• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Một thứ âm nhạc sầu thảm cất lên và những ngày đen tối trở về: bị những chiến binh bắt đi, nàng ôm chặt cây đàn cổ cầm của Sái Văn Cơ, cảm giác như cây đàn sẽ bảo vệ nàng, đưa nàng theo một số phận sầu thảm giống như số phận của người chủ cũ… Bụng nàng to lên rồi dần dần nó chiếm lấy vị trí cây đàn trong tay nàng. Vào cái đêm nàng hạ sinh, binh lính đã bị quân phiến loạn phục kích và người ta đã phải giấu nàng trong một chuồng ngựa. Ngày hôm sau, sau trận chiến, nàng không còn tìm lại được chiếc xe cũng như người lính đã chở nàng đi.
Cây đàn cổ cầm đã nhiều lần được cứu khỏi chiến tranh, cuối cùng cũng được hân hoan nhờ chiến tranh. Bà Mẹ Trẻ có cảm giác đứa con gái của mình là hóa thân của nó.
Cũng như con người, đồ vật có cuộc đời của chúng, một chuyến đi của chúng, nàng nghĩ. Một vài trong số đó may mắn thoát khỏi sự phá hủy, băng qua những tai họa không lường trước để rồi lại về với những người còn sống; số khác bị hủy hoại và biến mất không dấu vết. Chiến tranh đã ngấu nghiến mất gia tộc của nàng, quá khứ của nàng. Bù lại, nó cho nàng một người chồng và một đứa bé.
Năm 403
Những viên sỏi lấy từ đáy hồ Vĩnh Cửu đã về tới. Đứng trước điếm, sau bức màn the, Bà Mẹ Trẻ điều hành nhân công sắp xếp đá theo đúng bản vẽ của nàng quanh hồ. Một hòn non bộ hiện ra. Cùng với những con đại bàng lượn quanh những mỏm núi là một hang động và một lối đi lên đến tận đỉnh.
- Tướng Lưu đang trong thành!
Những người hầu chạy lại đón chàng. Bà Mẹ Trẻ bối rối. Nàng không ngờ chàng sớm trở lại như vậy. Nàng vội vàng vấn tóc trước gương rồi điểm những hạt lụa vàng trên gò má. Chàng đã tới tự lúc nào, mình đầy đất và khói bụi, lông mày nhíu lại và khuôn mặt căng thẳng. Nàng cúi đầu chào. Tim nàng run bần bật. Nàng sợ chàng sẽ mắng nàng vì để ọi thứ lộn xộn như vậy.
Nàng ngước lên, theo dõi phản ứng của chàng và định buông lời giải thích. Nhưng không quan tâm đến hai gò má đang bối rối của nàng, chàng nói:
- Hãy chuẩn bị một bữa tối ười một người trong dinh thự của nàng.
Nàng nghẹn lời.
- Ta muốn nó diễn ra trong bí mật, - chàng nói thêm rồi đi ra.
Chàng trở lại khi đêm xuống, mời khách vào bằng cửa dành cho người hầu. Những ngọn đèn yếu ớt rọi vào mái hiên, bóng đen nhảy múa và tòa dinh thự ồn ào. Sau những rèm cửa cuốn, nàng trông coi lũ gia nhân mang rượu và thịt đến.
Sau những trao đổi khách sáo, buổi thảo luận bắt đầu. Nàng nghe giọng chồng mình:
- Lợi dụng sự vắng mặt của các tướng quân lo truy đuổi quân Đạo giáo, tướng Hoàn Huyền đã soán ngôi và tống giam Hoàng đế nhà Tấn. Trên danh nghĩa Hoàng đế, y đã gọi ta về kinh đô. Các ngươi nghĩ thế nào? Ta có phải về không?
Một giọng nói nhanh chóng vang lên:
- Tướng Hoàn Huyền mang mưu đồ soán ngôi triều đình. Hắn cần sự ủng hộ của các tổng đốc khác. Tổng đốc Lưu đã chiến đấu với bọn phản tặc hữu hiệu và quyết tâm. Trong số những phòng tuyến được mở ở dọc sông Dương Tử, chiến thắng của tổng đốc có tính quyết định. Hoàn Huyền không phải không biết sự ảnh hưởng của tổng đốc. Hắn không muốn tổng đốc chống lại hắn nên mới mời tổng đốc về cùng mưu đồ việc lớn. Tổng đốc phải đòi hắn một lãnh địa riêng và một vị trí cao trong triều mới được.
