lòng người, tìm vài ngày cuối cùng cũng thấy một nơi ở miền sâu trên cao nguyên. Cô sẽ dạy mấy bé người dân tộc và trẻ em nghèo không có tiền đến trường. Đây cũng là một hoạt động thiện nguyện. Thụy Khanh sẽ được ở lại đó.

Chỗ cô dạy là một nơi vắng vẻ, điện thoại còn chưa có, cũng chẳng có tivi hoặc internet. Một nơi nghèo, hoang sơ, rừng núi bao quanh, rất hợp ý Thụy Khanh. Vì nôn nóng muốn liên lạc, cả một đêm cô nằm đợi trời sáng để gọi điện thoại cho người ta.

Đối phương nghe cô nói là người thành phố, do dự không dám nhận. Họ sợ mấy cô giáo còn trẻ người thành thị, sớm muộn rồi cũng bỏ học sinh ra đi. Ở một nơi hoang vu, không có sóng điện thoại, mọi cái đều lạc hậu, ai sẽ chịu khó ở lại dạy bọn nhỏ?

Mạnh thường quân tốt bụng cũng chỉ chi trả lương cho giáo viên, khẩu phần ăn của bọn nhỏ và tài trợ trang thiết bị học tập đã là may mắn rồi, làm sao còn lo đến đời sống tinh thần, hay để ý đến mấy khía cạnh khác được nữa.

Thụy Khanh hiểu họ do dự cũng đúng, nhưng họ không biết được là hiện tại cô chỉ muốn tìm một nơi vắng vẻ để trốn tránh đời. Chỗ không có mạng, báo đài hoặc tivi như thế này rất hợp ý cô. Cuộc đời của cô đã đủ khổ rồi, sẽ không mong gặp lại người nhà. Đi một nơi thật xa, hoang vắng thế này là điều tốt cho cô.

Thuyết phục một lúc họ mới đồng ý gặp cô phỏng vấn. Họ muốn cô đến đó một chuyến, nhìn xem cô có thể chịu được hoàn cảnh sống nơi này hay không, rồi hãy quyết định cũng chưa muộn.

Thụy Khanh không hề do dự liền gật đầu đồng ý. Chỗ cô sẽ dạy quả thật vô cùng hoang vu. Người được nhờ dẫn đường đã phải di chuyển một quãng xa từ nơi dạy học ở vùng sâu để ra ngoài trung tâm đón cô.

Thật ra trong lòng Thụy Khanh rất run. Cô đi theo người ta một cách vô định như đánh cược với cuộc đời. Nếu mấy người này là người xấu, chắc chắn cô sẽ bị bán. Còn may ông trời không tuyệt đường của người hiền. Người ta thật sự cần giáo viên để dạy mấy trẻ em nghèo nơi này.

Đây đúng là nơi hoang vu. Trẻ em chỗ này không có điều kiện đến trường. Nếu muốn đi học phải băng rừng, vượt đèo. Bụng đói không đủ ăn, các gia đình cũng không muốn con em mình đến trường, sẽ mất đi lao động trong nhà.

Để năn nỉ được các em đến trường, mấy nhà hảo tâm phải dùng đến tiền. Họ vừa cho tiền gia đình các bé, vừa vận động gia đình cho con em mình đến trường, đả thông tư tưởng lạc hậu của họ, giúp họ hiểu chuyện học quan trọng thế nào.

Quỹ từ thiện của các nhà hảo tâm còn đảm bảo mỗi bé đến trường sẽ được cho khẩu phần ăn, không phải tốn tiền của gia đình. Vất vả là thế nhưng các bé cũng không học đều đặn. Ngày nào mưa gió, đường sạt lở, sẽ không có học sinh đến trường.

Cho nên trường mới xây phòng tập thể cho các bé, ở lại trong khu tập thể. Các bé trong tuần học và ăn ở nội trú gần trường, cuối tuần về nhà phụ gia đình. Đi học còn được cho tiền, nên dần dần bắt đầu chịu học.

