Bước vào phòng khách, Minh Hoàng thấy Trúc Khanh đang dựa vào lòng bà Hưng nước mắt ngắn dài. Bà vừa dỗ cô vừa sốt ruột, sợ cô khóc nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Ông Hưng thì bình tĩnh hơn một chút. Dù lo cho con gái, nhưng vẫn giữ được lịch sự bản chất của người làm kinh doanh lâu đời. Ông mời anh ngồi xuống, thái độ hòa nhã, không giận hờn cũng không trách móc.
Cách hành xử của ông khiến Minh Hoàng thấy dễ chịu. Còn may ông không vì con gái mà ghét bỏ anh. Bà Hưng cũng chỉ lo an ủi Trúc Khanh, không hề có biểu hiện kém vui nào với anh. Minh Hoàng thầm cảm ơn sự hòa ái của ông bà. Lối cư xử văn minh của hai người khiến anh cảm mến. Cứ tưởng ông bà sẽ vì con gái và tỏ thái độ với anh, nhưng hai người chỉ nhìn anh khó xử khi Trúc Khanh như muốn đuổi anh về ngay lập tức. Ông bà lên tiếng xin lỗi vì sự hung hăng của cô.
"Em nó hờn nên có hơi hỗn. Con đừng giận em nhé Hoàng. Để cô an ủi nó." Bà Hưng nhìn anh phân trần.
"Dạ không có gì đâu cô. Cũng là lỗi của con. Anh xin lỗi Trúc Khanh!"
Trúc Khanh nghe anh nói lập tức ngoảnh mặt đi như không muốn nhìn thấy anh. Ông Hưng áy náy:
"Con cũng mệt rồi. Em nó hờn mai sẽ hết. Con đừng bận tâm, về nghỉ ngơi đi con."
Minh Hoàng đành đứng dậy chào mọi người. Trúc Khanh không muốn nhìn đến anh. Ông Hưng đứng lên tiễn anh ra tận cổng.
"Chú hiểu Trúc Khanh không phải mẫu người phù hợp với con. Từ ban đầu chú đã lường trước được, nhưng cứ muốn chiều Trúc Khanh. Con không cần phải khó xử đâu. Cô chú sẽ an ủi con bé, từ từ nó sẽ hiểu ra. Sẽ có người khác phù hợp với nó."
Nghe ông Hưng nói nhẹ nhàng, không một lời trách móc làm lòng anh đỡ ray rứt. Lúc trước ít tiếp xúc với ông, nên anh cũng không đoán được ông như thế nào. Giờ hiểu được ông là người không quá cực đoan khiến anh có chút cảm mến.
Ông xử sự lý tính, hiểu được tình cảm không thể ép uổng, nên dù anh từ chối khiến con gái bảo bối khổ sở, ông cũng không giận cá chém thớt. Con người biết tiến biết lùi như vậy, chẳng trách ông có thể thành công trên thương trường.
* * *
Nhóm Thụy Khanh vừa kết thúc giờ kiến tập ở một trường tiểu học. Hiện tại đã 11 giờ trưa, ngoài trời nắng đổ lửa. Mỗi ngày cô phải đạp xe hằng chục cây số từ nhà đến nơi kiến tập. Chỗ kiến tập lần này hơi xa trung tâm. Trong nhóm các bạn đều có xe máy để di chuyển, chỉ mỗi Thụy Khanh vẫn còng lưng trên chiếc xe đạp mini.
Đình Thành nhiều lần lên tiếng muốn chở cô, nhưng vì biết cậu không vô tư với mình, nên cô không muốn mắc nợ tình cảm của cậu. Cô thà ngày ngày đạp xe một quãng đường xa xôi, cũng không muốn khó xử cho bản thân và Đình Thành. Nếu đã không thích được người ta, cô sẽ không tạo cơ hội cho người ta mất thời gian với mình. Lợi dụng người ta chỉ khiến vấn đề phức tạp hơn thôi.
Thụy Khanh xếp lại sách vở bỏ vào cặp, trong đầu không ngừng suy nghĩ nên về nhà hay ghé thư viện tổng hợp. Thể chất mệt mỏi khiến cô rất muốn về nằm trên chiếc giường công chúa, phòng máy lạnh vù vù, cộng với nệm ấm chăn êm, cô có thể thả lỏng bản thân sau buổi kiến tập vất vả.
========== Truyện vừa hoàn thành ==========
1. Bé Alpha Này Có Chút Ngọt Ngào
2. Thoát Xác, Lỡ Ngã Vào Lòng Anh
3. Cùng Ba Ba Xuyên Ngược Văn Phá Án
4. Dư Tình Nan Liễu
=====================================
Thụy Khanh vì muốn thành tích tốt nhất, nên luôn tập trung tinh thần, không hề thoải mái như các bạn trong nhóm. Cô muốn học thật kỹ, viết xuống những ý cần thiết để chuẩn bị cho bài báo cáo cuối kỳ. Ngồi chăm chú cả buổi sáng khiến Thụy Khanh mệt mỏi. Nếu giờ có thể về nhà, được nghỉ ngơi trong căn phòng riêng của mình là tốt nhất. Nhưng mới nghĩ đến chuyện chạm mặt mẹ và em gái ở nhà, cô lại chùng bước.
Thời gian gần đây, chỉ cần chạm mặt ba người thân trong gia đình là Thụy Khanh hoảng sợ. May mắn giờ này ba ở công ty, cô sẽ không phải chạm mặt, nhưng mẹ và em gái vẫn đang ở nhà. Hai người cũng khiến cô sinh tâm lý sợ hãi. Mấy hôm nay chẳng biết chuyện gì đã xảy ra, mà không khí trong nhà u ám hơn nhiều.
Thật lòng mà nói, nếu ngày thường chẳng có chuyện gì xảy ra, ba mẹ và Trúc Khanh vui vẻ với nhau, thì cô vẫn bị ngột ngạt bởi cách cư xử của họ. Giờ Trúc Khanh buồn bã mất tinh thần vì chuyện gì đấy, khiến hoàn cảnh sống của Thụy Khanh tệ hơn. Bởi vì em gái không vui sẽ kéo theo ba mẹ khổ sở, và tất nhiên áp lực sẽ đè nặng lên vai Thụy Khanh.
Thụy Khanh biết em gái không trở bệnh, nhưng tinh thần không vui chỉ có thể liên quan đến người kia. Chẳng biết có vấn đề gì đã xảy ra giữa hai người bọn họ. Em gái bất ổn như vậy chắc là giận người kia. Có lẽ anh ta đã từ chối, hay nói gì đó khiến em gái xuống tinh thần, và giờ liên lụy đến cô.
Thế nên từ ban đầu gặp, Thụy Khanh đã không ưa được anh ta. Giác quan thứ sáu bảo cô phải tránh xa người đàn ông nguy hiểm này, nếu không thì cuộc đời cô sẽ tăm tối hơn. Đã lường trước rồi, vậy mà vẫn gián tiếp chịu hậu quả anh ta đã gây ra. Bởi thế cô ghét anh ta cũng không oan uổng gì.
Nghĩ đến sự âm u ở nhà, tự nhiên Thụy Khanh rùng mình. Cô quyết định đến thư viện, thay vì về nhà. Có điều bây giờ đi thư viện chắc chắn sẽ kéo theo cái đuôi phía sau. Ngày nào Đình Thành cũng cố tình chạy theo cô. Nhà có xe máy nhưng vì cô, cậu đã đổi thành xe đạp để song hành cùng cô.
Cậu không làm gì quá phận cũng không nói theo đuổi cô, cho nên Thụy Khanh không có cách nào tỏ thái độ. Cô chỉ cảm thấy mệt mỏi khi sau lưng có một người âm thầm thích mình và sẵn sàng hỗ trợ lúc cần thiết. Thật lòng mà nói, sự giúp đỡ của cậu không khiến cô cảm động, chỉ cảm thấy áp lực tinh thần đè nặng cả tâm can.
Giờ Thụy Khanh chạy sang thư viện, chắc chắn Đình Thành sẽ chạy theo sau. Cô ước gì có Hải Băng và Ngọc Linh. Nhưng hai nhỏ đang kiến tập ở hai nơi khác nhau, chưa chắc sẽ về phòng trọ, nên Thụy Khanh không muốn làm phiền bạn của mình. Cô về nhà lại không vui. Thật là trần thế bao la, lại không có chỗ cho cô dung thân.
So sánh giữa chuyện nhìn sắc mặt hai người thân ở nhà và chuyện đối phó với người thích mình, thôi thì cô chọn mang theo cái đuôi chạy đến thư viện. Dù sao nhìn đuôi mình vẫn dễ chịu hơn về nhà. Thụy Khanh xác định miễn là cô không nhận ân tình của người ta, vậy thì sẽ không cảm thấy áy náy nữa.
Quyết định xong, Thụy Khanh ôm cặp đứng lên ra bãi lấy xe. Bãi xe giờ chỉ có hai chiếc xe đạp. Một chiếc của cô và chiếc còn lại của bác bảo vệ trường học. Dường như hôm nay Đình Thành không đi xe đạp. Thụy Khanh thở phào nhẹ nhõm. Vậy là tốt rồi, cô sẽ không có chiếc đuôi nào theo sau nữa.
Có lẽ đạp xe nhiều ngày, cậu ta cũng bắt đầu không chịu nổi. Bây giờ đa số sinh viên đều ráng kiếm chiếc xe cúp, để vừa đi học vừa làm thêm. Mỗi Thụy Khanh con nhà giàu chính tông, thế mà cứ giả vờ nghèo khó và thích đi xe đạp.
Đình Thành không nói gì, chỉ bước đến bên kia dắt xe của cậu. Thụy Khanh tưởng có thể thoát khỏi cậu, nhưng tiếc rằng cô đã nghĩ quá sớm. Người ta dù chạy xe máy, cũng rề ga chầm chậm phía sau cô, quyết không từ bỏ.
Đường từ chỗ kiến tập đến thư viện xa dịu vợi. Cậu đã đề nghị cô gửi xe lại trường và quá giang xe cậu. Cậu hứa sẽ không phiền cô, không gây áp lực nhưng ai biết tánh tình cô quá cẩn trọng. Cô bảo rằng nợ gì cũng có thể trả, nhưng nợ ân tình chẳng bao giờ trả được. Đình Thành hết cách chỉ có thể chạy theo sau cô.
Đình Thành sẽ chẳng bao giờ hiểu được tại sao Thụy Khanh nói thế. Cô sợ nợ ân tình là vì cả cuộc đời cô đã gánh trên vai món nợ với em gái. Từ khi có nhận thức đến lúc trưởng thành, ba mẹ và em gái luôn bảo rằng cô nợ em.
Theo lời ba mẹ, vì em hy sinh để cô chui ra trước, nên em bị ngộp và sức khỏe mới yếu như ngày nay. Cô đã trả mười tám năm mà đến giờ vẫn mang tiếng nợ em. Hoàn cảnh sống của cô đã hình thành nên tính cách. Cô sợ nợ, sợ mang ơn người ta, nên luôn cố gắng bắt bản thân phải tự lực cánh sinh.
Không biết trên đời còn có cô tiểu thơ con nhà giàu nào giống Thụy Khanh hay không. Lẽ ra con nhà có điều kiện như cô, tính tình sẽ tùy hứng, vui tươi yêu đời. Thế mà cô lại phải học cách tự bảo vệ, trưởng thành trong suy nghĩ. Tiếc rằng dù cố tỏ ra mạnh mẽ, thì cô vẫn chỉ là một cô bé con.
Ba năm qua cô cũng chưa va chạm với đời nhiều. Môi trường của cô chỉ có học và dạy kèm Vân Tú. Cô cũng chưa bị tôi luyện đến mức dạn dày như một số bạn cùng trang lứa khác. Bởi vậy cô nhìn như trưởng thành, nhưng thật ra vẫn mong manh yếu đuối.
Đình Thành lúc này đang chạy phía sau cô. Có cái đuôi kiên trì này, Thụy Khanh không tiện ghé chỗ nào ăn trưa, đành đi thẳng vào thư viện. Khu vực để xe đạp khác xe máy, nên Thụy Khanh quăng bừa xe một góc, rồi chạy lên lầu tìm chỗ thật vắng không ai chú ý, bắt đầu giở sách ra. Cô chăm chú nhìn sách giáo khoa mà không hay rằng Đình Thành đã ngồi xuống ghế đối diện.
"Khanh không ăn trưa rồi học."
Giọng cậu vang lên bất thình lình khiến cô hết hồn. Đã ngồi trong góc vắng không người để ý rồi, mà vẫn bị cậu phát hiện. Phiền nhưng không thể nói gì. Thụy Khanh chỉ có thể lịch sự bảo mình chưa đói, muốn đọc sách một lúc rồi xuống ăn sau. Đình Thành không cho là đúng:
"Nãy giờ đạp xe gần cả tiếng, Khanh nên nghỉ ngơi một chút. Cũng đến giờ ăn trưa rồi, xuống căn tin với Thành đi."
"Thành cứ ăn trước đi." Thụy Khanh bướng bỉnh.
Cậu không trả lời cô, chỉ ngồi đó lặng lẽ mở sách ra. Chiến lược không phiền, không quấy rối được áp dụng triệt để. Thụy Khanh không biết làm sao, chỉ có thể ráng tập trung vào trang sách trước mặt.
(Còn tiếp)
Danh Sách Chương: