• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Chồng nàng lâu chẳng thấy về. Người ta nói rằng chàng đã ở lại triều đình và điều khiển việc triều chính quốc gia đại sự.
Khi chạy trốn sang phía tây, Hoàn Huyền dẫn theo Hoàng đế nhà Tấn bị soán ngôi. Hoàn Huyền đã thất trận, Hoàng đế không vì thế mà được tự do. Bị kẹt trong thâm sơn cùng cốc Tây Nam, Hoàng đế bây giờ là tù nhân của tướng Lưu, kẻ chiến thắng. Những lời bôi nhọ nói rằng khi đã chiếm được kinh thành Kiến Khang, không cần lo ngại vì Thiên tử không có ở đó, tướng Lưu đã quyết định theo gương Hoàn Huyền trèo lên ngai vàng để thành Hoàng đế.
Lo sợ cuộc nổi loạn của các tổng đốc khác, thành Kinh Châu đóng kín các cửa thành. Ngoài đường, binh lính rà soát khắp lượt. Lính bảo vệ dinh thự đã tăng lên gấp đôi. Cả hai người vợ đều hốt hoảng. Cùng lo sợ như nhau nên họ quên đi mâu thuẫn của mình về cuộc đời thủ lĩnh tối cao và sống chung với nhau từng ngày.
Nàng Tăng đã thôi chê bai Bà Mẹ Trẻ và Bà Mẹ Trẻ cũng chấp nhận có một người chị em phàm phu tục tử. Nàng Tăng đã thay đổi căn phòng Ký Nô mà nàng đang cai quản. Vải gai dầu đã thay thế những bức trướng bằng lụa và những tấm màn vải thay cho nệm thêu gấm phủ. Đem những công cụ bằng gỗ có cán sắt từ miền quê lên, nàng ta đặt chúng ở giữa phòng. Bà Mẹ Trẻ tò mò hỏi xem chúng dùng để làm gì.
- Cái này là cái bừa! - Nàng Tăng giải thích. - Không có bừa nông dân không thể làm đồng. Nó dùng để vỡ đất và loại bỏ những hạt sỏi. Đất cũng giống như bột. Phải lọc bột trước khi làm bánh mì. Đất phải được làm tơi trước khi nhận hạt gieo xuống.
Bà Mẹ Trẻ tròn mắt. Nàng từng biết công cụ này qua sách Kinh thi mà nàng học lúc bé. Nàng không biết tí gì về cách dùng nó, giống như nàng không biết tí gì về cách người ta làm bánh mì. Nàng nắm lấy cán bừa rồi nhấc lên.
- Không phải ở đây! Trong vườn cơ! - Nàng Tăng hét lên.
Trước khi tiếng hét của nàng Tăng chấm dứt, Bà Mẹ Trẻ đã lảo đảo và cán cái bừa gãy làm đôi.
Nàng Tăng tiếp tục bực dọc:
- Nàng có biết lưỡi cày là cái gì không? Nếu nông dân giàu, anh ta sẽ móc nó vào một con bò hay con ngựa, nếu anh ta nghèo thì vợ anh ta phải kéo cày thay bò ngựa. Lưỡi cày sẽ đào thành các luống đất…
Bà Mẹ Trẻ nhớ tới dinh thự, nơi nàng đã lớn lên. Nó cũng có những khu vườn để trồng rau và ngũ cốc để lấy mùi hương đồng nội và những công dụng lạ lẫm.
- Đây là cái xiên lật đất, còn kia là lưỡi trở rơm… Đó là những dụng cụ Ký Nô đã dùng khi đi làm đồng. Nhà hắn là một trong những nhà nghèo nhất làng… Nàng đừng đụng vào cái gì hết! Ta sẽ ra lệnh dành riêng một khu vườn để ta dạy nàng trồng rau!
Cây sơn trà đã trổ bông. Khi những nải chuối vẫn còn xanh thì cam đã vàng mọng. Ở phía nam sông Dương Tử, mùa đông dịu hiền như dòng sữa nhưng nàng Tăng lại chẳng quen sống sung sướng.
Thông qua nàng, Bà Mẹ Trẻ biết được chồng nàng mồ côi mẹ từ lúc chào đời. Cha chàng nghèo đến mức không nuôi nổi chàng. Giận đứa con làm vợ mình chết, ông ta quyết định dìm đứa bé xuống nước. Một người chị họ biết được ý định đó. Vì bà ta vừa sinh con nên bà ta nói sẽ cho đứa trẻ bú sữa. Từ lúc đó, người ta gọi chàng mồ côi là Ký Nô, nghĩa là “đứa trẻ bị bỏ đi”. Lúc vừa lên năm, Ký Nô đã ra đồng. Lên mười hai tuổi, cô gái trẻ Tăng trở thành hôn thê của Ký Nô, lúc đó vẫn chỉ là thằng nhóc còn nhỏ con hơn nàng. Từ lúc đó nàng phải kéo cày. Lúc trưởng thành, Ký Nô hay nóng nảy và thường xuyên cãi nhau với cha chàng. Chàng bỏ bê việc đồng áng để đi chơi với lũ du thủ du thực trong làng, những kẻ đã dạy chàng đánh đấm và dùng đao kiếm. Để được gia đình tha thứ, nàng Tăng đã phải làm việc không ngơi nghỉ. Nhờ một người bạn, Ký Nô đã kiếm được một việc làm trong thành và trở thành lính gác cổng.
Sau đó, chàng càng ngày càng ít về quê, những chuyến về quê của chàng ngày càng ngắn và cách nhau rất xa. Sau khi đi lính, chàng để nàng Tăng gánh vác cha nàng, mẹ kế và hai đứa em cùng cha khác mẹ, chàng thỉnh thoảng gửi tiền về nhưng không bao giờ gặp nàng nữa.
- Hắn còn không biết mặt con gái hắn, - bà vợ cả oán hận. - Ta còn phải chờ hắn bao lâu nữa? Mùa xuân, ta phải trở về quê để lo gieo mạ. Cha mẹ ta già rồi. Chỉ còn đôi tay ta mới lo cho họ được thôi!
Khi thấy phải ở kinh thành ngày dài đoạn tháng, nàng Tăng bắt đầu lo lắng. Nàng ghét cuộc sống bị giam cầm trong dinh thự lặng im và chỉ mong ngóng ngày trở về quê.
- Ta thấy cuộc đời em thật chán nhỉ! - Nàng ta than thở với Bà Mẹ Trẻ. - Ở đây, ta sẽ già đi trước mười tuổi mất! Ta cần phải để cho xương cốt vận động và hít thở ánh mặt trời. Ở trong làng, những cánh cửa không bao giờ đóng và những người hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Những đứa trẻ và lũ chó chạy quanh khắp nơi và ăn khi đồ ăn dọn sẵn. Khắp nơi tràn ngập tiếp cười, tiếng cãi cọ, tiếng hát, tiếng nghé ọ và tiếng gà gáy ò ó o. Ở đây, ta phải sống với lũ chim chậu cá lồng chẳng biết bay, suốt ngày cứ lượn lờ như con bệnh!
Nóng lòng muốn làm xong bộ đồ cưới cho em trai Ký Nô, nàng Tăng cho người mang đến một khung dệt và bắt đầu công việc. Bà Mẹ Trẻ đi theo nàng và nhìn con quay chạy giữa những sợi chỉ, thích thú nhìn những động tác lanh lẹ của người dệt vải.
Những sợi chỉ trong suy nghĩ của nàng cũng rối rắm như vậy.
Hoàn Huyền từng có quan hệ với hoàng tộc. Lúc năm tuổi, hắn được thừa kế chức công hầu và hai mươi ba tuổi hắn đã được chỉ định làm người chăm sóc hoàng tử thừa kế ngai vàng. Dù mang dòng máu quý tộc, khi hắn đoạt ngai vàng, dân chúng đã nổi dậy gọi hắn là kẻ soán ngôi. Chồng nàng sinh ra giữa những người nghèo khó nhất của vương quốc. Nếu chàng có đội vương miện Thiên tử trên đầu thì chàng còn có nhiều kẻ thù hơn Hoàn Huyền. Những người có phẩm tước và quý tộc sẽ chẳng muốn quỳ gối tuyên thệ trung thành trước mặt một người từng lem luốc trên đồng ruộng. Bị xa lánh, bị khinh miệt, chàng chắc phải đối mặt với các tổng đốc lợi dụng tầng lớp thấp kém của chàng mà tuyên chiến chống lại chàng.
Gió thổi qua. Những đám mây hạ xuống thành Kinh Châu rồi phủ lấy nó bằng một lớp sương mỏng. Cơn mưa lạnh tí tách trên mái nhà. Từng khóm tre, bụi chuối ngả nghiêng.
Trước gương, Bà Mẹ Trẻ chải mái tóc dài bằng một cái lược gỗ hình con chuồn chuồn. Nàng mân mê con phượng hoàng vàng cánh nạm ngọc trai chồng nàng tặng rồi đóng hòm đồ trang sức lại.
Năm 406
Một sáng tinh mơ, nàng Tăng mặc một chiếc áo khoác chằng đụp cùng đứa con gái đến gặp Bà Mẹ Trẻ.
- Trong mơ ta thấy mình trở về làng. Không có ta, mạng nhện đóng trên trần nhà, còn đất đai của tổ tiên không ai tưới tiêu, cày cấy. Cha mẹ chồng ta phàn nàn mãi vì ta đi vắng, họ muốn ta về chuẩn bị nhà cửa đón Tết. Mấy đứa cháu gái thì cãi cọ om sòm. Áo quần chúng còn chưa may vá lại. Ta cho đóng móng lừa rồi. Ta phải về thôi.
- Hãy ở lại đi, - Bà Mẹ Trẻ nước mắt đầm đìa. - Hôn phu chúng ta có lẽ sẽ trở về đón Tết. Nếu chàng không thấy nàng, chắc chàng sẽ thất vọng lắm.
Nàng Tăng lắc đầu rồi đưa cho Bà Mẹ Trẻ một bọc quần áo.
- Đây là cái áo khoác cũ ngày xưa Ký Nô vẫn mặc. Nó sẽ giúp hắn nhớ lại thời trai trẻ khi chúng ta chật vật kiếm cái ăn qua ngày. Sự giàu sang quyền lực, công danh chỉ là ảo ảnh. Chỉ có mảnh đất đã nuôi lớn con người, con vật, đồng ruộng và bốn mùa mới là vĩnh cửu. Hắn không được quên những giá trị của nhà nông.
Nàng Tăng và cô gái đi rồi, Bà Mẹ Trẻ lại rơi vào cảnh buồn bã. Những cơn mưa mùa đông càng ám ảnh nàng, những bông hoa thủy tiên đã nở và năm mới sắp đến. Ôm Huệ Viên trong tay, nàng nghe tiếng những cánh hoa đập vào thành cửa sổ thành tiếng trong thành Kinh Châu. Khi còn trẻ, thời điểm này là lúc nàng đến chúc thọ ông nội và ngắm những chiếc đèn lồng hình hoa và thú trôi bềnh bồng trên những con kênh.
Bên kia đường chân trời mờ sương, chồng nàng đang viết nên một trang sử mới. Chàng đã cứu được Hoàng đế bị đày ải trở về và khôi phục nhà Tấn. Ngay khi lên ngôi, Hoàng đế đã phong cho kẻ cứu mạng mình chức thị trung, xa kỵ tướng quân, thống soái quân đội.

Bà Mẹ Trẻ đã mệt mỏi. Những tin đồn mà nàng nghe chỉ là những lời vu khống. Chồng nàng là một người thông minh, một chiến lược gia tài ba. Chàng thích vinh quang của kẻ chinh phục hơn là vẻ khoa trương của một hoàng đế phù phiếm.
Tiếng cồng rung chuyển đất trời. Chồng nàng trở về giữa cơn mưa hoa trắng. Nàng mặc bộ đồ trắng lộng lẫy vội vã đón chàng về. Chàng mặc bộ áo bào vàng và đeo thắt lưng màu tím, dấu hiệu của đẳng cấp tối cao trong triều đình, tuy nhiên chàng thì vẫn không đổi, có chăng chỉ là ở chỗ những nếp nhăn đã sâu hơn, bước chân nặng nề hơn giống như mang chì trong từng suy nghĩ. Nàng ngả mình vào chàng và hít thở mùi của hòa bình.
Đêm quá ngắn. Ngay khi bình minh, dinh thự đã đầy lính. Những tướng lĩnh diễu qua lại và những cuộc gặp gỡ diễn ra quanh một bàn cờ lớn. Mọi người lần lượt bàn tán rồi di chuyển từng con chốt trên bàn cờ. Khác với những con chốt trắng và đen trong cờ vây chỉ thể hiện hai quân đối đầu, trên bàn cờ của chồng nàng, có hơn hai mươi màu đại diện cho hàng chục vương triều man di ở phía Bắc Dương Tử và hàng chục tổng đốc độc lập ở bờ Nam. Đầy tham vọng và gian trá, đến lượt mình, những tổng đốc ở bờ Nam nổi dậy. Chiến thuật của chồng nàng làm họ yếu dần về quân sự bằng cách đẩy họ tới những cuộc chiến phương Bắc, rồi chàng cũng sẽ lần lượt thâu tóm từng vương triều man di bằng cách chia rẽ chúng.
Giờ thì nàng hiểu được tại sao tóc chồng nàng bạc đi! Chàng đột ngột lên đường đi Kiến Khang, nơi những tổng đốc đã hội đủ quân lính chờ lệnh chàng. Chàng ra đi mang theo cả niềm vui của người vợ và phá tan ước mơ có một đứa con của nàng. Nhưng Bà Mẹ Trẻ không có thời gian để cô đơn lâu, vị thủ lĩnh tối cao đã trở về và những chuyến đi về của chàng như mắc cửi. Chàng cho đổi lính gác và để lại cho Bà Mẹ Trẻ chiếc áo bào của thủ lĩnh. Nàng cất nó trong rương và buộc chìa khóa lên thắt lưng của mình. Được chàng tin tưởng, nàng tràn ngập niềm vui lẫn buồn bã. Những người phụ nữ cũng là những người lính bị đặt vào những vị trí sinh tử trên bàn cờ. Quê hương, cha mẹ và mộ tổ tiên đối với nàng Tăng; còn đối với nàng là Kinh Châu, cửa sông Dương Tử, nhà ngục và nhà dân, tất cả cũng mỏng manh và phù phiếm như nàng.
Chồng nàng đã lên đường, những căn phòng lại rộng quá đỗi, quá rộng cho nàng và Huệ Viên. Bà Mẹ Trẻ lại cầm cọ vẽ. Trên tấm lụa đã trải ra, dòng sông đe dọa mặt trời nhợt nhạt. Trên bờ Nam, những con ngựa thoắt ẩn thoắt hiện, những chiến xa xếp hàng sin sít, những chiếc thuyền bồng bềnh trên sóng nước. Nàng thêm vào một trại lính và một mái lều tím bao quanh là những lều nhỏ màu trắng. Đó là khu lều của thủ lĩnh, chồng nàng.
Chiến tranh sắp đến, nhưng chiến tranh còn chực chờ.
Chồng nàng trở về và họp kín với những người thân cận cùng một danh sách trong tay. Vào giữa đêm thâu, chàng cầm cọ viết, vòng những cái tên bằng mực đỏ và thêm những cái khác vào cạnh bên. Rồi chàng nằm xuống bên cạnh nàng. Thay vì ôm nàng vào lòng, chàng nằm quay lưng lại và ngủ thiếp đi. Ít lâu sau đó, nàng được biết rằng các quan lại trong triều đã bị xử chém và bị thay thế.
Chồng nàng rời khỏi Kinh Châu, rồi nhanh chóng trở về. Đi lang thang sau những cánh cửa cuốn, nàng lắng nghe cuộc đối thoại:
- Thưa đại nhân, đây là gia phả triều nhà Hán mà nô tài đã lấy từ Tàng thư hoàng tộc ra. Phân nhánh liên quan đến Sở vương Lưu Giao đã bị thay đổi. Tên của tổ tiên chúng ta đã được thêm vào. Từ nay, không ai có thể nghi ngờ nguồn gốc hoàng tộc của chúng ta.
- Còn việc này nữa: vợ thứ hai của ta là một người thượng lưu. Nhưng trước kia ta đã cưới nàng Tăng. Tăng là một cái tên ô nhục ở miền quê. Ta không muốn ly hôn với một người phụ nữ tiết hạnh và chung thủy,
- Ở trong triều có một viên thư lại trong cung tên là Tăng Vương. Chắc sẽ không khó, nô tài sẽ thuyết phục con cháu nhà Tăng Vương mở rộng gia phả.
- Hãy làm như vậy trước khi ta đi lên phương Bắc.
- Đại nhân có mệnh rồng, điều đó đã thấy trong chiêm tinh. Cuộc chiến phương Bắc sẽ dẫn ngài đến vinh hiển.
- Đừng có nịnh bợ nữa. Ta đang phải thận trọng…
Đêm, Bà Mẹ Trẻ thấy các giấc mơ lạ kéo đến: những thảo nguyên rực cờ trướng và những cánh đồng ngũ cốc bị biến thành chiến trận. Vô số các ông vua, tể tướng, các chiến lược gia, các chiến binh, đi ngựa hay đi bộ, kéo dài từ bầu trời thấp đầy mây phủ đến. Tên họ trở thành một bài thơ dài, một câu chuyện thê lương trong tiếng than thở não nề của cây đàn cổ cầm. Họ lắc đầu, cười khẩy, nhăn trán, cười ma mãnh, nhíu mày, vuốt râu, trợn mắt. Mặt mũi họ tái xanh vì sợ, đỏ lên giận dữ, tím lại vì buồn rồi ngâm vào nước lạnh của dòng sông, ném vào những cơn bão lửa, nhảy múa trên những lưỡi kiếm và được tưới đẫm bằng máu của kẻ thù.
Bà Mẹ Trẻ giật mình tỉnh dậy. Căn phòng tối đen như ngôi mộ. Tay nàng mò mẫm chạm vào thân thể của chồng mình. Chàng chết rồi sao? Họ đang ở thời đại nào? Họ được chôn và đưa vào hầm bao lâu rồi? Một cơn sợ hãi khó tả xâm chiếm nàng. Nàng lắc chàng thật mạnh. Chàng động đậy rồi tỉnh giấc, tay lăm lăm thanh kiếm. Ngay lúc nghỉ ngơi chàng cũng cảnh giác.
- Thiếp đây, - nàng nói.
Chàng thả lỏng, cúi xuống rồi ngả người lên nàng.
- Một đứa con trai, - chàng nói.
Bà Mẹ Trẻ rên rỉ và thở dài. Cái chết đã trở thành cuộc sống kêu kèn kẹt dưới da nàng, đến tận đầu ngón tay. Một thứ âm nhạc từ trong bụng nàng vang lên, làm rung làn da và lên tới tận cổ họng thành một lời oán trách đôi lúc dâng cao, đôi lúc nặng nề.
Khi nàng thức dậy, chồng nàng đã ra đi. Trong vườn, mùi hương ngai ngái của hoa cúc lượn lờ. Sắp tới trung thu. Một lần nữa, mẹ nàng gửi trả lại bức thư mà nàng đã viết cho bà.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK