Vào buổi chiều cách đêm Giao thừa còn ba ngày, Vưu Tư Gia bị chị gái Vưu Tư Khiết kéo đến cổng làng.
Gió lạnh như dao cạo, hai chị em run rẩy suốt hơn hai tiếng. Trời càng tối, không gian càng tĩnh lặng, tảng đá cối đơn độc ở cổng làng cuối cùng cũng bị đêm đen nhấn chìm, cột đèn rách nát nhấp nháy vài cái, phát ra một ánh sáng mờ nhạt.
Vưu Tư Gia bị lạnh đến mức không đứng vững, bắt đầu trèo lên tảng đá và nhảy nhót, răng run lẩy bẩy: “Thôi đi chị, hôm nay chắc là không được rồi, chị về bảo bà gọi điện hỏi lại.”
Vưu Tư Khiết không trả lời.
Bề mặt tảng đá trơn tuột, là dấu vết còn sót lại sau khi đậu được nghiền đi nghiền lại. Vưu Tư Gia cúi đầu dùng mũi giày vẽ bậy trên đó, rồi lại ngước nhìn má chị gái đang bị đóng băng.
Vưu Tư Khiết lớn hơn Vưu Tư Gia bốn tuổi, vừa mới vào cấp hai, chiều cao tăng rất nhanh, giờ Vưu Tư Gia đứng trên tảng đá mới cao hơn chị nửa cái đầu. Cô bé nhìn chị gái, chị gái cô bé chỉ nhìn chằm chằm con đường duy nhất dẫn ra ngoài làng.
Thêm hai phút nữa, Vưu Tư Gia hắt hơi thật to.
Tiếng hắt hơi ấy mới làm Vưu Tư Khiết chuyển động.
Vưu Tư Gia che mũi, giọng khàn khàn: “Chị, chị có giấy không?”
Vưu Tư Khiết lục lọi trong túi hồi lâu, chỉ móc ra một cái giấy nhàu nát, là mảnh giấy ghi sai bài tập lúc chiều, chị mở ra và đưa cho Vưu Tư Gia: “Chỉ có cái này thôi.”
Vưu Tư Gia liếc qua rồi nhận lấy, cô bé x.oa n.ắn mảnh giấy trong lòng bàn tay vài cái cho mềm ra rồi cúi đầu lau mũi. Dù vậy, sau khi lau xong, vùng dưới mũi vẫn đau rát.
Vưu Tư Khiết hơi ghê tởm: “Em đừng vứt lung tung.”
“Em biết rồi.” Vưu Tư Gia vò tròn mảnh giấy bỏ vào túi, liếc nhìn sắc mặt chị, “Chị, đi về chứ?”
Vưu Tư Khiết không còn nhìn chằm chằm vào con đường nữa, cô bé “ừ” một tiếng rồi quay người đi về, uể oải ỉu xìu.
Vưu Tư Gia thở phào nhẹ nhõm, cô bé nhảy thẳng từ tảng đá xuống và đi theo, vui vẻ như một chú ếch nhỏ.
“Chị ơi, chị đã hứa với em mà.” Vưu Tư Gia đi lùi, nhìn bóng của mình dưới chân lúc dài lúc ngắn, “Chị bảo em cùng chị chờ bố mẹ thì chị sẽ mua pháo cho em.”
Câu nói bay ra ngoài, nhưng sau vài giây vẫn không thấy hồi âm.
Vưu Tư Gia ngẩng đầu lên nhìn, trong bóng tối chỉ thấy đường nét im lặng của người kia. Cô bé lại đi thêm vài bước, ánh đèn đường bắt đầu chiếu qua mặt Vưu Tư Khiết, để lộ đôi mắt đỏ hoe.
Vưu Tư Gia mở miệng, ban đầu định nói gì đó, cuối cùng vẫn khép lại, chọn cách không chạm vào nỗi buồn của chị gái.
Hầu hết những người trưởng thành trong toàn bộ ngôi làng đều đi làm ăn xa, chị gái cô bé, những đứa bạn của cô bé, những đứa trẻ bị bỏ lại quê này hầu như đều nông nóng chờ cha mẹ về dịp Tết. Nhưng vé xe tết lại đắt và khó mua, thỉnh thoảng những chú bác này lại tập hợp một đoàn xe máy, chạy hai ba ngày mới về đến nhà.
Bà nội hàng năm đều dùng câu “Cứ đợi thêm chút nữa, năm nay bố mẹ sẽ về” để trấn an cô bé và chị gái, kéo dài từ tháng chạp cho đến rằm tháng giêng, từ năm kia cho đến năm nay, vẫn chưa hề thấy bóng dáng của bố mẹ đâu cả.
Mấy hôm trước, những đứa bạn cùng trang lứa đã rủ nhau đến chơi với Vưu Tư Gia, ai cũng mặc những bộ quần áo mới mà chỉ mặc vào đêm giao thừa.
Khi chúng đến, Vưu Tư Gia đang ngồi xổm trước bếp lửa khuấy than, trên người choàng một cái áo bông rộng thùng thình. Áo là cái mới mua ở chợ, bà nội đã chọn mẫu hình Cừu Vui Vẻ, Vưu Tư Gia không thích nhưng cũng không nói gì, bông trong áo thậm chí còn được gỡ từ chiếc áo cũ của chị gái.
Bạn cố ý hỏi: “Tại sao Vưu Tư Gia không mặc quần áo mới?”
Vưu Tư Gia đáp: Không có gì để mặc.
Mọi người nhìn nhau, lại hỏi: “Bố mẹ cậu không mua à?”
Vưu Tư Gia múc than bỏ vào bếp: “Bố mẹ mình chưa về.”
“Vậy khi nào về?”
Vưu Tư Gia quay sang hỏi Vưu Tư Khiết: “Chị ơi, bố mẹ năm nay có về không?”
Vưu Tư Khiết đang viết bài tập bên cạnh bếp lửa, nghe vậy liền ném bút “cốp” một tiếng: “Các em đã làm xong bài tập tết chưa?”
Vưu Tư Gia vội vàng lôi theo bạn chạy ra ngoài, trước khi đi còn không quên nhổ sợi nhang trước bàn thờ ở nhà bà nội, chia đều cho mọi người rồi cùng nhau đốt pháo.
Sau đó, trong lúc chơi đùa, không rõ do ai sơ ý mà đốt cháy một lỗ trên bộ quần áo mới của một đứa.
Khi mọi người phát hiện ra, ai nấy đều hoảng hốt. Vưu Tư Gia nhanh trí chạy về nhà lấy một cuộn băng keo định dán lại chỗ rách, nhưng dán không được, lại gỡ ra dán lại, trong quá trình đó lỗ rách càng lúc càng to, phần nhung bên trong cũng bắt đầu bay ra.
Rồi đứa kia lại la khóc om sòm giữa đường, mẹ nó nghe tiếng chạy ra, hỏi nguyên do xong liền đá cho một cú, kéo tai lôi nó về nhà.
Vưu Tư Gia và bạn bè lập tức tản mác như chim như thú.
Không ai chơi với cô bé, cô bé đành quay về nhà. Vừa bước vào cửa, Vưu Tư Khiết bất ngờ vui vẻ khác thường, nói rằng sau ngày mai bố mẹ sẽ về nhà ăn Tết, và lần này là sự thật.
Vưu Tư Gia “à” một tiếng, không hiểu lắm. Khi bố mẹ đi làm ăn xa, Vưu Tư Gia mới học lớp mẫu giáo, giờ đã lên lớp hai, suốt thời gian qua vẫn luôn bị bỏ lại ở nhà ông bà.
Cho nên việc hy vọng bị dập tắt đối với một đứa trẻ thật vô cùng tàn nhẫn. Nhưng Vưu Tư Gia thì chẳng quan tâm, cô bé từ nhỏ đã được nuôi theo kiểu buông thả.
Buông thả giữa đống cát ở làng Vưu, giữa cánh đồng hoang sẽ nở đầy hoa dại vào mùa xuân, những ao nước lấp lánh, những cánh đồng trồng lúa mì và ngô xen kẽ nhau, và những ngôi nhà gạch bỏ hoang, những bức tường xiêu vẹo sắp sập, đó là những nơi căn cứ phiêu lưu và khu vườn bí mật của cô bé.
So với bất cứ thứ gì khác, Vưu Tư Gia lại mong chờ mùa xuân hơn cả. Cô như một vị vua, nôn nóng chờ đất tan băng để đi tuần tra lãnh địa của mình.
Vưu Tư Khiết dù buồn vẫn cho em gái năm mươi xu.
Vưu Tư Gia chạy vào cửa hàng tổng hợp mua hai hộp pháo, rồi chạy về nhà bà nội lấy trộm một hộp diêm. Ông bà đã chuẩn bị xong bữa cơm, thấy Vưu Tư Gia như cơn gió đi rồi lại đến, vội kéo tai cô ngồi xuống bàn ăn: “Ăn cơm trước đã.”
Bát canh miến bắp cải mãi như cũ, Vưu Tư Gia chỉ cầm bát to trên bàn, một hơi uống sạch nước canh. Sau đó “cốp” đặt xuống, cô bé lau miệng rồi chạy biến nhanh.
Bà nội sau lưng thở dài: “Chưa từng thấy con nhóc nào tinh quái như vậy.”
Trời lạnh, ngoài ánh sáng vuông vức từ cửa sổ, cả làng đều im lặng như tờ.
Vưu Tư Gia móc ra một chai thuốc nhỏ ở bên đường, cô bé châm lửa đốt pháo, nhét vào chai rồi vặn chặt nắp rồi nhanh chóng lùi lại ba bước.
Một tiếng nổ ầm, nắp chai bay bổng lên không trung, như một con thuyền trắng nhỏ bất ngờ lên cao giữa đêm tối.
Vưu Tư Gia rất thích trò này. Những tiếng nổ ầm ĩ vang lên trên con đường tĩnh lặng, thỉnh thoảng làm chó sủa vang.
Nắp chai bị văng xuống mương bên đường, đầy cỏ khô. Vưu Tư Gia ngồi xổm bên mương, nhìn mãi trong bóng tối mà không tìm thấy, định bỏ cuộc. Lúc này, một chiếc xe máy “rầm rầm” quẹo vào giữa phố, ánh đèn vàng mờ chiếu lên bóng cỏ lác đác, Vưu Tư Gia liền nhìn thấy nắp chai nằm dưới một cọng cỏ khô.
Cô bé bắt đầu với tay lấy nắp chai, tiếng xe máy áp sát làm đất bụi rung chuyển, cô bé nằm sấp xuống nghiêng đầu, bị ánh đèn chiếu vào làm nheo mắt.
Vưu Chí Kiên và vợ Lưu Tú Phân ban đầu chẳng để ý, đi được hai mét thì mới cảm thấy có điều gì đó không ổn.
Tiếng “rầm rầm” dừng lại, Lưu Tú Phân vất vả tháo mũ bảo hiểm, ngồi lâu ở ghế sau khiến cơ thể cứng đờ. Cô quay người thử gọi một tiếng.
Vưu Tư Gia từ dưới đất bò dậy, trước tiên thổi sạch nắp chai, sau đó vỗ bụi trên người, thấy hai người trên xe máy đang nhìn mình mới ngơ ngác đáp lại một tiếng.
Lưu Tú Phân không ngờ đứa “con trai nhỏ” này lại là con gái ruột của mình.
Vưu Tư Gia bị cha mẹ túm về phòng khách dưới ánh đèn trần trắng, chiếc áo bông to tướng, hai tay đỏ rần, quần áo dính đầy bụi và cỏ khô, y hệt một đứa trẻ hoang dã, chỉ có đôi mắt là long lanh sáng ngời.
Vưu Tư Khiết chỉ nép bên cạnh Lưu Tú Phân. Lưu Tú Phân nhìn hai con gái, trước hết là một nỗi đau xót, sau đó lại sinh ra sự oán trách với mẹ chồng, những mối bực tức từ trước đến nay vẫn nuốt trong lòng, lúc này nghĩ chừng đã có chút lý lẽ mới.
Nhưng chưa kịp bộc lộ cơn giận, Vưu Chí Kiên bên cạnh đã không hài lòng, trông như sắp cãi nhau ngay khi vừa về đến nhà.
Mẹ chồng lúc này can thiệp, với cô lại có vẻ thân mật khác thường: “Đã ba tháng chưa?”
“Chưa đến.”
“Có thể kiểm tra được không?”
“Bây giờ không cho kiểm tra nữa, đó là vi phạm pháp luật.”
Vưu Tư Gia nghe người lớn nói chuyện, ở trong nhà một lúc, tranh thủ lúc không ai để ý lại chạy ra ngoài.
Bởi bố mẹ đã về, tối giao thừa hôm đó đã nấu đến sáu món.
Xào đậu que, trộn trứng bắc thảo, tưới xì dầu lên dưa chuột, thái nửa đĩa tai lợn, hộp đào vàng cũng tính là một món, điểm nhấn là khoai tây xào gà.
Con gà trống từng gáy ở nhà bà nội. Vưu Chí Kiên đã nhiều năm không về nhà, kỹ năng giết gà trở nên vụng về, khi chém cổ gà không đủ lực khiến nó thoát ra.
Sau khi chạy thoát, con gà kéo theo cổ đầy máu, gáy não nức trong vườn rau, cả đầu làng phía đông đều nghe rõ.
Vưu Tư Gia thì ngồi xổm bên cạnh, hăng hái quan sát Vưu Chí Kiên đuổi gà, chém gà, rải máu, đổ nước nóng, nhổ lông, rồi ngoan ngoãn canh bên bếp lò chờ mâm cơm Tết được dọn ra.
Vưu Chí Kiên lấy hai cái nồi sắt nhỏ, chia nồi gà xào nóng hổi làm đôi, một nồi đưa cho Vưu Tư Gia rồi sai bảo: “Đi mang cho bà nội, đừng đổ đó.”
Vưu Tư Gia vui vẻ nhận nhiệm vụ này, quay người đi ra ngoài, chưa đi được vài bước đã bóc một miếng thịt gà cho vào miệng, nóng đến mức phải méo mặt, cô bé nuốt vội xuống mà chẳng kịp nếm vị gì.
Nhà bà nội nằm giữa nhà của gia đình cô và nhà chú, là một căn nhà lợp ngói, cửa chính hướng khác nhau, muốn mang thức ăn phải quanh qua con hẻm nhỏ phía sau.
Hai bên con hẻm đều treo đèn lồng đỏ, chiếu sáng cả con đường đất nhỏ, cô lại nhét một miếng khoai tây vào miệng, bước đi theo bóng đèn lồng, bước chân trở nên nhẹ nhàng hơn.
Dân làng mê tín, dù ngày thường sống khó khăn thế nào, những ngày Tết vẫn phải làm ra vẻ đoàn viên hạnh phúc. Vì vậy những tiếng ồn ào, vỡ vụn lọt ra từ kẽ gạch đỏ bên cạnh trông thật không hợp không khí đêm giao thừa.
Miếng khoai tây trong miệng Vưu Tư Gia chưa kịp nuốt, giây tiếp theo một vật gì đó từ khung cửa đen kịt bay ra, suýt chạm vào mặt cô, khi cô phản xạ lùi lại, suýt đổ nồi gà trong tay.
Vưu Tư Gia vô thức ôm chặt lấy nồi sắt nóng hổi.
Vật thể bay ra từ cánh cửa chéo đối diện, ngôi nhà này cũng là nhà lợp ngói như nhà bà nội, so với những cánh cổng nhà bên đường với ánh đèn lồng sáng rực, nơi đây trông xuống cấp, có phần hoang vắng.
Vưu Tư Gia nhìn xuống đất, mới nhận ra đó là một chiếc giày cao su cũ kỹ.
Từ trong cửa vọng ra tiếng lẩm bẩm, giọng nói mơ hồ đặc trưng của người say rượu, xen lẫn những lời lẽ thô t.ục mà cô không hiểu.
“Không bị đá trúng chứ?”
Tiếng nói từ đâu đó vọng tới, dường như đang hỏi cô.
Vưu Tư Gia quay đầu, thấy người nói đang ẩn mình trong bóng tối, một thân hình gầy guộc như que tre, sát vào khung cửa gỗ, đầu gần chạm tới nóc cửa thấp.
Cô phản ứng một lúc, ngơ ngác “à” một tiếng.
Dù ánh sáng mờ nhạt, Vưu Tư Gia vẫn nhìn rõ, dưới mũi cậu có một vết ẩm ướt, trông rất chói mắt trên khuôn mặt hẹp.
“Mũi của anh.” Cô bé nhìn chằm chằm Dương Huyên, “Mũi của anh đang chảy máu kìa.”
Từ đống củi lửa xa xa vọng lại tiếng xào xạc, con chó canh nhà r.ên r.ỉ vài tiếng.
“Không sao.” Cậu đưa mu bàn tay chạm vào, có lẽ do đau, cậu dừng lại một chút rồi lại lặp lại câu hỏi, “Vừa rồi em có bị đá trúng không?”
“Không có.” Tay cô bé mới chợt nhận ra cơn nóng rát, bắt đầu dùng đầu ngón tay kẹp lấy mép nồi.
“Vậy là tốt.” Dương Huyên vài bước tiến tới, nhặt chiếc giày dưới đất rồi quay trở vào phía sau cánh cửa gỗ.
Vưu Tư Gia hiếu kỳ, thò đầu nhìn vào bên trong.
Bên trong là một sân nhỏ hẹp, cửa chính đối diện với một gian bếp đơn sơ làm từ rơm ngô, một ông già say rượu nằm vật ra giữa sân.
Theo lời người lớn, người say này có tiếng xấu khắp nơi. Lúc tỉnh táo là người bình thường, còn có thể sửa xe ở đầu làng; nhưng một khi say rượu lại trở thành “kẻ say loạn” nổi tiếng trong vòng mười dặm. Uống say tại nhà thì còn được, đập bát vỡ chén không liên quan đến hàng xóm, nhưng nếu ra đường, láng giềng thấy ông ta mắt đỏ ngầu là lập tức tránh xa, bởi nếu ông ta nằm trước cửa nhà ai, nhà đó sẽ gặp xui xẻo. Trong làng ai mà chẳng có mâu thuẫn? Nhà nào lại không có chuyện không hay? Chỉ cần ông ta nằm xuống là mọi chuyện đều bị phơi bày, vì thế đã gây ra không ít cuộc ẩu đả.
Hệ thống bậc tuổi trong làng rất lộn xộn, dù đã ngoài năm đời, Vưu Tư Gia vẫn phải gọi ông ta bằng “ông Tư”.
Lúc này, ông Tư nằm dưới đất, chỉ còn một chiếc giày, bàn chân đen đúa hướng thẳng về phía Vưu Tư Gia ở ngoài cửa.
Bên cạnh, bà Tư đang chống gậy ngồi trên ngạch cửa, giơ tay lau mặt rồi móc khăn tay ra từ ngực, lau mũi, sau đó run rẩy cố gắng đứng dậy.
Dương Huyên bước tới, ném giày vào góc tường rồi nắm lấy mắt cá chân người đang nằm dưới đất, không kể ba cây bảy, kéo vào trong nhà.
Cậu cao hơn so với những đứa trẻ cùng lứa tuổi, nhưng vẫn chỉ là học sinh lớp năm, vất vả mãi mới kéo được nửa người vào trong, nhưng ngạch cửa lại chèn vào lưng, áo quần lật tung lên, kéo vất vả lại làm bật ra một tràng thóa mạ của người kia, những lời nói không thể nhắc đến: “Đồ con hoang chết tiệt…”
Bà Tư vốn đang chống lưng cho ông ta, nghe vậy bỗng buông tay: “Uống hai lít nước tiểu chó không phải đánh nhau thì cũng nhả ra toàn rác rưởi! Không phải nói về cháu ngoại ruột của ông à?”
Người ngồi trên ngạch cửa đau đớn, vội vàng ngồi bật dậy, vừa chửi vừa muốn cởi chiếc giày còn lại: “Mày muốn giết tao…”
Dương Huyên lanh lẹ, cậu nhanh tay giật luôn chiếc giày rồi ném vào góc tường, để nó đoàn tụ với chiếc kia.