Ai đó trả lời:
- Tổng đốc Lưu không thể bị chỉ tay năm ngón bởi một kẻ bất trung! Tổng đốc không thể phản bội Hoàng đế nhà Tấn và sẽ không thể thề trung thành với kẻ soán ngôi.
Một giọng khác giễu cợt:
- Hoàn Huyền muốn tự xưng hoàng đế và lập nên triều đại mới mang tên hắn. Không ai không biết mưu đồ của hắn. Hắn chỉ xem tổng đốc Lưu như một đối thủ, chứ không phải là một đồng minh. Theo ý ta, hắn mời tổng đốc về kinh thành Kiến Giang để giăng bẫy đó. Một khi đã lên ngôi hoàng đế, hắn hoàn toàn có thể ra chiếu chỉ bắt nhốt tổng đốc khi hắn ra chầu triều.
Một giọng trẻ hơn cất lên:
- Để tránh nhiều đối thủ, Hoàn Huyền có thể gọi tất cả về triều đình, mời tiệc rượu và cho họ uống rượu độc! Hoàn Huyền là một con rắn đã cướp mất chiến thắng của các tổng đốc chiến đấu với phiến quân. Tổng đốc Lưu phải tuyên chiến với hắn. Những tổng đốc khác sẽ theo ngài!
Ý kiến này nhận được sự đồng tình của một người lớn tuổi hơn:
- Từ khi man di xâm lấn, các triều đại Hoa Hạ cứ chập chờn như ngọn đèn dầu, các hoàng đế hết người này đến người khác lên ngôi rồi bị tiêu diệt. Trước Hoàn Huyền, những tổng đốc khác đã bị tấn công theo lệnh bề trên và ai cũng có tham vọng lập nên triều đại riêng. Tổng đốc Lưu có dáng đi như cọp và ánh mắt như rồng. Suy nghĩ và hành động của ngài khác hẳn với những quan lại bình thường. Ngài không thể làm nô lệ được…
Lúc đó chồng nàng nói vào và nhanh chóng kết thúc cuộc thảo luận:
- Tướng Hoàn Huyền mơ chiếm lại phương Bắc và thống nhất Trung Hoa. Y cần ta để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này. Y sẽ giết ta khi ta đã truy đuổi xong bọn man di và chiếm lại được Trung Nguyên, quê hương của tổ tiên chúng ta. Lúc này, ta vẫn còn thời gian.
Một người trong số họ nổi trận lôi đình:
- Hoàn Huyền dã man và tàn độc. Hôm nay, hắn còn cần ngài để chinh phạt những tổng đốc không tuân lệnh hắn. Ngày mai, khi hắn đã nắm chắc quyền hành, hắn sẽ loại bỏ ngài. Cuộc chiến phương Bắc là một lời hứa mà hắn vẽ vời ra để có được liên minh từ phương Nam thôi.
- Tổng đốc Lưu phải giương cờ tuyên bố độc lập!
Chồng nàng lại nói lớn để cắt lời:
- Các đại nhân, rượu lạnh rồi. Cạn chén!
Bà Mẹ Trẻ nghe tiếng những người đàn ông uống ừng ực từng chén rượu. Chồng nàng nói tiếp:
- Các chiến binh, uống tiếp! Chén này thề kết nghĩa huynh đệ chúng ta vĩnh viễn! Vợ ta đã học được từ thân phụ cách chơi đàn cổ cầm. Ta sẽ nói nàng chơi nhạc cho buổi tiệc này…
Mời phu nhân múa và chơi nhạc trong một bữa tiệc là danh dự hiếm hoi chủ nhà ban phát cho khách. Nhưng Bà Mẹ Trẻ quá thẹn thùng và buồn lo nên chẳng muốn ra mặt. Tại sao chồng nàng lại cắt ngang cuộc thảo luận? Tại sao lại phải dùng âm nhạc để im lặng? Nàng không hiểu gì về tham vọng của những người đàn ông và cái điên cuồng muốn gây ra chiến tranh của họ. Trong số những chiến binh hung tàn nói về sự phản bội và mưu sát, có mấy ai biết thưởng ngoạn tiếng đàn cổ cầm không? Không quan tâm đến tâm trạng của nàng, chồng nàng cứ khẩn khoản mãi. Vì không muốn chồng mất mặt, cuối cùng nàng cũng chấp thuận chơi một khúc.
Nàng lui vào phòng, mặc bộ áo thêu và khoác chiếc áo choàng đen. Nàng thắp trầm lên, rửa tay, nhắm mắt lại và cầu nguyện. Theo lệnh nàng, những con hầu đã đặt trước điếm một bức rèm gió, còn nàng thì ngồi sau đó để những người đàn ông không thấy mặt. Khi nàng gật đầu ra lệnh thì những nàng hầu mới mở cánh cửa cuốn để nàng cúi đầu chào khách.
Gió làm váy áo nàng gợn sóng. Nàng siết nhẹ dây đàn và quyết định chơi khúc Quảng Lăng tán. Ngón tay cái bên trái của nàng đè hai dây đàn nốt cao; tay phải lướt qua bảy dây đàn, làm chúng lần lượt ngân lên. m thanh như mưa rơi.
Lúc còn trẻ, thi sĩ Kê Khang đã học được bí quyết của cái rỗng và cái đầy, đã phát hiện ra bí mật của con đường hoàng đạo nhờ chơi đàn cổ cầm. Ông đã đi du ngoạn khắp Trung Hoa và thăm những ngôi đền Đạo giáo. Trên núi Thiên Cung bên bờ biển Đông, ông đã hành hương lên đỉnh núi nơi ẩn sĩ Đạo giáo mà người ta gọi là “Người sống trước dòng sông” đã đắc đạo và trở thành tiên. Ngôi nhà của đạo sư được xây bên cạnh mộ một đạo sĩ cổ xưa, nhà của người sống và nhà của người chết có chung một mái. Như thể, đạo sư để lại thông điệp cho đời sau rằng, sự sống và cái chết chỉ cách nhau một bức tường mà thôi.
Khi đêm xuống và trăng lên, hằng hà sa số ánh bạc lấp lánh trên biển, chiếu sáng cả hòn đảo ngoài khơi xa. Một khúc cổ cầm được tấu lên. Lần theo tiếng nhạc, Kê Khang đi xuống bãi sỏi rồi thấy một túp lều. Ông nín thở đứng nghe ngoài cửa. m nhạc im bặt và một người phụ nữ bước ra. Nàng mời ông vào nhà uống trà. Nàng nói với ông rằng nàng đã từng là đạo sĩ trên núi. Dù người sống và người chết không đi cùng một con đường nhưng ông vẫn có cảm giác như gặp được một người bạn tâm giao, một người tình. Sóng nước dập dềnh ru êm dịu, họ đàm luận về các quy luật trên trời, những phương pháp dưới đất, về bí mật của sự đầu thai, về điệu trong thơ, về nhịp trong nhạc, về các thuật vẽ tranh và chơi cờ vây. Bình minh chiếu sáng khung cửa sổ nhắc họ đêm đã tàn và ánh mặt trời sẽ tràn ngập đại dương. Không biết người sống và người chết ngày nào mới lại được gặp nhau nên họ khóc than bịn rịn chẳng rời được nhau.
“Vì chàng làm cho cây đàn cổ cầm vui lên”, nữ sĩ nói với ông, “thiếp sẽ dạy chàng chơi bản Quảng Lăng tán, một giai điệu của trời cao nơi chỉ có thần tiên sinh sống. Đừng bao giờ chia sẻ nó với người phàm.”
Bà Mẹ Trẻ dùng đầu ngón trỏ trái gảy vào từng dây đàn mà ngón trỏ và ngón cái bên tay phải đang ấn giữ. Vọng âm của những con sóng náo động vẳng lên đâu đó, rồi thì những âm thanh trong như pha lê nhảy nhót, giống như những chú chim đang đập cánh.
