Từ hồi tháng chín về, cậu ấy hầu như không mấy khi đi đâu, phác thảo chất đầy như đụn tuyết trong nhà, bảng vẽ cũng đổi cái đời mới nhất.
Cậu ấy với đoàn đội liên tục họp online, bàn bạc hướng đi cho tác phẩm, lên kế hoạch cho giai đoạn đầu sản xuất.
Thi thoảng tôi cũng ngồi nghe ké, nghe xong còn thảo luận với cậu ấy "Lúc tướng tinh hạ phàm đừng có dựng mấy cảnh sấm vang chớp giật, bảo hiện tượng lạ chứ xem phát nhàm rồi ấy" hoặc là "Vân Trung Tử tạm thời đừng xuất hiện vội, chỗ này tớ muốn thấy người đẹp trai cơ"...
Cũng khá là lý thú.
Có lúc không có gì cần ra ngoài, bọn tôi cứ thế ru rú ở nhà suốt, tôi viết bài, cậu ấy vẽ tranh, hai người cùng dạo chợ mua thực phẩm về nấu ăn hoặc ăn tiệm, chọn ngày trong tuần vắng người đi xem triển lãm, đi chơi khu trung tâm, tối nếu không xem phim hay biểu diễn thì sẽ diễu loanh quanh, sau đó đúng 11 giờ đánh răng rửa mặt lên giường đi ngủ.
Ba mẹ tôi nhân chuyến du lịch nước ngoài phải tới Bắc Kinh bắt máy bay, bèn lên sớm mấy ngày tới ở chung với bọn tôi. Thấy lịch trình hàng ngày đều đều của hai đứa, mẹ tôi tỏ thái độ hài lòng nhưng không giấu được lo nghĩ: "Sức khoẻ các thứ có vẻ ổn, nhưng chẳng giống người trẻ tí nào."
Bụng tôi biết mẹ lo tôi không thích nghi được với sự phức tạp trong môi trường công sở và ngoài xã hội. Bà chắc cũng thầm thắc mắc lựa chọn hiện tại của tôi có phải là để né tránh các mối quan hệ xã giao người lớn hay không.
Chuyện tôi xin nghỉ việc ở "Kinh Khách" hơn một năm hơn sau hai người họ mới được hay. Lúc đó, tôi vừa vào làm việc nửa năm theo chế độ chín chín sáu* tại một trang tin mạng. Nhờ có lần bên tạp chí thời trang tới đặt viết hai bài PR cho nghệ sĩ họ phỏng vấn, báo ra được phản hồi rất tốt, thế là tôi chuyển hẳn sang làm mảng giải trí, đồng thời cũng nhận viết thuê cho các báo khác, mở chuyên mục riêng, đường hoàng trở thành một cây (chuyên ngồi nhà) viết.
So với ba mẹ tôi cả đời công tác tại xí nghiệp sáng tám giờ vào làm, chiều năm giờ nghỉ, đang trong ca làm thì ăn uống giải lao đều phải theo tiến độ sản xuất, cuộc sống đều đặn lặp đi lặp lại nhưng mỗi giờ mỗi phút đều hết tâm hết sức, thì cái kiểu làm việc lãng đãng của tôi không khỏi làm họ lo lắng.
Lo lắng của ba mẹ có thừa hay không, tự tôi cũng khó nói rõ.
Tôi cứ viết hết loạt bài PR này đến loạt bài PR khác, từ ngữ mô tả càng lúc càng điêu luyện, chẳng có fan hâm mộ nào lại đi công kích chuyện tôi viết có khoa trương không, nội dung thể hiện được bao nhiêu phần sự thật bên trong, trái lại còn vui như hội, trích đi trích lại kèm theo ca tụng không ngớt những câu từ hoa mỹ, mỗi một bài viết đều là một câu chuyện vừa lòng tất cả các bên.
Rốt cuộc là đương núp ở vùng an toàn hay là đã tìm thấy con đường phù hợp với bản thân, tôi nhìn cảnh sống phồn hoa chung quanh cùng những phím chữ đen trắng dưới đầu ngón tay, chẳng biết đoán định thế nào.
Nhưng cũng may là Tưởng Dực không nói triết lý gì với tôi. Còn hơn thế nữa, cũng không biết là vô tình hay cố ý, việc cậu ấy về nước vừa hay trở thành chiếc vỏ ốc để tôi có thể chui vào nương náu. Ở trong vỏ ốc, tôi thấy yên tâm lạ kì, có thể cuộn mình lại không phải đối mặt với bao chuyện nằm ngoài tầm tay kiểm soát. Thảng hoặc, nhớ lại giấc mơ thủa đầu là làm một nhà báo quan sát thực tế xã hội, bóc tách nhân tình thế thái, dường như cũng không thấy sôi sục, thúc hối như xưa. Thậm chí tôi còn đâm hoang mang, không nhớ ra nổi tại sao ban đầu mình lại nhiệt tình đến thế.
Nhưng có người lại nhớ thay cho tôi.
Chỉ là, tôi không ngờ người ấy là Trang Viễn.
Đợt ấy cuối năm, có lần tôi làm phỏng vấn ở Quốc Mậu, xong thì qua chỗ studio của Tưởng Dực gặp cậu ấy. Lúc tới nơi, cái người này đang ngồi họp trong phòng kính, làm thế tay bảo tôi đợi một chút.
Thế là tôi tự mình rẽ về phía phòng làm việc của Tưởng Dực, đem bày một đống mô hình figure lên chiếc ghế xoay, đang hí hửng nghịch thì điện thoại di động hắn để trên bàn vang lên tiếng tít tít báo hiệu, có ba tin nhắn vừa đến.
Tin đầu tiên là một tấm ảnh, hẳn là người gửi đương trên máy bay, chụp trang trong một tờ tạp chí, là bài PR cho một ngôi sao tôi viết vừa xuất bản mấy hôm trước. Tin thứ hai toàn chữ, Trang Viễn hỏi: Cậu biết trước đây cô ấy viết những bài thế nào không?
Tin nhắn thứ ba cũng toàn chữ, là câu trần thuật: Mấy năm nay cậu vẫn chẳng khác đi tí nào.
Ngay lúc đó, tôi nghĩ mãi cũng không hiểu được liên kết giữa tấm hình với hai câu sau của cậu ấy. Nhưng tôi có thể nghe ra giọng chất vấn trong đó. Mà câu chất vấn này lại có liên quan đến tôi.
Tưởng Dực về tới, tôi ngước mắt khỏi điện thoại, hỏi giọng kì khôi: "Trang Viễn nhắn vậy có ý gì ấy?"
Tưởng Dực bước lại gần ngó qua, tiện tay để máy tính xách tay xuống, quay người choàng áo jacket da, lấy áo đại hàn của tôi từ bên cây móc quần áo, "Không biết. Mình đi, nhà Khâu Hàng tới rồi."
Tôi nghe lời bước lại tròng tay vào áo, để cậu ấy giúp kéo khoá, quàng khăn với lại nón cho, liền đó tôi cầm điện thoại của cậu ấy bấm gọi Trang Viễn: "Cậu ấy muốn nói gì cơ chứ, sao lại nhắn tin rõ kỳ cục, mà sao tắt máy rồi..."
"Chắc là đang trên máy bay, cuối năm cậu ấy phải đi Mỹ thương lượng bản quyền." Tôi bị túm lấy tay áo kéo ra khỏi văn phòng, lúc đứng đợi thang máy vẫn còn chưa cam tâm lại nhấn gọi thêm lần nữa, nghe vẫn báo bận mới đành bỏ cuộc, nhưng cứ lởn vởn nghĩ ngợi: "Bài tớ viết trước đây cậu ấy có đọc à, sao lại đi hỏi cậu đọc chưa, rốt cuộc cậu ấy muốn nói gì thế chứ..."
Tưởng Dực cầm cái điện thoại tôi đưa qua, không đáp mà bật lên gọi cho Khâu Hàng: "Bọn tớ mới xuống, các cậu gọi món trước đi."
Phim mới nhất của Khâu Hàng vừa đóng máy xong, một năm vừa rồi cậu ấy đúng là hết mình vì sự nghiệp, đóng một mạch bốn bộ điện ảnh, hầu như ăn uống ngủ nghỉ đều trong đoàn phim. Nếu không phải trong số ấy có một bộ lấy bối cảnh Bắc Kinh, thì các bộ khác toàn là Minh Vũ nghỉ hè tới thăm đoàn phim hai người mới được sum họp.
Chỉ là năm qua Minh Vũ cũng bận quáng cả lên, cậu ấy vừa học lên tiến sĩ, mỗi ngày nếu không lên lớp thì lại vùi đầu trong thư viện, làm bài, viết luận văn, còn phải lên lớp dạy khoa cơ bản. Lần nào tôi gặp cũng thấy cậu ấy ốm thêm một chút.
Tiến sĩ Phương gọi đồ nướng đủ cho tám người ăn ná thở, tay cầm đũa sắt trở thịt, miệng nói chắc như đinh đóng cột: "Tớ không học gì hết nữa đâu! Sếp khoa tớ tự nhiên lại kêu tớ đi nước ngoài học lấy học vị bên đó cơ chứ! Ông bác nghĩ tớ có chí tiến thủ ghê lắm à? Cho là tớ bị ghiền nghiên cứu hay là sao? Tớ tính hết rồi, năm sau lấy tấm bằng xong tớ sẽ tìm đại một trường đại học xoàng xoàng nào đấy ký hợp đồng dạy thuê, mỗi ngày lên lớp một tiết xong là có thể ở nhà đọc sách xem phim, làm một con sâu gạo, cái gì mà chức tước luận văn giảng viên giáo sư dẹp, dẹp hết!"
Bọn tôi nghe từ tai này qua tai kia, tiếp tục trò chuyện.
Cái cậu này cứ đụng chuyện học hành là lại làm một đằng nói một nẻo. Bao nhiêu năm nay cậu ấy dốc sức cày là để được giữ lại trường làm giảng viên đi dạy, ai mà tin mấy câu cậu ấy nói linh tinh do căng thẳng trước khi thi chứ.
Khâu Hàng múc canh cho cậu ấy, chỉ nói: "Đi nước ngoài đợi nửa năm sau đi, lúc đó anh có bốn tháng trống lịch, đi theo cùng em luôn." Minh Vũ nổi đoá: "Đã nói là em không đi mà!"
Khâu Hàng nói nhẹ nhàng: "Không đi càng tốt."
Bọn tôi ngồi trong quán bar uống rượu tám chuyện rôm rả mãi đến tận mười giờ tối, lúc ra khỏi quán, tình cờ thấy ngay một con xe màu sâm panh đậu trước cửa. Tự dưng tôi khựng lại, mắt dán vào món đồ be bé treo trên gương chiếu hậu của xe.
Ấy là một túi bùa tết.
Vải lụa tím nhạt, mặt túi có hình đoá sen thanh nhã, túi tết bằng tay, trên đời này chỉ có một, thậm chí còn có thể nghe được mùi thơm từ lá hương thảo hồi Tết đoan ngọ bọn tôi đi hái.
"Nhìn gì thế?" Tưởng Dực lái con Audi của Trang Viễn từ bãi gửi xe chạy ra.
Cùng lúc ấy, chỗ con xe màu sâm banh, anh tài xế lái giúp cũng vừa bước xuống đón một thanh niên trẻ tuổi bước khỏi cửa quán bar.
Thanh niên ấy cao ơi là cao, tương đối gầy, mắt mày trông nhẹ nhàng thư giãn, trời lạnh thế này lại chỉ bận mỗi lớp áo sơ mi trắng to rộng, còn để mở cổ áo. Anh ta nói với tài xế lái giúp: "Đi sân bay."
Sân bay? Lòng tôi nảy ra gì đó.
Thanh niên ấy trước khi lên xe hình như cảm nhận được ánh mắt của tôi, ngoảnh lại nhìn.
Tôi không kịp kéo ánh mắt về, thế là thành đối mắt ngó nhau. Cái người này hơi chựng lại, thế mà giống như nhận ra tôi hay sao, còn cười với tôi, gật đầu xong mới lên xe đi mất.
"Sao thế?" Hai người Minh Vũ quay đầu gọi.
"Không, không có gì... Niệm Từ hôm nay từ Hongkong về đúng không?" "Gì cơ?"
"Không, không có gì."
========