Thời gian như con sông không ngừng chảy, những mảnh thời gian vỡ vụn, tựa như một cuốn lịch vội vàng, còn chưa kịp an ổn mở ra thì đã bị người ta vô tình xé xuống. Dù cho tôi không thể nhìn thấy giấc mộng của thế kỷ hai mươi mốt, nhưng tôi có thể đoán được, đấy là một khoảng thời đại rời rạc, bận rộn, rất ít đồ vật có thể xuyên qua khe hở thời gian để được tồn lưu lại – mà phần lớn những thứ đó, đều đã không còn tồn tại.
Mỗi một thời đại đều có nhân chứng lưu lại, có người dùng tranh vẽ, có người dùng thơ ca, có người lại dùng cách bảo tồn đồ vật của thời đại. Tôi hy vọng trước khi chết, có thể để lại một quyển sách, quyển sách này là nhân chứng cho chuyện của của tôi và Lý Ngôn Tiếu, chuyện cũ của chúng tôi sẽ là nhân chứng cho thời đại bấy giờ.
Đó là một thời đại điên cuồng, dù cho mọi người đều mặc quần áo màu xanh, màu đen, hoặc màu lục, nhưng “màu đỏ” mới là màu sắc xứng đôi với nó. Thời đại ấy giống như một con dấu, khắc thật sâu vào lòng tôi, không cách nào thoát khỏi, khó có thể xóa đi.
Tôi thường hay mơ thấy thế này: Tôi đứng trước Cố Cung, có một nhóm hồng vệ binh đang điên cuồng giơ cao bức hình chủ tịch, hô to khẩu hiệu chạy về phía tôi. Tôi đau khổ van xin, khẩn cầu bọn họ có thể nghe tôi nói mấy câu, giải thích rõ đạo lý với bọn họ, nhưng trong mắt họ chỉ có một loại tín phục cố chấp, căn bản không thèm nghe tôi. Người, rõ ràng là có thể phân rõ thiện ác nhưng, vì cái gì, trong thời đại điên cuồng thế này, nó đã cướp đi lương tri của hàng tỷ người.
Đó cũng là TQ những năm 1966 đến 1976, giống như một hồi ác mộng không chân thật. So với cách gọi “Cách mạng văn hóa Giai cấp vô sản”, tôi lại càng thích gọi nó là “Mười năm náo động” hơn.
Mười năm này, có thể nói rất dài, cũng có thể nói rất ngắn. Nó không hề có nguyên nhân khởi xướng, lại sụp đổ trong thoáng chốc. Nó cướp đi vô số sinh mệnh của người dân vô tội, hủy hoại vô số tài sản giá trị. Thời điểm lịch sử không thừa nhận nó, rất nhiều người TQ đã rõ ràng cái loại đen tối này – niên đại cực đoan vớ vẩn, lịch sử cực đoan vớ vẩn.
Tôi tên là Lâm Vũ Thanh, sinh ngày 1 tháng 10 năm 1960, tại Liên Vân Cảng, Giang Tô, không có anh chị em.
So với những người cùng vai vế trong nhà, tôi là người duy nhất dùng dương lịch làm ngày sinh nhật. Bởi vì đây là khoảng thời gian đặc thù. Trong trí nhớ sớm nhất của tôi, vừa đến sinh nhật tôi, cả cha và mẹ đều được nghỉ một ngày ở nhà với tôi. Trên quảng trường, mọi người tổ chức tiệc tùng long trọng, buổi tối còn chiếu điện ảnh miễn phí.
Lúc còn nhỏ tôi vẫn cho rằng đó là mọi người đang chúc mừng sinh nhật tôi. Cũng vì thế, tôi dường như có chút tư bản, tự cho mình cao hơn một bậc so với những đứa trẻ khác. Bà nội cho tôi biết, sinh nhật của tôi trùng với ngày quốc khánh, điều này cho thấy cuộc đời tôi nhất định sẽ gắt gao ràng buộc với quốc gia.
Tôi tổng cộng có ba cái tên. Khi vừa mới chào đời, sau khi thông qua một cuộc thảo luận sôi nổi của người trong nhà, ông nội đã đặt cho tôi cái tên đầu tiên, Lâm Khánh Hoa. Đến năm 1966, khi ấy tôi sáu tuổi, cách mạng cũng nổ ra. Cha tôi vì che giấu cho thằng oắt con thuộc giai cấp tư sản nên ông đã sửa cho tôi một cái tên vô cùng đại chúng, Lâm Mộ Đông.
Cái tên này vừa nghe đã biết được tầng ý sâu xa của nó: Lâm gia ngưỡng mộ Chủ tịch. Tôi còn nhớ lúc ở đại viện, có Niệm Đông, Hiến Đông, càng lúc càng nhiều cái tên Đông, rất nhiều, còn có một đứa nhỏ sinh năm 1966, mỗi ngày chảy nước mũi ròng ròng chạy khắp nơi, cha nó gọi nó là Trương Văn Cách. (Đại viện: khu vực có nhiều hộ gia đình sinh sống)
Cái tên thứ ba, được đặt vào năm 1973, cũng là cái tên mà tôi thích nhất – Lâm Vũ Thanh.
Tên gọi này do Lý Ngôn Tiếu đặt cho tôi, là cái tên rất hợp với hoàn cảnh lúc ấy – chúng tôi ngồi trên bậc thềm hậu viện ngắm mưa rơi. Lý Ngôn Tiếu lớn hơn tôi năm tuổi, nhân sinh ngắn ngủi của anh có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời tôi. Lý Ngôn Tiếu và mẹ tôi có nhiều điểm giống nhau, ý chí kiên cường, cực kỳ tự tôn và chính trực, thà chịu chết chứ không khuất nhục, sẵn sàng dâng sinh mạng mình ra vì lẽ phải. Có thể nói là vận mệnh, cũng có thể nói là vì tính cách con người, kết quả của chúng tôi đều là tự sát. Đương nhiên, những việc này để nói sau.
Trong những năm tháng ấy, những người quan trọng bên cạnh tôi người thì chết, người thì trốn, tôi tận mắt nhìn thấy mấy người làm công tác văn hóa, là quân tử chính trực nhưng lại bị bức đến đường cùng, những người có đầu óc một chút sẽ thấy, “văn cách” chính là một hồi náo động trăm hại mà không có một lợi. Nhưng nhóm hồng vệ binh lại cao giọng hô hào “Chủ tịch vạn tuế”, “Đấu tranh giai cấp là chủ yếu”…
Tôi không thể nói hận bọn họ, tôi muốn bạn biết rằng, khi mất đi một người quan trọng trong cuộc đời mình, bạn sẽ khóc, bạn sẽ đau khổ, nhưng liên tiếp mất đi, cho đến khi chỉ còn lại hai bàn tay trắng, bạn sẽ cảm thấy, hết thảy, chỉ là một trò đùa tồi tệ. Thượng đế trên trời thích biến bạn thành một người đáng thương, để xem bạn sẽ làm thế nào. Bạn ngẩng đầu cười với ngài một cái, bất kể là cười to hay cười khổ, đều là tự làm cho bản thân thoải mái: trò đùa này không buồn cười, nhưng tôi quyết định sẽ tiếp tục cố gắng sống trong trong trò đùa ấy.
Tâm tình của tôi chính là như thế.
Phần sau sẽ nói đến xuất thân của tôi. Xuất thân đối với con đường sau này của tôi có ảnh hưởng rất lớn, nếu không phải tôi ở trong bối cảnh khá đặc thù, chắc có lẽ tôi không gặp được Lý Ngôn Tiếu, cuộc sống của tôi cũng đã khác rồi.
Ông bà ngoại của tôi qua đời sớm, cuộc chiến kháng Nhật đã cướp đi sinh mệnh của ông ngoại, tôi chỉ được gặp họ trong một tấm ảnh chụp đen trắng cũ kỹ. Lúc ấy ông bà tôi trạc ba mươi, bà ngoại mặc sườn xám bằng tơ lụa, bó sát đôi chân nhỏ nhắn, khí chất trang nhã, nét cười thanh lệ ông ngoại thì mày rậm mắt to, mặc áo khoác ngoài, lưng eo cao ngất, lộ ra khí chất đặc biệt.
Ông nội của tôi là một nhà đại tư bản, xuất thân từ dòng dõi trí thức, nhưng lại không thích đi học mà đam mê kinh doanh. Những năm đầu thế kỷ hai mươi, ông nội khi ấy còn trẻ đã buôn muối tại Quảng Đông, Phúc Kiến, kiếm được rất nhiều tiền. Ông đem số tiền này về quê nhà lập nghiệp, thiết lập gia thế của riêng mình, mua một diện tích đồng ruộng khá lớn, thuê bần nông về trồng trọt, rất nhanh nơi đó trở thành quê quán của một số phú hào.
Bà nội của tôi xuất thân hiển quý, là một thiên kim tiểu thư chuẩn mực, nghe nói dòng họ lúc trước từng làm quan. Bà và ông nội là thanh mai trúc mã, hôn nhân của hai người do một tay bề trên sắp đặt, hôn lễ cực kỳ long trọng. Lúc nhỏ tôi thường nhìn thấy của hồi môn của bà, vô cùng tinh xảo, còn có một số đồ trang trí trong cung điện nhà Thanh.
Cha tôi là người không giận mà uy, ăn nói cẩn trọng, là người đàn ông vững vàng khó bị tác động. Chỉ khi nói về chuyện quá khứ, ông mới lộ ra tinh thần hăng hái, nói cũng nhiều hơn, trong mắt lộ ra một chút chờ mong, phảng phất như được sống về ngày trước.
Đó là một thời huy hoàng của Lâm gia, ông nội tôi có một vợ một thiếp, cùng bốn người con gái và hai người con trai, nhưng vì chiến loạn mà cuối cùng chỉ còn lại hai gái một trai, cha tôi là con trai duy nhất nên tự nhiên càng được yêu chiều.
“Khi tham gia điển lễ, cỗ kiệu là thứ nhất định không thể thiếu, mùa hè áo lụa mùa đông áo khoác, thời điểm kháng Nhật cũng không phải chịu đói, suốt ngày có một đám người đi sau hô Lâm thiếu gia, đều đối xử với ta rất tốt…” Cha tôi cứ hay nhớ lại như thế, sau đó nhẹ nhàng thở dài một hơi, nhìn vào cái gương hồi môn của bà nội đến ngẩn người.
Năm 1952, nhà nước tiến hành cải cách ruộng đất, có rất nhiều địa chủ bị phê đấu, thậm chí một vài người còn bị xử bắn. Nhưng ông nội của tôi là người tốt, thích làm việc thiện, hay xây cầu sửa đường nên người ta cũng vét lại một chút lương tâm mà không gây chuyện với ông.
Sau khi cải cách xong, đất cày của ông nội hầu như bị cắt hết, nhưng vẫn còn giữa lại được một mảnh. Mảnh đất ấy vô cùng phì nhiêu, phong thủy lại tốt. Người trong nhà không trồng trọt trên đó, có những bần nông muốn làm thêm trang trải cuộc sống, trở về tìm ông nội tôi, thế là họ giúp ông làm công nhật.
Tuy gia cảnh bây giờ không bằng trước kia, nhưng vẫn sống rất an nhàn. Có điều không ngờ từ những năm năm mươi đến năm 1970, trong hơn mười năm ngắn ngủi này mà ông nội tôi từ một “Lão gia” lại biến thành “địa phú phản cánh hữu.”
Nói về cha mẹ của tôi, cả hai đều là người có học thức, cha tôi là kỹ sư cơ giới, mẹ tôi đã từng du học ngành y, trở về làm bác sĩ phụ khoa. Với bối cảnh và gia sản như vậy, hiển nhiên nhà tôi không thể thoát khỏi vòng xoáy của cải cách văn hóa.
Phần sau cũng nên kể về chuyện của bản thân tôi rồi.
Tôi nhớ tương đối trễ, hơn nữa còn một số chuyện đã không còn nhớ rõ, trí nhớ của tôi sớm nhất là bắt đầu từ sáu tuổi.
Đó là tháng 5 năm 1966, một buổi đêm cuối xuân đầu hè, sau khi ăn cơm tối cùng mẹ xong, tôi vẫn ngồi lại, ông nội và bà nội nghỉ ngơi trong căn phòng phía đông, đột nhiên truyền đến tiếng ho khan của ông, trong phòng một mảnh mông lung màu xanh sẫm.
Không biết qua bao lâu, mẹ tôi vẫn không đi bật đèn điện mà chỉ đốt cái đèn dầu cũ. Ánh lửa vụt sáng vụt tắt, mẹ tôi đốt mấy lần đều không sáng. Bà thổi tắt đốm lửa, giọng nói xa xăm: “Gần đây luôn cảm thấy không thoải mái, không chừng sắp xảy ra chuyện gì.” Giọng nói kia giống như đang lầm bầm với chính mình, cũng giống như đang phàn nàn cái gì đó. Trong nháy mắt tôi cảm thấy bầu không khí biến đổi vô cùng kỳ lạ.
Lúc ấy ông nội và bà nội đều mang bệnh nặng, tình trạng thân thể của hai người đều không mấy lạc quan. Làm ăn rất khó có chỗ đứng vững chắc, tình huống nhà của chúng tôi cũng coi như giàu có, nhưng so với trước kia quả thật là khoảng cách một trời một vực.
“Về căn bệnh của mẹ, theo lão Trung y nói, có thể ăn một ít cao lanh thử xem?” Cha tôi nhỏ giọng nói, “Anh thấy bệnh này rất lạ, rõ ràng là không chẩn đoán được gì, nhưng mẹ lại khó chịu như chết đi sống lại ấy.”
“Không được, cái đó vô dụng thôi.”
“Nhưng biết đâu lại dùng được thì sao?”
“Anh thôi đi!” Trong giọng nói của mẹ lộ ra uy nghiêm, “Không được dùng đấy.”
“Vậy thì ngày mai anh đến miếu tìm thầy bói, xem coi có thể gắng gượng qua năm nay hay không?”
Mẹ đập mạnh vào bàn, lại cố gắng áp chế giọng nói: “Coi coi cái gì chứ, em học y chẳng lẽ em không biết? Bệnh của mẹ không phải là bệnh thường thấy… em đã nói với anh rồi mà…”
Cha chặn lại lời nói của mẹ, lại nói: “Anh biết rồi, em không được để ba mẹ nghe thấy.”
Mẹ không nói gì thêm nữa, qua một lúc lâu, đèn điện được bật lên, trong phòng sáng hẳn. Tôi vẫn đang nhắm mắt vì chưa thích ứng với ánh sáng, đột nhiên cảm thấy trán bị vỗ một cái. “Con đang nghe lén gì thế? Mẹ còn tưởng con đã ra ngoài rồi.” Mẹ chống nạnh lên, làm bộ uy nghiêm nói: “Đứng dậy, không được ngồi trên giường đất, mẹ phải trải chăn đệm.”
Bỗng nhiên tâm tình tôi rất tốt, thầm nghĩ vì vừa rồi không khí quá áp lực nên mới không dám di chuyển. Tôi nhảy từ trên giường xuống, nhanh chân chạy ra ngoài.
Lúc này trời bên ngoài đã tờ mờ tối, tôi vui vẻ chạy một mạch đến cửa chính, vừa chạy vừa lớn tiếng hô to: “Ăn sửa bò, uống bánh mì, đưa xe lửa vào trong túi. Đi ra ngoài, trông thấy người cắn chó, chó cầm cục gạch đánh người!”
Không có ai đáp lời tôi.
Tôi lại hô lớn: “Bạn thân ơi bạn thân ơi bạn thân ơi, hai ta cùng đi mua hạt dẻ, bạn ăn vỏ, tớ ăn ruột, bạn thân ơi bạn thân ơi bạn thân ơi!”
Lát sau dì Vương cách vách bưng bát cơm mở cửa ra, Vương Câu Đắc Nhi cũng bưng bát cơm chạy theo sau.
“Tớ còn chưa ăn cơm xong mà.” Cậu vừa nhanh chóng và cơm vừa nói với tôi, “Đợi lát nữa tớ lại tìm cậu, cậu tự chơi một mình trước đi, buổi tối chúng ta cùng đi xem em gái tớ!”
“Dì của Canh Vân mới sinh một bé gái mập mạp.” Dì Vương cười giải thích với tôi. Tôi “ồ” một tiếng, không hứng thú đi chỗ khác.
Vương Câu Đắc Nhi còn có tên là Vương Canh Vân, cùng tuổi với tôi. Còn nhớ khi nhà tôi vừa dời đến đại viện này, chúng tôi lần đầu gặp mặt, tôi được mẹ chuẩn bị cho ăn mặc gọn gàng, mà cậu ấy thì quần áo xốc xếch, mặt mũi dính đầy bùn đất và mồ hôi, vừa mút ngón tay vừa tròn mắt tò mò nhìn tôi.
Tôi bày ra bộ dáng như người lớn hỏi cậu: “Cậu tên gì?”
“Vương Câu Đắc Nhi!” Cậu nhanh chóng bỏ ngón tay trong miệng ra, nói rất khí phách.
Tôi thoáng chốc không kịp phản ứng lại, liền tự giới thiệu tên mình: “Tớ tên là Lâm Khánh Hoa…”
Về sau tôi mới biết được, Vương Câu Đắc Nhi tên thật là Vương Canh Vân, khi còn bé cậu ấy nói chuyện rất vụng về, chỉ có dì Vương mới có thể nghe hiểu cậu nói gì. Theo tôi thấy thì có rất nhiều chữ cậu phát âm không rõ ràng vì lúc nhỏ lười nói chuyện. Về sau, chúng tôi trở thành bạn của nhau, bình thường tôi gọi cậu là Vương Câu Đắc Nhi, chỉ có khi làm bộ nghiêm túc mới gọi là Vương Canh Vân.
Chú Vương làm thuê cho ông nội tôi được vài năm, cũng có làm công nhật, là một người thoạt nhìn rất đôn hậu, nhưng thực tế là người đàn ông rất khéo léo. Mỗi lần nhìn thấy tôi, chú luôn dùng bàn tay thô ráp của mình xoa đầu tôi, khiến tôi có cảm giác rất an tâm. Bàn tay của cha tôi cũng rất lớn, nhưng chưa bao giờ cha làm động tác như vậy với tôi.
Có một lần tôi cùng mấy đứa nhóc từ thôn Đông trở về, lúc đi ngang qua ruộng đậu nành của nhà mình, tôi nhìn thấy chú Vương đang đứng trước cối xay bỏ thứ gì màu vàng sáng vào túi áo, ánh mắt có chút tham lam, nhưng tôi không biết vật đó là gì.
Tôi nhận thấy chú ấy có vẻ tham, cho dù cảm giác có chút không phải nhưng tôi vẫn nhanh chóng chạy về nhà nói cho ông nội. Ông nội khoát tay, có vẻ ưu sầu nói: “Cho chú ấy đi, để người khác chiếm chút lợi lộc cũng không sao. Nhà họ nghèo quá rồi.”
Tuy ông nội tôi là chủ, nhưng không hề xấu xa giống những người khác, mà trái lại ông rất lương thiện.
Vào một buổi tối ngày nào đó, Vương Câu Đắc Nhi bị cha mẹ cậu ta ép, run run rẩy rẩy chạy đến nhà tôi, bảo là muốn tìm con gà trống nhà họ. Ông nội an ủi cậu không phải sợ, còn cho mượn chó săn trong nhà giúp cậu tìm cả đêm.
Nếu có ai đến nhà chúng tôi mượn trâu mượn lừa, ông nội cũng bảo: “Không sao cả, cứ dắt đi đi.”
Nếu có nhà ai bị đói, ông nội liền bảo: “Tới nhà tôi mà lấy ít gạo ăn.”
Còn nếu có ai hứa với ông giúp thu hoạch mà có việc gấp không làm được, ông cũng chỉ nói: “Nhà tôi không gấp, cứ về xử lý việc nhà trước đi.”
Tôi không biết đi đâu chơi, đành tới nhà Vương Câu Đắc Nhi. Dì Vương đang ưỡn cái bụng lớn ngồi trên giường đất, Vương Câu Đắc Nhi bới một bát cơm, lại rót thêm chút xì dầu, không có thêm đồ ăn mà cứ say sưa ăn như thể rất ngon. Tôi không ngờ cậu lại thảm thương như vậy, nhưng còn chưa kịp thấy đáng thương ở chỗ nào đã bị cậu kéo ra ngoài rồi.
Vương Câu Đắc Nhi đặt chén xuống, đi tới nói với tôi: “Đi nào, cùng tớ đến xem em gái nhỏ của tớ nào.” Bởi vì cậu không phát âm rõ chữ, bà từ “em gái nhỏ” nghe cứ giống như là “em ụm bò.” Tôi nghe xong rất muốn cười. (Em gái nhỏ = tiểu muội muội, mà Vương Câu Đắc Nhi phát âm là tiểu mụ mụ = tiếng bò rống.)
Chúng tôi quấn nhau chạy đến một con hẻm nhỏ, cuối cùng cũng tới được nhà của dì cậu. Trong nhà không có bóng dáng người lớn nào cả, chỉ có mỗi một đứa bé quấn tã đang khóc oa oa.
Vương Câu Đắc Nhi bò lên giường, vui vẻ nói: “Cậu đến đây xem nè.” Nói xong cậu ta đưa ngón tay đen sì đến bên miệng đứa bé, chỉ thấy nó từ từ híp hai mắt lại, lập tức hé miệng mút ngón tay cậu, mút chuyên chú đến nỗi trong cổ họng phát ra âm thanh ô ô như tiếng mèo con.
“Xem này!” Ước chừng khoảng một phút đồng hồ, Vương Câu Đắc Nhi lấy ngón tay ra cho tôi xem. Cái ngón tay đen sì của cậu ta giờ đã được mút sạch. “Ờ ” từ nhỏ tôi đã sống sạch sẽ, nhìn cảnh này không khỏi có chút buồn nôn, nhưng vẫn nhìn chằm chằm ngón tay cậu không đáp một tiếng.
“Nào, cậu cũng thử đi.”
“Không không không…” Tôi vội lui về phía sau, chỉ thấy tội cho đứa bé kia.
“Cậu thử đi mà! Ai nha, không có gì đâu mà…” Cậu nói xong lại muốn kéo tay của tôi, tôi nhanh chóng nhảy khỏi giường chạy ra cửa.
Chúng tôi một đường vừa đuổi vừa chạy, lát sau chạy đến con mương bên cạnh. Ở đây rất bẩn, rất nhiều người tới đây đi vệ sinh, tôi than một tiếng lại chạy trở về.
“Này, có chó!” Vương Câu Đắc Nhi gọi một tiếng. Cậu ta nói hai chữ này cũng coi như rõ ràng, tôi nhanh chóng nhặt một tảng đá, thẳng người lên hỏi: “Ở đâu?”
“Kia kìa.” Cậu ta chỉ vào rãnh mương, tôi thấy một con chó màu vàng đang bơi trên mặt nước, giống như muốn bơi vào. Nhìn con chó đó rất sạch sẽ, chắc là chó nhà ai nuôi.
Tôi ném cục đá đi, nói: “Chúng ta cứu nó lên nào.” Vương Câu Đắc Nhi tựa như không nghe thấy, cầm cục gạch muốn ném xuống.
“Cậu đừng ném vào nó!” Tôi nóng lên, chắc chắn Vương Câu Đắc Nhi muốn đánh chó, nhưng mà tôi không muốn tổn thương nó. Tôi liền nhào đến bên cậu ta, một tay bắt lấy cục gạch.
Giống như phản xạ có điều kiện, Vương Câu Đắc Nhi hoảng hốt, cục gạch rơi xuống mặt đất, nhưng cậu ta lại mất thăng bằng, tôi nhào qua hụt nên bị vồ ếch một cái, lại bị đầu gối của cậu ta đẩy thêm phát nữa, dưới chân đạp vào khoảng không, vậy là lăn xuống mương.
Cái thời khắc ấy… tôi không bao giờ muốn nhớ lại nữa. Toàn thân tôi dính bẩn, dưới mương bốc lên mùi hôi khủng khiếp. Tôi mở mắt ra, đầu tiên là thấy con chó nhỏ vì giật mình mà bơi ra xa, sau đó là Vương Câu Đắc Nhi đang luống cuống tay chân đứng phía trên. Giờ phút này tôi chỉ muốn thắt cổ tự vẫn cho xong chuyện.
Tôi chật vật đứng dậy, đầu óc choáng váng. Vương Câu Đắc Nhi phản ứng coi như nhanh nhẹn, hô lớn với tôi một tiếng: “Cậu ở đây chờ!”, nói xong liền chạy đi mất. Rãnh mương này nằm dưới dốc đứng, đối với đứa nhóc bảy tuổi như tôi mà nói thì leo lên có chút khó khăn. Tôi tuyệt vọng đứng bên dưới nhìn lên bầu trời.
Chỉ chốc lát sau, cha mẹ tôi và dì Vương đều chạy đến. Cha mẹ tôi là người từng trải, lúc này vô cùng bình tĩnh, cha đưa xuống cho tôi một đầu dây thừng, bảo tôi cầm chắc, không tốn nhiều sức lực đã kéo được tôi lên. Mẹ một bên quở trách: “Nghịch thành cái dạng này…”
Dì Vương không nói hai lời, tóm lấy Vương Câu Đắc Nhi liều mạng đánh, cậu liền oa oa khóc lớn. Cha mẹ tôi ở một bên khuyên nhủ, nói là do tôi nghịch ngợm, không liên quan gì đến Canh Vân.
Dì Vương có ý muốn đem quần áo của tôi về nhà giặt nhưng cha mẹ tôi từ chối. Vừa về đến nhà, cha mẹ đã đem quần áo của tôi ném đi. Kỳ cọ cả nửa ngày tôi mới lại trở thành một đứa nhóc sạch sẽ.
Tôi cũng ăn trọn một trận đánh. Cha mẹ quản tôi rất nghiêm, ăn đánh là chuyện bình thường. Đến khuya khi đang ngủ, tôi còn nghe loáng thoáng tiếng khóc của Vương Câu Đắc Nhi, tiếng khóc đứt quãng tựa như bị nghẹn khí. Tôi không kiềm được rơi hai giọt nước mắt, lòng thầm nghĩ không biết sau này Vương Câu Đắc Nhi có còn chơi với tôi nữa hay không…
Chuyện này quả thật không thể trách Vương Câu Đắc Nhi, nhưng dì Vương lại đánh cậu ta dữ như vậy, việc này làm người nhà tôi rất xấu hổ, cảm giác như nợ người ta cái gì đó, bà nội nói: “Tìm cơ hội mà trả món nợ nhân tình này cho người ta.”
Rạng sáng ngày hôm sau, tôi nghe thấy có người cầm đất ném vào cửa sổ nhà tôi. Tôi quay ra ngoài thử, thì ra là Vương Câu Đắc Nhi, mặt cậu ta vẫn còn sưng, ở dưới lầu nhìn tôi cười xán lạn, tôi lại nhìn trong ngực cậu ta, giống như có thứ gì đó nhúc nhích. Tôi chăm chú quan sát, ra là cậu đang ôm một con chó màu vàng! Tôi thoáng cái yên tâm, chỉ sợ động tĩnh đánh thức người lớn trong nhà, cách một tầng cửa sổ, tôi huơ tay múa chân biểu đạt với cậu rằng mình rất kích động và cảm ơn cậu.
Con chó này không có chủ, liền được nhập bọn chơi với chúng tôi. Lúc đầu tôi gọi nó là “A Hoàng”, nhưng Vương Câu Đắc Nhi không nói được rõ ràng, cứ kêu “A Hoàng” thành “A Hoa”. Vì vậy, tôi cũng kêu nó bằng “A Hoa”.
Cố cung: ngày nay gọi là Tử Cấm Thành, nằm ngay giữa trung tâm thành phố Bắc Kinh trước đây, là cung điện của các triều đại từ giữa nhà Minh đến cuối nhà Thanh Trung Quốc.
Cách mạng văn hóa giai cấp vô sản còn gọi là Đại cách mạng văn hóa hay Văn cách. Là một phong trào chính trị xã hội tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa diễn ra trong 10 năm từ 1966 tới 1976, gây tác động rộng lớn và sâu sắc lên mọi mặt của cuộc sống chính trị, văn hóa, xã hội ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
cánh hữu là phe phái theo tư tưởng bảo thủ, thụt lùi. Cánh tả là phe phái theo tư tưởng tiến bộ.
Cao lanh hay được gọi là đất sét trắng. Trong nạn đói TQ thời xưa, do không có thức ăn nên người dân ăn đất sét trắng cho đỡ đói. Đất này ăn ít không gây chết người được nhưng không có dinh dưỡng gì, lại không thể tiêu hóa.
Ai có hứng thú với Cách mạng văn hóa TQ thì vào đây để tìm hiểu thêm.
Chương sau →