Thúc ấy nói, Tam Thất là một loại dược liệu tốt, có thể cầm máu. Người sống cảnh liếm máu trên lưỡi đao như thúc ấy cần nhất là Tam Thất.
Ngày thúc ấy đến, trên người đầy rẫy vết thương, sắc mặt nhợt nhạt như kẻ đã gần kề cái chec, chỉ nằm đó, lặng lẽ nhìn trần nhà, chẳng thốt lên lời nào.
Phụ mẫu ta bảo rằng, trông thúc ấy hệt như đang chờ chec.
Những vết thương trên người thúc ấy, một phần đã có từ trước, phần còn lại là do cứu ta mà bị ngựa giẫm đạp.
Chẳng biết ai đã làm ngựa hoảng sợ, mọi người vội vã tản ra khắp nơi. Ta ngây ngốc đứng giữa phố, chỉ mải nhặt viên kẹo đường.
Khi ta kịp nhận ra, đã thấy mình được Tam Thất ôm chặt, lăn sang một bên.
Con ngựa xé gió giẫm thẳng lên người Tam Thất, nhưng thúc ấy chẳng rên lấy một tiếng, vẫn ghì chặt ta trong lòng. Đợi đến khi mọi thứ yên ắng, thúc ấy mới chậm rãi đứng dậy, loạng choạng bước về phía cây đa ở góc phố.
Nhưng chưa đi được bao xa, thúc ấy đã ngã gục.
Cả người của Tam Thất thúc thúc gầy guộc chỉ còn da bọc xương, rõ ràng đã lắm lâu rồi chưa có một bữa cơm tử tế.
Phụ mẫu ta vội chạy đến, đưa ta và thúc ấy tới y quán.
Thúc ấy không nơi nương tựa, chẳng có thân thích hay họ hàng, vì vậy mà phụ mẫu ta đã mang thúc ấy về nhà.
Ta nằm cạnh Tam Thất thúc thúc, cùng nhìn lên trần nhà.
Trên xà nhà có một con nhện, nó đang tất bật làm việc mà chẳng chịu ngơi nghỉ.
"Thúc thúc xem kìa, con nhện đó thật tài giỏi, mạng nhện dệt thật lớn, đúng là một con nhện tốt."
Con nhện thật thú vị, ta nghĩ thúc ấy cũng đang nhìn nó.
Đôi mắt đục ngầu của thúc ấy thoáng động, nhìn con nhện rồi lại nhìn ta.
"Phải, quả thật là một con nhện tốt."
Khi ấy, ta ở độ tuổi nghịch ngợm, lời nói nhiều đến mức ngay cả ruồi cũng phải chào thua, cứ nằm cạnh thúc ấy là luyên thuyên không dứt.
Ta kể về những vũng nước dưới mái hiên khi trời mưa, về cành cây nhà hàng xóm vươn qua tường, về những bông hoa dại bám trên tường, hay kể về những gánh hàng rong bán hoành thánh, bánh vừng cứ đến đều đặn mỗi ngày...
Tam Thất chẳng nói lời nào, chỉ lặng lẽ lắng nghe, thỉnh thoảng quay đầu nhìn ta.
Từ dạo đó, không hiểu vì lẽ gì, thúc ấy bắt đầu chịu uống thuốc và cũng dần bước ra ngoài.
Thuở ấy, nhà ta chưa có nhiều bạc tiền.
Phụ mẫu làm vài việc buôn bán lặt vặt, trong nhà chỉ có một gian tiểu viện, còn thuê Kim bà bà đến nấu nướng, quét tước, tiện thể chăm sóc ta.
Kim bà bà đã lớn tuổi, chạy không nhanh, lo sợ ta bị bọn bắt cóc lừa đi, nên chẳng dám cho ta ra ngoài chơi.
Ngày qua ngày, ta chỉ ngồi thụp trong sân, mắt chăm chăm nhìn ra cổng cùng bức tường cao ngăn cách, nghe tiếng rao bán ngoài đường mà thèm thuồng đến chảy nước miếng.
Từ khi Tam Thất đến, thúc ấy hay dắt ta ra ngoài.
Thúc ấy khỏe mạnh, thân hình cao lớn, thường cho ta ngồi lên cổ để ngắm nhìn những màn biểu diễn ảo thuật.
Trong đám người vây quanh, ta luôn ngồi ở vị trí cao nhất, nhìn rõ ràng nhất.
Cô nương bán nghệ ấy múa kiếm điêu luyện, mạnh mẽ, khiến mọi người xung quanh đều tấm tắc khen ngợi phong thái dũng mãnh của nàng.
Ta cũng tự nhặt lấy một cây gậy, học theo nàng múa kiếm, chẳng may đâm vào mình, đau đến chảy nước mắt.
Chỉ vì một thoáng lơ là, ta liền bị thương, khiến Tam Thất tự thấy hổ thẹn, quỳ trước cửa xin phụ mẫu ta trách phạt.
Phụ mẫu vội đỡ thúc ấy dậy, "Tam Thất huynh đệ, đừng như vậy, trẻ nhỏ ham chơi, làm sao tránh khỏi vài lần vấp ngã?"
"Nào có gì to tát, cứ để con bé rút lấy kinh nghiệm, nữ nhi sau này không thể múa đao luyện kiếm được đâu."
Ta không phục, "Nữ nhi thì sao lại không thể múa đao luyện kiếm? Nếu con học được, ắt có thể đánh bại lũ kẻ xấu, không để chúng ức hiếp phụ mẫu nữa."
Phụ mẫu nghe vậy, sắc mặt thoáng đổi. Phụ thân cười gượng, có phần ngượng ngùng và xấu hổ, còn mẫu thân chỉ ôm chặt lấy ta, "Cẩm nhi của chúng ta thật là đứa trẻ ngoan."
Những kẻ đến gây khó dễ cho phụ mẫu ta đều là người nhà của phụ thân.
Nói là người nhà, nhưng kỳ thực rất xa lạ, khi gia cảnh túng thiếu, buôn bán thất bát đến nỗi chẳng thuê nổi một căn nhà, họ chẳng hề xuất hiện. Thế mà hễ khi việc làm ăn của phụ mẫu khấm khá hơn một chút, họ lại kéo đến ngay.
Họ ngang nhiên đập bàn, đòi phụ mẫu phải đưa bạc, phải lấy lụa là tốt nhất trong tiệm, lý lẽ thì rõ ràng mà giọng điệu lại đầy tự mãn.
"Chúng ta lo lắng chăm sóc cho người già trong nhà, các ngươi ngoài kia nhàn nhã thảnh thơi, không bỏ sức thì phải bỏ bạc ra, mỗi năm một trăm lượng bạc cũng chẳng phải chuyện gì to tát cả."
"Người nhà mà đến lấy ít vải may áo cũng phải trả bạc sao? Dù là khách quý như tiểu thư nhà Huyện lệnh đặt hàng, các ngươi chẳng qua chỉ cần nhập thêm vải là được, hà tất phải keo kiệt đến vậy? Ta thấy các ngươi khinh thường chúng ta là dân quê chân lấm tay bùn mà thôi."
"Tiểu đệ à, ngươi đến giờ vẫn chưa có nổi một đứa con trai, chỉ có mỗi Cẩm nhi thôi. Về sau, chẳng phải Lục gia vẫn phải nhờ vào Diệu Tổ con ta, để gánh vác mọi chuyện hay sao? Giờ ngươi nên rộng rãi một chút, sau này nó sẽ chăm sóc Cẩm nhi chu đáo."
Mỗi lần bọn họ đến, phụ mẫu ta đều chẳng vui vẻ gì. Phụ thân chỉ biết thở dài, còn mẫu thân thì lặng lẽ, đến bữa cơm cũng chẳng nuốt trôi.