Vấn đề học sinh đã được giải quyết, giờ lại đau đầu chuyện không có thầy cô giáo. Vài người dạy được vài tháng là bỏ trường, không chịu nổi nơi cao nguyên vắng lặng, lạnh lẽo, âm u. Đều là người trẻ đầy nhiệt huyết, ai chịu ở lại nơi không có tương lai như vậy?

Nói là lớp trường, thật ra chỉ là một bãi đất bằng, người ta lợp mái đơn sơ, đặt vài ba cái bàn, một tấm bảng con. Học sinh đủ mọi lứa tuổi, bữa đông bữa lại leo teo vài đứa, thử hỏi ai còn có tinh thần trụ lại?

Nhưng vì tương lai của bọn nhỏ, chính quyền xã và các nhà hảo tâm cố gắng duy trì, kêu gọi đóng góp từ các nơi bằng mấy chương trình nuôi em đi học. Mỗi nhà hảo tâm có thể chọn một bé và đóng góp tiền ăn cho bé mình chọn.

Tiền ăn chỉ khoảng hai trăm ngàn mỗi tháng, không nặng nề hoặc gây áp lực cho các mạnh thường quân. Vấn đề học sinh có thể xử lý ổn, chỉ là chuyện tìm giáo viên chịu gắn bó lâu dài là điều rất khó khăn.

Người phụ trách nhìn cô gái tiểu thư trước mặt, anh ta không mấy tin tưởng. Nhưng ngó Thụy Khanh có vẻ quyết tâm nên anh ta muốn thử một lần. Anh ta hỏi Thụy Khanh khi nào có thể bắt đầu nhận lớp được. Cô thật sự muốn nhận ngay vì nơi này sẽ không ai có thể tìm ra.

Như vậy từ bây giờ cô có thể cắt bỏ quá khứ đau thương, bắt đầu một cuộc sống mới, sẽ không còn tổn thương nữa. Rất muốn ở lại nơi này ngay nhưng tiếc rằng cô phải quay về Sài Gòn thu xếp một chút, chuẩn bị cho lần ra đi không có ngày về.

Hẹn ngày nhận lớp xong, Thụy Khanh được người ta đưa lại đường cũ ra sân bay về thành phố. Cô vắng mặt hai ngày nhưng lúc về chỉ có chị Tâm hỏi cô đã đi đâu, còn lại chẳng ai nhận ra cô không ở nhà. Thụy Khanh cũng không buồn.

Cô bắt đầu thu xếp cho chặng đường phía trước. Cô nhìn chị Tâm nói bóng gió, nhờ chị chăm sóc con vẹt của mình. Cô rất thương con vật cưng này, nhưng chặng đường quá xa, không thể mang nó theo.

"Chị Tâm, mai mốt chăm con vẹt này cho em nha. Em tặng nó cho chị đó."

"Nhỏ này nói cái gì vậy? Khi nào em không ở nhà, chị sẽ giúp em chăm nó, nhưng nó vẫn là của em."

"Thì em nhờ vậy thôi. Nếu không có em, chị cũng đừng bỏ rơi nó đó. Em tặng chị rồi, nếu chị đi chỗ khác làm, nhớ mang nó theo nha."

Chị Tâm nghe cô nói tự nhiên rùng mình. Sao con bé này nói chuyện cái kiểu trăn trối thế này. Đừng có nói nó nghĩ quẩn nha. Trong lòng chị thấy lo lo. Mấy ngày sau đó, chị hay để ý nhất cứ nhất động của Thụy Khanh. Cô thừa biết chị sợ cô tự tử, đành phải cười trấn an:

"Chị tưởng em quyên sinh hả? Em đâu có khùng. Em vẫn đang ở trước mặt chị nè. Em cũng thương con vẹt cưng của em lắm. Em nói đùa thôi chứ em không tặng chị đâu."

Thụy Khanh giả vờ luyến tiếc con vẹt cho chị Tâm thả lỏng, đừng chăm bẵm nhìn cô hoài, không tiện cho cô hành động. Thời gian này Thụy Khanh ở trong phòng nhiều hơn, lén lút thu dọn hành lý. Khi chị Tâm gõ cửa phòng, cô sẽ đẩy hành lý xuống giường.

Chuẩn bị mọi thứ xong xuôi, cô bắt đầu viết thư để lại cho ba mẹ. Phòng hờ trường hợp chị Tâm sẽ vào phòng thấy bức thư sớm rồi truy tìm, nên Thụy Khanh che giấu bằng cách để nó trên chồng sách, chờ đến khi cô đi đủ xa, chị Tâm lục tung phòng mới thấy được bức thư này. Mọi thứ đã được thu xếp xong.

Tối đó dù biết mẹ không vui, Thụy Khanh vẫn ngồi cùng bàn ăn, nhìn ba mẹ mình lần cuối. Đây là hai người thân duy nhất trên cuộc đời này, nhưng tiếc rằng họ không cần cô. Sự hiện diện của cô trong nhà chỉ khiến họ ngột ngạt. Cô thương họ nhưng không biết cách chọc cho họ vui. Hy vọng rằng sự ra đi của cô sẽ mang lại bình yên cho ngôi nhà này.

Ăn tối xong, đợi chị Tâm dọn dẹp chén bát xuống, lúc này Thụy Khanh mới nhìn ba mẹ nói thành tâm:

"Ba mẹ, từ trước tới nay con đã khiến hai người buồn phiền nhiều. Cho con xin lỗi, mai mốt sẽ không còn tình trạng này xảy ra nữa."

Thụy Khanh muốn nắm tay mẹ nhưng bà rút lại, cô đành từ bỏ sự gần gũi lần sau cuối. Giọng cô khổ sở:

"Mẹ không cần tức giận với con nữa. Con hy vọng về sau mẹ sẽ khỏe mạnh. Mẹ cho con xin lỗi."

Ông Hưng nhận ra biểu hiện lạ lùng của Thụy Khanh. Tối nay con gái có gì đó rất kỳ lạ. Ngày thường cô không xuất hiện trước mặt mẹ vì biết bà không thích. Thế mà tối nay cô ăn cơm chung, còn nói mấy lời xin lỗi. Cách hành xử của cô khiến ông thấy lo. Không kiềm được ông buột miệng quan tâm:

"Con làm sao thế Thụy Khanh?"

"Dạ đâu có sao. Con chỉ muốn xin lỗi ba mẹ."

Sợ ông Hưng nghi ngờ, Thụy Khanh vội vàng đứng lên: "Con lên phòng, ba mẹ ngủ ngon ạ."

Cô chạy vội lên lầu. Ở giữa thang lầu, ngay góc khuất tầm nhìn của ông bà, Thụy Khanh nép vào đó, nhìn ba mẹ mình lần cuối. Từ ngày mai, cô chẳng còn cơ hội gặp lại hai người thân yêu này.

Một đêm này Thụy Khanh không ngủ. Cô thức trắng chờ đến ba giờ sáng, giờ mà mọi người đang chìm vào giấc ngủ sâu. Một thân ảnh nho nhỏ, lặng lẽ kéo hành lý bước xuống thang lầu, nhẹ nhàng mở cửa.

Taxi cô gọi đã đậu sẵn trước nhà. Thụy Khanh bước ra, khóa cửa cẩn thận. Từ bên ngoài, cô quăng chìa khóa vào lại bên trong sân nhà. Đứng lặng nhìn ngôi nhà thân yêu mình đã ở hai mươi mấy năm, trong lòng cô nói thầm lặng lẽ:

"Vĩnh biệt ba mẹ! Xin hãy bảo trọng!"

(Còn tiếp)

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK