Trong làng nghệ thuật có ba toà thái sơn khó phỏng vấn nhất, là Ninh Xuyên, Trang Thị và Phó Lâm. Ba người là đồng môn, vai học trò hoặc học trò của học trò của lão tiên sinh Cố Hiền. Trong cả ba thì Ninh Xuyên có tiếng nhất, giá tác phẩm đắt nhất, cũng khó chơi nhất.
Nghe bảo một năm nọ hết đợt đấu giá mùa xuân, có phóng viên mảng văn nghệ đợi suốt ba ngày ba đêm ở cổng khách sạn ông ấy ở, nài hết các mối quan hệ cũng không lấy được một lời từ ông ấy. Đến cái hôm ông ấy trả phòng thì lại mua cho phóng viên với người chụp hình đang trực mỗi người một ly cà phê, sau đó vẫy vẫy tay, không hé răng một chữ, bắt xe ra sân bay, phong độ như người tiên trên trời.
Người ta lễ độ quan tâm thế ai mà nỡ mắng, nhưng người ta nhất định không nhả một chữ, thật là hết đường.
Thế nên trong mảng văn nghệ mọi người đều ngầm hiểu với nhau là chẳng ai có thể phỏng vấn được Ninh Xuyên, khổ nỗi đề tài nóng thì lại không thể để trống, thế là bèn nhét cho người mới là tôi đây. Dù sao cũng là tốn công vô ích, công giờ của người mới vẫn rẻ hơn tẹo.
Tuy tôi không hiểu giang hồ hiểm ác, nhưng nhìn sắc mặt của đàn anh chị cũng thừa hiểu việc tới tay mình là kiểu nhọc lòng mà chả thành công cán gì.
Tư Kỳ là phóng viên cùng tổ văn hoá với tôi, hơn tôi hai tuổi, một năm trước được nhận vào chính thức, hết sức cởi mở chia sẻ kinh nghiệm cho tôi thế này: "Em cứ viết đại một cái đề cương phỏng vấn gởi qua, bị từ chối thì chụp màn hình lại gửi email báo cho chú Triệu Khách là xong. Không cần phí quá nhiều thời gian, cũng chả ai trông chờ em thật sự phỏng vấn được đâu mà lo."
Trên bàn làm việc của anh ta để đầy sách mới xuất bản, thường ngày chỉ việc vớ đại hai quyển đem dẫn ra là giải quyết xong nhiệm vụ, cả người khoẻ re lại còn rảnh rỗi. Nhưng bụng tôi vẫn nghĩ, làm việc kiểu ấy thì mình thấy chán đầu tiên.
Nếu thật sự có thể phỏng vấn được Ninh Xuyên sẽ hay lắm cho xem, ông ấy chẳng chịu cho phỏng vấn có lẽ không đơn giản chỉ là vì muốn giữ kín đời sống riêng...
Tôi lên mạng tra cứu hết tất cả tư liệu có thể tìm được về Ninh Xuyên, hầu như không thấy một tí gì có giá trị. Do tranh của ông ấy liên tục phá kỉ lục đấu giá nên hầu như đều là tin về gia tài các thứ. Chẳng qua đào bới mãi một hồi, tôi tự nhiên túm được một đầu mối tin tức - Ninh Xuyên tuy không cho ai phỏng vấn mình, nhưng lại thường xuyên được nhắc đến trong phỏng vấn của một nhân vật khác.
Nhân vật này tôi rất quen thuộc, là Minh Việt, ngôi sao mới nổi trong làng dịch tiếng Pháp trong nước, tôi có đọc đôi ba quyển anh này dịch. Minh Việt tầm hơn hai mươi tuổi, từng ra mấy quyển tiểu thuyết văn học Pháp cực được giới trẻ yêu thích văn nghệ đón nhận. Năm kia anh ta có đem về một quyển sách giới thiệu các trường phái nghệ thuật đương đại. Ra sách tất nhiên đi kèm các hoạt động PR giới thiệu, Minh Việt thời gian ấy có thực hiện khá nhiều phỏng vấn, thường xuyên nhắc đến các tác phẩm của Ninh Xuyên, khen ngợi tác phẩm của ông đa tầng, tính thẩm mỹ cao, đủ đứng ngang hàng với quốc tế.
Tôi tình cờ có từng đọc quyển ấy, Minh Việt trong phần cuối sách viết lời tri ân có gồm tên Ninh Xuyên, còn có một chi tiết nhỏ, Minh Việt nhắc tới, lần đầu tiên đi bảo tàng Louvres ở Pháp là Ninh Xuyên dẫn đi, mà cứ theo suy đoán lần ngược lại thì ấy đã là chuyện mười năm trước.
Bạn bè thâm giao hơn mười năm, hai bên chuyện trò hẳn là đầy chủ đề. Tôi háo hức gọi điện thoại cho Dương Phong, nói mình định tìm Minh Việt trước, anh ta bèn nói: "Không được gì đâu, ai cũng biết hai người họ chơi thân, nhưng mà không thông, đâu phải chưa ai nhờ Minh Việt kết nối hộ, Ninh Xuyên đều từ chối hết cả."
... Vừa le lói chút tia sáng lại bị bịt lại như hũ nút, tôi nản hết cả lòng, Dương Phong cũng ân cần khuyên tôi gần y hệt lời Tư Kỳ: "Không phỏng vấn được cũng chả sao, em đừng phí quá nhiều thời gian. Không phải ngày mai em với Lan Khê đi Trường Bạch Sơn quay tiết mục à? Đi thu xếp hành lý đi, trên đường đi chú ý an toàn."
Tôi lặng lẽ cúp điện thoại, thức suốt đêm chỉnh sửa lại đề cương phỏng vấn lần nữa, viết cả một cái email dài, trước khi lên máy bay nhấn gửi cho email của Ninh Xuyên. Lúc đáp cánh, hộp mail chẳng nhúc nhích tí nào, thậm chí còn chẳng có email trả lời tự động.
Trên đường tới khách sạn, tôi lại mở máy tính, suy nghĩ viết thêm một bức email dài nữa. Lúc nhận phòng vừa kết nối được mạng bèn gửi đi ngay cho Minh Việt, bụng nghĩ: Kệ còn nước ta còn tát.
Lần này thì nhận được email tự động trả lời, sau đó... thì không có sau đó.
Suốt cả tháng ấy tuy là đương đi công tác, nhưng vì đợt trước tra cứu tư liệu cũng bị cuốn vào, nên tôi vẫn giữ thói quen tiếp tục đọc về lịch sử nghệ thuật và phê bình nghệ thuật, nghĩ ra được gì thì lại bổ sung vào đề cương phỏng vấn, sửa đến khi thấy có khác đi bèn đem gửi cho cả hai vị, cũng chẳng để tâm có ai đáp lại không.
Cứ thế mãi đến tận buổi sáng mà nhóm Niệm Từ hẹn sẽ đổ bộ, còn chưa đến 9 giờ, tôi bị tiếng điện thoại reng ầm ĩ dựng dậy.
Trong điện thoại, hiếm khi nghe giọng Dương Phong quýnh quáng: "Hoàng Doanh Tử em mau bắt xe tới, Ninh Xuyên đang ở bảo tàng mỹ thuật số 798 mà nhà họ Phó vừa thành lập. Ông ấy cho mình buổi chiều nay, phóng viên và người chụp hình đều có mặt đủ cả rồi."
Tôi dụi mắt, còn chưa phản ứng kịp: "Ông ấy chịu cho phỏng vấn rồi á?"
"Chưa đâu, chỉ bảo em có thời gian thì qua chuyện trò thử, thấy OK sẽ cho phỏng vấn." Đầu tôi vẫn đang mít đặc trong cơn ngái ngủ: "Vậy, là em phỏng vấn thật à?"
"Không phải em thì ai?! Ông ấy tự mình gọi điện cho Triệu Khách bảo sáng sớm có trả lời email em, nhưng lo là sáng em không kiểm tra email. Tuần sau ông ấy đi Đức rồi, thời gian không có nhiều nên muốn liên lạc được sớm."
Tôi từ giường lật phắt người bật dậy, bạn chung phòng lơ mơ hỏi: "Doanh Tử sao cậu dậy sớm thế?" Phòng của bọn tôi toàn đi thực tập cho bên quảng cáo với tin tức, đứa nào cũng làm đến tối khuya, dậy là đi ăn trưa thay ăn sáng luôn. Tôi vớ lấy một chiếc áo thun tròng lên, vào WC vốc nước rửa mặt: "Tớ được đi gặp Ninh Xuyên rồi!"
"Phỏng vấn được rồi hả?"
"Chưa quyết, chỉ bảo tớ tới nói chuyện thử."
Các bạn chung phòng nghe tôi nhắc cái vụ phỏng vấn này đầy tai suốt học kì, thế là rôm rả dậy cả, ở trên giường chỉ trỏ hỏi han: "Đừng quên máy ghi âm!" "Nạp điện chưa ấy? Hay lấy của tớ này?"
"Mang vé triển lãm tháng trước tớ đi xem nhờ ký cho tớ nhá!"
"Đúng rồi, chiều không phải cậu còn đón bạn học tới ăn cơm à, về kịp không ấy?"
Tôi rống to một tiếng, ngồi sụp xuống ôm đầu: "Trời đất ơi nhiều chuyện quá giờ mình làm cái gì trước đây?"
Đúng rồi, gọi điện thoại cho Niệm Từ đã! Tôi túm lấy điện thoại đi vào WC, ngậm bàn chải đánh răng lúng búng nói: "Niệm Từ, giờ tớ phải đi phỏng vấn, khung piết coá đốn các cạo được khung?"
"Cậu đánh răng xong rồi từ từ nói, đừng để nuốt kem đánh răng vào bụng."
Tôi hoả tốc súc miệng, "Niệm Từ, các cậu đi tới đây làm sao? Hay cứ qua chỗ trú trước đi, đợi tớ về rồi hãy ra quán?"
"Có gì đâu, cậu cứ đi công việc, bọn tớ tới quán gọi món trước đợi cậu." Niệm Từ chỉ dẫn theo thói quen, "Nhớ phải cầm điện thoại, máy ghi âm phải sạc đầy, phòng sẽ bật máy lạnh cậu mang theo áo khoác, không tí lại vừa phỏng vấn vừa chả.y nước mũi..."
Tôi răm rắp làm theo, sắp đủ vào ba lô xong tròng giầy vào, hỏi: "Thế các cậu biết tới chỗ quán tớ đặt đi làm sao không?" "Bọn tớ biết mà."
"Đã đến bao giờ đâu sao cậu biết được?"
"Tới chỗ trường cậu hỏi thì biết thôi mà. Nói chung cậu không phải nghĩ mấy chuyện này, lo phỏng vấn cho tốt đi nhé, cậu về là mình vào tiệc!" "OK nha!"
Tôi yên tâm, vẫy tay chào bạn cùng phòng rồi phi thẳng ra ngoài, cũng không dám chờ bus mà ngoắc chiếc taxi nói địa chỉ bảo tàng mỹ thuật, "Chú ơi, nửa tiếng mình tới kịp không chú?"
"Khó nói, từ đây qua khu Đông sợ là kẹt xe." "Chú giúp con tí nha, mình đi nhanh được bao nhiêu đi nha chú!"
"Tôi giúp cô cũng chả được, phải kêu các xe khác họ né thì may ra."
Tôi chẳng trả lời trả miếng với chú ấy tiếp mà bắt đầu mở máy tính xách tay ra dò lại đề cương. Bấy giờ bèn phát hiện trong hộp email có tin báo email mới.
Là từ một địa chỉ email lạ hoắc, có lẽ nhận từ lần trước kết nối mạng, tựa đề tiếng Anh, nhưng vì chưa được tải về nên mở không ra.
Tôi nhìn đuôi địa chỉ của email mới gửi đến, trong bụng tự dưng thấy bứt rứt bực bội.
Đó là email từ một trường đại học danh giá ở bờ Tây nước Mỹ, ngôi trường tổng hợp duy nhất sánh ngang được với Ivy League ở bờ Tây. Phần trước của tên email là "jiangyi0809".
Tưởng Dực từ lúc lên năm ba đại học bắt đầu học văn bằng hai tại trường này, đây là email cậu ấy gửi tới sau ba năm.
========