Chàng mở mắt vẻ nặng nhọc. Hàng mi chàng rất nặng. Tai chàng ù ù, đầu chàng xoay vòng vòng. Chàng muốn nhúc nhích nhưng chẳng còn chút sức lực. Chàng cố nhớ lại những gì đã xảy ra nhưng chẳng nhớ được gì.
Ai đó tiếp tục nói chuyện với chàng và lay mạnh chân chàng. Giọng đầy sợ hãi:
- Mày chết rồi hả, Thẩm Phong?... Mày không được chết!... Tỉnh lại đi!
Giọng nói nhỏ dần đi.
Thẩm Phong dần tỉnh lại, chàng phải tiếp xúc với ngôi mộ và có thế đã bị nhiễm độc vì chướng khí của cái xác. Chàng nghiến răng rồi nhấc cánh tay nặng như một trái núi của mình lên. Chàng mò mẫm cởi đai quần bằng sợi cây dầu rổi tiểu lên mình, sau đó chàng che mũi và miệng lại. Khi tai chàng ngừng ù ù, ngón tay chàng chạm được ngọn nến trong bóng tối và mấy hòn đá lửa trong túi. Những tia sáng lúc đầu còn bắn ra, sau bị bóng tối nuốt chửng. Chàng chờ một hồi lâu trước khi thử lại lần nữa. Ánh sáng của ngọn nến yếu như hạt đậu nhỏ, mang lại cho chàng sức sống. Chàng bò lại phía Chu Bảo. Chàng lắc nó, gọi nó dậy và cho nó một mẩu vải quần thấm nước tiểu để bịt mũi. Hai đứa giúp nhau, cuối cùng cũng bò ngược ra được lối lên mặt đất.
Cả hai gỡ tấm vải bịt mũi ra và nằm dài bên nhau. Nằm ngửa, tay bắt tréo trên ngực, chúng nhìn bầu trời. Đêm sáng sủa. Bên kia bức tường vây quanh, mấy chiếc chuông dưới mái chùa rung nhè nhẹ. Một con chó bắt đầu sủa, rồi im. Tre xao động. Sau những chiếc lá tre, trên trời sao đang nhấp nháy, báo hiệu một ngày đầy nắng. Đang là mùa nào chứ? Thẩm Phong rối bời. Tre vẫn xanh quanh năm. Trong vùng núi này, cứ sáu mươi năm tre lại nở hoa. Có lẽ lúc đó sẽ có động đất, mưa và mặt trời cưỡng bức mặt đất, và vì kiệt sức sau khi nở hoa, tre sẽ vàng đi, rụng hết lá và khô héo.
Chu Bảo đánh khuỷu tay.
- Mày có ý gì không? Nếu mình không tìm ra châu báu, làm sao để mình giàu lên được?
Thẩm Phong trả lời qua loa:
- Tao nghe nói vì muốn bán hàng hóa cho không chỉ các đại nhân phương Nam, các thương gia bán lụa đã đi vào tận các vương quốc man di bất chấp chiến tranh và giang tặc trên sông. Không biết sợ mệt nhọc và nguy hiểm, những người táo bạo nhất đã đổi ngựa lấy lạc đà, băng qua sa mạc Tây Bắc để cung cấp cho các hoàng tử Tây Vực có mắt xanh như mắt mèo. Lụa là dấu hiệu cho thấy một người là quý tộc và quyền lực, còn tiền bạc cho thấy một người khốn khổ và đói ăn. Có thể mày sẽ tìm ra một thương nhân trong thành muốn mày đi về phương Bắc để canh gác các đoàn thổ. Nhưng còn Bình Ngữ thì... phải cải trang thành đàn ông để rời khỏi bờ Nam. Bên kia sông Dương Từ, bên phần đất của các tộc man di, chúng mày sẽ được tự do.
Chu Bảo thở dài:
- Bên bờ Bắc, từ tháng Mười đến tháng Tư, gió bấc thổi ngựa bò quỵ ngã và đông cứng những lá cờ đang căng như những miếng sắt. Tụi tao sẽ bị ù tai và chảy máu mũi. Phương Bắc không dành cho tụi tao, những đứa chưa biết mùa đông là gì.
Thẩm Phong ngập ngừng một chút.
- Quỷ ám mày rồi! Ngoài đường có bao nhiêu cô gái trong thành Kinh Châu này, sao lại phải là một nữ tu trên núi kia chứ!
Chu Bảo cười cay đắng.
- Quỷ ư? Là Phật đó! Đám con gái chạy theo tao để tao cho chúng tiền. Chúng bỏ đi khi gặp gã khác giàu hơn. Còn Bình Ngữ mang cho tao niềm vui. Lúc không có nàng, tao có thể làm mọi thứ để kiếm vài xu mà tao đã tiêu mất không biết vào việc gì. Lúc có nàng, tao là một thằng hiền lành và tốt bụng, tao bảo vệ nàng và khiến nàng cười. Khi mặt nàng xanh xao trở nên tươi tắn, tao quên cả đường đi, tiếng ồn ào, bụi bặm, mồ hôi, tao thoáng thấy ánh sáng cùa một vùng đất thanh sạch.
Thẩm Phong im lặng. Chàng thầm ganh tỵ với Chu Bảo. Chàng cũng muốn có một người phụ nữ làm chàng quên đi bệnh tật của sư phụ chàng, quên đi cuộc đời khó nhọc và cho chàng thấy ánh sáng của Phật! Liệu nàng có đi về phía chàng khi chàng có được một phần châu báu không?
Chu Bảo xuống trước, Thẩm Phong theo sát gót. Cả hai bịt mặt bằng miếng vải tẩm nước tiểu. Ngọn nến nhảy múa cho họ biết có chút không khí lưu thông trong hầm. Thẩm Phong đập đập mông Chu Bảo để nó tiến sâu vào trong cái lỗ. Sau khi ngập ngừng một chút, Thẩm Phong cũng theo nó ló đầu lên. Chàng không thấy gì ngoài một lớp sương mù dày đặc. Chàng đưa cuốc và xẻng lên rồi nhắm mắt lại và nhảy lên.
Khi chàng mở mắt ra, chàng thấy một lớp quầng sáng bụi bềnh bồng. Chàng đốt nến lên. Trước mặt chàng, một cây cột hiện ra. Cột bị phủ bởi những hạt li ti chuyển động lên xuống ghê rợn, thỉnh thoảng phát ra những chớp sáng. Khi chàng tiến lên, ngọn nến của chàng để lại trong bóng tối một vệt sáng. Cây cột lùi lại, rồi dang ra một loạt tay xoắn và quấn quanh Thẩm Phong như muốn giật lấy ngọn nến trong tay chàng.
Cách đó không xa, Chu Bảo la lên kinh hãi. Giữa một vòng xoáy bụi bặm xuất hiện một người mặc áo trắng. Thẩm Phong mở to mắt. Hình người đó là một cái bệ thờ đẽo bằng đá khoáng; bên trên là một cỗ quan tài.
Thẩm Phong dò độ cứng của mặt đất bằng cuốc trước khi đặt chân tới đó rồi đi quanh hầm. Trái ngược với các ngôi mộ của nhà giàu thường có cả một cung điện thực thụ ở dưới đất phân thành vô số phòng nhỏ giống như vẻ tráng lệ khi người chết còn sống, ngôi mộ này lại chỉ có một phòng tang lễ hình tròn và Thẩm Phong không hề thấy bia khắc tên, quê quán cùng cuộc đời người chết. Ở Trung Hoa, bờ Bắc cũng như bờ Nam, những người sống lập bia mộ cho người chết. Đối với một số người, đó là sự tưởng nhớ về một cuộc đời vất vả, đối với những người khác, đó là sự vinh danh một cuộc đời sáng chói. Từ người cùng cực tới một ông vua, tất cả đều có quyền được có một bia gỗ hay đá cẩm thạch ghi lại cuộc đời họ bằng mực đen đơn giản hoặc khắc bằng vàng.
Không có bia mộ không có nghĩa là ngôi mộ không quan trọng, chàng thợ đàn trẻ tuổi nghĩ. Đó là một người mà người ta muốn giấu đi thân thế có thể vì bà đã bị trục xuất khỏi triều đình, hoặc cũng có thể vì người ta muốn bà tránh khỏi bị ô nhục vì mộ phần bị đào bới. Trong cả hai trường hợp, đó chỉ có thể là một người có vị trí quan trọng.
Khi Thẩm Phong soi nến lại gần, những bức vách bắt đầu sáng lên, để lộ những lớp sơn tỉ mỉ có viền vàng. Sự có mặt của hai con linh thú là thanh long và bạch hổ, những quân bảo vệ hoàng đế và hoàng hậu, cho thấy những gì Chu Bảo nói với chàng là đúng. Được vẽ trên tường Đông và tường Tây, chúng dẫn theo hai đoàn kỵ binh và bộ binh, những quan lại đội mũ áo quan văn, những kẻ hầu trai và gái mang chum nước, chổi, quạt, chén, đĩa, thảo mộc, tất cả các vật dụng hằng ngày của một cuộc đời sang trọng mà Thẩm Phong chưa từng biết tới, rồi đến một bầy chim, mèo, khỉ, chó và báo được thuần hóa. Những xe đầy lính cầm lao và cung tên bao quanh hai chiếc xe vẽ rồng, kỳ lân và phượng hoàng, có rèm thêu chỉ vàng đóng kín. Vẻ đẹp của những quan lại mặc gấm vóc đủ cho thấy người chủ của họ quan trọng đến mức nào. Tim Thẩm Phong thắt lại. Có thể chàng đang ở trong chính ngôi mộ của Hoàng đế triều Tống cũng nên! Để lừa những kẻ đào mộ trong tương lai, những người quan trọng ở thời đó thường xây nhiều mộ giả trước khi được mai táng ở một nơi bí mật với nhiều châu báu. Một nghĩa địa của những nữ tu trên đỉnh một ngọn núi hiu quạnh là nơi lý tưởng để chôn vùi một bí mật như vậy!
Chu Bảo đã trèo lên bệ thờ và kiểm tra cỗ quan tài. Thẩm Phong vẫn còn đang dạo nhanh một vòng quanh phòng. Dọc theo tường, chàng không thấy hũ chứa ngũ cốc, không có lọ đựng nữ trang, cũng không có những bức tượng nhỏ bằng đất nung hình những người hầu và thú để cưỡi, chén bát hay bếp lò, cũng không hề có các thùng thư tịch, họa phẩm hay quần áo mà người chết đã mặc. Phải chăng đây là một ngôi mộ giả để đánh lừa?
Đứng giạng chân hai bên áo quan, Chu Bảo vội vã:
- Nhanh giúp tao mở nắp quan tài. Trời sắp sáng rồi!
Khi đưa nến đến gần, Thẩm Phong nhận ra đó là một cỗ quan tài đơn giản nhưng nghiêm trang. Khi đưa tay áo chùi một góc hòm, chàng thấy lộ ra lớp gỗ sơn đen. Chàng gõ nhè nhẹ vào đó. Một loạt âm thanh trong trẻo vang lên. Chàng nhận ra tiếng gỗ của một thân cây có chất lượng đặc biệt.
Thẩm Phong đưa các dụng cụ cho Chu Bảo rồi cũng leo lên. Cả hai cùng đập vào bốn góc, giữa khe hở của nắp và thân quan tài. Những hạt bụi nhảy múa và lấp lánh quanh ngọn nến. Cỗ quan tài nhanh chóng bị khuất phục. Họ dùng các dụng cụ để nạy và di chuyển nắp quan tài. Sợ nắp quan tài rớt xuống đất, Thẩm Phong nhảy xuống để đỡ lấy.
Một đám mây bụi rơi xuống cùng lúc với mùi xạ hương nhấn chìm khoang mũi của Thẩm Phong dù cho chàng đã bịt mặt. Chàng trèo lên bệ rồi cúi xuống. Chu Bảo và chàng cùng đưa nến soi vào. Như những con côn trùng cánh bảy màu, những hạt bụi bay vòng rồi tản ra. Một phụ nữ còn sống xuất hiện, rạng ngời hạnh phúc và tươi trẻ. Trên khuôn mặt hình trái xoan dần hiện ra hai má đánh phấn và cánh mũi nhỏ nhắn. Đôi lông mi khép hờ, trán không một nếp nhăn, nàng mang một vẻ đẹp đầy cuốn hút dù đội nón đen và mặc váy xám của một nữ tu. Hai tay đặt trên ngực, với nụ cười mỉm trên môi, nàng trông như đang chuẩn bị thức dậy.
Chu Bảo quỳ xuống, nắm tay lại, lạy và thì thầm:
- Bậc cao quý, xin tha tội cho kẻ tiện dân. Xin cho phép kẻ tiện dân được mượn của bà một ít vàng bạc, chỉ vừa đủ để nuôi sống vợ và con của tiện dân. Bà đã ra đi và không còn cần nữa. Ở đây, cuộc đời thật nhiều khổ đau...
Thẩm Phong nhớ chàng từng nghe nói cơ thể của các thánh có thể giữ được rất lâu. Nhưng thật khó để tin rằng người phụ nữ này đã qua đời cách đây ba triều đại. Còn châu báu ở đâu? Đôi tay Thẩm Phong run rẩy làm ngọn nến rớt một mẩu cháy trên trán người phụ nữ. Da nàng nứt khẽ, rách ra để lộ xương sọ. Trong chớp mắt, bộ quần áo rách ra để lộ bộ ngực trắng đã hóp xuống và mở ra những cái xương sườn nứt nẻ. Khi Chu Bảo đã khấn vái xong và ngẩng lên, chỉ còn lại xương và một nhúm tro. Thẩm Phong cảm nhận một luồng gió lạnh quật vào xuyên qua ngực chàng như một lưỡi dao. Chu Bảo nhảy vào quan tài tìm kiếm, lục lọi. Khi tay nó chạm vào, xương sọ bị nứt ra, bộ xương sống rã ra và xương cũng vụn hết. Những hạt bụi bay lấp lánh giữa các ngón tay của nó. Thẩm Phong nhìn hành động thô lậu này rồi quay mặt đi.
- Châu báu ở đâu? Châu báu!
Vừa hét lên, Chu Bảo vừa cầm cái xẻng đập vào đáy quan tài. Bị đập dữ dội, cỗ quan tài nhanh chóng rạn nứt rồi vỡ toạc. Mũi xẻng đập vào bệ đá làm tung tóe những tia lửa. Không tìm được gì, Chu Bảo nhảy xuống đất. Tay vẫn cầm xẻng, nó tiếp tục đập phá bức tường hòng tìm thấy một cánh cổng bí mật dẫn đến phòng chứa châu báu. Nhìn thấy bức tường đẹp đẽ bị phá hủy dưới mũi xẻng của Chu Bảo, Thẩm Phong hối hận vì đã theo bạn và đồng lõa với hành động cướp phá của nó. Chu Bảo giờ đang đào mặt đất.
Thẩm Phong, lòng ngổn ngang, túm lấy vai Chu Bảo rồi la lên:
- Trời sắp sáng! Đi thôi.
Chu Bảo gào thét:
- Bình Ngữ không nói dối! Bộ xương không hề mang nữ trang quanh cổ, không ngậm ngọc trai trong miệng, không cầm ngọc thạch trong tay. Đó chỉ là một con hầu còn bà chủ nằm ở phòng kế bên!
- Đi thôi! - Thẩm Phong giận dữ trả lời. - Nếu để lũ chó phát hiện và các nữ tu bắt được chúng ta, chúng ta sẽ chết.
- Tao mặc kệ! Tao không đi chừng nào chưa tìm được châu báu của tao. Thả tao ra!
Chu Bảo huých Thẩm Phong rồi tiếp tục đào bới.
- Tao về - Thẩm Phong nói với nó. - Đi với tao.
- Mày đi đi! Để tao yên!
Thẩm Phong vẫn cố gắng:
- Đi. Ra khỏi đây.
Chu Bảo nhào vào chàng rồi đẩy chàng ngã xuống đất.
- Cút đi, thằng hèn! Tao không muốn thấy mày nữa!
Khi Thẩm Phong chuẩn bị xuống lại hầm, chàng nghe tiếng gọi sau lưng mình:
- Chờ đã!
Chu Bảo ngã xuống đất, dựa vào tường. Đầy bùn và bụi, nó giống như một con chuột đang hấp hối. Thẩm Phong ngồi xuống bên nó. Người Trung Hoa đi vào cõi chết với ít nhất là một vật thuộc về họ. Ngay cả các sư sãi cũng được chôn với tràng hạt. Chu Bảo có vẻ đã đúng. Cái xác chỉ là kẻ thế thân, người chết thật ở chỗ khác, có lẽ không phải trong nghĩa địa này. Lo sợ mộ mình bị phá hoại, cơ thể mình bị ô nhục và danh dự bị vấy bẩn, tướng Chu Du đã cho xây bảy mươi hai ngôi mộ để đánh lừa kẻ thù và phường trộm mộ. Thẩm Phong nhìn khắp căn phòng rồi dừng lại ở nắp quan tài nằm trên mặt đất. Nếu cái hang này chỉ chứa một kẻ thế thân, tại sao lại quàn một bà hoàng giả trong một quan tài làm bằng gỗ nghìn năm tuổi đặt trên bệ đá có họa tiết chạm khắc tinh xảo? Tại sao những bức vẽ trên tường được mạ vàng lại vẽ vẻ huy hoàng trên đường người chết về trời? Tại sao không đặt những đổ cúng tế rẻ tiền để làm hài lòng những tên đào mộ thô lậu và để chúng đi mà không muốn tìm thêm gì nữa?
- Phật tổ ơi, sự từ bi của ngài mà ai cũng nói là vô biên đâu rồi?... Bình Ngữ không thể chết... - Chu Bảo rên xiết.
Thẩm Phong đứng dậy rồi nhớ ra tay buôn đổ cổ Lưu Bé Bự đã đặt chàng làm một cây đàn cổ cầm giả cổ.
- Hãy giúp tao đưa cái nắp quan tài xuống hầm, - chàng nói.
- Nó chẳng giá trị gì, chỉ để nhóm lửa thôi! Kệ nó! Tao sẽ vặn cổ những thằng lữ khách đi một mình để cướp tiền.
- Nhấc nắp quan tài lên, tao nói mày đó.
- Thôi bỏ đi! Tao mệt lử rồi.
Thẩm Phong buộc lòng phải giải thích:
- Mang nó về! Một cây đàn được làm bằng thứ gỗ cổ này sẽ mang lại rất nhiều tiền. Sẽ đủ ày và Bình Ngữ rời khỏi thành...
Bên ngoài, sao đã mờ dần. Ở phía đông, mỏm đá núi bắt đầu đỏ lên. Thẩm Phong và Chu Bảo vội vã lấp cửa hang lại, trèo qua tường nghĩa địa rồi xuống núi bằng con đường yêu thích của lũ nai rừng.
Thẩm Phong sải từng bước dài. Chu Bảo nghiêng ngả theo sau, im lặng, bị cơn mệt và nỗi thất vọng chiếm cứ. Trước khi mặt trời lên cao trên vòm trời, chúng đã kịp đến bờ hồ sâu cuối thung lũng. Chúng nhảy xuống nước để từng cục đất dính trên quần áo và tóc trôi ra, nổi lềnh bềnh. Bất thình lình, giữa dòng nước ngập bùn, Chu Bảo đứng thẳng dậy.
- Thẩm Phong! Thẩm Phong! - Nó la lên quên cả lau mặt. - Mày làm cây đàn cổ cầm trong bao lâu?
- Hai năm để xử lý gỗ và sáu tháng đục đẽo. Sao vậy?
- Hãy quên câu hỏi của tao đi! Mày đã lừa được tao, thằng khốn!
Chu Bảo rã rời lên khỏi hồ. Không nói một lời, cũng không ngoảnh lại, nó đi giày, chạy và biến mất trong rừng.
Mặt trời hiện ra trên vòm trời vuông bị cây cối cắt xẻ rồi ném xuống một cơn mưa những mũi tên ánh sáng trên mặt hồ. Thẩm Phong thấy mình đứng giữa những tia lửa vàng và xanh.