“Cha của Nhiếp Chính là người rèn kiếm nổi tiếng nhất thời nhà Hàn”, nữ sĩ nói với ông. “Vì cho rằng vũ khí của ông là hạng nguy hiểm nên Hàn vương cho bắt ông chém đầu, viện cớ ông không làm kịp vũ khí để giao đúng hạn. Vốn là người nổi loạn, Nhiếp Chính thề báo thù cho cha. Chàng ẩn cư trong núi suốt bảy năm, học đàn cổ cầm và thuật ám sát dưới sự chỉ dạy của một đạo sĩ bất tử. Chàng làm da mình đen sạm đi và đổi giọng nói bằng cách nhai một loại lá độc. Khi chàng trở về kinh đô nhà Hàn, chàng đi ngang qua nhà cũ của mình. Vợ chàng khi đó đi ra cửa, vừa thấy chàng thì bắt đầu khóc lóc. Chàng hỏi: “Người phụ nữ kia, tại sao ngươi lại khóc?” Nàng trả lời: “Nụ cười của đại nhân làm tôi nhớ lại người chồng đã biến mất bảy năm về trước của mình.” Chàng hỏi: “Nụ cười của ta há chẳng phải hấp dẫn đến mức làm mọi phụ nữ nhớ đến chồng hay sao?” Chàng đi mất rồi cắn răng để phá hủy nụ cười có thể làm hỏng việc của mình. Ăn vận như một nhạc phu ăn mày, chàng chơi đàn cổ cầm trước cửa Tử Cấm Thành. m nhạc quyến rũ của chàng thu hút đám đông những người qua đường, trong số đó có những kẻ hầu cận trong triều. Thích thú với tài năng của chàng, vua gọi chàng vào cung và ra lệnh cho chàng chơi nhạc giữa một tòa yến khách. Khúc Quảng Lăng tán đã hút hồn tất cả những ai có mặt. Tranh thủ sự lơi lỏng của đám lính bảo vệ, Nhiếp Chính rút dao nhét sẵn trong cây đàn ra, lao đến chỗ đức vua rồi đâm y một cú chết ngay tức khắc. Nhiếp Chính rạch nát khuôn mặt mình trước khi tự sát để không ai biết chàng là ai, hòng giúp gia đình chàng không bị liên lụy. Xác chàng bị phơi giữa chợ. Một cụ già nhìn thấy ôm ghì lấy rồi khóc sướt mướt. Khi những kẻ qua đường ngạc nhiên vì bà lão dám khóc than thân xác kẻ đã giết vua, bà lão đứng dậy và trả lời: “Con trai ta là Nhiếp Chính! Tên của một người anh hùng phải được ca ngợi mãi nghìn năm sau. Làm sao ta có thể giấu tên tuổi của con ta vì sợ chết được cơ chứ?”.”
Gảy đoạn giữa dây đàn bằng tay trái, Bà Mẹ Trẻ chạy dây cả năm ngón bên phải. Sấm chớp nổi lên những tia sét nổ trên mặt đất. Gió đánh ra những ngọn sóng đập vào nhau rồi vỡ vụn. Giữ ngón cái bên phải cong xuống, Bà Mẹ Trẻ quét qua bảy dây đàn từ trong ra ngoài làm chúng gầm lên như biển cả trong cơn giận dữ.
“Thế giới của con người ngày càng tăm tối. Gió lốc sẽ nổi lên rồi sẽ tới lúc trăng tròn rồi khuyết hàng triệu lần”, nữ sĩ nói thêm khi chiếc bóng nàng nhạt dần đi.
Cánh cửa sổ đã sáng rõ và ngày mới đã tới ở chân trời. Cùng với đêm, căn lều dần biến mất.
“Cuộc sống trần gian đầy khổ cực đối với kẻ nào gắn liền với của cải và dục vọng. Bản Quảng Lăng tán là khúc ca của thi sĩ đã đoạn tuyệt khỏi những đau đớn và là điệu nhạc của những anh hùng không sợ cái chết…”
Tay trái của Bà Mẹ Trẻ quệt vào dây, còn tay phải đập vào đàn. Một chuỗi nốt nhạc càng lúc càng trầm nối đuôi nhau. Nàng đập vào bàn để đàn, giống như bước chân của kẻ ám sát lao tới chỗ vua. Nàng gảy dây đàn, làm nó đập liên tục và thét gầm. Nàng lại thấy hình ảnh cha nàng chậm rãi dạy cho nàng khúc nhạc khó chơi này. Khi nàng chơi nó không còn lỗi, ông mở rộng vòng tay rồi nàng lao vào lòng ông. Bất thình lình ông lùi lại rồi lấy tay áo che mặt. Nàng nghe ông thì thào: “Sau này, con gái của ta, sau này…”

Một cơn sốt xâm chiếm nàng cùng một luồng hơi lạnh phủ hết các ngón tay của nàng. Bàn tay phải dần chậm lại, tay trái giảm bớt áp lực. m thanh của cây đàn cổ cầm yếu dần rồi tan trong im lặng.
Bà Mẹ Trẻ chùi nước mắt. Sau tấm mành tre, nàng cúi chào đám đông rồi lui vào phòng.
Thật lâu sau đó, nàng nghe tiếng chân của khách khứa đi đến cánh cửa bên hông nhà. Tiếng xì xầm chào nhau đã tắt, rồi nàng nghe tiếng chân chồng mình đang đến cửa, theo sau là hai người đàn ông. Họ thì thào:
- Tại sao không dấy quân giải thoát cho Hoàng đế?
- Phải nổi dậy ngay lập tức. Khi Hoàn Huyền trở thành bá vương sẽ là quá trễ…
- Phải theo quy luật của trời đất, - chồng nàng trả lời. - Trước khi tống ngục Hoàng đế, Hoàn Huyền đã lấy con dấu triều đình. Từ bây giờ hắn có thể ra chiếu chỉ và ra lệnh cho toàn thể dân chúng. Tất cả những tổng đốc trái lệnh hắn sẽ bị chỉ điểm coi như phiến loạn. Hãy chờ Hoàn Huyền tự xưng bá vương, lập nên vương triều của hắn, rồi nếu hắn từ một kẻ nô bộc chính thức thành một bá vương bất chính, chúng ta sẽ tập hợp được các tổng đốc và loại bỏ hắn như một kẻ soán ngôi… Ta sẽ trở về kinh đô…
- Tổng đốc thật là cao kiến! Hãy ở yên trong bóng tối, đừng manh động.
- Tổng đốc có cùng họ với những hoàng đế nhà Hán. Ngay từ bây giờ chúng ta có thể tung tán tin đồn là ngài có gốc gác trong một gia đình cao quý.
- Tốt, làm như vậy đi. Ta đã quan sát tướng Ngô và tướng Ngụy tối nay, chúng chắc chắn là tai mắt mà Hoàn Huyền gửi đến để hạ độc ta. Đó là lý do vì sao ta nhiều lần cắt ngang cuộc thảo luận của chúng ta. Đêm nay hãy trừ khử chúng. Ở Kiến Khang, cả hai đứa chúng nó thường gặp gỡ một ả điếm tên là Ngọc Bảo. Hãy loan tin đồn rằng chúng giết nhau vì ả.
Mọi người đã đi. Cánh cửa phòng mở ra. Hôn phu của nàng xuất hiện với một ngọn đèn trong tay. Thay vì lao vào chàng và giúp chàng thay đồ, nàng thu mình trước gương trang điểm. Chàng lại gần nhìn nàng trong gương. Chàng lần lượt thổi tắt các ngọn nến. Trong bóng tối, chàng ôm lấy nàng rồi lật ngửa nàng xuống giường.
Hôn phu của nàng tập hợp các chiến binh để bày mưu với họ và kích động họ nổi loạn. Hôn phu của nàng nói dối về nguồn gốc của mình, giả làm con cháu của những hoàng đế. Liệu chàng có cái tham vọng ngây ngô một ngày kia sẽ trở thành hoàng đế và dựng lên vương triều của mình hay không? Nếu âm mưu của chàng không bao giờ thành, liệu chàng có biết rằng chính chàng, cũng như nam nhi cửu tộc nhà nàng, sẽ bị xử tử, còn phụ nữ sẽ trở thành nô lệ hay không? Những ý nghĩ của nàng va vào nhau trong khi tay chồng nàng đang lướt xuống bụng nàng, cởi bỏ chiếc váy của nàng. Nàng nằm im. Chàng đã đưa cả gia đình vào nguy hiểm mà không hề hỏi ý kiến nàng. Dinh thự mà nàng đã xây mới, những mảnh vườn mà nàng đã tạo dựng, những hồ nước nàng đào không chỉ là những tấm gương phản chiếu cái đẹp để xóa đi nỗi sợ hãi. Các quan đại thần trong triều không ngừng đấu đá xảo trá với nhau. Một vụ giết người có thể dẫn đến vụ giết người khác, rồi các mâu thuẫn không bao giờ dứt. Đâu là cái dục vọng kinh hoàng muốn sở hữu, cai quản, thăng quan tiến chức, thân cận hoàng đế, rồi lên ngôi hoàng đế? Tại sao lại muốn trở thành người quyền lực nhất, mưu lược nhất, dữ tợn nhất trong số những người quyền lực, mưu lược và dữ tợn? Bà Mẹ Trẻ đẩy tay chồng ra rồi nằm quay lưng lại.
Một lúc sau, chàng quay lại với nàng sau khi đã cởi bỏ hết quần áo. Chàng ôm nàng và áp chặt nàng vào thân thể cường tráng đầy các vết sẹo. Bất thình lình, nàng nghe tiếng con khóc. Nàng rùng mình, đẩy chồng ra rồi vội vã lấy một cái áo trong bóng tối đẩy cửa ra ngoài. Những nàng hầu đang ngủ ngoài cửa cũng vội vã nhỏm dậy. Chúng cầm đèn dẫn nàng đến phòng đứa bé. Cánh cửa mở ra. Trong ánh đèn lờ mờ, nàng thấy vú em đang mở nút áo cho đứa bé bú.
Bà Mẹ Trẻ khẽ đóng cửa rồi quay về phòng. Chồng nàng đã ngủ. Nàng nằm dài bên cạnh chàng rồi thở dài. Hai cánh tay mạnh mẽ ôm lấy nàng khi chàng nằm lăn lên nàng. Má kề má, ngực kề ngực, chàng di chuyển trên da nàng, trong hơi thở của nàng. Chàng cắm rễ vào da thịt nàng rồi tưới sức mạnh của mình lên nàng. Nước mắt đầm đìa, nàng tha thứ chuyện xâm lược và cướp bóc. Số phận của họ gắn chặt với nhau đến mức nàng không thể chống lại chàng. Khi đẩy cuộc đời họ thường trực trước nguy hiểm, chàng đã không cho nàng thời gian để căm ghét chàng, để từ chối chàng. Đêm nay, cũng như mọi đêm khác, đều có thể là đêm cuối cùng.
Cái chết chia lìa con người nhưng ý niệm về nó lại kéo con người lại gần nhau và xóa đi mọi khác biệt. Đôi tay của chồng nàng, vốn quen cầm kiếm và cung tên, đầy vết chai sần; đôi tay của Bà Mẹ Trẻ vốn chưa bao giờ phải cầm lấy một vật nặng lại mềm mại và nhỏ nhắn. Tay và chân quấn lấy nhau, nàng quên cả nỗi buồn trong quá khứ, còn chàng quên đi tham vọng về tương lai. Oán thù và buồn bã biến mất hết. Bà Mẹ Trẻ thấy hai cánh bướm dập dìu trong đêm dưới ánh sáng trăng. Một con cánh đỏ sọc đen, một con cánh xanh viền trắng. Chúng quấn quýt lấy nhau, rời xa nhau rồi lại đến với nhau. Chúng nhanh chóng hòa vào dòng Dương Tử và bay qua những thác nước đen ngòm.
Năm 404
Hoàng đế nhà Tấn thoái vị và nhường ngôi lại cho Hoàn Huyền, người lập nên nhà Sở. Bà Mẹ Trẻ biết tin rằng ở kinh đô Kiến Khang, hôn phu nàng đã hàng phục hoàng đế mới và thề trung thành với hắn.
Một thời gian sau, chàng mời người anh họ của Hoàn Huyền, người nắm toàn bộ binh quyền đi săn trong núi phía Bắc. Một bữa tiệc nhạc và vũ công được tổ chức ở dinh thự.
Ngồi sau tấm rèm ngọc, Bà Mẹ Trẻ chờ khách khứa tới. Đồ ăn và rượu đã nguội lạnh trong những đĩa vàng; vũ công ngủ gục trên gối cho đến khi đêm ập đến. Chẳng thấy hôn phu cũng chẳng thấy khách nào tới.
Ngày hôm sau, nàng biết tin hôn phu của mình đã làm một cuộc soán ngôi được chuẩn bị bí mật từ lâu: anh họ của Hoàn Huyền đã bị giết và đám thân cận bị tàn sát. Sau đó, hôn phu nàng đã vội vã rời khỏi Kinh Châu để gặp đoàn thuyền chiến của chàng. Từ giữa dòng Dương Tử, chàng đã tuyên chiến với Hoàn Huyền, kẻ soán ngôi và kêu gọi các tổng đốc nổi dậy.
Bà Mẹ Trẻ mở hòm rương rồi lấy ra một mảnh lụa mà chồng nàng đã tặng nàng. Nàng ang đến những chai giấm ngọt, ngỗng quay và cá phơi khô, những đặc sản của thành Kinh Châu. Nàng đặt hết vào trong một gói hàng rồi đặt vào một lá thư. Không biết mình còn sống được bao lâu, nàng xin gặp lại mẹ nàng.
Lính mang các món quà đi nhưng sớm quay trở về vài ngày sau đó với gói hàng còn nguyên. Họ nói rằng thân mẫu nàng từ chối nhận quà và bảo chúng trở về.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK